8- LỜI CUỐI SÁCH

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 39915)
8- LỜI CUỐI SÁCH

Có nghiên cứu kỹ qua loạt bài trong Quyển Sáu và các bài Pháp ngữ do Đức Thầy sáng tác vào năm 1942 và 1945, chắc các bạn đều thấy đây là phần căn bản, là Tôn chỉ và Yếu Pháp trong Giáo lý PGHH và cũng thấu rõ Ngài dạy gồm đủ các pháp tu từ Nhân thừa tới tối thượng Nhứt thừa, không thiếu sót một phương tiện nào.

          Thế mà thời gian qua có nhiều bạn bên ngoài, cũng như trong nội tình của Đạo nhận thức chẳng giống nhau. Ấy là bởi căn duyên và trình độ của mỗi hành giả không đồng nhau.

          - Có người cho rằng nếu còn tu tại gia và lo hành xử Đạo Nhân thì làm sao giải thoát được.

          - Số khác thì bảo giữa thời Hạ ngươn mạt pháp, chỉ lo tu Nhân cho rồi, chớ tu Phật không kịp đâu !

          Theo ý kiến của soạn giả là trước khi khai vạch con đường để đi đến mục đích, Đức Giáo Chủ PGHH đã từng bước qua và cũng đã thực nghiệm một cách chính xác, rõ ràng mới đem giáo hóa nhân sanh:

                   Kinh nghiệm rồi ta mới diễn ca”.

          Các bạn thử đọc lại một đoạn văn của Ngài: “…Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng “Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại. Ngài dạy rằng “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”.

          Căn cứ theo đây, mỗi hành giả vừa xây đấp cho mình có một nền tảng chắc chắn (phận sự con người) ấy là tu Nhân. Và vừa lo kiến tạo tòa lâu đài Phật Đạo (tìm kiếm chân tánh) đó là tu Phật. Vậy ta phải tìm kiếm chân tánh ở đâu ?

          Đức Thầy có chỉ rõ vị trí:

                   Thấy Đạo lý chớ nào thấy tánh,

                     Còn ẩn nơi tim óc xác phàm”.

Cho nên: “Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm” và lo tu sửa chuyển hóa: “Tu cầu Phật hóa tánh tình, Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao”.

          - Đây quả là Ngài dạy đúng theo tâm ấn: ‘Chánh pháp nhãn tàng Niết Bàn Diệu Tâm…” của Đức Phật đã truyền qua 33 vị Tổ, như Tổ Đạt Ma đã nói:

          “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền.

          Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”.

          Đức Thầy nay luôn kêu gọi: “Vô vi chánh Đạo hỡi người ôi !”

Và:     “Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,

             Cho đời hiểu rõ lý chơn không”.

          Về chương trình cải tiến nhân sinh Ngài chủ trương: “Đời Đạo liên quan rạng chói ngời”. Hành giả đem Đạo hòa đời để cứu đời và thi hành công hạnh Đại thừa Bồ Tát Đạo. Điều tất yếu là lúc nào cũng an nhiên: “Cư trần bất nhiễm, lẫn tục đừng mê” Và:

               “Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,

                 Sắc không không sắc chớ lìa xa”.

Hoặc là: “Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.

          Hơn một lần Ngài đã dạy:

          “Với sự hành đạo của tôi cảnh sống nào tôi cũng có thể sống được. Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành Đạo của mình, chớ những sự tùy tiện về vật chất đối với tôi, không có nghĩa lý gì hết”.

          Vả lại một đấng từ bi cứu thế lúc nào cũng muốn rộng độ các tầng lớp chúng sanh vượt khỏi vòng khổ đau sanh tử. Nhưng vì cơ duyên, trình độ của mỗi hành giả chẳng đồng nhau, nên sự nhận định giáo lý và phát tâm hành Đạo có khác nhau. Song dù cơ duyên, tâm nguyện cỡ nào, hay muốn áp dụng phương tiện gì, tất cả đều phải tiến theo một lộ trình “Học Phật Tu Nhân” đó, và quyết định không để bước ngoài 2 bờ lề tám điều răn cấm, tất ai ai cũng đều có kết quả. Nghĩa là có tu có hưởng, tu tới đoạn nào hưởng đoạn đó, tu tột đỉnh thì kết quả tột đỉnh. Có điều cần chú ý là đã quyết tâm tu tiến, cần thường xem coi kệ giảng và phải:

                    “Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu”.

          Hoặc là:

                   “Nghe cạn lời chớ có mơ hồ,

                   Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”.           

          Thêm nữa, nếu người đứng xa nhìn bên ngoài cái Đạo thì thấy lối tu của PGHH quá thông thường: chỉ mang hình thức tại gia, vừa sanh nhai vừa tu. Cách thờ phượng giản dị, sống hòa hợp với đại chúng, không có sắc thái riêng biệt; tất cả môn đồ đều đối xử bình đẳng như nhau. Lời giáo lý thì bình dân vắn tắt, chỉ vỏn vẹn một quyển Thi Văn Giáo Lý, dầy khoảng 500 trang.

          Song nếu ai chịu khó nghiên cứu sâu vào bên trong của Đạo và thử thực nghiệm một ít điều, sẽ thấy Đức Giáo Chủ áp dụng một phương thức rất hòa hợp với căn cơ đại chúng; và giúp cho các giới tu hành một sự kết quả mầu diệu vô giá !

          Tóm lại PGHH với Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân”, Đức Thầy dạy tín đồ hãy lấy tâm Phật mà hành xử Đạo Nhân. Ban rộng tình thương yêu bình đẳng đến vạn loại chúng sanh, như Ngài đã nói rõ:

                   “Đem nguồn sống mới cho nhơn loại,

                      Để tiến, tiến lên cõi Đại đồng”.

          Và:

                   “Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

                   Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.

                                               

                                                  SOẠN GIẢ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn