165.- Trong Sáu-Tỉnh nhiều điều tà-mị,
Tu-hành mà vị-kỷ quá chừng.
Thì làm sao thoát khỏi trầm-luân,
168.-Khuyên bổn-đạo rán tầm nẻo chánh.
Chừng lập Hội xác thân mới rảnh,
Nếu không thời khó thấy Phật Trời.
Khùng dạy dân chẳng dám nghỉ-ngơi,
172.-Đi chẳng kể tấm thân già cả.
Cảnh trần-thế mặc ai thong-thả,
Chớ lòng ta chẳng đắm hồng-trần.
Có thân thì rán giữ lấy thân,
176.-Để đến việc ăn-năn chẳng kịp.
Yêu những kẻ tâm đầu ý hiệp,
Mến những ai biết kiếm Đạo-mầu.
Cảnh Tây-Thiên báu ngọc đầy lầu,
180.-Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 165 tới câu 180)
-Đức Thầy nhận thấy khắp sáu tỉnh miền Nam, có lắm kẻ tu hành không đúng cách, lòng tham lam vị ngã chưa diệt trừ, chỉ lo tạo những điều mị dối, để lợi dụng lòng tin tưởng của bá tánh. Nếu hành đạo như thế thì càng tu càng chìm trong luân hồi lục đạo, mong gì được thành quả giải thoát. Như trong “Luận việc tu hành” Ngài có viết:“Trần gian đầy dẫy người làm dối, Đạo cả nào trông đến cửa thiền”.
-Thế nên Đức Thầy hằng khuyên tín đồ: từ đây hãy tìm con đường chơn chánh nương theo và cố gắng thực hành y chánh pháp, để được tự do giải thoát. Bằng không, ắt khó gặp Phật Tiên trong ngày Long Hội. (?)
-Đức Thầy chẳng nệ tấm thân lao nhọc, luôn dạo khắp đó đây để tùy phương giáo hóa mặc cho đời đua chen theo việc ăn chơi sung sướng, riêng lòng Ngài đã rứt sạch nghiệp duyên trần cấu, chỉ còn lo kêu gọi chúng dân:“Mau thức tỉnh tu thân kẻo trễ, Đến tội rồi mới hối muộn màng”.(Khuyến Thiện Q.5)
-Vậy ai là người đồng tâm hiệp chí, hãy sớm lo tu thân lập hạnh, để cùng thấu đạt lẽ diệu mầu của Đạo pháp. Kìa, nơi xứ Phật có biết bao nhiêu điều quí lạ: nào đền vàng điện ngọc, sen báu năm màu, nào chim kêu tiếng pháp, cây báu diễn lời lành; nhà cửa y phục, thức ăn, tiện nghi sử dụng, tất cả đều dành cho người chơn tu thọ hưởng.
CHÚ THÍCH:
SÁU TỈNH: Cũng gọi là Lục châu (Xem chú thích câu 56, Q.1).
TÀ MỊ: Gian xảo ton hót để lợi dụng. Đây chỉ cho kẻ giả dạng mang lốt tu hành bên ngoài, nhưng trong lòng luôn tính việc mê dối, không thật tâm. Đức Thầy có câu:“Bớt điều mị dối mới hầu thấy Ta”.(Sám Giảng, Q.3)
VỊ KỶ: (Xem chú thích đoạn 1 bài Sứ Mạng).
TRẦM LUÂN: Chìm đắm, lăn lộn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Đức Thầy từng nói:“Trầm luân oan nghiệt càng gây thêm hoài”.(Thu đã cuối).
NẺO CHÁNH: Nghĩa của chữ Chánh Đạo, tức là con đường ngay chánh.
ĐẮM: Chìm lắng dưới đáy nước, mê mết say sưa: chìm đắm.- Say đắm. Chữ đắm ở đây là chỉ cho sự quá say mê dục lạc trong cõi hồng trần; nhưng lòng Đức Thầy đã giác ngộ giải thoát, nên chẳng còn đắm hồng trần. Ngài luôn nhắc nhở:
“Nếu mãi mê man mùi tục lụy,
Linh hồn chìm đắm chốn nê hà”.
(Thức tỉnh một nữ tín đồ)
ĂN
TÂM ĐẦU Ý HIỆP: Vốn là một thành ngữ, có nghĩa: lòng dạ và ý chí hiệp nhau giữa hai người hoặc nhiều người. Những người đồng một chí hướng đạo đức như nhau.
ĐẠO MẦU: (Xem chú thích câu 901, Q.1)
TÂY THIÊN: (Xem chữ Thiên trước câu 188, Q.1)
AN DƯỠNG: là An Dưỡng Quốc của Đức Phật A Di Đà, cũng gọi là Cõi Cực lạc (Xem chú thích chữ Cực Lạc, câu 28, Q.2)
CHÁNH VĂN
181.- Kẻ hiền-đức sau nầy được hưởng,
Phép Thần-Linh của Đức Di-Đà.
Lại được thêm thoát khỏi Ta-Bà,
184.-Khỏi luân chuyển trong vòng Lục Đạo.
Đức Diêm-Chúa yêu người hiền thảo,
Trọng những ai biết niệm Di-Đà.
Lại được gần Bệ-Ngọc Long-Xa,
188.-Coi chư quốc tranh-giành châu-báu.
Trai nhỏ tuổi kính thành trưởng lão,
Gái bé thơ biết trọng tuổi già.
Rán tỉnh tâm dẹp được lòng tà,
192.-Thì được thấy Phật, Tiên, Thần, Thánh.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 181 tới câu 192)
-Đoạn nầy ý nói những người hiền lương đức hạnh, sau nầy được Đức Phật A Di Đà dùng phép thần diệu cứu thoát mọi thống khổ nơi cõi Ta bà và tiếp dẫn linh hồn vãng sanh về Cực Lạc, hưởng quả an vui, chẳng còn bị luân hồi trong sáu nẻo.
-Đức Diêm Chúa lúc nào cũng kính yêu những kẻ biết ăn ở hiền từ, hiếu thảo và chuyên niệm “Lục tự Di Đà”. Các người ấy sau nầy chẳng những chầu mừng Đức Thánh Vương mà còn đặng xem cảnh vạn quốc giựt giành châu báu tại miền Thất Sơn, như Đức Thầy hằng khuyên (trong bài Thiên lý ca):
“Hãy mau khuya sớm chuyên cần,
Đặng xem chư quốc non Tần giành chia”.
Hoặc là:
“Phong trần dày dạn gió sương,
Còn một cuộc chiếu manh giành xé,
Khắp hoàn cầu ó ré một nơi.
Dòm xem châu ngọc chiều mơi,
Sao đời không sớm tách rời cõi mê”.
(Để chơn đất Bắc)
-Đức Thầy cũng từng khuyến dạy trong hàng thiếu niên Nam nữ, từ đây đối với bậc già cả tuổi tác phải biết kính trọng lễ phép và sớm thức tỉnh tu hành, diệt trừ lòng tà quấy hầu sau nầy kiến diện Phật Tiên Thần Thánh. Bởi lúc ấy sẽ có:“Phật Thánh Tiên Đông độ lướt sang, Miền
CHÚ THÍCH:
PHÉP THẦN LINH: Pháp thần thông linh diệu. Nhà tu Phật khi trừ diệt sáu căn, không còn ô nhiễm sáu trần thì chứng đắc A La Hán, có đủ sáu phép thần thông (Nhân căn trần thanh tịnh, nhi đắc lục thông thị hiện giả dã). Còn khi chứng lên bực Bồ Tát và Như Lai thì pháp thần thông càng cao diệu hơn.
ĐỨC A DI ĐÀ: (Xem chú thích câu 187, Q.1)
TA BÀ: Cũng đọc là Sa bà, Phạn ngữ (Scr) là Saha. Dịch nghĩa là kham nhẫn, đại nhẫn. Bởi chúng sanh ở cõi nầy kham chịu mọi điều thống khổ, tức là cõi chúng ta đang ở. Kinh Bi Hoa có nói:“Vân hà danh ta bà ? Thị như chúng sanh nhẫn thọ tam độc. Cập như phiền não, cố danh nhẫn độ”.(Thế nào gọi là Ta bà ? Bởi thế giới nầy, chúng sanh mắc phải ba điều độc hại: Tham, sân, si và các phiền não mà không hề chán mỏi, nên gọi là cõi kham nhẫn). Cổ đức đã bảo:
“Ta bà khổ, ta bà khổ,
Ta bà chi khổ, thùy năng sổ”.
Nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng luận giải ý nghĩa ấy trong hai câu giảng (trong quyển Khuyến Thiện):
“Ta bà khổ, ta bà lắm khổ,
Có bao người xét cho tột chỗ”.
Lại nữa, trong “Hoa Tạng Trang Nghiêm” có 20 từng thế giới. Mỗi thế giới là một cõi Phật mà cõi Ta bà ở về từng thứ 13, gồm có nhiều thế giới nhỏ, có ba cõi: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Có bốn châu: -Đông thắng thần châu, -Tây Ngưu hóa châu, -Nam Thiệm bộ châu, -Bắc cu lư châu, Và có 1 núi Tu Di, 1 mặt nhựt và 1 mặt nguyệt.
LUÂN CHUYỂN: Luân hồi chuyển kiếp. Ý nói chúng sanh ở kiếp nầy, nơi nầy chết đi, rồi đầu sanh qua kiếp khác, nơi khác. Cứ thế mà lăn lộn xoay vần mãi trong ba cõi sáu đường, không thoát ra được. Kinh Lăng nghiêm, Phật bảo:“Nhứt thiết chúng sanh thừ vô thỉ vĩ lai, tánh tịnh minh thể, dụng chư vọng tưởng, thể tưởng bất chơn, cố hữu luân chuyển”.(Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sống chết trôi lăn đều do chỗ chẳng tỏ được cái chơn tâm thường trụ, thể tánh trong sạch, cứ dùng lầm theo vọng tưởng nên mới thành cái nghiệp sanh tử xoay vần mãi mãi).Trong (Khuyến Thiện, Q.5), Đức Thầy có nói:
“Chuyển luân trong nhơn vật các loài,
Căn mờ ám làm điều dại dột”.
LỤC ĐẠO: Sáu đường luân hồi, gồm có: 1- Thiên đạo (cõi trời), 2- Nhân đạo (cõi người), 3- A Tu La Đạo (cõi thần), 4- Súc sanh đạo (loài thú), 5- Ngạ quỉ đạo (cảnh giới ngạ quỉ), 6- Địa ngục đạo (cảnh giới địa ngục). Trong Tỉnh thế Ngộ chơn có câu:
“Lục đạo luân hồi vạn kiếp trầm,
Tử tế tư lương sanh tử khổ”.
(Sáu đường lăn lộn nhiều muôn kiếp,
Phải rán lo lường tránh chỗ nguy).
Đức Thầy cũng bảo:
“Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.
(Cho ông Cò Tàu Hảo)
DIÊM CHÚA: Cũng gọi là Diêm Vương hay Diêm Ma Pháp Vương. Có nghĩa là cõi Thiên Ma, tức cõi âm, cõi Địa ngục. Bởi Ngài Thường khuyến khích kẻ làm lành, trừng trị kẻ tà ác, cho nên có danh xưng là Pháp Vương. Cũng có tên là Bình Đẳng Vương, vì Ngài luôn lấy lòng bình đẳng, công bằng mà xử trị kẻ tội nhơn, không hề tư vị một ai. Đức Thầy từng cho biết:
“Ngục môn đầy quỉ vô thường,
Dắt hồn kẻ bạo Diêm Vương luật trừng”.
(Đến làng Nhơn Nghĩa)
HIỀN THẢO: (Xem chú thích câu 21, Q.2)
NIỆM A DI ĐÀ: (Xem chú thích câu 30, Q.2)
BỆ NGỌC: (Xem chú thích câu 155, Q.2)
LONG XA: Xe rồng, tức xe của Vua đi.
CHÂU BÁU: Ngọc ngà, vàng bạc, kim cương…
KÍNH THÀNH: Tôn kính lễ độ và thành thật.
TRƯỞNG LÃO: Bậc già cả tuổi tác. Các cụ bô lão. Đó là người đời, còn trong Đạo thì chữ Trưởng lão chỉ cho bậc tu hành giới hạnh tinh nghiêm, trí đức cao khiết.
TỈNH TÂM: (Xem Chú thích câu 818, Q.1)
LÒNG TÀ: Nghĩa của chữ “Tà tâm” tức lòng tà vạy, lòng nghĩ tưởng việc xằng xiêng tà khúc, mơ tính dục lạc. Đức Thầy có câu (trong Giác Mê, Q.4):
“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà”.
CHÁNH VĂN
193.-Việc hung-dữ hãy nên xa lánh,
Theo gương hiền trau sửa làm người.
Sau tà-tinh ăn sống nuốt tươi,
196.-Mà bá-tánh chẳng lo cải thiện.
Miệng dương-thế hay bày nói huyễn,
Sách Thánh Hiền ghét kẻ nhiều lời.
Khuyên chúng-sanh niệm Phật coi đời,
200.-Cõi Hạ-Giái rồng mây chơi giỡn.
Ở chòm-xóm đừng cho nhơ-bợn,
Rán giữ gìn phong-hóa nước nhà.
Câu tam-tùng bọn gái nước ta,
204.-Chữ hiếu-nghĩa trẻ trai cho vẹn.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 193 tới câu 204)
-Đoạn nầy Đức Thầy khuyên mọi người nên xa lánh các việc tà ác, và noi theo những tấm gương tốt lành mà trau sửa tâm mình cho sớm được trọn lành trọn sáng. Bởi sau nầy có nhiều tai nạn hãi hùng xảy đến cho nhân loại:
“Lớp đau chết kể thôi vô số,
Thêm tà ma yêu quái chật đường.
Chốn hồng trần nhiều nỗi thảm thương,
Làm sao cứu những người hung ác”.(Kệ Dân, Q.2)
-Thế mà bá tánh cứ mãi chần chờ, chẳng sớm lo ăn năn hối cải, lại còn bày vẽ nhiều điều huyễn hoặc, che lấp Đạo mầu. Các bậc Thánh Hiền thường răn trách hạng người ấy:“Bán cú phi ngôn, ngộ tổn bình sanh chi đức”.(Chỉ nửa câu nói quấy cũng đủ làm giảm mất đức hạnh của mình). Đức Thầy còn khuyên dạy khắp chúng sanh chuyên tâm trì niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, để sau nầy được chứng kiến cảnh:“Trên cửa Phật mùi hương thơm bát ngát, Dưới Quân thần Phụ tử khải hoàn ca”.(Không buồn ngủ).
-Giờ đây, mọi người cần diệt bỏ lòng tham gian nhơ xấu, đối với chòm xóm cần được hòa vui chân thật. Bảo vệ nền phong hóa tốt đẹp của nước nhà để hoàn thành nhân đạo; bổn phận
CHÚ THÍCH
GƯƠNG HIỀN: (Xem chú thích chữ Treo gương thiện, câu 872, Q.1)
TÀ TINH: (Xem chú thích câu 150, Q.1)
BÁ TÁNH: Cũng gọi là bách tính. Có nghĩa là trăm họ. Ý chỉ chung tất cả mọi người.
CẢI THIỆN: Sửa đổi, thay đổi lại cho được hoàn thiện hơn. Cải thiện mức sống của nhân dân. Người tu thì cải thiện thân tâm cho được trọn lành trọn sáng.
NÓI HUYỄN: Nói không đúng sự thật; có nói không, không nói có, đặt điều nói láo:“Thêm thừa huyễn hoặc”, làm lật ngược mọi vấn đề, khiến cho người khác hiểu lầm. Lời nói huyễn là nghĩa của chữ vọng ngữ, nên sách Thánh thường răn dè:“Ngôn bất trúng lý, bất như bất ngôn; Nhất ngôn bất trúng, thiên ngôn vô dụng”(Nói chẳng trúng lẽ, chẳng bằng không nói cho xong; bởi vì nói một lời chẳng trúng thì ngàn lời đều không dùng được). Đức Thầy đã răn cấm lời nói ấy (trong Q.Khuyến Thiện):
“Ác vọng ngữ thứ tư cũng cấm,
Nói thêm thừa huyễn hoặc đủ điều.
Ghét người thời kiếm chuyện dệt thêu,
Thương viện lẽ thấp cao bào chữa”.
SÁCH THÁNH HIỀN: (Xem chú thích chữ “Lời Thánh hiền” câu 23, Q.2).
NHIỀU LỜI: Nghĩa của từ (đa ngôn) và cũng thuộc phần ác vọng ngữ. Đức Thầy đã giải:“Khoe khoang tự đắc xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị”.(Luận về Tam nghiệp – Ác vọng ngữ).
CHÚNG SANH: (Xem chú thích đoạn 2, bài Sứ Mạng).
HẠ GIÁI: Cảnh giới trần gian của chúng ta đang sống, đối với thượng giới (cõi trời). Đức Thầy có câu:
“Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp”.
(Diệu pháp Quang minh)
RỒNG MÂY: Nghiã của chữ “Long vân” tức chỉ cho Hội Long Vân, hội vui mừng cao quí. Đức Thầy cho biết (trong Diệu pháp Quang minh):
“Ai mà sửa đặng vuông tròn,
Long Vân đến hội lầu son dựa kề”.
NHƠ BỢN: Bòn chèn, xin xỏ, nhờ vả người khác. Đây chỉ cho sự tham gian lặt vặt trong chòm xóm, nên mang tiếng xấu xa, bị người đời chán ghét.
PHONG HÓA: Phong tục và sự giáo hóa. Cách thức ăn ở, lễ nghi, đối xử và nền văn hóa của một Quốc gia hay một dân tộc. Đức Thầy có câu:
“Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,
Chấp bút thần tả ít bổn Kinh”.(Sám Giảng Q.3)
TAM TÙNG: Ba điều nên theo của hàng phụ nữ, hay là ba phận sự chánh thức của người đàn bà đối với gia đình. Theo Nho giáo:“Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử”. Đức Thầy từng dạy:
“Nghe lời cha mẹ cân phân,
Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy”.
Tam tùng gồm có:
1.- Tùng phụ: người con gái lúc chưa chồng, còn nương theo cha mẹ, tức thời kỳ đáp ơn. Bổn phận con gái phải siêng năng vén khéo mọi công việc bếp núc, thêu thùa, may vá. Đối với ông bà cha mẹ đầy lòng hiếu thảo, với cô bác chòm xóm lễ độ khiêm cung; hòa hảo với anh chị, thương yêu dạy bảo em cháu. Đối bên ngoài, mọi việc chi đều phải thưa hỏi và đợi lịnh của cha mẹ, tự mình không nên quyết định lấy, chỉ trừ những việc thường thức trong nhà. Phải bảo trọng thân danh của cha mẹ và phẩm hạnh của mình. Không xem những loại sách bất chánh, cũng không gần kẻ lả lơi, tham gian hỗn láo để ngừa hại đến danh thể. Bỏ hẳn thói biếng lười mê ngủ, mà phải thức khuya dậy sớm để vẹn tròn bốn đức: Công, dung, ngôn, hạnh.
2.- Tùng phu: Khi xuất giá theo chồng, nên biết tánh ý chồng để chìu theo. Chồng muốn làm việc Đạo nghĩa chơn chánh nên nung đúc, còn muốn làm việc tà vạy, hư hèn thì khuyên ngăn. Phải sạch, khéo mọi công việc nội trợ, đừng để phiền đến chồng những việc quá nhỏ mọn.
Các việc có tánh cách hệ trọng trong gia đình không nên dấu chồng. Lúc chồng đi vắng, nếu có bạn của chồng đến thăm, phải giữ lễ độ, nghiêm chỉnh chào hỏi; hãy cẩn thận mọi cử chỉ: nói năng, đi, đứng, nằm, ngồi đều phân biệt chủ khách rõ rệt. Không nên cười nói lả lơi suồng sã, khiến cho kẻ ngoài sanh nghi mà mang tiếng thất tiết.
3.- Tùng tử: Nếu gặp việc chẳng may, chồng chết sớm, vợ nên thủ tiết nuôi con cho đến khi nhắm mắt theo chồng; bằng không được cũng phải đợi mãn kỳ tang khó mới tái giá.
Phải tận tâm dạy dỗ con cho được khôn ngoan ngay thảo, đạo đức đối xử và có nghề nghiệp chân chánh sanh sống; nhứt là phải nêu gương tốt lành cho con bắt chước. Được như thế, mới xứng đáng là bậc mẹ hiền; trọn tiết với chồng và cũng chẳng lỗi việc khói hương với Tổ Tiên cha mẹ.
HIẾU NGHĨA: Hiếu hạnh và tiết nghĩa. Cũng giải là thích làm việc phải có ích lợi cho mọi người. Chữ Hiếu nghĩa ở đây còn có nghĩa rộng là thi hành việc Đạo nghĩa, tức đối xử cho tròn cái Đạo làm người. Như Đức Thầy từng dạy:“Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vâng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa. Đức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng; muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân, ta phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn”.(Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền, Q.6)
CHÁNH VĂN
205.-Ghét những kẻ có ăn bỏn-sẻn,
Thương những người đói rách lương hiền.
Muốn tu-hành thì phải cần-chuyên,
208.-Tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi,
Kẻ phú-quí đừng vong cơm nguội.
Sau đói lòng chẳng có mà dùng.
Ta yêu đời than-thở chẳng cùng,
212.-Mà bá-tánh chẳng theo học hỏi.
A-Di-Đà nhìn xem khắp cõi,
Đặng trông chờ mong-mỏi chúng-sanh.
Hiện hào-quang ngũ sắc hiền lành,
216.-Đặng tìm kiếm những người hiền-đức.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 205 tới câu 216)
-Thói thường người giàu sang mà bón rít thì ai trông vào cũng chán ghét. Còn kẻ ăn ở hiền lành tốt đẹp, dù nghèo khó ai thấy cũng mến thương. Đức Giáo Chủ khuyên trong sanh chúng, nếu ai muốn tu hành thì lòng phải chuyên cần, tinh tấn, trong các thời lễ bái, niệm Phật tham thiền không nên chểnh mảng sơ sót, có thế mới mong kết quả.“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa, Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu”.(Kệ Dân, Q.2)
Ngài cũng kêu gọi những nhà giàu có, dư ăn, dư để đừng phụ bỏ cơm thừa mà nên dành cho kẻ nghèo đói, tàn tật. Vì sau nầy sẽ gặp tai nạn đói khổ:“ Đói với nghèo sắp đến bây giờ”. Và:“Cảnh vinh hoa lại quá cheo leo, Nhà giàu có sau nhiều tai ách”.(Kệ Dân, Q.2) Trong lúc nầy dù họ muốn có chén cơm nguội đỡ lòng, cũng chẳng biết tìm đâu ra.
-Vì lòng quá thương xót chúng dân sắp lâm cơn đồ thán, nên Đức Thầy thở than khuyên dạy không ngừng, thế mà ít ai thức tỉnh tìm học Đạo mầu.
-Đức Phật A Di Đà lúc nào cũng rất mong đợi chúng sanh, biết hồi tâm hướng thiện, niệm Phật làm lành. Tuy Ngài an tọa nơi Tây phương Cực Lạc, nhưng luôn dùng hào quang năm sắc soi rọi khắp cõi Ta bà, tìm thấy chúng sanh nào biết tu thân lập hạnh, chuyên tâm trì niệm danh hiệu danh của Ngài, thì Ngài ủng hộ và tiếp dẫn chúng sanh ấy, được vãng sanh về cõi Cực Lạc.
CHÚ THÍCH:
BỎN SẺN: Hà tiện, rít róng, hẹp hòi với bà con chòm xóm trong việc tiền bạc. Ví dụ: người có tánh tham lam bỏn xẻn.
LƯƠNG HIỀN: Tốt lành, người hiền lành tốt đẹp, chơn chất làm ăn. Đức Thầy có câu:
“Kẻ lương hiền chờ giọt mưa ngâu,
Người bạo ngược thừa cơ nguy thủ lợi”.
(Trao lời cùng Ông Táo)
CẦN CHUYÊN: Cũng viết là chuyên cần. Có nghĩa là siêng năng, chăm chú, không xao lãng. Ví dụ: cần chuyên tu học. Ở đây ý nói hai thời công phu lễ bái, niệm Phật, xem kinh, người tu hành phải chịu khó chuyên trì cho đầy đủ, đừng để lãng xao, sơ sót. Đức Thầy từng nhắc nhở (trong “Dặn dò Bổn đạo”):
“Sớm khuya bá tánh cần chuyên,
Nghe lời dạy bảo cảnh Tiên dựa kề”.
TƯỞNG NHỚ PHẬT CHỚ NÊN SÁI BUỔI: Câu nầy ý dạy sự niệm Phật, nhớ Phật trong hai thời cúng lạy, mỗi tín đồ phải thật hành cho đúng, như lời Đức Thầy dặn dò trong “Từ giã làng Nhơn Nghĩa”:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”.
ĐỪNG VONG: Đừng quên, không nên bỏ, chẳng nên phụ bạc.
CHẲNG CÙNG: Không dứt, không hết, còn hoài, nói chẳng cùng.
A DI ĐÀ: (Xem chú thích câu 30, Q.2)
MONG MỎI: Ao ước, mong muốn.
HÀO QUANG: Hào là lông; quang là sáng. Nơi chơn mày của Phật có những sợi lông trắng phóng ra ánh sáng, nên gọi là hào quang. Đây là một trong 32 tướng hảo của Phật. Đức Thầy bảo:
“Mắt nhìn thấy thần thông biến hóa,
Đức Di Đà hiện chóa hào quang”.
(Xuân Hạ tác cuồng thơ)
NGŨ SẮC: Năm màu sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Đức Thầy có viết (trong “Nang thơ cẩm tú”):“Vừng mây lành ngũ sắc hào quang”.
CHÁNH VĂN
217.-Kẻ tâm-trí mau mau tỉnh-thức,
Kiếm Đạo-mầu đặng có hưởng nhờ.
Chốn hồng-trần nhiều cảnh nhuốc-nhơ,
220.-Rán hiểu rõ huyền-cơ mà tránh.
Chốn tửu-điếm ta nên xa lánh,
Tứ-đổ-tường đừng có nhiễm vào.
Người tránh xa mới gọi trí cao,
224.-Sa bốn vách mang điều nhơ-nhuốc.
Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di-Đà truyền mở Đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng-sanh,
228.-Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.
Nên khổ-lao Khùng không có nại,
Miễn cho đời hiểu đặng Đạo-mầu.
Ai muốn tầm Đạo cả cao sâu,
232.-Thì hãy dẹp tánh tình ích-kỷ.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 217 tới câu 232)
-Đức Thầy kêu gọi, ai là người hữu tâm hữu trí, nên sớm thức tỉnh tìm lẽ diệu mầu trong Đạo pháp mà thật hành theo, để sau nầy được hưởng điều cao quí. Cảnh trần đầy dẫy sự nhớp nhơ, mọi người nên khôn ngoan sáng suốt mà xa lánh. Nhứt là đừng để đắm nhiễm vào bốn vách: tửu, sắc, tài, khí, vì nơi ấy làm cho con người phải hư thân mất nết, đọa lạc trần mê, xã hội chán chê ruồng bỏ.
-Vậy ai là người tỉnh tâm tu niệm thì đây là dịp may ít có:“Xưa nay không có mầy khi, Dương trần có Phật vậy thì xuống đây”.(Sấm Giảng Q.1) Bởi Đức Phật A Di Đà quá thương xót chúng sanh, nên truyền lịnh cho Đức Thầy khai hóa Đạo mầu.
Do đó trên con đường giáo độ nhân sanh, dù gặp nhiều gian lao thử thách, Ngài cũng chẳng nao núng ngại ngùng; miễn sao cho người đời hiểu biết Đạo mầu là thỏa nguyện. Và Ngài luôn khuyến tấn: Ai muốn thấu đạt lý diệu huyền trong Đạo pháp, trước tiên phải diệt lòng vị kỷ tham lam, đường tu mới mau thành đạt mục đích.
CHÚ THÍCH
TÂM TRÍ: (Xem chú thích câu 253, Q.1).
ĐẠO MẦU: (Xem chú thích câu 901, Q.1).
NHUỐC NHƠ: Dơ xấu, nhục nhã.
HUYỀN CƠ: (Xem chú thích đoạn 2, bài Sứ Mạng).
TỬU ĐIẾM: Uống rượu và đàng điếm, hai trong “Tứ đổ tường”. Đức Thầy từng dạy:
“Người tu phải lánh hơi men,
Đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình”.(S-G. Q.3)
TỨ ĐỔ TƯỜNG: Bốn việc tệ hại giữa bốn bức tường:“Tửu, Sắc, Tài, Khí”.
1- Tửu là thích uống rượu, vì trong rượu có chất men, đủ năm thứ vị: chua, cay, đắng, mặn, ngọt; nên ai uống vào đều bị nhiễm ghiền, nóng nảy, say sưa thường sanh ra 10 điều lỗi:
1./ Sắc diện khác thường.
2./ Cử chỉ chẳng ra gì.
3./ Mắt thấy không tỏ.
4./ Hiện ra tuồng giận dữ.
5./ Phá hại sản nghiệp, không lấy gì nuôi sống.
6./ Hay sanh bịnh hoạn.
7./ Gây thêm sự kiện cáo.
8./ Danh xấu đồn khắp.
9./ Trí huệ hao kém.
10./ Chết bị đọa vào ba đường ác.
Đức Thầy từng răn cấm:“Uống rượu - Phải cữ tuyệt; nhưng khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ, để đừng có tỏ sự chia rẽ với người ngoại Đạo. Nếu say sưa sẽ phải tội lỗi”.(Những điều phải tránh hẳn, hoặc được châm chế, hoặc nên làm).
2- Sắc là chơi bời theo đàng điếm. Những kẻ đắm mê sắc lịch, nếu là thường dân thì thân mau tàn tạ, trí hóa lu mờ, nhà tan cửa nát; hạng vua quan thì mất nước, danh thể nhuốc nhơ như “Trụ, Kiệt”…còn người tu hành nếu không diệt được lòng tham sắc thì bị tiêu tan giới đức, dù Tiên cũng phải hườn tục, như Uất Đầu Lâm Phất.v.v…
3- Tài là ham tiền của, cờ bạc. Người sa vào vách nầy, hay sanh ra trộm cướp, đàng điếm, bị xã hội ruồng bỏ. Tục ngữ thường nói:“Cờ bạc là bá thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”. Đức Thầy đã bảo:“Cờ Bạc.- Phải cữ tuyệt; những kẻ cờ bạc muốn vào Đạo, phải thệ nguyện bỏ cờ bạc rồi mới được nhìn nhận. Về sự nầy chẳng có cuộc vui nào có thể châm chế đặng”.(Những điều phải tránh hẳn, hoặc được châm chế, hoặc nên làm).
4- Khí là hơi thuốc phiện (nha phiến, a phiến)…Kẻ
hút thuốc phiện thì thân hình ngày càng gầy ốm, bạc nhược; ngày đêm xây quanh bàn hút, nhả khói phun mây, không còn biết đến việc gì nữa, nên bao nhiêu tiền của ruộng vườn đều tiêu sạch. Người xưa từng cảnh giác:“Có ăn, ăn điếu thuốc lào, Đừng ăn a phiến ai nào có ưa”.
Đức Thầy nay đã cấm tín đồ:“Thuốc phiện - Phải cữ tuyệt; không được hút một điếu nào hết. Những kẻ hút muốn vào Đạo phải bỏ hút rồi mới được nhìn nhận. Trừ ra những người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít hợp với các vị thuốc khác, mới có thể châm chế đặng”.(Những điều phải tránh hẳn, hoặc được châm chế, hoặc nên làm).
Tóm lại, về “Tứ đổ tường” Đức Thầy đã răn cấm các tín đồ:“Điều thứ nhứt: Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam cang ngũ thường”.(Tám điều răn cấm).
SA BỐN VÁCH: Rơi vào bốn điều tai hại “Tứ đổ tường”: Rượu thịt, sắc đẹp, cờ bạc, hút thuốc phiện.
ĐẠO LÀNH: Đạo từ thiện, cũng gọi là Đạo Phật. Bởi chủ yếu của Đạo Phật là dạy tín đồ phải:“Làm hết các việc từ thiện – Tránh tất cả điều độc ác - Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”.(Phật là gì ?), để đạt đến mức giải thoát. Trong bài “Cảm tác”, Đức Thầy có viết:“ Đạo lành mở cửa nơi miền
ĐẠO CẢ: Đạo lớn. Nghĩa của chữ Đại Đạo. (Xem chú thích đoạn 4 bài Sứ Mạng).
ÍCH KỶ: Chỉ biết có lợi riêng cho mình, chỉ nghĩ đến mình, ai sao mặc kệ.