CHÁNH VĂN (Từ câu 533 đến câu 612)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 32403)
CHÁNH VĂN (Từ câu 533 đến câu 612)

533.-Tự-do trai gái kết tình,

Với lo trau-sửa cho mình đẹp tươi.

Gái trai đến tuổi đôi mươi,

536.-Chẳng kiêng cha mẹ nói cười lả-lơi.

So hình sửa sắc chiều mơi,

Đặng làm những chuyện trái đời vô liêm.

Cớ sao chê cổ trọng kim,

540.-Phụ cha phản chúa lỗi niềm tôi con.

Thấy đời trần-hạ thon-von,

Ai nuôi cho lớn mà còn khinh-khi.

Ông cha thuở trước ngu-si,

544.-Mà ngay mà thật hơn thì đời nay.

Học hay lợi dụng tiền tài,

Lên quan xuống huyện ăn-xài lả-lê.

          Gặp ai đói rách cười chê,

548.-Miệng kia hễ mở chửi thề vang rân.

          Chẳng lo rèn trí lập thân,

550.-Để làm xảo-trá khổ thân sau nầy.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 533 đến câu 550)

          -Đoạn nầy cho biết thời nay, trai gái mới lớn lên đã biết tô điểm son phấn, sửa sắc chuốt mày và tự cấu kết tình duyên với nhau, chớ chẳng đợi lịnh của cha mẹ. Khi đến tuổi đôi mươi lại càng không kiêng nể ai nữa, mặc tình nói cười suồng sã.

          -Sớm chiều lo chưng diện hở hang, sửa mình nhắm vóc, để hành động toàn những việc trái ngược với mỹ tục thuần phong, chê đùa nền luân thường đạo nghĩa cổ truyền, phụ rãy tổ tiên nòi giống. Đức Thầy thường cảnh tỉnh hạng người ấy trong bài “Gìn tục cổ”:

                   “Cũng dòng dân Việt cũng màu da,

                     Sao lại chê bai thói tục nhà.

                     Phong hóa lễ nghi trề nhún bỏ,

                     Gia nghiêm nghĩa tiết choán Nam gia”.

          -Nhận xét cõi trần sắp đến hồi nguy khổ, thế mà người đời chẳng nghĩ đến công ơn cha mẹ, buông lời khinh chê vô lễ. Tuy Tổ tiên ta trước kia có kém văn minh tiến bộ, nhưng tánh tình rất trung thực hiền hòa hơn con người thời nay.

          -Bây giờ người ta hay dùng tài học thức, khôn xảo, xu phụng hạng quan quyền, lợi dụng tiền bạc của dân quê, để tiêu xài phung phí. Gặp ai nghèo đói tật nguyền, họ lại nhạo chê khinh rẻ, mở miệng thì xưng hô lớn lối, chửi thề thô tục. Thế nên, Đức Thầy kêu gọi hạng người nói trên, hãy lo nuôi chí lập thân, tu rèn trí đức :

                   Khuyên bổn đạo lập thân nuôi chí,

                     Đặng chờ ngày yết kiến Phật Trời”.

                                                (Giác mê Tâm kệ, Q.4)

          Đừng hành động gian xảo mà sau nầy phải vương khổ lụy vào thân.

CHÚ THÍCH

          VÔ LIÊM: Không trong sạch ngay thẳng, mất hết tư cách, phẩm hạnh. Ví dụ: Kẻ vô liêm bất chánh.

          CHÊ CỔ TRỌNG KIM: Chê bỏ cái xưa, cũ, quí trọng yêu chuộng cái mới (tân thời). Đức Thầy từng than:“ Ôi ! đời yểm cựu nghinh tân, Rùng rùng xóa bỏ Phật Thần Thánh Tiên”.(Thu đã cuối)

          THON VON: Gian nan nguy hiểm, khổ sở cô đơn. “Bơ vơ đất khách thon von thế nầy”.(Cổ thi)

          LỢI DỤNG: Thừa cơ mà v lấy để kiếm lợi riêng mình. Làm việc có lợi cho mình mà hại cho người khác. Đây chỉ cho hạng người làm quan xử kiện ăn tiền hết hai bên, hoặc theo bợ đỡ kẻ có quyền thế để lợi dụng.

          ĂN XÀI LÃ LÊ: Ăn xài phung phí, không biết tiết kiệm.

          RÈN TRÍ: Trau luyện, giồi mài trí tuệ cho được sáng suốt. Về phương cách tu rèn trí tuệ, Đức Thầy có dạy:“Người học Đạo muốn mở mang trí tuệ cần phải tìm phương pháp diệt cái vô minh (tối tăm ngu muội).

          Muốn diệt cái vô minh trước phải điêu luyện cái tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhất của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bày trừ những: thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bày trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy”.(Trong việc Tu thân Xử kỷ)

          LẬP THÂN: Tự mình gây dựng tài trí và danh phận cho mình. Sách Thánh có câu “Lập thân hành Đạo dương danh ư hậu thế…”.Đức Thầy cũng bảo:“Một hội nầy rán lập thân danh”, (Để chơn đất Bắc) và “Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần”.(Thu đã cuối)

          XẢO TRÁ: Giả dối, không thật lòng. Ví dụ: Ăn nói xảo trá, mưu mô xảo trá.

CHÁNH VĂN

          Giáo-viên các sở các thầy,

552.-Khuyên mau tỉnh ngộ tập rày lòng nhơn.

          Giúp đời đừng đợi trả ơn,

Miễn tròn bổn-phận hay hơn bạc vàng.

          Đánh liều Ta cũng nói càn,

556.-Cứu dân bất luận giàu sang khó nghèo.

          Vinh-hoa như thể bọt-bèo,

Hiền-lương bất luận khó nghèo cũng xinh.

Nhắc năm Gia-Tĩnh triều Minh,

560.-Nàng Kiều vì hiếu bán mình chuộc cha.

Tuy là lưu-lạc bôn-ba,

Đến khi mãn hạn bạn xưa cũng nhìn.

Ghét ưa Ta cũng mặc tình,

564.-Nghiệm kim suy cổ biện minh thế nào.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 551 đến câu 564)

          -Đoạn Giảng nầy Đức Thầy khuyên các giới: công viên, giáo chức trong khắp trường sở, hãy sớm thức tỉnh tu hành, rèn tập lòng nhơn ái, biết thương người mến vật hầu tận tâm giúp đỡ. Trong lúc giúp ích cho đời, không nên mong cầu tiếng khen hay phúc báo, cũng chẳng phân biệt ta là người ban phúc còn người kia là kẻ thọ ơn, mà nên xét vì bổn phận phải làm:“Nếu thiệt người thì biết thương người”.(Giác Mê, Q.4) Ai thi hành được như thế thì dầu cho vàng bạc cũng không sánh kịp.

          -Tuy lời khuyên của Đức Thầy không được bao người để ý, nhưng vì lòng từ bi Ngài vẫn tiếp tục nói mãi. Nói với lòng bình đẳng, không phân biệt nghèo giàu hay già trẻ, trí ngu. Bởi lẽ:“Giàu sang nghèo khó cũng người, Nên ta thương hết dầu cười hay khen”.(Khuyên người giàu lòng Phước thiện)

          -Ngài còn so sánh cho khách trần được rõ, cảnh vinh hoa phú quý khác nào bóng bọt, bèo trôi, lênh đênh theo dòng nước, chỉ một lượn sóng nhấp nhô cũng đủ làm tan rã. Còn người tuy nghèo khó, nhưng nếu biết tu nhơn tích đức, tất được quí báu và vững bền. Ngài nhắc lại chuyện Nàng Kiều, dù phải mười lăm năm phong trần mệnh bạc, nhụy rữa hoa tàn, song nhờ lòng hiếu thảo mà chàng Kim vẫn trông đợi kính yêu. Đó là Ngài dụng ý khuyên mọi người phải nhớ đến công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và hiếu hạnh là cao hơn hết.

          -Đối với những lời khuyên dạy trong đây, dầu người đời có ghét hay ưa, Đức Thầy cũng không màng kể, chỉ ý thức cho mọi người nên nghiệm xét chuyện xưa, để thấu hiểu chuyện nay một cách tường tận, rồi sẽ nhận định lời giáo huấn của Ngài, xem có đúng lý và ích lợi cho đời không ?

CHÚ THÍCH

          TỈNH NGỘ: (Xem CT câu 93, T-2, Q.2).

          LÒNG NHƠN: (Xem CT câu 281, T-2, Q.2).

          HIỀN LƯƠNG: Hiền lành tốt đẹp, biết thương người mến vật, không ưa đánh đập gây gổ. Đức Thầy có câu”

                   Phật từ bi độ tử độ sanh,

                   Là độ kẻ hiền lương nhân ái”.(Kệ Dân, Q.2)

          NÀNG KIỀU: Theo tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” của cụ Nguyễn Du: Vào triều nhà Minh, vua Gia Tỉnh, tại Bắc Kinh (Tr.Hoa) có nhà họ Vương, sanh đặng ba người con là: Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan.

          Nhân tiết Thanh minh chị em dắt nhau đi tảo mộ, Kiều gặp Kim Trọng (một Nho sinh) hai người vừa ý, rồi cùng nhau kết hẹn cuộc trăm năm. Nhưng chẳng may Vương Ông lâm nạn. Vì lòng hiếu đễ, Kiều hy sinh tấm thân ngà ngọc tự bán mình để đổi lấy số vàng chuộc thân phụ khỏi nơi lao ngục. Trải qua 15 năm lưu lạc, mưa gió phũ phàng Kiều tủi thân mệnh bạc, bèn nhảy xuống sông Tiền Đường tự sát. Vì căn phần chưa mãn, nhờ Sư cô Giác Duyên cứu sống đem về chùa lo bề tu tỉnh. Thời gian sau, Kim Trọng tìm gặp lại, tuy đóa hoa trinh nữ đã phai màu song với lòng chung thỉ và sự hiếu của Kiều, khiến Kim Trọng càng kính yêu nhìn nhận.

          Cụ Nguyễn Du đã nhận xét:

Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,

Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.

Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm,

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”.

          Ở đây Đức Giáo Chủ chỉ nhắc đến sự hiếu thảo của Nàng Kiều “Vì hiếu bỏ tình”, dám hy sinh hạnh phúc riêng mình để đền ơn cúc dục.

          BÔN BA: Vừa đi vừa chạy, gian nan vất vả:“ Đi vừa một dặm xa xa, Bỗng đâu Ông Quán bôn ba theo cùng”.(Lục Vân Tiên)

          NGHIỆM KIM SUY CỔ: Suy xét chuyện xưa, để biết chuyện nay. Sách Thánh có câu:“Suy cổ nghiệm kim sở dĩ bất hoặc. Dục tri vị lai tiên sát dĩ vãng”.(Suy xưa nghiệm nay là nơi để cho chẳng lầm, cho nên muốn biết việc chưa tới, trước phải xét việc đã qua). Đức Thầy cũng từng dạy trong bài “Nang thơ Cẩm tú”:

                   Đời phải biết suy Kim nghiệm Cổ,

                     Thông cơ đồ dựng nghiệp Thánh hiền”.

          BIỆN MINH: Vạch ra cho rõ ràng, phân biệt lẽ phải trái làm cho sáng tỏ câu chuyện. Đức Thầy bảo:“Suy cho tường rồi sẽ biện minh”.(Sa Đéc)

 

CHÁNH VĂN

565.-Bá-gia kẻ thấp người cao,

Hiền-thần hiếu-nghĩa rán trau cho rồi.

Giảng này chỉ các điều tồi,

568.-Khuyên dân hãy rán mà ngồi mà suy.

Thân ta, Ta chẳng tiếc chi,

Miễn cho bá- tánh nạn gì cũng qua.

Luận xem những việc sâu xa,

572.-Chúng-sanh tưởng Phật thì là hãy coi.

Tháng ngày như thể đưa thoi,

Nguyện cầu thế giới bớt ngòi chiến-tranh.

          Ngồi buồn dân gặp chiếu manh,

576.-Ta cho bá-tánh bức tranh vô hình.

          Ai ai cũng rán xét mình,

Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài.

          Cạn lời mà ý còn dài,

580.-Hiến cho trần-hạ một bài ngụ-ngôn.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 565 đến câu 580)

          -Đúc Thầy khuyên cả vạn dân hãy rán trau giồi tài năng đức hạnh, trung nghĩa vẹn toàn và hành xử “Tứ Đại Trọng Ân” để xng đáng là một tôi con của gia đình Tổ quốc. Trong quyển Giảng nầy, Ngài đã vạch rõ các điều sai lầm tệ hại, vậy mỗi người nên suy tầm cho thấu hiểu lý mầu trong đó.

          -Riêng thân Ngài dù có mòn hao, gian khổ, cũng không màng tiếc, miễn sao khắp bá tánh được thoát qua các tai nạn là Ngài thỏa nguyện. Bao lời luận giải sâu xa trong đây, người nào biết tin tưởng Phật Trời, hãy rán xem coi tìm hiểu, để lo tu thân gìn Đạo.

          -Vả lại, ngày tháng trôi qua, mau chóng tợ thoi đưa. Cuộc Đệ nhị Thế chiến đang lan diễn khắp nơi, khiến chúng dân luống chịu lầm than, thống khổ. Vì lòng từ bi, Đức Thầy hằng cầu nguyện cho bá tánh và để cứu vãn tình thế, Ngài hưng truyền chánh pháp vô vi, kêu gọi toàn dân hướng thiện, diệt lần mầm sát hại để quả chiến tranh được bớt dần.

          -Nếu mỗi chúng sanh đều biết qui y đầu Phật, thực hành theo chánh pháp vô vi mà Ngài đã truyền dạy. Nghĩa là mỗi hành giả hãy hướng về nội tâm mà tự kiểm soát lọc lừa, loại bỏ những tư tưởng tà vạy, những vọng tâm phiền não (tham, sân, si) tức tâm ta được yên tịnh trong lành, mà vào nơi an lạc, Niết Bàn tự tánh.

          -Viết quyển Sấm Giảng đến đây, Đức Thầy sắp dng bút, nhưng thiện ý giác đời của Ngài chưa mãn, và những lời giáo huấn trong đây còn có rất nhiều ngụ ý sâu mầu khó tả.

CHÚ THÍCH

          HIỀN THẦN: Tôi hiền, người tôi gồm đủ tài đức và trung trực đối với quốc gia dân tộc. Ví dụ: Hiền thần ra giúp nước. Đức Thầy có câu:“Hiền thần Nhơn Quí người đương ẩn mình”.(Từ giã Bổn đạo khắp nơi).

          HIẾU NGHĨA: (Xem CT câu 204, T-2, Q.2).

          NGỒI BUỒN DÂN GẶP CHIẾU MANH: Ngồi buồn là tiếng trong văn chương thường dùng khi mở đầu một câu chuyện có tánh cách tình cảm:“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa ! Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”.(Ca dao). Nghĩa toàn câu là chỉ cho cảnh đang buồn lại gặp sự may mắn. Ở đây ý nói dân chúng đang lâm cảnh khổ (buồn) lại may mắn gặp cơ cứu độ, tức là gặp Đức Thầy khai nguồn Đạo pháp tế độ quần sanh.

          VÔ HÌNH: Không có hình tướng sắc màu. Bức tranh vô hình là chỉ cho Đạo vô vi hay chánh pháp vô vi mà Đức Thầy đã truyền dạy, trong “Giác Mê Tâm Kệ”:

                    “Đạo vô vi của Phật ân cần,

                     Nối theo chí Thích Ca ngày trước”.

          Hoặc:

                   “Huyền Pháp thâm trầm thơm bất tuyệt,

                     Vô vi chánh Đạo hỡi người ôi !”

                                                  (Cho Ô. Tham tá Ngà)

          XÉT MÌNH: Tự kiểm xem xét coi mình đã làm gì: Quấy hay phải, tội hay phước. Ý dạy mỗi người nên xem lại thân, khẩu, ý của mình mà dứt bỏ những gì xấu xa tội lỗi để sớm được trọn lành trọn sáng. Cổ nhân từng bảo:“Thẩm xét lòng mình, chẳng bày lỗi người, ở khắp chỗ đều tự nhiên thong thả, không bị ngăn ngại”. 

          Đức Lục Tổ cũng dạy:“Người tu theo chánh Đạo, muôn vật chẳng tổn thương, lỗi mình hay xét thấy, mới hiệp Đạo chơn thường”.

          BÀI NGỤ NGÔN: Những bài văn hay bài thơ, ngoài nghĩa đen còn có nhiều ngụ ý sâu xa khác. Như nói chuyện loài vật mà ngụ ý chỉ cho việc loài người. Điển hình như bài thơ “Ba con bò ở chung một chuồng”, bài “Cá thia thia”(Cổ thi) hoặc bài Vịnh “Con Beo Đá” của Đức Thầy, như sau:

                   “Beo ơi, Beo hi, là Beo !

                     Gần cọp sao mi lại giống mèo ?

                     Ngóng cổ chờ ai đem thịt tới ?

                     Hay chờ gạt chó cướp đàn cheo ?”

          Ở đây, ngay trong quyển Sấm Giảng nầy, Đức Thầy cũng có ngụ ngôn rất nhiều đoạn, nên Ngài nhắc cho bá tánh hãy tìm hiểu những điều sâu xa ẩn dụ trong đó.

 

CHÁNH VĂN

          581.-Tới đây Ta giả làng thôn,

Ngọc-Thanh lui gót phi bôn Nam-Kỳ.

          Hiền thần sách sử nêu ghi,

584.-Miễu son tạc để tu-mi trung thần.

          Thôi thôi cảnh khổ hầu gần,

Ta khuyên dân-chúng ân-cần nhìn xem. 

          Ra đời dạy-dỗ anh em,

588.-Xem qua ít bận rán đem vào lòng.

          Người tu như thể bá-tòng,

Ai ai cũng quí cũng trông cũng nhìn.

          Sửa trau là phận của mình,

592.-Xưa nay lời lẽ sử kinh rõ-ràng.

          Chừng nào ta gặp Hớn-Hoàng,

Chúng-sanh mới hết phàn nàn số căn.

          Mạnh-Tông xưa cũng khóc măng,

596.-Đất khô nẩy mụt rõ lòng hiếu nhi.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 581 đến câu 596)

          -Viết đến đây Đức Thầy có lời từ giã thôn xóm, đoạn rồi Ngài vân du khắp miền Nam nước Việt để tùy cơ giác tỉnh bá gia. Xưa nay những bậc Trung Quân Ái quốc đều được sách sử ghi biên, miễu son thờ phượng:“Tử vì nước còn ghi linh miếu, Thác vì đời thanh sử danh bia”.(Diệu pháp Quang minh)

          -Ngài cũng báo tin cho dân chúng biết cảnh khổ sẽ kề một bên, nên Ngài khuyên mỗi người hãy lo âu gắng gổ, tìm phương giải thoát. Khi xem đến lời chỉ dạy của Ngài, mỗi người cần ghi tạc vào thâm tâm, để sớm hôm lo trau thân gìn Đạo.

          -Nếu người nào tu hành thì sau nầy quí báu vô cùng, như loại tòng bá ai cũng yêu kính trông nhìn. Vậy bổn phận của mỗi người hãy tự mình lo tu sửa, xưa nay những lẽ Đạo đức trong các kinh sử, đều có dạy rất rõ ràng.

          Đức Thầy còn tiên tri sắp tới đây đất nước Việt Nam sẽ vô cùng vinh diệu, bởi nhờ có vị Thánh Vương ra đời đức tài gồm đủ. Ngài sẽ:“Dựng cuộc hòa minh khắp đại đồng”.(Phỗng Đá trả lời), và đến đó toàn thể chúng sanh đều chung sống cảnh thanh bình an lạc, chẳng còn phải than thân trách phận. Vậy ai muốn hưởng hạnh phúc ấ thì ngay bây giờ, phải trau giồi hạnh hiếu, noi gương Mạnh Tông xưa kia để hành xong bổn phận.

 

CHÚ THÍCH

          PHI BÔN: (Xem CT câu 364, T-2, Q.3)

          TRUNG THẦN: Người tôi trung nghĩa ngay thật đối với đất nước. Ngài Huệ Lựu đã dạy:“Luật Nam nghĩa lý hẳn hòi, Ơn cha nghĩa mẹ, sự vua trung thần”. Đức Thầy cũng nói:“Thương trung thần ghét nịnh mặt lỳ”.(Diệu pháp Quang minh)

          ÂN CẦN: Cần cố, âu lo, gắng gổ. Ví dụ: Làm việc gì có ân cần gắng gổ mới mong kết quả.

          NGƯỜI TU NHƯ THỂ BÁ TÒNG: Bá Tòng là cây trắc và cây tòng (tùng), người ta hay trồng làm kiểng. Sở dĩ Bá Tòng được người đời mến trọng vì nó có bản sắc xanh biếc cả bốn mùa, nhứt là mùa Đông, mọi cây đều tàn cỗi mà riêng nó vẫn được sởn sơ. Vì thế sách ích trí đem người Quân tử ví với Bá Tòng như câu:“Bạch Ngọc vi ư ô nê bất năng tham chấp kỳ sắc, Quân tử xứ ư trược địa bất năng nhiễm loạn kỳ tâm. Cố Tòng Bá khả dĩ nại tuyết sương, minh trí khả dĩ thiệp gian nguy”.(Ngọc trắng vùi nơi bùn lầy mà sắc nó chẳng hề lem ố, người Quân tử ở nơi ô trược không nhiễm loạn cái tâm. Cho nên loại Tòng Bá có thể chịu đựng sương tuyết mà kẻ minh trí cũng có thể vượt lên trên chỗ gian nguy).

          Vì cái đặc tính không dời đổi của Tòng Bá mà Đức Thầy đem người tu để ví với nó, bởi người thật tu thì lúc nào hay ở đâu, lòng vẫn được liêm khiết trung hậu.

          SỬ KINH: Cũng gọi là Kinh Sử, tiếng gọi chung về sách sử và kinh điển.

          HỚN HOÀNG: Vua nhà Hớn. Theo Cơ giảng cho biết thì Quốc hiệu nước Việt Nam sau nầy gọi là Hớn Bang hay Hớn Đàng và sẽ có vị Thánh Vương xuất hiện đem lại sự thái bình cực thịnh cho cả nhân loại. Như trong Giảng “Mười Một Hồi”, Ngài Huệ Lựu đã nói:

“Nói cho già trẻ lo âu,

Minh Vương khôi phục Hớn Châu Phong Thần”.

          Hoặc là:

“Đại Nam xưng hiệu tiền Đường,

Nối ngôi nhà Hớn bốn phương phục tùng”.

          Và trong “Kim Cổ Kỳ Quan” ông Ba Thới đã viết:

“Mười tám nước lai giáng hàng đầu,

Thường năm cống lễ ứng hầu Hớn bang”.

          Đức Huỳnh Giáo Chủ nay cũng bảo:

“Một tay tá Quốc an bang,

Nước nhà vững đặt Hớn đàng hiển vinh”

                                                (Mượn cây Đuốc tuệ)

          Và:

“Gắng công khỏi buổi nghèo nàn,

Sum vầy một cuộc Hớn đàng toại thay”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          SỐ CĂN: (Xem CT câu 752, T-1, Q.1).

          MẠNH TÔNG: Ông tên chữ là Cung Võ, người ở đất Giang Hạ, sống dưới triều Ngô, đời Tam Quốc (Tr.Hoa).

          Cha mất sớm nên Mạnh Tông sống với mẹ già. Ông rất hiếu thảo với mẫu thân, sớm hôm phụng dưỡng chuyên cần, chẳng hề biếng trễ.

          Một hôm mẹ Ông mang bịnh nặng, nhiều danh y diệu dược Mạnh Tông đã rước đến, nhưng đều không trị được căn bịnh hiểm nghèo của mẹ. Lòng Ông rối tợ tơ vò, một mặt lo thuốc thang, một mặt lo khẩn vái Phật Trời nhỏ phước cho mẹ Ông tai qua nạn khỏi. Trong lúc bịnh nặng mẹ kêu Ông đến bảo:“Mẹ thèm bát canh măng, nếu ăn được chắc bịnh mẹ chóng lành”. Nghe vậy, Ông vội vàng đi khắp nơi lùng kiếm măng, nhưng nhằm mùa Đông trời giá lạnh, nên măng không có. Ông buồn bã than thầm:“Canh măng không có, chắc mẹ ta khó sống !” Lòng Ông vô cùng buồn bã đau đớn. Cuối cùng, Ông ngồi ôm gốc tre mà khóc !!!

          Lòng hiếu thảo cảm đến Trời đất, bỗng nhiên có mấy mụt măng nẻ đất mọc lên ngay chỗ nước mắt đã rơi. Mạnh Tông hết sức vui mừng, lạy tạ ơn Trời Phật và bẻ vội măng đem về nấu canh cho mẹ dùng, tự nhiên bệnh bà thuyên giảm và lần lần khỏi hẳn. Danh tiếng của Ông được mọi người kính nể và noi theo. Ông được liệt vào “Nhị Thập Tứ Hiếu” bên Trung Hoa.

          Về sau có một loại tre màu xám, được đt tên là Mạnh Tông, tre có măng hình dáng trông rất đẹp và ăn ngon.

          Do sự tích nói trên, mới biết lòng hiếu thảo cảm động đến Trời Đất và trong sách Thánh đã bảo:“Hiếu từ giả bá hạnh chi tiên. Hiếu chí ư thiên tắc phong vũ thuận thời, hiếu chí ư địa tắc vạn vật hóa thạnh, hiếu chí ư nhơn tắc chúng phước lai trăn”.(Việc hiếu từ là trên hết các hạnh. Hiếu tột đến Trời thì gió mưa hòa thuận, hiếu động đến đất thì muôn vật hóa sanh, còn hiếu cảm đến người thì các phước đều đến).

          Nhà thơ Lý văn Phức cũng đã tán thán sự hiếu:

                   “Cho hay hiếu động cao dày,

                Tình sâu nên khiến cỏ cây cũng tình”.

          Đây là tấm gương nhắc nhở mọi người nên có hiếu với cha mẹ.

          HIẾU NHI: Người con có hiếu.

 

CHÁNH VĂN

597.-Mặc ai nhạo báng khinh khi,

Phần ta niệm chữ từ-bi độ đời. 

Muốn xem được Phật được Trời,

600.-Thì là phải rán nghe lời dạy răn.

Bá-gia cùng các chư tăng,

Việc tu không đợi hương đăng làm gì.

Đời cùng tu gấp kịp thì,

604.-Đặng xem báu ngọc ly-kỳ Năm non.

Phật thương bổn-đạo như con,

Muốn cho bổn-đạo lòng son ghi lời.

Nữa sau đến việc biết đời,

608.-Bây giờ chưa thấy nó thời không tin.

Tới đây cũng dứt giảng kinh,

Nếu ai biết sửa tâm linh mới mầu.

Nam-mô lòng sở nguyện-cầu,

612.-Chúc cho bá-tánh muôn sầu tiêu tan.

 

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT

 

(tam niệm)

 

Cầu Phật-Tổ, Phật-Thầy, Quan Thượng-Đẳng Đại-Thần, chư quan Cựu-Thần, chư vị Sơn-Thần, chư vị Năm Non Bảy Núi phổ-độ bá-tánh vạn dân tiêu tai tịnh sự giải-thoát mê-ly.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 597 đến câu 612)

          -Trên con đường khai hóa nhân sanh dầu cho người đời có nhạo chê phỉ báng, Đức Thầy vẫn không màng kể. Lúc nào Ngài cũng lấy lòng từ bi đối với vạn loại chúng sanh và hằng lo cứu độ. Ngài khuyên bá tánh: Ai muốn sau nầy được kiến diện Phật Trời, thì hiện giờ hãy nghe theo lời răn dạy của Ngài.

          -Ngài cũng kêu gọi khắp thiện tín từ giới tại gia Cư sĩ, đến hàng Tăng chúng xuất gia: Sự tu không phải đợi có đủ nghi thức nhang đèn, hay đến giờ ấn định, mới công phu bái sám, mà bất cứ lúc nào hay ở dâu cũng vn tu được cả:“Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu, Nằm, đi, đứng hay ngồi chẳng chấp”.(Kệ Dân, Q.2) Và:“Chẳng có cần trà, quả, hương nồng, Mong sanh chúng từ lòng hối ngộ”.(Giác Mê TK, Q.4) Bởi đời Hạ ngươn sắp mãn để lập lại Thượng ngươn, chúng sanh cần tu gấp mới kịp thời kỳ và được thấy cảnh quí báu ở vùng “Năm Non Bảy Núi”:“Trên Năm non rồng phụng tốt tươi, Miền Bảy núi mà sau báu quí”.(Kệ Dân, Q.2)

          -Tình thương của chư Phật đối với chúng sanh và môn đồ cũng như tình cha mẹ đối với con (Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử), lúc nào Tổ Thầy cũng muốn tất cả môn đồ ghi nhớ lời Phật pháp vào thâm tâm để thực hành theo. Còn những lời Cơ Giảng đã tiên tri, vì chưa xảy đến nên bá tánh chẳng chịu tin nghe, nhưng sắp tới đây dân chúng sẽ thấy rõ mọi việc xảy ra không hề sai chạy.

          Trước khi chấm dứt Sấm Giảng Quyển Ba, Đức Giáo Chủ còn khuyên người tu nên xoay về bản tâm của mình mà trau sửa, diệt hết lòng xấu xa tà niệm, tất được sáng mầu, đạt thông Đạo pháp, đây là pháp tu căn bản, bởi ngoài tâm không có Phật:“Phật tại tâm chớ có đâu xa, Mà tìm kiếm ở trên non núi”.(Kệ Dân, Q.2) Lòng Ngài cũng không ngớt nguyện cầu cho vạn dân được vượt qua mọi tai nạn sầu khổ và thoát mê về giác.

 

CHÚ THÍCH

          NHẠO BÁNG: Kiêu ngạo, nói xấu người khác. Ví dụ: Kẻ ngang tàng vô Đạo hay nhạo báng Thần Tiên. Đức Thầy có câu:

                   Mãi lo chế nhạo chống kình,

              Chẳng toan Đạo đức mà gìn thôn hương”.

                                                          (Dặn dò Bổn đạo)

          TỪ BI: (Xem CT đoạn 2, bài Sứ Mạng).

          CHƯ TĂNG: (Xem CT câu 320, T-1, Q.2).

          KỊP THÌ: Kịp thời, đúng lúc, đúng với thời gian đó. Ở đây Đức Thầy khuyên bá tánh hãy sớm lo tu hành cho kịp đến thời kỳ chuyển biến lập đời.

          BÁU NGỌC: Ngọc ngà châu báu, chỉ cho thất bảo (bảy báu): Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách. Đức Thầy có câu:“Nam thiên báu ngọc châu trân”.( Để chơn đất Bắc) Và:

                   “Phương Nam rạng ngọc chói lòa,

                     Lưu ly hổ phách mấy tòa đài cung”.

                                                (Xuân Hạ tác cuồng thơ)

          LY KỲ: (Xem CT câu 267, T-2, Q.3).

          NĂM NON: (Xem CT câu 83, T-2, Q.2).

          LÒNG SON: (Xem CT câu 83, T-2, Q.3).

          TÂM LINH: Cũng gọi là tâm thần, hay lòng trí lành, linh mẫn, tự có nơi mỗi người. Trước kia vì vô minh vọng tưởng nên tối tăm mờ ám, nếu nay biết tu sửa cho hết vô minh, tức tâm trí sẽ sáng suốt trở lại. Kinh Thiền Môn có nói:“Bậc Thánh tìm lòng chẳng tìm Phật, Phàm phu kiếm Phật chẳng kiếm lòng. Người trí trau tâm chẳng giồi thân, Kẻ ngu trau thân chẳng giồi tâm”. Và những câu:“Ngoài lòng tìm kiếm, Trọn chẳng đặng Đạo, Tự lòng xem xét, Trong một giây phút, liền chứng quả Phật”.

          Đức Thầy cũng từng dạy:

                   “Trau tâm luyện tánh cho minh,

        Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn”.(K/thiện Q.5)

Và:

                        Tâm linh mắt Thánh xem ba cõi,

                   Tánh hiển tai thần lóng bốn phang”.

                                                (Tỉnh bạn Trần gian)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn