CHÁNH VĂN
Chỉ thờ lạy Đức Phật, tổ-tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh-hùng cứu-quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi.
Tất cả các hành-động trong Đạo hay ngoài đời, trước khi làm điều gì phải tính-toán một cách cẩn-thận, đừng làm chuyện ngông-cuồng vô-ý-thức. Một đừng ỷ-lại vào kẻ mạnh, hai đừng ỷ-lại vào sự cứu-vớt của Thần Thánh, ba đừng ỷ-lại vào sự binh-vực của Thầy mình. Luôn luôn, lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn-Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy. Kẻ nào hành-động ngông-cuồng không suy-xét cẩn-thận để đến đổi thất bại đem đến sự khó- khăn, khổ-não rồi trách-cứ kẻ mạnh sao không cứu mình, Thầy sao không giúp mình, Trời Phật sao không độ mình, thì sự lầm-lạc ấy rất đáng thương hại.
Mỗi người hãy nên lấy trí thông-minh nhận xét Đạo-lý hay lời nói của Thầy mình, chớ đừng lấy đức-tin thọ lãnh những lời nói đó trong khi mình chưa hỏi tường tận. Như thế, mình mới có thể tấn-hóa trên con đường Đạo-đức.
Những điều sơ-lược giải-thích trên đây, mong rằng toàn-thể trong Đạo suy-gẫm kỹ-càng và thực-hiện để bài-trừ sự mê-tín ngông-cuồng của thiểu số người trong Đạo, làm cho tư-tưởng thiện-hòa của Phật-đạo được phát-triển mau chóng.
LƯỢC GIẢI
Hành lễ, tức là sự lễ bái (lạy lục) gồm có các phần:
1/- THỜ LẠY NHỮNG AI LÚC CÒN SỐNG:
Theo ý Đức Thầy dạy trong đoạn nầy, chúng ta cũng được lễ bái những vị còn sống, như “Đức Phật, Tổ Tiên, Ông bà, Cha mẹ và các vị anh hùng cứu quốc”.
“Với những kẻ khác nên bỏ hẳn sự lạy người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi”.
2/- HÀNH ĐỘNG:
Mỗi người trước khi làm việc gì, dầu đối với người trong Đạo hay ngoài đời, cần phải suy xét, cân nhắc kỹ lưỡng rồi sẽ thi hành không nên làm việc “ngông cuồng vô ý thức”:
“Một là đừng ỷ lại vào kẻ mạnh.
Hai là đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thần Thánh. Ba là đừng ỷ lại vào sự binh vực của Thầy mình”.
Lúc nào cũng tin sâu vào luật Nhân Quả:
“Tích thiện thì thường có phước dư,
Bằng tích ác họa ương đeo đắm”.( ĐT)
Còn những ai trước khi thi hành mà chẳng chịu suy tính cẩn thận, bàn xét chu đáo, cứ làm càng nói bướng để việc bất thành hay gặp tai nạn khó khăn, rồi vội trách cứ người thân, Đức Thầy hay Trời Phật, Thần Thánh sao không cứu giúp mình. Điều sai lầm ấy thật là đáng tiếc và đáng thương hại !
3/- NHẬN XÉT ĐẠO LÝ ĐỂ TRÁNH MÊ TÍN:
Đoạn nầy Đức Thầy dạy chúng ta, mỗi người phải lấy trí huệ mà nhận xét kỹ càng, những lời chỉ giáo của Ngài, rồi sẽ tin và làm theo. Chớ không nên “lấy đức tin thọ lãnh những lời đó mà trong khi mình chưa hỏi tường tận”.Như thế, mình mới có thể tấn hóa trên con đường Đạo đức.
Đức Thầy còn nhắc nhở chúng ta, hãy suy gẫm, xét đoán kỹ càng những lời của Ngài giải thích trong đây để bài trừ sự “mê tín ngông cuồng” hãy “làm cho tư tưởng thiện hòa của Đạo Phật” được lan rộng khắp bàng nhân bá tánh.
CHÚ THÍCH
NGÔNG CUỒNG: Nói hay làm một cách quá đáng trong lúc bồng bột, nóng nảy quá dại dột.
VÔ Ý THỨC: Không có ý thức, không chịu suy xét, cân nhắc cẩn thận.
NHÂN QUẢ: (
TOÀN THIỆN: (
ĐẠO LÝ: Lý lẽ của Đạo hay cái nghĩa lý đương nhiên hợp với lẽ phải mà ai cũng công nhận.
“Học Đạo lý như đờn trúng điệu,
Hòa bản rồi thì cứ làm theo”.( ĐT)
THỌ LÃNH: Vâng chịu, nhận lấy.
TƯỜNG TẬN: Rành rẽ, cặn kẽ rõ ràng.
TẤN HÓA: Cũng gọi là tiến hóa. Có nghĩa bỏ cái cũ, đổi lấy cái mới cao hơn, hay hơn, tốt lành hơn.
BÀI TRỪ: Trừ bỏ đi, dẹp cho tan hết.
MÊ TÍN: (
THIỆN HÒA: Hoà hợp tốt lành.
CÂU HỎI
1/-Đức Thầy cho ta lễ bái những ai lúc còn sống ?
2/-Muốn làm việc đời hay Đạo đức, Đức Thầy dạy trước hết phải làm sao và đừng ỷ lại vào việc gì ?
3/-Trước khi hành động, Đức Thầy bảo luôn nhớ đến câu gì ?
4/-Kẻ nào không suy xét cẩn thận phải ra sao ?
5/-Muốn tấn hóa trên đường Đạo, Đức Thầy dạy ta phải nhận xét Đạo lý như thế nào ?
6/-Các điều sơ lược nói trên, Đức Thầy dạy toàn thể trong Đạo phải làm sao ?