CHÁNH VĂN (Từ câu 109 tới câu 165)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 37089)
CHÁNH VĂN (Từ câu 109 tới câu 165)

109.- Đức Minh-Chúa chẳng ai dám sánh,

Xưa mạt Thương phụng gáy non Kỳ.

Bởi Võ-Vương đáng bực tu-mi,

112.-Nay trở lại khác nào đời trước. 

Kẻ gian-ác bị gươm ba thước,

Nơi pháp-tràng trị kẻ hung-đồ.

Được thảnh-thơi nhờ chữ Nam-Mô,

116.-Khuyên bổn-đạo rán mà trì-chí.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 109 tới câu 116)

          -Đoạn nầy Đức Thầy nhắc lại thời mạt Thương xưa kia, bởi Trụ Vương quá nhu nhược tàn ác, đắm say tửu sắc, làm những việc càn bậy, không còn xứng đáng trị vì thiên hạ nữa, nên cơ luân chuyển đổi lại nhà Châu. Lúc ấy có tiếng chim Phụng Hoàng gáy trên núi Kỳ Châu, đó là điềm lành báo hiệu sẽ có Thánh Chúa ra đời.

          -Bấy giờ Tây Châu nước Trung Hoa có cha con của Châu Võ Vương, vốn là người hiền đức, trị dân cả nước chẳng cần có đồ lao mà dân vẫn tuân theo răm rắp. Mọi hạnh phúc của Vua Quan toàn dân đều chung hưởng, xứng đáng là bậc Mẫu nghi thiên hạ, nên cả 800 chư hầu đều mến đức theo về nhà Châu.

          So lại thời nay cũng thế, chánh sách trị dân quá tàn ác dã man, sanh linh đồ thán, nạn chiến tranh chết chóc liên tiếp xảy ra khắp hoàn cầu. Cho nên sẽ có vị Thánh Chúa ra đời. Ngài có đủ đức hạnh, lòng thương dân như sông dài biển rộng. Ngài sẽ đem lại cuộc hòa bình vĩnh cửu cho vạn quốc chư bang. Điều nầy, Đức Giáo Chủ từng cho biết:“Trên non Tiên văng vẳng tiếng Phụng Hoàng, Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”.(Không buồn ngủ).

          -Và trước khi ấy, những kẻ gian tà hung ác đều bị luật hình phân xử tại pháp trường. Còn những ai quyết tâm theo Đạo tu hành, kiên tâm trì chí, niệm Phật làm lành, tất được chung hưởng cảnh thanh bình an lạc tới đây. Đức Thầy đã cho biết (Trong Sám Giảng Q.3):

                   “Hiền lành chừng đó sum vầy,

          Quân thần cộng lạc mấy ngày vui chơi.

                   Đến đó ta mới mừng cười,

          Nhìn xem Ngọc Đế giữa Trời định phân.

                   Thiên Hoàng mở cửa các lân,

          Địa Hoàng cũng mở mấy từng ngục môn.

                   Mười cửa xem thấy ghê hồn,

          Cho trần coi thử có mà hay không ?

                   Nhơn Hoàng cũng lấy lẽ công,

          Cũng đồng trừng trị kẻ lòng tà gian.

                   Ấy là đến lúc xuê xang,

          Tam Hoàng trở lại là đời Thượng ngươn”.

 

CHÚ THÍCH

          MINH CHÚA: (Xem chú thích câu 21, Q.1).

          MẠT THƯƠNG: Thời cùng cuối của nhà Thương bên Trung Hoa, tức là chỉ cho đời vua Trụ (1783-1122, Tr.TL)(Xem thêm phần chú thích câu 304-305, Q.1).

          PHỤNG GÁY NON KỲ: Non Kỳ là do chữ “Kỳ Sơn” tức là núi Kỳ Châu (Tr.Hoa) vào cuối đời nhà Thương sắp chuyển sang nhà Châu, người ta nghe tiếng chịm phụng (phượng hoàng, linh điểu) gáy trên núi Kỳ Châu, báo điềm sắp có Thánh chúa ra đời.

          VÕ VƯƠNG: tức là Châu Võ Vương. Ông tên thật là Cơ Phát con thứ hai của Văn Vương đời nhà Châu. Khi Văn Vương lâm bịnh nặng kêu Cơ Phát lại dặn rằng:

          -“Con hãy nhớ lời cha dạy: Thấy việc lành thì làm cho mau, xử việc phải chẳng nên lần lựa, tránh việc quấy đừng vương vấn. Ba điều ấy là sửa mình trị dân yêu nước”. Cơ Phát cúi lạy mà vâng lệnh. Khi Văn Vương qua đời, chư hầu và bá quan đồng tôn Cơ Phát lên nối ngôi nhà Châu, xưng là Châu Võ Vương, noi theo cha làm điều nhân đức, trị an một cõi, các trấn chư hầu đều phục. Võ Vương phong Tử Nha làm Thừa tướng và sau tôn lên hàng Thượng phụ. Khi Trụ Vương bạo ngược, 800 trấn chư hầu đồng phò Võ Vương hưng binh phạt Trụ. Võ Vương lập đàn bái tướng phong Tử Nha làm Nguyên soái điều khiển quân binh. Đạo binh nhân nghĩa đánh đâu thắng đó, tiến vào Trường An vây kín kinh đô tướng Thương tử trận gần hết. Trụ Vương túng thế phải ra trận, chúa tôi ấu đả trước ngọ môn. Võ Vương thấy vậy than rằng:

          -“Bởi Thiên Tử vô đạo nên mới đến đỗi thế nầy, chúa tôi hỗn chiến với nhau còn chi là thể thống. Tuy bệ hạ bất chánh, mà phận mình là đạo tôi con, không lẽ quân thần mà giao chiến như vậy”. Lúc nầy các chư hầu đồng rập nhau kéo đến đánh vua Trụ tưng bừng. Trụ Vương bại tẩu chạy về lầu Trích Tinh tự thiêu mà thác.

          Chư hầu đồng tôn Võ Vương lên ngôi Thiên Tử, đổi nhà Thương làm nhà Châu. Võ Vương noi chí hướng của Văn Vương mà trị vì, nên thiên hạ âu ca, nhà nhà an lạc. Võ Vương ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 93 tuổi. Nhà Châu trị dân được 874 năm mới dứt.

          TU MI: Râu và lông mày. Nghĩa rộng là chỉ cho bậc nam nhi (đàn ông) “Tu mi nam tử”. Đức Thầy có câu:

                   “Hiền thần sách sử yêu ghi,

            Miễu son tạc để tu mi trung thần”.(Sám Giảng, Q.3) 

          GƯƠM BA THƯỚC: Gươm ngắn để xử trảm những người tử tội.

          PHÁP TRÀNG: Cũng đọc là pháp trường, tức là nơi hành hình những người bị kết án tử hình.

          HUNG ĐỒ: Bọn người làm việc hung tàn bạo ác. Đức Thầy cho biết:

                    “Hung đồ với lũ dọc ngang,

            Đến sau rơi máu khắp tràng mới tu”.(Thiên lý ca)

          NAM MÔ: (Xem chú thích câu 47, Q.1).

 

CHÁNH VĂN

117.- Xưa Tây-Bá thất-niên Dũ-Lý,

Huống chi ta sao khỏi tiếng đời.

Dòm biển trần cảnh khổ vơi vơi,

120.-Lao với khổ, khổ lao chẳng xiết.

Ghét bạo chúa là xưa Trụ-Kiệt,

Mất cơ-đồ lại bị lửa thiêu.

      Thương Minh-Vương bắt chước Thuấn-Nghiêu,

124.-Lòng hiền đức nào ai có biết. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 117 tới câu 124)

          -Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ cho biết, Tây Bá Hầu (Văn Vương) xưa kia, được người đời tôn là Hiền Thánh, thế mà còn bị Trụ Vương bắt cầm tù tại Dũ Lý bảy năm. Huống chi công cuộc cứu đời của Ngài thời nay làm sao tránh khỏi sự kềm kẹp của kẻ cường quyền vô đạo và tiếng đời gièm pha biếm nhẻ.

          -Nhìn lại chúng sanh đang lăn lóc trong bể trần thống khổ, hết nạn nầy tới ách kia không dứt, chẳng khác nào thời Kiệt, Trụ xưa kia dân chúng phải buồn than khóc hận, dưới chế độ cay nghiệt của hai nhà vua ấy. Bởi Kiệt, Trụ quá nhu nhược nên kẻ bị chết thiêu, người thì mất mạng; cơ đồ sự nghiệp ông cha về tay người khác và còn lưu tiếng cho muôn đời phỉ nhổ.

          Nghĩ thương cho Đức Thánh Vương, là bậc thông minh hiền đức, noi gương Nghiêu, Thuấn tu thân lập hạnh, hầu:“Dựng cuộc hòa minh khắp đại đồng” cho nhân loại được hưởng nhờ.

 

CHÚ THÍCH

          TÂY BÁ: là Tây Bá Hầu. Tên thật ông là Cơ Xương, làm tôi vua Trụ nhà Thương. Thuở ấy nước Trung Hoa chia làm 4 trấn chư hầu, mỗi trấn cai trị 200 nước nhỏ; Ông là người tài đức gồm đủ nên vua Trụ phong trấn giữ phương Tây (Tây Bá Hầu).

          Bấy giờ Trụ Vương sủng ái Đắc Kỷ, nghe lời nàng làm điều trái lẽ: giết chết Khương Hoàng hậu, lại sợ cha vợ là Khương Hoàng Sở báo thù, nên nghe lời Bí Trọng triệu bốn trấn chư hầu về Kinh giết đi, để trừ hậu hoạn.

          Tây Bá được tin xủ quẻ biết đi chuyến nầy bị tù bảy năm. Khi vào đến Triều Ca thì Bắc Bá Hầu là phe gian nịnh của Vu Hồn, Bí Trọng nên khỏi chết. Còn Đông Bá Hầu và Nam Bá Hầu, vì tánh cang cường mắng Trụ Vương nên bị giết chết. Riêng Tây Bá Hầu, nhờ là người hiền đức và các quan hết lòng can gián mới được tha. Nhưng Trụ Vương chưa vừa ý, sai Vu Hồn Bí Trọng theo dò xét. Tây Bá tình thật trong câu chuyện chiếm quẻ, nên bị vua Trụ giam vào Dũ Lý.

          Thời gian ở Dũ Lý, ông dạy dân lễ nghĩa và làm sách dịch dạy bói quẻ, nên dân chúng xa gần đều mến đức. Ngồi tù gần 7 năm có con trưởng nam của ông là Bá Ấp Khảo đem báu vật trong nước dâng vua Trụ để cứu cha. (Ba báu vật: 1- Xe thất hương, không cần người đẩy, muốn đi đâu cũng được. 2.- Nệm tình tửu, có công giải rượu. 3.- Bạch viên là con vượn biết nhịp và ca rất hay.)

            Đắc Kỷ thấy Ấp khảo đẹp trai nên sanh lòng tà dục, tâu vua cầm ông lại, lấy cớ học đờn để lả lơi trêu ghẹo. Song, Ấp Khảo lòng chánh trực, dùng lời can gián. Đắc Kỷ nổi giận tâu với vua Trụ: Bá Ấp Khảo có tâm tà không thiệt ý dạy đờn…Trụ Vương nghe theo, truyền giết Ấp Khảo và lấy thịt làm nhưn bánh bao, đem thử Tây Bá Hầu: Nếu ông quả là bậc Thánh thì không bao giờ ăn thịt con, nên giết đi. Bằng ăn thịt con là người tầm thường sẽ tha về.

          Lúc đó Tây Bá biết trước, nên thương trách Ấp Khảo, sao không nghe lời cha dặn, để đưa tới tình trạng nầy, rốt lại ông phải nén lòng ăn thịt con để được tha. Khi đó, có Tán Nghi Sanh là quan của Tây Bá, đem vàng bạc hối lộ cho Vu Hồn Bí Trọng cứu được ông.

          Về đến Tây Kỳ ông hết lòng dạy dỗ nhân dân, khiến trong nước mưa hòa gió thuận, nhà nhà đều an cư lạc nghiệp. Sau Văn Vương nghe tiếng Khương Thượng là bậc hiền tài, nên hai lần lên đến Bàn Khê rước ông về phong làm Thừa Tướng. Kế đó, vì Sùng Hầu Hổ quá tàn ác với lương dân nên Văn Vương cùng Khương Thượng cất quân sang đánh bắt được Hầu Hổ và giết đi.

          Khi yên giặc Văn Vương bắt đầu thọ bệnh rồi mất, nhằm tháng 11 niên hiệu 20 Trụ Vương, ông thọ được 97 tuổi. Quần thần tôn Cơ Phát con thứ của Văn Vương lên nối ngôi, hiệu là Võ Vương và tôn Tử Nha lên hàng Thượng Phụ, cùng trị quốc.

          BIỂN TRẦN: Trần là bụi. Ý nói cõi trần đầy bụi bặm nhớp nhơ đau khổ, sự đau khổ ấy không có ranh giới, mênh mông như bể cả. Đức Thầy có câu:

                   “Bể trần sóng cuộn lao xao,

            Xông thuyền Bát nhã lướt vào một phen”.(Tự thán)

            BẠO CHÚA: Vua hung bạo tàn ác.

          TRỤ: (Xem chú thích câu 305, Q.1)

          KIỆT: Đời vua chót hết (thứ 17) của nhà Hạ (2205-1786, Tr.TL). Vua Kiệt tên thật là Lý Quí, tục gọi là Hạ Kiệt, một ông vua có uy vũ, nhưng rất bạo ngược.

          Lúc thế còn mạnh, vua Kiệt đem binh đánh họ Hữu Thị, họ nầy thất thế phải dâng nàng Muội Hỷ để cầu hòa. Từ ngày được mỹ nhân, vua Kiệt đâm ra sủng ái Muội Hỷ bỏ bê việc triều chánh. Kiệt còn nghe lời Muội Hỷ xuất công quỹ xây thành Huỳnh cung Diêu đài (cung cẩn ngọc huỳnh, đài cẩn ngọc diêu); lập vườn để vui chơi. Tôi trung thần là Long Bàn, hết lời can gián, vua Kiệt đã chẳng nghe, lại sát hại ông, khiến nhân dân ta thán căm hờn.

          Sau có vua Thành Thang (vốn là Chư hầu của Kiệt), rước được bậc ẩn sĩ là ông Y Doãn ở đất Hữu Sằn về giúp. Thấy Y Doãn là bậc hiền tài, vua Thang đem dâng cho vua Kiệt, Kiệt lại không dùng, nên ông Y Doãn trở về hợp với Chư hầu phò vua Thang đem quân vào đánh bắt được vua Kiệt, đày ra đất Nam Sào, nhà Hạ mất từ đó.

          THUẤN: là Đế Thuấn (2256-2195, Tr.TL). Ông họ Diêu, tên thật là Trùng Hoa, là cháu 8 đời của vua Huỳnh Đế, ông là một trang hiếu tử đứng đầu trong “Nhị thập tứ hiếu” của Tàu.

          Nguyên mẹ ông mất sớm, cha là Cổ Tẩu tục huyền với bà vợ sau sanh ra Tượng.(Người đời thấy ông nghe lời vợ kế mà rắp tâm giết ông Thuấn, không xét được lẽ phải trái nên gọi là Cổ Tẩu, tức là người mù mắt) Vì có lời gièm pha của kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch là Tượng, Cổ Tẩu không ưa ông Thuấn và định bụng giết đi, nhưng lúc nào ông cũng hiếu với cha và thuận cùng em. Cổ Tẩu sai ông lên Lịch sơn cày ruộng, nơi có tiếng là nhiều thú dữ, dụng ý để thú ăn thịt ông chết đi cho khuất mắt. Nhưng khi ông đến thì trời sai voi ra cày, chim chóc nhặt cỏ. Thấy không hại được, cha ông sai đi đánh cá ở hồ Lôi Trạch, nơi thường có sóng to, gió lớn, nhưng khi ông đến thì sóng lặng gió êm.

          Vua Nghiêu nghe tiếng đại hiếu của ông, bèn vời về gả con và truyền ngôi báu. Vua Thuấn đóng đô ở Đồ Bản (Ngũ Hương, Hà Đông, tỉnh Sơn Tây) đổi Quốc hiệu là Hữu Ngu.

          Khi lên ngôi, Vua Thuấn dùng bậc hiền tài để giúp nước. Sai con ông Cổn là Võ thay cha đi trị lụt; cử ông Tiết làm quan Tư Đồ, ông Hậu Tắc dạy dân cày cấy năm loại thóc; ông Cao Đàm làm quan Tư Pháp….Vua Thuấn còn đặt ra lệ tuần thú để xem xét quan lại và dân tình trong nước. Lập ra nhà dạy học Thường Tường. Nước Trung Hoa có trường học từ đời Đế Thuấn.

          Suốt 61 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn, hát khúc Nam Phong mà thiên hạ thái bình, vạn dân an cư lạc nghiệp. Sau thấy con là Thương Quân kém tài, nên Vua Thuấn truyền ngôi cho ông Võ lập ra nhà Hạ. Đế Thuấn đi tuần thú phương Nam tới đất Thương Ngô thì băng hà. Ở ngôi 61 năm, thọ được 101 tuổi.

          NGHIÊU: là Đế Nghiêu (2357-2256, Tr.TL). Vốn là con của Đế Cốc, họ Y Kỳ, tên là Phòng Huân. Khi Đế Chí là huyền tôn của Hoàng Đế nhu nhược, thì các chư hầu đồng tôn Phòng Huân lên ngôi, đóng đô ở Bình Dương (nay thuộc Lâm Phần, Hà Đông, tỉnh Sơn Tây), lấy Quốc hiệu là Đào Đường. Vua chăm lo việc triều chính, đem nhân đức cai trị dân.

          Nhân vua Hùng Vương thứ nhứt nước Văn Lang (Việt Nam ngày nay), có bắt được con Thần Qui ba chân, trên lưng có khắc chữ “Khoa Đẩu”, ghi từ khai thiên lập địa tới giờ. Vua Hùng liền sai sứ giả đem dâng cho vua Nghiêu.(Quốc sử diễn ca có câu:“Thần Qui đem tiến Đào Đường, Bắc Nam từ đấy giao bang là đầu”).Vua Nghiêu sai ông Hy Hòa căn cứ theo đó mà lập ra qui lịch, cho dân biết thời tiết làm ruộng. Trong qui lịch ấy, người ta lấy sự tròn khuyết của mặt trăng mà phân thành tháng năm và thời tiết, nên gọi là âm lịch. Những ngày đầu năm gọi là Tết Nguyên đán và danh từ ba ngày xuân nhựt có từ đấy. Lịch ấy tính ra mỗi năm có 360 ngày, cứ 4 năm thì có 1 năm nhuần. Những người làm lịch sau nầy đều coi theo đó mà làm.

          Dân chúng sống thời vua Nghiêu rất sung sướng, nhà khỏi đóng cửa, tiền của rớt ngoài đường không ai lượm lấy…Khắp nước đều thanh bình an lạc nên giềng mối nước nhà được vững bền.

          Tuy vua Nghiêu có tới 11 người con, 9 trai 2 gái, nhưng vua xét không người nào có đủ tài đức nối ngôi; nên khi nghe ông Thuấn là bậc Đại hiếu, liền triệu về gả con và truyền ngôi. Vua Nghiêu trị vì được 101 năm.

 

CHÁNH VĂN

125.- Thương trần-thế kể sao cho xiết,

Mượn xác-trần bút tả ít hàng.

Kể rõ ràng những việc lầm-than,

128.-Mặc làng xóm muốn nghe thì chép.

Việc tu-tỉnh Khùng không có ép,

Cho giấy vàng Điên chẳng có nài.

Lòng yêu dân chẳng nệ vắn dài,

132.-Cho bổn-đạo giải khuây niệm Phật.

Việc xảy đến Đây truyền sự thật,

Ấy là lời của Phật giáo-khuyên. 

Rán nghe lời của kẻ Khùng-Điên,

136.-Phật, Tiên, Thánh hãy nên trọng kỉnh.

Bịnh ôn-dịch cũng đừng mời thỉnh,

Cõi ngũ-hành chẳng khá réo-kêu.

Hãy gìn lòng chớ khá dệt-thêu,

140.-Nói xiên-xỏ cũng không no béo.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 125 tới câu 140)

          -Vì lòng quá thương xót chúng dân, nên Đức Thầy mượn bút mực viết ra Sấm Giảng, Ngài kể rõ cảnh thống khổ, nhơn sanh phải gánh chịu sắp tới đây. Mặc tình cho bá tánh, ai nhận thức được lời Kệ giảng thì chép lấy mà học hỏi tu hành. Chớ việc trau thân gìn Đạo, hoặc trị bịnh cho chúng sanh, Ngài không nài ép một ai.

          -Bởi lòng từ ái, Ngài chẳng ngại sự gian lao cực nhọc, miễn sao cho mọi người bớt thảm khổ, để lo làm lành niệm Phật. Còn những trạng huống sắp xảy ra tới đây, là do Đức Phật sắc lịnh cho Đức Thầy truyền ra cho người đời được biết, chớ chẳng phải tự Ngài bịa đặt hay nói ngoa một điều nào.

          -Ngài luôn kêu gọi bá tánh, từ đây nên kính trọng Phật, Tiên, Thần, Thánh và ngăn chừa khẩu nghiệp, không nên trù rủa con cháu, hoặc kêu Thần Thánh mà sai khiến. Nhứt là nên bỏ dứt những lời thêm thừa huyễn hoặc, nói xiên mắng xéo chòm xóm. Vì các lời ấy chẳng đem lại bổ ích gì mà chính mình phải mang lấy khẩu nghiệp, tự chuốc lấy họa hại.

          Như vào năm 1939, lúc Đức Giáo Chủ còn truyền Đạo tại Tổ Đình PGHH. Một hôm Ngài đang nói chuyện với khách bỗng dừng lại, đứng phắt dây, hướng mắt ra cửa, nói lớn:

          -Đem đi đâu vậy ! Đem về đi ! Mượn người ta bắt thì mang ơn người ta chớ !

          Lúc ấy chẳng ai hiểu Đức Thầy muốn nói gì, đồng ngó theo ra cửa, thì thấy một bà lão, từ trên chiếc xe lôi đang bước xuống, trên tay bồng em bé độ bảy, tám tuổi đau oặt òa oặt oại đi vào. Bà lão vừa đặt đứa bé xuống bộ ván ngựa, thì Đức Thầy cũng vừa lập lại câu nói lúc nãy:

          -Đem đi đâu vậy ! Đem về đi ! Mượn người ta bắt thì mang ơn người ta chớ !

          Bà lão tỏ vẻ lo lắng, giọng trầm buồn bạch với Ngài:

          -“Bạch Thầy ! Nhờ Thầy ra ơn từ bi cứu giúp giùm cháu tôi. Số là buổi chiều hôm qua dâu tôi là mẹ đứa nhỏ nầy, vì tức giận mà rủa nó: nào ôn dịch đại càn vật, nào ngũ hành bắt đủ thứ…Một lát sau là nó phát bịnh tới giờ”. Bằng một giọng rầu rầu tha thiết, bà nói tiếp:“Nó đau nặng quá Thầy, xin Ngài làm phước cứu giùm nó !”.

          Thật vậy, đứa bé kia chỉ còn chút hơi thở yếu ớt mà thôi. Nên chi, dầu nói vậy, nhưng Đức Thầy trót đã:“Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa”. Nên Ngài phải:“…dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh, để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi…”, Ngài liền đi ngay lại bàn Phật sớt chung nước lã đem đưa bà lão, bảo cho đứa bé uống. Chẳng mấy chốc, đứa bé tỉnh lại như thường.(Dẫn theo Chuyện Bên Thầy 1).

            Do đó Đức Thầy mới khuyên (trong quyển Khuyến Thiện):

                   “Bịnh ôn dịch cũng đừng mời thỉnh,

                     Cõi ngũ hành chớ khá réo kêu”.

          Và:     Chư Thánh Thần đâu có mất lòng,

                     Mà kêu réo Đông Tây Nam Bắc”. 

 

CHÚ THÍCH

          BÚT TẢ: Bút là cây viết, đồ dùng để biên chép. Tả là chép ra, vẽ ra, bày tỏ vấn đề gì bằng giấy mực sách vở.

          LẦM THAN: (Xem chú thích câu 7 bài Sứ Mạng).

          CHO GIẤY VÀNG: Lúc Đức Thầy mới khai Đạo có trị bịnh cho bá tánh bằng cách cho họ uống giấy vàng hoặc đốt để vô chén nước, hay xé nhỏ vò tròn mà uống; thế mà vẫn hết bịnh mau lẹ hơn uống thuốc, như Ngài từng dạy:

                   “Có đeo bịnh tật vào thân,

                  Giấy vàng xé nhỏ vái thần độ vô.

                     Thành lòng nước lã nên hồ,

                  Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban”.

                                       (Từ giã bổn đạo khắp nơi)

          CHẲNG NỆ VẮN DÀI: Không ngại sự cực khổ nhiều ít hay mau lâu. Sám Giảng Q.3 có câu:

                   “Chữ tu hãy rán miệt mài,

              Đừng kể vắn dài, đừng nệ mau lâu”.

          TRỌNG KỈNH: Trọng vọng và tôn kính.

          BỊNH ÔN DỊCH: Bệnh dịch tả, tức bịnh cảm gió ói ỉa, ai vướng vào bịnh nầy rất khó trị. Ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:“Chết mà chẳng thấy trối than, Là kêu ôn dịch nên mang khốn nghèo”. Đức Thầy bảo:

                   “Cõi âm thần bịnh sái dịch ôn,

                      Chờ mãn phước ra tay bẻ họng”.

                                                (Nang thơ Cẩm tú)

          NGŨ HÀNH: Năm chất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cũng gọi là năm vị thần xem xét và thưởng phạt việc tội phước của mọi người ở thế gian. Có thể làm thiệt mạng những người hung ác, hoặc hết phước. Ông Sư Vãi có nói:“Chết mà còn nói, còn cười, Là khi trong cõi Ngũ hành chẳng linh”.Và Ngài còn cho biết năm vị ngũ hành ấy là:

                   “Năm vị con vua Ngọc Hoàng,

               Cho nên cõi thế coi mà năm cung.

                     Đại Giang là Liễu Lục Cung,

               Coi về cõi nước chuyển luân cho trần.

                     Đại Lâm là Mộc tinh Quân,

               Coi trong thảo mộc vạn dân đều nhờ.

                     Đại Địa là vị Thổ Quan,

                  Coi về sở đất cho trần hạ đây.

                     Vạn dân gia đạo an hòa,

               Hoặc là tử táng cũng là thổ quan.

                     Hỏa tinh là vị lửa hồng,

                Làm cho chín vật được trần độ thân.

                     Kim Tinh là vật báu châu,

                Có diêm có mễ mà nuôi cõi trần.

                     Năm vị vốn thiệt năm Thần,

                Chẳng thiếu nợ trần sao lại réo kêu ?”

          -Ngũ Hành còn chỉ cho năm vị Phật Vương, chưởng quản việc sản sanh vật chất để nuôi dưỡng vạn loại chúng sanh, gồm có:

          1- Đông Phương Giáp Ất Mộc Thanh đế Chí công Vương Phật.

          2- Tây Phương Canh Tân Kim Bạch đế Lãng công Vương Phật.

          3- Nam Phương Bính Đinh Hỏa Xích đế Bửu công Vương Phật.

          4- Bắc Phương Nhâm Quí Thủy Hắc đế Hóa công Vương Phật.

          5- Trung Ương Mồ Kỷ Thổ Huỳnh đế Đường công Vương Phật.

          (Đức Phật Thầy Tây An khi xưa có truyền cho Đức Cố Quản cắm 5 cây thẻ quanh vùng Thất Sơn để bày trừ những cuộc trấn ếm của người Tàu, ý muốn ngăn chận các địa huyệt hiển linh của nước ta. Mỗi cây thẻ có đề theo ngũ hành là:

1-     Tại làng Vĩnh Hanh, tỉnh Long Xuyên, phía trong Hang Tra, gọi là “Đông Phương Thanh Đế”.

2-     Tại Ngã bát, rạch Cái dầu, làng Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, Châu Đốc, gọi là “Bắc Phương Hắc Đế”.

3-     Tại Bài Bài, trên bờ kinh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, gọi là “Tây Phương Bạch Đế”.

4-     Tại Giồng Cát rừng Tràm, Hà Tiên, gọi là “Nam Phương Xích Đế”.

5-     Tại phía trước núi Cấm, bên cạnh giếng nước mà Đức Phật Thầy cho đào khi trước, làng Tú Tề, Châu Đốc, gọi là “Trung Ương Huỳnh Đế”.).

-Ông Sư Vãi cũng bảo:

                   “Cõi trần mà đặng bình an,

              Nhờ đâu mà lại chê hàng Ngũ Vương.

                     Hóa sanh vạn vật nuôi mình,

               Cũng là trong hội Ngũ Vương vậy mà”.

          DỆT THÊU: Nghĩa của chữ vọng ngữ. Ý nói đã dệt thành vải, còn thêu thêm hình nầy hình nọ cho nổi lên. Nên dệt thêu có nghĩa là đặt điều nói thêm. Đức Thầy từng bảo (trong quyển Khuyến Thiện):

                      “Ghét người thời kiếm chuyện dệt thêu,

                         Thương viện lẽ thấp cao bào chữa”.

          NÓI XIÊN NÓI XỎ: Nói xâm xỉ, châm chọc cách vách. Kích bác người nầy mà ám chỉ người khác. Mắng xiên mắng xéo người ta:

                    “Có người nói xéo nói xiên,

          Chú muốn kiếm tiền nói gạt bá gia”.(Sấm Giảng Q.1)

 

CHÁNH VĂN

141.- Đời Nguơn-Hạ ngày nay mỏng-mẻo,

Khuyên thế-trần hãy rán kiêng-dè.

Mặc tình ai lên ngựa xuống xe,

144.-Ta chẳng có ham nơi phú-quí..

Trong bổn-đạo từ nay kim-chỉ,

Đói với nghèo sắp đến bây giờ.

Vì thương đời nên Lão kể sơ,

148.-Cho bá-tánh rõ lời châu ngọc.

Nước Nam-Việt ai là thằng ngốc,

Người đời nay như ốc mượn hồn.

Chim tìm cây mới gọi chim khôn,

152.-Người hiền-đức mới là người trí. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 141 tới câu 152)

          -Đoạn nầy ý nói cuộc đời Ngươn hạ sắp đến ngày biến hoại, nên Đức Thầy khuyên bá tánh, từ đây rán dè dặt trong việc xử thế, lo thi hành nhân nghĩa, tránh xa điều tội ác để khỏi vương mang khổ lụy sau nầy.

          -Mặc cho người đời sống cảnh giàu sang đài các, riêng phần Ngài đã:“Xa nơi tranh đấu lợi danh, Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria”.(Khuyến Thiện Q.5). Và Ngài kêu gọi mọi người không nên xa hoa phung phí, mà phải lo ăn cần ở kiệm, vì cảnh nghèo đói sẽ kề bên lưng: “Nghèo với đói từ đây sẽ biết, Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài”.(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4).

          -Bởi lòng từ bi bác ái, Ngài mới phân bày cho chúng dân được rõ, tâm địa của con người thời nay, quá mê si tội ác (lòng lang dạ thú). Họ thực hiện bao mánh khoé gian hùng, điêu xảo để lừa bịp thế gian. Cho nên Đức Giáo Chủ khuyên mọi người, phải khôn ngoan sáng suốt trong mọi vấn đề, và cần phải:“Chọn nơi nào Đạo Chánh phượng thờ. Thì mới được thân sau cao quí”.(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4).

CHÚ THÍCH

          NGƯƠN HẠ:(Xem chú thích đoạn 5 bài Sứ Mạng)

          MỎNG MẺO: (Xem chữ mỏng manh câu 37, Q.1)

          KIÊNG DÈ: Kiêng cữ, dè dặt kỹ lưỡng để tránh sự đụng chạm thất bại.

          LÊN NGỰA XUỐNG XE: Do thành ngữ “Lên xe xuống ngựa”. Ý chỉ sự sang trọng sung sướng, ăn xài xa xí. Đức Thầy thường khuyên:

                   “Đừng ham lên ngựa xuống xe,

                   Ăn xài phí của lụa the làm gì”.(Sám Giảng Q.3)        

          PHÚ QUÍ: Giàu sang quyền quí, nơi sang trọng. Đức Thầy có câu (trong Luận việc tu hành) :

                   “Phú quí tạo đời thêm mệt xác,

                      Tham danh phế Đạo chí đâu yên”.

          KIM CHỈ: (Xem chú thích câu 892, Q.1)

          LỜI CHÂU NGỌC: Cũng gọi là “lời vàng tiếng ngọc”, tức những lời khuyên dạy quí báu như vàng ngọc, đáng ghi nhớ; vâng lời. Truyện Kiều có câu:

                   “Nàng rằng: Vâng biết ý chàng,

                Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.

          Trong Thiên lý ca, Đức Giáo Chủ bảo:

                   “Lời châu ngọc khuyên ai để dạ,

                     Nay gặp người quái lạ tỏ phân”.

          THẰNG NGỐC: Do chữ “ngốc tử”. Có nghĩa người ngu, kẻ mê muội nhu nhược, không thấy xa hiểu rộng, chẳng hề nghĩ đến việc hư nên tốt xấu sau nầy.

          ỐC MƯỢN HỒN: Một loại động vật ở dưới nước hoặc theo bãi cát, hình giống con tôm, đầu có đủ: râu, mắt, càng, que xem rất dị hợm; nhưng mình nó như cục thịt tròn và mềm, không có vỏ cứng, phải chui vào vỏ ốc mà trốn các thủy tộc khác. Người ta thường lầm là ốc, nhưng ruột nó lại là thứ khác.

          Nghĩa bóng chỉ cho hai trường hợp:

          1- Chỉ cho hạng người sống tạm bợ, bấp bênh chẳng có nhà cửa căn cứ.

          2- Chỉ cho hạng “mặt người lòng thú”. Tuy thấy là con người, nhưng lòng dạ của họ vô cùng độc ác, gian xảo, thường lừa gạt ám hại kẻ hiền lương. Ông Sư Vãi Bán Khoai đã cho biết:“ Ác nhơn như ốc mượn hồn,

                             Đừng thấy tu niệm ỷ khôn mà cười”.

          CHIM TÌM CÂY MỚI GỌI CHIM KHÔN, NGƯỜI HIỀN ĐỨC MỚI LÀ NGƯỜI TRÍ: Hai câu nầy ý dạy: chim khôn thì tìm nơi có cây cao kín đáo mà đậu tất được sống an lành, khỏi bị bẫy dò của người ám hại, hoặc giả trời sắp giông bão, những chim khôn tự sớm tìm các rừng cây ẩn núp để khỏi bị tai nạn.

          Còn người trí lúc nào cũng ăn ở hiền đức. Vì rằng: dù người có tài trí, uy dũng đến đâu mà thiếu đức thì chẳng thành công bền vững, như phe Hạng Võ chẳng hạn…Còn những người hiền đức luôn đặng vững bền và làm việc gì cũng được kết quả vẻ vang, như phía Hán Bái Công.

          Cho nên, về mặt đời, ta nên chọn nơi nào có đức hạnh, có đường lối chánh nghĩa mà nương theo mới được yên lành bền vững:“Chim khôn lánh bẫy, lánh dò, Người khôn lánh chốn hồ đồ mới khôn”.(Tục ngữ). Hoặc là:“Chim khôn lựa cây lành mà đỗ (đậu), Tôi hiền lựa chúa Thánh mà thờ”.

          Về phương diện đạo đức thì người tu nên tìm con đường Chánh Đạo, có tôn chỉ, mục đích giải thoát mà qui y, mới gọi là người trí và sau nầy được liễu ngộ:

                   “Chim khôn lựa cây lành mà đậu,

                     Người khôn tìm chánh Đạo mà thờ.

                     Đừng học theo những thứ bá vơ,

                     Mới có thể gặp cơ tỏ ngộ”.

                             (Thần cơ Thật luận của Thanh Sĩ)

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng ân cần dạy bảo:

                   “Lựa cho phải kèo xưa danh mộc,

                     Đừng để lầm thợ khéo sơn da.

                     Thì sau nầy đến lúc phong ba,

                     Giông gió lớn cột kèo khỏi gãy”.

                                          (Giác mê Tâm kệ, Q.4)

 

CHÁNH VĂN

153.- Theo Phật-Giáo sau nầy cao-quí,

Được nhìn xem Ngọc-Đế xử phân.

Lại dựa kề Bệ-Ngọc Các-Lân,

156.-Cảnh phú quí nhờ ơn Phật-Tổ.

Thấy bá-tánh nhiều điều tai-khổ,

Khùng thương dân nên phải hết lời.

Dạo Lục-Châu chẳng có nghỉ-ngơi,

160.-Mà lê-thứ nào đâu có biết.

Dạy Đạo chánh vì thương Nam-Việt,

Ở Cao-Miên vì mến Tần-Hoàng.

Trở về Nam đặng có sửa-sang,

164.-Cho thiện-tín đuợc rành chơn-lý. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 153 tới câu 164)

          -Đức Giáo Chủ cho biết: nếu ai sớm quy y Phật Pháp, tu thân hành Đạo thì sau nầy được hưởng nhiều điều quí báu: Nào được xem luật Trời thưởng phạt, nào thụ hưởng cảnh quí báu, do Phật Tổ ban cho. Bởi chừng đến đó:

                   “Phuơng Nam rạng ngọc chói lòa,

                     Lưu ly hổ phách mấy tòa đài cung.

                     Dành cho kẻ lòng trung chánh trực,

                     Quân cùng thần náo nức vui tươi,

                         Liên Hoa đua nở nụ cười,

                 Rước tôi lương đống chào người chơn tu”.

                                      (Xuân Hạ tác cuồng thơ)

          -Thấy trong bá tánh đang gánh chịu biết bao tai khổ, nên Đức Thầy động lòng từ bi hết lời khuyên bảo. Ngài cũng đã vân du khắp sáu tỉnh miền Nam để tùy phương thức tỉnh, thế mà trong dân thứ có mấy ai được rõ.

          -Thời gian trước đây, có lúc Ngài dạy Đạo cứu dân ở đất Miên, bởi thấy vua tôi nước nầy sắp vương cảnh khổ. Nay vì quá thương dân tộc Việt Nam nên Ngài trở lại đất nước nầy khai truyền chánh Đạo, hầu giúp cho thiện nam tín nữ rõ thông đường lối tu hành.

 

CHÚ THÍCH

          PHẬT GIÁO: Giáo lý nhà Phật, là Đạo Phật, một nền Đạo lớn nhứt trên thế giới, phát khởi từ cõi Thiên Trước (Ấn Độ), do Đức Thích Ca Mâu Ni làm Giáo Tổ. Là một nền Đạo dạy người tự tỉnh, tự tu, tự ngộ, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, tức là thành Phật. Nhằm mục đích giải khổ cho cả nhân loại chúng sanh.

          Sau khi Phật Thích Ca tịch diệt thì Tổ Tổ tương truyền và các nhà tu đắc đạo tiếp tục quảng bá Đạo Phật khắp dân gian. Hiện giờ có trên 800 triệu tín đồ, chiếm tỷ số 1/3 thế giới.

          Song chữ Phật giáo ở đây có ý chỉ cho PGHH, vì Đức Phật Tổ sắc chỉ cho Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm xương minh Đạo Phật trong thời hiện đại:

                   “Ngọc tòa Phật Tổ nấy sai Ta,

                     Xuống cứu thế gian nẻo vạy tà.

                     Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu pháp,

                      Cho đời thấu tỏ Đạo Ma ha”.(Tối mùng Một)

            NGỌC ĐẾ: (Xem chú thích câu 63, Q.2)

          BỆ NGỌC: Bệ là chỗ để thờ, hoặc chỗ để Vua ngồi, nơi ấy là bực cao, xây toàn bằng ngọc ngà châu báu. Đức Giáo Chủ có bảo (trong bài Thiên lý ca):

                   “Ai muốn gần bệ ngọc các lân,

                     Thì phải rán lập thân nuôi chí”.

          CÁC LÂN: Các là gác, lầu, điện đền nội các. Lân là cửa, bực cửa; nói chung là điện đền lầu các. Ý chỉ chỗ cao sang quyền quí của Vua quan ở. Đức Thầy có câu:“Vào các ra đài tột bực giàu sang”.(Sấm Giảng Q.1)

          TAI KHỔ: Tai nạn khổ sở.

          LỤC CHÂU: (Xem chú thích câu 56, Q.1)

          ĐẠO CHÁNH: Cũng gọi là Đạo Phật. Có nghĩa con đường chơn chánh, đúng chơn lý, có diệu năng đưa người giải thoát trần lao. Xưa, Đức Phật có di chúc cho các hàng đệ tử:“Qua đời sau nơi nào có Bát chánh Đạo là Đạo chánh, bằng ngược lại là Đạo tà”. Đức Thầy nay có viết:                   “Bác ái xả thân tầm Đạo Chánh,

                     Độ người lao khổ dạ không phiền”.

                                            (Luận việc tu hành)

          CAO MIÊN: Cũng đọc là Cao Mên, tức là tên nước và dân tộc Cam Bốt, dịch âm chữ Khmer, được Quốc hội nước ấy công khai hủy bỏ từ “Cao Miên”. Từ đó tới giờ, nước và dân tộc họ được gọi tên duy nhứt là Cam Bốt (Cambodge).

          TẦN HOÀNG: Ám chỉ Vua nước Cao Miên. Trong Giảng 11 hồi, ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:

                   “Tôi đâu mà có yên thân,

                Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần.

                     Mến là mến Đức Hoàng Lân,

                Thương là thương lấy vạn dân khổ nàn”.

          Giờ đây Phật lại trở về Nam Việt:

                   “Bấy lâu Phật ở nước Tần,

                  Bây giờ Phật lại trở lần về Nam”.

          THIỆN TÍN: (Xem chú thích đoạn 7 bài Sứ Mạng)

          CHƠN LÝ: (Xem chú thích câu 301, Q.1)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn