CHÁNH VĂN (Từ câu 449 tới câu 476)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 38040)
CHÁNH VĂN (Từ câu 449 tới câu 476)

449.- Chữ Lục-Tự trì tâm bất viễn,

Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.

Ai lòng nhơn hoặc chép hay in,

452.-Mà truyền-bá đặng nhiều phước-đức.

Trong bá-tánh từ nay buồn bực,

Khùng yêu dân chỉ rõ Đạo mầu. 

Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu,

456.-Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp.

Việc biến chuyển Thiên-Cơ rất gấp,

Khuyên chúng-sanh hãy rán tu hành. 

Cầu linh-hồn cho được vãng-sanh,

460.-Đây chỉ rõ đường đi nước bước.

Hãy tưởng Phật đừng làm bạo ngược,

Ta phần hồn dạo khắp thế-gian.

Vào xác-trần nước mắt chứa-chan,

464.-Khắp lê-thứ nghe lời thì ít .

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 449 tới câu 464)

          -Đoạn nầy Đức Giáo Chủ khuyên: nếu ai chuyên tâm trì niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, không để phút nào gián đoạn, thì lúc gặp tai nạn nguy hiểm sẽ được Phật Trời gia hộ, hoặc có người cứu thoát.

          Cách đây khoảng 40 năm, báo chí có đăng câu chuyện: ba anh Sĩ quan nọ, cùng đi trên chiếc phi cơ, rủi bị hư máy rớt xuống biển. Có điều lạ là phi cơ bị hư nhưng không chìm liền và ba anh chẳng bị thương tích gì cả; phi cơ khác tới cứu, vớt ba anh lên, tức thời chiếc phi cơ hư chìm lút xuống nước. Sau hỏi ra được biết: ba người ấy đã tu theo Môn Tịnh Độ và lúc nguy ngập đó chỉ còn biết niệm Phật chờ chết, không ngờ được thoát nạn.

          Trường hợp nầy, suốt thời gian binh lửa tại đất nước Việt Nam, có rất nhiều người niệm Phật được thù hưởng (?) ân huệ của Phật Thần. Nghĩa là nhờ sự chí tâm niệm Phật mà các người ấy đã bao lần thoát chết trước làn gió đạn mưa bom. Ông Sư Vãi Bán Khoai từng bảo:

                   “Niệm Phật có Phật vãng lai,

                Lâm cơn nạn tám Phật sai cứu mình”.

          -Đức Thầy hiện nay cũng từng nhắc nhở:

                   “Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt,

                   Thì nạn tai cũng thoát như không”.(Sa Đéc)

          Ngài cũng hằng kêu gọi: ai là người có lòng nhơn, nên in hoặc chép lời kệ giảng để truyền bá sâu rộng trong quần chúng, tất sau nầy được nhiều phúc lợi cao quí:

                   “Ai làm phước in ra mà thí,

             Thì được nhiều hạnh phúc sau nầy”.(Giác mê, Q.4)

            Vì cơ Trời đất chuyển xoay quá gấp nên Đức Thầy giục thúc bá gia tiến nhanh trên đường Đạo, do Ngài đã vạch sẵn và rán hành trì pháp môn niệm Phật, để được vãng sanh về Cực Lạc.

          -Đồng thời mỗi người hãy tự diệt bỏ những hành động ngang tàng hung ác, giữ tư tưởng ngôn ngữ cho được thuần chánh và tưởng Phật, nhớ Phật. Tuy hiện giờ Đức Thầy ở một nơi, song lúc nào Ngài cũng dùng hóa thân dạo khắp trần gian để rộng độ chúng sanh:“Tuy là hữu ảnh vô hình, Chớ dân lòng tưởng sân trình đáo lai”.(Từ giã Bổn đạo khắp nơi). Ngài nhìn thấy số người nghe Kệ Giảng quá ít, phần đông là mắt lấp tai ngơ, nên lòng Ngài ngập tràn nỗi buồn thương, chứa chan dòng lệ.

 

CHÚ THÍCH

          CHỮ LỤC TỰ: Sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật.

          TRÌ TÂM: Giữ gìn lòng mình cho thuần nhứt một niệm Phật, không hề để một vọng tưởng nào khác xen tạp.

          BẤT VIỄN: Chẳng lìa xa. Ý nói tâm không để tiếng niệm Phật vắng lâu mà phải niệm nối liền như dây xích, khoen nầy mắc liền khoen khác.

          LÂM NGUY: Gặp lúc nguy hiểm nghèo ngặt.

          LÒNG NHƠN: (Xem Chú thích câu 281, Q.2).

          TRUYỀN BÁ: Gieo rải khắp nơi. Ý nói đem giáo lý pháp mầu phổ biến rộng ra. Xưa, Đức Phật từng bảo: “Các con muốn đền ơn Ta ư ? Thì Giáo pháp của Ta đó ! Hãy gắng mà học đi, hãy cố mà hành đi, và hãy quyết mà truyền đi. Mọi sự cúng dường tán Phật, không bằng đem giáo pháp của Ta mà quảng bá”.

          Nay Đức Thầy cũng thường khuyến tấn:

                    “Nên cố gắng trau thân gìn đạo,

          Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành”.(K/Thiện, Q.5)      

          PHƯỚC ĐỨC: Cũng gọi là phúc đức. Làm những việc có ích lợi cho mọi người gọi là Phước, lòng nhơn ái từ thiện đối với vạn loại chúng sanh gọi là Đức. Người có Phước Đức luôn có lòng Từ, Bi, Hỉ, Xả và tận tâm giúp đỡ muôn loài những điều phúc lợi. Đức Thầy có câu:“Phước đức quí hơn bạc vàng”.(K/thiện,Q.5) Và:“”Ai nhiều phước đức được vào cõi Tiên”.(Sám Giảng Q.3).

            ĐẠO MẦU: (Xem Chú thích câu 391, Q.1).

          TƯỞNG NIỆM: Tưởng nhớ. Tưởng Phật, nhớ Phật. Đây ý bảo phải luôn tưởng nhớ sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.

          CANH THÂU: (Xem Chú thích câu 391, Q.1).

          LINH HỒN: (Xem Chú thích đoạn 6 bài Sứ Mạng)

          VÃNG SANH: (Xem Chú thích câu 516, Q.1)

          BẠO NGƯỢC: Tàn bạo ngang ngược.

          CHỨA CHAN: Cũng đọc là chan chứa. Có nghĩa dẫy đầy linh láng. Đức Thầy có câu:

               “Nghĩ cuộc đời mà chan chứa nỗi hao mòn,

                Xem cảnh thế luống xót xa niềm chích mát”.

                                                          (Mượn cây đuốc huệ) 

CHÁNH VĂN

465.-Chốn sơn-lãnh bây giờ mù-mịt,

Cho nên dân dạy chẳng nghe lời.

Kể từ nay nói chuyện chiều mơi,

468.-Chớ chẳng nói dông dài khó hiểu.

Cờ đã thất còn chờ nước chiếu,

Mà còn ăn con chốt làm chi.

Ai là người quân-tử tu mi ? 

472.-Phải sớm xử thân mình cho vẹn.

Chừng lập Hội khỏi thùa khỏi thẹn,

Với Phật-Tiên cũng chẳng xa chi.

Lời cao-siêu khuyên hãy gắn ghi,

476.-Ta ra sức dắt-dìu bá-tánh.

             NAM-MÔ TAM-GIÁO QUI NGUƠN,

             PHỔ-ĐỘ CHÚNG-SANH A-DI-ĐÀ PHẬT

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 465 tới câu 476)

          -Bởi nhìn lên các đỉnh núi miền Thất Sơn, vẫn còn mờ mịt những cây lẫn đá, chưa thấy gì gọi là quí báu, nên dân chúng chẳng chịu nghe lời giáo khuyên. Đức Giáo Chủ cho biết, từ đây Ngài sẽ nói những chuyện gần bên, trước mắt cho chúng sanh dễ hiểu, chớ không nói dài dòng hay ẩn dấu điều chi.

          -Cuộc cờ của đất nước sắp tới hồi chiếu bí mà trong bá tánh mãi còn đắm say quyền tước vị danh, để rồi mai đây phải ôm sầu nuốt hận. Cho nên Đức Thầy từng kêu gọi (trong Thiên lý ca):

                    “Cả kêu kìa hỡi là ai,

          Quan trường rời rứt mặt mày chùi lau.

                     Lui chơn ra khỏi cho mau,

           Tầm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan”.

                   -Vậy ai là người nam nhi Quân tử hãy sớm tu thân lập đức, ngôn hạnh song toàn, hiếu trung gồm đủ và diệt trừ các nghiệp nhân tội ác. Có thế, mới không tủi hổ trong ngày Long Hoa đại hội và được kiến diện Phật Tiên, chung hưởng cảnh đời Thượng ngươn Thánh đức.

          -Trước khi dừng bút, Đức Thầy nhủ khuyên mỗi người hãy ghi nhớ những lời cao sâu, mầu nhiệm trong đây hầu sớm hôm trau giồi Đạo hạnh. Riêng Ngài lúc nào cũng dốc hết tâm lực, để “Dìu nhơn sanh khỏi chốn mê lầm, Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới”.(Tặng Bác sĩ Cao Triều Lợi).

          -Chót hết Ngài dạy: Khi xem hết quyển Kệ Dân nầy, mỗi người đều tâm nguyện với Đức Phật A Di Đà cùng chư Phật, Thánh, Tiên đồng từ bi tế độ khắp chúng sanh, sớm thoát mê về giác.

CHÚ THÍCH

          SƠN LÃNH: Cũng viết là sơn lĩnh. Có nghĩa: chót núi hay đỉnh núi. Ý chỉ cảnh rừng núi miền Thất Sơn.

          CỜ ĐÃ THẤT CÒN CHỜ NƯỚC CHIẾU, MÀ CÒN ĂN CON CHỐT LÀM CHI ?: Trong bàn cờ tướng, một bên đã thất, chỉ còn nước chiếu nữa là biết ăn thua, thế mà người trong cuộc lại lo ăn con chốt làm chi, cho luống công vô ích; bởi nó không phải là con cờ quan trọng. Ý nói cuộc thế sắp đến hồi biến hoại, cơ tạo hóa sẽ chọn lọc hiền còn, dữ mất, tại sao bá tánh chẳng sớm lo trau thân lập hạnh, lại mãi chạy theo danh lợi ảo huyền. Vì những quyền lợi cao sang ấy, không thể cứu sống được mình; trái lại, nó thường kéo mình vào khổ nạn đau thương !

          -Đây còn có nghĩa chỉ cho người Pháp sắp bị mất quyền ở đất nước Việt Nam mà kẻ gian nịnh còn bám theo chúng để mưu cầu quyền lợi nhỏ nhen, nhơ xấu, nên Đức Thầy giác tỉnh họ (trong SấmGiảng Q.1):

                   “Đừng ham làm chức nắc nia,

             Ngày sau như khóa không chìa dân ôi !”

          QUÂN TỬ: Người có phẩm hạnh cao khiết, lòng nhân ái rộng lớn và chí đức, tài năng siêu xuất hơn kẻ thường. Thánh nhân từng bảo:“Quân tử ái nhân dĩ đức” (Người Quân tử lấy Đạo đức mà thương người). Đức Thầy từng nói:

                   “Chí Quân tử lòng nhơn vạn đại,

                      Dốc làm sao rõ mặt tang bồng”.

                                      (Diệu pháp Quang minh)

          Vậy ai muốn trở thành bậc “Nam nhi Quân tử”, phải tự lo tu sửa tánh tình, ngôn hạnh, đến xử sự đều đứng đắn tốt đẹp. Cho nên người Quân tử lúc nào cũng chỉ cầu ở nơi mình:“Quân tử cầu chư kỷ”.

          Xưa, Ngụy Văn Hầu hỏi Hồ Quyển Tử rằng:

          - Cha hiền có đủ nhờ cậy chăng ?

          Hồ Quyển thưa: Không đủ ?

          - Con hiền có đủ nhờ cậy không ?

          - Không đủ.

          - Anh hiền có đủ nhờ cậy không ?

          - Không đủ.

          - Em hiền có đủ nhờ cậy không ?

          - Không đủ.

          - Bầy tôi hiền có đủ nhờ cậy không ?

          - Không đủ.

          Văn Hầu đổi sắc mặt, gắt: Quả nhân hỏi nhà ngươi năm điều, mà điều nào ngươi cũng cho là không đủ, tại cớ làm sao ?

          Hồ Quyển thưa:

          - Cha hiền không ai hơn Vua Nghiêu mà con là Đan Chu phải bị đuổi. Con hiền không ai hơn Vua Thuấn mà cha là Cổ Tẩu thật ngoan ngạnh, độc ác. Anh hiền không ai hơn Vua Thuấn mà em là Tượng rất ngạo mạn. Em hiền không ai hơn Chu Công mà Quản Thúc bị giết. Bầy tôi hiền không ai hơn ông Thang, ông Vũ mà Vua Kiệt vua Trụ mất nước…Mong nhờ người không như ý, cậy người không được bền lâu. Nhà vua muốn cho nước được bền trị thì phải cậy ở mình trước, hơn là mong nhờ người khác.(Dẫn theo Cổ học Tinh hoa).

          Chuyện trên đây là mặt xử sự trong đời, muốn được thành công còn phải do nơi sức mình là trước nhất. Đến như người muốn tiến xa trên đường Đạo hạnh thì trước phải cần tu thân xử kỷ, sau mới được sự tiếp độ của Phật Tiên.

          TU MI: (Xem Chú thích câu 111, Q.2).

          VỚI PHẬT TIÊN CŨNG CHẲNG XA CHI: Bởi tâm tánh của Phật Tiên và chúng sanh trước kia đồng một bản thể (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh). Tất cả đều có từ vô thỉ, song vì các Ngài sớm giác ngộ và tiến hóa, nên trở thành Tiên Phật. Còn chúng ta mãi đắm mê trần tục, tạo nhiều nghiệp nhân, tội lỗi, nên bị luân hồi sanh tử, từ vô lượng kiếp, nay vẫn còn làm chúng sanh. Nếu giờ đây ta biết giác ngộ tu hành, diệt sạch lòng phàm phu vọng tưởng, tức được trở thành Tiên Phật như các Ngài:“Phật Tiên Thánh muôn loài vạn vật, Cũng ở trong quả đất dựng gầy”.(Thu đã cuối)

          Xưa, Đức Lục Tổ đã bảo:“Chư Thiện tri thức, phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ đề. Niệm trước mê muội tức là phàm phu, niệm sau giác ngộ tức là Phật. Niệm trước dính cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức là Bồ đề”.

          CAO SIÊU: Quá cao, vượt trên mức thường. Ví dụ: Ý nghĩa cao siêu. Đức Thầy từng nói:

                   Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,

                   Khó gặp chữ không không mà có”.(Sa Đéc)

            GẮN GHI: (Xem Chú thích câu 309, Q.1).

          NAM MÔ: (Xem Chú thích câu 29, Q.1).

          TAM GIÁO: Ba Tôn Giáo lớn, tức là Phật, Thánh, Tiên. Cũng gọi là: Thích, Khổng, Lão. Đức Thầy có câu:

                   Trong Tam giáo ân cần mở Đạo,

          Trường ngoại bang phục đáo như xưa”.(Thiên lý ca)

            QUI NGƯƠN: Cũng gọi là qui nguyên. Có nghĩa hiệp về một gốc. Đức Thầy bảo (trong Đến làng Nhơn Nghĩa):“Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên”.

          PHỔ ĐỘ: Cứu độ khắp cả, tế độ các giới chúng sanh thoát khỏi cảnh mê đồ thống khổ. Đức Thầy từng cho biết:

                   “Oai thần đem Đạo huyền thâm,

                  Nhiệm mầu phổ độ âm thầm ai hay”./.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn