CHÁNH VĂN (Từ câu 307 đến câu 312)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39701)
CHÁNH VĂN (Từ câu 307 đến câu 312)

307. “Hết gần Điên lại nói xa,

          Nói cho bá-tánh biết mà người chi.

                   Lời lành khuyên hãy gắn-ghi.

          310. Dương-trần phải rán tu-trì sớm khuya.

                   Đừng ham làm chức nắc-nia,

         

           312. Ngày sau như khoá không chìa dân ôi !”

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 307 đến câu 312)

          -Đức Thầy sáng tác Sấm Kinh giải bày cặn kẽ những việc gần xa cao thấp, để bá tánh nhận được sự thật hư, chân giả và khuyên mọi người ghi nhớ lời lành lẽ Đạo, hầu sớm hôm lo trau giồi tâm tánh.

          -Ngài cũng kêu gọi những kẻ đem thân làm tôi mọi cho ngoại bang hãy mau hồi tâm cải tà quy chánh kẻo sau nầy không phương cứu gỡ.

 

CHÚ THÍCH

          GẮN GHI: Ghi nhớ mãi mãi không rời, không chút nào lơi. Đức Thầy hằng bảo:

                   “Mấy lời dặn bảo đinh ninh,

               Gắn ghi chạm dạ Long Đình được xem”.

                                           (Cho ông Tham tá Ngà)

          NẮC NIA: là phiên âm của Miên ngữ “Neak Nghia” có nghĩa là tôi mọi. (Pháp ngữ là Esclave, Anh ngữ là Slave). Thành ngữ nầy xuất phát từ đời vua Ream Meam Chơn Prây, xứ Cam bốt, có sự tích như sau:

          Đời vua Ream Meam Chơn Prây có một thanh niên tên là Tum, có tài văn nghệ, hát hò rất hay, được vua vời vào cung và phong chức Mơn Ek. Trước khi vô cung, chàng đã yêu một cô gái tên Tear thuộc vào hàng quốc sắc, con của bà góa chồng giàu có. Cô Tear cũng đáp lại một mối tình chân thành, hai người rất buồn sau khi bị chia ly.

          Hai tháng sau Tear bị mẹ bắt buộc gả cho tên

 

 

Nguôn con của Ô Chuôn, là tỉnh trưởng To Bôn Kho Mum. Cô Tear từ chối hẳn, kế đó Tear được vua chọn làm cung nữ, nàng rất buồn và lo lắng.

          Vào cung nàng gặp lại Tum. Trông thấy Tear, Tum thất vọng và liều chết trước mặt vua, chàng hát kể lại mối tình của mình đối với Tear. Vua nổi giận bắt hai người hỏi nguyên do. Cả hai đều trình bày sự thật, vua nghe rất cảm động nên cho Tum lấy Tear làm vợ, hai người đều hưởng hạnh phúc vui vẻ trong cung.

          Mẹ Tear được tin cô là vợ của Tum, một người chức vụ thấp hơn Nguôn, giận lắm bà liền gởi cho Tear một lá thư, giả nói bà đau nặng, Tear cần về gấp để gặp bà. Tear về đến nhà biết bị mắc mưu của mẹ, nàng lén viết thư cho Tum hay mọi việc. Tum tâu với vua, vua liền cho Tum một thư lịnh cấm Nguôn không cho làm lễ cưới. Tum về đến nhà Nguôn thấy lễ cưới bắt đầu, Tum chưa kịp đưa thư lịnh ra hai người gặp nhau ôm khóc. Nguôn bèn cho người bắt Tum đem giết ở Pchonkhas, Tear lén trốn theo đến bên xác chồng tự sát.

          Vua được tin ấy nổi giận liền cho quân lính đến bắt mẹ Tear, Ô Chuôn và Nguôn đem tử hình, còn những người đồng lõa chủ trương làm lễ cưới, đều bắt phải làm “Neak Nghia”(tôi mọi) suốt đời.

          Ở Tô Bon Khomum thuộc tỉnh Com-Pong-Cham hiện nay người ta còn thường dùng danh từ Neak Nghia để chỉ cho hạng người làm tôi mọi (đầy tớ) cho người ta.

          Ở đây Đức Thầy dùng từ ngữ nầy để ám chỉ cho các quan chức dưới thời Pháp thuộc làm tay sai cho ngoại bang. Ngài luôn cảnh tỉnh họ:

                   “Chúng ham làm chức nắc nia,

              

                    Ngày sau như thể vô đìa quên nơm”.

                                      (Vọng Bắc Hòa Nam)

          KHOÁ KHÔNG CHÌA: Ổ khóa có chìa mở ra mới được, bằng không chìa thì không sao mở đặng. Ở đây ý nói hạng người ham chức tước bổng lộc theo làm tay sai cho người Pháp trở lại hại dân hại nước thì sau nầy phải đền tội trước quốc dân, không sao thoát khỏi, như khóa thiếu chìa thì không sao mở đặng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn