CHÁNH VĂN (Từ câu 507 tới câu 594)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 30413)
CHÁNH VĂN (Từ câu 507 tới câu 594)

507.-Kẻ đói khó người sang hay lánh,

Bước lại gần chê lũ tanh-hôi.

Cõi ta-bà Ta thấy hỡi ôi ! 

510.-Sầu bá-tánh quá nên kiêu-cách.

Người tàn-tật đui-cùi đói-rách,

Ít có ai để mắt nhìn vào.

Chuộng những người dù võng sắc màu,

514.-Cậu với mợ, ông-thầy, cô-bác.

Thị kẻ khó như rơm như rác,

Ta quá rầu đài-các văn-minh.

Mấy ai mà giữ dạ sắt-đinh,

518.-Theo Tông-Tổ của mình thuở trước ?

Đầu với tóc áo quần láng-mướt,

Chữ lanh khôn của quỉ của ma.

Chớ nó không có giống người ta,

522.-Ma với quỉ sanh người hung ác.

Lo tâp luyện những câu đờn hát,

Chớ chẳng lo dạy-dỗ ngu-khờ.

Để cái tâm yên-lặng như tờ,

526.-Coi Ta nói câu nào bất chánh ?

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 507 đến câu 526)

          -Tâm lý kẻ giàu hiện nay, phần đông chẳng lúc nào họ muốn gần gũi người nghèo, nếu trường hợp đặc biệt không thể tránh được, buộc phải tiếp xúc với kẻ nghèo thì họ luôn tỏ vẻ khi dể, né mình, bịt mũi, vì cho là hôi hám khó chịu. Đức Thầy nhìn tâm trạng loài người trong cõi khổ mà bắt hỡi ôi ! Ngài rất buồn thương cho những kẻ quá kiêu căng hống hách.

          -Lại có số người không hề đoái tưởng đến những kẻ tật nguyền cùng khổ, chỉ lo bưng bợ và yêu chuộng hạng cao sang quyền thế.

          -Đối với kẻ nghèo hèn thiếu ăn thiếu mặc họ xem chẳng xứng đáng vào đâu, Đức Thầy buồn thương cho những người quá đam mê xa hoa phung phí theo nền văn minh vật chất. Xét ra, chẳng còn bao người bền gan chặt dạ, ăn ở đúng theo nền nếp, gia phong của Tổ tiên từ trước :“Gan vàng sắt đá lòng son mấy người?”(Giác Mê của Đức Phật Thầy)

          -Họ chỉ lo chưng diện lụa the màu sắc, tập tành theo lối sống gian ngoan, quỉ quyệt, mất cả lòng nhơn. Đức Thầy cho những kẻ thiếu tình nhân loại ấy, chưa xứng đáng là một con người. Bởi từ chỗ khôn ma, khôn quỉ đó, sẽ đưa họ đến hung tàn bạo ác, gây đau khổ cho nhân loài.

          -Cũng có hạng cho mình là kẻ học thức, nhưng họ chỉ biết điêu luyện tiếng đờn giọng hát, để ru hồn tuổi trẻ, chạy theo nếp sống xa hoa trụy lạc, không để tâm chỉ dạy người quê dốt. Đến đây Đức Giáo Chủ kêu gọi mọi người trong xã hội hãy bình tâm suy nghĩ lời luận giải của Ngài, xem có chánh lý hay không ?

 

CHÚ THÍCH

          TA BÀ: (Xem CT câu 183, T-2, Q.2).

          KIÊU CÁCH: Cách điệu kiêu hãnh, khi người; hoặc bằng lời nói, bằng dáng điệu ngạo nghễ, lập dị. Ví dụ: Cử chỉ kiêu cách, lời giọng kiêu cách. Đức Thầy hằng răn dạy:

                   Hãy bỏ dứt tánh tình kiêu cách,

                     Các con lành khá chọn ngay đường”.

                                                (Nang thơ Cẩm tú)

          VĂN MINH: (Xem CT câu 521, T-1, Q.1).

          DẠ SẮT ĐINH: Sắt và đinh là thứ kim loại, màu xám, chất nó cứng và chắc. Dạ sắt đinh là lòng dạ cứng bền trước sau như một, không hề thay đổi và không ai có thể làm lay chuyển được. Ví dụ: gan vàng dạ sắt. Đức Thầy từng khuyên:

                   “Rèn lòng giữ dạ sắt đinh,

            Đừng phai đừng lợt thân mình thảnh thơi”.

          TÔNG TỔ: (Xem CT câu 143, T-2, Q.3).

 

CHÁNH VĂN

527.-Rán bắt chước làm theo Phật Thánh,

Nếu thiệt người thì biết thương người.

Thấy kẻ khờ quê dốt ngạo cười,

530.-Nào có lấy lời chi chỉ bảo.

Ta thương xót lo tần lo tảo,

Chẳng thấy ai rể thảo dâu hiền.

Làm cho người Thượng-Cổ thêm phiền,

534.-Rất đau xót cho nòi cho giống.

Biết chừng nào được qui nhứt thống,

Khắp hoàn-cầu dân biết thương nhau.

Nhắc ra thì dạ ngọc đớn-đau,

538.-Không nhắc đến biết đâu dân sửa.

Cơm được chín ta nhờ có lửa,

540.-Dân được vui nhờ lúc khải-hoàn.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 527 đến câu 540)

          -Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ khuyên mọi người nên noi gương và thực hành theo lời giảng huấn của Phật Thánh. Nếu là một con người thì phải có lòng nhân, thương yêu và tận tâm giúp đỡ những kẻ chung quanh. Thấy hạng quê mùa dốt nát, không vội khinh chê mà phải thật lòng chỉ bảo họ, những điều hay lẽ phải.

          -Bởi lòng quá thương xót sanh linh, nên Đức Thầy chẳng ngại sự gian khổ, dùng đủ phương tiện tế độ bá gia, và sáng tác Sấm kinh, luận giải Đạo lý, cho thuốc trị bịnh. Với dụng ý là làm cho mọi người đều biết giác ngộ, quay về con đường Đạo đức; thế mà chưa được bao người, biết xử sự cho đúng với bổn phận, dâu hiền rể thảo. Do đó, khiến cho người xưa phải não lòng xót dạ cho dân tộc ta, cũng là nòi giống tiên rồng, mà nay lại để mất đi những đức tánh hiền lương tốt đẹp:“Giống lành xưa cũng Rồng Tiên, Ngày nay hung ác đảo điên khắp cùng”.(Viếng làng Phú An)

          -Đức Giáo Chủ cũng mong đến một ngày cả nhơn loại trong địa cầu đều biết qui về gốc thiện, mọi người cùng thương nhau như ruột thịt, chẳng còn diễn ra cảnh đau thương tang tóc. Và mỗi khi nhắc đến sự thống khổ của nhân sanh, Ngài cũng bắt đau lòng chua xót. Nếu Ngài không nhắc nhở thì dân chúng biết đâu mà ăn năn hối cải.

          -Vả lại, người sống trong trần nhờ có lửa, mới nấu được cơm chín mà dùng, còn đất nước gặp thuở thanh bình, dân chúng mới hưởng cuộc đời an vui hạnh phúc. Vậy ai muốn sống cảnh ấy, hiện giờ phải lo gieo trồng giống thiện.

CHÚ THÍCH

          PHẬT THÁNH: (Xem CT câu 149, T-3, Q.4)

          LO TẢO LO TẦN: Tảo tần là hai loại rau, do chữ “thái tảo, thái tần”. Nghĩa rộng là chỉ cho sự đảm đang nhiều việc, làm lụng cực nhọc, nào buôn tảo bán tần, nào việc nầy việc nọ để nuôi sống gia đình. Ca dao có câu “Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần, Thức khuya dậy sớm tảo tần với anh”.

          Lo tảo lo tần ở đây ý nói: Vì quá thương xót chúng sanh, Đức Thầy phải dày công cực nhọc, dùng mọi phương tiện cứu độ, như Ngài từng nói:

                   Tảo tần lo liệu năm ba,

             Biết sao hiệp mặt lòng già mới nguôi”.

                                      (Từ giã Bổn đạo khắp nơi)

          RỂ THẢO DÂU HIỀN: Rể thảo, do chữ rể Đông sàng, tức người rể xứng đáng, có lòng hiếu thảo với cha mẹ vợ, cũng như cha mẹ ruột. Người xưa từng nói:“Dâu hiền là gái, rể thảo là trai”.

          Dâu hiền, do chữ dâu Nam gián, cũng gọi là dâu nên, tức là người dâu hiền đức, hết lòng tôn kính và phụng dưỡng cha mẹ chồng:“Dâu hiền như báu trong nhà, Khác nào như gấm thêu hoa rõ ràng”.(Ca dao)

            Trong văn chương Việt Nam có tác phẩm “Thoại Khanh Châu Tuấn”, đã nói lên tấm gương dâu hiền rất mực: Sống trong gia đình nghèo túng với một mẹ già, Châu Tuấn lại đi thi, Thoại Khanh hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, hằng ngày bắt ốc hái rau nuôi mẹ…

          Đến Kinh đô, Tuấn thi đỗ cao, nhưng bị nhà vua ép gả Công chúa, Tuấn từ chối vì đã có vợ nhà. Vua nổi giận, đày Tuấn qua xứ khác. Mẹ con ở nhà trông đợi mãi, càng lúc càng bặt tin. Thoại Khanh liền dắt mẹ tìm chồng, trên đường đi, gặp nhiều gian nan vất vả. Khi được tin Tuấn bị đày, mẹ khóc thương mù cả đôi mắt. Thoại Khanh tiếp tục cõng mẹ, băng rừng vượt suối để đến với Tuấn. Thời gian bị lạc trong rừng, vì mẹ đói quá, nàng hy sinh lóc thịt nướng cho mẹ ăn đỡ đói. Một hôm, nàng lại bị hung thần bắt ép phải ưng nó làm chồng, bằng không thì phải chịu móc đôi mắt, thế là nàng đành chịu mất đôi mắt để tròn câu chung thỉ với Châu Tuấn.

          Do lòng trọn thảo với mẹ và trinh tiết với chồng, nên Trời đất cảm động ban phúc cho cặp mắt Khanh sáng lại và cho thần Sơn quân (cọp) cõng hai mẹ con đưa đến gặp Tuấn.

          Bấy giờ Châu Tuấn đã thi đậu lại lần nữa, cả nhà vui mừng sum họp và sống cuộc đời hạnh phúc vinh quang.

          Đó là một tấm gương dâu hiền đáng kính và đáng noi theo. Nhưng nhìn lại hàng phụ nữ thời nay thì quá hiếm, cho nên Đức Thầy thường khuyến tấn:

                   “Hàng phụ nữ gương xưa nối chí,

               Những mẹ hiền dâu thảo roi truyền”.(Kh/thiện,Q.5)

            NGƯỜI THƯỢNG CỔ: Người thời xưa. Đây chỉ cho Tổ tiên ta, những người đã sản sanh giống Tiên rồng Việt Nam.

          NÒI GIỐNG: Cũng gọi là giống nòi. Chỉ cho nguồn gốc dòng dõi của một dân tộc, như dân tộc Việt Nam là nòi giống Tiên Rồng, con Hồng cháu Lạc:

                   “Giống nòi thiệt cốt Rồng Tiên,

                   Mà nay lạc mất gương hiền nơi đâu ?”

                                                (Từ giã Bổn đạo khắp nơi)

          QUI NHỨT THỐNG: Gom về một mối. Đây ý nói đến thời kỳ mà cả nhân loại đều biết trở về với tánh lành, tánh nhân từ bác ái thì chẳng còn ai gây khổ cho ai nữa. Đức Thầy từng nói trong bài “Thu đã cuối”:

                   Chấn hưng Phật giáo học đường,

              Dưới trên hòa thuận chọn đường qui nguyên”.

          HOÀN CẦU: (Xem CT câu 42, T-2, Q.2).

          DẠ NGỌC: (Xem CT câu 496, T-2, Q.3).

          KHẢI HOÀN: (Xem CT câu 54, T-2, Q.2).

 

CHÁNH VĂN

541.-Phật Như-Lai cho phép Khùng troàn,

Cho bổn-đạo khắp nơi đặng biết. 

Ai chửi mắng thì ta giả điếc,

544.-Đợi cho người hết giận ta khuyên.

Chữ nhẫn-hòa ta để đầu tiên,

Thì đâu có mang câu thù-oán.

Việc hung-ác hễ vừa thấp-thoáng,

548.-Chữ từ-bi ta diệt nó liền.

Sự oán-thù đáp lại chữ hiền,

Thì thù-oán tiêu-tan mất hết.

Chữ bạn tác dầu cho đến chết,

552.-Cũng keo-sơn gắn chặt mới là.

Bước ra đường ăn nói thiệt-thà,

Dầu khôn-khéo cũng là giả dại.

Nếu tranh-đương ắt ta bị hại,

556.-Thêm sa-cơ lại bị xích-xiềng.

Vì đời nay chúng nó dụng tiền,

558.-Ít ai dụng chữ nhơn chữ nghĩa.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 541 đến câu 558)

          -Đức Thích Ca Như Lai đã sắc lịnh cho Đức Thầy truyền dạy khắp môn đệ, nhiều pháp tu hành. Trong đây có pháp nhẫn nhục, nó ví như áo giáp tường đồng để bảo vệ nhà tu, khỏi nổi cơn nóng giận trước sự khiêu khích của kẻ khác. Khi có người đến mắng nhiếc chửi rủa thì ta giả như không nghe, không thấy; tâm xét rằng: vì họ thiếu Đạo nghĩa, mới lấn hiếp mình như thế, vậy đáng thương hại hơn là thù ghét, và luôn giữ lòng nhẫn nhục, tha thứ lỗi lầm của họ. Đợi qua cơn giận dữ, ta sẽ dùng lời dung hòa ra khuyên giải, tức nhiên lòng thù oán giữa ta và họ sẽ tiêu tan.

          -Thêm nữa, nhà tu cần theo dõi lòng mình từ phút giây, hễ thấy một niệm hung dữ vừa chớm nghĩ, lập tức dùng tâm từ bi giải trừ. Còn đối với sự thù oán phải lấy lòng hiền đức ra đối trị, bởi “Dĩ đức báo oán, oán tự tiêu tan”; bằng : “Dĩ oán báo oán thì oán kết thêm mãi”.

          -Đức Thầy cũng dạy về đạo bằng hữu, cần phải giữ lòng thương mến, tương trợ lẫn nhau cho được thỉ chung như nhất. Và về mặt giao tiếp với mọi người hãy nói năng chơn chất, chẳng nên khoe khoang lớn lối, dầu ta có đủ tài trí cũng giả như kẻ thật thà quê dốt, là yên thân nhất.

          -Vì rằng: nếu ta ham đua tranh, giành giựt với mọi người, ắt không tránh khỏi va chạm đến quyền lợi, hay lòng tự ái của kẻ khác; rồi dẫn đến chỗ tranh tụng kiện cáo, nhiều khi phải chuốc lấy sự thất bại, tù tội. Bởi thời nay, người ta xem tiền bạc là trên hết “Đa kim ngân phá luật lệ” chớ ít ai thi thố lòng nhơn nghĩa.

CHÚ THÍCH

          NHƯ LAI: (Xem CT câu 153, T-2, Q.3).

          NHẪN HÒA: Nhẫn nhịn và khoan hòa, dung thứ mọi người. Đây là một đức tánh, cũng là phương pháp, có diệu năng trừ được lòng nóng giận hung ác.

          THẤP THOÁNG: Lấp loáng, vừa nhoáng lên, vừa thoáng qua. Đây ý nói tánh hung ác vừa mới chớm phát.

          TỪ BI: (Xem CT đoạn 2, T-1, bài Sứ Mạng).

          OÁN THÙ: Cũng gọi là thù oán. Có nghĩa thù nghịch oán hận và căm tức trong lòng để chờ dịp làm cho lợi gan. Đức Thầy có câu:

                   “Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn

                     Mới có cuộc tranh tài đấu lực”.(Kh/thiện Q.5)

            BẠN TÁC: Làm bạn. Do chữ “Bằng hữu”, tức tình bè bạn. Cũng có nghĩa là kết bạn giữa hai người xuýt xoát tuổi với nhau. Ở đây chỉ cho Đạo bè bạn, một trong “Ngũ luân”, đã kết bạn với nhau thì phải đối xử đứng đắn, trước sau như một. Sau đây là câu chuyện tình bạn tác cho đến chết vẫn còn keo sơn gắn chặt.

          -Thời Chiến Quốc (Tr.Hoa) có đôi bạn thân là Tả Bá Đào và Dương Giác Ai, cùng nhau đến nước Sở để lập công danh. Đường xa diệu vời, tắm nắng dầm mưa. Bá Đào vương phải bệnh, nằm lạnh run, suy tính: số y thực mang theo chỉ đủ một người dùng, mới đi đến nơi, nên anh khuyên Giác Ai: hãy đi một mình để anh ở lại, nhưng Giác Ai không đồng ý.

          Độ ấy, mưa càng lúc càng nhiều, trời rét buốt, Bá Đào kêu Giác Ai nói:

          -Anh mệt mỏi và lạnh quá đi không được nữa !

          Giác Ai liền đỡ Bá Đào nằm trên tảng đá, rồi chạy đi kiếm củi để đốt hơ, nhưng khi trở lại, thấy Bá Đào cởi hết y phục xếp lại, để mình trần nằm đó chờ chết. Giác Ai ngạc nhiên hỏi:

          -Anh sao thế ? Bá Đào đáp:

          -Anh sức kém lại học ít, liệu tới nước Sở cũng chẳng làm được gì, nếu không khéo, cả hai ta đều chết đói giữa đường. Vậy em hãy lấy hết y thực mà đi, anh đành chết nơi đây. Nói xong Bá Đào tắt thở ! Giác Ai khóc than thảm thiết, toan liều mình chết theo bạn, xong nghĩ làm vậy, tức phụ lòng anh, bèn lo chôn xác Bá Đào, chất đá làm dấu, rồi bùi ngùi ôm gói ra đi.

          Tới nơi, Giác Ai được vua Sở trọng dụng, phong tước Trung Đại Phu. Giác Ai đem sự tình tâu hết cho Vua nghe, và xin phép trở lại xây mộ cho anh. Vua chuẩn y, lại cũng truy phong cho Bá Đào chức Trung Đại phu và cắt quan quân, theo hộ vệ Giác Ai.

          Công việc xây mộ vừa xong, Giác Ai nằm mộng thấy Bá Đào về cho biết: Anh rất cám ơn em lo danh phận và mồ của anh chu đáo, ngặt nơi đây gần mộ Kinh Kha, một thần linh ở đất nầy; bộ hạ y sanh đố kỵ, nên mấy hôm nay xua đuổi và đánh đập anh khổ sở lắm !

          Giác Ai thức giấc, liền đòi làng xóm sở tại đến hỏi. Quả có mộ Kinh kha gần đó. Giác Ai cấp tốc đến miếu phân bày hơn thiệt: bảo Kinh Kha từ rày không được cho bộ hạ đến hiếp anh ta nữa ! Nhưng đêm sau Bá Đào cũng ứng mộng bảo Giác Ai: nên dời mộ anh đi nơi khác, vì Kinh Kha và bộ hạ y chẳng khứng để yên.

          Giác Ai tỉnh dậy, liền viết sớ tâu vua hay và kêu đoàn tùy tùng nói: -Bọn Kinh Kha ỷ mạnh ăn hiếp anh ta đến đỗi, ta phải chết theo anh để trừ kẻ cường nghịch, đoạn rồi anh rút gươm tự tử.

          Đêm đó giữa lúc canh ba, gió mưa sấm sét tưng bừng, nghe tiếng la hét vang dội. Sáng lại người ta thấy mồ Kinh Kha bể nát, xương cốt văng lên mặt đất, cây cối chung quanh tróc gốc ngã lăn. Miễu môn cũng cháy sạch như chỗ đất bằng. Vua Sở được tin, liền sai quan đến nơi ấy lập miễu thờ hai anh em Dương Giác Ai và Tả Bá Đào để tưởng nhớ đôi bạn “Chí thân tử hữu”. Người sau thường dùng điển tích nầy để tỉnh đời:

                   Thương nhau như gã Ai Đào,

                  Mong chi ai xẻ đồng bào nhiều phe”.

          KEO SƠN: Keo và sơn là hai chất dính khó làm cho tróc ra. Cổ thi có câu:“Cổ giao đầu tốt trung, Thùy năng biệt ly thử”.(Lấy keo bỏ vào trong sơn thì ai chia rẽ cho được). Đây ý nói tình bạn thương yêu, đoàn kết nhau rất khắn khít như keo với sơn dính liền. Đức Thầy nay từng nói trong bài “Viếng làng Mỹ Hội Đông”: “Keo sơn đâu cật liền lưng”.

          TRANH ĐƯƠNG: Tranh đua giành giựt, chống cự lẫn nhau.

          SA CƠ: Bị việc không may, phải thua, phải thất bại. Ví dụ: Sa cơ thất thế,

          XÍCH XIỀNG: Xích là sợi dây bằng sắt, có nhiều khoen móc liền nhau. Xiềng là trói buộc lại. Xích xiềng là bị cột trói bằng dây xích. Nghĩa bóng là bị sự tù tội, ràng buộc khổ sở, Đức Thầy bảo:

                   Tham chi giả tạm của tiền,

               Như chim vào lưới xích xiềng trói thân”.(Hoài Cổ)

          NHƠN NGHĨA: (Xem CT câu 868, T-1, Q.1).

 

CHÁNH VĂN

559.-Theo học Đạo mặc ai mai-mỉa,

Ta cũng đừng gây-gổ với người.

Được mấy điều thì đáng vàng mười,

562.-Thiệt hiền-đức có ai mắng chửi.

Xưa đức Thánh luận bàn cái lưỡi,

Ngài nói rằng các việc tại mầy.

Thuận với hòa hay ghét với rầy,

566.-Cũng cái lưỡi làm thầy các việc.

Phải kiếm cách đặng ta trừ tuyệt,

Lấy tâm thần làm chủ mới mầu.

Cũng chẳng nên theo tánh Võ-hầu,

570.-Thấy chẳng nói mà nhăn mà nhướng.

Hãy liệu sức chớ nên nói bướng,

Dầu việc chi liệu lượng mà làm.

Điên Khùng nầy chẳng có nói xàm,

574.-Nói những chuyện từ-bi bác-ái.

Nếu bổn-đạo còn ai làm sái,

Coi kệ này mình sửa lấy mình.

Ta không tranh mà cũng không kình,

578.-Cho bá-tánh gièm-pha thoả chí.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 559 đến câu 578)

          -Đã quyết tâm tu học đạo pháp thì dù ai có gièm siểm nhạo chê, ta cũng đừng sân si với họ, hầu để tâm yên tĩnh lo thi hành việc Đạo nghĩa; mỗi người đều biết tu sửa như vậy, ắt được quí báu hơn vàng ngọc. Và nếu ta đã thật tâm tu niệm, tức nhiên mọi kẻ chung quanh đều kính nể, thì đâu còn ai khinh khi mắng chửi.

          -Xưa Thánh nhơn thường răn đời, nên thận trọng lời nói, bởi mọi thành quả thấp cao, tội phước hòa vui hay thù hận, cũng đều do miệng lưỡi mà ra. Cho nên ngày nay Đức Thầy thường chỉ dạy tín đồ:“…phải giữ cho lời nói mình được thành thật chánh đáng, được vậy trong hương đảng mới bớt rầy rà, ngoài xã hội không điều xích mích và mình cũng không còn chịu ác cảm, tránh sự miệt khinh của kẻ khác”.(Ác lưỡng thiệt)

            -Song muốn trừ tuyệt các lời nói quấy ta phải tự chủ thân tâm, mỗi khi muốn nói hay làm việc gì, trước phải dùng thần trí sáng suốt mà xét suy kỹ lưỡng; nếu thấy điều đó là ôn thuần đạo nghĩa mới thực hiện. Bỏ hẳn những tánh tình thô bạo, những cử chỉ hăm he, nhăn nhện làm cho kẻ khác khó chịu.

          -Và trước khi thi thố điều chi, ta cần phải suy lường cân nhắc, chớ không nên làm càng nói bướng. Còn những lời khuyên dạy trên đây, là tiếng lòng từ ái của Đức Giáo Chủ, chớ chẳng phải là lời nói nhảm, mà bá tánh thờ ơ không lưu ý.

          -Ngài cũng kêu gọi khắp bổn đạo, mỗi người hãy tự kiểm, nếu thấy mình quấy phạm thì xem theo lời dạy trong quyển “Giác Mê Tâm Kệ” nầy, mà tu sửa thân tâm, rèn luyện ngôn ngữ cho được ngay chánh. Riêng phần giáo độ nhân sanh của Đức Thầy, Ngài chẳng hề tranh luận chống kình với một ai, nên dầu cho tiếng đời có nhạo chê gièm siểm cũng mặc:“Cay đắng siểm gièm thân lão chịu, Miễn đời thạnh trị hết cuồng ngông”.(Phòng vắng đêm khuya)

          MAI MỈA: Cũng gọi là mỉa mai. Có nghĩa châm biếm, chế nhạo, nói cạnh khía, nói cười nửa chơi nửa thật, nhưng có ẩn ý khi dể. Ví dụ: nói mỉa mai, cười mai mỉa.

          VÀNG MƯỜI: (Xen CT câu 109, T-2, Q.3).

          CŨNG CÁI LƯỠI LÀM THẦY CÁC VIỆC: Lưỡi là một bổn phận của cơ quan tiêu hóa, bằng thịt nằm trong miệng, có nhiều hạch nước miếng, dùng để nếm, lừa thức ăn và cũng để nói chuyện.

          Sách Tây phương có sự tích:

          Erope, một triết gia, cũng là một nhà thơ nổi tiếng nhất ở Hy Lạp, sống vào khoảng thế kỷ thứ VI và thứ VII, trước Tây lịch. Lúc ông còn làm nô lệ, một hôm chủ bảo ông ra chợ mua thức ăn nào ngon nhất. Ông bèn mua toàn là lưỡi heo, đem về làm các thức ăn, chủ lấy làm lạ hỏi lý do. Ông đáp:

          -Lưỡi là cái chìa khóa của tất cả lý lẽ. Nhờ nó mà con người được địa vị cao sang, nhiều kẻ khác kính nể.

          Ít hôm sau, người chủ muốn thử ý, bèn sai ông đi mua món nào xấu và dở nhất về nấu ăn, ông cũng mua toàn lưỡi heo. Người chủ ngạc nhiên hỏi:

          -Tại sao nay cũng mua lưỡi heo nữa ?

          Ông đáp:

          -Nếu nói về cái quí thì không gì quí hơn lưỡi, nhưng tìm cái xấu thì cũng không gì xấu hơn nó. Chính cái lưỡi đã khiến con người ưa tranh biện, gây chia rẽ, vu cáo, nói những lời bất nghĩa, bất nhân. Tài hùng biện của Erope khiến người chủ phải chịu thua.

          Đây ngụ ý lời nói (lưỡi) là nguồn cội của sự chân thật hay là điêu ngoa xảo trá. Ngạn ngữ Việt Nam có câu :“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Thánh Khổng Tử cũng bảo:“Nhất ngôn bất đúng, vạn sự bất thành”. Và “Cổ ngôn chi bất xuất, Sĩ cung chi bất đãi dã(Người xưa chẳng dám khinh dễ lời nói, sợ e chẳng theo kịp lời nói mà hổ ngươi). Bởi mọi việc hư nên tốt xấu gì, cũng do nơi lời nói mà ra cả.

          TÂM THẦN: Phần tinh thần của thể xác, tức là sự linh diệu sáng suốt của tâm trí mình. Đức Thầy có câu:“Tâm thần hoài tưởng chuyện xa xôi”.(Thi Xuân)

          VÕ HẦU: Loài khỉ, tánh võ hầu là tánh hay nhảy nhót, bực dọc, nhăn nhướng.

          LIỆU LƯỢNG: Toan tính, suy lường, cân nhắc đâu đó chu toàn. Ví dụ: Việc đó đã liệu lượng xong rồi.

          BÁC ÁI: (Xem CT câu 40, T-1, Q.1).

          GIÈM PHA: Đặt chuyện nói xấu người với một kẻ khác, hoặc nói vô nói ra cho hư chuyện người.

 

CHÁNH VĂN

579.-Ai làm phước in ra mà thí,

Thì được nhiều hạnh-phúc sau nầy.

Chốn non xanh dạy-dỗ cáo-cầy,

582.-Xuống trần-thế ra tay dắt chúng.

Tới với Ta chớ đem đồ cúng,

Chỉ đem theo hai chữ thành-lòng.

Chẳng có cần trà, quả, hương nồng,

586.-Mong sanh-chúng từ-lòng hối-ngộ.

Kẻ xa-xuôi có lòng ái mộ,

Xem Kệ nầy tu tỉnh tại nhà.

Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,

590.-Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc.

Chay bốn bữa ấy là quy-tắc,

Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng-sanh.

Con Phật thì chẳng có khôn lanh,

594.-Đời văn-vật khôn ma khôn quỉ.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 579 đến câu 594)

          -Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ khuyến dạy chư thiện tín, nếu ai muốn tạo nhân từ thiện, hãy xuất tiền in kệ giảng, truyền bá trong quảng đại quần chúng, vì đó là công tác pháp thí (một trong 3 món bố thí) thì sau nầy được hưởng nhiều phúc hạnh sáng mầu. Bởi đầy lòng từ bi đối với cả chúng sanh, nên lúc còn an trú nơi rừng núi, Đức Thầy đã độ rổi các loài cầm thú, nay lâm phàm Ngài có bổn phận hướng dẫn nhân sanh, tiến lên đường Đạo đức.

          -Vậy ai muốn qui đầu Phật pháp, khi đến với Ngài, khỏi phải bận tâm dùng lễ vật, chỉ cần có sự thật lòng thành tín là được. Bởi những lễ lộc như: nhang, đèn, bánh trái.v.v…của trần gian, Ngài và chư Phật chẳng hề màng đến:“Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham”.(Hai mươi chín tháng Chạp) Ngài mong sao mọi người đều biết trở lại với tâm lành, hối cải những lầm lỗi vừa qua và tự quyết không còn tái phạm.

            -Đến như những kẻ ở quá cách xa, không đủ phương tiện tới gặp Đức Thầy, song họ có lòng thành, kính mộ đạo đức thì cứ ở ngay tại nhà, xem theo lời dạy trong Kệ nầy mà phát nguyện qui y Tam Bảo, cũng được Ngài và Tam Bảo ứng chứng cho.

          -Về qui tắc của PGHH, mỗi tín đồ khi mới đặt chân vào cửa đạo, cần giữ đúng Tám điều răn cấm và phải ăn chay mỗi tháng bốn ngày (Ngày 14, rằm, 29 và 30, tháng thiếu thì 29 và mùng Một)  rồi tùy theo lòng nhân và trình độ của mỗi hành giả mà tiến dần lên. Đức Thầy còn dạy rằng: đã tự nguyện làm tôi con của Phật thì sự nói năng phải giữ cho được chân thật hiền hòa, không nên đua chen, tập nhiễm theo nếp sống văn vật kim thời mà ăn nói khôn lanh xảo quyệt.

          HẠNH PHÚC: (Xem CT câu 240, T-3, Q.4)

          THÀNH LÒNG: (Xem CT câu 27, T-2, Q.2).

          HỐI NGỘ: Ăn năn và tỉnh ngộ, tức là tự tỉnh biết mình đã làm quấy mà ăn năn cải sửa. Đây là nghĩa của chữ Sám Hối (Xem thêm phần CT câu 407, T-3. Q.4).

          ÁI MỘ: Yêu chuộng, ưa thích và kính tin. Ví dụ: ái mộ Đạo đức, ái mộ việc lành.

          TU TỈNH: (Xem CT câu 342, T-2, Q.2).

          THỜI KHẮC: Giờ khắc. Một ngày có 24 giờ, một giờ gọi là một thời và có 60 phút, cứ 15 phút là một khắc. Vậy một khắc là một phần tư của một giờ. Người ta căn cứ vào thời khắc mà phân định thời gian làm việc, tu hoặc ăn nghỉ (xem thêm phần CT câu 42, T-1, Q.1).

          QUI TẮC: Do chữ “Qui tắc chuẩn thằng”. Qui là cái đồ vẽ hình tròn (compa), tắc là cây thước của người thợ dùng để đo góc vuông (thước vuông). Chuẩn thằng là dây chuẩn dây tiêu dây mực. Nhờ các món ấy mà người thợ làm nên món đồ ngay thẳng, khéo đẹp. Nghĩa rộng là chỉ cho luật lệ phép tắc. Ở đây ý chỉ cho qui luật, nghi thức của Đạo mà mỗi tín đồ phải hành trì, cho đúng theo đó.

          VĂN VẬT: (Xem CT câu 89, T-2, Q.3).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn