CHÁNH VĂN (Từ câu 313 đến câu 322)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39760)
CHÁNH VĂN (Từ câu 313 đến câu 322)

313.“Tu hành như thể thả trôi,

          Nay lở mai bồi chẳng có thiềng tâm.

                   Mưu sâu thì họa cũng thâm,

          316. Ngày sau sẽ biết thú cầm chỉn ghê.

                   Hùm beo tây tượng bộn bề,

          Lại thêm ác thú mãng-xà, rít to.

                   Bá-gia ai biết thì lo,

          320. Gác tai gièm siểm đôi co ích gì !

                     Hết đây rồi đến dị-kỳ,

          322. Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết-tha”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 313 đến câu 322)

          -Xét thấy trong thế gian có lắm người quy y Phật, nhưng họ chỉ tu theo thời buổi chớ không thật tâm bền chí, như trong bài “Khuyên người giàu lòng từ thiện”, Đức Thầy có nói:“Tu theo nước lớn ròng bèn thả trôi”. Cho nên không được kết quả.

          -Còn những ai mãi tiếp tục con đường tội ác tất có ngày gặt lấy quả đau khổ (hễ Ác lai thì Ác báo) không hề sai chạy. Đức Thầy cũng tiên báo cho bá tánh rõ sau nầy

sẽ có các loài thú dữ trừng trị kẻ tà gian. Vậy ai là người giác tỉnh, tin tưởng lời lành hãy sớm lo liệu tầm phương giải thoát: đã tu hành thì những tiếng thị phi gièm siễm, ta nên gác bỏ ngoài tai để lo tròn câu Đạo nghĩa.

          Từ đây, dân tộc Việt Nam bị cảnh sưu thuế nặng nề do bọn ngoại bang dùng chánh sách nghiệt cay đày xắt đủ điều. Nhìn cảnh quốc phá gia vong, dân chúng chịu lầm than thống khổ khiến lòng Đức Giáo Chủ phải ngậm ngùi thương xót.

CHÚ THÍCH

          THIỀNG TÂM: (Xem chú thích câu 198, Q.1)

          NAY LỠ MAI BỒI: Chỉ cho người làm việc gì không bền chí, khi làm khi không. Đây ý nói người không được thường xuyên bền chặt, nay chăm mai lãng nên sự tu không kết quả. Cổ Đức từng bảo:

                   “Học Đạo thỉ cần, chung tất đãi”

          (Thông thường việc hành Đạo trước khi siêng năng, sau sanh biếng trễ).

          Mạnh Tử cũng nói:“Tuy thế gian hữu dị sanh chi vật, nhứt nhựt bộc chi, thập nhựt bộc chi, thập nhựt hàn chi, vị hữu nan sanh giả dã”.(Tuy trong thế gian có thứ cây dễ trồng, nhưng một ngày phơi nắng, mười ngày tưới nước, nó còn chưa được sống nói chi có trái).

          Cho nên Đức Thầy có câu :

“Nếu bền lòng vị quả cao thăng”. (Sa Đéc)

          Và:

“Phải bền lòng mới rảnh trần ai”.(Sa Đéc)

          MƯU SÂU THÌ HỌA CŨNG THÂM: Hễ ai dùng mưu mẹo sâu độc hại người thì bị kẻ khác bày kế độc hại lại. Có sự tích chứng minh như sau:

         

          Vào khoảng năm 1910, tại cù lao Ông Chưởng, quận Chợ Mới (An Giang), có tên Hương Quản rất độc ác. Hắn dựa thế Quận Trưởng (người Pháp) bấy giờ gọi là ông Phủ, hà hiếp dân chúng, ăn hối lộ, giựt đất vườn và nhứt là dùng uy quyền hiếp đáp vợ con đồng bào. Hắn thường mang súng vào làng dọa nạt để thỏa mãn ý muốn.

          Trong những nạn nhân của hắn có một thiếu phụ trẻ đẹp, gốc ở xã Phong Mỹ, tỉnh Sa Đéc (nay là Kiến Phong). Cô có chồng về cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới). Chồng cô thường đi buôn xa vắng nhà, tên Hương Quản ấy chọc ghẹo cô nhiều lần, cô vẫn cương quyết từ chối và xua đuổi hắn. Hắn liền bày mưu với bọn tay sai, chờ chồng cô về sẽ ập đến bắt giải đi, vu cáo là anh có dính líu vào hội kín chống Tây, để hắn tự do cưỡng bức thiếu phụ. May cho cô, có người bà con bên chồng làm việc trong Ban Hội Tề, hay được âm mưu ấy liền thông tin cho cô hay. Cô liền lập tức dọn đồ về Phong Mỹ và nhờ người bà con, đến cho chồng cô hay để về luôn quê vợ. Chồng cô đang ở Cần Thơ được tin, liền quay về Phong Mỹ. Hai vợ chồng thức suốt đêm bàn bạc mưu kế để đối phó với tên Hương Quản ác ôn, đồng thời trừ hại cho dân.

          Sáng lại anh thẳng lên Sài Gòn, tuần sau trở lại Long Xuyên, cậy người đến thương lượng với tên Hương Quản qua tỉnh lỵ, để anh chịu tội bằng số tiền hối lộ…tên ác mê ăn, bằng lòng theo người trung gian đến Long Xuyên. Anh lái buôn chực sẵn tiếp rước niềm nỡ trong một khách sạn, anh thuê cho hắn căn phòng hạng nhứt và đưa đi ăn uống đến nửa đêm. Lấy cớ là mệt mỏi say sưa, anh hẹn lại sáng mai sẽ bàn công việc. Hắn đã mê mồi và

 

đầu óc quay cuồng nên không gấp gì hỏi món tiền hối lộ, khi hắn bước vào phòng thấy sẵn một ả tứ thời do anh lái buôn mướn để hầu hạ hắn ta…lát sau hắn thấy trong người khác thường, nằm dài trên giường thở dốc, thiếp đi lúc nào không hay.

          Sáng ra, hắn mở mắt không thấy gì hết, bèn gọi bồi phòng kêu giùm anh lái buôn, bồi phòng cho anh biết anh lái buôn đã đi Sài Gòn hồi 4 giờ khuya, tiền phòng và công cô gái anh đã thanh toán xong hết. Hắn cố gượng ngồi dậy, thuê xe về nhà nhờ Thầy thuốc xem mạch mới biết hắn ăn nhằm chất độc làm cho liệt trụy và có thể bại xụi nằm một chỗ, nếu không chạy thuốc kịp thời.

          Bấy giờ hắn mới vỡ lẽ anh lái buôn trả thù. Hắn tuôn tiền chạy thuốc đủ chỗ mà đâu vẫn ra đấy. Hắn hoàn toàn vô dụng không còn gần đàn bà được, đây là điều hắn đau khổ vô cùng. Hắn phải xin từ chức, ở nhà ăn hại vợ con. Bao nhiêu tiền cướp giựt thiên hạ chui vào túi Thầy thuốc hết sạch. Hễ còn thuốc thì còn cựa quậy, ngưng lại thì liệt luôn, nằm chết dí một chỗ, miệng kêu Trời kêu đất, chửi anh lái buôn thâm độc.

          Đồng bào trong xã thấy cớ sự đều cho là “quả báo nhãn tiền”. Người nào bbị hắn hà hiếp tàn hại thì lấy làm hả hê sung sướng, luôn đem chuyện hắn thuật lại cho mọi người nghe.(Dẫn theo Truyện tích Việt Nam của Lê Hương).

          GIÈM SIỂM: Chê bai cách gián tiếp hoặc đặt điều nói xấu người ta, khiến cho kẻ khác hiểu lầm theo. Ví dụ lời gièm siểm lúc nào cũng không đúng sự thật, hơi đâu mà để ý…Đức Thầy có câu:

                   “Cay đắng siểm gièm thân lão chịu,

                  

                   Miễn đời thạnh trị hết cuồng ngông”.

                                      (Phòng vắng Đêm khuya)

          DỊ KỲ: Lạ lùng, khác thường. Dị kỳ ở đây chỉ cho các nước ngoài đến xâm lăng, gát ách nô lệ lên cổ dân ta như: hết Pháp rồi tới Nhật, thời nào dân ta cũng chịu cảnh sưu thuế nặng nề.

          Ông Sư Vãi Bán Khoai đã nói:

                   “Hết đây đến nước dị kỳ”

          Và: “Nhiều nước dị kỳ khác chẳng giống nhau”.

          THIẾT THA: Thiết là cắt; tha là mài, nghĩa bóng là rất mực ân cần, là tình đậm đà thân thiết giữa hai người. Nhưng thiết tha ở đây là chỉ cho cảnh khổ sở thảm thiết. Trong Quan Âm tế độ có câu:

                   “Liếc xem bên mái Tả Cung,

                Tù nhân than khóc vô cùng thiết tha.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn