1.- KHUYÊN NGƯỜI GIÀU LÒNG PHƯỚC THIỆN

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43279)
1.- KHUYÊN NGƯỜI GIÀU LÒNG PHƯỚC THIỆN

XUẤT XỨ :

          Mùa nước nổi trong năm Kỷ Mão (1939) khắp vùng châu thổ sông Cửu Long (miền tây Nam phần Việt Nam) bị nước ngập lụt lúa phải chết, dân chúng bị đói khổ kéo dài mấy tháng. Sang qua năm Canh Thìn (1940), dân chúng phải chạy vay hỏi tiền nông, lúa giống để chuẩn bị xuống ruộng làm mùa khác. Lòng nao nao chẳng biết năm tới ruộng ra sao ?

          Hôm ấy vào ngày 25 tháng 2 năm Canh Thìn (1940) Đức Giáo Chủ hạ bút sáng tác bài Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện để kích thích lòng bác ái của những bà giàu có ở xa vừa mới đến viếng Ngài.

VĂN THỂ :

          Đức Giáo Chủ viết bài giảng nầy bằng thể văn Lục bát biến thể, khởi đầu là đoạn thơ Lục bát, sau đó là 2 bài thi Bát cú, dài 108 câu. Khởi đầu bằng câu:

“Mắt nhìn Kỷ Mão vừa qua,

Gẫm trong thiên hạ nhiều nhà thiếu cơm”.

          Và chấm dứt bởi các câu:

“Áo não thương đời đa đói khổ,

U buồn trăm họ vẽ vài câu”.

 

NỘI DUNG :

          Đức Thầy diễn tả cảnh nghèo của dân chúng trong năm qua, đoạn Ngài khuyên bá tánh mở lòng bác ái giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau. Nhứt là thi hành pháp Bố Thí để vượt qua bờ sanh tử và tiến lên đường giải thoát.

 

CHỦ ĐÍCH :

          Ngài chủ trương dạy môn đồ thi hành pháp Vô trụ tướng, xả thân tác phước. Vậy ai muốn thoát ly cảnh Diêm Phù Đề (Ta Bà thống khổ) tất phải xả thân tu hành. Cũng như loài Rắn tu lâu năm, giờ muốn được hóa Cù thì phải buông xả hạt ngọc quí bên trong của mình:

“Muốn cho rắn đặng hóa cù,

Xả thân làm phước Diêm phù vượt qua”.

 

CHÁNH VĂN

1.- “Mắt nhìn Kỷ Mão vừa qua,

Gẫm trong thiên hạ nhiều nhà thiếu cơm.

Ruộng đồng chẳng có rạ rơm,

4.- Trâu bò ngóng cổ nhà nông héo lòng”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 1 tới câu 4)

          Năm Kỷ Mão 1939, mùa nước nổi suốt ba tháng (7, 8 và 9), ruộng lúa bị ngập lụt, dân chúng ở miền Tây, Nam phần Việt Nam phải sống cảnh đói cơm thiếu mặc. Cho đến trâu bò cũng không đủ rơm cỏ để ăn.

 

CHÚ THÍCH

          KỶ MÃO: Là năm 1939, dân ta bị thất mùa đói khổ. Chính năm ấy, Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền Đạo.

          TRÂU BÒ NGÓNG CỔ: Vì bị nước ngập lụt, lúa cỏ chết hết, khiến người không đủ cơm gạo ăn, trâu bò thiếu rơm cỏ để dùng, nên trông chừng ông chủ đem cỏ đến.

CHÁNH VĂN

5.- “Canh Thìn bước tới thiệt rồng,

Trông cho mùa khác ruộng đồng ra sao ?

Nhà nghèo dạ tợ như bào,

8.- Vợ đau con yếu phương nào cho an”.

 

LƯỢC GIẢI

(từ câu 5 tới câu 8)

          Sắp tới đây là năm con rồng, ai cũng nơm nớp lo âu, chẳng biết sang năm tới, ruộng lúa còn ngập lụt nữa chăng ?

          Hồi tưởng năm qua lòng dạ xót xa như bào như cắt, nào cảnh đói cơm thiếu thuốc, nào lo vay tiền hỏi giống để canh tác mùa tới.

 

CHÚ THÍCH

          CANH THÌN: Năm thứ tư trong 12 con giáp, tức năm 1940.

          NHƯ BÀO: Trong lòng rất đau xót, như cào, như xé rất khó chịu vì quá lo âu.

          PHƯƠNG NÀO: Phương pháp nào. Ý nói giữa cảnh nghèo túng nầy chẳng biết phải dùng phương cách nào xây trở cho qua.

CHÁNH VĂN

     9.-Cả kêu cùng khắp xóm làng,

Mấy ông điền chủ cứu nàn mới qua.

     Làng gần chí những tỉnh xa,

12.-Lúc xưa thì cũng ruột-rà với nhau.

     Ngày nay tốt phước sang giàu,

Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.

     Cậu cô chú bác cùng dì,

16.-Khắp nơi thầy chú một khi hảo lòng.

     Việc nhà quí bạn đã xong,

18.-Hiệp nhau làm phước rõ lòng hiền nhơn.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 9 tới câu 18)

          Đức Thầy kêu gọi khắp mọi người trong làng xóm tỉnh tâm thương xót dân nghèo. Nhứt là các ông Điền chủ giàu có hãy nhớ lại đồng bào mình trước kia từng ruột thịt với mhau, từng cùng cam cộng khổ trong một bào thai mà ra.

          Giờ đây mình may mắn được giàu sang dư ăn dư để, nay cũng mở lòng thương xót giúp đỡ dân nghèo.

          Ngài cũng động viên hết các giới đồng bào nhiều tiền của hãy mở lòng thương cảm mà chia cơm xẻ áo với bà con nghèo ở chung quanh ta.

 

CHÚ THÍCH

          ĐIỀN CHỦ: Những người giàu sang mua rất nhiều ruộng rồi cho tá điền mướn lại mà làm.

          CỨU NÀN: Giúp nhau qua tai nạn.

          RUỘT RÀ: Bà con anh em ruột từ một cha mẹ sinh ra. Anh chị và anh em ruột thịt với nhau. Đây ý chỉ dân tộc Việt Nam ta đã từ một nòi giống Vua Lạc Long và Bà Âu Cơ sanh ra: “Hồng Lạc giống xưa cũng tuyệt vời”. Hoặc là:

                    “Giống Hồng Lạc kim chi ngọc diệp,

              Nay đổi dời nhiều sự thấp hèn”.(Diệu Pháp QM)

          TỐT PHƯỚC SANG GIÀU: Căn cứ luật nhân quả: Người đời trước có tu phước thì giờ đây được giàu sang phú quí.

          GIÚP HÀO: Giúp cho một cắc. Mười đồng xu kể là một cắc, tiền xài trong khoảng thế kỷ 20. Người Bắc kêu là một hào, người miền Nam kêu là một cắc.

          CẬU, CÔ, CHÚ, BÁC, DÌ: Các chữ xưng hô trong dòng họ, anh hoặc em trai của Cha (Ba) gọi là Bác hay Chú, em hay chị gái của Cha gọi là Cô. Chị em gái của mẹ gọi là Dì, anh hay em trai của mẹ gọi là Cậu.

          THẦY CHÚ: Tiếng người dân Việt gọi những người làm việc cho Pháp thời đó, như Thầy Cai, Thầy Thông, Thầy Ký, Thầy Giáo…Chú: là chú Đội, chú Cai, chú Lính…Giảng xưa của Đức Phật Thầy có câu:

“Thảm thương mấy chú Đội Cai,

Canh giờ Thầy muốn ra ngoài như chơi”.

          HẢO LÒNG: Người tốt bụng, hay thương yêu giúp đỡ mọi người.

          LÀM PHƯỚC: Làm những việc có phước lợi cho đời, như đem vật sở hữu của mình giúp cho xã hội, như bắc cầu, bồi lộ, tu sửa chùa miếu, mở những Trường học và các nhà thuốc Nam từ thiện, Bệnh viên miễn phí, nhà bảo sanh v.v..

          Theo Phật học thì gọi tu phước, là một phần nghĩa của pháp Bố Thí (tài thí).

          HIỀN NHƠN: Người hiền lành.

 

CHÁNH VĂN

     19.-Lão đây thân khó chẳng sờn,

Tỏ lời khuyến-khích tợ đờn Bá-Nha.

     Ông nào lòng dạ hải-hà,

22.-Động tình bác-ái ra mà làm đi.

     Giúp người đói khó nhu-mì,

Dạy nó tâm trì niệm Phật làm ngay.

     Bà nào goá bụa hữu tài,

26.-Tiền nhiều đất rộng cò bay mút đồng.

     Cơn nầy bố thí cho xong,

28.-Để khi nhắm mắt bên chồng giành chia.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 19 tới câu 28)

          Trên đưòng khai hóa nhân sanh gặp rất nhiều sự khó khăn, nhưng Đức Thầy chẳng sờn lòng nao núng. Lời khuyên nhủ của Ngài như tiếng đờn của Bá Nha. Vậy ai là bạn tri âm với Ngài và có lòng thương xót bá gia hãy nên xuất tiền gạo ra giúp đỡ đồng bào lúc nghèo đói. Vừa giúp đỡ người qua cơn túng ngặt, vừa khuyên nhắc họ biết giác ngộ tu hành, trau dồi tâm đức, niệm Phật làm lành đúng theo con đường ngay chánh.

          Nhứt là những Bà góa bụa, nhưng lại được giàu sang, tiền của dư ăn dư để cũng nhân cơ hội nầy mang ra giúp đỡ xóm làng ắt được nhiều người kính yêu và còn gặt được vô vàn công phước sau nầy. Nếu không, đợi số vô thường đến bất ngờ chẳng những không được công ích gì cho đời mà còn bị con cháu sau nầy giành giựt xâu xé, tiếng đời mỉa mai chê trách.

 

CHÚ THÍCH

          ĐỜN BÁ NHA: (Xem CT ở Tập 1)

          HẢI HÀ: Cũng viết là hà hải: Rộng lớn. Nghĩa bóng chỉ có lòng rộng lớn như sông biển.

          BÁC ÁI: Lòng thương yêu cứu giúp chúng sanh bao la vô bờ bến. Đức Thầy có câu:

                    “Thấy nhơn sanh tuôn giọt máu đào,

                    Lòng bác ái động tình rơi nước mắt”.

          `                                       (Trao lời cùng Ông Táo)

          NHU MÌ: Mềm mỏng, chín chắn, đằm thắm. Chỉ người có đủ nết hạnh, đối xử trong gia đình và ngoài xã hội, ai cũng mến yêu kính vì:

Tu là tâm trí nhu mì,

                 Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong”.(SG, Q.3)

          TÂM TRÍ: Lòng gìn giữ thân tâm đúng theo Đạo nghĩa.

          NIỆM PHẬT LÀM NGAY: Vừa niệm tưởng Phật Trời, vừa thực hành điều ngay chánh thiện luơng.

          GÓA BỤA: Những người đàn bà giàu có, nhưng không có chồng con, hoặc chồng chết sớm hay đã ly hôn, ly dị.

          HỮU TÀI: Có tiền của nhiều (giàu có).

          CÒ BAY MÚT ĐỒNG: Những bà Đại điền chủ, giàu to, của tiền đất cát thật nhiều, đất ruộng cò bay thẳng kiếng.

          BỐ THÍ: (Xem Sấm Thi Tự Điển–STTĐ- trang 44, T.1).

CHÁNH VĂN

     29.-Ông bang các chợ, xẩm hia,

Tiệm hàng thạnh-mậu nhờ dân ruộng vườn.

     Ngày nay thất-bát khá thương,

32.-Tiền-nong chẳng có cơm lường cho qua.

     Mắt nhìn lòng ứa ruột-rà,

Cả kêu bổn-đạo ai là thiệt tu.

     Muốn cho rắn đặng hóa cù,

36.-Xả thân làm phước Diêm-phù vượt qua.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 29 tới câu 36)

          Đức Thầy kêu gọi số người Tàu (Trung Quốc) đang cư trú và buôn bán ở xứ ta, hiện giờ họ đã được giàu sang phát đạt là cũng nhờ dân ở vườn ruộng đến mua bán.

          Ngày nay gặp cảnh thất mùa đói khó hãy nên thương cảm đến họ để tùy phương giúp đỡ. Riêng những người chơn tu thì Ngài kêu gọi họ, muốn con đường hành đạo mau kết quả thì phải xả thân đem tiền của ra bố thí. Cũng như loài Rắn tu lâu năm, giờ muốn được hóa Cù, tự do bay khắp trời đất. Nhứt là vượt qua cõi Diêm Phù Đề thống khổ nầy.

CHÚ THÍCH

          ÔNG BANG: Một chức vụ do người Tàu đặt ra. Từ khi người Trung Quốc đến mua bán và cư trú nước ta, cứ một Thị Xã hay một khu vực bằng một Huyện thì họ đề cử một ông Bang để làm chủ và giao tiếp với nhà cầm quyền nước ta, thường thường là họ rất giàu có.

          XẨM HIA: Xẩm là người đàn bà Trung Quốc, dân ta kêu gọi họ là Xẩm, dùng như chữ Chị hay Cô dì. Hia là người đàn ông Tàu, người ta gọi như là Anh. Hia là anh, Tùa Hia là anh lớn.

          THẠNH MẬU: Hưng thịnh, đẹp đẽ sáng sủa.

          TIỀN NONG: Tiền bạc và lúa gạo. Đức Thầy có câu: “Kẻ thiếu tiền nong nợ mắc dồn”.

          RẮN ĐẶNG HÓA CÙ: Thành ngữ Rắn hóa Cù. Có nghĩa loại rắn như loại sấu, hễ con nào biết trầm sâu dưới sông biển lo tu hành lâu năm sẽ có hột ngọc quí trong mình. Khi đúng ngày giờ nó phải biết nhả ra mới được hóa rồng (cù) được.

          Đây ngụ ý dạy người tu biết đem tài lực trí tuệ mình bố thí, giúp đời mới thành đạo giải thoát.

          Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có chép câu chuyện:

          Một anh nhà nghèo nọ, nghèo đến đỗi làm việc gì cũng bị hư thất lỗ lã, nhưng anh lại có đức tánh chơn chất hiền từ, không dời đổi. Vì quá buồn tủi cho số phận, anh quyết định tìm tới Tây phương hỏi Phật.

          Trên đường đi diệu vợi trải qua nhiều gian nan trắc trở, anh vẫn bền lòng đi mãi… Hôm nọ anh đang đi, bỗng gặp con sông lớn cản đường, anh không biết cách gì để qua, thình lình có một con sấu nổi lên, kêu anh nói:

          -Tôi xin tình nguyện đưa dùm anh sang sông !

          Nguyên con sấu nầy đã tu lâu năm nên biết nói tiếng người. Lúc đầu anh nhà nghèo còn ngờ vực, nhưng sau thấy sấu có vẻ chân tình, liền bước xuống ngồi trên lưng sấu. Sấu vừa lội vừa nói: Khi anh đến Tây phương gặp Phật anh hỏi dùm tôi một việc:

          -Sao tôi tu hành lâu quá, gần hai ngàn năm rồi vẫn chưa thành chánh quả. Vậy nhờ Phật cho biết tôi tu tới chừng nào mới được hóa Rồng !

          Anh nhà nghèo hứa lời, phút chốc sấu lội tới bờ, anh giã từ sấu và bước lên nhắm hướng Tây Phương đi riết.

          Phật cảm thông tấm chân tình của anh nhà nghèo, nên xuất hiện cho anh được gặp. Anh quì lạy Phật và bạch rõ các duyên do mà anh muốn gặp Phật !

          Nghe xong, Phật phán dạy:

          -“Nhà ngươi hãy trở về bảo con sấu ấy nên nhả hột ngọc quí trong bụng ra sẽ được hóa kiếp, bằng tiếc ngọc ngậm mãi ắt không thể hóa rồng được.

          Còn phần nhà ngươi thì từ đây đã qua cơn bỉ cực, sắp tới hồi thới lai…”

          Anh nhà nghèo vâng lời Phật, lạy tạ trở về theo đường cũ. Khi tới mé sông cũng được sấu đưa qua bờ. Anh thuật lại lời của Phật dạy, sấu liền nhả ngọc tặng cho anh tức thì nó đặng hóa rồng bay bổng lên hư không. Anh nhà nghèo vui mừng cất ngọc vào túi áo ra đi. Trên đường về anh được kết duyên với nàng Hà Như Ý, cùng hưởng sự vinh sang phú quí trọn đời.

          Dùng thành ngữ “rắn đặng hóa cù” Đức Thầy có ý chỉ dạy: Nếu ai quyết tâm tu thân hành thiện, trọn đời không thay lòng nản chí và mở tâm xả thí giúp đời từ tinh thần lẫn vật chất cho nhơn loại được an vui hạnh phúc, tất nhiên đến phút chung        qui mọi việc đều được thành quả như ý. Bởi:

                   “Hữu thành Phật độ ắt qua truông”.

          Và:     “Hiệp mặt phân trần hết ám u”.

          Chính lúc bấy giờ hành giả sẽ chuyển hoá được từ chúng sanh trở thành Phật Thánh.

          DIÊM PHÙ VƯỢT QUA: Cõi Diêm Phù tức cõi Ta Bà chúng ta đang ở đầy lao khổ vất vả. Nếu ai tu vượt qua khỏi tất được hạnh phúc vui tươi.

 

CHÁNH VĂN

     37.-Giữ bo đến lúc phong ba,

Gặp cơn bát-loạn khó mà yên thân.

     Phong-trần ai cũng phong-trần,

40.-Được sang nhờ của người bần góp thâu.

     Thấy đời lao lý mà rầu,

Giúp cho chúng nó ngõ hầu làm ơn.

     Xin quên mấy lúc giận hờn,

44.-Ra tay tế-độ nghe đờn Tây-qui.

     Xây vần trời đất tiết thì,

Hết cơn bĩ cực tới kỳ thới lai.

     Cổ kim hiếm lúc nạn-tai,

48.-Hưng vong suy thạnh bằng nay lẽ thường.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 37 tới câu 48)

          Đức Thầy kêu gọi những gia đình giàu sang nên thương giúp mọi người, chẳng nên bo bo giữ của, để rủi khi gặp giặc loạn chiến tranh xảy đến khó mà yên thân. Tuy nhân loại sống chung trong cõi trần, nhưng có kẻ thì giàu sang, người thì ngheò khổ chẳng đồng nhau. Phần đông số người giàu là nhờ số người nghèo làm thuê giặt mướn, đỡ đần mọi công việc. Nên Ngài kêu gọi những người giàu sang nên mở lòng thương xót đồng bào ta mà ra tay giúp đỡ và qui Phật tu hành.

 

CHÚ THÍCH

          PHONG BA: Phong là gió, ba là sóng. Ý chỉ cho sự chiến tranh.

          BÁT LOẠN: Khắp bốn phương tám hướng giặc loạn cướp giựt nổi lên lung tung, không chỗ nào yên được.

          TẾ ĐỘ: Cứu giúp kẻ nguy nàn túng thiếu. Đức Thầy từng khuyên:

                   “Tế độ dân nghèo trong lúc túng,

                     Giúp dùm kẻ rối buổi vừa qua”.

          ĐỜN TÂY QUI: Bản đờn chỉ đường về hướng Tây, tức cõi Phật. Ý chỉ lời Sấm Giảng của Đức Thầy ví như bản đờn giúp cho người nghe biết giác tỉnh qui đầu Phật Pháp tu hành để sau nầy được về cõi Phật Tây phương an nhàn.

          TIẾT THÌ: Cũng gọi là thời tiết. Đây chỉ luật xây vần của trời đất luôn luôn vận chuyển không bao giờ dừng lại một chỗ.

          HẾT CƠN BỈ CỰC TỚI HỒI THỚI LAI: Theo định luật vận chuyển trong vũ trụ, hễ vận xấu đến mức cùng cực thì tới thời thái bình thạnh trị.

          HƯNG VONG SUY THẠNH: Hưng là hồi phục hay phục hưng. Vong là mất. Suy là yếu kém. Thạnh là dồi dào thạnh vượng.

CHÁNH VĂN

     49.-Lớn ròng nạn ách phải vương,

Muốn qua truông khổ tìm đường Bồng-Lai.

     Ngày kia được trở gót hài,

52.-Về nơi Tiên cảnh ngàn ngày đẹp tươi.

     Giàu sang nghèo khó cũng người,

Nên ta thương hết dầu cười hay khen.

     Lòng nhơn xin khá tập rèn,

56.-Thạch-Sùng Vương-Khải sách đèn ai ưa.

     Thánh hiền roi tích đời xưa,

58.-Nhờ tâm từ-thiện người ưa kính thờ.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 49 tới câu 58)

          Nước ở dưới sông rạch còn có khi lớn khi ròng, con người sống trong cõi trần gian cũng có lúc an, lúc nguy. Vậy ai muốn vượt qua rừng mê khổ tất phải tìm ra con đường hướng về cõi Tiên Phật mà lo tu hành, tất có một ngày kia chúng ta sẽ được về nơi ấy để cùng chung hưởng cảnh vui tươi trường miên vĩnh cửu.

          Sống trong trần, chúng sanh có đủ hạng người: Giàu nghèo vui khổ, tật nguyền hay ngu si. Song lòng Đức Thầy vẫn thương yêu bình đẳng như nhau để tìm phương cứu độ, dầu ai có chê khen Ngài cũng không màng kể. Ngài hằng khuyên mọi người nên: rèn tập lòng bác ái, thương người mến vật như nhau để tùy phương giúp đỡ.

          Kìa gương của Thạch Sùng Vương Khải xưa kia tuy giàu sang vinh hiển, nhưng chẳng có tình thương xót mọi người, mọi giới nên về sau không những trong giới người có học thức mà đến những kẻ ngu dốt, khi nghe nhắc đến tên tuổi của họ ai ai cũng đều chê trách.

          Còn người nào biết noi theo gương hạnh của các bậc Hiền Thánh, lo giúp đỡ nhân loại chúng sanh, tất được mọi người mến yêu thờ kính.

 

CHÚ THÍCH

          KHỔ: Rừng mê khổ. Ý nói mọi chúng sanh sống trong cõi Ta Bà gánh chịu muôn ngàn sự khổ não, rộng lớn như rừng như bể khó mà làm cho vơi được.

          BỒNG LAI: Tên một hòn đảo ở biển Bột Hải. Các từ điển chép: Trong biển Bột Hải có ba hòn đảo: 1.-Bồng Lai, 2.-Phương Trượng. 3.-Doanh Châu.

          Nước ở biển nầy rất yếu nhẹ (nhược thủy) cho đến lông chim rớt xuống cũng chìm. Trong văn chương thường dùng “Non Bồng nước Nhược” để chỉ cảnh Tiên (cảnh tiêu diêu thanh thoát) đối với cảnh trần gian đầy tục lụy:       “Bầu trời man mát xa trông,

              Biết đâu nước nhược, non Bồng là đâu”. (CT)

          Đức Thầy từng nói:

                   “Cảnh dương trần khó sánh Bồng Lai,

                     Về Tiên cảnh say mùi rượu Thánh”.

                                                (Diệu Pháp QM)

          GIÀU SANG NGHÈO KHÓ CŨNG NGƯỜI: Câu nầy Đức Thầy nói lên cái lý bình đẳng trong vũ trụ vạn hữu. Từ một pháp cho đến muôn pháp, từ một chúng sanh cho đến vạn loại chúng sanh tuy có sang hèn, già trẻ trí ngu cũng đều có một Phật tánh như nhau (Phật với chúng sanh cũng đồng nhất thể). Cho nên lòng từ bi của Đức Thầy và chư Phật thương xót vạn loại chúng sanh đều bình đẳng như nhau.

          LÒNG NHƠN: Tâm biết thương người mến vật như thương mình, không phân biệt giới hạn, lúc nào cũng tận tâm cứu hộ. Chính lòng nhân là một trong ngũ thường, là nghĩa của chữ Từ bi. Người hành đạo muốn thành quả Bồ Đề, trước phải rèn tập lòng nhơn. Nhờ hột giống lòng nhơn đó, mới trổ lên quả Bồ Đề (Chánh đẳng Chánh giác).

          THẠCH SÙNG VƯƠNG KHẢI: Hai người đồng sanh đời nhà Tấn thời Đông Châu. Sùng trước làm quan Thứ sử, tánh tham lam xảo trá, thâu góp của dân, hối lộ với thượng cấp, sau thăng chức Thái Bộ, giàu to.

          Còn Vương Khải là em của Hoàng hậu, cũng tay cự phú. Cả hai đều lấy sự xa xí khoe của tranh hơn thua. Không làm được việc gì ích nước lợi dân, ai khuyên can cũng chẳng nghe. Cuối cùng hai người chết, chẳng mang theo được vật gì lại còn để tiếng đời sau biếm nhẻ, sách sử chê bai. Đức Thầy cảnh tỉnh: “Gương của Thạch Sùng Vương Khải há không để lại cho ta một bài học đích đáng lắm ru ?”.

          SÁCH ĐÈN: Kinh sách chuyện thư và văn chương chữ nghĩa.

          TÂM TỪ THIỆN: Lòng hiền lành hay thương xót các giới chúng sanh và tùy phương tiện đem lại phúc lợi cho muôn loài.

          KÍNH THỜ: Tôn kính thờ phượng.

 

CHÁNH VĂN

     59.-Chết rồi bỏ của bơ-vơ,

Chi bằng làm phải truyện thơ ghi đời.

     Xác phàm có mấy lăm hơi,

Hỏi vay có một mà lời đôi ba.

     Của dư cho mượn mới là,

64.-Hảo tâm bố-thí ngọc-tòa được lên.

     Chê nghèo, giàu nọ đâu bền,

66.-Chi bằng bố đức lập nền từ-bi.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 59 tới câu 66)

          Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ cho biết nếu kiếp sống của con người cứ bo bo giữ của, đến khi chết chẳng đem theo được vật gì, từ vợ đẹp con ngoan hay của tiền vật liệu cũng đều bỏ lại hết. Thế nên, hiện giờ ta nên mở lòng bố thí cho người nghèo khổ thì chẳng những được phúc lợi hiện tiền, mà tương lai còn đặng sách sử ghi biên muôn đời.

          Nên xét lại thân xác của mỗi chúng ta có đây là do tứ đại họp thành thì sớm muộn gì cũng trả về đất, nước, gió, lửa, huống chi là của cải gia tài. Vậy ta tham chấp làm chi mà cho vay vốn một lời tới ba, rồi sau nầy ta phải luân hồi để đền trả. Do đó Đức Thầy khuyên chúng ta nếu có tiền dư nên cho người nghèo mượn, hoặc giả cho không, tất sau nầy sẽ được an vui nơi chốn ngọc tòa của Phật Tiên cư ngụ.

          Đức Thầy còn dạy nếu chúng ta là kẻ giàu thì đừng ỷ tiền của nhiều mà chê bai kẻ nghèo, nên mở lòng nhơn ban bố đức lành cho vạn loại chúng sanh để xây nền từ bi hầu sau nầy trổ quả Bồ đề.

 

CHÚ THÍCH

          XÁC PHÀM: Xác thể của mỗi người ở thế gian, rốt cuộc ai cũng chết mất không ai biết trước được. Xác phàm đối với hồn thiêng hay hồn linh phần tinh thần còn hoài.

          CHO VAY: Lối cho vay tiền của người xưa, hễ cho vay một, tới mùa trả lại bằng hai hoặc ba, nếu sang năm không có tiền trả thì kê lên năm.

          CỦA DƯ: Những người giàu sang dư ăn dư của còn để dành. Người dư cho kẻ nghèo mượn, tới mùa trả y vốn, đó là phải lẽ, là bổn phận đạo đức của con người.

          HẢO TÂM: Lòng tốt.

          BỐ THÍ: Phạn ngữ: Đâna, phiên âm Đàn na, dịch là Bố thí, một trong Lục độ (Sáu pháp Ba la mật) mà chư Bồ tát thường hành. Bố là bủa ra, rải ra. Thí là cấp cho. Bố thí là đem cái sở hữu của mình giúp cho kẻ khác. Đức Thầy từng kêu gọi:

                   “Cấp Cô Độc là nhà bá hộ,

                   Còn đành lòng bố thí xả thân.

                    Chữ vinh hoa phú quí chẳng cần,

                   Miễn hiểu Đạo hơn là châu báu”.

          1/-Tài Thí: Đem những gì thuộc của mình, như: Tiền, vải, lúa gạo, thuốc men ban cấp cho kẻ nghèo đói, bệnh tật, hoặc góp công của vào việc từ thiện khác…Đức Thầy hằng dạy:

“Khá thương những kẻ bần cùng,

Tâm lành dư của hãy dùng vào đây”.

                              (Khuyên người giàu lòng phước thiện)

          2/-Pháp Thí: Dùng lời lẽ trí tuệ giảng dạy Đạo lý, hoặc ấn tống kinh giảng để người khác được xem nghe, tỉnh ngộ tu hành. Đức Thầy hằng dạy: “Đi các nơi giảng dạy đạo Phật”. Về Kinh Giảng, Ngài dạy rõ:

               Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành”.(Q.5)

          Và: “Ai lòng nhơn hoặc chép hay in,

               Mà truyền bá đặng nhiều phước đức”.(Q.2)

          3/-Vô Úy Thí: Những phương tiện giúp cho người khỏi cơn sợ hãi, bằng cách: Dùng lời lẽ an ủi hoặc đem tánh mạng đỡ gạt hay bảo vệ cho người được an ổn…

          Bố thí còn chia làm hai phần:

               a)-Sự tướng Bố thí: Cũng gọi là trụ tướng bố thí, tức là đem tài vật thí ra cho người mà lòng còn phân biệt người là kẻ thọ thí, ta là kẻ bố thí. Hoặc khởi tâm mong cầu tiếng khen và được phúc báo. Nhơn đó làm cho bản ngã càng tăng trưởng, sự tôn ti thêm nảy sanh, khiến cho sự bất bình đẳng một ngày một chất ngất, sẽ phải huởng cái quả sai biệt nhỏ nhen.

               b)-Lý tánh Bố thí: Cũng gọi là “Vô trụ tướng Bố thí”, tức lúc thi hành công việc Bố thí, xét vì lòng từ bi, vì bổn phận mà làm. Ngoài cảnh không chấp mắc, trong tâm chẳng nhiễm ô, không hề tham cầu phước báu, cũng không phân biệt nhơn ngã, tôn ti và chẳng trụ vào: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà bố thí. Kinh Kim Cang, Phật bảo: “Bố thí không trụ tướng thì được phước đức chẳng thể so sánh nghĩ lường được”.(Bất Trụ Tướng Bố thí, kỳ phước đức bất khả tư nghị). Đức Thầy nay cũng dạy:

Giúp đời đừng đợi trả ơn,

          Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng”.(Q.3)

          NGỌC TÒA: Chỗ an trụ bằng ngọc, dùng cho các bậc Tiên Phật ngự trên đó:

“Ngọc tòa Phật Tổ nấy ai Ta,

Xuống cứu thế gian nẻo vạy tà”.

          BỐ ĐỨC: Bủa đức. Người tu chẳng những bố thí tiền của mà thí cả tấm lòng đức hạnh. Đây là vô trụ tướng bố thí.

          NỀN TỪ BI: Lòng thương xót chúng sanh bền chắc cho đến kỳ cùng, cũng như cái nền móng được xây dựng bền chắc, không khi nào bị thối thất hay sạt lở để sau nầy trồng trên đó cây Bồ Đề (Chánh Giác):

 

CHÁNH VĂN

     67.-Con hiền khá sớm hồi-qui,

Nghe lời Thầy dạy kịp thì bớ dân.

     Dòm xem kẻ khó tảo-tần,

70.-Rộng tâm sang-sớt dắt lần với nhau.

     Nghèo thời cũng rán cháo rau,

Chớ đừng gian-xảo ngày sau thanh-nhàn.

     Bần cùng cũng sớm liệu-toan,

74.-Giữ tâm ngay thảo xóm làng mến yêu.

     Mộ khan thần tỉnh cần triêu,

76.-Khỏi cơn hoạn-nạn Lam-kiều được lên.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 67 tới câu 76)

          Đức Giáo Chủ kêu gọi những người có căn hiền lương hãy sớm trở về với gốc lành cội cũ, nương theo lời giáo huấn của Ngài lo tu hành để kịp với thời kỳ hội Phật Tiên khai mở. Khi thấy kẻ chung quanh nghèo đói, làm ăn vất vả, nên rộng tâm chan sớt lúa gạo của tiền cho họ đỡ cơn túng thiếu.

          Còn những hạng nghèo hèn cũng nên chịu đựng lăn lóc cháo rau cho qua bữa chớ không nên học thói gian xảo, tất sau nầy sẽ được hưởng cảnh nhàn an, dù nghèo đến cở nào ta cũng lo liệu làm ăn chơn chất: trung nghĩa với Quốc dân, thảo hiếu với Ông bà Cha mẹ.

          Đặng vậy, làng xóm chung quanh người người sẽ yêu quí kính nể. Bổn phận làm con ở trong gia đình phải biết hiếu kính Ông Bà Cha Mẹ, tối thăm sớm viếng. Chẳng những đặng vượt qua các tai nạn mà còn ngày kết cuộc được lên Tiên Đài.

 

CHÚ THÍCH

          HỒI QUI: Trở về nơi cũ.

          KỊP THÌ: Kịp với thời gian hoặc cơ hội đưa đến.

          TẢO TẦN: Rau tần và rau tảo (Thái tần Thái tảo). Tần là bèo, Tảo là rong, hai loại rau nầy thường mọc ở mé nước hay mé biển. Ý chỉ các gia đình nghèo khổ không đủ gạo tiền để dùng. Đức Thầy từng nói: “Ta thương xót lo tần lo tảo”. Hoặc là:

“Tảo tần lo liệu năm ba,

Biết sao hiệp mặt lòng già mới nguôi”.

                                (Từ giã bổn đạo khắp nơi)

          GIỮ TÂM NGAY THẢO: Trung thành ngay chánh đối với Tổ quốc, hiếu thảo với Ông bà Cha mẹ, do chữ Trung Quân Vương, Hiếu Phụ Mẫu. Đức Thầy luôn nhắc nhở:

“Hiếu trung lòng chớ vội quên,

                Sống lo trọn đạo thác lên Tiên đài”.(Kt, Q.5)

          MỘ KHAN THẦN TỈNH: Thành ngữ nầy chỉ cho người con có hiếu thảo. Thường sớm viếng tối thăm, đắp lạnh quạt nồng cho cha mẹ, do điển tích Hoàng Hương, một trong Nhị thập Tứ hiếu:

          Hoàng Hương người thời Đông Hán (Tr. Hoa), mẹ mất khi ông lên 9 tuổi, ông gào thét và kêu khóc thảm thiết. Nuôi cha rất mực cung kính, sớm khuya thăm viếng hầu hạ không hề xao lãng. Mùa Đông ông nằm ủ vào chăn (chiếu) của cha để truyền hơi nóng cho cha khỏi rét. Đến mùa Hè thì quạt mùng gối để cha được mát mẻ luôn, nhờ đó mà cha ông được ăn ngon ngủ yên, quanh năm vui vẻ.

          Quan Thái Thú sở tại biết được Hoàng Hương là người con chí hiếu liền làm sớ tâu với Vua Hán Đế ban cho Hoàng Hương tấm biển vàng biểu dương bậc biết Hiếu đễ. Người sau thường ca ngợi:

“Cho hay tuổi trẻ mà khôn,

Nghìn thu biết Đạo làm con mấy người”.

          Dùng thành ngữ “Mộ khan thần tỉnh” qua hai câu giảng nêu trên, Đức Thầy muốn khuyến tấn mỗi người: Bổn phận làm con cháu phải lo tròn câu hiếu Đạo hầu đền đáp công ơn sanh dưỡng của Tổ tiên cha mẹ thì sau nầy sẽ tiến lên cảnh Tiên Phật:

“Hiếu trung lòng chớ vội quên,

Sống cho trọn Đạo thác lên Tiên đài”.

          CẦN TRIÊU: Cần là siêng năng. Triêu là mai, buổi sáng ngày. Các từ nầy đi cặp với “Mộ Khan Thần Tỉnh”, là mỗi ngày người con có hiếu sáng sớm phải lo chăm sóc cha mẹ.

          LAM KIỀU: Cũng gọi là cầu Lam, tức cây cầu bắc qua sông Lam, thuộc huyện Lam Điền, Thiểm Tây (Tr.Hoa). Nơi đây, Bùi Hàng gặp được Vân Anh và sau thành Tiên, nên thành ngữ nầy ngụ ý cho đường về cảnh Tiên, phát xuất từ điển tích ấy.

          Đời Đường, nước Trung Hoa có anh Bùi Hàng, trên đường đáp thuyền đi Tương Hán, bất ngờ được cùng đi chung chuyến thuyền với nàng Vân Kiều, người đẹp vào hàng quốc sắc. Hàng nhờ người hầu gái của Vân Kiều đưa thư hộ, nên được tiếp chuyện với Vân Kiều và được nàng tặng bài thơ:

               “Nhất ẩm huỳnh tương bách cảm sanh,

                Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh.

                Lam kiều tiện thị Thần Tiên quật,

                Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh”.

               (Uống rượu huỳnh tương trăm cảm sinh,

                Huyền sương giã thuốc gặp Vân Anh.

                Lam kiều vốn thật nơi Tiên ở,

                Hà tất băng mình đến Ngọc Kinh).

          Sau, Bùi Hàng y lời dặn trong thơ đi đến Lam kiều, Hàng dừng chân nơi quán trọ bên đường của một bà lão để giải khát.

          Cô con gái của bà lão bưng nước ra. Hàng trông thấy xinh đẹp lạ thường liền hỏi tên họ. Rõ ràng là Vân Anh, em ruột của Vân Kiều. Hàng liền hỏi bà lão xin được cưới nàng làm vợ.

          Bà lão bảo Hàng hãy về tìm cho được cối chày bằng ngọc đem lại làm sính lễ, bà sẽ gả Vân Anh cho, khỏi cần vàng bạc chi hết. Nhờ lòng nhiệt thành, Hàng được Thần Tiên giúp cho cối chày và cưới được nàng Vân Anh.

          Lão bà chỉ cho Hàng về cách công phu tu tập và dạy Hàng dùng cối chày đó tán thuốc Tiên trong ba tháng. Khi làm thuốc xong, cả ba người cùng uống và được thành Tiên.

          Do điển tích trên đây mà các Kinh sách hay các nhà văn thường dủng từ ngữ Lam Kiều hay là Cầu Lam để chỉ con đường đưa đến cảnh Tiên.

          Cổ thi có câu:

“Trăm năm thề chẳng lòng phàm,

Sông Ngân đưa bạn, cầu Lam rước người”.

          Đức Thầy nay cũng than:

Lam Kiều hữu lộ vắng hoe,

             Ngục môn không cửa mà hè nhau đi”.(SG. Q.3)

 

CHÁNH VĂN

     77.-Ít ai giữ đặng chí bền,

Tu theo nước lớn, ròng bèn thả trôi.

     Tuy xa mà tới mấy hồi,

80.-Đất còn lở thét phải bồi tự-nhiên.

     Thảm thương cho kẻ tá-điền,

Gặp cơn lúa ngập của tiền ráo tay.

     No chiều rồi lại đói mai,

84.-Gia bần trí đoản đắng cay nhiều bề.

     Lo tròn cha mẹ nhi thê,

Nhằm năm lưng túc não-nề tâm trung.

     Khá thương những kẻ bần cùng,

88.-Tâm lành dư của hãy dùng vào đây.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 77 tới câu 88)

          Đoạn nầy Đức Thầy tiếc thương cho số người tu hành không bền chí, nay chăm mai lãng. Con đường tu hành tuy xa, nhưng nếu ai bền chí thì cũng gần một bên: “Phàm Thánh cách nhau một ngoái đầu”.(TS) Hoặc là: “Cách nhau vì bởi ái hà bể mê”.( Đức Phật Thầy Tây An) Định luật xây vần trong trời đất hễ hết lở phải tới bồi, đó là đương nhiên.

          Đức Thầy luôn nhắc nhở người giàu hãy thương xót kẻ nghèo khổ, lại gặp cơn lúa ngập, của tiền chẳng còn một mảy may, sống trong cảnh mai no chiều đói, nhà nghèo trí quẩn, bao nhiều điều đắng cay dồn tấp đến, thêm gặp cảnh vợ con đau yếu. Cho nên Ngài khuyên những người dư ăn dư để nên mở lòng thương xót dân nghèo, nay đã đúng thời kỳ nên ra tay giúp đỡ vào công việc hiện tại nầy.

CHÚ THÍCH

          GIA BẦN TRÍ ĐOẢN: Nhà nghèo thì trí cũng quẩn (ngắn).

          LƯNG TÚC: Thiếu tiền hụt gạo.

          NÃO NỀ TÂM TRUNG: Đau xót trong lòng.

 

CHÁNH VĂN (Thi)

89.-Sột-sột nhà sau mụ vét nồi,

Ông chồng quần áo rách lôi-thôi.

Bầy con ngơ-ngác đòi xơi bữa,

92.-Lũ  nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi.

Khua đũa mèo mun ngờ chủ thảo,

Muỗng rơi chó vện tưởng cho mồi.

Lầm-than đói khó vì tai-ách,

96.-Hỡi kẻ sang giàu cứu nạn trôi.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 89 tới câu 96)

          Cuối bài Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện, Đức Thầy viết 3 bài thi, 2 bài Bát cú và 1 bài Tứ cú. Bài thứ nhất Ngài viết thể Bát cú Đường luật. Nội dung Ngài diễn tả cảnh gia đình nghèo khổ, vì năm qua gặp cảnh ngập lụt thất mùa. Ông chồng thì áo quần rách rưới, bà vợ sửa soạn nấu cơm, tiếng vét nồi nghe sột sột, chứng tỏ mỗi bữa ăn đều thiếu gạo.

          Đàn con thì nheo nhóc kêu cơm, đứa lại lấn dành chỗ ngồi tốt. Cho đến các loài gia súc, mèo chó cũng ngóng chờ chủ nhà liệng cho vài miếng xương thừa.

          Tai ách nghèo túng nầy diễn lên cảnh lầm than cơ cực, đâu đâu cũng có. Cho nên Đức Giáo Chủ kêu gọi kẻ giàu sang nên ra tay tế độ nạn ngập lụt nầy.

 

CHÚ THÍCH

          SỘT SỘT: Tiếng người đàn bà trong gia đình đang cạo vét lớp cơm cháy còn dính dưới đáy nồi.

          XƠI BỮA: Dùng cơm (ăn cơm).

          LẦM THAN: Cơ cực vất vả. Nghĩa bóng là chỉ cho các thiên tai, địa ách hay chiến tranh đói khó, khiến dân chúng phải sống cảnh gian nan cực khổ. Cụ Đồ Chiểu có câu:

               “Thương dân phải chịu lầm than muôn phần”.

          Đức Thầy nay cũng đề cập:

                   “Lầm than khói lửa với binh đao,

                    Âu Á lung tung nhuộm máu đào”.

          TAI ÁCH: Tai nạn khốn khổ. Ý chỉ cuộc tai nạn khốn khổ dồn dập tới, hết nạn nầy tới nạn khác, không ngớt. “tai Trời ách nước”:

“Ách trời nạn nước thình lình,

Người hung cứ mãi chống kình với ta”.

 

CHÁNH VĂN

97.-Nạn trôi lúa ngập đói còn xa,

Điền-chủ mau mau nghĩ tận mà !

Tế-độ dân nghèo trong lúc túng,

100.-Giúp dùm kẻ rối buổi vừa qua.

Có ăn dư huệ nhờ thân nó,

Nghèo khổ bần-phu khổ dữ a !

Nếu đã xả thân tầm đạo-đức,

104.-Mở lòng bố thí ngộ thần ca.   

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 97 tới câu 104)

          Bài thi Bát cú thứ nhì phân làm bốn đoạn. Qua hai câu mở đề (1 và 2) Đức Giáo Chủ cho biết nạn lúa bị ngập lụt và dân tình đói khổ nầy còn kéo dài thời gian tới nhiều năm nữa.

          Đoạn 2 cặp trạng (câu 3 và 4) Ngài kêu gọi các ông Điền chủ phải xét kỹ để tận tâm giúp đỡ những người nghèo đói cho qua truông khổ.

          Đoạn 3 cặp luận (5 và 6) Ngài giải thích rõ chúng ta làm ra của cải đây là cũng nhờ kẻ nghèo làm thuê làm mướn giúp đỡ công cán mới được tiền của dư dã như vậy.

          Đến đoạn 4  hai câu kết (7 và 8) Đức Thầy khuyên mọi người: Nếu ta đã giác ngộ xả thân tầm đạo tu hành thì hãy mở lòng bố thí, tất sau nầy sẽ thâm ngộ được lẽ cơ huyền trong trời đất.

CHÚ THÍCH

          ĐÓI CÒN XA: Nạn đói khổ còn kéo dài , từ năm 1939 tới năm 1945 mới chấm dứt thế chiến thứ II.

          TẾ ĐỘ: Cứu giúp và đưa qua. Chư Phật cùng hàng Bồ Tát dùng Pháp Giáo và phương tiện tế độ chúng sanh rời bờ mê, sang bến giác, khỏi biển khổ sanh tử, đến Cực lạc Niết bàn. Đức Thầy từng cho biết:

“Chờ con đầy đủ nghĩa nhân,

                    Ra tay tế độ dắt lần về ngôi”.(Hoài Cổ)

          LÚC TÚNG: Lúc nghèo túng nguy ngập.

          DƯ HUỆ: Dư là thừa; Huệ là ân huệ, ban ân. Ân của người trên ban xuống cho kẻ dưới. Ví dụ: “Thừa ân của Phật đàng” hoặc là: “Cho con Hồng Lạc thọ ân thừa”.

          BẦN PHU: Người đàn ông lam lũ làm ăn cực khổ nghèo hèn chơn chất.

          XẢ THÂN: (Xem CT trong STTĐ, trang 489, cột 2, tập 2).

          BỐ THÍ: (Xem chữ Bố Thí đã giải ở trước).

          NGỘ THẦN CA: Thâm ngộ lẽ cơ huyền sâu kín trong trời đất.

CHÁNH VĂN

105.-Tỏ lời nhắn-nhủ khắp đâu đâu,

Vạn-vật từ nay luống thảm-sầu.

Áo-não thương đời đa đói khổ,

108.-U-buồn trăm họ vẽ vài câu.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 105 tới câu 108)

          Bốn câu kết thúc bài Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện, Đức Giáo Chủ khuyên nhủ khắp bàng nhân bá tánh: Từ nay mọi vật trong thế gian đều chung chịu cảnh sầu thảm đưa đến, nên sáng tác ít lời nhắn nhủ khuyên lơn.

                   Hoà Hảo ngày 25 tháng 2 năm Canh Thìn.
Ý kiến bạn đọc
13 Tháng Mười Hai 20118:00 SA
Khách
Articles like this just make me want to visit your wbestie even more.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn