8- ÁC THAM LAM

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42605)
8- ÁC THAM LAM

CHÁNH VĂN

          THAM LAM.- Tánh tham lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu thảm khổ: chiến tranh, cướp bóc, giết người ... tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế ... Những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác-liệt, gây nên những thảm họa tày trời. Những tấn tuồng giặc giã, cướp của sát nhơn, những vụ hối-lộ, những vụ tranh thế giành quyền đã làm cho nhân-sanh điêu linh trong vòng tai nạn khốc hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự sát chỉ vì sự ham muốn không được thực hiện; người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất trận.... Những cuộc cấu xé lẫn nhau, những cuộc nồi da xáo thịt, những tương sát tương tàn, những điều hung-hăng bạo-ác cũng do sự tham lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có những lúc thăng trầm chìm nổi, có thì ta xài, không thì ta nhịn, can gì phải bày mưu tính kế chiếm đoạt của kẻ ngoài. Của là của chung trong thiên hạ, đời ta còn, nó còn; đời ta mất, nó mất; gương Thạch-Sùng – Vương-Khải há không để lại cho ta một bài học đích đáng lắm ru ? Thế nên, hãy nghĩ đến người cũng như mình nghĩ đến mình, hãy dẹp lòng vị kỷ tham-lam, lo vun trồng phước đức, bố thí kẻ nghèo hèn, rán công phu sám hối để có thể yên vui nơi miền Cực Lạc, lánh sự giả tạm ở cõi trần này.

 

LƯỢC GIẢI

(Đây là ác thứ nhứt trong Ý nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          THAM LAM là lòng ham muốn quá độ, nó là một trong Tam độc: Tham, Sân, Si. Đức Thầy bảo:

                   “Biết sao đầy được túi tham,

          Không ngăn không đáy càng làm không kiêng”.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Vì lòng ham muốn quá độ, không biết tri túc thường lạc. Chính nó là hột giống, là nguyên nhân làm cho chúng sanh luân hồi trong 6 nẻo, từ vô thỉ tới nay chưa thoát ly ra được.

3- SỰ TRẠNG:

          -Người có lòng tham lam, lúc nào cũng muốn chiếm đoạt danh lợi, sắc tình, quyền thế về cho mình. Đức Thầy đã diễn tả sự trạng ấy:

                  Ác thứ tám là lòng Tham Hiểm,

                   Muốn bao gồm của thế một mình.

                   Tham nhà cao cửa rộng thân vinh,

                   Tham vườn ruộng cò bay thẳng kiếng.

                   Thấy của người thèm khô nước miếng,

                   Tính làm sao lường gạt lấy đi.

                   Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,

                   Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa”.

4- TAI HẠI :

          a)- Kẻ bị lòng tham sai khiến, thường gây ra biết bao thảm khổ cho mình và mọi người: chiến tranh, cướp trộm, giết người, tương tàn ttương sát. Ôm mối hận thù, bực tức dẫn đến liều mình tự sát.

          b)- Hột giống oan oan tương báo, kéo dài từ kiếp nầy sang kiếp khác rồi kiếp khác nữa. Đức Thầy đã diễn tả tai hại của lòng tham:

                   Tham của tạm làm điều tàn nhẫn.

                   Nhắm mắt rồi đâu có mang theo.

                   Tham tiền tài thường vướng nạn eo.

                   Tham sắc đẹp nhà tan cửa nát.

5- GIẢI TRỪ:

          Nhà tu muốn diệt trừ lòng tham lam ích kỷ cần thi hành các phương cách như sau:

          a)- An nhẫn trong sự nghèo túng, biết “tri túc thường lạc” để giữ lòng trong sạch và vun trồng cội phước.

                   Thà nghèo thanh hơn giàu mà trược,

                    Lo vun trồng cội phước về sau”.( ĐT)

          b)- Mở lòng thương yêu mọi người, mọi giới như mình thương mình, tùy phương tiện mà bố thí cho họ từ vật chất lẫn tinh thần. Đức Thầy dạy:

                   Muốn trừ tham phải liệu cách nào ?

                     Phải bố thí diệt lòng ích kỷ”.

          c)- Dùng tâm chánh niệm quán xét vạn vật trong thế gian, đến thân xác của ta cũng đều là vô thường, vô ngã, chẳng có vật chi để lòng mến tiếc:

                  Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,

                   Vật ở trần như bọt nước làn mây.

                   Thân ta còn rày đó mai đây,

                   Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.( ĐT)

6- LỢI ÍCH:

          Hành giả khi diệt trừ được lòng tham lam ích kỷ, tất tiêu diệt hột giống tội lỗi và khổ đau sanh tử. Phước đức càng lúc càng gia tăng và tâm hồn được tự tại an vui trên đường giải thoát.

7- KẾT LUẬN:

          Đã biết lòng tham là nguyên nhân của mọi sự đau khổ và sanh tử luân hồi: Nhà tu muốn diệt trừ nó phải biết sám hối tội căn “Tri túc thường lạc”. Từ bi bố thí và quán xét lý vô thường vô ngã, tất đặng thành công viên mãn, đạt quả Cực lạc hoặc Niết bàn.

 

CHÚ THÍCH

          THẢM KHỔ: Thê thảm và khổ sở đau đớn.

                   Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,

                   Sao dân còn triếu mến trần mê”.( ĐT)

          ÁC LIỆT: Dữ dội, kịch liệt.

          THẢM HỌA: Tai họa ghê gớm.

          HỐI LỘ: Ăn của lo lót.

          ĐIÊU LINH: Long đong khổ sở, vất vả.

          THỰC HIỆN: Làm cho thành ra sự thật.

          QUYÊN SINH: Liều bỏ kiếp sống (tự tử).

          NỒI DA XÁO THỊT: Lấy vỏ rùa làm chảo xào thịt rùa. Ý chỉ thân bằng ruột thịt hoặc đồng bào nỡ tranh giành hoặc giết hại lẫn nhau.

          THẠCH SÙNG VƯƠNG KHẢI: Hai người đồng sanh trào nhà Tấn thời Đông Châu. Sùng trước làm quan Thứ Sử, tánh tham lam xảo trá, thâu góp của dân, hối lộ với thượng cấp, sau thăng chức Thái Bộc giàu to. Còn Vương Khải là em của Hoàng Hậu, cũng là tay cự phú. Cả hai đều lấy sự xa xí khoe của để tranh hơn thua; không làm được việc gì ích nước lợi dân, ai khuyên can cũng chẳng nghe. Cuối cùng hai người chết chẳng mang theo được gì, lại còn để tiếng đời biếm nhẽ, sách sử chê bai. Đức Thầy có cảnh tỉnh:

                   Lòng nhơn xin khá tập rèn,

             Thạch Sùng Vương Khải sách đèn ai ưa”.

          VỊ KỶ: Vì mình, chỉ biết lợi cho mình, chớ không nghĩ đến người khác.

          CÔNG PHU: Sức dùng để làm việc, người chịu nhọc để làm việc. Ví dụ: Công phu hành Đạo.

          SÁM HỐI: (Xem chữ Ăn năn, ác Sát sanh, trong Tập nầy).

          CỰC LẠC: Rất vui, tột vui. Cũng gọi là An Dưỡng Quốc hay Tịnh độ. Cõi nầy do nguyện lực và công đức của Phật A Di Đà tạo nên và chính Ngài là Giáo chủ. Cõi Cực lạc hoàn toàn an vui trong sạch, không có những nỗi khổ đau, trần trược như cõi Ta bà.

          Ai tu hành dứt lòng tham luyến cõi Ta bà và chuyên tâm niệm Phật, làm lành gồm đủ: tín, nguyện, hành thì khi lâm chung được vãng sanh về Cực Lạc. Đức Thầy khuyên:

                   Trông chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,

                     Về Cực Lạc mới là hết khổ”.

 

CÂU HỎI

          1/-Chữ tham lam có nghĩa gì ?

          2/-Lý do nào sanh ác tham lam ?

          3/-Cảnh trạng ác tham lam ra sao ?

          4/-Lòng tham đưa đến tai hại gì ?

          5/-Muốn giải trừ tánh tham ta phải làm sao ?

          6/-Diệt được lòng tham ta được lợi ích gì ?

          7/-Cho biết mục kết luận của ác tham lam ?

          8/-Kể lại chuyện Thạch Sùng Vương Khải ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn