Quyển Thượng - Tập 1

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 61451)
Quyển Thượng - Tập 1

LỜI NÓI ĐẦU

 

 Đọc qua bộ SẤM GIẢNG THI VĂN của ĐỨC GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO, chắc ai cũng thấy Ngài “Nối theo chí Thích Ca ngày trước”. Song vì, “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp”, nên Ngài dùng phương tiện “Rút trong các Luật các Kinh” của chư Phật, Thánh, Tiên mà lập thành một giáo thuyết mới; một giáo thuyết có Tông chỉ sáng tỏ, có phương thức tu hành giản dị, giúp cho người hành Đạo dễ đạt đến cứu cánh.

 Giáo pháp của Phật Thánh xưa kia nhiều như rừng như bể, thế mà thời nay Đức Giáo Chủ sáng tác chỉ có một bộ Sấm Kinh dày khoảng 500 trang thì đủ biết Ngài chỉ rút toàn những yếu lược thì đương nhiên trong đó phải hàm súc nhiều ý nghiã. Cho nên, bên cạnh những lời lẽ ôn hòa giản dị, còn thấy có hằng ngàn từ ngữ Phật học, Hán học, hằng trăm từ ngữ văn chương, điển cố, đòi hỏi người tu học phải có nhiều Kinh sách để tra cứu mới mong thấu rõ lý nghiã và dụng ý của Ngài.

 Kinh xưa đã bảo: “Tùng Văn Tư Tu nhập Tam Ma Địa”. Ý dạy người hành Đạo trước phải học, nghe cho rõ ràng, rồi đem chỗ học nghe đó suy nghiệm cho chính xác, phân biệt lẽ thật hư, rõ thông Chân Lý và nhứt tâm phụng hành theo một cách sáng suốt mới vào được cảnh trí thanh tịnh.

 Ngày nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy:

“Coi rồi phải nhận cho hiểu lý”.

 Hoặc là:

“Nghe cạn lời chớ có mờ hồ,

Tìm hiểu nghiã làm theo đắc Đạo”.

 Bởi nhằm mục đích phổ truyền Chánh Pháp và giúp phương tiện cho những ai muốn tìm hiểu về giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, nên Ban Hoằng Pháp Tây An Cổ Tự trước kia và Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương ngày nay đã có biên soạn khá nhiều về tài liệu tu học, Kinh sách và chú thích một số bài trong SẤM GIẢNG THI VĂN của Đức Giáo Chủ. Song với kho tàng Pháp Bảo Phật Giáo Hòa Hảo thì còn vô tận “Đạo Lý tầm sâu sâu chẳng cạn”, thế nên công tác tra cứu biên soạn nầy phải cần có nhiều người tiếp tục và tiếp tục mãi mãi…

 Cách đây mười năm, chúng tôi có ý định chú giải bộ SẤM GIẢNG THI VĂN để cùng các bạn Giảng Viên và Chư Tín Hữu nghiên cứu tu học; nhưng trong những năm đầu tiên Giáo Hội mới tái phục hoạt, công tác giáo sự quá bề bộn nên chúng tôi không đủ thời gian để biên soạn.

 Mãi đến 1974, Học Viện Phật Giáo Hòa Hảo hình thành, các Giảng Viên chúng tôi mới có cơ hội trở về đây tu nghiệp và soạn thảo thêm Kinh sách. Thế là ý định chú giải bộ SẤM GIẢNG THI VĂN mà chúng tôi đã nuôi dưỡng trong tâm trí nười năm trước, giờ đây mới bắt đầu thực hiện.

 Bộ SẤM GIẢNG THI VĂN chú giải nầy, chúng tôi chia làm ba quyển:

 *Quyển Thượng, gồm có bài Sứ Mạng và các quyển: Nhứt, Nhì, Ba, Tư, Năm.

 *Quyển Trung, gồm có các bài văn xuôi như Quyển Sáu và các bài pháp luận trong THI VĂN GIÁO LÝ phần nhì.

 *Quyển Hạ, gồm có những bài văn vần thi thơ trong THI VĂN GIÁO LÝ phần nhì.

 Để cho sự tra cứu tìm học giáo lý được dễ dàng, trước hết chúng tôi chép phần chánh văn từng mỗi đoạn (nếu bài dài), hoặc từng mỗi bài (nếu bài ngắn). Kế đó là phần lược giải đại ý và chú thích các từ ngữ.

 Ở đây chúng tôi chỉ lược giải và chú thích các từ Hán Học, Phật Học, các thành ngữ văn chương, điển tích và những pháp môn hành Đạo. Còn phần Thiên Cơ thì không dám bàn đến. Tuy nhiên, cũng có thể xác định một ít sự trạng đã xảy ra để chứng minh cho việc sắp tới. Về các bài thi thơ hoàn toàn bằng Hán Văn mà Đức Giáo Chủ viết bằng chữ Việt, chúng tôi dành lại ở một dịp khác.

 Công việc biên soạn cần phải có nhiều công phu và dành một thời gian khá dài, nhưng ở đây chúng tôi làm với khả năng còn sơ kém và thời gian quá cấp bách thì điều khuyết điểm hẳn nhiên phải có. Vậy nhờ các bậc Thượng Thiện Tri Thức và Chư Tín Hữu điểm xuyết cho những chỗ còn thiếu sót. Chúng tôi xin thành kính nhận lãnh và đa tạ.

 Viết tại Học Viện Phật Giáo Hòa Hảo

 Kim Cổ Tự, Quận Chợ Mới

 Mạnh Xuân năm Ất Mão (1975)

 Thiện Tâm

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn