Bài thứ nhứt -> Bài thứ Mười

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 33745)
Bài thứ nhứt -> Bài thứ Mười

Bài thứ nhứt

Ông THANH TÂN vấn Gia đình

 

                   Gia đình kỷ cá hội long đàn,

                   Ngưỡng vọng cao ân tố nghiệp xang.

                   Phi vụ tiết phong tầm chánh lý,

                   Nho Tông vị bác hiệp tôn nhan.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

Ông Thanh Tân hỏi gia đình

          1/-GIA ĐÌNH:

          Dùng để chỉ những người thân trong nhà như: Cha mẹ, vợ chồng và con cái…

          KỶ CÁ: Mấy người.

          HỘI LONG ĐÀN: Nhiều người được hưởng tiếng thơm.

          2/-NGƯỠNG VỌNG: Ngẩng đầu nhìn lên để trông mong điều gì.

          CAO ÂN: Ân đức sâu dày.

          TỐ NGHIỆP XANG: Vốn sẳn có tiếng tăm, địa vị trong xã hội.

          3/-PHI VỤ: Ra sức để chuyên chú vào một công việc gì.

          TIẾT PHONG: Tiết: Những gì người ta phải giữ vững, để bảo vệ thanh danh. Phong: Tập tục trong xã hội. Nghĩa rộng: Giữ vững thuần phong mỹ tục.

          TẦM: Tìm.

          CHÁNH LÝ: Lý lẽ đứng đắn ngay thẳng.

          4/-NHO TÔNG: Tông chỉ của đạo Nho (Nho giáo).

          VỊ BÁC: Vị: Ngôi thứ, chỗ đứng. Bác: Rộng lớn, sự thông suốt. Nghĩa bóng: Có tiếng tăm và địa vị trong xã hội.

          HIỆP TÔN NHAN: Cùng góp mặt. Nghĩa bóng: Đồng thấu hiểu, thông suốt.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Gia đình Ông (chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ) có được bao nhiêu người ? những thành viên trong nhà ? Xin ông nói lại cho rõ ?

Bài thứ hai

 

ĐỨC THẦY Đáp họa :

 

                   Mộng sầu tan giác hiệp liên đàn,

                   Hai chữ từ bi thẩm nghiệp an.

                   Bài trí năng soi chơn giáo lý,

                   Phật tiền hưởng ứng kiến long nhan.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-MỘNG SẦU: Chiêm bao thấy cảnh lo lắng, phiền muộn.

          TAN GIÁC: Tan: Tản ra. Giác: Biết. Nghĩa bóng: Khi tỉnh mộng, khi tỉnh ngộ.

          HIỆP LIÊN ĐÀI: Tiếng lành được lan rộng.

          2/-HAI CHỮ TỪ BI: Hai trong bốn đại đức của chư Phật (đức từ, đức bi, đức hỉ và đức xả). Hiền lành và thương xót.

          THẨM: Xem xét, cất nhắc rõ ràng, kỹ lưỡng.

          NGHIỆP AN: Sự nghiệp, việc làm, công việc được yên ổn. Nghĩa rộng: Công danh được toại nguyện.

          3/-BÀI TRÍ: Sắp đặt cho có thứ tự, ngăn nắp.

          NĂNG SOI: Thường được làm sáng tỏ.

          CHƠN GIÁO LÝ: Tánh chân thật của Tôn giáo hay luận lý học thuật (thuyết) của Tôn giáo.

          4/-PHẬT TIỀN: Trước bàn thờ Phật. Nghĩa rộng: Gặp Phật. “Phật tiền thảm lấp sầu vùi.(Kiều).

          HƯỞNG ỨNG: Đáp lại lời người khác kêu gọi.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          LONG NHAN: Long: Rồng. Nhan: Mặt mày. Mặt rồng.Nghĩa rộng: Thấy mặt vua.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Chỉ có một mình ta như kể trên, có gọi thì đáp, có hưởng thì tất có ứng.

Bài thứ ba

 

HIẾU NGHĨA VI TIÊN

 

                   Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,

                   Hành thiên tri kinh thị sĩ hiền.

                   Kiếm huệ phi tiêu đoàn nghiệp chướng,

                   Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

Việc hiếu nghĩa làm đầu

          1/-NHƠN SANH: Đời sống của con người.

          HIẾU NGHĨA: Hiếu đạo và lẽ phải.

          DĨ VI TIÊN: Lấy làm trước.

          2/-HÀNH THIỆN: Làm điều lành.

          TRI KINH: Tri: Biết. Kinh: Sách của Thánh hiền. Nghĩa rộng: Thấu hiếu lời lẽ của Thánh hiền.

          THỊ SĨ HIỀN: Ấy là kẻ sĩ có phẩm hạnh.

          3/-KIẾM HUỆ: Kiếm: Thanh gươm. Huệ: Thông minh. Nghĩa bóng: Trí huệ thông minh sáng suốt, ví như thanh gươm có công năng cắt đứt mọi nghiệp chướng, phiền não do vô minh gây nên.

          PHI TIÊU: Phi: Tan ra. Tiêu: Mất đi, hết. Làm cho mất hết.

          ĐOÀN CHƯỚNG NGHIỆP: Điều do mình tạo ra, trở thành vật trở ngại. Nghĩa rộng: Việc làm ở kiếp trước,  ảnh hưởng đến kiếp sau.

          4/-PHẬT TIỀN: Trước bàn thờ Phật, Phật tại gia.

          HỮU NHỰT: Có ngày, (lúc) nào đó.

          VĨNH: Lâu dài.

          AN NHIÊN: Tự nhiên được yên ổn.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Việc trước tiên của đạo làm người là giữ hiếu thảo, xuất xứ hợp lẽ phải mà sách Thánh hiền đã dạy kẻ sĩ. Đồng thời phải dùng gươm trí huệ dọn sạch ma chướng phiền não, để trí huệ phát khai, thì mọi việc sẽ được yên ổn. (Ý nói Phật tính sẽ phát khai).

         

Bài thứ tư

 

BÀI CẦU CƠ  (1)

 

                   Nguyễn đắc thanh danh tam hữu phân,

                   Đa công hoài luyện thập niên phần.

                   Chúng kỳ vật xảo thiên truyền bá,

                   Phước lộ hoành thân ngũ sắc vân.

         

          (1). Bài thi nầy do một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, muốn biết rõ Đức Thầy có phải là Nguyễn Đa (tức ông Cử Đa), ông Nguyễn Trung Trực, Quan Thượng  Đại Thần trở lại hay không ? Họ mới lên núi xin bài cầu cơ nầy.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

Bài thi nói về vận số, máy trời.

          1/-NGUYỄN ĐẮC: Là họ Nguyễn (Lấy họ Nguyễn).

          THANH DANH: Danh tiếng, tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          TAM HỮU PHÂN: Ba lần nói ra.

          2/-ĐA CÔNG: Nhiều việc, nhiều sự kiện.

          HOÀI LUYỆN: Hoài: Mong, tưởng nhớ. Luyện: Rèn tập. Nghĩa bóng: Khắc sâu trong lòng.

          THẬP NIÊN: Mười năm.

          PHẦN: Cái được phân ra, chia ra.

          3/-CHÚNG KỲ: Nhiều người cùng chung sống với nhau ở một nước.

          VẬT XẢO: Vật: Những gì tồn tại trong trời đất. Xảo: Tốt đẹp. Ý nói những điều tốt đẹp trong đời.

          THIÊN: Trời.

          TRUYỀN BÁ: Tung ra khắp nơi. Nghĩa rộng: Lưu truyền mãi mãi.

          4/-PHƯỚC LỘ: Phô bày sự tốt lành.

          HOÀNH THÂN: Có tiếng tăm, địa vị trong xã hội.

          NGŨ: Số năm.

          SẮC VÂN: Sắc: Màu, hình sắc có thể ngắm nhìn. Vân: Mây. Màu sắc của đám mây.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đã ba lần nói rõ là họ Nguyễn, ngót 10 năm tu tập, nay vì chúng sinh mà đem điều tốt đẹp để truyền bá, khiến danh rạng như mây năm sắc.

 

Bài thứ năm

 

ĐỨC THẦY Đáp họa :

 

                   Nãi chí thi âm tất hữu phân,

                   Thiên nhiên liên huệ tác nhi phần.

                   Vạn ninh hà hải vi vương bá,

                   Viễn vọng thanh tân tảo phi vân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NÃI CHÍ: Cho nên mới hướng đến mục đích, hay hành động theo định hướng đã vạch ra.

          THI ÂN: Tiếng thơ, lời thơ.

          TẤT HỮU PHÂN: Hẳn như vậy, có lần nói đến.

          2/-THIÊN NHIÊN: Luật tuần hoàn. Nghĩa rộng: Sự vận hành của tạo hóa.

          LIÊN HUỆ: Sự thông minh, sáng suốt.

          TÁC NHI PHẦN: Điều đã dành sẵn, việc đã sắp bày.

          3/-VẠN NINH: Sự yên ổn lâu dài.

          HÀ HẢI: Sông biển.

          VI VƯƠNG BÁ: Làm vua chúa.

          4/-VIỄN VỌNG: Viễn: Xa xôi. Vọng: Trông. Mong đợi những điều xa vời.

          THANH TÂN: Thanh: Tiếng. Tân: Mới. Nghĩa bóng: Đã được tiếng tăm, địa vị trong xã hội.

          TẢO: Diệt trừ, loại bỏ.

          PHI VÂN: Mây bay.

          TẢO PHI VÂN: Quét sạch đám mây trước mắt đó đi.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Trong văn thơ đã nói đến, trời dành sẵn những điều tốt đẹp cho mỗi người. Nếu là vua chúa thì phải đem lại ấm no hạnh phúc cho dân chúng.

 

Bài thứ sáu

 

LỤY TAM CHÂU

 

                   Tam châu hữu ngạn lụy nhỏ sa,

                   Thập bát chư bang động can qua.

                   Dương gian mãnh thú trừ tàn ác,

                   Lê thứ hậu lai khổ thiết tha.

                   Tần bang hậu hận tiêu diêu động,

                   Nam quốc lương dân kiến linh xa.

                   Phồn hoa đô hội lưu giang huyết,

                   Dư đảng dọc ngang cấp Ma Ha.

                    

        Hòa Hảo, tháng 8 năm Kỷ Mão (1939)

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

Lệ đổ ở tam châu.

          LỤY: Còn đọc là lệ : Nước mắt.

          1/-TAM CHÂU: Ba địa danh: Châu Đốc, Châu Phú trong huyện Châu Phú có xã Phú Châu.

          HỮU NGẠN: Hữu: Bên phải. Ngạn: Bờ phía bên tay phải, tính từ thượng nguồn nhìn xuống. (Từ trên Châu Đốc nhìn xuống Vàm Nao).

          NHỎ SA: Nhỏ: Rơi xuống. Sa: Nhỏ xuống từng giọt. Nghĩa bóng: Nước mắt chảy từng dòng, nạn chiến tranh giặc giã hay khổ cực liên tiếp xảy ra.

          2/-THẬP BÁT: Mười tám.

          CHƯ BANG: Chư: Nhiều. Bang: Nước. Những nước lân cận.

          ĐỘNG: Khởi sự.

          CAN QUA: Giáo mác. Nghĩa bóng: Cảnh chiến tranh. Kinh Lễ: “Năng bị can qua, dĩ vệ xã” (Thường đầy đủ giáo mác để giữ xã tắc).

          3/-DƯƠNG GIAN: Dương: Cõi dương, ám chỉ cõi thế gian. Gian: Khoảng giữa. Nghĩa rộng: Hiện đang sống trong cảnh giới Ta bà.

          MÃNH THÚ: Thú vật mạnh mẽ, hung tợn. Nghĩa rộng: Những hạng người hay quốc gia ỷ lại vào binh cường tướng mạnh.

          TRỪ: Loại bỏ, bớt đi. Diệt sạch, làm cho tan hết.

          TÀN ÁC: Hung dữ, độc hại.

          4/-LÊ THỨ: Dân đen, dân thường. Nghĩa rộng: Những người cùng sống trong quả đất.

          HẬU LAI: Sau đó, sẽ đến.

          KHỔ: Khó nhọc, vất vả.

          THIẾT THA: Thiết: Cắt. Tha: Mài. Nghĩa rộng: Hết sức cần đến.

          5/-TẦN BANG: Tần: Tên gọi Cao Miên quốc (Người Đông Nam Á gọi Cao Miên là nước Tần). Bang: Nước. Nước Cao Miên (Campuchea).

          HẬU HẬN: Hậu: Sau. Hận: Giận. Mang mối hận về sau.

          TIÊN: Trước.

          DIÊU ĐỘNG: Sự thay đổi, sự biến dạng.

          6/-NAM QUỐC: Ý chỉ nước Việt Nam.

          LƯƠNG DÂN: Lương: Lành. Dân: Người dân. Dân lành.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          LINH XA: Xe tang. Nghĩa bóng. Ý chỉ cảnh chết chóc do chiến tranh hay tai nạn gây ra.

          7/-PHỒN HOA: Chốn đô hộ (thành thị), nơi nhiều người tụ tập, sống bằng nghể thương mãi.

          ĐÔ HỘI: Nơi có nhiều người lui tới.

          LƯU GIANG HUYẾT: Lưu: Chảy. Huyết: Máu. Máu chảy thành sông. Cảnh chiến tranh hay tai nạn gây cảnh chết chóc cho nhiều người.

          8/-DƯ ĐẢNG: Một nhóm người họp nhau để làm công việc gì.

          DỌC NGANG: Xuôi ngược khắp nơi. Nghĩa rộng: Tung hoành bốn biển.

          CẤP: Gấp, mau.

          MA HA: Phạn ngữ (Mâha): Nghĩa: Rộng lớn, còn gọi đại đạo.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:  

          Sau nầy tại (Châu Đốc, Châu Phú…) sẽ xảy ra chiến tranh, do mười tám nước khởi binh. Cao Miên và Việt Nam cùng chịu ảnh hưởng, mà trước tiên là Tần quốc, sau đó đến Việt Nam. Lúc bấy giờ người hung ác mới chịu quay đầu hướng thiện.

 

Bài thứ bảy

 

VÉN MÀN BÍ MẬT

 

                   Giục thúc đạo đồng kiến thúy quyên,

                   Chư bang điềm tĩnh sĩ danh hiền.

                   Sa vi đông hải tri thiều nhạc,

                   Nam đỉnh ngọc đài lộ kỷ tiên.

                   Đởm lực hà quê trung trực thử,

                   Hùng ca báo quốc nghĩa đào thiên.

                   Sơn ly Phật cảnh hồi Nam Việt,

                   Diệt khổ sanh kỳ vị trưởng miên.

 

CHÚ THÍCH ĐẠI Ý:

Hé lộ những điều bí mật

          VÉN MÀN: Vén: Kéo lên. Màn: Tấm vải, hay tấm bình phong dùng để che chắn. Nghĩa bóng: Hé lộ, nói ra cho biết.

          BÍ MẬT: Không để lộ ra ngoài, giữ kín không tiết lộ với ai.

          1/-GIỤC THÚC: Kêu gọi, hối thúc.

          ĐẠO ĐỒNG: Còn gọi là đồng đạo. Những người cùng tín ngưỡng một Tôn giáo.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          THÚY QUYÊN: Thúy: Cao sâu. Quyên: Tốt đẹp. Cao sâu, tốt đẹp. Nghĩa bóng: Ý nói đến đạo đức.

          2/-CHƯ BANG: Chư: Nhiều. Bang: Nước. Nhiều quốc gia lân cận.

          ĐIỀM TĨNH: Suy nghĩ chính chắn trước khi hành động. Nghĩa rộng: Bờ cõi vững lặng.

          : Người có học thức (Một trong bốn bậc trong xã hội ngày xưa: Sĩ, nông, công, thương).

          DANH HIỀN: Bậc hiền tài, có tiếng tăm và địa vị trong xã hội.

          SA VI: Tuy nhỏ nhặt nhưng rất tinh tế.

          ĐÔNG HẢI: Đông: Phương đông, hướng đông. Hải: Biển. Biển hướng đông.

          TRI: Biết.

          THIỀU NHẠC: Tên một khúc hát của vua Thuấn. Nghĩa bóng: Ý nói đến cảnh thanh bình, thạnh trị.

          4/-NAM ĐỈNH: Đỉnh núi ở miền Nam Việt Nam (Ám chỉ miền Thất sơn, nằm trong địa phận Châu Đốc). Nghĩa rộng: Vật báu quí).

                 Ngọc báu quí ẩn trong Nam đỉnh”.( ĐHGC)

          NGỌC ĐÀI: Đền đài, cung điện bằng ngọc được xây trên cao.

          LỘ: Phô bày, hiển hiện ra trước mắt.

          KỶ TIÊN: Kỷ: Mấy. Tiên: Người tu trên núi, có phép thuật, cốt tu cho được trường sanh bất lão. Nghĩa bóng: Ý nói đến các bậc Tiên Trưởng trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

          5/-ĐỞM LỰC: Đủ sức gánh vác, cáng đáng mọi công việc.

          HÀ QUÊ: Tuy (có phải) là quê mùa, mộc mạc.

          TRUNG TRỰC: Ngay thẳng một lòng một dạ.

          THỬ: Ấy, vậy.

          6/-HÙNG CA: Bài ca hay bài thơ hùng tráng, ca ngợi những chiến công hiển hách hoặc hào khí của một nhân vật nào.

          BÁO QUỐC: Báo: Đền đáp, trả lại. Quốc: Nước. Trả nợ đất nước.

          NGHĨA: Việc làm thích hợp với lẽ phải.

          ĐÀO THIÊN: Đào: Lọc lừa. Thiên: Trời. Nghĩa rộng: Sự gạn lọc, đào thải liên tục của tạo hóa.

          7/-SƠN LY: Sơn: Núi. Ly: Cách, lìa. Lìa non xuống núi. Nghĩa bóng: Lâm phàm, xuống thế. Chữ Sơn ở đây ám chỉ Đức Thầy, Ngài có Phật hiệu là KIM SƠN PHẬT.

          PHẬT CẢNH: Cõi Phật. Nghĩa rộng. Nơi Phật ngự.

          HỒI: Trở lại, quay về.

          NAM VIỆT: Miền Nam Việt Nam. Ngoài ra còn có nghĩa: Đất nước Việt Nam.

          8/-DIỆT KHỔ: Làm cho hết cực nhọc, vất vả. Nghĩa bóng: Chấm dứt chiến tranh hay tai họa, gây cảnh chết chóc cho dân chúng.

          SANH KỲ: Đến thời điểm, đến cơ Thiên định.

          VỊ: Ngôi thứ, địa vị. Nghĩa rộng: Chỗ đứng trong xã hội hay hàng Phật quả.

          TRƯỜNG MIÊN: Lâu bền hay ám chỉ bậc trên trước. (Ý nói đến những người của thế hệ trước).

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ thúc giục tín đồ hãy tìm đạo đức. Ngài cho biết sau nầy Việt Nam sẽ gánh lấy quyền chủ đạo. Chừng đó sẽ biết Ngài là ai.

 

Bài thứ tám

 

VÉN MÀN BÍ MẬT (tt)

 

                   Bửu ngọc trường quang ẩn tích kỳ,

                   Sơn đài lộ vẻ liễu huyền vi.

                   Kỳ thâm tá giả thi thành thủy,

                   Hương vị âm thầm mộc túy vi.

                   Năm năm lục ngoạt cơ hàn thử,

                   Non lịch đài mây rạng tu mi.

                   Bảy niên hòa địa nhơn hiền thủ,

                   Núi ngự Hoàng san tự đỉnh chi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-BỬU NGỌC: Ngọc quí. Nghĩa bóng: Một nhân vật có tiếng tăm địa vị trong xã hội hay một địa danh ẩn chứa nhiều điều sâu xa kín đáo.

          TRƯỜNG QUANG: Trường: Dài. Quang: Sáng. Nghĩa bóng: Tiếng tăm địa vị sáng chói, lưu danh hậu thế.

          ẨN TÍCH: Che dấu tên tuổi, nơi ăn chốn ở.

          KỲ: Hạn định. Có thời gian nhứt định. Câu “Bửu ngọc trường quang ẩn tích kỳ”, chúng tôi xin mở dấu ngoặc để làm rõ sự kiện giữa Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo (Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ) Trong bài thi vấn của ông Chín Diệm, có câu: “Vị tri đại đức giáng hà tiên”.(Chưa rõ ông là vị Tiên nào ở sông Tiền xuống thế). Đức Huỳnh Giáo Chủ đáp họa: “Sơn Trung hồi dã bí danh tiên”.(Ta là một vị tiên trong hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng không thể xưng danh). Do đó câu “Bửu ngọc trường quang ẩn tích kỳ”, ý nói Ngài còn đang ẩn danh và ẩn cư để chờ cơ Thiên định. Chừng ấy Đức Huỳnh Giáo Chủ mới hoàn thành sứ mạng, khai lập Hội Long Hoa, đánh dấu một kỷ nguyên mới: Thượng ngươn thời đại.

          SƠN ĐÀI: Đền đài trên núi (Ý nói đến đền vàng điện ngọc trên Thiên Cẩm Sơn).

          LỘ VẺ: Nghĩa bóng: Phô bày nét thanh tân của giang san cẩm tú.

          LIỄU: Xong. Nghĩa rộng: Hiểu thấu đáo.

          HUYỀN VI: Sự mầu nhiệm của Tạo hóa. Nghĩa bóng: Vận mệnh hay máy trời.

          3/-KỲ THÂM: Lạ lùng, sâu kín.

          TÁ GIẢ: : Tạm, mượn. Giả: Người, kẻ. Mượn tên người khác.

          THI: Còn gọi là Thơ. Lời văn có vần điệu, theo luật lệ nhứt định.

          THÀNH THỦY: Như nước chảy.

          4/-HƯƠNG VỊ: Mùi vị thơm tho. Nghĩa bóng: Lời giáo pháp rất sâu xa kín đáo.

          ÂM THẦM: Không nói ra. Nghĩa bóng: Thấm thía tận đáy lòng.

          MỘC: Gội nhuần.

          TÚY VI: Còn gọi là thúy vi: Sâu xa, thâm diệu.

          5/-NĂM NĂM: Nghĩa rộng: Năm nầy sang năm khác, thời gian kéo dài.

          LỤC NGOẠT: Sáu tháng. Nghĩa rộng: Chỉ thời gian ngắn. Nghĩa bóng. Câu: “Năm năm lục ngoạt cơ hàn thử”, ý nói nạn đói lạnh, phải chịu từ ngày nầy sang ngày khác, năm nầy sang năm khác.

          CƠ HÀN: Đói lạnh. Nghĩa bóng: Cảnh nghèo khó cơ cực.

          THỬ: Ấy vậy. Ví dụ: Thử thứ: Lần ấy.

          6/-NON LỊCH: Núi non thanh tú, ý chỉ nơi ông Thuấn cày ruộng tại Lịch Sơn, được vua Nghiêu truyền ngôi).

          ĐÀI MÂY: Đền đài trên mây. Nghĩa rộng: Cõi Tiên hay nơi vua ngự. Nghĩa bóng: Tiếng tăm địa vị cao cả.

          RẠNG: Rỡ ràng, đáng mặt.

          TU MI: Râu mày. Nghĩa rộng: Người đàn ông (Ý chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ).

          7/-BẢY NIÊN: Bảy năm. Con số ước định (Chừng ấy).

          HÒA ĐỊA: Những khu vực trên trái đất được sống hòa bình. Nghĩa bóng: Ám chỉ đời Thượng ngươn.

          NHƠN: Người.

          HIỀN THỦ: Người có đức hạnh đứng đầu. Nghĩa bóng: Người đứng đầu trong bậc hiền. “Cư trần bất nhiễm là người Thánh, Lẫn tục đừng mê chứng bậc Hiền”.( Đức Huỳnh Giáo Chủ).

           8/-NÚI NGỰ: Nghĩa bóng: Nơi vua ở. (Ám chỉ Thiên Cẩm Sơn, có đền vàng điện ngọc) “Đền vàng núi Cấm lộ nay mai, Mà ruột năm non có các đài”.( ĐHGC)

          HOÀNG SAN: Nghĩa bóng: Đời tân có vua trị vì. (Ý nói đến đời Thượng ngươn Thánh đức theo quan điểm của PGHH).

          TỰ: Chính mình, bởi vì.

          ĐỈNH CHI: Địa vị cao nhứt. Câu “Núi ngự Hoàng san tự đỉnh chi”, chúng tôi xin mở dấu ngoặc để được làm sáng tỏ thêm. Thời Minh đế ra đời tại Hoàng san (Thiên Cẩm Sơn) tức khắc biết vị vua ấy là bậc tài đức vẹn toàn. Trong cụm từ “Núi ngự Hoàng san” có liên quan đến danh xưng Minh Mạng. Phật Thầy Tây An đã nói rõ:

                   Bửu Sơn Kỳ Hương

                   Ngọc Trung niên xuất

                   Quân Sư Trạng Trình

                   Minh Mạng tái sanh

                   Việt Nam phục nghiệp

                   Nguyên tiền quốc yên

          Căn cứ vào nội dung bài thi trên, ta thấy nói đến:

·        Tông Phái Bửu Sơn Kỳ Hương

·        Phật Thầy Tây An tái sanh

·        Minh Mạng là vua

·        Trạng Trình là quân sư

·        Trời đất đều đổi mới

·        Việt Nam dựng nghiệp (Thượng Ngươn).

·        Khởi đầu nước yên.  

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ kế thừa Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, có sứ mạng lập đời Thượng Ngươn, khai hội Long Hoa để chọn người hiền.

 

Bài thứ chín

 

VÉN MÀN BÍ MẬT (tt)

 

                   Hòa bình thế giới kiến tiên bang,

                   Ngô giả tùng nhung khí đởm gian.

                   Hồ Thiên tiểu ẩn quân tu ký,

                   Lương thứ dương trần đạo dĩ an.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-HÒA BÌNH: Hòa hợp, yên ổn. Không xung đột lẫn nhau.

          THẾ GIỚI: Còn gọi là vũ trụ, gồm nhiều quốc gia trong một hành tinh.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          TIÊN BANG: Nước tiên. Nghiã rộng: Cõi Tiên, nơi tiên ở.

          2/-NGÔ GIẢ: Các người, mọi người.

          TÙNG NHUNG: Theo việc binh bị.

          KHÍ: Tính chất, phần tinh thần phát ra.

          ĐỞM GIAN: Đủ sức để vượt qua thử thách, gian nguy.

          3/-HỒ THIÊN: Bầu trời. Do sự tích Phi Tồn ngày xưa học đạo Tiên, gặp Trương thân Thường hay đeo cái bầu to lớn, thâu cả Trời, đất, trăng, sao…Đêm đêm thường chui vài đó ngủ, nên có người gọi ông là Hồ Công (Ông có bầu). Nghĩa rộng: Mỗi người riêng một cõi.

          TIỂU ẨN: Giấu tên và nơi ở.

          QUÂN: Ông hay ta (tớ). Lý Bạch có câu “Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu”.(Say nằm bãi cát đừng cười tớ). Chữ Quân ở đây ám chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          TU KÝ: Nên cần. Nghĩa rộng: Nhớ lấy, ghi lấy. Quân tu ký: Ông nên nhớ lấy.

          4/-LƯƠNG THỨ: Dân lành, chỉ chung mọi người.

          DƯƠNG TRẦN: Cõi đời nơi chúng sanh đang sống.       

          ĐẠO: Đường đi, lối đi hợp với lẽ phải. Từ chỉ về Tôn giáo.

          DĨ AN: Được yên ổn.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Hiện tại Đức Huỳnh Giáo Chủ còn ẩn tích để chờ cơ Thiên định.

Bài thứ Mười

 

VÉN MÀN BÍ MẬT (tt)

 

                   Đào nguyên di khả tứ hồ văn,

                   Khảo đáo tâm trung mãi vạn năng.

                   Thì lai đãi ảnh chơn thiên xuất,

                   Vận thới thô trình trực bỉnh thăng.

                            

                         Hòa Hảo, lối tháng 9 năm Kỷ Mão (1939)

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-ĐÀO NGUYÊN: Đào: Cây đào. Nguyên: Nguồn. Nguồn đào. Có chỗ gọi là động Đào nguyên hoặc động Bích. (Bích: Màu xanh, đá xanh) Do sự tích: Đào Tiềm đời Tấn viết Đào Hoa Nguyên kể rằng: Tại huyện Võ Lăng có ông chài chèo thuyền đánh cá dọc theo khe suối, thấy có hoa đào trôi trên mặt nước. Thầm nghĩ ở đấy có dân cư, thuyền đi mãi đến một nơi có người khá đông, ăn mặc theo lối nhà Tần. Hỏi thì họ bảo lánh nạn hà khắc của Tần Thủy Hoàng, di cư đến đây đã được mấy đời rồi. Ngư phủ chèo thuyền về thuật chuyện lại với mọi người, sau trở lại tìm chốn cũ nhưng không được. Người ta ngờ ông chài ấy đã lạc vào cảnh Tiên.

“Nào hay là khách Đào nguyên đã về”.(Hoa Tiên)

“Làm sao khỏi chốn mê tân,

Đào nguyên vạn lượng tỏ phân kính sùng”.( ĐHGC)

          Ngoài ra Đào nguyên cũng có chỗ chép Truyện Từ Thức (Xem Đào Nguyên - Phần Điển Tích).

          DI KHẢ: Đến được. Nghĩa rộng: Có thể làm được. Sẽ thành công.

          TỨ HỒ VĂN: Lời hay ý đẹp có dịp đem ra sử dụng. Nghĩa rộng: Tính thiên phú về văn chương.

          2/-KHẢO ĐẢO: Gặp phải, mắc phải. Nghĩa rộng: Lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trở ngại.

          TÂM TRUNG: Ngay thẳng, một lòng một dạ.

          MÃI: Mua. Nghĩa rộng: Gây dựng.

          VẠN NĂNG: Đủ sức gánh vác mọi công việc.

          3/-THÌ LAI: Còn gọi là Thời lai: Đến thời đến lúc.

          ĐÃI ANH: Nghĩa rộng: Chờ tin, chờ người.

          CHƠN THIÊN XUẤT: Vua trời xuất hiện (Ra đời). Nghĩa bóng: Đức Minh Chúa trị vì đời Thượng nguơn thánh đức.

          4/-VẬN THỚI: Gặp dịp, gặp thời. Nghĩa rộng: Cơ hội đã đến.

          THÔ TRÌNH: Đoạn đường xấu. Nghĩa bóng: Gặp hoàn cảnh, giai đoạn khó khăn.

          TRỰC: Ngay thẳng.

          BỈNH THĂNG: Đi lại dễ dàng, công việc thuận lợi.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU

          Cơ hội (Thời cơ) đã đến, cho dù có gặp đoạn đường xấu (khó khăn trở ngại) cũng vẫn vượt qua.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn