IV- CHÁNH TINH TẤN

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42385)
IV- CHÁNH TINH TẤN

CHÁNH VĂN

          CHÁNH TIN-TẤN.- Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới.

          Phái vô thần luận thường cho rằng thân xác tức là con người. Thân còn tức là ngưòi còn, thân mất, người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không quả báo luân hồi; cũng chẳng có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên, biết bao nhiêu mánh-khoé gian-hùng, bao nhiêu ngón điêu-ngoa xảo trá, bao nhiêu tàn bạo ngược-ngang đều được đem ra dùng cả thảy.

          Vì vậy, mục Chánh tinh-tấn này khuyên hãy rán giữ đức tin cho mạnh mẽ. Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng lôi kéo được. Và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu-vớt quần-sanh thoát nơi khổ-hải của Đức Thế-Tôn, phải nhớ rằng sanh-linh đang chìm đắm trong bể hồng trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng-sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn-phận giác-ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cay nghiệt. Muốn thế, trước hết phải tìm phương tự-giác, nhắm cảnh Niết-Bàn tấn tới, quyết chí tu hành đắc thành Đạo quả hầu dắt dìu bá tánh thập phương xa miền tục lụy. Người bỏ hết các sự rầu buồn các điều tà vạy, dẹp lục-căn lục-trần và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện mỹ, yên tịnh, hỉ-lạc, nghiêm-trang quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết-Bàn đặng có tế độ chúng-sanh thoát luân-hồi quả-báo.

 

LƯỢC GIẢI

(Chánh thứ tư trong Bát Chánh)

1- ĐỊNH NGHĨA:

            - CHÁNH TINH TẤN: là tín ngưỡng chơn chánh, bền chắc và lướt tới một cách hăng hái mạnh mẽ.

          - TÀ TINH TẤN: là mê tín theo tà thuyết, chần chờ, giải đãi, nghi ngờ Trời Phật.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Bởi óc dễ tin, nghi ngờ và hột giống giải đãi, yếu ớt có sẳn trong tâm thức con người từ vô thỉ, nên khi gặp sự tuyên truyền của các tà thuyết, vô thần hoặc dục tình cám dỗ, vật chất cuốn lôi, liền  nghe theo.

3- HÀNH TRẠNG TÀ TINH TẤN:

          a)- Không tin có Trời Phật Thần Thánh, quả báo luân hồi, tội phước hay thiên đường, địa ngục hoặc linh hồn.

          b)- Chỉ lo tranh đấu mạnh được yếu thua.

          c)- Tạo những tội lỗi, mánh khoé gian hùng, điêu ngoa xảo trá, tàn bạo ngược ngang.

          d)- Áp bức mọi người để có quyền uy và thụ hưởng trên hết.

4- TAI HẠI TÀ TINH TẤN:

          Người sống theo tà tinh tấn có những tai hại:

          a)- Mất chánh tín.

          b)- Gây đau khổ muôn loài.

          c)- Bị nghiệp chướng kéo dài trong luân hồi sanh tử.

          d)- Dù có tu, song giải đãi yếu ớt nên rất lâu thành đạo giải thoát.

5- HÀNH CHÁNH TINH TẤN:

          Muốn đạt được Chánh tinh tấn, ta cần phải:

          a)- Giữ chánh tín mạnh mẽ, sáng suốt, không để uy quyền hay thị dục lôi cuốn. Đức Thầy khuyên:

                   “Chánh Tinh tấn dầu thành hay bại,

                   Cứ một đường tín ngưỡng của mình.

                   Dầu cho ai phá rối đức tin,

                   Ta cũng cứ một đường đi tới”.

          b)- Luôn nhớ đến công cuộc cứu vớt quần sanh của Đức Thế Tôn.

          c)- Chúng sanh còn khổ thì ta cũng đồng khổ với họ.

          d)- Xét vì ta có bổn phận giác ngộ trần gian, xa rời tục lụy. “Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới, quyết chí tu hành đắc thành Đạo quả”.

          e)- Cương quyết dẹp các điều tà vạy và lục căn, lục trần.

          g)- Rèn luyện các đức tánh:“Thiện mỹ, yên tịnh, hỷ lạc, nghiêm trang”:

                   “Thứ năm tinh tấn hội đàm,

            Sạch trong kỹ lưỡng mà làm mới ngoan”.( ĐT)

6- LỢI ÍCH:

          Người hành được chánh tinh tấn sẽ đặng nhiều điều lợi ích:

          a)- Đường tu không còn nghi ngờ do dự, luôn thi hành chánh tín một cách mạnh mẽ.

          b)- Không còn bị tà thuyết, vô thần hay thị dục lôi cuốn.

          c)- Được chư Thiên và mười phương Phật hộ trì.

          d)- Tế độ được vô số chúng sanh tu hành giải thoát.

          e)- Sớm đạt được diệu trí và vào bực bất thối.

          g)- Được lực vô úy và chóng thành Đạo Bồ đề.

7- KẾT LUẬN:

          Tóm lại khi hành được chánh tinh tấn không còn thối đọa trong ba đường ác, tâm hồn luôn tự tại trong cuộc hóa độ chúng sanh các cõi.

 

CHÚ THÍCH

          VÍA: Một phần trong linh hồn con người lúc còn sống. Người ta  thường nói hết hồn hết vía, hay nhẹ bóng vía.

          MÁNH KHÓE: Mưu mô xảo trá.

          GIAN HÙNG: Dối trá xảo quyệt. Đức Thầy có câu:

                   Lũ gian hùng mang lấy họa ương,

                    Trời đất xử những người bội phản”.

          ĐỨC TIN: Sự tin tưởng về Đạo đức cao cả.

          BỨC BÁCH: Ép buộc thúc giục.

          TÍN NGƯỠNG: Lòng tin tưởng và ngưỡng mộ.

          ĐỨC THẾ TÔN: Một trong 10 hiệu của Phật Thích Ca, có nghĩa cả ba cõi thế gian đều tôn Ngài là Thầy, là đấng Cha lành:

                   Ngài là vua Pháp tột cao,

               Khắp trong ba cõi chẳng sao sánh tài.

                      Tiên người đồng kính Đạo Thầy,

               Cha lành hết cả bốn loài chúng sanh”.( ĐT)

          GIÁC NGỘ: Nghĩa của chữ Phật (đấng Giác ngộ), nhưng bốn chữ “Giác ngộ trần gian” ở đây có nghĩa là tỉnh thức kẻ còn mê trong cõi trần.

          OAN TRÁI: Nghiệp nợ do mình tạo tội ác, oan nghiệp kiếp trước mà kiếp nầy phải trả.

          TỰ GIÁC: Tự mình tỉnh ngộ sáng biết, tự giác là một trong tam giác của Phật (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn).

                   Lòng tự giác xả thân tầm Đạo”.( ĐT)

          NIẾT BÀN: Phiên âm của Phạn ngữ, Tàu dịch có nhiều nghĩa. Ở đây chỉ giải một ít nghĩa:

          1-DIỆT ĐỘ: Một nơi hoàn toàn an nhiên tịch tịnh, không còn hoặc nghiệp phiền não sanh tử luân hồi.

          2-VIÊN TỊCH: Công đức viên mãn trùm khắp sa trần gọi là Viên; trí huệ cụ túc, dứt sạch nghiệp chướng khổ lụy gọi là Tịch. Cũng chỉ trở lại bản tâm viên tịch để thoát trầm nịch khổ hải.

          3-BẤT SANH BẤT DIỆT: Chẳng còn một niệm sanh, nên chẳng còn sự chết khổ:“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.( ĐT)

          Ngoài ra Niết Bàn cũng còn có nghĩa là vô vi, tịch diệt, giải thoát và an lạc…

          LỤC CĂN: Sáu căn, tức là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nó hay xúi giục tâm hồn người ô nhiễm theo sáu trần. Nó cũng gọi là 6 con giặc (lục tặc).

          LỤC TRẦN: Sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Đức Thầy dạy:

                   Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần”.

          YÊN TỊNH: Lặng lẽ trong sạch.

          HỈ LẠC: Vui mừng vì không còn các nỗi khổ làm bận tâm, chẳng phải như chữ hỉ lạc trong thất tình.

          NGHIÊM TRANG: Đoan trang nghiêm chỉnh.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa Chánh tinh tấn và Tà tinh tấn ?

          2/-Lý do nào sanh Tà tinh tấn ?

          3/-Hành trạng Tà tinh tấn ra sao ?

          4/-Người còn tà tinh tấn có tai hại gì ?

          5/-Muốn có Chánh tinh tấn phải làm sao ?

          6/-Người có chánh tinh tấn được lợi ích gì ?

          7/-Hãy giải nghĩa chữ Niết Bàn ?

          8/-Lục căn lục trần là gì ? Và muốn dẹp nó phải làm sao ?

          9/-Muốn được yên tịnh phải rèn luyện bằng cách nào ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn