Bài thứ bốn mươi mốt-> Bài thứ năm mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 35351)
Bài thứ bốn mươi mốt-> Bài thứ năm mươi

Bài thứ bốn mươi mốt

 

ĐỨC THẦY đáp họa :

 

Đạo đức truyền ban cũng chửa rồi,

Xa đường nguyện ước chuyện con tôi.

Mưa tuôn vừa tiết ngư thong thả,

Dạ thảm lòng vui cũng bắt ngùi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-ĐẠO ĐỨC: Con đường hợp với lẽ phải, dẫn đến tâm lành.

          TRUYỀN BAN: Truyền: Trao từ người nầy đến người kia. Thế hệ nầy sang thế hệ khác. Ban: Phát ra, người trên cho kẻ dưới.

          CŨNG CHỬA RỒI: Hiện còn đang dở dang, chưa xong.

          *Tóm lược ý câu “Đạo đức truyền ban cũng chửa rồi”: Đạo đức truyền cho chúng sanh hiện còn dang dở.

          2/-XA ĐƯỜNG: Nghĩa bóng: Đạt đến đích còn xa diệu vợi, chưa có thể thành công.

          NGUYỆN ƯỚC: Mong muốn, ước mơ.

          CHUYỆN CON TÔI: Do câu “Quân thần phụ tử” (Vua tôi, cha con). Nghĩa bóng: Đạo làm người.

          *Tóm lược ý câu “Xa đường nguyện ước chuyện con tôi”: Hãy còn xa điều hi vọng.

          3/-MƯA TUÔN: Mưa lớn từ trên cao rơi xuống. Nghĩa bóng: Nguồn giáo pháp được lan tỏa khắp mọi nơi.

          VỪA TIẾT: Đúng lúc, đúng thời điểm.

          NGƯ: Cá.

          THONG THẢ: Không bận bịu.

          *Tóm lược ý câu “Mưa tuôn vừa tiết ngư thong thả”: Đạo đức đem dạy chúng sanh thật là đúng lúc. (Cũng như cá sắp chết vì cạn nước, may gặp trời mưa lớn nên thoát nạn).

          4/-DẠ THẢM: Lòng đau xót.

          LÒNG VUI: Tâm hồn khoan khoái, thong thả.

          CŨNG BẮT NGÙI: Ngùi: Cảm động. “Bên trời cây lá cờ bay ngùi ngùi”. Cũng phải cảm động trong lòng.

          *Tóm lược ý câu “Dạ thảm lòng vui cũng bắt ngùi”: Ta thì buồn thảm, còn ông thì vui, thật trớ trêu thay !

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết: Việc dạy đạo còn đang dang dở, lòng nhân đạo ít có người nghĩ đến. Tuy đem đạo dạy đời thật đúng lúc, người ta thì vui vẻ, còn mình thì xúc động bồi hồi.

 

Bài thứ bốn mươi hai

 

ĐỨC THẦY đáp họa (tt) :

 

Bắt ngùi cho kẻ bạc đầu xanh,

Sum hiệp cùng nhau cội nhánh nhành.

Gặp lúc tiết hòa mưa đượm sắc,

Quyết lòng trợ thế với bồi thành.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-BẮT NGÙI: (Xem Bắt Ngùi phần trên).

          CHO KẺ: Ý chỉ người nào đó.

          BẠC ĐẦU XANH: Bạc đầu: Nghĩa của từ Bạch phát. Xanh: Còn trẻ. Nghĩa rộng: Kẻ còn trẻ, người thì đã già.

          *Tóm lược ý câu “Bắt ngùi cho kẻ bạc đầu xanh”: Cảm động khi kẻ thì già, người thì còn trẻ. (Ý nói đến ông Trân và Đức Huỳnh Giáo Chủ).

          2/-SUM HIỆP: Cùng sống chung hay họp chung lại đông đúc.

          CÙNG NHAU: Với ai đó.

          CỘI NHÁNH NHÀNH: Cây nhiều cành con. Nghĩa bóng: Có nhiều điềm lành đưa đến. Đức Huỳnh Giáo Chủ:

Hiệp chung một cội nhánh nhành,

Sum sê lá thắm chim xanh nối đường.

          *Tóm lược ý câu “Sum hiệp cùng nhau cội nhánh nhành”: Sau nầy mọi người sẽ cùng sống trong một xã hội bình đẳng hạnh phúc. (Điển hình như đời Thượng Nguơn).

          3/-GẶP LÚC: Thời cơ thuận tiện.

          TIẾT HÒA: Do câu “Mưa thuận gió hòa”. Nghĩa rộng: Hợp thời tiết.

          MƯA ĐƯỢM SẮC: Mưa làm cho cây cỏ tốt tươi. Nghĩa bóng: Nguồn đạo đức rất cần thiết cho mọi người, để tu sửa trở thành tốt đẹp.

          *Tóm lược ý câu “Gặp lúc tiết hòa mưa đượm sắc”: Thời vận hanh thông thì nguồn đạo đức được phát khai.

          4/-QUYẾT LÒNG: Nhất định phải thực hành cho bằng được.

          TRỢ THẾ: Giúp đời.

          VỚI: (Giới từ): Nối liền…

          BỒI THÀNH: Bồi: Vun đắp. Thành: Cái thành. Nghĩa bóng: Luôn giữ vững lập trường truyền bá đạo đức.

          *Tóm lược ý câu “Quyết lòng trợ thế với bồi thành”: Phải quyết tâm đem sức ra nâng đỡ đất nước và dân chúng, trở nên thịnh vượng và hạnh phúc. Chớ không được lựa chỗ ở yên thân.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Vì lo cho dân cho nước khiến cho người già tóc trắng phau đã đành, còn tuổi trẻ cũng phải sớm bạc đầu. Bởi cùng chung lý tưởng lo trợ thế, thì cũng phải bồi thành.

Bài thứ bốn mươi ba

 

ĐỨC THẦY cho thêm :

 

Bồi thành mới phải đạo văn Nhu,

Có lẽ ngày kia rắn hóa cù.

Lũ lượt đàn chim bay kiếm ổ,

Rán mà theo dõi bớ văn Nhu.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-BỒI THÀNH: (Xem Bồi thành phía trước).

          MỚI PHẢI: Đúng như vậy.

          ĐẠO: Con đường hợp với lẽ phải. Bổn phận của mỗi người phải đền đáp. Đức Huỳnh Giáo Chủ: Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với Trời Phật, của mình đối với Đồng bào Nhân loại và của mình đối với mình”. Ngoài ra còn chỉ về Tôn giáo.

          VĂN NHU: Còn gọi Văn Nho. Văn chương Nho Giáo. Nghĩa rộng: Do chữ Nho sinh: Học trò đạo Nho (Tức học trò của Đức Khổng Tử, Giáo chủ Nho Giáo).

          ĐẠO VĂN NHU: Đạo của Đức Khổng Tử, Giáo chủ Nho Giáo.

          *Tóm lược ý câu “Bồi thành mới phải đạo Văn Nhu”: Người Nho sinh thì phải giữ gìn nhân cách và hành động với đạo nhân luân mà Đức Khổng Tử đã chủ xướng.

          2/-CÓ LẼ: Hi vọng đạt thành nguyện vọng.

          NGÀY KIA: Lúc nào đó.

          RẮN HÓA CÙ: Con rắn do tu mà trở thành con cù (Tức con rồng). Nghĩa rộng: Nhờ công phu tu tập phàm thân trở nên Tiên Thánh.

          3/-LŨ LƯỢT: Từng đàn, từng nhóm.

          ĐÀN CHIM BAY: Nhiều con bay đi có hàng ngũ.

          KIẾM Ổ: Tìm chỗ để nghỉ cánh. Nghĩa rộng: Nơi an cư lạc nghiệp.

          *Tóm lược ý câu “Lũ lượt đàn chim bay kiếm ổ”: Nhiều người sẽ quay đầu hướng thiện, tìm về đạo đức để có cuộc sống an lành hạnh phúc.

          4/-RÁN MÀ: Hãy nên cố gắng.

          THEO DÕI: Tìm hiểu và thực hành theo.

          BỚ: Lời động viên, kêu gọi.

          VĂN NHU: (Xem văn Nhu phần trước).

          *Tóm lược ý câu “Rán mà theo dõi bớ văn Nhu”: Đức Thầy động viên ông Trân hãy cố gắng tu hành và giữ tròn khí tiết của một Nho sĩ.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên ông Trân rán giữ gìn phẩm hạnh và khí tiết của nhà Nho, theo dõi con đường đạo đức sau nầy sẽ trở nên bậc hiền nhơn Thánh triết, cũng như con rắn biết tu cũng có thể hóa rồng.

 

Bài thứ bốn mươi bốn

 

ĐỨC THẦY cho thêm :

 

Văn Nhu vẹt phá sụp ao tù,

Tước túng dân nghèo lại thiếu xu.

Khổ, khổ thương đời luân chuyển kiếp,

Phân trần cụ lão chuyện người tu.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-VĂN NHU: (Xem văn Nhu phần trên).

          VẸT PHÁ: Vẹt: Vạch ra hai bên. Phá: Làm cho tan mất. Nghĩa rộng: Làm cho nó khác đi, trở thành tốt đẹp hữu dụng.

          SỤP AO TÙ: Phá bỏ điều xấu, trút ách nô lệ.

          *Tóm lược ý câu “Văn Nhu vẹt phá sụp ao tù”: Là văn Nhu thì phải vẹt phá ách nô lệ, tìm đường để cứu dân cứu nước.

          2/NƯỚC TÚNG: Nước nhà còn nghèo khó, chưa mở mang phát triển.

          DÂN NGHÈO: Mọi người sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

          LẠI THIẾU XU: Lại không có tiền để chi dụng hằng ngày hoặc khi đau ốm, bệnh hoạn.

          *Tóm lược ý câu “Nước túng dân nghèo lại thiếu xu”: Nước ta đã nghèo, mà người dân lại quá nghèo.

          3/-KHỔ, KHỔ: Hết sức gian lao vất vả.

          THƯƠNG ĐỜI: Quan tâm đến xã hội mà người dân kém phát triển, còn nghèo túng vất vả quanh năm.

          LUÂN CHUYỂN KIẾP: Hết phàm thân nầy, đến phàm thân khác để khai đạo dạy đời.

*Tóm lược ý câu “Khổ, khổ thương đời luân chuyển kiếp”: Thấy người dân lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khổ sở, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ luôn luôn ở bên cạnh để cải thiện đời sống và xã hội trở nên giàu sang thịnh vượng. Ý nguyện nầy chính Ngài đã thố lộ:“Bể trầm luân khô cạn sáu đàng, Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”. hoặc:“Nếu chúng sanh còn chốn mê tân, Thì ta chẳng an vui Cực Lạc”.

4/-PHÂN TRẦN: Bày tỏ rõ ràng, minh bạch.

CỤ LÃO: Ông già (Ý chỉ ông Nguyễn Kỳ Trân).

CHUYỆN NGƯỜI TU: Vấn đề của người tu hành, phải tự trau sửa thânn tâm và khuyên tấn mọi người làm theo, để trở nên tốt đẹp. (Ý nói đến Đức Huỳnh Giáo Chủ).

*Tóm lược ý câu “Phân trần cụ lão chuyện người tu”: Đức Huỳnh Giáo Chủ cho ông Trân biết: Sứ mạng của Ngài là khai đạo, chọn người hiền để dự Long Hoa đại hội.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đạo của Thánh hiền không khéo giữ gìn và phát huy, đến ngày nào đó sẽ bị mai một. Nước ta đã nghèo mà dân lại càng quá nghèo. Cho nên Ngài mới luân chuyển kiếp khai đạo, chọn người hiền đức lập đời Thượng Nguơn, để mọi người được sống trong cộng đồng an vui tự tại.

Bài thứ bốn mươi lăm

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN (Châu Đốc)

 

Lưng chưng một bước lạ làng,

Viếng thăm khắp chốn luận bàn huyền cơ.

Người đời lòng những ước mơ,

Một câu đạo hạnh lỡ ngờ chuyện xa.

Đêm khuya còn vắng tiếng gà,

Bút nghiên tạm lấy tờ hoa tố trần.

Ô kim vàng ấy ngàn cân,

Dương gian muốn đổi lập thân cho tròn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          LƯNG CHƯNG: Chưa ở một nơi nào nhứt định.

          LUẬN BÀN: Bình luận và bàn bạc.

          HUYỀN CƠ: Huyền: Sâu xa, kín đáo. : Máy móc. Nghĩa rộng: Sự vận hành của Tạo hóa như một cổ máy, không ai có thể biết được.

          ƯỚC MƠ: Mong mỏi, hy vọng.

          ĐẠO HẠNH: Đạo: Con đường, bổn phận hợp với lẽ phải. Hạnh: Nết na. Nghĩa rộng: Hành vi có đạo đức và tính nết tốt đẹp.

          LỠ NGỜ: Lỡ: Trót đã. Ngờ: Chưa tin. Nghĩa rộng: Vì chưa quyết đoán nên để mất cơ hội.

          BÚT NGHIÊN: Như nghĩa chữ Bút Mặc. Bút: Cây viết. Nghiên: Đồ dùng để mài mực (Ngày xưa người ta còn sử dụng tiếng Hán nên viết bằng bút lông) và Mặc: Mực. Nói chung chỉ cây viết và mực. Nghĩa rộng: Văn chương, học hành.

          TỜ HOA: Giấy dùng để viết thư có vẽ hoa. Có thể hiểu như Từ hoa: Văn chương hoa mỹ. Nghĩa rộng: Dùng văn để bày tỏ việc làm.

          TỐ TRẦN: Tố: Nói cho biết. Trần: Trình bày. Nói rõ ràng minh bạch. Trình bày phân minh.

          Ô KIM: Ô: Màu đen, sắc đen. Kim: Vàng, loại kim khí quí giá. Vàng đen.

          NGÀN CÂN: Chỉ cho con số nhiều.

          DƯƠNG GIAN: Dương: Cõi dương. Gian: Khoảng giữa. Cõi dương như chữ Dương thế. Nghĩa rộng: Cõi đời của mọi sinh vật đang tồn tại.

          LẬP THÂN: Lập: Dựng nên. Thân: Thân thể. Tu dưỡng, học tập cho nên người hữu dụng.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đêm vắng vẻ, Đức Huỳnh Giáo Chủ dùng giấy mực viết ra Giảng Kệ, khuyên mọi người tu hành, để trở thành người tài đức vẹn toàn, hữu dụng cho dân cho nước.

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

 

Trăm năm ghi tạc miễu son,

Trung quân ái quốc hãy còn danh bia.

Mặc tình tiếng nọ lời kia,

Chẳng màng thế sự đặt bia nhiều lời.

Gẫm ra chuyện lạ ở đời,

Kẻ ngu người trí nhiều lời phân vân.

Xưa kia bạo ngược nhà Tần,

Đem lòng hung ác giết lần văn Nhu.

Ước mơ rắn đặng hóa cù,

Đồng tâm hiệp chí chữ tu dắt dìu.

Lòng hiền giữ vẹn sớm chiều,

Xem kinh niệm Phật mỹ miều mặc ai.

Hưng vong suy thạnh xưa nay,

Cuộc đời vay trả, trả vay đổi dời.

Mấy ai trăm tuổi ở đời.

Được như Bành Tổ mà rời lợi danh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          TRĂM NĂM: Nghĩa của chữ Bách niên.

          GHI TẠC: Khắc (viết) vào. Nghĩa rộng: Ghi nhớ vào trong lòng không thể nào quên.

          MIỄU SON: Miễu: Nghĩa của chữ Miếu. Son: Màu đỏ. Đền thờ được sơn son thiếp vàng, nơi phụng tự các bậc công Thần.

          TRUNG QUÂN: Trung: Hết lòng ngay thẳng. Quân: Vua. Hết lòng trung với vua và hiếu với dân.

          ÁI QUỐC: Ái: Yêu. Quốc: Nước. Yêu nước.

          DANH BIA: Khắc tên vào tấm bia đá.

          THẾ SỰ: Chuyện đời.

          ĐẶT BIA: Kiếm chuyện để nói.

          KẺ NGU NGƯỜI TRÍ: Kẻ dốt nát, cho đến người có học thức. Nghĩa rộng: Kẻ còn mê muội, người đã giác ngộ.

          PHÂN VÂN: Phân: Lộn xộn. Vân: Tạp lạn. Nhiều thứ lẫn lộn, trí não lộn xộn. Nghĩa thông thường: Chưa quyết định được.

          BẠO NGƯỢC: Hung dữ, ngang ngược. Rất hung hãn.

          NHÀ TẦN: Tức Tần Thủy Hoàng, vua nhà Tần. Tộc danh là Chính, hiệu Thủy Hoàng, lên ngôi lúc 13 tuổi. Thống nhất được Trung Quốc, có tài nhưng rất bạo ngược. Sai Mông Điền đấp Vạn Lý Trường Thành để phòng chống giặc Hung Nô. Sợ dân chúng nổi loạn, nên thu hết binh khí của chư hầu hủy đi. Dựng cung A  Phòng, xây Hoàng Lăng ở Ly Sơn tốn đến sáu vạn nhân công. Nghe lời Lý Tư, thu sách vở trong nước đem đốt đi và chôn 460 nhà Nho, để không ai còn đàm tiếu nhà vua nữa. Vì thế, các nhà văn thường dung chữ “Tần”, để nói đến chánh sách cai trị hà khắc, hung tàn bạo ngược của Tần thủy Hoàng.

          HUNG ÁC: Hung: Dữ tợn. Ác: Làm hại kẻ khác.

          VĂN NHU: Còn gọi Văn Nho: Đạo lý của Thánh Hiền (Giáo lý của Khổng Tử). Ngoài ra còn có nghĩa: Nho sĩ: Học trò theo học đạo Nho với Đức Khổng Tử.

          ƯỚC MƠ: Mong mỏi, hi vọng.

          RẮN ĐẶNG HÓA CÙ: Rắn: Loài bò sát. : Con rồng. Nghĩa rộng: Rắn nhờ tu luyện mà hóa kiếp trở thành con rồng. Nghĩa bóng: Người phàm tục nhờ công phu tu tập mà trở thành Thánh Tiên.

          ĐỒNG TÂM: Hiệp một lòng.

          HIỆP CHÍ: Hiệp: Cùng chung. Chí: Điều hướng đến của tâm. Nghĩa rộng: Cùng chung chí hướng, cùng chung mục đích, hoài bảo.

          TU: Sửa đổi, chỉnh đốn để được tốt đẹp hơn.

          DẮT DÌU: Dẫn nhau đi.

          MỸ MIỀU: Vẻ đẹp bề ngoài. Ngoài ra từ Mỹ miều có thể hiểu như sau: Mỹ: Áo thêm một lớp. Ví dụ: Vàng mỹ, tức là vàng giả được áo bên ngoài một lớp kim loại. Miều: Làm màu, làm mè. Mỹ miều: Phô trương, khoe khoang hình thức.

          HƯNG VONG: Hưng: Nổi lên. Vong: Mất đi. Nghĩa rộng: Thịnh vượng và suy sụp.

          SUY THẠNH: Suy: Đang thạnh trở nên sa sút. Thạnh: Dồi dào. Suy sụp và thịnh vượng.

          VAY TRẢ, TRẢ VAY: Định luật bù trừ của Tạo hóa. Hết giàu tới nghèo, hết khốn cùng đến phú quí. Theo Phật Giáo, đó là luật Nhân Quả.

          ĐỔI DỜI: Không đứng yên một chỗ. Nghĩa rộng: Không lấy gì làm bền chắc.

          BÀNH TỔ: Người đời Thượng cổ, tộc danh Tiền Kiên, cháu của Xuyên Húc hoàng đế. Ông sống từ đời nhà Hạ, đến cuối đời nhà Ân, hơn 800 tuổi. Vì ở Bành Thành nên người ta gọi ông là Bành Tổ.

          LỢI DANH: Lợi: Cái có ích thu được. Danh: Tiếng tăm. Lợi ích và tiếng tăm. “Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh”.(Cung oán Ngâm khúc).

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Những bậc trung quân ái quốc, được dân chúng lập đền thờ, khắc tên vào bia ký. Người tu hành mặc ai khoe khoang, phô trương hình thức, ta hãy cố gắng tu dưõng tài đức, để trở thành người hữu dụng. Bởi vì ngày nay ít có ai sống được như tuổi của Lão Bành.

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

 

Quyết lòng tìm kiếm cõi thanh,

Lánh nơi trần tục học hành đường Tiên.

Trả cho rồi nợ tiền khiên,

Đến ngày hiệp mặt kiểng Tiên vui vầy.

Làm sao rõ mặt tớ Thầy,

Tới chừng trăng rọi đài mây mới tường.

Bây giờ nạn ách còn vương,

Cha làm con chịu nhiều đường gai chông.

Nhiều người Kinh sử lảu thông,

Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê.

Kiếm con hiền đức dắt về,

Về nơi cõi Phật Tây Phương an nhàn.

Nợ trần còn sớm liệu toan,

Nghĩa nhơn trọn vẹn mới an tấm lòng.

Thuyền từ kêu gọi ngóng trông,

Trông cho dân chúng bớt lòng tham ô.

Chừng nào thấy được cơ đồ,

Nhơn vô viễn lự gia vô nhơn đình.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          TRẦN TỤC: Trần: Bụi bặm, thế giới chúng ta đang ở. Tục: Nơi mọi người cùng chung sống với nhau (khác với cõi Tiên, cõi Phật).

          ĐƯỜNG TIÊN: Con đường tu tập để chứng đắc quả Tiên hay lên được cảnh Tiên.

          TIỀN KHIÊN: Tiền: Trước. Khiên: Lỗi lầm. Điều lỗi lầm trước kia gây ra.

          KIỂNG TIÊN: Còn gọi Cảnh Tiên. Cảnh: Hình sắc có thể ngắm nhìn. Tiên: Người tu trên núi đắc đạo. Nghĩa rộng: Nơi Tiên ở.

          ĐÀI MÂY: Đài: Một kiến trúc trên cao, đứng trên có thể nhìn thấy bốn phía. Mây: Nghĩa của chữ Vân. Nghĩa rộng: Nơi các bậc Tiên giá lâm.

          TƯỜNG: Hiểu rõ.

          NẠN ÁCH: Hoạn nạn và tai ương.

          VƯƠNG: (Đt. Retenu): Mắc phải.

          KINH SỬ: Kinh: Sách (Dùng để chỉ chung 5 quyển sách Ngũ kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ và Xuân Thu). Sử: Truyện cũ của các nước bên Trung Hoa. Nghĩa rộng: Sách của người xưa học để thi cử: “Năm xe kinh sử một tay vẽ vời” (Cao Bá Nhạ).

          LẢU THÔNG: Biết suốt cả.

          MÀ KHÔNG SỬA TÁNH, BỞI LÒNG CÒN MÊ: Tánh: Tình thương biểu lộ ra ngoài. Lòng: Nghĩa của chữ Tâm. : Bị cám dỗ, lầm lạc. Rối loạn mất khả năng nhận thức, như: Mê đắm danh, lợi, tình…Câu:“Nhiều người kinh sử làu thông, Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê”. Ý nói người có kiến thức rộng rãi, nhưng vẫn còn bị “”, ở đây là tham luyến danh lợi tình. Ba thứ “Mê thuật” ấy không loại bỏ bất cứ một ai. Bởi chữ “” không phải là “U mê” ám chướng để chỉ cho người ngu dốt.

          HIỀN ĐỨC: Người có tài năng, phẩm hạnh.

          CÕI PHẬT: Nghĩa của Phật cảnh. Nơi Phật ở.

          TÂY PHƯƠNG: Danh từ dùng để chỉ thế giới Cực Lạc, Giáo Chủ là Đức Phật A Di Đà.

          AN NHÀN: An: Yên ổn. Nhàn: Rảnh rang. Rảnh rang yên ổn.

          NỢ TRẦN: Nợ: Theo Phật Giáo gọi là Nghiệp, những gì mình còn thiếu của người khác (Bổn phận phải đền trả). Trần: Bụi bặm, nơi chúng sanh đang sinh sống. Nghĩa rộng: Còn ở lại để trả nợ trần gian.

          NGHĨA NHƠN: Nghĩa: Việc hợp với lẽ phải. Nhơn: Lòng thương người mến vật. Nghĩa rộng: Hành động vì việc công.

          THUYỀN TỪ: Danh từ đặc dụng: Theo quan điểm của Phật Giáo Hòa Hảo có thể hiểu là Thuyền Từ bi hay Thuyền đạo. Nghĩa bóng: Lòng từ bi khai đạo để cứu vớt chúng sanh qua bể khổ, ví như chiếc thuyền đưa người từ bờ mê, sang qua bến giác. Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Thả thuyền từ bến giác nâng niu, Kẻ hiểu đạo mau mau bước xuống”.

          DÂN CHÚNG: Dân: Người ở trong làng, trong nước. Chúng: Đông người. Toàn thể hay một số lớn nhân dân.

          THAM Ô: Tham: Ham muốn thái quá. Ô: Nhơ nhớp. Những kẻ tham lam hay làm điều xấu xa, trái với đạo lý.

          CƠ ĐỒ: : Nền móng. Đồ: Mưu tính, còn có nghĩa: Đất nước. Nghĩa rộng: Sự nghiệp vững vàng, chắc chắn.

          NHƠN VÔ VIỄN LỰ: Nhơn: Người. : Không. Viễn: Xa. Lự: Lo. Người không còn phải lo xa.

          GIA VÔ NHƠN ĐÌNH: Gia: Nhà. : Không. Nhơn: Người. Đình: Cửa. Nhà không người dừng lại. Nghĩa bóng: Nhà không cần phải đóng cửa, bởi vì không ai dừng lại lấy trộm.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chũ khuyên hãy cố gắng tu hành để sau nầy gặp được Phật Tiên. Nhiều người tuy làu thông kim cổ, nhưng họ vẫn còn tham đắm danh lợi tình, thường làm điều trái với đạo đức. Đến ngày Thượng Nguơn trở lại, mới hết lo toan mọi nỗi.

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

 

Đến đây thấy cảnh sanh tình,

Lòng son đòi đoạn công trình dạy khuyên.

Cứ lo chế nhạo Khùng Điên,

Ngày sau chịu mãi chữ phiền chữ đau.

Ngọt bùi lời đạo thanh thao,

Đời còn mê muội chừng nào mới thôi.

Vinh hoa một bả làm mồi,

Để câu kẻ dại việc tồi chất lên.

Muốn mình lên được bực trên,

Hãy lo rèn đúc mới nên Thánh Hiền.

Giống lành xưa cũng Rồng Tiên,

Ngày nay hung ác đảo điên khắp cùng.

Mặc tình nghe phải thì dùng,

Chớ đừng bỉ bạc kẻ Khùng làm chi.

Buồn đời gát bút nghĩ suy,

Suy cho cạn lẽ sầu bi quá chừng.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          LÒNG SON: (Dt Fidélité): Lòng tốt, lòng trung thành.

          ĐÒI ĐOẠN: Từng khúc, từng hồi. “Mối sầu đoạn thảm thêm vương vào lòng”. (Đồ Chiểu)

          CÔNG TRÌNH: Công: Việc. Trình: Độ lượng, mức độ. Tiến trình để hoàn thành công việc.

          CHẾ NGẠO: Cười chê ngạo nghễ.

          KHÙNG ĐIÊN: Danh xưng khiêm nhượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          THANH THAO: Thanh: Trong sạch. Thao: Nước mênh mông, chảy cuồn cuộn. Nghĩa rộng: Trong sạch như nước chảy.

          MÊ MUỘI: : Rối trí. Muội: Tối tăm. Trí não bị mờ tối.

          VINH HOA: Vinh: Cỏ đơm bông. Hoa: Cây đơm bông. Kinh Lễ: “Thảo mộc vinh hoa”. (Cây cỏ đơm bông). Nghĩa rộng: Hiển đạt.

          BẢ: Đồ ăn có trộn thuốc độc. Cái có thể lừa người. “Bả vinh hoa lừa gã công khanh”. (Nguyễn Du). Như cụm từ “Bả vinh hoa, mùi phú quí”(Appât de la gloire).

          VIỆC TỒI: Việc làm tồi tệ và tồi bại. Tồi tệ: Ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Tồi bại: Ảnh hưởng đến luân thường đạo lý.

          RÈN ĐÚC: Giồi mài tập luyện cho được thuần thục.

          THÁNH HIỀN: Thánh: Bậc “Sanh nhi tri”, thấu hiểu mọi việc, tài đức vẹn toàn. Hiền: Người có học thức và phẩm hạnh.

          RỒNG TIÊN: Giống dân Việt Nam. Con cháu của Ông Lạc long Quân và Bà Âu Cơ. Tương truyền: Ông Lạc long Quân lấy Bà Âu Cơ sanh ra cái bọc 100 trứng. Nở ra được 100 người con, năm mươi người con trai theo cha xuống biển, tượng trưng Rồng. Năm mươi người con gái theo mẹ lên non, tượng trưng cho Tiên. Nên giống dân Việt Nam gọi là Rồng Tiên.

          HUNG ÁC: Hung: Dữ tợn. Ác: Làm hại kẻ khác. Nghĩa rộng: Gieo rắc tai họa cho người khác.

          ĐẢO ĐIÊN: Đảo: Lật đổ. Điên: Ngã nhào xuống. Nghĩa rộng: Rối trật tự, đang xuôi bỗng nhiên lật ngược.

          BỈ BẠC: Bỉ: Quê mùa, thô tục. Bạc: Mỏng, trái với “Hậu” là dày. Nghĩa rộng: Khinh bỉ, xem thường một người nào.

          GÁT BÚT NGHĨ SUY: Ngưng lại không viết nữa, để suy nghĩ về một việc gì. (Ý nói Đức Huỳnh Giáo Chủ vì xúc động mà không tiếp tục sáng tác).[Trong nguyên văn in là “Gát bút”, viết cho đúng là “Gác bút”].

          SẦU BI: Sầu: Buồn rầu. Bi: Thương xót. Buồn rầu và đau xót vì gặp nghịch cảnh trớ trêu.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Giống dân Hồng Lạc, vốn là con Rồng cháu Tiên. Hãy cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp đó, bằng cách tu hành để được chứng đắc quả Thánh Hiền, trở nên người hữu dụng cho nước nhà. Quá thương dân chúng đang sống trong cảnh giới Ta Bà, chịu nhiều nỗi đau thương thống khổ, vì cảm động nên Ngài tạm ngưng dừng bút để suy nghĩ.

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

 

                   Cầu ngã kiến văn tối thậm đa,

                   Thiện duyên tác phước ý như hà.

                   Phô trương vạn lượng tam hài tuế,

                   Hội Thính na thời kiến thạnh hoa.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-CẦU NGÃ: Cầu: Tìm tòi, xin người trợ giúp. Ngã: Ta, tiếng tự xưng.

          KIẾN VĂN: Kiến: Thấy, gặp gỡ. Văn: Nghe. Những điều tai nghe mắt thấy.

          TỐI: Rất, hết sức.

          THẬM ĐA: Rất nhiều.

          *Tóm lược ý câu “Cầu ngã kiến văn tối thậm đa”: Xin được diện kiến để nghe thấy và hiểu biết những điều hết sức tốt đẹp.

          2/-THIỆN DUYÊN: Duyên lành.

          TÁC PHƯỚC: Tác: Làm. Phước: Những điều tốt đẹp. Nghĩa rộng: Làm điều phước thiện hay cho người khác được hưởng phước thiện.

          Ý: Suy nghĩ.

          NHƯ HÀ: Như: Giống như…: Câu hỏi. Giống như thế, làm thế nào…

          *Tóm lược ý câu “Thiện duyên tác phước ý như hà”: Được hưởng những điều tốt đẹp, là bởi trước kia có duyên lành, là ý làm sao như vậy ? làm thế nào được như vậy ?

          3/-PHÔ TRƯƠNG: Phô: Bày ra. Trương: Giăng ra. Bày ra với ngụ ý khoe khoang, để cho mọi người hiểu biết về mình.

          VẠN LƯỢNG: Vạn: Mười ngàn, một muôn. Từ chỉ con số nhiều. Lượng: Đo lường, chứa đựng. Nghĩa rộng: Sức chịu đựng, sức chứa.

          TAM: Số ba (3).

          HÀI TUẾ: Hài: Trẻ thơ. Tuế: Năm, tuổi. Nghĩa rộng: Tuổi còn nhỏ.

          *Tóm lược ý câu “Phô trương vạn lượng tam hài tuế”: Đừng nên ỷ lại vào sức mạnh non trẻ của mình. Dù cho có dõng mãnh tới đâu, đến ngày nào đó cũng sẽ bị băng hoại. Nghĩa bóng: Thế lực và tài sản trùm khắp, có ngày cũng biến hoại.

          4/-HỘI THÍNH: Còn gọi Hội Thánh. Hội: Nhóm họp đông người. Thánh: Bậc “Sanh nhi tri” không học mà biết. Có tài năng đức độ hơn người. Nghĩa rộng: Ngày hội của các bậc Thánh Tiên.

          NA THỜI: Na: Thời gian ngắn. Thời: Lúc, khi. Nghĩa rộng: Thời gian qua mau.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          THẠNH HOA: Thạnh: Dồi dào, lớn lao. Hoa: Rực rỡ.

          *Tóm lược ý câu “Hội thính na thời kiến thạnh hoa”: Đến lúc hanh thông, mọi người sẽ được hưởng muôn điều phúc lạc.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Nhờ hữu phước nên gặp Đức Thầy khai đạo để tu hành. Ngài nhắc nhở mọi người đừng nên ỷ lại vào tài ba, sản nghiệp của mình, bởi vì nó là vật tạm bợ. Rán tu tâm dưỡng tánh sẽ có mặt tại Hội Long Hoa, hưởng muôn điều hạnh phúc.

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

 

                    Viễn lự ô hô chí Lão Bành,

                   Nhơn thì sanh dưỡng khí tồn thanh.

                   Hải qui thế giới nam hòa vọng,

                   Nguyện dữ như hà dụng thức canh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-VIỄN LỰ: Viễn: Xa. Lự: Lo lắng. Lo xa.

          Ô HÔ: Tiếng than.

          CHÍ: Đến.

          LÃO BÀNH: Tức Bành Tổ (Xem Lão Bành, hay Bành Tổ - Phần Điển tích).

          *Tóm lược ý câu “Viễn lự ô hô chí Lão Bành”: Hỡi ơi ! Con người dù cho có lo xa đến đâu, cũng chỉ sống như Lão Bành mà thôi. (Nghĩa là cũng phải chịu dưới sự chi phối của sanh, lão, bệnh và tử).

          2/-NHƠN THÌ: Nhơn: Người. Thì: Lúc, khi.

          SANH DƯỠNG: Sanh: Ra đời, đời sống. Dưỡng: Nuôi nấng. Nghĩa rộng: Sanh ra và nuôi nấng cho được nên người.

          KHÍ: Tính chất, tinh thần phát lộ ra ngoài.

          TỒN THANH: Tồn: Còn, gìn giữ. Thanh: Tiếng. Nghĩa rộng: Giữ gìn tiết tháo.

          *Tóm lược ý câu “Nhơn thì sanh dưỡng ý tồn thanh”: Con người cốt giữ gìn khí tiết thanh cao.

          3/-HẢI QUI: Hải: Biển. Qui: Về.

          THẾ GIỚI: Thế: Đời. Giới: Đất đai nằm trong một khu vực. (Thế: Chỉ về thời gian: Quá khứ, hiện tại và tương lai).(Giới: Chỉ về không gian và gồm có các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, trên và dưới).

          NAM: Phương Nam.

          HÒA VỌNG: Hòa: Thuận thảo. Vọng: Mong ngóng, trông mong. Nghĩa rộng: Mong muốn sống thuận thảo cùng nhau.

          *Tóm lược ý câu “Hải qui thế giới nam hoài vọng”: Tất cả mọi vật hữu hình, đều phải chịu chi phối bởi luật dịch hóa.

          4/-NGUYỆN DỮ: Nguyện: Mong muốn, ao ước. Dữ: Giao hảo với nhau cho được. Nghĩa rộng: Mong muốn cho được hài hòa tốt đẹp.

          NHƯ HÀ: Như: Cùng, ví như…: Từ dùng để hỏi. Làm sao ?

          DỤNG: Dùng.

          THỨC CANH: Thức: Biết. Canh: Tiếp tục.

          *Tóm lược ý câu “Nguyện dữ như hà dụng thức canh”: Mong ước mang lại hòa bình cho nhân loại, nhưng làm sao đạt được nguyện vọng đó ?

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đời sống của con người dù cho có lo xa đến đâu, cũng chỉ thọ như Lão Bành. Điều cốt yếu là để tiếng thơm lại cho hậu thế. Nguyện vọng duy nhứt là ước mong nhân loại sống trong cảnh thanh bình, nhưng làm thế nào để thực hiện được mục đích đó ?

         

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

 

                   Kim phụng triều vương viễn khứ đình,

                   Bài hồi phong nhã lạc trầm thinh.

                   Duyên do phước thọ lai duy hiển,

                   Thủ đảnh thư hùng thục sử kinh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-KIM PHỤNG: Kim: Vàng (vật quí báu). Phụng: Chim phượng. Một trong tứ linh (Long, lân, qui và phượng). Nghĩa bóng: Con phượng đặt trong triều vua, tượng trưng cho vật quí phái.

          TRIỀU VƯƠNG: Triều: Vua tôi hội họp để bàn việc nước hay chầu vua. Vương: Vua. Nghĩa rộng: Nói về một triều đại nào đó.

          VIỄN: Xa.

          KHỨ ĐÌNH: Khứ: Những gì đã qua. Đình: Chỉ triều đình, những nơi như: Huyện đình, Quận đình…

          *Tóm lược ý câu “Kim phụng triều vương viễn khứ đình”: Nói về một triều đại đã qua, từng có những thành tích đem lại an bình, thạnh trị cho dân chúng.

          2/-BÀI HỒI: Bài: Bày ra, trừ bỏ. Hồi: Quay trở lại.

          PHONG NHÃ: Phong: Tức Quốc phong, tên một thiên trong Kinh Thi. Nhã: Tao nhã, không thô tục. Nghĩa rộng: Cái gì có một vẻ văn chương thanh tao, thì gọi là tao nhã. “Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”(Kiều).

          LẠC: Vui vẻ, yên ổn.

          TRẦM THINH: Trầm: Chìm, say đắm. Thinh: Tiếng.

          *Tóm lược ý câu “Bài hồi phong nhã lạc trầm thinh”: Cái thời huy hoàng nay đã qua.

          3/-DUYÊN DO: Duyên: Mối liên lạc. Do: Vì đâu mà ra. Nghĩa rộng: Những mối liên quan tự nhiên mà phát sinh.

          PHƯỚC THỌ: Phước: Những gì may mắn, tốt đẹp. Thọ: Sống lâu: Sống lâu và được hạnh phúc.

          LAI: Lại, đến.

          DUY HIỂN: Duy: Chỉ một mình. Hiển: Sáng tỏ, có danh vọng. Nghĩa rộng: Nói về địa vị, tiếng tăm trong xã hội của một nhân vật nào đó.

          *Tóm lược ý câu “Duyên do phước thọ lai duy hiển”: Trong nhiều tiền kiếp biết tạo phước đức, nên hiện kiếp được hưởng giàu sang danh vọng.

          4/-THỦ ĐẢNH: Thủ: Đứng đầu. Đảnh: Điểm cao. Nghĩa rộng: Ở trên hết về mọi phương diện.

          THƯ HÙNG: Thư: Con mái. Hùng: Con trống. Con mái và con trống. Nghĩa bóng: Thua và được. Truyện Sử ký: “Hạng Võ cùng Hán Vương khêu chiến, quyết thư hùng một trận”. Các nhà văn thường dùng “quyết một trận trống mái” để chỉ hai bên đánh nhau một mất một còn.

          THỤC: Quen, xét kỹ.

          SỬ KINH: Sử: Ghi chép công việc của nước nhà (Lịch sử quốc gia), tác giả ghi chép những gì xảy ra trong nước, qua nhiều thời đại, có khi ghi chép chuyện của nước ngoài. Kinh: Sách của Thánh Hiền.

          *Tóm lược ý câu “Thủ đảnh thư hùng thục sử kinh”: Xưa nay những bậc vua chúa, công thần được lịch sử ghi chép, hầu để lại đời sau.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Những bậc vua chúa và công thần, đều được lịch sử ghi chép thành tích, để đời sau hiểu biết mà noi theo, ngày nay đã trở thành dĩ vãng.

 

VIẾNG LÀNG PHÚ AN CHÂU ĐỐC (tt)

                  

Quang minh diện mục khả hồ sơ,

                   Nhứt diệu phù vân phú quới cơ.

                   Quân tử Thánh nhân hà đại lượng,

                   Liên hồng vạn thử cảnh thiên thư.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-QUANG MINH: Sáng sủa, rực rỡ.

          DIỆN MỤC: Diện: Mặt. Mục: Mắt. Mặt mày.

          KHẢ: Đáng được, có thể.

          HỒ SƠ: Hồ: Sao?. : Đầu.

          *Tóm lược ý câu “Quang minh diện mục khả hồ sơ”: Những tấm gương sáng của các bậc Thánh hiền đáng được ghi chép để lưu truyền hậu thế.

          2/-NHỨT DIỆU: Nhứt: Đứng đầu. Diệu: Tốt đẹp.

          PHÙ VÂN: Phù: Nổi lên. Vân: Mây. Đám mây nổi.

          PHÚ QUỚI: Phú: Giàu có. Quới: Sang trọng.

          : Hầu như, báo trước.

          *Tóm lược ý câu “Nhứt diệu phù vân phú quới cơ”: Giàu sang danh vọng chỉ có một lần đến với mỗi người, nhưng nó rất mong manh như đám mây nổi, thấy đó rồi tan đó.

          3/-QUÂN TỬ: Bậc có tài đức vẹn toàn. Kinh Lễ viết: “Bác văn cường thức nhi nhượng, đôn thiện hạnh nhi bất đãi vị chi quân tử” (Biết rộng hiểu nhiều mà khiêm cung, đôn đốc nết thiện không ngừng, ấy là quân tử). Hoặc Nhan Uyên thiên trong Luận Ngữ: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo” (Địa vị của người quân tử như gió, địa vị của kẻ tiểu nhân như cỏ).

          THÁNH NHƠN: Thánh: Người có tài đức vẹn toàn, phẩm hạnh cao khiết. Bậc không học mà biết (Sanh nhi tri). Nhơn: Người. Người đắc quả Thánh. Nghĩa rộng: Chỉ chung hang Thánh quả. (Thường để chỉ Đức Khổng Tử).

          HÀ: Từ dùng để hỏi.

          ĐẠI LƯỢNG: Đại: Lớn. Lượng: Sự chứa đựng. Sức chứa đựng rộng lớn. Nghĩa bóng: Tính tình rộng rãi, vị tha.

          *Tóm lược ý câu “Quân tử Thánh nhơn hà đại lượng”: Bậc quân tử và Thánh nhơn được mọi người kính trọng là tại làm sao ? Bởi vì các bậc ấy tính tình rộng rãi, biết thương người mến vật.

          4/-LIÊN HỒNG: Liên: Hoa sen. Hồng: Màu đỏ, sắc đỏ. Hoa sen màu đỏ. Nghĩa bóng: Ám chỉ Hoa sen ở ao Bát Đức cõi Tây Phương Cực Lạc, do công phu tu tập, đến khi lâm chung, thần thức nhập vào hoa sen (Gọi là thai sen). Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Thần thức nhập thai sen tinh hảo”.

          VẠN THỬ: Vạn: Mười ngàn, một muôn. Từ chỉ con số nhiều. Thử: Thứ bậc, chỗ, nơi.

          CẢNH: Hình thức có thể ngắm và thưởng thức.

          THIÊN THƯ: Thiên: Trời, Thư: Sách. Sách của trời. Nghĩa bóng: Sự vận hành của Tạo hóa.

          Tóm lược ý câu “Liên hồng vạn thử cảnh thiên thư”: Người tu hành chân chính, khi lâm chung được nhập vào thai sen, có mặt ở Tây phương Cực lạc. Đó là thiên ý đã sắp đặt sẵn. (Có thể hiểu như là luật nhân quả).

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Những tấm gương sáng được người đời nhắc nhở. Còn giàu sang danh vọng cũng như đám mây nổi, không lấy gì bền chắc. Chỉ có con đường tu hành mới có thể tiến đến cõi bất sinh bất diệt, đó là chơn lý mà Phật trời đã định sẵn.

Bài thứ bốn mươi sáu

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ

 

                   Đời đạo liên quan rạng chói ngời,

                    Trần hoàn biển khổ thẳm vơi vơi.

                   Thanh minh đạo đức câu huyền bí,

                   Mượn lấy bút nghiên tỏ ít lời.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          ĐỜI ĐẠO: Đời: Khoảng thời gian từ lúc sống cho đến khi chết. “Đời người đến thế cũng xong một đời”(Nguyễn Du). Một khoảng thời gian chừng 60 năm, tính cho tuổi thọ con người (Sáu mươi năm cuộc đời). Hay khoảng thời gian trị vì, như Đời nhà Lê, đời nhà Nguyễn…Đạo: Con đường hợp với lẽ phải, bổn phận của mỗi người phải hành xử. Từ dùng trong lãng vực Tôn giáo. Đời đạo là hai thái cực khác nhau, Đời: Tranh đấu cho vật chất, đem lại lợi ích cho cá nhân hay tập thể. Đạo: Tranh đấu cho tinh thần. Tự bản thân tu sửa trở thành người tài đức vẹn toàn, đồng thời hướng dẫn mọi người cùng tu tiến để trở nên người hữu dụng cho xã hội. Phật Giáo gọi là tự giác và giác tha.

          LIÊN QUAN: Liên: Nối liền. Quan: Dính líu. Tương quan, dính líu với nhau.

          CHÓI NGỜI: Chói: Sáng lòa. Ngời: Ánh lên. Nghĩa bóng: Phân minh, sáng sủa.

          TRẦN HOÀN: Trần: Bụi bặm, chỉ thế giới chúng ta đang sinh sống. Hoàn: Khu vực rộng lớn. Nghĩa rộng: Nói chung cõi Ta Bà mà chúng sanh đang sống.

          BIỂN KHỔ: Nghĩa của chữ khổ hải: Sự gian lao, vất vả rộng lớn ví như biển cả. Lăng Nghiêm kinh: “Xuất ư khổ hải” (Ra khỏi bể khổ). Nghĩa rộng: Hết sức cực khổ.

          THẲM: Sâu, vực thẳm.

          VƠI VƠI: Như chữ diệu vợi. Xa xôi, mù tăm. “Theo em công thật là công. Đường đi diệu vợi cách sông trở đò”(Ca dao).

          THANH MINH: Thanh: Trong sạch. Minh: Sáng, không vẩn đục.

          ĐẠO ĐỨC: Đạo: Con đường hợp với lẽ phải. Lễ kinh: “Đạo đức nhân nghĩa phi lễ bất thành”( Đạo đức và nhân nghĩa không phải lễ thì chẳng thành). Đức: Tâm lành. Chu lễ viết: “Đạo là nhiều tài nghệ, đức là có hạnh tột cùng”.

          HUYỀN BÍ: Huyền: Sâu xa. : Kín đáo. Nghĩa rộng: Sự mầu nhiệm khó hiểu biết trước được.

          BÚT NGHIÊN: Bút: Cây viết. Nghiên: Dụng cụ mài mực. Ngày xưa người ta dùng bút bút lông để viết chữ, nên phải có cái nghiên để mài mực. Nghĩa bóng: Nghiên cứu, học tập, sáng tác…

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đời và đạo tuy hai lãnh vực khác nhau, nhưng có liên quan mật thiết. Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm khai đạo để cải thiện người đời trở thành bậc chân tu, để kiến tạo một xã hội bình đẳng, mọi người sống trong hạnh phúc tự do.

Bài thứ bốn mươi bảy

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Hồng Lạc giống xưa rất tuyệt vời,

                   Sao mà dương thế mảng lo chơi.

                   Sớm chiều tự liệu rèn tâm trí,

                   Đạo đức nhiệm mầu Lão khuyến mời.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          HỒNG LẠC: Còn gọi Lạc Hồng, ám chỉ họ Hồng Bàng sanh ra Lạc Long Quân, vị vua đầu tiên của nước Việt Nam. Gọi chung Hồng Bàng và Lạc long Quân là “Hồng Lạc”, tức là Tổ Tiên của người Việt.

Nhớ câu mộc bổn thủy nguyên,

           Cháu con Hồng Lạc lưu truyền ngàn xưa.(Cổ thi)

          GIỐNG: Như chữ giống nòi. Cái gốc, nguyên thỉ sanh ra muôn loài vạn vật. Thí dụ: Giống nòi của dân tộc Việt Nam là họ Hồng Bàng.

          TUYỆT VỜI: Tuyệt: Hết sức (rất). Vời: Diệu vợi. Nghĩa bóng: Hết sức cao thâm diệu vợi.

          DƯƠNG THẾ: Dương: Cõi dương. Thế: Đời. Nghĩa rộng: Cõi đời của mọi sinh vật đang sống.

          TÂM TRÍ: Tâm: Lòng. Trí: Não. Hai cơ quan suy nghĩ có trong con người.

          ĐẠO ĐỨC: (Xem Đạo đức phần trước).

          NHIỆM SÂU: Nhiệm (tĩnh từ P.secret): Sâu kín. Sâu: Chiều sâu (profondeur). Nghĩa bóng: Thông suốt tận ngọn ngành.

          LÃO: Danh xưng khiêm nhượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          KHUYẾN MỜI: Khuyến: Khuyên. Mời (P. inviter): Lời yêu cầu làm việc gì. “Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay” (Nguyễn Du). Nghĩa rộng: Khuyến khích một cách tích cực.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Dân tộc Việt Nam thuộc giống nòi Hồng Lạc, đó là điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ hằng nhắc nhở, để chúng ta nhớ mà hành động cho xứng đáng với truyền thống vẻ vang đó.

Bài thứ bốn mươi tám

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Thiên sanh thiện tánh tác thì gia,

                   Tông tích cổ kim lượng thử hà.

                   Sư giả hạ trần nhơn mạt kiếp

                   Ngã hồi dương thế thuyết huyền ca.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-THIÊN SANH: Thiên: Trời. Sanh: Ra đời. Nghĩa rộng: Sự hiện hữu của nhân vật nào đó.

          THIỆN TÁNH: Thiện: Lành. Tánh: Tính tình, tính chất. Minh Tâm Bửu Giám: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” (Người mới sinh ra tính vốn lành). Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Người mới sanh tánh thiện trời dành”. Nghĩa rộng: Tính vốn đã lành.

          TÁC: Làm, hành động.

          THÌ GIA: Thì: Lúc, khi. Gia: Người có học thức (Nho gia: Nhà Nho), kẻ tôn trưởng trong gia đình.

          *Tóm lược ý câu: “Thiên sanh thiện tánh tác thì gia”: Khi mới sanh ra, con người vốn sẵn tính lành mà trời đã dành sẵn. Ngoài ra còn có thể hiểu: Đức Thầy ra đời khai đạo, Ngài là bậc trọn lành trọn sáng.

          2/-TÔNG TÍCH: Tông: Tổ cao nhứt là Ông Tổ, Tổ thứ hai là Tôn (Tông), một Giáo phái hay Tôn Giáo. Tích: Xưa, trước. Nghĩa bóng: Ám chỉ Phật Giáo (Đạo Phật), Giáo Chủ là Phật Tổ Thích Ca.

          CỔ KIM: Cổ: Xưa, lâu. Kim: Nay, hiện tại. Nghĩa rộng: Xưa nay. Trước kia và hiện tại.

          LƯỢNG: Đo lường, chứa đựng.

          THỬ HÀ: Thử: Ấy, vậy. : Sông. Nghĩa rộng: Con sông ấy.

          *Tóm lược ý câu “Tông tích cổ kim lượng thử hà”: Đức Huỳnh Giáo Chủ xác nhận: Đạo Phật Giáo Hòa Hảo phát xuất từ gốc của Phật Tổ Thích Ca:“Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn, Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp”.

          3/-SƯ GIẢ: : Ông Thầy (Thầy dạy học), Thầy (Thầy dạy nghề). Giả: Chỉ về người. Ông thầy Giáo hay Thầy hướng nghiệp.

          HẠ TRẦN: Hạ: Xuống. Trần: Bụi bặm, cõi chúng ta đang ở. Nghĩa rộng: Lâm phàm hay xuống cõi thế gian.

          NHƠN: Người.

          MẠT KIẾP: Mạt: Cuối cùng. Kiếp: Đời người. Nghĩa rộng: Đời hạ nguơn, nguơn cuối cùng của lý Tam nguơn (Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn).

          *Tóm lược ý câu “Sư giả hạ trần nhơn mạt kiếp”: Hạ nguơn là nguơn cuối cùng mà con người đang sinh sống.

          4/-NGÃ HỒI: Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Hồi: Trở lại. Nghĩa rộng: Ta đã trở lại.

          DƯƠNG THẾ: Dương: Cõi dương. Thế: Đời. Cõi đời của mỗi sinh vật đang sống.

          THUYẾT: Nói cho biết.

          HUYỀN CA: Bài văn nói về sự mầu nhiệm, kín đáo hay sự vận hành của tạo hóa.

          *Tóm lược ý câu “Ngã hồi dương thế thuyết huyền ca”: Sự vận hành của Tạo hóa rất sâu xa, kín đáo. Không ai có thể hiểu được.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời có sứ mạng của Phật Tổ Thích Ca. Ngài cho biết Hạ nguơn đã hết đời để lập lại Thượng nguơn.

Bài thứ bốn mươi chín

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

                   Đài phong liễu khước tạo Nam gia,

                   Thiện chí Hồ thiên thức Ngọc Tòa.

                   Trung Sơn tế giáng Lư Bồng kiểng,

                   Giác tỉnh sanh kỳ tối diệu đa.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-ĐÀI PHONG: Đài: Một kiến trúc xây trên nền cao, nơi đó nhìn thấy bốn phía. Phong: Ban tước hiệu. Vua ban tước hiệu cho chư hầu lập quốc.

          LIỄU KHƯỚC: Liễu: Hiểu, xong xuôi. Khước: Từ chối, không nhận.

          TẠO: Xây dựng, mở đầu.

          NAM GIA: Nam: Phương Nam. Gia: Nhà. Nghĩa rộng: Nước Nam, Việt Nam.

          *Tóm lược ý câu “Đài phong liễu khước tạo Nam gia”: Nước Việt Nam chưa thật sự độc lập, nay được ban ơn lập quốc.

          2/-THIỆN CHÍ: Thiện: Lành, tốt đẹp. Chí: Ý mình hướng về điều gì. Nghĩa rộng: Chí hướng tốt đẹp.

          HỒ THIÊN: Hồ: Cái bầu. Thiên: Trời. Bầu trời. Phi Tồn học đạo Tiên, gặp Trương Thân Thường đeo một cái bầu rất lớn thâu cả trời đất, trăng sao. Đêm đến Thân Thường chui vào đó ngủ, nên có người gọi là Hồ Công (Ông có bầu). Nghĩa bóng: Mỗi người riêng một cõi. “Hồ Thiên riêng chốn phương nam”(Hoa Tiên truyện).

          THỨC: Biết.

          NGỌC TÒA: Ngọc: Vật quí báu. Tòa: Còn gọi Tọa: Ngồi, đặt để. Nghĩa bóng: Nơi Đức Ngọc Đế ngự. “Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc Tòa” (ĐHGC).

          *Tóm lược ý câu “Thiện chí Hồ Thiên thức Ngọc Tòa”: Đức Huỳnh Giáo Chủ chịu lịnh của Đức Ngọc Đế lâm phàm khai đạo.

          3/-TRUNG SƠN: Danh từ chỉ Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương “Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngọc Trung niên xuất”. Phật Thầy Tây An viết bài “Tứ Bửu Linh Tự” có bốn chữ khoán thủ đề danh cho Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương:

          Bửu Ngọc quân minh Thiên Việt nguyên

          Sơn trung sư mạng địa Nam tiền.

          Kỳ niên Trạng tái tân phục quốc,

          Hương xuất Trình sanh tạo nghiệp yên.

          TẾ GIÁNG: Tế: Cứu giúp. Giáng: Xuống. Nghĩa rộng: Lâm phàm cứu dân độ thế.

          LƯ BỒNG: Nơi chư Tiên hội họp.

          KIỂNG: Còn gọi Cảnh: Hình sắc có thể ngắm và thưởng thức.

          *Tóm lược ý câu “Trung Sơn tái giáng lư Bồng kiểng”: Đức Huỳnh Giáo Chủ thừa kế Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, để lập Hội Long Hoa chọn người hiền đức.

          4/-GIÁC TỈNH: Giác: Biết. Tỉnh: Hiểu biết, thức giấc. Nghĩa rộng: Đã giác ngộ, hết mê lầm.

          SANH KỲ: Sanh: Ra đời. Kỳ: Lạ lùng, khác thường. Nghĩa rộng: Xuất hiện rất lạ lùng khó hiểu.

          TỐI: Rất, hết sức.

          DIỆU ĐA: Diệu: Tốt đẹp, khéo léo. Đa: nhiều.

          *Tóm lược ý câu “Giác tỉnh sanh kỳ tối diệu đa”: Sự ra đời của Đức Huỳnh GiáoChủ rất diệu kỳ, sâu xa kín đáo.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Nước Việt Nam chưa thật sự tự chủ, Đức Huỳnh Giáo Chủ thừa truyền Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, để lập Hội Long Hoa chọn người hiền đức, hành động của Ngài thật là sâu xa kín đáo.

Bài thứ năm mươi

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Bửu ngọc mai danh ẩn nhục tràng,

                   Sơn đài hồ hải luyện tứ phang.

                   Kỳ sanh tạo giả thi truyền tục,

                   Hương giải thao tồi thị Bảo giang.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-BỬU NGỌC: Bửu: Quí báu. Ngọc: Những viên ngọc quí. Kinh Xuân Thu: “Đạo thiết bảo ngọc, đại cung”(Lấy trộm bảo ngọc và cung lớn). Ngày xưa hai thứ nầy đều là vật quí giá. Được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác.

          MAI DANH: Ở ẩn để không ai biết đến mình nữa.

          NHỤC TRÀNG: Nhục: Nồng hậu. Tràng: Dài.

          *Tóm lược ý câu “Bửu ngọc mai danh ẩn nhục tràng”: Một vị Tiên trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương còn ẩn dạng.

          2/-SƠN ĐÀI: Sơn: Núi. Đài: Một kiến trúc xây dựng trên cao có thể nhìn thấy bốn phía. Nghĩa rộng: Đài trên núi, nơi các vị Tiên nhóm họp.

          HỒ HẢI: Hồ: Cái hồ. Hải: Biển. Nghĩa bóng: Có chí lớn giang hồ bốn biển.

          LUYỆN: Tập rèn cho thuần thục. Nghĩa rộng: Am hiểu.

          TỨ PHANG: Tứ: Bốn. Phang: Còn gọi là Phương: Phương hướng. Nghĩa rộng: Bốn phương hướng: Đông, Tây, Nam và Bắc.

          *Tóm lược ý câu “Sơn đài hồ hải luyện tứ phang”: Tuy vị Tiên ấy còn ẩn dạng, nhưng chí cả thì trùm khắp bốn phương.

3/-KỲ SANH: Kỳ: Lạ lùng, khác thường. Sanh: Ra đời. Nghĩa rộng: Sự ra đời thật lạ lùng, khác thường ít thấy xảy ra.

TẠO GIẢ: Tạo: Gây dựng, ở đầu. Giả: Từ chỉ về người. Nghĩa rộng: Người khởi tạo, dựng nên.

THI: Thơ văn, những bài vận văn. (Văn vần).

TRUYỀN TỤC: Truyền: Trao từ đời nầy sang đời khác, thế hệ nầy qua thế hệ khác. Tục: Cõi trần. Nghĩa rộng: Những lời lưu truyền nơi trần thế.

*Tóm lược ý câu “Kỳ sanh tạo giả thi truyền tục”: Sự ra đời và Giảng kệ của các bậc Tiên thật lạ lùng khác thường.

4/-HƯƠNG GIẢI: Hương: Mùi thơm. Giải: Không hẹn mà gặp. Nghĩa rộng: Mùi thơm tự nhiên. Nghĩa bóng: Tiếng tăm địa vị đã có từ trước.

THAO TỒI: Thao: Lớn mênh mông. Tồi: Đau xót. Nghĩa rộng: Rất đau đớn, xót xa trong lòng.

THỊ: Tỏ bày, nói cho biết.

BẢO GIANG: Bảo: Quí báu. Giang: Sông. Con sông quí báu.(1)

*Tóm lược ý câu “Hương giải thao tồi thị bảo giang”: Hiện nay nhân sanh đang sống trong cảnh khốn khổ, lòng dạ của Đức Thầy cũng thấy xót xa. Ngài khuyến cáo hãy chờ đợi con sông quí báu, đồng nghĩa với ngày chúa Thánh ra đời.

(1) Chúng tôi xin mở dấu ngoặc để nói về Bảo Giang: Con sông quí báu. Nơi đây sau nầy Thiên Tử sẽ xuất hiện. Sự kiện nầy đi song song với Bửu Ngọc: Viên ngọc quí, ở về phương Nam. Còn phương Bắc có thành vàng. Ông Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã nói rõ:

          Bảo giang Thiên Tử xuất

          Bất chiến tự nhiên thành

          Lê dân đào bảo noản

          Tứ hải lại âu ca.

          ………………..

          Bắc hữu kim thành tráng

          Nam tạc ngọc bích thành

          (Sông bảo giang có Thiên Tử giáng

          Chẳng đánh mà tự nhiên thành

          Nhân dân chạy trốn nay về được ấm no

          Bốn phương lạc nghiệp âu ca

          …………………………

          Bắc phương có thành vàng

          Phương Nam có viên ngọc bích.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Vị Đại Tiên hãy còn ẩn danh chờ cơ Thiên định. Đến ngày con sông báu xuất hiện, đồng nghĩa với chúa Thánh trị vì đời Thượng Nguơn. Chừng ấy mới biết bậc ẩn danh ấy là ai.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn