CHÁNH VĂN (Từ câu 01 tới câu 52)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 34563)
CHÁNH VĂN (Từ câu 01 tới câu 52)

1.- Ngồi KHÙNG trí đoái nhìn cuộc thế, 

Thấy dân mang sưu thuế mà thương. 

Chẳng qua là Nam-Việt vô vương,

4.-Nên tai-ách xảy ra thảm-thiết. 

 Bạc không cánh đổi thay chẳng biết,

Vàng bị nghèo mấy chiếc chẳng còn.

Mới mấy năm sao quá hao-mòn,

8.-Mùa-màng thất, đói đau không thuốc.

 

LƯỢC GIẢI : (Từ câu 01 tới câu 08)

          -Đoạn nầy ý nói Đức Thầy dùng trí huệ nhìn lại cuộc sống của dân chúng, đang gặp cảnh sưu cao thuế nặng mà động mối từ tâm. Từ khi nước Việt Nam bị người Pháp đặt quyền thống trị, dân ta gánh chịu biết bao cảnh lầm than cơ cực. Bởi: “Dân nay như thể không cha, Chẳng ai dạy dỗ thật là thảm thương”.(Sấm Giảng, Q.1)

          -Nhận xét cuộc diện trong đời, sự giàu nghèo thay đổi rất mau chóng, bởi thiên tai địa ách cứ dồn dập mãi với đồng bào ta. Sự chuyển biến mới xảy ra chưa được bao năm mà tiền của hao hụt, đất vườn thay đổi, dân chúng nghèo đói, bệnh tật không sao kể xiết.

CHÚ THÍCH

          ĐOÁI NHÌN: Đoái là ngoảnh lại, tưởng nhớ đến. Nhìn là trông thấy. Nghĩa chung là nhìn lại, trông tưởng đến. “Chiều chiều mây phủ trời hồng, Đoái nhìn ngọn trúc, đau lòng thần hôn”.(Ca dao). Trong bài “Luận việc Tu hành”, Đức Thầy nói:

                    “Đoái thấy người đời lòng bắt chán,

                     Dương trần lầm lạc đáng ưu phiền”.

          CUỘC THẾ: Cũng đọc là cục thế. Có nghĩa cục diện trong đời hoặc tình trạng hay cảnh trạng trong đời. Đức Thầy có câu: “Nhìn cuộc thế bộn bề sóng dậy”.(Sa Đéc)

          SƯU THUẾ: Cũng gọi là sâu thuế. Các công việc của nhà nước mà toàn dân phải làm gọi là sâu (sưu). Các sắc thuế mà mọi người dân phải đóng cho nhà nước gọi là thuế. Đây chỉ cho người Pháp cai trị nước ta, bắt dân ta phải làm sâu, đóng thuế rất nặng nề khổ nhọc.

          NAM VIỆT: Quốc hiệu nước Việt Nam vào thời nhà Triệu (206-111, Tr. TL). Thời Nguyễn gọi Nam Việt là miền Nam nước Việt Nam, thời Pháp thuộc gọi là Nam Kỳ.

          VÔ VƯƠNG: Không có Vua. Ý chỉ dân tộc ta hiện tình bị mất chủ quyền (mất nước), dưới quyền thống trị của người Pháp.

          TAI ÁCH: Tai nạn khốn khổ. Ý nói cuộc tai nạn dồn dập tới, hết nạn nầy tới nạn kia không ngớt, “tai Trời ách Nước”. Đức Thầy có câu:

                   “Ách trời nạn nước thình lình,

               Người hung cứ mãi chống kình với Ta”.

                                                (Dặn dò Bổn đạo)

            BẠC KHÔNG CÁNH ĐỔI THAY CHẲNG BIẾT: Tiền bạc của cải tuy không có cánh, nhưng sự tiêu xài từ tay người nầy, sang tay người khác rất lẹ. Đây ý nói thời nay sự nghèo giàu thay đổi rất mau chóng. Đức Thầy từng nói:

                   “Chữ phù vân phú quí nay mai,

                     Luân với chuyển dời qua đổi lại”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

 

CHÁNH VĂN

9.- Thương hại bấy lê-dân đứt ruột,

Thảm vợ con đói rách đùm-đeo.

Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo,

12.- Thêm gạo lúa lại tăng giá mắc. 

Nhìn cuộc thế đổi thay quá gắt,

Máy Thiên-cơ mỗi phút mỗi thay.

Nẻo thạnh suy như thể tên bay,

16.- Đường vinh-nhục rủi may một lát.

Ai phú-quí vào đài ra các,

Ta Điên Khùng thương hết thế-trần.

Khuyên chúng-sanh chẳng biết mấy lần,

20.- Nào ai có tỉnh tâm tìm Đạo.

 

LƯỢC GIẢI (từ câu 09 tới câu 20)

          -Thấy sanh linh lâm cơ đồ thán, lòng Đức Thầy quá thương xót. Kẻ nghèo lại gặp cảnh nghèo hơn: nào vợ đau con đói, mùa màng ngập lụt; nào vật giá gia tăng đắt đỏ, bởi ngoại bang muốn bao vây kinh tế dân ta.

          -Lại nữa, cơ luân chuyển mỗi phút mỗi xây không ngừng nghỉ, cuộc suy thạnh của con người đổi thay trong nháy mắt. Kẻ giàu sang họ đam mê theo sự ăn sung mặc sướng, chẳng chút để tâm đến những người nghèo khổ chung quanh. Lòng từ bi của đấng Giác ngộ lúc nào cũng thương khắp chúng sanh, nên đã nhiều lần giáo dân hướng thiện, nhưng chẳng được mấy người tỉnh ngộ tu hành.

CHÚ THÍCH

          ĐỨT RUỘT: Nghĩa của chữ “đoạn trường”. Ý nói tình từ bi của Phật đối với chúng sanh rất tha thiết, như tình mẹ thương con bị đứt từng đoạn ruột.

          Thuở xưa, ông Hứa Tinh Vương (Hứa Chơn Quân), bình sanh ưa thích săn bắn. Hôm nọ, ông vào rừng bắn con nai nhỏ bị tên, nai chưa chết mang tên chạy sâu vào rừng. Ông và tùy tùng rượt theo đến bên hố, thấy nai con bị tên nằm dưới đất, nai mẹ cắn cỏ nhai nhổ cho con và liếm chỗ mũi tên mà sa nước mất. Thấy đoàn người rượt đến, nai mẹ vì thương con không nỡ bỏ chạy, bỗng té xỉu bên nai con, thế là mẹ con đều bị bắt. Hứa Tinh Vương cho người mang về làm thịt hết, khi mổ ra thấy ruột của nai mẹ bị đứt từng đoạn, còn nai con tuy bị tên nhưng ruột vẫn còn nguyên.

          Hứa Tinh Vương thấy vậy động mối từ tâm liền đem cung tên bẻ bỏ hết, từ ấy ông chuyên tâm hành Đạo, sau đặng thành chánh quả.

          Xét ra tình mẹ thương con của loài vật còn như thế, huống chi loài người, lòng thương chúng sanh của Phật, của Thầy hẳn còn sâu đậm hơn nhiều. Đức Thầy từng nói:

                   “Từ bi tình ấy đoạn trường,

             Nhắc qua tích cũ mà lường lòng đây”.

                                          (Từ giã Bổn đạo Khắp nơi)

          TỈNH TÂM: Lòng thức tỉnh, sáng biết hết mê lầm.

          TÌM ĐẠO: Tìm hiểu đường lối giáo lý chơn chánh để tu hành theo. Đức Thầy từng kêu gọi:

                   “Sớm thức tỉnh tâm tầm Đạo chánh,

                    Sau nầy về Phật với ngôi Tiên”.

                                                  (Luận việc Tu hành)

 

CHÁNH VĂN

21-Trai trung-liệt đáng trai hiền-thảo,

Gái tiết-trinh mới gái Nam-trào.

Lời Thánh Hiền để lại biết bao,

24.-Sao trai gái chẳng coi mà sửa ? 

Đời tận thế mà còn lần-lựa,

Chẳng chịu mau cải dữ về lành.

Làm Phật-Nhi phải được lòng thành,

28.-Thì mới đặng vãng-sanh Cực-Lạc.

Tương với muối cháo rau đạm bạc,

Nghèo lương hiền biết niệm Di-Đà.

Mà mai sau thoát khỏi tinh ma,

32.-Lại được thấy cảnh Tiên nhàn-hạ. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 21 tới câu 32)

          -Các bậc Hiền Thánh xưa kia đã truyền dạy biết bao lời lẽ, phận làm trai phải giữ tròn câu trung hiếu, còn gái thì giữ vẹn tiết trinh, mới xứng đáng công dân ưu tú của nước nhà và cũng chẳng hổ là con cháu của giống Tiên rồng.

          Cuộc đời Hạ ngươn sắp đến ngày tàn cỗi để lập lại Thượng ngươn, thế mà chúng sanh mãi trù trừ lần lựa, chẳng sớm lo cải ác tùng thiện: “Nếu để chờ sấm nổ vang thinh, E bá tánh ăn năn đã muộn”.(Diệu pháp Quang Minh).

          -Đã quy y theo Đạo và nguyện làm tôi con của chư Phật, thì phải thật tâm thành ý niệm Phật làm lành, sống cuộc đời đơn giản, đạm bạc rau tương để giữ tròn giới hạnh, tức được khỏi tà ma nhiễu loạn, kiến diện Tiên bang, sống cảnh đời an nhàn tự tại. Sau cùng được vãng sanh về Phật quốc, khỏi đường sanh tử luân hồi.

 

CHÚ THÍCH

          TRUNG LIỆT: Trung nghĩa với tiết liệt. Người dám liều chết để giữ tròn khí tiết của mình đối với Quốc dân.

          HIỀN THẢO: Biết ăn ở hiền lành, đúng với Đạo nghĩa gọi là hiền. Tôn kính và bảo dưỡng Ông bà Cha mẹ gọi là thảo. Những kẻ hiền thảo bao giờ cũng có lòng trung liệt, cũng như người trung liệt không bao giờ để mất hiếu thảo, như Tử Lộ, Nhạc Phi bên Trung Hoa và Ngài Nguyễn Trung Trực tại Việt Nam…Là người tín đồ PGHH thì hai việc Trung và Hiếu không thể nào để thiếu, vì đó là hai điều trong “Tứ Đại Trọng Ân”, Đức Giáo Chủ từng dạy:

                   “Hiếu Trung hãy liệu cho xong,

              Đến chừng gặp Chúa mới mong trở về”.

                                                (Sám Giảng, Q.3)

          TIẾT TRINH: Cũng đọc là trinh tiết, tức là lòng trong sạch của giới nữ, không thể yêu đương một người đàn ông nào không phải là chồng chính thức của mình: “Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.(Lục Vân Tiên)

          NAM TRÀO: Cũng đọc là Nam triều tức là triều đình nhà Nam, “Gái Nam Trào”. Ý nói hiện nay người con gái nào giữ vẹn tiết trinh, mới xứng đáng là tôi dân của nước Việt Nam sau nầy.

          LỜI THÁNH HIỀN: Chỉ cho lời giáo huấn của Đức Khổng Tử và các bậc Thánh Triết Hiền Nhân thuộc môn đồ kế truyền Đạo lý của Ngài. Những lời lẽ ấy gồm có Ngũ Kinh: Kinh Dịch, Kinh Thơ, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu; và Tứ truyện (Tứ thơ): Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Trong đó biết bao lời lẽ chỉ dạy con người tu tập theo để trở nên bậc Thánh Hiền như các Ngài. Trong “Nang thơ Cẩm tú’, Đức Thầy có nói:

                   “Chữ Thánh Hiền mới được nôm na,

                     Ta thỏa chí hô hào Trung nghĩa”.

          TẬN THẾ: Hết đời, tiêu diệt cõi đời cũ để lập lại cõi đời mới. Ví như miếng vườn cũ, cây trồng đã lâu năm, hiện giờ bị đốc (chạ) hết, nên phá bỏ để trồng lại. Một đoạn giảng khác Đức Thầy đã nói:

                   “Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắc chiu,

                     Nay tận diệt lập đời trở lại”.

          LẦN LỰA: Trì hoãn mãi, tánh trù trừ giải đãi, hẹn lần hẹn lựa.

          Xưa, có một nhà Sư khuyên một người bạn là Trương Tố Lưu niệm Phật. Lưu nói:“Tôi có ba việc làm chưa xong: 1. Quan tài của ông thân còn ở nhà mồ chưa chôn. 2. Đứa con trai chưa cưới vợ. 3. Con gái út chưa gả chồng. Chờ 3 việc ấy xong tôi sẽ tu niệm. Cách ít tháng sau, Lưu bị bạo bịnh mà chết. Nhà Sư đến cầu siêu và điếu Lưu một bài thi:

                   “Bạn tôi tên là Trương Tố Lưu,

                     Khuyên ông niệm Phật hẹn ba điều.

                     Ba điều chưa vẹn vô thường đến,

                     Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau !”

          Đức Thầy cũng từng bảo:

                   “Khuyên niệm Phật than rằng chưa rảnh,

                     Lúc bắt hồn mắc việc cũng đi”.

          Cho nên Ngài hằng dạy:

                   “Hãy rán tu đặng mà chết,

                Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”.

                                      (Trong loạt Tư Tưởng)

          CẢI DỮ VỀ LÀNH: Nghĩa của chữ “cải ác tùng thiện”, tức cải sửa những điều hung dữ để trở về con đường lành, với công việc lành. Trong bài Quy y, Đức Thầy dạy:“…Nay con nguyện cải hối ăn năn làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo”.

          PHẬT NHI: Cũng gọi là Phật tử, tức người đã quy y theo đạo Phật, đã tin Phật và nguyện làm tôi con của Đức Phật; từ đó chuyên tâm hành trì theo Pháp hạnh của Phật, nên sớm muộn gì cũng thành Phật, thế gọi là Phật nhi. Trong Kinh “Tứ Thập Nhị Chương”, Phật có phán: “Những Phật tử tuy cách Ta từ ngàn dặm mà thật tâm gìn giữ giới luật của Ta, chắc chắn sẽ đắc Đạo như Ta. Còn những kẻ tuy ở gần bên Ta, mà không trì hành giới luật thì không xứng đáng là Phật tử và không đắc đạo”. Ngài Kim Sơn Phật hiện nay cũng dạy;

                   “Đem tâm hồi hướng gốc lành,

                 Làm tôi Phật Tổ chí thành chí chơn”.

                                                (Cho ông Cò Tàu Hảo)

          LÒNG THÀNH: Cũng gọi là tâm thành hay thành tâm (xem chú thích câu 198, Q.1).

          VÃNG SANH: (Xem chú thích câu 516, Q.1).

          CỰC LẠC: Đọc cho đủ là Cực Lạc Quốc, là cõi nước tột vui, tối diệu. Phạn ngữ: (Scr) Sukhavati. Quốc độ của Phật A Di Đà, do công đức và nguyện lực của Ngài tạo nên. Căn cứ theo những quyển kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô lượng Thọ thì cách đây mười muôn ức cõi Phật, về hướng Tây có một thế giới, gọi là Cực Lạc hay Tịnh Độ (cũng gọi là An Dưỡng Quốc). Cõi nầy từ đất cát đến cung điện toàn bằng bảy báu (Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não).Hoa sen có năm sắc, nước có tám công đức (1. Trừng thanh (lặng trong), 2. Thanh lãnh (man mát), 3. Cam mỹ (ngon ngọt), 4. Khinh nhuyễn (mềm nhẹ), 5. Nhuận trạch (trơn bóng), 6. An hoà (yên ổn hòa nhã), 7. Trừ cơ khát, 8. Nuôi dưõng chư căn.), chim kêu tiếng Pháp, cây báu diễn lời lành. Y phục, nhà cửa và các thức ăn, uống đều tùy ý hiện ra. Nói tóm lại nơi ấy là một cõi hoàn toàn an vui, trong sạch, không có những nỗi khổ và ô trược như cõi Ta bà của chúng ta đang ở.

          Trong Kinh Tiểu Bản Di Đà, Phật có phán với Ngài Xá Lợi Phất:“Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc ? Kỳ Quốc chúng sanh vô hữu chúng Khổ, Đản thụ chi lạc, cố danh Cực lạc”.(Cõi ấy vì sao gọi là Cực Lạc ? Vì chúng sanh cõi ấy không có những sự khổ, chỉ huởng các sự vui; bởi thế nên gọi là Cực Lạc).

          Kẻ tu hành bất luận xuất gia hay tại gia, nếu ai có đủ tín, nguyện, và trì niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật một cách chí thành, chí thật thì khi lâm chung được Đức Phật A Di Đà tiếp rước, linh hồn được vãng sanh về cõi của Ngài, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.

          TƯƠNG VỚI MUỐI CHÁO RAU ĐẠM BẠC: Câu nầy ý khuyên người tu nên trường chay giới sát để thoát khỏi luân hồi quả báo. Đức Thầy từng dạy:“Tương dưa giữ phận cho tròn…”.(Thiên lý ca) Câu giảng nêu trên cũng còn có nghĩa bảo mỗi người nên sống cách:“Lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh”(Bát chánh: Chánh tư duy); chẳng nên ăn xài phung phí, để có thì giờ trau thân gìn đạo, như Đức Giáo Chủ từng dạy:

                   “Phận tu hành đạm bạc rau tương,

                     Miễn cầu đặng an khương bốn bể”.

                                                      (Nang thơ Cẩm tú)

          NIỆM DI ĐÀ: Trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, tức tu Pháp môn Tịnh độ (niệm Phật). Kinh A Di Đà, Phật nói:“Nếu có người thiện nam tín nữ nào, nghe ta giải về Phật A Di Đà mà trì niệm danh hiệu của Ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày…dẫn tới 7 ngày mà tâm không xao lãng, cứ chuyên cần như vậy; đối với hạng người ấy, các tội đều tiêu diệt, tức được nhiều căn lành phước đức nhân duyên và đến lúc lâm chung sẽ có Phật A Di Đà cùng chư Thánh hiện ra trước mắt mình, nên tâm không điên đảo, tức thời được vãng sanh về cõi Cực lạc của Phật A Di Đà”.

          TINH MA: Tà ma quỉ quái. Nghĩa bóng là chỉ cho hạng hung tàn bạo ác. Một đoạn khác Đức Thầy đã bảo:

                   “Lớp đau chết kể thôi vô số,

                  Thêm tà ma yêu quái chật đường”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

 

CHÁNH VĂN

33.-Trên Bảy Núi còn nhiều báu lạ,

Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời.

Coi là coi được Phật được Trời,

36.-Coi phép lạ của Tiên của Thánh

Cuộc dương-thế ngày nay mỏng-mảnh,

Mà sang giàu còn hiếp nghèo nàn.

Phải xả thân tầm Bát-Nhã thoàn,

40.-Sau mới khỏi hùm tha sấu bắt. 

Đến chừng đó bốn phương có giặc,

Khắp hoàn-cầu thiết thiết tha tha.

Vậy sớm mau kiếm chữ Ma-Ha,

44.-Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 33 tới câu 44)

          -Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ cho biết: Sau nầy trên vùng Thất sơn sẽ có nhiều việc quí báu lạ lùng:“Chừng bảy núi lầu son lộ vẻ, Thì người già hóa trẻ dân ôi !”(Đáp lời ông Lương văn Tốt). Nếu ai sớm giác ngộ tu hành, trau sửa tâm tánh cho được thuần lương thanh khiết thì chẳng những đặng kiến diện Phật Tiên, còn được xem cảnh báu lạ sẽ diễn ra ở miền Bảy núi:

                   “Mắt nhìn thấy Thần thông biến hóa,

                     Đức Di Đà hiện chóa hào quang”.

                                                (Xuân Hạ tác Cuồng thơ)

          -Vả lại, cuộc đời quá mong manh, sắp đến hồi biến hoại, cơ tuyển chọn hiền còn dữ mất, thế mà kẻ giàu sang chưa biết hồi tâm hướng thiện, lại còn khinh khi lấn áp dân nghèo. Đức Giáo Chủ kêu thúc mọi người sớm quay về chánh Đạo và trau giồi trí tuệ cho tinh minh. Về cách thức tu huệ Ngài đã dạy:“Người học Đạo muốn mở mang trí huệ cần phải tìm phương pháp diệt cái vô minh (tối tăm ngu muội).

          Muốn diệt cái vô minh trước phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhứt của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bày trừ những: thành kiến cố chấp, thói quen, sự  chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ, tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy !”(Trong việc Tu thân Xử kỷ).

          -Khi người ta đã đứng vững trên con thuyền Đại Đạo và đạt được trí huệ thì những tai nạn hãi hùng, các cuộc chiến tranh binh lửa khắp hoàn cầu sắp tới đây, không thể làm hại mình được, bởi chư Phật và Đức Thầy lúc nào cũng hộ trì cho những kẻ chân tu.

 

CHÚ THÍCH

          BẢY NÚI: (Xem chú thích câu 56, Q.1)

          TU TÂM DƯỠNG TÁNH: Trau sửa cái tâm và điều dưỡng cái tánh. Tâm và Tánh đồng một bản thể nhưng vì ứng dụng nên có hai tên. Vẫn biết tâm tánh của chúng sanh và chư Phật gốc cũng như nhau, nhưng vì tâm tánh của chúng sanh bị vô minh vọng hoặc nên nay cần phải tu dưỡng lại, chớ không phải tìm cầu cái tâm tánh nào khác.

          Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo ông A Nan:“Tất cả chúng sanh cùng mười phương chư Phật, đồng một bản thể chơn tâm thanh tịnh không hai. Bởi các ông bị vô minh vọng tưởng nên sanh ra mười phương, hư không và thế giới nhiều như vi trần…Chẳng khác nào một điểm mây nhỏ sanh trong nền trời xanh. Nếu nay hết mây, tức ngộ được chân tánh thì mười phương hư không và thế giới đều tiêu diệt”.

          Vậy hành giả cần tu sửa cho sạch hết các vọng tâm phiền não và điều dưỡng cái tánh cho được hòa vào một bản thể giác ngộ với chư Phật, tất nhiên huệ nhựt hiện bày, dứt hết nghiệp sanh tử, tự tại giải thoát, như Đức Thầy đã dạy (trong Quyển Khuyến Thiện):

                    “Trau tâm luyện tánh cho minh,

             Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn”.

          Hoặc là:

                   “Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,

                     Đừng cho ma nghiệp vọng tâm sanh.

                     Quay về cội phúc đường chân Đạo,

                     Phật pháp thiền na dốc thực hành”.

                                      (Cho cô Võ thị Hợi)

          MỎNG MẢNH: Rất mỏng và yếu, dễ rách, dễ gãy bể. Ý chỉ cuộc đời sắp hư hoại:

                “Đời nầy mỏng tựa màng thưa”.(Sấm Giảng Q.1)         XẢ THÂN: Dám liều thân, không kể thân mình. Do chữ “xả thân tìm Đạo”; xả bỏ lòng vị kỷ tham lam, dốc hết tâm lực để tìm đạt được Đạo. Đức Thầy từng dạy:“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh”.(Bát chánh: Chánh Tư Duy).

          BÁT NHÃ THOÀN: Cũng đọc là thuyền Bát Nhã. Bát Nhã là phiên âm của Phạn ngữ (Scr) Prajna, một danh từ đặc biệt trong Phật pháp, bao gốm nhiều ý nghĩa, dịch gọn là Trí huệ, là thanh tịnh sáng suốt. Bát nhã lại có 3 thứ;

          1.- Thật tướng Bát nhã: Cái linh trí sáng mầu, thường tồn bất biến của mỗi chúng sanh đều sẵn có (trí vô sư).

          2.- Quán chiếu Bát nhã: Cái trí sáng quán sát thấu suốt, phân biệt các pháp, người tu hành nhờ tịnh lự, tư duy mà mở thông.

          3.- Văn tự Bát nhã: Sự sáng suốt, thông hiểu lý nghĩa, mầu nhiệm cao sâu trong các Kinh điển đạo Phật; nhà tu nhờ học rộng nghe nhiều, sưu tầm tra cứu mà thấu đạt.

          Sở dĩ gọi Bát Nhã là chiếc thuyền, là vì trí huệ có diệu năng đưa mình và độ chúng từ bờ mê sang bến giác. Chính nó là một trong sáu pháp “Ba La Mật” của chư Bồ Tát thường hành. Đức Thầy từng bảo:

                   “Thuyền bát Nhã ta cầm tay lái,

                     Quyết đưa người khỏi bến sông mê”.

                                      (Diệu pháp Quang minh)

          Trong Kinh Di Giáo, Phật dạy:“Trí huệ (Bát nhã) là chiếc thuyền bền chắc, không một lượn sóng dục tình nào đánh đắm được, nó hay đưa người khỏi biển: sanh, lão, bịnh, tử. Là món thuốc thần diệu chữa lành các thứ bịnh thất tình lục dục.v.v…Là ngọn đuốc tột sáng, chiếu tan lớp vô minh vọng hoặc. Là lưỡi búa (kiếm) thật bén chặt đứt cội phiền não, tà kiến…”

          Đức Kim Sơn Phật hiện nay cũng bảo:

                   “Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp,

                     Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên”.

                                                (Hiếu Nghĩa vi tiên)

          Bởi diệu năng của trí Bát nhã như thế, nên Ngài bảo:“Phải xả thân tầm Bát Nhã thoàn”.(Kệ Dân, Q.2)

          HOÀN CẦU: Khắp cả Địa cầu, khắp cả thế giới.(Xem chú thích chữ Địa cầu bài Sứ Mạng, Q.1)

          MA HA: Phiên âm của Phạn ngữ (Scr) Mahâ, dịch nghĩa là rộng lớn. Sự rộng lớn ấy ví như hư không, không bờ bến, nó vẫn rỗng thông sáng tỏ, đồng với bản thể của Đạo tâm. Cho nên khi nói đến Ma Ha tức là nói đến Đại Đạo. Vậy Đức Thầy dạy chúng ta:“…sớm kiếm chữ Ma Ha”, là bảo sớm tìm Đại Đạo, vì trong đó có đủ giáo lý diệu mầu giúp ta hườn nguyên phản bổn, tức trực kiến được bản thể chơn như tự tánh. Đức Thầy dạy:

                   “Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu pháp,

                   Cho đời thấu tỏ đạo Ma ha”.(Tối Mùng Một)

 

CHÁNH VĂN

45.-Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,

Vọng Cửu-Huyền sớm tối mới mầu.

Chữ Nam-Mô dẹp được lòng sầu,

48.-Sau thấy được nhà Tiên cửa Thánh.  

Ghét những đứa giàu-sang kiêu-hãnh,

Thương những người đói-rách cơ-hàn.

Cảnh phồn-hoa khó sánh lâm-san,

52.-Sau sẽ có nhiều điều vinh-hạnh.

 

LUỢC GIẢI (từ câu 45 tơí câu 52)

          -Đoạn nầy dạy hai thời cúng lạy của mỗi tín đồ PGHH, cần phải thực hiện hằng ngày, chớ nên xao lãng, bởi:“Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu, Thì sẽ được toà chương dựa kế”.(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4). Còn sự niệm Phật tuy vỏn vẹn có sáu chữ Di Đà, nhưng nếu ai chuyên tâm tưởng niệm tất được nhiều lợi ích, như hiện tại sẽ khỏi tai nạn sầu khổ và tương lai đặng dự hội Long Hoa, chầu mừng Phật Thánh. Vì ngày ấy sẽ có:

                   “Phật Thánh Tiên Đông độ lướt sang,

                    Miền Nam địa phân chia đẳng cấp”.

                                                (Nang thơ Cẩm tú)

          -Những kẻ giàu sang thường cậy vào tiền của lên mặt khinh khi kẻ khác khiến ai trông vào cũng chán ghét. Còn hạng cơ bần nghèo túng ai nhìn tới cũng thương hại, đó là tâm trạng chung của xã hội loài người. Đức Giáo Chủ thường đề cập đến:

                   “Người sao lại bỉ bàng tôm cá,

                     Thức ăn thừa khiếp nỗi ném quăng.

                           Kẻ nghèo lo chạy ngày hằng,

           Lại không đủ bữa rối nhăn đời người”.(Bóng Hồng)

          -Đức Thầy còn cho biết cảnh phồn hoa đô thị hiện giờ, tuy thấy đầy sự ăn sung mặc sướng, tiền bạc lụa là; nhưng chẳng vinh hạnh bằng cảnh rừng núi tại vùng Thất sơn sau nầy. Bởi:

                   “Rừng lâm cây đá thấy ngày nay,

                     Mà ruột năm non có các đài.

                     Chờ đợi con hiền noi tục cổ,

                     Tới ngày thượng cổ điểu hòa mai”.

                                      (Đến làng Nhơn Nghĩa)

 

CHÚ THÍCH

          TƯỞNG NHỚ PHẬT: tức là niệm Phật. Do chữ “Niệm Phật Ức Phật”. Ý nói người niệm Phật, lạy Phật cần phải thường xuyên và thiết tha thành khẩn, tưởng nhớ Phật như kẻ đói thèm cơm, người đắm thuyền kêu cứu mới mong kết quả. Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo:“Nhớ Phật, tưởng Phật thường xuyên thì lúc hiện tiền hoặc tương lai quyết định thấy Phật, thành Phật; chẳng cần phương tiện mà tự nhiên tâm địa khai thông”.(Ức Phật, niệm Phật hiện tiền tương lai tất định kiến Phật, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai). Cho nên ngày nay Đức Thầy thường dạy tín đồ:

         “Đêm ngày tưởng Phật cho thường”.(Sấm Giảng Q.1)

          VỌNG CỬU HUYỀN: Vọng bái Tổ Tiên Ông Bà cha mẹ. Ý chỉ sự thờ cúng “Cửu Huyền Thất Tổ” của người tín đồ PGHH, phải thường xuyên mỗi ngày hai thời, không nên quên lãng. Đức Thầy đã dạy;

                   “Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,

               Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          CHỮ NAM MÔ DẸP ĐƯỢC LÒNG SẦU: Nam mô là phiên âm của Phạn ngữ (Namal); nhưng chữ Nam mô ở đây là nói gồm đủ sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Ý dạy người trì niệm lục tự Di Đà sẽ tan hết tai nàn sầu khổ và kết quả cao quí:

                   “Cứu khổ Nam mô vô lượng phước,

                     Diệt nàn tu rị hữu thiên kinh”.

                                                (Tỉnh bạn Trần gian)

          -Khi xưa Thái tử A Xà Thế nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa hạ ngục vua cha là Tần Bà Xa La và Mẫu hoàng Vi Đề Hy. Ở trong ngục thất quá sầu khổ, Hoàng hậu quì xuống hướng về Đức Phật, thành tâm khẩn nguyện nhờ Ngài ban vui cứu khổ. Cảm ứng đến Đức Thế Tôn, Ngài bèn dùng thần lực giúp cho Bà thấy được cảnh giới Cực lạc và khuyên Bà nên niệm Phật, để sau nầy được sanh vào cõi ấy. Bà Vi Đề Hy vâng lời Phật dạy chí tâm niệm Phật, ít hôm sau sự sầu khổ vơi dần, Thái tử A Xà Thế cũng hồi tâm cải hối, rước mẹ về xin lỗi và quay đầu hướng thiện. (Dẫn theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh).

            Vấn đề nầy, trong Giảng Mười Một hồi, ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:

                   “Niệm Phật vui thú thảnh thơi,

               Buồn rầu giải hết, mặc người cười chê”.

          Đức Thầy nay cũng cho biết:“Niệm chữ A Di dẹp lòng sầu”.(Muốn rõ đạo mầu).

          NHÀ TIÊN CỬA THÁNH: Có hai nghĩa:

          1.- Chỉ cho cõi đời Thượng ngươn Thánh đức. Chừng ấy cơ trời mở Hội Long Hoa, chọn lọc hiền còn, dữ mất. Bấy giờ sẽ có:“Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”.(Không buồn ngủ). Người nào biết làm lành lánh dữ, niệm Phật tưởng Kinh sẽ được dự vào hội ấy mà an hưởng cảnh:

                   “Bồ đào rượu Thánh trà Tiên,

             Muôn năm cộng lạc Chúa hiền tôi trung”.

                                                       (Nang thơ Cẩm tú)

          2.- Chỉ cho nhà tu khi được đắc Đạo. Vì nếu ai chuyên trì Lục tự, dứt hết nghiệp nhân tội lỗi, không còn nhiễm ô trần tục, tức đặng trở về tâm hồn Tiên Thánh:“Cư trần bất nhiễm là người Thánh, Lẫn tục đừng mê chứng bực Hiền”.(Luận việc Tu hành). Thế nên Đức Thầy hằng kêu gọi:

     “Nhơn sanh tỉnh giấc tìm nhà Thánh Tiên”.(Bóng Hồng)

            CƠ HÀN: Đói và lạnh. Chỉ cho cảnh nghèo khổ túng thiếu, không đủ cơm ăn áo mặc.

          PHỒN HOA: (Xem chú thích câu 523, Q.1)

          LÂM SAN: Cũng đọc là lâm sơn, có nghĩa rừng và núi. Đây chỉ cho miền Thất sơn. Đức Thầy có câu:

                   “Lâm san rày đã rời ra,

               Dạo trong lê thứ vậy mà xét soi”.

                                      (Vọng Bắc hòa Nam)

          VINH HẠNH: Vẻ vang và may mắn.

          KIÊU HÃNH: Cậy mình lên mặt, làm cao, khinh khi kẻ khác. Ví dụ: Thấy người kiêu hãnh ai cũng ghét.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn