II- CHÁNH TƯ DUY

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42544)
II- CHÁNH TƯ DUY

CHÁNH VĂN

          CHÁNH TƯ-DUY.- Tư tưởng chơn-chánh.

          Sanh ở trong trần con người thường hay bị các thị-dục cám-dỗ: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng ...; cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát-ly ra được. Ấy là phần tà.

          Phần chánh dạy rằng: tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư-tưởng cho thanh-cao, trí rán tìm cái Chân-lý. Chân-lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời-Phật, của mình đối với mình. Vì thế, hãy đặt tư-tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh-linh trong vòng trầm luân oan-nghiệt. Hãy tin tưởng Phật-Trời và cầu nguyện đấng Thiêng-liêng ban-bố phuớc lành cho nhân chủng. Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu-tỉnh.

 

LƯỢC GIẢI

(Chánh thứ nhì trong Bát Chánh)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          -CHÁNH TƯ DUY: Tư tưởng chơn chánh trong sạch tốt lành.

          -TÀ TƯ DUY: Tư tưởng tà vạy xấu ác.

2- NGUYÊN NHÂN SANH TÀ TƯ DUY:

          -Bởi không làm chủ được tâm hồn, nên thường bị thị dục cám dỗ, sai khiến.

3- HÀNH TRẠNG:

          Vì tâm trí mãi mơ tưởng theo danh lợi, quyền tước, tình yêu, màu sắc,v.v…và đam mê “Đeo tuồng mộng huyễn lập lòe sắc hương”.( ĐT)

4- TAI HẠI:

          Do tư tưởng tà vạy, suy nghĩ sai lầm làm mờ đục trí huệ, rồi bị những tư tưởng ấy rù quến tâm trí quay cuồng trong ngũ dục, nên mãi luân hồi sanh tử. Đức Thầy từng cho biết:

                   “Gây ra lắm nợ phong trần,

               Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.

5- HÀNH CHÁNH TƯ DUY:

          Nhà tu muốn thành đạt Chánh Tư Duy, cần thi hành những điểm như sau:

          a)- Dù sống trong hoàn cảnh nào, hay làm việc gì cũng phải giữ cho tâm tánh luôn được bình tịnh (yên lặng và trong sạch sáng suốt).

          b)- Giữ tư tưởng cho thanh cao. Nghĩa là tập trung và thay đổi tư tưởng. Đức Thầy đã dạy:“Việc đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa Đạo đức”.

          c)- Trí rán tầm chơn lý, tức là cái Đạo, gốm có ba phần:“…là cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình…”

          d)- “Sống lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh”. Đức Thầy bảo:

                   Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.

                   Trên cùng dưới dù thầy hay tớ,

                   Cũng tưởng điều trung chánh mới mầu.

                   Việc vui say mèo mả đâu đâu,

                   Hãy dẹp gát nhớ câu Lục Tự”.

6- LỢI ÍCH:

          -Người hành được Chánh Tư Duy sẽ đặng các phần lợi ích đáng kể:

          a)- Dứt hết tư tưởng tà vạy và hoặc nghiệp phiền não.

          b)- Không bị ngũ dục làm điên đảo trí năng.

          c)- Trí huệ sáng suốt, như xưa kia cậu bé Sa Di Suy Ca chỉ tu chuyển đổi tư tưởng trong một buổi mai gần đúng ngọ, sạch hết phiền não…Tâm cậu thanh tịnh và chứng quả A La Hán; trong lúc thầy Xá Lợi Phất đi khất thực vừa về đến, Thầy trò vui vẻ trong buổi ngọ trai chứng Đạo. (Xem thêm câu chuyện “Chuyển đổi tư tưởng” bên quyển Triết Văn chọn lọc.)

          d)- Cảm thông mọi thống khổ của mỗi chúng sanh, để tùy phương tiện thích trung mà giáo hóa.

          e)- Trừ được “tư hoặc”, tức “Ngũ độn sử”.(Năm món ngu độn là Tham lam, Sân nộ, Mê si, Ngã mạng, Cống cao và nghi ngờ do dự.)

7- KẾT LUẬN:

          Tóm tắt khi hành đước Chánh Tư Duy thì chẳng còn tư tưởng mê mờ, suy nghĩ bất chánh làm tổn hại cho mình và kẻ khác.

          Tâm trí luôn được bình tịnh sáng mầu và đối với mọi sự vật đều thấu đạt chơn lý, dẫn đến khi thành quả Bồ đề.

CHÚ THÍCH

          THỊ DỤC: Các sự ham muốn.

          CÁM DỔ: Rù quến, quyến rũ làm làm cho người say mê theo.

          QUAY CUỒNG: Xoay vòng theo không thoát ra được, cũng chỉ cho sự xoay trở một cách vất vả.

          BÌNH TỊNH: Bình là yên lặng, bình đẳng không phân biệt thiên chấp. -Tịnh là trong sạch, sáng suốt.

                   “Nếu ai mà biết chữ tu trì,

                Tâm bình tịnh được thì phát huệ”.( ĐT)

          CHƠN LÝ: (Xem chữ Chơn lý trong Ân Đồng bào và Nhân loại).

          ĐẠO: (Xem chữ Đạo đoạn mở đề bài “Luận về Tam nghiệp”).

          SANH LINH: Sanh mạng, chỉ cho giới hữu tình, tức là loài có mạng sống, có tri giác.

          OAN NGHIỆP: Mầm móng tai hại tự mình gây ra rồi tự hưởng lấy.

          ĐẤNG THIÊNG LIÊNG: Người đáng tin tưởng và sùng kính. Chỉ cho chư vị: Phật, Tiên, Thần, Thánh.

          NHÂN CHỦNG: Giống người, loài người.

          LẠC ĐẠO AN BẦN, XẢ THÂN TU TỈNH: Là an vui trong cảnh sống nghèo (tri túc thường lạc) để dồn hết thân tâm vào việc tu hành Đạo đức. Không ích kỷ, gây tạo vật chất bồi bổ cho giả thân và cũng không tiếc công năng trí lực, trong cuộc giúp đỡ quần sanh.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa Chánh tư duy và Tà tư duy ?

          2/-Lý do nào sanh tư tưởng tà vạy ?

          3/-Hành trạng Tà tư duy như thế nào ?

          4/-Tai hại của Tà tư duy ra sao ?

         5/-Muốn được Chánh tư duy phải làm như thế nào ?

          6/-Hành Chánh tư duy được lợi ích gì ?

          7/-Kết luận người tu được Chánh tư duy như thế nào ?

          8/-Chữ Đạo trong Chánh tư duy có nghĩa ra sao ? Và muốn thực hiện cho đúng ta phải làm gì ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn