4- ÁC LƯỠNG THIỆT

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43575)
4- ÁC LƯỠNG THIỆT

CHÁNH VĂN

          LƯỠNG THIỆT.- Đứng đầu các tội ác do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng-thiệt này đã làm duyên-cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi vã, gây gổ sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh, phá tan sự đoàn-kết, tình thân yêu giữa nhân loại. Nó cũng là nguồn-cội của bao nhiêu bất hoà, hiềm-khích.

          Để giải trừ những tai vạ ấy, phải giữ cho lời nói mình được thành-thật, chánh đáng, được vậy trong hương-đảng mới bớt rầy-rà, ngoài xã-hội không điều xích-mích và mình cũng không còn chịu ác-cảm, tránh sự miệt-khinh của kẻ khác.

 

LƯỢC GIẢI

(Đây là ác thứ nhứt trong Khẩu nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          LƯỠNG THIỆT: Hai lưỡi, lời nói hai chiều, nói đâm thọc cho đôi đàng xích mích thù oán nhau. Lưỡng thiệt cũng gọi là ly gián ngữ.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Vì muốn bảo thủ lợi danh quyền tước theo ý mình nên họ dùng lời nói đâm thọc thêm bớt cho đôi đàng hiểu lầm nhau. Đức Thầy bảo:

                  “Ác nơi khẩu nhứt là lưỡng thiệt,

                   Với người nầy dùng lời tha thiết,

                   Đến kẻ kia đâm thọc cho gây”.

3- SỰ TRẠNG:

          Người hay nói lời lưỡng thiệt, thường xảy ra những cuộc cãi vã, đôi chối, gây thù, trả oán.

                  Xưa Đức Thánh luận bàn cái lưỡi,

                   Ngài nói rằng các việc tại mầy.

                   Thuận với hòa hay ghét với rầy,

                   Cũng cái lưỡi làm thầy các việc”.( ĐT)

4- TAI HẠI:

          Dùng lời lưỡng thiệt thường kết quả những sự ngờ vực, chia rẽ phân tranh, mất đoàn kết. Đó là gốc sanh ra bất hòa hiềm khích, giết hại lẫn nhau.

                  Người choảng nhau tại mình gia vị,

                   Mà cũng không hưởng được lợi danh.

                   Sau rõ ra chúng hại ghét ganh,

                   Chiêu cảm quả bất lành thêm nữa”.( ĐT)

          (Xưa, thời mạt Trụ hưng Châu (Trung Hoa) có Thân Công Báo đi non nầy động nọ, dùng lời lưỡng thiệt, khiến các Địa Tiên nổi nóng xuống trần phạm sát giới; kết cuộc công tu luyện phải thả trôi theo dòng nước. Sau cùng hồn xác Thân Công Báo đều bị sa vào Địa ngục một lượt, tiếng xấu lưu để muôn đời.)

5- CÁCH GIẢI TRỪ:

          Muốn diệt trừ ác lưỡng thiệt, nhà tu quyết định không nói hai chiều, đâm thọc, để giữ lời nói mình cho được minh chánh trong sạch. Đức Thầy hằng dạy:

                   Khá chừa đi hương đảng bớt rầy,

                     Dùng sự thiệt giải bày tâm trí”.

6- LỢI ÍCH:

          Người chừa được ác lưỡng thiệt sẽ tránh đặng sự rầy rà xích mích, chính mình không còn bị ác cảm hay kẻ khác khinh miệt và lời mình nói ra được mọi người tin tưởng nghe theo.

7- KẾT LUẬN:

          Đại khái ác lưỡng thiệt là một trong Thập ác và đứng đầu Khẩu nghiệp. Xưa, Đức Phật đã bảo:“Khẩu nghiệp đa ư thân ý nhị nghiệp”. Nay Đức Thầy cũng dạy:“Khẩu nghiệp của các trò còn nặng nề hơn hết”. Cho nên hành giả cần diệt trừ lưỡng thiệt, để đem lại sự hòa hài cho cả nhân loại và tránh khỏi luân hồi quả báo.

 

CHÚ THÍCH

          DUYÊN CỚ: Nguồn gốc của sự việc hay lý do đầu tiên.

          ĐOÀN KẾT: Đồng lòng kết hợp thành khối thành nhóm chặt chẽ:“ Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.(Tục ngữ) Đức Thầy từng kêu gọi:

                   Lòng trẻ thảo biết đoàn biết kết,

                     Phí xác phàm mê mệt đâu nài”.

          HIỀM KHÍCH: Giận thù toan ăn thua, luôn luôn muốn gây chuyện.

          GIẢI TRỪ: Chừa bỏ, dứt hẳn, chẳng còn xảy ra nữa.

          THÀNH THẬT: Thật lòng không dối trá thêm bớt.

          CHÁNH ĐÁNG: Chơn chánh không trái lẽ.

          ÁC CẢM: Cảm tình không tốt.

          HƯƠNG ĐẢNG: Thôn xóm.

          MIỆT KHINH: Cũng gọi là khinh miệt. Có nghĩa khi dể, chê bai ra mặt.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa ác lưỡng thiệt ?

          2/-Nguyên nhân nào sanh lời lưỡng thiệt ?

          3/-Sự trạng ác lưỡng thiệt xảy ra như thế nào ?

          4/-Muốn giải trừ ác lưỡng thiệt phải làm sao ?

          5/-Trừ xong ác lưỡng thiệt được lợi ích gì ?

          6/-Tóm tắt ác lưỡng thiệt ra sao ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn