CHÁNH VĂN (Từ câu 53 tới câu 108)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 32192)
CHÁNH VĂN (Từ câu 53 tới câu 108)

53.- Cõi trần-thế hết suy tới thạnh,

Hết lâm nguy đến lúc khải-hoàn.

Tuy tu hành chịu chữ nghèo-nàn,

56.-Sau đắc đạo gặp điều cao-quí.

Mặc bá-tánh đời nầy dị-nghị,

Ta Điên Khùng mà tánh lương-hiền.

Lòng yêu dân chẳng trọng bạc tiền,

60.-Mà dương-thế cứ theo biếm nhẻ.

Sau lập Hội thì già hoá trẻ,

Khắp hoàn-cầu đổi xác thay hồn.

Đức Ngọc-Hoàng mở cửa thiên-môn,

64.-Đặng ban thưởng Phật Tiên với Thánh.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 53 tới câu 64)

          -Thể theo định luật tuần hườn trong vũ trụ, hễ hết suy tới thạnh, qua hồi gian nguy, tới lúc an lạc thạnh hưng. Kẻ tu hành cũng thế, lúc đang hành Đạo phải gặp nhiều gian lao cực khổ, nhưng đến khi quả mãn công viên thì có chi quí báu cho bằng.

          -Thuở Đức Thầy mới khai Đạo, có lắm người chẳng tin nghe, lại còn bài bác, nhưng với lòng từ bi vì muốn cứu độ chúng sanh, chớ chẳng phải vì tiền bạc. Thế mà người đời không chịu xét kỹ, cứ theo nhạo chê phỉ báng.

          -Đức Thầy còn cho biết: tới ngày lập hội sẽ có cuộc thay hồn đổi xác rất mầu nhiệm ký bí, nhiều người già yếu được trẻ đẹp trở lại và có nhiều người tu được đắc thành Phật, Tiên, Thánh. Đó là do phép huyền diệu của Trời Phật ban thưởng cho người có công tu. Còn những kẻ gian tà xảo quyệt, sẽ bị luật đào thải diệt vong:

                   “Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,

                Người tu niệm sống đời thượng cổ”.

                                         (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

 

CHÚ THÍCH

          HẾT SUY TỚI THẠNH: Suy là sa sút, kém yếu, suy bại. Thạnh là sáng sủa, phát đạt hưng thịnh. Đây là định luật xoay vần trong trời đất: hễ hết suy tới thạnh, hết vinh tới nhục, Đức Thầy có câu:

                   “Hưng vong suy thạnh xưa nay,

                   Cuộc đời vay trả, trả vay đổi dời”.

                                              (Viếng làng Phú An)

          LÂM NGUY: Gặp lúc nguy hiểm nghèo ngặt. “Lâm nguy, may được giải nguy”.(Lục Vân Tiên).

          KHẢI HOÀN: Khải là vui mừng; hoàn là trở lại. Khải hoàn là thắng trận vui mừng khi trở lại:“Vui khúc khải hoàn”. Đức Thầy có câu:

          “Dân được vui nhờ lúc khải hoàn”.(Giác Mê, Q.4).

          ĐẮC ĐẠO: Được đạo, đạt đạo. Ý chỉ nhà tu đến khi thành Đạo (diệt trừ hết hạt giống sanh tử, công viên quả mãn). Tùy theo công đức của mỗi người mà chứng đắc quả vị.

          DỊ NGHỊ: Bàn khác, có ý bác đi. Đây ý nói Đức Thầy ra đời khuyên người làm lành, làm phải mà có nhiều kẻ không chịu nghe, lại còn bài bác đủ cách.

          ĐỔI XÁC THAY HỒN: Thay đổi hồn nầy qua xác khác. Cuộc thay đổi nầy có nhiều cách:

          1./ Những người tâm hồn chơn chánh hiền lương nhưng thể xác đã già nua yếu đuối nên đến ngày biến thiên sấm nổ, Trời Phật sẽ cho đổi qua xác khác, trẻ trung mạnh khỏe hơn, như trong Cửu Khúc của ông Ba Thới có nói:

                   ‘Kẻ mất hồn người vía bay xa,

                     Vía bay xa người ta còn lại.

                     Phật đem hườn vía lại thủ thân”.

          Và trong Sấm Giảng 11 hồi, ông Sư Vãi Bán Khoai cũng bảo:

                   “Tu hành nhơn đức thì hơn,

                 Thay hồn đổi xác nhờ ơn cửu trùng”.

          Đức Huỳnh Giáo Chủ nay đã cho biết:

                   “Cổ ngữ hằng ghi thậm khổ đa,

                     Tận diệt nhơn gian trực tiên khoa.

                     Lảo giả hậu qui nhơn ấu giả,

                     Ly kỳ thiên định dĩ thiên la”.

                                      (Lộ Chút Cơ Huyền)

          2./ Sau ba tiếng sấm nổ mọi chúng sanh đều bất tỉnh, người nào hiền đức thì được chư Phật Thánh dùng linh dược cứu sống. Bấy giờ xác thể già xấu được đổi lại đẹp trẻ hơn trước. Hoặc những linh căn có tu hành đầy đủ công đức, nhưng đã bỏ xác từ trước nay được Phật dùng huyền diệu cho sống lại bằng cách “Liên Hoa hóa thân”; như trường hợp Thái Ất Chơn nhơn dùng hoa sen tạo ra xác thể cho học trò là Na Tra. Trong Kim Cổ Kỳ Quan có câu:

                   “Thương cho người sống ít, thác nhiều,

                   Linh đơn Phật rưới mai chiều hóa tiên”.

          Đức Thầy cũng bảo:

                   “Đến hội trăm quan còn hiện được,

                     Thì ra xác thịt có cần đâu ?”

                                      (Cho cô Hai Gương)

          3./ Nguyên tâm tánh của mỗi chúng sanh trước kia đồng một bản thể với Phật Thánh; song vì vọng niệm sai lầm, vô minh điên đảo mà thành ra chúng sanh và luân hồi sanh tử mãi mãi. Nên nay, hễ ai biết giác ngộ và y pháp tu hành đổi vọng tâm phiền não ra tánh Bồ Đề, sửa thân phàm phu ra thân Phật Thánh, tức chứng được Tam Thân bất hoại. (Tam thân gồm có: Thanh tịnh Pháp thân, Viên mãn Báo thân, Thiên bá ức Hóa thân). Bấy giờ chính mình tự thay hồn đổi xác cho mình rồi đấy. Trong Cửu Khúc, ông Ba Thới có câu:

                   “Hết tục rồi lại hóa tiên,

              Giữ lời Phật dạy mới yên mới lành”.

          Nay Đức Thầy đã dạy rõ (trong bài Hoài Cổ):

                   “Tính xong món nợ lần khan,

             Thoát vòng cương tỏa pháp thân nhẹ nhàng”.

          Nói tóm lại, trong ba cách thay hồn đổi xác vừa giải qua, tùy theo công năng tu tập cao thấp, sâu cạn của mỗi hành giả mà được thay đổi rất cân xứng.

          Và hành giả tu tập đến đó sẽ được:

                   “Tiêu diêu Đạo đức luận bàn,

               Vân du võ trụ thanh nhàn biết bao”.(Hoài cổ)

            ĐỨC NGỌC HOÀNG: Cũng gọi là Đức Ngọc Đế. Chỉ cho đấng Chủ tể thượng giới và hạ giới. Theo Lão giáo thì quan niệm rằng: Đức Ngọc Hoàng (Thiên Hoàng) Thượng Đế chưởng quản cõi trời và cõi chúng sanh. Luật thưởng phạt của Ngài rất công bằng, căn cứ vào định nghiệp nhân quả của mỗi chúng sanh mà phạt hay thưởng. Đức Thầy có cho biết;

                   “Ta dừng tay chờ đợi lịnh Thiên,

                     Đức Ngọc Đế xử phân cho chúng”.

                                             (Diệu pháp Quang minh)

          Lúc ấy luật trời sẽ:

                   “Xử những kẻ hung hăng tồi tệ,

              Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn”.

                                             (Giác mê Tâm kệ, Q.4)

          THIÊN MÔN: là Cửa Trời. Đức Thầy (trong Sấm Giảng Q.3) có câu:“Thiên Hoàng mở cửa các lân”.

 

CHÁNH VĂN

65.-Khuyên trai gái học theo Khổng-Mạnh,

Sách Thánh Hiền dạy Đạo làm người.

Xem truyện thơ chẳng biết hổ-ngươi,

68.-Mà làm thói Điêu-Thuyền, Lữ-Bố.

Sau kẻ ấy làm mồi mãnh-hổ,

Cảnh Núi-Non nhiều thú dị-kỳ.

Nó trọng ai hiền-đức nhu- mì,

72.-Sát phạt kẻ bội cha phản chúa.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 65 tới câu 72)

          -Theo Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân”, PGHH quan niệm rằng: con người có vượt hơn người thường (siêu nhân) mới gọi là Phật Thánh. Cho nên Đức Thầy khuyên mọi người nên noi theo gương hạnh và lời chỉ giáo của các bậc Thánh Hiền (Khổng Mạnh) khi xưa để ăn ở đối xử cho tròn cái Đạo làm người, đó là điều căn bản của mỗi tín đồ cần phải có.

          -Sách sử đã ghi lại biết bao câu chuyện tốt đẹp hoặc xấu xa, thế mà con người thời nay chẳng biết xét soi trau sửa, lại đua đòi những thói trăng hoa, vô liêm bất nghĩa, như Lữ Bố và Điêu Thuyền thuở nọ.

          -Đức Giáo Chủ còn cho biết, sau nầy đến thời kỳ thưởng phạt thì trên miền Bảy Núi sẽ có nhiều thú kỳ lạ trừng phạt kẻ bất trung bất nghĩa:

                   “Hổ lang ác thú muôn bầy,

               Lớp bay lớp chạy sau nầy đa đoan.

                     Ai mà ăn ở nghinh ngang,

               Đón đường nó bắt xé tan xác hồn”.

          -Còn những người biết tỉnh ngộ tu hành, vẹn tròn trung hiếu tiết nghĩa thì có Phật Tiên Thần Thánh gia hộ an toàn.

CHÚ THÍCH

          KHỔNG: là Đức Khổng Tử. Ngài sanh vào ngày 27 tháng 8 năm Canh Tuất (551- Tr.TL) năm thứ 21 đời Châu Linh Vương, năm 22 thời Tương công nước Lỗ, vào khoảng cuối đời Hồng Bàng nước Việt Nam ta.

          Quê Ngài ở làng Sương Bình, ấp Trâu, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (Tr.Hoa). Cha Ngài là Thúc Lương Ngột, mẹ là Nhan Trưng Tại (Nhan thị). Ngài họ Khổng, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người đời sau xưng tụng là Khổng Phu Tử. Xuất thân trong gia đình nghèo khổ, mồ côi cha từ mới lên ba, nên Ngài biết rất nhiều nghề, đảm đang tháo vác.

          Ngài có tầm vóc cao lớn hơn người, môi trâu, tai cọp, vai uyên (chim Uyên), lưng rùa, miệng rộng; sơn đình giữa thì thấp còn bốn phía thì cao; thân cao 9tr6 (?). Ngài rất thông minh, học rộng thấy xa và có nhiều đức tánh thiện mỹ.

          Lúc 50 tuổi, Ngài tầm ra chơn lý, bắt đầu hoạt động Đạo nghĩa. Ngài làm quan nước Lỗ từ chức Trung Đô Tể đến chức Nhiếp Chính Sự, hết lòng đem Đạo đức dạy dân, xây dựng nên cảnh thanh bình trật tự thời đó. Nền Khổng Giáo từ độ ấy lan dần khắp nước Lỗ, nhưng thời gian sau vua Lỗ mắc Mỹ nhân kế của vua Tề Cảnh Công, đam mê nữ sắc, Ngài liền bỏ nước Lỗ đi du thuyết. Ngài châu du qua nhiều nước, như: Tấn, Tề, Thái, Tống, Sở, Vệ.v.v…Nhiều nhà Vua nghe Ngài thuyết giảng Đạo lý đều kính phục, nhưng ít ai chịu áp dụng theo.

          Trên con đường truyền Đạo, Ngài đã gặp biết bao trở ngại, gian khổ: bị vây ở đất Khuông, bị mưu sát ở đất Tống, thầy trò lạc nhau ở Trịnh, bị cản trở ở đất Bồ, bị bao vây đến tuyệt lương ở đất Trần; nếm biết bao mùi vị đắng cay của dòng đời: Đời phong sương luống trải lắm gió mưa”.(Cổ thi).

          -Năm Ngài 68 tuổi, Quí Khang Tử ở nước Lỗ thay mặt vua Ai Công mời Ngài về, thế là sau 13 năm lưu lạc phong trần, Ngài mới trở về cố quốc.

          Ngài trở về Lỗ không phải dự Quốc chánh nữa mà là để truyền Đạo, bằng cách là mở trường dạy học trò, đồng thời Ngài khảo sát và san định Kinh điển để lưu truyền dạy thế.(Khảo sát Kinh Lễ, Kinh Nhạc; San định Kinh Thi, Kinh Thư; Khảo cứu Kinh Dịch; Viết Kinh Xuân Thu).

            -Đến năm Nhâm Tuất, một hôm Ngài dậy sớm, đi tiêu dao trước cửa nhà, tay chống gậy mà hát:

                   “Thái Sơn kỳ đồi hồ ?

                     Lương mộc kỳ hoại hồ ?

                     Triết Nhân kỳ nuy hồ ?

                   (Núi Thái sơn có lẽ đổ chăng ?

                   Cây lương mộc có lẽ nát chăng ?

                   Người Triết nhân có lẽ nguy chăng ?)

          Hát xong Ngài ngồi dựa cửa, Tử Cống đến. Ngài nói:

          - Ta vừa gặp Kỳ Lân què chân, hồi tưởng lời thân mẫu ta kể lại: Khi mới thọ thai ta, có con Kỳ lân xuất hiện, đi vào nhà nhả tờ ngọc thơ. Thân mẫu ta lấy dây chỉ đỏ cột lên sừng nó làm dấu. Nay nó què chân, đoàn thợ săn bắt đem về, đoán nhiệm vụ ta sắp hết. Từ đó, Ngài thọ bịnh và đến ngày thứ 7 là mất; hôm ấy vào ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, thọ 73 tuổi, nhằm đời vua Kinh Vương nhà Châu thứ 41. Phần mộ Ngài nằm ở làng Khổng Lâm, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông (Tr.Hoa).

           Các môn đệ của Ngài gồm có:

          -Tứ Phối, cũng gọi là Tứ Thánh, đó là:

            1- Phục Thánh   : Nhan Hồi tự Tử Uyên.

              2- Tòng Thánh   : Tăng Sâm tự Tử Dư.

              3- Thuật Thánh  : Khổng Cấp tự Tử Tư.

              4- Á Thánh         : Mạnh Kha tự Mạnh Tử.  

            -Thập nhị Triết (Mười hai nhà Hiền Triết).

          -Thất thập nhị Hiền (72 ông Hiền).

          -Tam thiên Đồ đệ (3.000 học trò).

          Đạo của Đức Khổng Tử có nhiều danh xưng: Khổng giáo, Nho giáo hay Thánh giáo…Giáo thuyết gồm có: Ngũ Kinh và Tứ Truyện. (Ngũ Kinh là Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Thư và Kinh Xuân Thu. Tứ Truyện là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử). Tôn chỉ gồm 8 chữ:“Hiếu, Để, Trung, Thứ, Tu, Tề, Trị, Bình”. Mục đích là dạy người tu tròn Nhân Đạo để đạt đến bậc Thánh Triết, hiền nhân quân tử.

          MẠNH: là Ngài Mạnh Tử, tức Á Thánh. Ông tên thật là Mạnh Kha, sanh vào ngày mùng 2 tháng Tư năm thứ Tư, đời Liệt Vương nhà Châu (327 Tr.TL) ở đất Châu, tỉnh Sơn Đông (Tr.Hoa). Thân phụ là Khích Công Nghi, hiền mẫu là Cù thị, thuộc dòng Công tộc Mạnh Tôn.

          Ông mồ côi cha từ thuở bé, nhờ hiền mẫu thủ tiết, hết lòng chăm sóc dạy dỗ. Sợ con mình tập nhiễm theo nết xấu của những đứa trẻ ở chung quanh nên Bà phải dời nhà ba lần mới yên (có bài thơ kể như vầy):

“Tích xưa Mẹ Thánh huấn nhi,

Dọn nhằm chỗ ở dời đi ba lần.

Có khi trẻ chẳng ân cần,

Mình ngồi khung cửi cắt chân mà thề,

Từ sau cứ học một bề,

Phong làm Á Thánh thành nghề rất ngoan”.

          -Lớn lên, ông học với Thầy Tử Tư, tức là Khổng Cấp, cháu nội của Đức Khổng Tử. Chẳng bao lâu ông thấu đạt thâm ý của Đạo Thánh và có tài hùng biện đi du thuyết qua các nước Tề, Tống, Đằng, Lương…để quảng bá Đạo Thánh hiền, nhưng các vua chúa thời Chiến Quốc mãi lo chiến tranh giành giựt, ít ai để ý đến việc Nhân nghĩa. Tuy nhiên, ông là người có công lớn trong nền Nho giáo, bởi tài hùng biện đanh thép của ông làm cho nền Thánh giáo được phát triển lan rộng.

          Khi trở về già, ông cùng các môn đệ ghi chép những lời của ông đã đối đáp với các nhà vua, hoặc các môn đồ, cùng những lời phê bình sự chênh lệch của các học thuyết khác, làm thành bộ sách gọi là Mạnh Tử, gồm có bảy thiên. Đây là một trong các bộ sách cốt yếu của Nho giáo, chẳng những có giá trị về tư tưởng mà còn cả về văn chương nữa, nên ông được người xưng tụng là Á Thánh. Mạnh Tử mất vào ngày 15 tháng 11 năm thứ 26 đời Châu Noãn Vương (289 Tr.TL), thọ được 83 tuổi.

          SÁCH THÁNH HIỀN: (Xem chú thích câu 23, Q.1).

            ĐẠO LÀM NGƯỜI: Nghĩa của chữ “Nhân Đạo” tức mỗi người phải đối xử lẫn nhau cho được hài hòa tốt đẹp, nếp ăn thói ở đều biết tôn ti trật tự: Nam có Ngũ luân, Ngũ thường; Nữ có Tam tùng, Tứ đức. Trong bài “Luận về Tam nghiệp” Đức Thầy có dạy:“ Đạo của con người kêu bằng Đạo Nhân và nó cũng là một con đường, đi trúng thì sống, bước trật thì chết…”.

          HỔ NGƯƠI: Mắc cỡ, trông thấy mà thẹn:“Hổ ngươi cáo bịnh xin về đã lâu”.(Lục Vân Tiên)

          ĐIÊU THUYỀN LỮ BỐ: Điêu Thuyền là người có nhan sác tuyệt vời, vốn là con nuôi của Vương Doãn, làm quan Tư Đồ cho nhà Hán đời Tam Quốc (Tr.Hoa).

          Còn Lữ Bố tự là Phụng Tiên, người ở đất Cửu Nguyên (Tr.Hoa) cũng đời Tam Quốc. Người rất võ dõng nhưng vô mưu và bất nghĩa. Trước Lữ Bố làm con nuôi của Đinh Nguyên chống lại Đổng Trác, sau lại giết Đinh Nguyên theo phò Đổng Trác (cũng làm con nuôi). Đổng Trác khi được Lữ Bố, mưu đồ đoạt ngôi nhà Hán.

          Quan Tư Đồ Vương Doãn muốn cứu nguy vua Hán bèn thiết lập Liên hoàn kế (mỹ nhân): Ông hứa gả Điêu Thuyền cho Lữ Bố, rồi đem dâng cho Đổng Trác trước. Kết quả y như dự định của Vương Doãn, vì quá đắm say sắc đẹp của Điêu Thuyền mà Lữ Bố quên nghĩa cha con, giết chết Đổng Trác để giành lại Điêu Thuyền.

          Vậy, thói Điêu Thuyền Lữ Bố là thói vô nghĩa trăng hoa bất chánh, làm thương luân bại lý nước nhà:“Trực rằng: Ai Lữ Phụng Tiên, Mà hòng đem thói Điêu Thuyền trêu ngươi !”(Lục Vân Tiên).

          MÃNH HỔ: Cọp dữ.

          NHU MÌ: Mềm mỏng, chín chắn, ôn tồn ít nói. Đức Thầy từng dạy:“Tu là tâm trí nhu mì, Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong”.(Diệu pháp Quang minh).

          SÁT PHẠT: Đánh giết, chết choc. Ví dụ: Sát phạt lẫn nhau.

          BỘI CHA PHẢN CHÚA: Quên ơn Tổ Tiên cha mẹ và phụ bạc nghĩa Quốc dân. Chỉ cho người bất trung, bất hiếu. Đức Thầy thường thống trách hạng người ấy:

                   “Thiếu chi kẻ đặng chim bẻ ná,

                     Hiếm bao người đặng cá quên nơm.

                     Ưa đồ ngon đút nhét đầy mồm,

                     Chẳng thèm kể cha hiền trông đợi”.

                                         (Diệu pháp Quang minh)       

 

CHÁNH VĂN

73.-Đến chừng đó thiên-la lưới bủa,

Mới biết rằng Trời Phật công-bằng. 

Nếu dương trần sớm biết ăn-năn,

76.-Làm hiền-đức khỏi đường lao-lý.

Học tả-đạo làm điều tà-mị,

Theo dị-đoan cúng kiếng tinh-tà.

Thì sau nầy gặp chuyện thiết-tha,

80.-Đừng có trách Khùng Điên chẳng cứu.

Thấy-bá tánh nghinh tân yểm cựu,

Học ai mà ngang-ngược nhiều lời.

Phụ mẹ cha khinh-dể Phật Trời.

84.-Chẳng có kể công sanh dưỡng-dục.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 73 tới câu 84)

          -Đoạn nầy cho biết đến ngày chấm dứt buổi Hạ ngươn, luật trời thưởng phạt rất công minh, không một ai thoát lọt, dù là một việc rất nhỏ. Nếu chúng sanh nào sớm biết cải hối, tìm về chánh Đạo lo tu bồi đức hạnh thì sau nầy được hưởng hạnh phúc, thoát khỏi vòng lao khổ.

          -Bằng ai cứ tiếp tục theo con đường tà Đạo mê tín dị đoan, sát sanh hại vật để cúng tế tà quỉ; chạy theo bùa chú thính linh, âm thinh sắc tướng, tức người đó tự rước lấy mọi sự bi thảm, và chừng ấy cũng đừng trách Phật Tiên và Đức Thầy sao không mở lòng Từ bi cứu độ !

          -Đức Giáo Chủ cũng cho biết con người thời nay mãi đua đòi theo văn vật:“Rồi phụ phàng tục cổ nước nhà” “Ham công danh quên chữ sanh thành, Mến phú quí quên câu dưỡng dục”.(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4). Công sanh dưỡng của cha mẹ thật sánh tài non biển, thế mà họ chẳng màng kể, lại còn khinh khi Trời Phật, nhạo báng Thần Tiên, thật là điều quá mê mờ tội lỗi.

 

CHÚ THÍCH

          THIÊN LA: Lưới Trời, do chữ“Thiên la địa võng”. Nghĩa rộng là luật Trời hay luật nhân quả. Ý nói người làm lành hay dữ đều có kết quả không hề sai chạy. Sách Thánh có câu:“Thiên võng khôi khôi phân khúc trực, Thần linh hích hích định khuy vinh”.(Lưới Trời lồng lộng chia ngay vạy, Thần linh tỏ xét việc đầy vơi). Lão Tử cũng nói:“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”.(Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt). Đức Thầy nay cũng bảo:“Cả Trời Nam lưới bủa Thiên La”.(Nang thơ Cẩm tú) Hoặc là:“Trốn người khỏi trốn trời sao khỏi”.(Khuyến Thiện, Q.5)

          ĂN NĂN: Nghĩa của chữ “Sám hối”, tức là ăn năn lỗi trước chừa bỏ lỗi sau. Kinh Trường A Hàm, Phật nói:“Ai biết ăn năn lỗi lầm thì người ấy được tiến hóa trong giáo pháp của ta”. Đức Thầy nay có câu:

                   “Chữ tự hối nào ai có lạ,

                   Là ăn năm cải sửa tâm lành”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ,Q.4)

          LAO LÝ: Lo lắng sầu khổ khó nhọc.

          TẢ ĐẠO: Cũng gọi là tà đạo hay ngoại đạo, tức là bất chánh, đường lối không chánh đáng, không đúng chơn lý, trái với chánh Đạo.

          Khi xưa, Phật có di chúc cho các Tỳ Kheo:

          1.-“Khi ta nhập diệt rồi có nhiếu thứ Ma Ba Tuần vào trong Đạo pháp Ta, ở chùa cạo đầu mang áo Phật, xưng là đệ tử của Phật, chung lộn với người đời, ăn thịt uống rượu, làm dơ bẩn Đạo Phật, đó là ngoại đạo thứ nhứt.

          2.- Còn có người dắt vợ con vào chùa học theo tà thuật, để truyền lại cho đệ tử, ăn thịt, uống rượu cũng đi làm chay tụng kinh cho người, đó là ngoại đạo thứ nhì.

          3.- Lại có những người trên không có Thầy truyền, dưới không có Thầy chứng, bị ma quỉ ám ảnh mê muội, trí biết bậy bạ lại cho là thông minh, chẳng có công tu, tự xưng là thành Đạo. Bên ngoài làm giống theo Phật, nhưng trong tâm tính việc tà mị, phỉnh gạt người đời theo vào đường tà, diệt hột giống trí của Phật, đó là ngoại đạo thứ ba.

          4.- Lại có người làm theo việc hữu tình, học pháp hữu vi, vẽ bùa thỉnh chú, đuổi quỉ sai thần, lừa dối bá tánh, ác kiến càng nhiều, nên chánh kiến càng tiêu, đây là ngoại đạo thứ tư.

          5.- Lại có người theo việc tốt xấu, học chiếm quẻ, bàn việc kiết hung, coi bói xem tướng, nói trước những điều họa phúc, dối chúng gạt dân, tiêu diệt chánh pháp của Phật, đây là ngoại đạo thứ năm.

          6.- Lại có người sửa soạn hình tướng, bụng trống lòng tự cao; không có tài năng mà tự cho mình giỏi, chưa có chứng ngộ lại cho rằng mình đã chứng ngộ, học đặng một vài lời cho mình đã thấu đặng lý. Chẳng ăn dầu, muối, trà, quả, tương, giấm; chấp theo tà tướng, dối gạt người không trí. Chẳng cần xem Kinh niệm Phật, chẳng cần làm phước tham thiền. Không thọ trì giới luật, chẳng cần tìm sư học Đạo, dám đem cái thân giả dối này mà cho cùng Phật không khác, dối gạt người không biết, đồng đi vào chỗ hắc ám, dứt đoạn căn lành, tiêu diệt giống trí huệ, hay chấp trước những sự khờ khạo ngu si. Đây là ngoại đạo thứ sáu.

          Sáu hạng trên đây gọi là “Lục sư ngoại đạo”, tức là bọn Ma Ba tuần, đến đời Mạt pháp nó xen vào nền Đạo của Ta để phá hoại chánh pháp”.

          TÀ MỊ: Dối trá, gian xảo, tà khúc.

          DỊ ĐOAN: Dị là lạ; đoan là manh mối. Chỉ cho các tà đạo hay bày ra những điều mị dối lạ lùng để gạt gẫm người đời. Đức Thầy thường khuyến giáo:

                   “Giáo khuyên khắp hết đâu đâu,

                     Bớt điều mị dối mới hầu thấy ta.

                         Đừng theo lũ quỉ lũ ma,

         Cúng kiếng nó mà nó phải ăn quen”.(Sám Giảng.Q.3)

            TINH TÀ: Tà ma quỉ quái. Những người mê tín dị đoan cho rằng: có thể dùng vật thực cúng tế Thần Thánh ma quỉ để cầu được hết bịnh. Đức Thầy bảo:“Sự tin tưởng ấy rất sai lầm huyễn hoặc”.(Thập ác: Ác sát sanh) Và:“Còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là tà thần, nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta”.(Tám Điều Răn Cấm)  

          THIẾT THA: (Xem chú thích câu 322, Q.1).

          NGHINH TÂN YỂM CỰU: Cũng gọi là yểm cựu nghinh tân. Có nghĩa chê dè cái cũ và đón tiếp cái mới. Ý nói người đời hay ham học đòi theo nếp sống mới, lối sống văn vật của Tây Âu, vội chê bai ruồng bỏ lễ nghi phong hóa của nước nhà. Đức Thầy từng than:

                   “Ôi ! đời yểm cựu nghinh tân,

              Rùng rùng xóa bỏ Phật Thần Thánh Tiên”.

                                                                (Thu đã cuối)

          NGANG NGƯỢC: Ngang tàng ngược ngạo, vô nghĩa. Ví dụ: Ăn nói ngang ngược, tính khí ngang ngược.

          KHINH DỂ: Cũng đọc là khi dể, tức là coi thường rẽ rúng.

          CÔNG SANH DƯỠNG DỤC: Công ơn cha mẹ sanh con ra và nuôi con đến khôn lớn, nghĩa của chữ “Cúc dục”. Kinh thi có câu:“Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai Phụ Mẫu sanh ngã cù lao. Dục báo thâm ân hạo thiên võng cực”.(Cha mẹ sanh đẻ và nuôi ta khôn lớn, lòng thương cha mẹ dày công khó nhọc ! Muốn đáp ơn sâu như trời cao chẳng cùng).

          Lại có “Cửu tự cù lao”(chin chữ cù lao): Sinh (sanh đẻ), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Xúc (cho bú), Phục (săn sóc), Phúc (bảo vệ), Trưởng (nuôi cho lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom).

          Bời công ơn cha mẹ sâu dày như vậy, nên Đức Thầy thường nhắc nhở:

                    “Sách có chữ thâm ân dục báo,

                Phận làm người hiếu thảo noi gương”.(Sa Đéc)

            Hoặc là:

                   “Lo bề cúc dục cội thung,

                 Nghe lời thầy dạy việc chung của đời”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

 

CHÁNH VĂN

85.-Thương lê-thứ bày tường trong đục,

Mặc ý ai nghe phải thì làm.

Lời của người di-tịch Núi-Sam,

88.-Chớ chẳng phải bày điều huyễn-hoặc. 

Cảnh Thiên-Trước thơm-tho nồng-nặc,

Chẳng ở yên còn xuống phàm-trần.

Ấy vì thương trăm họ vạn dân,

92.-Nên chẳng kể tấm thân lao-khổ. 

Giả Quê Dốt khuyên người tỉnh-ngộ, 

Giả Bán Buôn thức giấc người đời.

Rằng ngày nay có Phật có Trời,

96.-Kẻo dân-thứ nhiều người kiêu-ngạo. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 85 tới câu 96)

          -Vì lòng quá thương xót sanh linh, Đức Giáo Chủ phân bày mọi việc thật hư, chơn giả cho chúng sanh suy nghiệm, nếu ai thấy đây là lẽ phải thì sớm thực hành theo, bằng không cũng mặc. Ngài còn cho mọi người được biết, những lời lẽ trong quyển “Kệ Dân” nầy là của Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa, chớ chẳng phải lời của ai, đâu muốn lường gạt dân chúng. Bởi trước kia Đức Phật Thầy viên tịch tại chùa Tây An Núi Sam (Châu Đốc) vào ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856). Cho nên nói đến người di tịch núi Sam thì ai cũng biết là muốn nói đến Đức Phật Thầy Tây An.

          -Song vì lòng từ bi, Ngài không nở an ngồi nơi xứ Phật, hưởng cảnh thanh nhàn tự tại, nên Ngài chuyển kiếp lại trần gian. Trong cuộc đi dạo Lục châu, Ngài chẳng nài gian khổ, hóa hiện đủ hạng người để thức tỉnh bá gia và cũng để cho chúng sanh hiểu rằng: hiện thời đã có Phật Tiên lâm phàm độ thế, hầu bỏ bớt tánh kiêu căng ngạo mạn.

CHÚ THÍCH

          BÀY TƯỜNG: Trình bày tường tận. Giải bày mọi sự việc rất rõ ràng.

          TRONG ĐỤC: Thanh khiết và dơ bẩn. Ý nói phân tách hai sự việc: sạch dơ cao thấp, hư nên, tốt xấu, tà chánh v.v…

          DI TỊCH: Di là dời đổi. Tịch là cõi tịch tịnh an nhiên, không còn hoặc nghiệp phiền não sanh tử luân hồi, tức là cõi Niết Bàn. Di tịch là một trong nhiều danh từ để chỉ cho nhà tu được chứng đắc Đạo quả, khi mãn nguyện bỏ xác vào cảnh Niết Bàn. Đồng với ý nghĩa có nhiều danh xưng như: Tịch diệt, nhập diệt, viên tịch hay di tịch v.v…

          NÚI SAM: (Xem chú thích câu 414, Q.1).

          HUYỄN HOẶC: Huyễn là giả, hoặc là lầm. Huyễn hoặc là che mắt, đánh lừa làm mê loạn khiến người khác dễ lầm.

          CẢNH THIÊN TRƯỚC: Cũng đọc là Thiên Trúc, tức là xứ Ấn Độ, có nghĩa là mặt trăng, văn hóa Tàu gọi Ấn Độ là Thiên Trước. Bởi Ấn Độ là nơi Đức Phật đản sanh và cũng là nơi phát xuất Đạo Phật, cho nên gọi Thiên Trước là xứ Phật (Tây Thiên). Vậy, cảnh Thiên Trước là chỉ cho cảnh Phật, Đức Thầy có câu:

                   “Bát Nhã chẳng đưa người tội ác,

                     Thuyền từ nào rước lại Tây Thiên”.

                                                   (Luận việc Tu hành)

          NỒNG NẶC: cũng đọc là nồng nực. Tức là mùi hương xông lên nồng nặc. Ý chỉ cảnh Phật thanh khiết toàn những hương sen ngào ngạt.

          VẠN DÂN: Muôn dân (con số cực nhiều). Ý chỉ chung tất cả mọi người.

          TỈNH NGỘ: Thức tỉnh và giác ngộ. Hiểu rõ những điều sai lầm từ trước mà khởi lòng tự giác tu hành theo Đạo lý. Đức Thầy từng kêu gọi:

                   “Tỉnh ngộ từ đây người gặp chủ,

                     Phủi trần tìm kiếm chữ Ma ha”.

                                      (Đến làng Nhơn nghĩa)

 

CHÁNH VĂN

97.- Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ-Mão,

Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng.

Nếu trẻ già ai biết thì dùng,

100.-Chẳng có ép có nài bá-tánh.

Nghe Điên dạy sau này thơi-thảnh,

Đây chỉ đường Cực-Lạc vãng-sanh.

Đừng có ham lên mặt hùng-anh,

104.-Sa địa ngục uổng thân uổng kiếp.

Theo đạo-lý nhứt tâm mới kịp,

Ngày nay đà gặp dịp tu-hành.

Niệm Di-Đà rán niệm cho rành,

108.-Thì mới được sống coi Tiên-Thánh.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 97 tới câu 108)

          -Đức Giáo Chủ khai sáng Đạo PGHH vào năm Kỷ Mão (1939). Lúc đầu có nhiều người không ưa, theo chế nhạo bươi móc đủ điều. Công việc khuyến tu của Ngài chẳng hề nài ép một ai:“Tu không tu cũng không mời thỉnh, Mặc tình ai trọng kỉnh hay chê”.(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4).

            -Đối với những kẻ thường hay xưng hô lớn lối, khoe khoang tự đắc, Ngài luôn cảnh giác họ nếu còn quen tánh ấy e cho một ngày kia phải rơi vào Địa ngục mà chịu  sự hành phạt khốc liệt, rất uổng cho một đời con người để phải sa đọa, thối hóa.

          -Vậy ai là người nhận được lời kệ giảng của Ngài, hãy sớm lo tu niệm, vì trong đây Ngài đã vạch sẵn con đường vãng sanh Lạc quốc. Tức là Ngài đã dạy chỉ pháp môn Tịnh Độ. Nếu ai nhứt tâm niệm Phật, làm lành đúng theo phương pháp của Ngài chỉ dạy, tức là niệm Phật được rành thì chẳng những sẽ kiến diện Phật Tiên trong ngày Long Hoa Hội mà còn được vãng sanh Phật quốc, dứt nẻo luân hồi.

          -Đối với chúng sanh thời Mạt pháp, đây là dịp may ít có:“Nếu để trễ chầy e chẳng kịp, Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên cần”.( Để chơn đất Bắc)

 

CHÚ THÍCH:

          CỰC LẠC VÃNG SANH: (Xem chú thích câu 28, Q.1).

          LÊN MẶT: Ra vẻ kiêu hãnh, tự đắc. Có thái độ như người ở địa vị cao.

          HÙNG ANH: Cũng đọc là anh hùng, tức là bậc tài giỏi xuất chúng, nhưng chữ “lên mặt hùng anh” ở đây là chỉ cho những kẻ bất tài, lại hay xưng hô lớn lối, giả mạo ta đây:“Anh hùng giả danh, anh hùng rơm”.(Tục Ngữ)

          ĐỊA NGỤC: (Xem chú thích câu 66, Q.1)

          ĐẠO LÝ: (Xem chú thích câu 55, Q.1).

          NHỨT TÂM: Một lòng, dốc hết tâm trí vào một việc, không hề phân chia tư tưởng.

          Khi xưa, Đức Na Tiên nói với vua Di Lan Đà :“Nhà tu hành dùng sự nhứt tâm mà gom tư tưởng lại và dùng trí huệ mà cắt phiền não ái dục”. Bởi vậy, nhứt tâm là có tánh cách hiểu biết, mà có trí huệ là đoạn tuyệt và diệt sạch. Cho nên nói nhứt tâm là chủ của các đức hạnh, nhà tu trước hết phải nương mình trong sự nhứt tâm mới mong thấy được chơn lý.

          Ông Sư Vãi Bán Khoai đã dạy:

                   “Ai mà giữ đặng nhứt tâm,

             Cũng như ngọc báu đã cầm trong tay”.

          Đức Thầy có câu:

                   “Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành,

        Được cứu cánh về nơi an dưỡng”.(Khuyền Thiện, Q.5)

            NIỆM DI ĐÀ RÁN NIỆM CHO RÀNH: (Xem chú thích câu 106, Q.1).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn