CHÁNH VĂN (Từ câu 815 đến câu 878)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 32712)
CHÁNH VĂN (Từ câu 815 đến câu 878)

815.“Dạy rồi Thầy Tớ liền đi,

         Biên-Hòa đến đó vậy thì xem qua.

                   Đến đây dạy-dỗ gần xa,

         818. Khuyên trong bá tánh vậy mà tỉnh tâm.

                   Ngày nay gặp Bạn Tri-Âm,

         Rán mà trì chí đặng tầm huyền-cơ.

                   Tân-An dạy dỗ kịp giờ,

       

          822. Chẳng dám chần chờ đi thẳng Tây-Ninh.

                   Tới đây vừa lúc bình minh,

         Điên ra sức giảng mặc tình nghe không.

                   Giảng rồi Dầu-Một thẳng xông,

         826. Thiềng-thị giáp vòng thứ chót là đây.

                   Thương dân giảng dạy dẫy-đầy,

         Rảo khắp tối ngày chẳng có nghỉ chơn.

                   Nhiều người hung ác quá chừng,

         830. Không biết đời khổ lo mừng lo vui”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 815 tới câu 830)

          -Khi đến tỉnh Biên Hòa, thầy trò Đức Giáo Chủ giảng khuyên khắp nơi, kêu gọi vạn dân sớm tỉnh tâm tu niệm, ai là kẻ hữu duyên cùng Phật pháp trước kia, nay đã gặp người đồng tâm trở lại thì phải rán trì lòng sưu tầm Đạo lý cho thấu lẽ huyền cơ.

          -Kế đó, Ngài dời chân đến tỉnh Tân An để làm cho dân chúng đâu đâu cũng đều được nghe lời khuyến thiện. Trời vừa rựng sáng, thuyền Ngài đến tỉnh Tây Ninh, nơi đây mặc tình bá tánh có chịu nghe hay không. Thầy trò cũng ra sức giảng khuyên đủ lẽ. Đoạn rồi Ngài đi luôn tỉnh Thủ Dầu Một, đây là một vị trí chót hết trong 20 tỉnh của Nam kỳ thời ấy (1939). Vì lòng quá thương xót  chúng dân nên Ngài chẳng màng đến sự lao nhọc và kêu gọi suốt ngày, không ngừng nghỉ, song có nhiều người mãi đắm say dục lạc thường tình, gây tạo nhiều tội ác, không ý thức được cảnh đời là khổ đau và giả tạm.

 

CHÚ THÍCH

         

         

          BIÊN HÒA: Tỉnh thứ 13 của Nam kỳ thời Pháp thuộc. Đông giáp tỉnh Long Khánh; Tây giáp tỉnh Bình Dương; Bắc giáp Phước Long; Nam giáp Phước Tuy, diện tích 2.800 km vuông, dân số 270.512.

          TỈNH TÂM: Lòng tỉnh thức sáng suốt, hết u tối mê lầm.

          BẠN TRI ÂM: Người bạn nghe tiếng đờn mà hiểu nhau, do điển tích Bá Nha Tử Kỳ.

          Ở đây Đức Giáo Chủ muốn nói: Người nghe lời giảng khuyên, liền hiểu được ý mà giác tỉnh tu hành, tức là người đã có duyên lành với Ngài trong nhiều tiền kiếp và cũng gọi là tri âm tri kỷ, như Ngài từng cho biết:

                   “Nay gặp bạn tri âm tri kỷ,

                     Cho những điều thiện mỹ cổ lai”.

          HUYỀN CƠ: (Xem chú thích đoạn 2, Bài Sứ Mạng).

          TÂN AN: Xưa tên là”Tần Bôn”. Tỉnh số 9 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 bị tách một phần thành tỉnh Kiến Tường, còn lại sát nhập với tỉnh Chợ Lớn mà thành tỉnh Long An.

          TÂY NINH: Một tỉnh cách Sài Gòn 99 km về phía Tây Bắc; Đông giáp Bình Dương và Bình Long; Tây và Bắc giáp Cam Bốt; Nam giáp Long An và Bình Dương. Diện tích 3.516 km vuông, dân số 278.150 người.

          DẦU MỘT: là tỉnh Thủ Dầu Một, do tiếng Cao Miên là Thul Đoánbot (gò có đỉnh cao nhất), từ năm 1956, truất quận Hớn Quản làm tỉnh Bình Long, phần còn lại đổi tên là Bình Dương. Đông giáp Biên Hòa; Tây giáp Tây Ninh; Bắc giáp Bình Long; diện tích 2.000 km vuông, dân số 266.538.

 

CHÁNH VĂN

                    831.“Nhắc ra dạ nọ nào nguôi,

         Từ đây Lục-Tỉnh đui cùi thiếu chi.

                   Nói mà trong dạ sầu-bi,

         834. Bá-gia chậm chậm khinh-khi Điên nầy.

                   Đừng ham nói nọ nói nầy,

         Lặng yên coi thử Điên nầy là ai.

                   Cảm thương Ông Lão Bán Khoai,

         838. Vì yêu dân-chúng chẳng nài nắng mưa.

                   Câu này nhắc chuyện năm xưa,

         840. Khuyên trong trần-hạ hãy chừa lòng tham”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 831 tới câu 840)

          -Nhắc đến việc mê say tội ác của chúng sanh, lòng Đức Thầy không ngớt buồn thương và cho biết: Kể từ đây trong 6 tỉnh miền Nam Việt Nam, có rất nhiều người tàn tật, ăn xin mà trong đó phần đông là các vị Phật Tiên giả dạng, để thức tỉnh bá gia.

          Trong bài “Lộ Chút Cơ Huyền”, Ngài nói:

                   “Đời cùng Tiên Phật hạ phàm gian”.

          -Vậy thì từ đây trong chúng dân, nếu có gặp người tàn tật hay Điên Khùng đừng vội khinh khi mà hãy bình tâm tìm hiểu coi kẻ Điên Khùng ấy là người như thế nào. Đức Thầy cũng nhắc lại năm xưa, vì lòng quá yêu sanh chúng, nên Ngài chẳng nài sự lao nhọc, hóa hiện một Ông lão chèo ghe, bán khoai theo kinh Vĩnh Tế để thử lòng và thức tỉnh bá gia. Ngài cũng có dụng ý muốn nhắc nhở người đời, nhớ lại chuyện ấy mà răn chừa lòng tham. Vì thuở đó dân chúng thấy ông già bán khoai quá thật thà, nên họ dở đủ trò tham lam giựt giọc.

 

CHÚ THÍCH

          LỤC TỈNH: Sáu tỉnh miền Nam của Việt Nam thời vua Minh Mạng trào Nguyễn (xem thêm chữ Lục châu câu 56, Q.1)

          ÔNG LÃO BÁN KHOAI: Tức là ông Sư Vãi Bán Khoai. Ông tên Mỹ, nhưng họ và niên kỷ cũng như nơi sanh quán không ai biết rõ; người ta chỉ thấy Ông thường lui tới miền Vĩnh Tế (Châu Đốc). Sở dĩ có danh từ “Sư Vãi” vì Ông có một thân hình mảnh mai, xa trông như một cô Vãi và cũng vì Ông trị bịnh cho đời thường dùng vải áo khăn của mình cho nên mới có biệt danh là Ông Sư Vãi. Lại nữa bởi Ông chèo thuyền đi bán khoai ở kinh Vĩnh Tế, nên người đời gọi là “Ông Sư Vãi Bán Khoai”.

          Tuy với một thân hình ốm yếu, nhưng võ nghệ ông rất cao cường. Thuở ông ở Vĩnh Gia, một hôm ông đang cầm mác thông đi chặt bàng trong đồng, bỗng nghe có tiếng người lẫn tiếng cọp gầm thét gần đó, ông liền cầm mác chạy tới thì thấy Ông Mạnh (người cùng xóm) đang dùng một thế võ hai tay nắm chặt bốn chân con cọp và đội thẳng bụng cọp lên đầu; nhưng vì gặp phải cọp mạnh quá ông Mạnh không đập xuống được mà cũng không dám thả cọp ra. Ông liền cầm mác thông nhảy tới, vươn mình lên thật cao, hét lên rồi chém xả xuống một mác thật mạnh, con cọp bị đứt làm hai đoạn, mà ông Mạnh vẫn không bị phạm chút nào.

          Còn một điều kỳ lạ, ngón tay cái của ông mỗi khi tụng kinh, ông dùng cây gỏ vào thì kêu như tiếng mõ không khác.

          Vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và năm Nhâm Dần (1902) Ông xuất hiện ở kinh Vĩnh Tế, giả dạng

 

thường nhân chèo thuyền đi bán khoai và khắp miền Thất sơn, Ông đều có đi lại, để tùy duyên thức tỉnh người đời tu niệm. Ông có truyền lại cho đời một tác phẩm tựa là “Sấm Giảng Người Đời”(11 hồi). Nội dung: Khuyên người làm lành lánh dữ và tiên tri sự biến thiên hãi hùng trong thời kỳ Hạ ngươn mạt kiếp.

          Ông chỉ hóa hiện trong Vĩnh Tế khoảng hai năm (1901-1902), rồi từ độ ấy đến nay Ông vắng bóng luôn, người ta chỉ còn truyền những câu thơ của Ông:

                   “Nào khi Sư Vãi Bán Khoai,

                Trong kinh Vĩnh Tế ai ai cũng lầm.

                     Mặt cân tôi chẳng biết cầm,

                 Quê mùa già cả âm thầm biết chi”.

          Đến năm 1939 Đức Giáo Chủ PGHH ra đời có kể lại cho ông Sư Vàng nghe, khi ông nầy đem quyển Sấm Giảng 11 hồi đến Tổ Đình Hòa Hảo, ý định thử Ngài. Đức Huỳnh Giáo Chủ liền đọc thuộc lòng cho ông Sư Vàng dò theo từng chữ một. Bởi thế, ông Sư Vàng ngạc nhiên, liền quỳ xuống bạch với Ngài, xin cho biết căn nguyên. Đức Giáo Chủ liền cho biết “Sấm Giảng Người Đời” là của Ông Sư Vãi Bán Khoai, một trong các lần hóa thân của Đức Phật Thầy Tây An cách trước đây khoảng 37-38 năm, vì lòng từ ái thương sanh chúng bị lầm than, nên Ông đã hóa hiện ra người Bán Khoai, để thức tỉnh người đời rán lo tu niệm, hầu thoát khỏi cảnh biến thiên, hủy diệt cõi đời Hạ ngươn Mạt kiếp.

          Ngày nay trong quyển Nhứt, Đức Thầy nhắc đến Ông Sư Vãi Bán Khoai là ý nói vì lòng từ bi và bản nguyện rộng lớn, nên Ngài phải luân chuyển độ đời mãi mãi, chẳng hạn như Ông Sư Vãi Bán Khoai trước kia,

 

cũng là một hóa thân của Ngài để tùy duyên độ chúng. Trong Giảng Mười Một hồi có câu:

                   “Thương Ông Sư Vãi nhọc nhằn,

                 Sau thân chẳng biết mấy thân dưới trần”.

          LÒNG THAM: Tâm ham muốn quá độ về vật chất, danh, lợi, tình v.v…(Xem them phần Chú thích chữ Tham gian câu 48, Q.1)

 

CHÁNH VĂN

                   841.“Khùng thời quê ngụ núi Sam,

         Còn Điên chẳng có chùa am dưới nầy.

                   Vua Nghiêu xưa mở đất cày,

         844. Ngày nay nhường lại cảnh nầy cho Điên.

                   Xuống trần dạy-dỗ huyên-thiên,

         Dạy rồi thì lại thảm-phiền nhiều hơn.

                   Cầu xin Phật-Tổ ra ơn,

         848. Lời Điên khuyên nhủ như đờn Bá-Nha.

                   Thị-thiềng khắp hết gần xa,

         Từ đây sắp đến quê nhà Điên đi.

                   Đừng thấy ngu dại mà khi,

         852. Thầy thì Huệ-Lựu, Tớ thì Huệ-Tâm”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 841 tới câu 852)

          -Đoạn nầy Thầy trò Đức Giáo Chủ cho biết vị trí của hai Ngài: Ông Khùng (Ông Thầy) thì trước ở tại chùa Tây An núi Sam, khai truyền Chánh Đạo và tịch diệt tại đó. Đây là ám chỉ Ngài là Đức Phật Thầy Tây An, như trong quyển “Kệ Dân của Người Khùng” Ngài đã cho biết:

                   “Lời của người di tịch Núi Sam,

                  

                   Chớ chẳng phải bày điều huyễn hoặc”.

          -Còn ông Điên (Ông tớ) thì tu đắc Đạo tại ruộng Năm Dây (cũng gọi là ruộng Vua Nghiêu) trên núi Tà Lơn, nhưng còn một ý nghiã nữa là cảnh thái bình của Trời Nghiêu Đất Thuấn xưa kia. Giờ đây Trời Phật sắc lịnh cho Ông Điên có trách nhiệm kiến tạo đời Thượng ngươn Thánh đức như thời Nghiêu Thuấn cho toàn dân được hưởng. Ngài đã từng cho biết:

                   “Ta Điên thuở Tam Hoàng Thượng cổ”.

                                      (Xuân Hạ tác Cuồng thơ)

          Và:    “Nực cười cho lũ sói muông,

          “Đem điều cay nghiệt phá tuồng Thuấn Nghiêu”.

                                                (Bóng Hồng)

          -Vì thế, khi đặt chân xuống trần gian, Ngài phải giảng dạy thật nhiều, nhưng rất đau buồn cho bá tánh, chưa được bao người thức tỉnh. Ngài cầu xin với Đức Phật Tổ ban ân huệ cho toàn chúng sanh, sớm tỉnh cơn ác mộng, khi nghe đến lời giảng khuyên của Ngài, liền biết quay đầu hướng thiện. Cũng như Chung Tử Kỳ khi nghe đến tiếng đờn của Bá Nha, liền rõ được thâm ý.

          -Bởi mảnh đất Việt Nam, là nơi Đức Thầy liễu Đạo và cũng là nơi có nhiều linh căn hữu duyên với Ngài, nên kể từ đây, Thầy trò Ngài thường hay giả dạng nhiều hình thức khác nhau, để lui tới khắp đó đây, hầu tiện bề giảng khuyên bá tánh. Vậy vạn dân chớ nên khinh khi những người tật nguyền khờ dại mà phải bị lầm lạc đáng tiếc.

CHÚ THÍCH

          NÚI SAM: (Xem chú thích câu 414, Q.1)

          VUA NGHIÊU: (Xem chú thích câu 634, Q.1)

          HUYÊN THIÊN: Rất nhiều, thật nhiều.

         

          ĐỜN BÁ NHA: Bá Nha tộc danh là Du Thụy, có tài đờn ít ai bì kịp, làm quan Đại phu nước Tống. Một hôm đi sứ nước Sở về, nhằm đêm Trung Thu, trăng tỏ; Bá Nha cho dừng thuyền tại mé sông Hàm Dương rồi lấy đờn ra khảy, đờn bỗng đứt dây, Bá Nha nghi có người nghe trộm, truyền quân lên bờ tìm kiếm. Chung Tử Kỳ liền lên tiếng: Tôi là kẻ hàn vi, đi đốn củi về ngang đây, thấy Ngài đờn dừng lại nghe, chớ chẳng phải là người bất lương xin Thượng quan thứ cho.

          Bá Nha nói:

          -Nơi rừng sâu hoang dã nầy làm gì có người biết nghe tiếng đờn của ta.

          Tử Kỳ đáp:

          -Tại sao nơi nầy  lại có người như Thượng Quan đến đây khảy đờn ? Có người biết khảy đờn thì ắt có người biết nghe đờn chớ sao !

          -Vậy nhà ngươi có biết ta đờn bản vừa rồi là khúc nhạc chi chăng ?

          -Ngài đờn bản Đức Khổng Tử thương tiếc thầy Nhan Hồi, tài cao mà đoản mệnh.

          Bá Nha ngạc nhiên bèn mời Tử Kỳ lên thuyền rồi ôm đờn sửa dây tưởng mình trên non cao khảy…

          Tử Kỳ khen:

          -Thật là hay ! Chí đại nhơn vòi vọi như non cao (nga nga hồ chí tại cao sơn).

          Bá Nha lại sửa dây gảy một bản nữa, tưởng mình theo dòng nước…Tử Kỳ tán thán:

          -Thật là chí đại nhơn cuồn cuộn như dòng nước chảy (dương dương hồ chí tại lưu thủy).

         

 

          Bấy giờ Bá Nha nhìn nhận Tử Kỳ là bạn tri âm, thưởng thức được thâm ý qua tiếng đờn của mình, bèn cùng Tử Kỳ kết bạn thâm giao. Hai người ăn uống trò chuyện tới sáng mới chia tay, đồng hẹn nhau sang năm, cũng ngày giờ nầy sẽ gặp nhau tại đây.

          Năm sau, đúng hẹn Bá Nha đến chỗ cũ, không gặp Tử Kỳ bèn lấy đờn ra khảy, tiếng đờn nghe ai oán não nề, Ông sanh nghi lên bờ tìm kiếm, may gặp được phụ thân của Tử Kỳ mới hay Tử Kỳ đã chết. Bá Nha liền tìm đến mộ bày lễ vật tế Tử Kỳ, rồi lấy đờn ra khảy. Khúc ai điếu

nghe thảm thiết rồi ông đập nát cây đờn, vì Ông cho rằng Tử Kỳ đã thác, còn ai nghe được tiếng đờn của Ta nữa !

                   “Dao cầm đập nát đau lòng phượng,

                     Đờn vắng Tử Kỳ đờn với ai ?

                     Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,

                     Muốn kiếm Tri Âm, ôi khó thay !”

          Do đây, người sau thường dùng điển tích nầy chỉ cho bạn tri âm tri kỷ. Trong bài gởi Phường Hậu Tử, làm trong lúc sắp lâm chung nhà cách mạng Phan Bội Châu có nói:

                   “Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm,

               Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm,

               Chung Kỳ chết ném đàn không gảy nữa”.

          Ngày nay Đức Thầy dùng điển nầy, ý nói lời Sấm Giảng của Ngài ví như tiếng đờn của Bá Nha:

                   “Lão đây thân khó chẳng sờn,

                Tỏ lời khuyến khích tợ đờn Bá Nha”.

                                   (Khuyên người giàu lòng Phước Thiện)

         

 

 

          Vậy ai là người có duyên lành với Ngài, khi nghe đến lời khuyên nhủ liền hiểu ý mà giác tỉnh tu hành, ấy là người tri âm tri kỷ với Ngài:

                   “Điệu đờn trỗi khúc huyền thâm,

          Nhà nghề chọn bạn tri âm đâu nào ?”(Thu đã cuối)

          HUỆ LỰU: Cũng gọi là Huệ Lưu. Huệ là minh mẫn sáng suốt. Lưu (Lựu) là trôi chảy, ý nói ngôn từ pháp giáo tuôn ra như dòng nước chảy thấm mát tâm hồn của vạn loại chúng sanh. Vậy Huệ Lựu là người có Trí Huệ sáng mầu thông suốt tất cả sự vật trong vũ trụ, thấu đạt cả sự lẫn lý, cả pháp Thế gian và xuất Thế gian. Không vật nào ngăn ngại được như tánh chất của nước nơi nào cũng chảy tới và thấm mát được cả. Huệ Lựu là danh hiệu của Ông Thầy (ông Khùng). Trong Sấm Giảng 11 hồi, ông Sư Vãi Bán Khoai đã nói:

                    “Huệ Lựu hết dạ cần lo,

             Lưu truyền một bổn sao cho dân tường”.

Hoặc là:        

                    “Huệ Lựu diễn nghĩa mấy hàng,

                      Cầu cho già trẻ luận bàn tu thân”.

          HUỆ TÂM: Tâm trí sáng suốt trong sạch, chẳng còn vi tế phiền não, chỉ cho bậc đã chứng đắc “Tha Tâm Thông”. Đức Thầy từng nói:

                  “Huệ Tâm khai ngữ chuyển huyền thông”.

                                      (Cho ông Tham tá Ngà)

          Hoặc là:

                   “Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiếng,

                     Tánh trong như nước bích mùa Xuân”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          Huệ Tâm ở đây là danh hiệu của Ông Trò (một trong 3 ông Tớ theo Đức Thầy độ chúng).

         

          Vào đầu Xuân năm Kỷ Mão (1939) Thầy Ba Thận ở Phú Lâm có đem câu giảng “Thầy thì Huệ Lựu tớ thì Huệ Tâm” hỏi Đức Thầy, thì Ngài trả lời rằng;“ Đó là danh hiệu của một ông Thầy và ông Đệ tử”. Ví dụ như Tôi là Thầy Tư Hoà Hảo, còn ông là Thầy Ba ở Phú Lâm, chớ có gì đâu mà khó hiểu. (Đức Thầy xưng hô với các đệ tử thường dùng chữ Tôi và Ông, Tôi và các Ông Bà. Còn Thầy Ba Thận là ông Thầy dạy chữ Nho tên Thận).

 

CHÁNH VĂN

                   853.“Đời cùng còn chẳng mấy năm,

         Khắp trong các nước thây nằm bằng non.

                   Cha thì chẳng thấy mặt con,

         856. Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia.

                   Khuyên trong lê-thứ trẻ già,

         Tu hành hiền đức Phật mà cứu cho.

                   Ấy là quí-báu thơm-tho, 

         860. Đừng ham gây-gổ nhỏ to làm gì.

                   Con thì ăn ở nhu-mì,

         Học theo luân-lý kính vì mẹ cha.

                   Sau này sấu bắt hùm tha,

         Xử người tàn-bạo vậy mà tại đây.

                   Đời xưa quả-báo thì chầy,

         866. Đời nay quả-báo một giây nhãn tiền”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 853 tới câu 866)

          -Đoạn giảng vừa qua ý nói cuộc đời ngươn Hạ sắp đến ngày cùng cuối, nhân loại phải trải qua cuộc tang thương biến đổi để lập lại Thượng ngươn, trước giờ phút  ấy thế giới xảy ra cuộc chiến tranh dữ dội:

                 “Cảnh sông máu núi xương tha thiết”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

Nạn giặc giã gây cho dân chúng trạng huống khổ sầu: Con xa cha, chồng lìa vợ, gia đình tan nát, vườn ruộng đổi dời. Đức Giáo Chủ khuyên khắp vạn dân nên trau dồi hiền đức để Đức Phật cứu thoát cảnh hãi hùng ấy.

          -Bởi chỉ có con đường hiền đức mới được sống đời Thượng ngươn an lạc và mới:

                “Thơm tho gia trụ danh tề Tổ Tông”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          -Kẻ tu hành hãy dẹp bỏ lòng sân si gây gổ, những tiếng gièm siểm chê bai, nên tập tánh ở ăn cho đúng một con người có đạo lý. Bổn phận mỗi cá nhân, cần đối xử trọn vẹn Đạo làm người. Trong gia đình biết tôn kính bảo dưỡng và vâng lời cha mẹ, gây sự hòa thuận giữa anh em; ngoài xã hội thời xử sự cho hợp với lẽ phải.

          -Còn những kẻ bạo tàn hung ác, sau nầy sẽ có cuộc phân xử tại thế gian, bằng cách bị các loài thú dữ phân thây; tới chừng ấy:“Có con nghiệt thú nuốt mà người hung”. (Sấm Giảng, Q.1)

Và:             

                   “Hổ lang ác thú muôn bầy,

                Lớp bay lớp chạy sau nầy đa đoan.

                      Ai mà ăn ở nghinh ngang,

       Đón đường nó bắt xé tan xác hồn”.( Sấm Giảng, Q.3)

            Từ xưa luật trả vay của nhân quả có khi phải trì huỡn (hoãn) tới kiếp sau và nhiều kiếp nữa; nhưng với thời nay là phải trả báo trong kiếp hiện tiền. Bởi kiếp cùng cuối thì tất cả nợ nần phải thanh toán cho dứt, nên cảnh trả quả tới đây, rất hãi hùng chưa từng thấy.

          Đức Thầy đã diễn tả:

                  

                  

                    “Trải một lúc cuồng ba sóng dậy,

                     Chắc nhơn sanh sẽ thấy việc chi.

                             Trời đà sắp đặt ly kỳ,

               Tới ngày trả quả ầm ì biết bao”.(Thu đã cuối)

 

CHÚ THÍCH

          NHỎ TO: (Xem chú thích câu 343, Tập 2, Q.4(?))

          LUÂN LÝ: Cái nguyên lý Đạo đức của con người và lý lẽ của Đạo Nhân luân, tức là Đạo làm người, gồm có “Ngũ Luân, Ngũ Thường và Tam Tùng, Tứ Đức”. Ăn ở đúng theo luân lý tức là đối xử cho tròn cái Đạo làm người. Ngài Mạnh Tử bảo:“Nội tắc phụ tử, ngoại tắc Quân thần; nhân chi đại luân giả”.(Bên trong thì Đạo cha con, bên ngoài là Đạo vua tôi, đó là giềng mối lớn của Đạo làm người).

          Trong Sấm Giảng Q.3, Đức Thầy cũng dạy:

                   “Nào là luân lý Tứ ân,

               Phải lo đền đáp xác thân mới còn”.

          KÍNH VÌ MẸ CHA: Biết kính trọng nể vì cha mẹ. Ở đây Đức Thầy chỉ dạy người con đối với cha mẹ phải vẹn tròn câu hiếu thảo.

          Trong Trường A Hàm kinh Phật dạy:“Làm con kính thờ cha mẹ có 5 điều:

          1.- Cung cấp món ăn thức mặc đầy đủ.

          2.- Làm việc chi trước phải thưa hỏi cha mẹ.

          3.- Những việc phải của cha mẹ làm, mình phải kính thuận.

          4.- Mạng lịnh Chánh Đáng của cha mẹ không nên cãi.

         

         

          5.- Chẳng đặng đoạn tuyệt nghề nghiệp chánh đáng của cha mẹ.

          Ngày nay Đức Thầy cũng thường dạy:

                   “Hiếu trung chuyện tích sờ sờ,

              Người đời phải biết phượng thờ mẹ cha”.

                                      (Dặn dò Bổn đạo)

:              “Mẹ cha là kẻ trọng ân,

           Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già”.

          QUẢ BÁO: Luật quả báo, tức là nhân quả, là luật trả vay của nhân và quả, mình làm việc lành hay dữ thì sớm muộn gì cũng có trả lại.

          Kinh Minh Thánh đã bảo:“Thiện Ác đáo đầu chung hữu báo, Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”.(Làm việc lành hay dữ chừng đối đầu đều có báo cả. Chỉ khác nhau là sớm hay muộn đó thôi).

          Sự quả báo ấy có nhiều cách, tạm chia làm năm phần:

          1./ Hiện báo: Quả báo trong một đời, hễ mình tạo việc thiện hay ác trong kiếp nầy, thì sớm muộn gì cũng bị trả lại quả vui hoặc khổ trong kiếp nầy.

          2./ Sanh báo: Quả báo hai đời, là mình làm lành hay dữ trong đời nầy, qua đời kế đó mới có kết quả vui

hay khổ, hoặc gây tạo ở kiếp vừa qua mà kiếp nầy thọ hưởng.

          3./ Hậu báo: Quả báo nhiều đời, là gây tạo nhiều kiếp trước, kiếp nầy trả, hoặc hành động kiếp nầy đợi tới nhiều kiếp sau mới trả.

          4./ Nhồi báo: Là nghiệp nhân đã gây tạo nhiều lần trong nhiều tiền kiếp, bây giờ phải trả dồn một lượt.

         

 

          5./ Dư báo: Là những nghiệp nhân yếu ớt thiếu trợ duyên từ vô lượng kiếp tới giờ còn sót lại, vì hành giả tu hành tinh tấn nên những hột giống đó không có cơ hội phát triển nhưng nó cũng không úng chết, đợi tới kiếp hành giả đắc Đạo mới bị trả quả một cách nhẹ nhàng. Như trường hợp tiền kiếp của Đức Thích Ca có giết mấy chục mạng giặc cướp, đợi đến kiếp đó Ngài chỉ bị cây giầm đâm vào bàn chơn là đủ.

          Tóm lại, “Luật quả báo” rất nghiêm minh dù cách nầy hay cách khác, nhưng tất cả hễ có vay phải có trả.

          Ngài Tế Điên Hòa Thượng có răn đời:

                   “Khán tận Di Đà Kinh,

                     Niệm triệt Đại Bi Chú.

                     Chưởng qua hoàn đắc qua,

                     Chưởng đậu hoàn đắc đậu.

                     Kinh Chú Bổn Từ Bi,

                     Oan kết như hà cứu ?

                     Chiếu kiến Bổn lai Tâm,

                     Tố giả hoàn tha thọ”.

          Tạm dịch:

                   “Xem hết Kinh Chú Phật Đà,

                  Trồng dưa tỉa đậu quả mà kết y.

                   Kinh pháp vốn từ bi giải khổ,

                   Nghiệp đã gây Phật độ được nào ?

                     Bổn tâm phản chiếu tận vào,

                Người sai người chịu ta lầm ta mang”.

          Đức Thầy hiện nay cũng bảo:“Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy”. hay là:

                   “Luật nhân quả thật là cao viễn,

                     Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          CHẦY: Cũng gọi là trì, có nghĩa chậm hay muộn.

          MỘT GIÂY: Một phần 60 của một phút, nghĩa rộng là khoảng thời gian rất ngắn.

          QUẢ BÁO MỘT GIÂY NHÃN TIỀN: Sự quả báo rất mau lẹ (hiện báo), gieo nhân và hưởng quả chỉ trong một kiếp nầy. Dưới đây là mẩu chuyện để chứng minh cho vấn đề.

          Vào khoảng mùa Xuân năm Mậu Ngọ (1978) tại chợ Núi Sập xã Thoại Sơn (Huệ Đức) có xảy ra câu chuyện như sau. Gia đình anh Thành là chủ sở hầm đá tại đây. Anh bị đi học tập, ở nhà còn cha mẹ, một vợ và 3 đứa con nhỏ. (Dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, người ở tù gọi là “học tập”). Cuộc sống đang bình thường, bỗng một hôm con mèo nuôi trong nhà, vào cái thùng đựng dép của chị Thành đẻ 3 con mèo con. Chị Thành quá ghê tởm và giận dữ vội bưng thùng mèo cả mẹ lẫn con, trút xuống sông chết hết.

          Hôm sau chị nằm mộng thấy một bà già đến xưng là con mèo mẹ, đòi chị Thành phải đền 3 mèo con cho nó, nếu không thì phải giết 3 đứa con để đền mạng.

          Qua đêm thứ nhì chị Thành cũng thấy y như vậy, chị hết sức buồn bực lo sợ. Mấy hôm sau chị ra chợ mua

bánh và thuốc ngủ về cho 3 đứa con ăn uống. Khi 3 đứa nhỏ ngủ lịm, chị đem vào phòng đóng cửa lại, dùng dao đâm vào cổ họng 3 đứa nhỏ chết hết. Đoạn rồi chị tự cắt cổ và mạch máu nơi hai tay, chẳng biết bị đau hay đuối sức quá mà chị bị ngã xỉu nằm bất tỉnh.

          Sáng ra, cha chồng của chị thường bữa đều đến dắt 3 đứa cháu nội đi chợ…nhưng khi tới nơi thì cửa phòng vẫn còn đóng, thấy có một bà già ngồi tại cửa hông. Ông

 

rất ngạc nhiên bèn tông cửa vào thấy cảnh trạng như vậy. Ông liền chạy xuống lầu la lên, mọi người chung quanh đến tiếp cứu thì bà già biến đâu mất; 3 đứa nhỏ đã chết, chị Thành còn thoi thóp nên được chở đến bệnh viện cứu cấp…Khi chị Thành bình tĩnh lại mới thuật rõ câu chuyện xảy ra như đã kể trên.

          Anh Thành ở nơi lao ngục nghe tin ấy liền phát bịnh điên. Nhà nước trả tự do cho anh. Còn chị Thành khi hết bịnh bị tống giam vì tội giết 3 đứa con.

          Nghe chuyện nầy có người bình luận, con mèo đó là Linh Miêu, nhưng nhiều người khác thì nhận đây là cuộc trả báo nhãn tiền.(Tường thuật theo lời cô Hiền, người bị giam chung với chị Thành).

                  

CHÁNH VĂN

                   867.“Dương-trần phải rán làm hiền,

         Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân.

                   Người hung phải sửa cái thân,

         870. Từ đây có kẻ Du-Thần xét soi.

                   Chuyện người chớ móc chớ moi,

         Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình.

                   Ai thương ai ghét mặc tình,

         874. Phận mình cứ giữ tâm mình cho ngay.

                   Điên đây vưng lịnh Phương Tây,      

         Hầu hạ bên Thầy đặng cứu bá-gia.

                   Thấy đời lòng dạ tây-tà,

         878. Cứ theo chế nhạo cười mà người Điên”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 867 tới câu 878)

         

 

          -Đức Giáo Chủ kêu gọi chúng dân rán làm lành lánh dữ, đừng vì tiền bạc để mất nghĩa nhân; bởi Nhân nghĩa là then chốt của Đạo làm người, nếu để mất đi thì làm người chưa hẳn được mong gì đạt đến quả vị Phật Tiên. Còn những kẻ hung dữ thì Ngài khuyên từ đây nên cãi hối tu thân, bởi mọi hành vi thiện ác, đều được Thần Thánh xét đoán phân minh.

          “Nhơn gian tư ngữ thiên văn như lôi, ám thất khuy tâm Thần mục như điển”.(Lời nói riêng của nhơn gian Trời nghe như sấm nổ, lòng tính quấy trong nhà kín mắt Thần xem như điện chớp).

          -Đã tu hành thì không nên ngồi lê đôi mách, xoi xỉa chuyện sai trái của người khác, mà nên noi theo những gương tốt lành từ xưa để lại, hầu lo tu thân xử kỷ đúng theo qui tắc của Đạo; miễn sao thân tâm mình được

ngay thẳng tốt lành. Còn những tiếng thị phi thương ghét của người đời, chẳng nên bận tâm vô ích.

          -Phần Đức Thầy vì có sắc lịnh của Đức A Di Đà và Đức Phật Tổ lúc nào Ngài cũng theo sát bên Đức Phật Thầy để cứu độ vạn dân. Thế mà có số người không nhận được, mãi lo khinh khi cười nhạo.

 

CHÚ THÍCH

          NHÂN NGHĨA: Hai điều trong Ngũ thường. Nghĩa là làm các việc phải, có ích lợi cho mọi người và đúng theo con đường Đạo lý. Nhân là lòng hiếu Đạo hay thương người mến vật.

          Ngài Mạnh Tử có nói:“Nhân nhơn tâm giả, Nghĩa nhơn lộ giả, xả kỳ lộ như phất do, phóng kỳ tâm nhi bất tư cầu, ai tai !”(Nhân là lương tâm của người; Nghĩa là

 

con đường bằng phẳng và rộng lớn của con người. Thế mà người đời vì lòng tư lợi nỡ rời xa đường Nghĩa. Vì lòng tư dục đành bỏ mất lương tâm, thật đáng thương thay!).

          Đức Giáo Chủ cũng từng thống trách hạng người bỏ Nghĩa bỏ Nhân:

                   “Giàu sang lắm kẻ vô nghì,

       Ỷ mình trên bực kể gì nghĩa nhân”.(Không buồn ngủ)

            Cho nên Ngài từng kêu gọi:

                   “Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,

            Muốn về cõi Phật lập thân cỏi trần”.(Thu đã cuối)         

          DU THẦN: (Xem chú thích câu 675, Q.1)

          CHỚ MÓC CHỚ MOI: Không nên thổi lông tìm vít, xoi xỉa tìm tòi chuyện quấy của người khác.

          Cổ nhân từng bảo:

                   “Các nhơn tự tảo môn tiền thuyết,

                     Bất quản tha nhơn ốc thượng sương”.

          (Mỗi người tự quét tuyết ngoài thềm, Chớ bận nhà người sương phủ nóc).

          Ý cũng đồng dạy: Nên thấy lỗi của mình để cãi sửa, chớ nên moi móc chuyện sái quấy của thiên hạ.

          TREO GƯƠNG THIỆN: Ghi nhớ những gương hạnh tốt lành để học đòi theo. Đức Thầy đã nhắc nhở tín đồ noi theo những gương thiện, xin đơn cử một số: Xả thân bố thí như Cấp Cô Độc; hiếu thảo như Muc Liên, Mạnh Tông; hiền đức và thương dân như Nghiêu, Thuấn; trung hiếu vẹn toàn như Nguyễn Trung Trực, Nhạc Phi; hy sinh tầm Đạo giải thoát như Thái tử Sĩ Đạt Ta…

          Và Ngài cũng hằng dạy:

                   “Đấng nam nhi học lấy điều khôn,

         

                      Lòng trung hiếu gìn theo đạo lý.

                     Hàng phụ nữ gương xưa nối chí,

                     Những mẹ hiền dâu thảo roi truyền”.

                                                (Khuyến Thiện, Q.5)

          BÁ GIA: Trăm nhà, ý chỉ chung cho tất cả mọi người.

          TÂY TÀ: (Xem chú thích câu 139. Q.1)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn