I- ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 48250)
I- ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ

I- ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ

 

CHÁNH VĂN

          ÂN TỔ-TIÊN CHA MẸ : Ta sanh ra cõi đời được có hình-hài để hoạt-động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, Cha Mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra Cha Mẹ là nhờ có Tổ-Tiên, nên khi biết ơn Cha Mẹ, cũng có bổn phận phải biết ơn Tổ-Tiên nữa.

          Muốn đền ơn Cha Mẹ, lúc Cha Mẹ còn đang sanh-tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng làm phiền lòng Cha Mẹ. Nếu Cha Mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân-đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn-cản. Chẳng thế, ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho Cha Mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau; gây sự hòa hảo trong đệ-huynh, tạo hạnh-phúc cho gia đình cho Cha Mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho Cha Mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc Cha Mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh-hồn được siêu-thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân.

          Còn đền ơn Tổ-Tiên, ta đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu Tổ-Tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy-sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục Tổ đường

LƯỢC GIẢI

          Cổ Đức từng bảo:“Trời đất có bốn mùa, mùa Xuân là đứng đầu. Người có trăm hạnh, Hiếu là trước nhứt”.(Thiên địa tứ thời Xuân tại thủ, nhơn sanh bách hạnh Hiếu vi tiên.) Đức Thầy nay đã dạy:“Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu”.

          Nhà tu muốn vẹn tròn hạnh hiếu trước phải biết công ơn Tổ Tiên cha mẹ.

1.-LÝ DO THỌ ƠN CHA MẸ

          Cây có cội, nước có nguồn, con người sở dĩ có thân, không phải chuyện ngẫu nhiên mà phải nhờ bao nhiêu công ơn của cha mẹ. Từ khi còn nằm trong bào thai, sanh ra và nuôi dưỡng cho đến lúc nên người. Công ơn ấy sách Thánh gọi là chín chữ Cù Lao:“Phụ hề sanh ngã, Mẫu hề cúc ngã; ai ai phụ mẫu sanh ngã Cù lao dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”.(Chín chữ Cù Lao là: Sinh: Cha sanh. Cúc: Mẹ đẻ. Phủ (?): vổ về. Dục: nuôi dạy cho khôn biết. Cố: trông nom. Phục: quấn quít. Phủ (?): nâng nhắc. Súc: nuôi cho lớn vóc. Phúc: bồng ẳm.) Còn Kinh Phật đã diễn tả qua 10 điều ơn của người con thọ nơi cha mẹ.(Mười điều ơn gồm có: 1- Thập ngoạt hoài thai: Mười tháng cưu mang thai nghén. 2- Lâm sản thọ khổ: Sanh đẻ chịu khổ. 3- Sanh tử vong ưu: Sanh được con mừng mà quên lo rầu. 4- Yến khổ thổ cam: Uống đắng nhổ ngọt. 5- Hồi can tựu thấp: Nhường chỗ khô nằm chỗ ướt. 6- Nhũ bộ dưỡng dục: Bú mớm và nuôi nấng. 7- Tẩy trạc bất tịnh: Rửa ráy mọi điều dơ bẩn. 8- Viễn hành ức niệm: Con đi xa cha mẹ nhớ tưởng. 9- Vị tạo ác nghiệp: Vì con mà làm điều chẳng lành. 10- Cứu cánh lân mẫn: Tình thương cha mẹ không có cái thương nào bằng.) Chẳng thế, cha mẹ còn lo dạy dỗ cho con được khôn ngoan ngay thảo, đạo đức đối xử, nghề nghiệp sanh sống và gầy dựng tài sản để lại cho con. Ơn ấy thật sánh tày non biển:

                   Công cha như núi Thái Sơn,

           Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.(Ca dao)

2.- THỌ ÂN TỔ TIÊN

            Xét ra, cha mẹ chẳng phải tự nhiên sanh mà phải nhờ tổ tiên, tức là nhờ ông bà từ trước sanh thành dưỡng dục, như cha mẹ sanh dưỡng ta hiện giờ. Rồi ông bà trước nữa sanh ông bà kế đó…Cứ tiếp tục tương liên từ vô thỉ đến nay. Tổ tiên còn lo tu bồi phước đức, danh thể và tài sản để lại cho con cháu:

                   Khen ai kiếp trước khéo tu,

              Ngày nay con cháu võng dù xuê xang”.(Ca dao)

            Vì thế chúng ta phải mang ơn Tổ Tiên.

3.- PHƯƠNG CÁCH ĐÁP ƠN CHA MẸ

          A)- HIẾU THẾ GIAN: Gồm có vật chất và tinh thần.

          1- Về vật chất là cung cấp cho cha mẹ mọi phương tiện cơm ăn, áo mặc, nhà ở và thuốc thang, chăm sóc khi có bịnh; sớm viếng tối thăm, đắp lạnh quạt nồng. Đức Thầy dạy:

                   Mộ Khan thần tỉnh cần triêu,

                Khỏi cơn hoạn nạn Lam Kiều được lên”.

          2- Về tinh thần: không nên hủy hoại thân xác hay vì sân si buồn khổ mà tự sát. (Buồn giận cha mẹ anh em mà tự sát là có tội lớn. Còn chết vì tổ quốc, và đạo pháp hay bảo vệ tiết nghĩa là tốt.)

            -Làm cho cha mẹ an vui bằng cách: Vâng lời dạy bảo chánh đáng của cha mẹ, gây niềm hòa thuận trong anh em gia tộc, tạo hạnh phúc cho gia đình và khuyên cha mẹ hành thiện, tránh ác.

          B)- HIẾU XUẤT THẾ GIAN: gồm có các điều:

          1- Tu cầu và hồi hướng công đức cho cha mẹ: sống đặng phúc thọ, chết đặng siêu thăng Phật đài.

          2- Tạo lập thân danh tốt lành và quyết chí tu hành đắc đạo để độ rỗi Tổ tiên, cha mẹ ra khỏi sanh tử luân hồi, như Đức Thầy đã dạy:

                   Mục Liên cứu mẹ bằng nay,

                  Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi”.

          Và:     Rán tu đắc đạo cứu Cửu huyền,

                     Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.

                     Ngõ đáp ơn dày công sang tạo,

                     Cho ta hình vóc học cơ huyền”.      

4.-CÁCH ĐÁP ƠN TỔ TIÊN

          a)- Chẳng làm điều gì xấu ác, tệ hại có ảnh hưởng không tốt cho Tổ tiên tộc họ.

          b)- Nếu trước kia Ông Bà ta có lỡ làm điều chi tội lỗi hay tà nghiệp…Giờ đây ta phải chuyển đổi theo chánh nghiệp và hy sinh tinh thần, thể xác vào việc tu thân hành Đạo hầu rửa nhục Tổ Tiên nòi giống.

5.-LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI CÓ HIẾU

          Người đáp ơn Tổ Tiên cha mẹ tất được kết quả:

          a)- Hiện tại được mọi người kính nể mến thương. Địa vị cao quý trong xã hội, như Vua Thuấn đời Ngũ Đế…(Ông Thuấn xưa kia nhờ lòng hiếu thảo rất mực, nên được vua Nghiêu mến đức rước về truyền ngôi.)

            b)- Tương lai chứng đắc Đạo quả và độ được Cửu Huyền Thất Tổ, như Thái Tử La Đề Xà…(La Đề Xà là tiền thân của Đức Phật. Lúc bị vong quốc, Ông cùng Phụ Mẫu bôn đào. Nửa đường bị đói khát, ông lóc thịt nuôi cha mẹ. Trước khi chết còn nguyện hiến bộ xương và gan ruột cho côn trùng. Cảm động đến Trời Phật cho xác thân ông bình phục và sau thâu hồi được đất nước, nhiều kiếp sau thành Phật Thích Ca Mâu Ni.) Đức Thầy hằng bảo:

                   Hiếu trung lòng nhớ chớ quên,

                  Sống lo trọn Đạo thác lên Tiên Đài”.

6.-TAI HẠI CỦA NGƯỜI BẤT HIẾU

          Đức Thầy trách thiện (?) những người không lo đáp ơn Tổ Tiên cha mẹ:

                   Ham công danh quên chữ sanh thành,

                     Mến phú quí quên câu dưỡng dục”.

          Hoặc là: “Nào chưởi cha mắng mẹ lăng xăng,

                      Chẳng kể đến luân thường thảo hiếu”.

          Cho nên người bất hiếu phải vương các khổ lụy:- Sống bị người đời khinh rẻ. - Địa vị thấp hèn. - Chết đọa 3 đường ác.

KẾT LUẬN

          Tóm lại. công ơn Tổ Tiên cha mẹ rất lớn, và hạnh hiếu là đứng đầu trăm hạnh, nên Đức Thầy thường giác tỉnh chúng ta:

                   “Vẹn mười ơn mới Đạo làm con,

                     Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc”.

          Hoặc là:   “Ở ăn cho vẹn mười ơn,

                    Cảnh tình hiền đức gặp cơn khải hoàn”.

 

CHÚ THÍCH

          TRƯỞNG THÀNH: Lớn khôn, người đã lớn từ 18 tuồi trở lên, gọi là trưởng thành.

          TỔ TIÊN: Ông Bà đời trước, và nhiều đời trước nữa.

          BỔN PHẬN: Phận sự, phần việc của mình. Một phần nghĩa của chữ Đạo (Đạo là bổn phận).

          SANH TIỀN: Lúc sống, tiếng dùng nhắc lại một người đã chết.

          CHĂM CHỈ: Chuyên vào một việc, không lo tính chuyện gì khác.

          LẦM LẪN: Cũng gọi là lầm lộn, tức lộn cái nầy qua cái khác.

          HÒA HẢO: Thuận hòa tốt đẹp (lành).

          HẠNH PHÚC: Phước lành, vận may phúc tốt, tức gặp nhiều may mắn, mọi sự được như ý.

          THỎA MÃN: Hài lòng vừa ý, vừa đúng với ý muốn của mình.

          PHƯỚC THỌ: Được hạnh phúc và sống lâu.

          QUÁ VÃNG: Qua đời, chết rồi.

          LINH HỒN: Phần khôn biết trong con người. Linh hồn đối với thể xác, có nhiều tên gọi khác nhau: Bửu Quang, Thần hồn, Tâm hồn, Tâm thức, Hữu hay Ấm…Tất cả đều chỉ cho phần tinh thần của con người.

          SIÊU THĂNG: Vượt cao lên. Ý chỉ sự siêu thoát lên cõi Tiên Phật.

          PHẬT CẢNH: Cảnh giới của chư Phật, đây chỉ cho cõi Cực Lạc:“Cả vạn vật đồng về Phật cảnh”.( ĐT)

          TRẦM LUÂN: Chìm trong bánh xe luân hồi sanh tử. Chỉ cho con người còn luân hồi chưa được giải thoát.

          ĐIẾM NHỤC: Điếm là hòn ngọc có vết; nhục là xấu hổ. Nghĩa chung là làm điều lầm lỗi xấu hổ, ví như hòn ngọc có vết.

          TÔNG MÔN: Dòng họ nhà mình.

          ĐẠO NGHĨA: Đạo đức và nhân nghĩa.

          TỔ ĐƯỜNG: Ông Bà cha mẹ.

 

CÂU HỎI

          1.-Hãy cho biết nguồn gốc xuất xứ Pháp Tứ Ân ?

          2.-Lý do nào ta thọ ơn Cha Mẹ ?

          3.-Tại sao ta phải mang ơn Tổ Tiên ?

          4.-Muốn đền ơn cha mẹ có mấy cách, giải ra ?

          5.-Muốn đền ơn Tổ Tiên phải làm sao ?

          6.-Đáp ơn Tổ Tiên cha mẹ xong được lợi ích như thế nào ?

          7.-Kẻ bất hiếu có tai hại gì ?

          8.-Hãy tóm tắt Ân Tổ Tiên Cha Mẹ ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn