3- PHẬT LÀ GÌ ?

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 33258)
3- PHẬT LÀ GÌ ?

CHÁNH VĂN

          Phật giả là Giác giả. Giác giả là Tỉnh giả.

          Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ-đế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung-Đạo cho người hành theo.

ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO CỦA PHẬT:

 

          1.- Không trưởng-dưỡng xác thịt quá ư sung-sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung-sướng thái quá thì sanh nhiều dục-vọng mê đắm, làm cho trí-đạo tối tăm, không thể đạt huệ được.

 

                         2.- Không nên hành xác hay ép xác-thịt thái quá như: phơi nắng, dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ thì hay sanh bịnh-hoạn nhiều, người mà đa mang bịnh tật rồi, tinh-thần kém cỏi, mệt nhọc, trí-hóa lu lờ, không đủ sức học Đạo đặng.

 

          Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái quá mà cũng chẳng để nó sung-suớng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa sức mình, gìn-giữ sức khoẻ mới mong học được đạo-pháp.

 

          Vậy, Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung-sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình-độ và lòng nhơn của mình.

 

          Điều cần yếu là phải:

   Làm hết các việc từ-thiện,

  Tránh tất cả điều độc-ác,

  Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.  

                          Bạc Liêu, năm Nhâm-Ngũ.

 

DÀN BÀI:

A-   KHAI ĐỀ: Tìm hiểu ý nghĩa chữ Phật.

B-   DIỄN ĐỀ:

     I/- CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO.

     Hai xu hướng sai lầm:

1-     Trưởng dưỡng xác thịt.

2-     Ép xác hành khổ.

    II/- THẾ NÀO LÀ TRUNG ĐẠO ?

1-     Chiết trung tránh sai lầm.

2-     Thực hiện đúng con đường Trung đạo.

    III- PHÁP TU CẦN YẾU:

1-     Làm hết các việc từ thiện.

2-     Tránh tất cả điều độc ác.

3-     Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.

C- KẾT ĐỀ: Tóm tắt toàn đề.

 

LƯỢC GIẢI

          Là môn đồ nhà Phật, chắc ai cũng muốn tìm hiểu Phật là gì ? Và tại sao cả thế gian đều xưng tụng Ngài là Phật ?

          Chúng ta không thể hiểu suông bằng văn tự. Phật là đấng giác ngộ và tỉnh thức, mà phải tìm hiểu xác thực cái giác tỉnh ấy như thế nào ?

          Tỉnh thức là danh từ đối với mê lầm, từ trước tới giờ đa số chúng sanh còn trong mê lầm tăm tối (vô minh) nhận ngụy làm chơn:

                  “Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ,

                   Màn vô minh che mờ căn trí,

                   Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.( ĐT)

          - Ngược dòng lịch sử, ai cũng thấy Thái tử Sĩ Đạt Ta đang sống trong cảnh cung vàng điện ngọc, thụ hưởng các điều dục lạc, chẳng thiếu món chi. Thế mà Ngài nhận thức được cuộc sống ấy là giả dối, không thật, như phù hoa ảo ảnh. Mỗi người sanh ra đều phải chấp nhận sự sống khổ, tới già bịnh rồi chết mất, Ngài mới lìa bỏ cung vui tìm đường giải thoát.

                   Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,

              Nghiệm tứ khổ nên Ngài tầm Đạo”.( ĐT)

          - Đó là Ngài tỉnh thức “lánh chốn mê lầm tỉnh cơn mộng huyễn”.

          Còn phần giác ngộ là thời gian tầm thầy học Đạo, Ngài không nhắm mắt tin càng, mà tin bằng lý trí. Nghĩa là giáo thuyết nào không hợp chơn lý, không đưa mình ra khỏi sanh tử thì Ngài không theo. Cuối cùng Ngài tự mình tìm ra phương cách giải thoát và hành đạt đến hoàn toàn giác ngộ (Giác ngộ đồng nghĩa trí huệ) :

                        “Nói cho đời hiểu Phật Thích Ca,

                   Lòng tự giác xả thân tầm đạo”.( ĐT)

          - Sự hiểu biết của Ngài chẳng phải như nhà Bác học (Thế trí biện thông), mà từ mọi hình thức bên ngoài, đến cái vô hình bên trong của tâm ý chúng sanh; xuyên qua vũ trụ vạn hữu và cả ba đời (Quá khứ, hiện tại, vị lai) Ngài đều thấu suốt. Do đó, khắp ba cõi sáu đường (Ba cõi: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới), đều xưng tụng Ngài là bậc tỉnh thức. Và cũng vì vậy Đức Thầy mới định nghĩa chữ Phật:“Phật giả là giác giả, giác giả là tỉnh giả”. Gọi tắt là đấng Tỉnh giác (Tỉnh thức và Giác ngộ hoàn toàn).

          I- CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO:

          Lúc Thái tử còn tu khổ hạnh với năm người bạn tại rừng Lộc giả, một hôm Ngài đang đi bỗng bị té xỉu vì quá kiệt sức. Chừng tỉnh dậy Ngài trông thấy một người lạ, ngồi ôm cây đờn lên dây khảy. Khởi đầu người ấy lên dây thẳng quá nên dây đờn bị đứt, người liền trả dây dùn lại thì đàn không kêu đúng tiếng. Lần thứ ba người ấy lên dây vừa vặn thì khảy tiếng đàn nghe tuyệt diệu. Thái tử liền ý thức: mình dốc tu cho thành Đạo để độ chúng sanh, nếu tu ép xác hành khổ thế nầy, trí huệ chưa mở, Đạo quả chưa thành mà đã bỏ thân, rồi làm sao cứu độ được ai ! Liền đó, Ngài tự phát kiến được hai xu hướng sai lầm và con đường Trung Đạo. Từ đó Ngài quyết định ăn uống bình thường lại, đoạn Ngài đến cội Bồ Đề ngồi tham thiền 49 ngày, là đắc Đạo “Vô Thượng Chánh Giác”.

          Lần đầu tiên Ngài trở lại Khổ Hạnh Lâm thuyết pháp “Tứ Diệu Đề” và chỉ con đường Trung Đạo cho anh em Kiều Trần Như nghe. Nghe xong, năm vị nầy đều chứng quả A La Hán.

          -HAI XU HƯỚNG SAI LẦM

          Muốn biết thế nào là Trung Đạo, cần phải tìm hiểu hai xu hướng sai lầm.

          1- Trưởng dưỡng xác thịt:

          Sự sai lầm trước hết là lối tu trưởng dưỡng xác thể, trong đây gồm có hai phần:

          a)- Phần thứ nhứt là do lo bồi bổ vật chất cho cuộc sống cao sang, sung sướng trong mọi sự ăn, mặc, ở quá với mức bình thường. Cách ăn, uống, ngủ, nghỉ không biết tiết chế điều độ.

          b)- Phần thứ nhì là nuôi tánh biếng lười, chẳng siêng năng học hỏi và làm việc. Người xưa từng bảo:“Nhàn cư vi bất thiện” (con người sống nhàn lạc sung sướng quá thì hay làm việc chẳng lành). Đúng thế, nếu người tu không siêng năng làm việc, cứ lo ăn uống bồi dưỡng cho xác thể quá sung mãn, thì lòng tham lam dục vọng càng nhiều, khiến cho tinh thần bạc nhược, trí huệ lu mờ, không thể nào tu hành mau sáng suốt được.

          2- Ép xác hành khổ:

          Sự sai lầm thứ hai là lối tu ép xác hành khổ, gồm có hai phần nhỏ:

          - Một là không ăn, không ngủ hoặc ăn ngủ quá ít.

          - Hai là làm việc thật nhiều, chẳng kể mưa nắng, quá với sức chịu đựng của xác thể. Bởi xác thân là vật chất, cần phải có ăn uống mới đủ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Ví như cái máy, có đủ xăng nhớt mới chạy được. Nếu ta cung cấp thức ăn cho cơ thể không đủ, hoặc làm việc quá sức, thì xác thân phải lao tổn, hay nay đau mai ốm. Hễ xác thân bệnh tật rồi thì tinh thần cũng bị yếu kém theo, không còn đủ sức dõng mãnh, hăng hái để tu học Phật pháp.

          II- THẾ NÀO LÀ TRUNG ĐẠO ?

1-    Chiết trung tránh sai lầm :

          Đã nhận rõ hai xu hướng sai lầm vừa kể trên, Đức Thầy dạy môn đồ không nên tu theo hai lối cực đoan ấy mà phải chiết trung nó lại. Hành giả không siêng năng làm việc, học hỏi, không được; bằng làm việc nhiều quá cũng không xong. Ăn ngủ ít bị lao tổn thân xác, trí lực yếu kém. Còn ăn ngủ quá dư thì sanh biếng lười, mê tối. Cho nên nhà tu nên ăn uống điều độ, lao động vừa với năng lực của mình, để bảo vệ sức khỏe mới có đủ tâm năng, trí lực tu học đạo pháp.

2-    Thực hiện đúng con đường Trung Đạo:

          Để cho sự tu hành đúng theo con đường Trung Đạo, mà xưa kia Đức Phật đã phát minh và tu hành đắc Đạo. Hôm nay Đức Thầy cũng dạy tín đồ như thế. Nghĩa là Ngài chẳng hề bắt buộc ai phải tu lối ép xác hành khổ và cũng chẳng bao giờ bảo môn đồ nào sống cảnh sung sướng, cho đến vấn đề ăn chay, ăn mặn cũng thế.

          Trên đường tiến đạo, nhà tu không nên đi mau quá (thái quá) mà cũng không bước chậm quá (bất cập). Ví như đoàn người leo núi đi mau quá thì mệt và hay vấp té nguy hiểm; bằng đi chậm quá thì không kịp đoàn, phải từ từ mà bước một cách thận trọng, tất sẽ được an toàn.

          Đức Thầy cũng không xúi biểu ai phải ăn chay kỳ cố định, hay ép buộc ai phải ăn chay trường. Ngài để tự nhiên cho trình độ giác ngộ và lòng nhân của mỗi tín đồ, tiến lên tới đâu thì tiến:

                   Trong bá gia nhiều ít lòng chay”.

          Và: “Chay được tánh chay tâm mới quí”.( ĐT)

          Nhưng có điều quan trọng là mỗi hành giả phải thi hành ba điều cần yếu sau đây:

          III- PHÁP TU CẦN YẾU:

          Sau khi Phật Thích Ca tịch diệt thời gian, một hôm Đại Đức Ca Diếp kêu Tôn giả A Nan hỏi:

          -Tôi có nghe trong “Tăng nhứt A Hàm Kinh” Phật thuyết gồm 37 phẩm trợ đạo, có chăng ?

          Tôn giả A Nan đáp:

          -Bạch Đại Đức ! Khỏi cần đến bộ “Tăng Nhứt A Hàm”, chỉ một bài Kệ bốn câu cũng đủ bao hàm 37 phẩm trợ đạo, bài Kệ ấy như vầy:

          Chư ác mạc tác; Chúng thiện phụng hành.

                 Tự tịnh kỳ ý; Thị chư Phật giáo”.

           (Điều ác đừng làm, Điều lành gồm làm.

              Tự lắng lấy lòng, Phật dạy như vậy !)

          Ngày nay Đức Thầy tóm tắt bài Kệ ấy, thành ba câu cần yếu là: Làm hết các việc từ thiện. Tránh tất cả điều độc ác và Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.

1-    Làm hết các việc từ thiện:

          Là làm toàn những việc hiền lành, nhơn đức có ích lợi cho mọi người và vạn loại chúng sanh; tức là lo tu “mười điều lành”, để trả xong nghiệp nợ và tịnh được Tam nghiệp. Và có đáp được “Tứ Ân” mới đền xong phần ân nợ và tạo được vô lượng phước đức:“Thượng báo tứ trọng ân, Hạ tế tam đồ khổ”.

2-    Tránh tất cả những điều độc ác:

          Là tránh hết những việc làm có thương tổn đến sanh mạng, danh vị và hạnh phúc của muôn loài, tức là giữ Tám điều răn cấm, đừng cho vi phạm và tránh “Tam nghiệp”, chừa mười điều ác. Chính những sự đó là hột giống của luân hồi sanh tử, là nghiệp nhân sanh ra mưôn ngàn tội lỗi khác. Người tu có chừa được mười điều ác mới dứt được “duyên trần cấu” và gốc tội lỗi tiêu tan, thoát khỏi nghiệp báo luân hồi. Cho nên Đức Thầy bảo: “Chúng sanh tịnh được tam nghiệp mới mong về cõi Phật”. Và:

                   “Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,

                   Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.

3-    Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch:

          Bởi tâm ý của mỗi chúng sanh thường nghĩ tưởng việc nhơ xấu, tà ác nên bị vô minh, dục vọng chi phối, như một biển nước đầy cặn cáu. Đức Thầy cho biết: cuộc đời của chúng ta đang sống đây gọi là ác thế ngũ trược.(Kiến trược, kiếp trược, chúng sanh trược, phiền não trược, mạng trược)

                    Biển hồng trần lao lý diệu vơi,

                   Xô đẩy mãi trong vòng ngũ trược”.

          Hành giả muốn ra khỏi vòng ngũ trược để về nơi thanh khiết, tất phải:“Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”.

          Cho nên Đức Thầy từng kêu gọi:“Người khôn mau sớm rửa lòng bợn nhơ”.

          Hễ lòng hết bợn nhơ phiền não thì cảnh thanh khiết và Phật tánh hiện bày chớ chẳng phải tìm nơi nào khác:

                   Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm,

                     Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.( ĐT)

          Vậy muốn rửa tấm lòng cho trong sạch ta phải làm sao ?

          Theo yếu chỉ PGHH thấy có hai cách rất đơn giản và quan thiết là hành Bát Chánh Đạo và Niệm Phật. Vì trong Bát Chánh Đạo có 6 chánh thuộc về tư tưởng:“Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Mạng, Chánh Niện và Chánh Định”. Nếu ai thực hành được sáu chánh đó thì lòng trong sạch, vào Niết Bàn:“Thiền Định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập liên hoa, siêu sanh vào cõi Niết Bàn”.

          Còn pháp niệm Phật để đối trị vọng tâm phiền não, hễ có tưởng nhớ Phật thì không còn tưởng nhớ việc xấu xa tà khúc hay tham sân si…Nếu niệm Phật được liên tục thì lòng luôn trong sạch thanh tịnh mà vào cõi “Thường Tịch Quang Tịnh Độ”.

          Thêm nữa, hành giả có thi hành được ba điều cần yếu vừa kể trên, tất được trọn lành, trọn sáng, tức thân tâm thanh tịnh, công đức viên vun. Cho nên Kinh Phật gọi đó là Tứ Cú Kệ và gồm nhiếp 37 phẩm trợ đạo. Có thể nói ba điều cần yếu bao gồm cả tám vạn bốn ngàn pháp môn. Vì tu đến đây hành giả diệt tận gốc phiền não: tham, sân, si nên gọi là pháp tu quan trọng và cấn yếu hơn hết.

          Tổng kết bài “Phật là gì ?” trước hết Đức Thầy định nghĩa chữ Phật và vạch ra con đường Trung Đạo, đúng theo chân truyền của Đức Phật Thích Ca. Chính nó là con đường tắt nhứt và đưa đến “Tối Thượng Nhứt Thừa”, hành giả không thiên chấp hai bên: hành khổ hay sung sướng, hoặc có không, động tịnh hay nhân ngã, mặn chay…

                   “Tu hành nào luận mặn chay,

              Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư”.( ĐT)

          Sau cùng Ngài dạy pháp tu quan yếu, nếu ai kiên trì tu tập sẽ được thành Đạo giải thoát.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          THƯỜNG TỊCH QUANG: Cũng gọi là Pháp tánh Tịnh Độ, là một trong năm điều thanh tịnh an vui. Có nghĩa người tu khi được vào Tịnh Độ thì tâm hồn luôn được an nhiên trong sáng, không còn bị phiền não trược chi phối. Kinh xưa đã bảo; hành giả khi vào được Tịnh độ thì năm điều uế trược sẽ đổi lại năm điều thanh tịnh an vui, như:

          1-Kiếp trược chuyển thành “Thanh Tịnh Hải Hội”.

          2-Kiến trược chuyển thành “Vô Lượng Quang”.

          3-Phiền não trược chuyển thành “Thường Tịch Quang”.

          4-Chúng sanh trược chuyển thành “Liên Hoa Hóa Thân”.

          5-Mạng trược chuyển thành “Vô Lượng Thọ”.

          TỨ ĐẾ: Cũng gọi là Tứ Diệu Đề. Có nghĩa bốn pháp thẩm xét mầu nhiệm chơn thật, gồm có: Khổ đề, Tập đề, Diệt đề, Đạo đề.

                   “Tứ diệu đề ai có mến ưa,

                   Thì Lão cũng kể sơ thêm nữa”.( ĐT)

          TRUNG ĐẠO: Cũng gọi là Đường Trung Đạo. Có nghĩa con đường chính giữa. Có hai thuyết giải:

1- Theo Khổng Giáo: Trung Đạo là trung dung. Có nghĩa không thái quá, không bất cập, giữ mực bình thường ở giữa thì mọi việc đều được thích trung “Thánh Nhơn ghi sách Trung Dung”( ĐT).

2- Theo Phật Giáo: Đạo Trung là con đường Đạo, là Đạo trung hòa. Có nghĩa không thiên chấp, như: ép xác hành khổ hay sung sướng hoặc chấp thường, chấp đoạn, có không, động tịnh, lành dữ, lui tới, ngã nhân hay vui buồn, thương ghét, không duyên theo thất tình lục dục. Lìa cả hai bên là đối đãi mà phải xem sự lý, dung thông, sắc không đồng nhứt thể:

                   “Thắng thất tình giữ vẹn Đạo Trung,

                     Trừ lục dục chớ cho ô nhiễm”.( ĐT)

          DỤC VỌNG: Lòng tham vọng ham muốn vật chất: danh, lợi, tình v.v…Đức Thầy dạy:

                   “Phải gìn dục vọng lòng tà,

              Đừng chìu theo nó vậy mà hư thân”.( ĐT)

          MÊ ĐẮM: Say mê đắm đuối theo lợi danh tài sắc, khó dừng lại được như người bị bịnh ghiền.

          TRƯỞNG DƯỠNG: Nuôi lớn xác thể.

          ĂN CHAY: (Xem CT chữ nầy bài Ăn chay, Q.6).

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa chữ Phật ?

        2/-Do đâu người ta xưng tụng Phật là bậc tỉnh thức ?

          3/-Tại sao đời tôn kính Phật là đấng Giác ngộ ?

          4/-Lý do nào Đức Phật tìm ra con đường Trung Đạo ?

          5/-Tại sao Đức Thầy không cho lối tu ép xác ?

          6/-Ta sung sướng có tai hại gì ?

          7/-Muốn tu đúng con đường Trung Đạo phải làm sao ?

          8/-Ba điều cần yếu Đức Thầy rút ở đâu và của ai ?

          9/-Làm hết các việc từ thiện là những gì ?

          10/-Tu thế nào gọi là tránh tất cả điều độc ác ?

          11/-Tại sao Đức Thầy bảo phải rửa tấm lòng cho trong sạch, và gội rửa bằng cách nào ?

          12/-Lý do nào Đức Thầy gọi ba điều nói trên là cần yếu ?

          13/-Hãy tổng kết bài “Phật là gì” ?

Ý kiến bạn đọc
29 Tháng Chín 20127:00 SA
Khách
Articles like this just make me want to visit your webitse even more.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn