III. BƯỚC TRUÂN CHUYÊN TRUYỀN ĐẠO :

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 56268)
III. BƯỚC TRUÂN CHUYÊN TRUYỀN ĐẠO :

Khởi nguyên từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Giáo Chủ khai truyền Chánh pháp tại Tổ Đình (Thánh Địa HH). Qua bốn lượt, Ngài hướng dẫn Đức ông (thân sinh Ngài) và một số tín đồ đi viếng khắp vùng Thất Sơn và Tà Lơn. Đến ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn (1940) nhà đương cuộc Pháp dời Ngài qua Châu Đốc, độ 2 giờ sau họ đưa luôn Sa Đéc. Sau cuộc xét hỏi ba hôm, nhà cầm quyền ở đây cho biết là Ngài không được phép truyền Đạo ở các tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, nhưng họ cũng để Ngài được chọn nơi nào tùy ý. Thế là vào ngày 18 tháng 4 năm Canh Thìn (1940), Ngài đến cư ngụ tại nhà ông Hương Bộ Võ Mậu Thạnh, tại rạch So Đủa (Cần Thơ).

          Ở đây trên hai tháng, nhà cầm quyền Cần Thơ đòi Ngài đến trình diện rồi đưa luôn vào nhà thương khám bệnh, hôm ấy nhằm ngày 29 tháng 6 năm Canh Thìn (1940), với dụng ý là họ muốn quản thúc Ngài. Đến hôm mùng 4 tháng 7 năm Canh Thìn (1940), họ đưa Đức Giáo Chủ vào nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn).

          Ở đây ngót 10 tháng 7 ngày, vào ngày 11 tháng 5 năm Tân Tỵ (1941) nhà cầm quyền đưa Ngài qua sở Công An Pháp (bót Catina) để điều tra, thời gian 8 ngày. Đến ngày 19 tháng 5 họ mới cho Ngài về Bạc Liêu cư ngụ tại nhà ông Ký Giỏi, nhưng họ buộc Ngài mỗi tuần vào sáng thứ hai, phải đến trình diện với Sở Cảnh Sát tại đây:

“Việc chi mà phải đi trình báo,

Mỗi tháng bốn kỳ nhọc cẳng ông.

Đợi máy huyền cơ xây đến mức,

Tính xong cuộc thế lại Non Bồng”.

          Đó là một trong ba bài thi Ngài đã diễn tả lại hoàn cảnh trong lúc ấy.

          Lúc bấy giờ, quân đội Nhật có mặt khắp Đông Dương, thế lực người Pháp yếu dần, mà số người đến thọ giáo với Đức Giáo Chủ càng lúc càng đông, nên người Pháp quyết định đày Đức Thầy sang Lào, nhưng họ chưa kịp thi hành quỉ kế. Bỗng đêm mùng 2 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1942), Sở Hiến binh Nhật cho Thượng Sĩ Kishi đem xe xuống Bạc Liêu chở Đức Thầy về Sài Gòn để Ngài ở tại Sở Hiến binh Nhật. Cư ngụ tại đây 2 tháng, Ngài bèn dời về căn lầu 168 đường Lefèbre rồi sang qua căn 150 kế đó.

          Sau ngày quân đội Nhật lật đổ chánh quyền Pháp (đêm 24 rạng ngày 25 tháng Giêng năm Ất Dậu 1945), Đức Giáo Chủ về thăm Tổ Đình (HH) và các tỉnh miền Tây, rồi Ngài cũng trở lại Sài Gòn lo hoạt động cứu nước.

          Vào khoảng đầu tháng 5 đến hết tháng 6 năm Ất Dậu, Đức Giáo Chủ đi thuyết pháp khắp nơi, gồm 107 vị trí. Cuộc đi này mệnh danh là “Khuyến Nông” vì trận Đệ Nhị Thế Chiến tạo ra sự đói khổ khắp nước Trung Hoa, lan dần qua Bắc Việt, khiến đồng bào ta phải chết đói hằng triệu.

          Với đường lối cứu quốc chánh nghiã của Đức Giáo Chủ không khỏi làm trở ngại chánh sách độc tài đảng trị của Trần Văn Giàu. Cho nên họ vu cáo rằng Đức Thầy và tín đồ sắp tạo phản và cướp chính quyền. Do đó vào đêm mùng 4 tháng 8 năm Ất Dậu (11-9-1945), người ta cho lệnh bao vây căn phòng số 8 góc đường Sohier-Miche để bắt cho kỳ được Đức Giáo Chủ, nhưng Ngài vẫn thoát ra một cách dễ dàng, rồi di chuyển từ Gia Định đến Biên Hòa, Long Thành, vào tá túc tại khu vườn trà Huế, sau rốt Ngài phải xuống tận Bà Rịa.

          Trong tình cảnh ấy, Đức Thầy có viết 7 bài thi tứ cú, mang tựa đề là “Tiếng Súng Bên Lầu”:

Nước non tan vỡ bởi vì đâu ?

Riêng một Ta mang nặng khối sầu.

Lòng những hiến thân mưu độc lập,

Nào hay tai họa áp bên lầu.

               *  *  *

Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,

Trời đất phụ chi kẻ trí tài.

Mưu quốc hóa ra người phản quốc,

Ngàn thu mối hận dễ nào phai.

                *  *  *

Từ ấy lao mình vượt khổ nguy,

Băng rừng lội suối giả man di.

Ngày mong ải Bắc oan nầy giải,

Đem sức ra nâng lá quốc kỳ.

                 *  *  *     

Nhưng khổ càng mong càng vắng bặt,

Trời Nam tràn ngập lũ Tây-di.

Biết bao đồng-chí phơi xương máu,

Thức-giả nhìn nhau hỏi tội gì ?

                  *  *  *

Vì tội không đành phụ nước non,

Phô bày tiết tháo tấm lòng son.

Ngăn phuờng sâu mọt lừa dân-chúng,

Chẳng nệ thân danh nỗi mất còn.

                   *  *  *

Nếu mất thôi đành xong món nợ,

Nay còn há dễ ngó lơ sao ?

Dọc ngang chí cả dù lao-khổ,

Thất bại đâu làm dạ núng nao.

                   *  *  *

Thất bại đâu làm dạ núng nao,

 

Non-sông bao phủ khí anh-hào.

Phen nầy cũng quyết đền ơn nước,

Máu giặc nguyện đem nhuộm máu đào”.

                  Miền Đông, năm 1946

          Khoảng cuối năm Ất Dậu, quân Pháp chiếm đóng Việt Nam trở lại. Trần Văn Giàu tìm đường đào tẩu, Đức Giáo Chủ liền trở về Chợ Lớn, bắt đầu liên lạc với tín đồ và các chánh đảng để mưu cuộc cứu quốc. Mãi đến tháng 10 năm Bính Tuất (1946) Ngài nhận tham gia vào Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ “Ủy Viên Đặc Biệt”, nhưng chỉ được một thời gian rồi vì xảy ra cuộc xô xát giữa cán bộ Việt-Minh và Đảng Viên Dân Xã nên Ngài phải rời miền Đông trở về miền Tây dàn xếp.

          Thế là sáng ngày 6 tháng 4 năm 1947, Đức Giáo Chủ khởi hành vượt qua Đồng Tháp Mười, Cái Bèo lúc 5 giờ chiều Ngài đến vàm Kinh Xáng Phong Mỹ, rồi thẳng đến văn phòng tại xã Phú Thành, thuộc tỉnh Long Xuyên (Kiến Phong ngày nay). Qua ngày 24 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (15/4/1947) Đức Giáo Chủ đến diễn thuyết tại chợ Ba Răng (xã An Phong). Ngài kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ tỵ hiềm thiệt thi Tinh Thần Đoàn Kết Dân Tộc.

          Sáng ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (16/4/1947), Ngài tiếp tục dàn xếp giữa đôi bên. Trưa lại được thư của Bửu Vinh, mời Ngài hội nghị tại văn phòng của y, đặt nơi nhà ông Sư Huê trong ngọn Đốc Vàng hạ, xã Tân Phú, quận Thanh Bình ngày nay.

          Trước khi đi Đức Giáo Chủ có thốt rằng:“Ngày nay là ngày đồng bào đau khổ nhứt ! Ôi ! Sao mà khổ quá như vầy ? Nhịn thì đồng bào chết ít, bằng không nhịn phải chết nhiều”. Thế rồi, Ngài quyết định đi họp, mặc dù khi ấy có nhiều Tín Đồ đề nghị Ngài không nên đi ! (Ghe đi gồm có 9 người: Đức Thầy, thư ký Giữ, 4 phòng vệ và 3 người chèo).

            Hai giờ chiều hôm đó, cuộc họp hòa giải suốt hai tiếng đồng hồ cũng không ổn, Ngài xuống ghe nghỉ đến 5 giờ chiều mới về. Khi ghe chèo ra tới vàm Kinh Thầy Cai Cần, đường tắt về Phú Thành (Ba Răng), anh Huỳnh Hữu Thiện (Ký Giữ) chỉ tay bảo 3 người chèo về đường tắt cho gần, nhưng Đức Thầy không cho và nói:“Mình đi đại lộ thì về đại lộ, người ta có ý gì không tốt, để sau này lịch sử phê phán”.

          Ghe đi một đoạn đường nữa, Đức Thầy kêu mọi người dưới ghe hỏi:“Bây giờ nếu thả các anh tại đây, có anh nào biết đường về Phú Thành không ?”

          Anh Mười Tỷ, một trong bốn phòng vệ, đáp:

          -Bạch Thầy ! con biết.

          Đức Thầy nói tiếp:“Có gì khó, cứ nhắm hướng sao Cày chạy riết thì tới chớ gì !”Nghe nói, ai cũng lo ngại và ghi nhớ lời dặn dò ấy.

          Khoảng 7 giờ 30 tối, trời tối mịt, ghe chèo tới bến sông nhà ông Mười Đủ thì có lính gác rọi đèn kêu ghé lại, thư ký Huỳnh Hữu Thiện đứng lên trả lời:

          -Ghe của Ủy Viên Đặc Biệt Hành Chánh Nam Bộ, đi họp với Ban Quân sự Tỉnh Long Xuyên về.

          Trên bờ có tiếng đáp lại:

          -Ghe của ai cũng phải ghé trình tờ giấy rồi mới được đi !

          Anh Thiện lấy giấy bước lên bờ thì Bửu Vinh ra mặt hỏi:

          -Có ông Ủy viên Đặc biệt dưới ghe không ?

          -Có. Anh Thiện trả lời.

          -Vậy mời ông lên đây tiếp tục họp nữa.

          Đức Thầy bước ra và đi thẳng lên bờ, anh Ký Thiện (Giữ) đi theo, Ngài không cho, bảo:“Để bốn phòng vệ theo thôi!”( Đoạn nầy theo lời anh Thiện (Ký Giữ) thuật lại).

          Tại đây (nhà ông Mười Đủ), Bửu Vinh đã bố trí: y đặt cây súng máy (FM) ngoài sân kiểng ghim họng ngay chỗ Đức Thầy ngồi. Ngài bước vào, bốn phòng vệ bước theo đứng bốn góc. Bửu Vinh mời Ngài ngồi ghế giữa ngó ra, y ngồi một bên, liền đó 8 người lính của y bước vào, cứ 2 người đứng cặp kè một phòng vệ.

          Trong lúc luận cãi, Bửu Vinh dằn mạnh ly nước xuống bàn rồi ngã ngữa ra, tức thì loạt súng máy nổ ngay Đức Thầy. Ngài lẹ tay quạt tắt cây đèn, nhờ đó anh Mười Tỷ hụp xuống, 2 người lính của Vinh đâm lầm nhau, ba phòng vệ kia đều bị đâm chết hết. Anh Tỷ thoát ra chạy nhào xuống Rạch, rủi quai súng mắc vào nọc cầu, trên bờ súng bắn vãi theo, anh Tỷ núp dưới cầu, quay họng súng lại bóp cò nổ hết băng đạn (Mi-Trây-Dết) rồi lội qua rạch chạy về. Còn anh Ký Giữ và ba người chèo (1. Ông Phùng văn Khả, 2. Ông Quắn và 3. Ông Dùng. Ông Khả hiện giờ 64 tuổi thuật rõ điều nầy) nghe tiếng súng nổ, biết việc không yên, đã lội qua rạch và y theo lời Đức Thầy dặn, tất cả đều nhắm hướng sao Cày chạy về Phú Thành trước.

          Sau mấy phút, tiếng súng vừa dứt, Bửu Vinh kêu chủ nhà đốt dùm cây đèn khác đem ra. Anh Khâm (con ông Mười Đủ) bưng cây đèn ra, thấy Đức Thầy xách cái ghế Ngài ngồi lúc nãy đang nằm cạnh bàn thờ Cửu Huyền, đem đặt lại chỗ cũ rồi Ngài ngồi xuống. (Cha con ông Mười Đủ là chủ nhà, đã thấy đích xác việc xảy ra và kể lại). 

          Lúc ấy Bửu Vinh đinh ninh Đức Thầy đã chết theo loạt súng máy, không ngờ cái bàn và vách nhà thì lủng mà Ngài vẫn tự nhiên, Vinh cuống quít tìm lời chối cãi âm mưu thâm độc của mình nên nói lớn:

          -Người ta ám sát cả tôi và ông, nhưng may quá, chúng ta không sao hết.

          Kế đó, một toán lính xông vào vác 4 xác chết đem ra. Đoạn rồi Bửu Vinh mời Đức Thầy trở vào văn phòng của y (nhà ông Sư Huê, trong đó khoảng 4 cây số), có lính theo bảo vệ chung quanh.

          Sau cuộc biến cố, tiếng mõ và tù dà nổi lên báo động khắp làng xóm, lính Bảo An Dân Xã và Tín Đồ kéo theo Đức Thầy rất đông. Đi một lát, Ngài quay lại nói lớn:“Bà con về đi, đi !” Đi ít phút, Ngài cũng quay lại và nói câu đó, luôn ba lần như vậy.

          Lúc ấy có ông Năm Tạo, là Hội Trưởng đương nhiệm của Đạo trong xã Tân Phú và một số Tín Đồ hiểu ý Ngài, liền trở lại dọn đồ xuống ghe chèo về Hòa Hảo nên được sống; còn số nào ở trễ lại vài ngày sau đều bị Việt Minh bắt giết. (Đoạn nầy theo lời ông Tạo, Hội Trưởng Xã lúc đó).

          Khi vào văn phòng, Đức Thầy bảo Bửu Vinh:“Kêu giùm tôi ít người Đảng Viên Dân Xã”. Vinh kêu luôn ba lần thì có 3 anh: Lăng, Thôi và Mùi bước vô. Đức Thầy hỏi:“Ba người là ai ?”

          Ba người xưng tên và nói:“Chúng tôi là Tín Đồ của Ngài”.

          Đức Thầy liền bảo:“Hãy nhìn Thầy cho kỹ ! Không ai giết Thầy được hết nhen ! Giờ đây tôi nhờ 2 anh: Lăng và Thôi, hãy mang cái thơ nầy về Phú Thành, trao cho ông Trần văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ”.

          Hai anh lãnh thơ bước ra đường suy nghĩ “nếu mình đi theo đường mòn, chắc bị họ theo giết, vậy phải đi tắt mới xong”. Hai anh ra mé vườn định thần nhìn về hướng Phú Thành, thấy có ngôi sao sáng tỏ chớp chớp gần đọt cây, rồi nhắm đó làm chuẩn mà chạy tắt trên đất cày. (Đoạn nầy theo lời anh Lăng kể lại cho anh sáu Trọng nghe, anh Trọng kể lại với tôi. Tháng 10 năm ấy anh Lăng bị cảm gió rồi mất).

          Bởi Đức Giáo Chủ quá thương xót đồng bào nhân loại, lúc nào cũng muốn đôi bên thôi xô xát lẫn nhau, nên sau khi hòa giải không được, Ngài mới chọn cách vắng mặt trong sào huyệt của đối phương và còn ra lệnh “án binh bất động”, để vừa làm cho tín đồ ít chết và vừa khiến cho đối phương yên tâm, bớt gây nghiệp sát hại người tu. Thật là lòng từ bi của Ngài bao la vô bờ bến:“Tình yêu mà chẳng riêng ai cả, Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh”.

          Đây là nguyên văn bức thơ của Ngài viết:

          Ông TRẦN-VĂN-SOÁI

     và Ông NGUYỄN-GIÁC-NGỘ

          Tôi vừa hội-hiệp với ông Bửu-Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên-nhân còn điều-tra ; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo-cáo rằng tôi bị bắt hay mưu-sát thì các ông đừng tin và đừng náo-động. Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.

          Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu-Vinh điều-tra kỹ -lưỡng rồi về sau.

          Phải triệt-để tuân lịnh.

                                      Ngày 16-4-47 : 9 giờ 15 đêm

                                                      Ký tên : S.

          Đức Giáo Chủ ở tại vị trí này một đêm, 5 giờ sáng ngày 26 Bửu Vinh đưa Ngài ra Rạch Cái Nga rồi họ đem Ngài luôn xuống xã Phong Mỹ, Quận Cao Lãnh, Tỉnh Sa Đéc, cách Tân Phú bảy tám cây số. Đến đây, họ để Ngài  ở trong nhà lầu của ông Cưu sát lộ mới, phía dưới cầu Rạch Cái Bí. (Đoạn nầy thuật theo lời thân tộc ông Cưu, là do chính ông Cưu kể lại) Sau đó hai hôm (27-28), bỗng nhiên Đức Thầy đâu mất. Theo chủ nhà và đồng bào ở đây kể lại: Hôm ấy đội lính chận hết ghe xuồng lại, họ giở ván từng khoang ghe, xem xét và lục soát các nhà lân cận, tìm kiếm tở mở.

          Có người hỏi các anh lính:“Chuyện gì vậy?” Họ trả lời:“Việc quan trọng lắm! Mấy ông không nên hỏi!”

          Chính giờ phút ấy, Đức Giáo Chủ PGHH vắng mặt và ẩn dạng cho đến ngày hôm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn