CHÁNH VĂN (Từ câu 33 đến câu 44)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 40834)
CHÁNH VĂN (Từ câu 33 đến câu 44)

33. “Điên này xưa cũng như ai,

  Vào các ra đài tột bực giàu-sang.

 Nghĩ suy danh-lợi chẳng màng,

  36. Bèn lên ẩn dật lâm san tu-trì.

 Nhờ Trời may mắn một khi,

  Thẩn-thơ lại gặp Đức Thầy Bửu-Sơn.

 Cúi đầu Điên tỏ nguồn-cơn, 

  40. Động lòng bác-ái ra ơn dạy truyền.

  Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,

  Nội trong sáu khắc biết liền Thiên-cơ.

 Chuyện này thôi nói sơ-sơ,

  44. Để rộng thì giờ nói chuyện chơn-tu”.

 

LƯỢC GIẢI : (Từ câu 33 đến câu 44)

 -Đoạn giảng vừa qua Đức Thầy nhắc lại tiền thân của Ngài đã từng sống nơi cao sang quyền quý nhứt trong thiên hạ, nhưng Ngài giác ngộ đời là mộng ảo, sự nghiệp lợi danh như làn mây bọt nước, “Trần thế lợi danh giấc mộng tràng(Lộ chút Cơ huyền) nên Ngài sớm rời chốn

 

 

phù hoa đài các, cất bước vào miền rừng núi để tìm con đường giải thoát cho mình và vạn loại chúng sanh.

 -Bởi vốn có căn lành từ trước nên duyên may đưa đến, Ngài gặp được Đức Phật Thầy Tây An. Sau khi bày tỏ hết lý do, Đức Phật Thầy nhận thấy Ngài rất thành lòng tha thiết và sẵn có sâu duyên cùng Đạo Pháp, nên Phật truyền Đạo ngay cho Ngài. Chỉ có thời gian 6 khắc mà Ngài được thông suốt huyền cơ, đạt thông Đạo Pháp. Đây là lối “mật truyền Cơ Pháp” mới được mau lẹ như thế. Như xưa kia Đức Thích Ca truyền Pháp cho Ngài Ca Diếp và tiếp tục Tổ Tổ tương truyền

 -Kể lại chuyện trên và việc quá khứ, nên Đức Thầy chỉ sơ lược một ít để dành thì giờ Ngài thức tỉnh bá gia về phương thức tu hành nhiều hơn.

 

CHÚ THÍCH

 CÁC ĐÀI: Các là gác; Đài là cái đài cao trông xa được.“Vào các ra đài” là chỉ cho sự sống trong cảnh sang trọng quyền quý.

 “Ra vào đài các thảnh thơi”. (Cổ thi)

 Đức Thầy cũng nói:

 “Soi từ đài các xá liều”

  (Bài Tự Thán)

 DANH LỢI: (Xem chữ Lợi Danh, bài Sứ Mạng đoạn 5)

 ẨN DẬT: Ẩn là lánh mình, giấu kín. Dật là ở ẩn và thong dong, nhàn hạ. Ý chỉ cho người lánh khỏi cuộc đời đua chen danh lợi để tìm ở chỗ yên tịnh, thong thả. Cụ Bạch Vân Cư sĩ Trạng Trình là bậc ẩn dật cuối đời nhà Mạc. Người đời thường nhắc đến Ngài:

 

 “Trạng Trình sống gặp thời Lê Mạc,

  Lìa lợi danh ẩn dật chốn am thanh”.

 LÂM SAN: Cũng viết là Lâm Sơn. Có nghĩa là rừng và núi. Là nơi ẩn dật của người tu hành.

 Đức Thầy có câu:

 “Muốn lánh phồn hoa lánh thị thành,

  Tìm nơi non thẳm ngõ mai danh”

 (Muốn Lánh Phồn Hoa)

 TU TRÌ: Tu là trau sửa; Trì là gìn giữ. Ý nói người tu hành vừa lo trau sửa thân Tâm, vừa gìn giữ ở ăn đúng theo quy luật Pháp Giáo của Đạo, không hề để sơ suất quấy phạm.

 Đức Thầy cho biết:

 “Riêng chiếm non bồng một cảnh Tiên,

  Tu trì Pháp Đạo khác màu Thiền”.

 ĐỨC THẦY BỬU SƠN: Là Đức Phật Thầy Tây An với bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, tức danh hiệu tông phái của Ngài.

 Đức Phật Thầy quê ở làng Tòng Sơn, thuộc rạch Cái Tàu Thượng. Nay là xã Mỹ An Hưng, tỉnh Sa Đéc (Nam phần VN).

 Ngài sanh vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ 8. Ngài chính danh là Đoàn Minh Huyên, Đạo hiệu Giác Linh. Người trong đạo cũng như ngoài đời đều xưng tụng Ngài là Đức Phật Thầy Tây An.

 Sau khi châu du nhiều nơi, Ngài trở về nguyên quán Tòng Sơn (Sa Đéc) năm 1849, đúng lúc nhân dân đang lâm vào cảnh nguy khốn, bởi bịnh dịch tả bạo hành. Đức Phật Thầy dùng huyền diệu trị bịnh cho vạn dân,

 

đồng thời khuyến cáo mọi người nên ý thức thời kỳ Hạ ngươn Mạt pháp để sớm quay về gốc lành Đạo cũ (Phật tánh). Nhờ cảm lòng từ bi đã cứu cho khỏi bịnh hoặc thoát chết và nhờ cách hướng dẫn tu hành giản dị, dễ cảm thông nên nhân dân miền Hậu Giang không mấy lúc quy y thọ giáo với Ngài rất đông đảo.

 Trên đường châu du độ thế của Đức Phật Thầy, từ làng Tòng Sơn (Sa Đéc) Ngài vào Trà Bư (Cái Nai) lên Xẻo Môn và sang Long Kiến (Long Xuyên). Rồi vì một pháp nạn (người ta vu cáo Ngài là gian Đạo sĩ, thu hút một số đông tín đồ chực cơ làm loạn), nên Ngài bị nhà cầm quyền đưa từ Long Kiến về Châu Đốc. Đi đến đâu Phật Thầy cảm hóa người ta đến đó, nên sau cơn thử thách, Ngài được trả tự do và được triều đình vua Tự Đức sắc phong là bậc Chơn Sư Đại Đức.

 Từ đó Ngài ở tại núi Sam lấy chùa Tây An làm nơi thuyết giáo. Thỉnh thoảng Ngài cũng vào Láng Linh và đến Thới Sơn mở cơ phổ hóa. Không bao lâu, tín đồ của Ngài rải rác có mặt khắp miền tây Nam phần Việt Nam. Còn có số người ở các tỉnh miền Đông nghe danh đều cảm đức cũng tìm đến quy y hành Đạo.

 Đức Phật Thầy chính thức lấy tên cho tông phái mình là Bửu Sơn Kỳ Hương và cấp cho mỗi tín đồ một lồng phái có triện son, mang bốn chữ báu linh ấy. Một bài thơ khoán thủ của Ngài có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”, được truyền tụng mãi đến ngày nay, với sự ẩn ý sâu xa có thể đọc theo chiều dọc, chiều ngang (tung hoành đọc) đều có nghĩa.

 Đây là đọc ngang bài “Tứ Bửu Linh Tự”:

 Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

 

 Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền,

 Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

 Hương Xuất Trình Sanh Tạo Nghiệp Yên”.

 Và đây là đọc theo chiều dọc:

 “Bửu Sơn Kỳ Hương,

  Ngọc Trung Niên Xuất.

  Quân Sư Trạng Trình,

  Minh Mạng Tái Sanh.

  Thiên Địa Tân Tạo,

  Việt Nam Phục Nghiệp,

  Nguyên Tiền Quốc Yên”.

 Bài thơ có nhiều cao từ ẩn ngữ, cần phải dùng lối chiết tự đảo cú mới khám phá hết nổi ý nghĩa huyền thâm. Riêng về bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” là danh từ ghép vừa dùng đặt tên cho tông phái, vừa ý thức cho mọi người, một kỷ nguyên mới trong Phật Giáo với dụng ý là, do núi báu ấy (Bửu Sơn) mà sau nầy non sông sẽ rực rỡ. Còn Kỳ Hương là mùi thơm lạ sẽ bay khắp mười phương, mở một thời kỳ Long Hoa Đại Hội.

 Về giáo lý hành Đạo thì Ngài dạy tín đồ hành đúng theo tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” một đường hướng và phương pháp tu hành vừa giản dị, vừa dễ chứng đắc, bởi rất thích hợp với căn cơ trình độ và hoàn cảnh của nhân dân hiện đại.

 Suốt thời gian 7 năm hoằng Đạo, từ năm 1849 đến 1856, Ngài độ được hằng vạn tín đồ. Trong đó có nhiều đại đệ tử gọi là “Thập Nhị Hiền Thủ” được coi như là bậc đã chứng ngộ chân truyền, tiếp tục giáo hóa quần sanh.(Gồm có những ông:1/- Cử Đa, Đạo hiệu Ngọc Thanh. 2/- Thượng Đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực. 3/- Cố Quản Trần Văn Thành. 4/- Ông Đạo Xuyến. 5/- Ông Đạo Lập. 6/- Ông Tăng

 

Chủ. 7/- Ông Đình Tây. 8/- Ông Đạo Ngoạn. 9/- Ông Đạo Thắng. 10/- Ông Đạo Sĩ. 11/- Ông Đạo Chợ. 12/- Ông Trần Văn Nhu.)

 Đức Phật Thầy tịch vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856) tại Tây An Tự núi Sam, hiện giờ phần mộ Ngài còn tại đây, có dựng một tấm bia khắc như vầy:

 “Ngươn sanh Đinh Mão niên, thập ngoạt thập ngũ nhựt, ngọ thời chú sanh.

 Tự Lâm Tế gia chư thiên phổ Tam thập bát thế, thượng Pháp hạ Tạng, Tánh Đoàn Pháp danh Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh chi miễn tộc.

 Tịch ư Bính Thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch diệt !”.

 NGUỒN CƠN: Đầu đuôi gốc ngọn, kể hết lý do và chi tiết của sự việc.

“Miếng trầu tỏ hết nguồn cơn,

Muốn xem đây đó thiệt hơn thế nào”.(Cổ đức)

 THIỀNG: Cũng đọc là thành. Có nghĩa thành lòng tha thiết chơn thật. Chữ quá thiềng là rất thành lòng, tha thiết chơn thật.

 SÁU KHẮC: Có hai cách giải:

 1.- Theo Tây phương: Một ngày có 24 giờ gọi là một Thời. Mỗi giờ có 60 phút. Cứ 15 phút là một khắc. Vậy mỗi khắc là ¼ của một giờ, thì 6 khắc gồm có Một giờ rưởi.

 2.- Theo Đông phương: Sáu khắc là tính 6 giờ của ta thời xưa. Theo cách tính giờ từ xưa thì nửa đêm bắt đầu từ giờ Tý đến giờ Hợi, cứ mỗi ngày đêm có 12 giờ theo 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Do đó, cứ ban ngày từ sáng tới tối có 6 khắc.

 

 Ca dao có câu:“Ngày sáu khắc tin mong bạn vắng”.

 Cửu khúc của ông Ba Thới cũng nói:

  “Đêm năm canh thổn thức chẳng yên,

 Ngày sáu khắc sầu riêng đoạn đoạn !”

 CHƠN TU: Cũng gọi là chân tu. Có nghĩa người tu hành chân chánh. “Nói chuyện chơn tu”, là Đức Thầy khuyên dạy vạn dân về phương pháp tu hành trở thành người chơn chánh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn