II- ÂN ĐẤT NƯỚC

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43053)
II- ÂN ĐẤT NƯỚC

CHÁNH VĂN  

          ÂN ĐẤT NƯỚC : Sanh ra, ta phải nhờ Tổ Tiên, Cha Mẹ, sống ta  cũng nhờ Đất Nước, Quê Hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ-dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ Đất Nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê-hương lúc nghiêng-nghèo, và làm cho được trở nên cường-thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

          Hãy tùy tài tùy sức, nỗ-lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

          Đó là ta đền ơn Đất Nước vậy.

 

LƯỢC GIẢI

          Xưa kia Đức Phật dạy là Ân Quân Vương. Hiện giờ Đức Thầy đổi lại là Ân Đất Nước cho phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Là một công dân, dù ai cũng có bổn phận đối với đất nước (Tổ Quốc).

                   Kẻ phu tá cũng là trọng trách,

                  Cứu giống nòi quét sạch non sông”.( ĐT)

1.- LÝ DO THỌ ƠN

          Kể từ đời Hồng Bàng dựng nước, ông cha ta đã dày công khai quốc và kiến quốc:

                   Bắc Nam một dãy san hà,

                   Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi”.( ĐT)

          Và ra công gìn giữ đất nước, ngày nay chúng ta mới hưởng được tấc đất, ngọn rau và mọi sản phẩm…Cho nên ai cũng phải thọ ơn.

2.- PHƯƠNG CÁCH ĐÁP ƠN

          Mỗi công dân đều có trách nhiệm:

          a)- Thời bình lo củng cố cho đất nước được phú cường (dân giàu nước mạnh).

          b)- Khi có giặc ngoài thống trị, ta phải góp công vào việc đánh đuổi xâm lăng. Đức Thầy cho biết “Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ”.

          c)- Hãy tùy tài, tùy sức và tùy thời cơ giúp nước. Đức Thầy hằng dạy:“Nếu chưa đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ suất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến Đất nước”.

3.- QUAN NIỆM YÊU NƯỚC

          Người tín đồ PGHH, lúc đáp ơn Đất Nước không đặt nặng về lợi danh quyền tước mà bị nó trói trăn trong luân hồi sanh tử, nên khi nước nhà được tự chủ (độc lập) thì trở lại vị trí tu hành để được giải thoát.

                   Đền xong nợ nước thù nhà,

               Thiền môn trở gót Phật Đà Nam”.( ĐT)

          Ta hãy noi gương nguyên soái Đổng Vân, Đại sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, Sư Đỗ Pháp Thuận và Tuệ Trung Thượng Sĩ…và gần đây có Nguyễn Đa, tức ông Cử Đa…

4.- LỢI ÍCH NGƯỜI BIẾT ĐÁP ƠN ĐẤT NƯỚC

          Người đáp ơn Đất nước sẽ được các điều lợi ích:

          a)- Được người đương thời ca ngợi, con cháu hiển vinh.

          b)- Khi chết được thành Thần Thánh:

                   Dầu không siêu cũng đặng về Thần,

                     Nhờ hai chữ trung quân ái quốc”.( ĐT)

          c)- Sách sử chép ghi, dân chúng muôn đời thờ kính, nhắc nhở:

                   “Tử vì nước còn ghi linh miếu,

                     Thác vì đời thanh sử danh bia”.( ĐT)

          Nước ta từ xưa có rất nhiều vị đã thành công, như: Nam thì có Trần hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt…Nữ có hai Bà Trưng, Bà Triệu…Thời cân đại có Nguyễn Trung Trực và Trần Văn Thành…

5.- TẠI SAO KHÔNG ĐÁP ƠN

          Người không đáp ơn Đất Nước là kẻ bất trung, sống cuộc đời tiêu cực, ích kỷ. Bị người đời khinh rẻ, sách sử chê bai; chết còn phải bị đọa vào chỗ thấp hèn.

         

KẾT LUẬN

          Nếu ai đáp ơn Đất Nước đúng theo quan niệm PGHH nói trên, chẳng những được lợi ích hiện tại mà tương lai còn được siêu thoát sanh tử:

                   Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn”.( ĐT)

 

CHÚ THÍCH

          TRUYỀN THỤ: dạy lại, để tài nghệ lại. Ý nói người trước dạy lại người sau, rồi người sau nữa…

          XÂM LĂNG: Đánh phá để cướp nước người.

          CƯỜNG THẠNH: Cũng viết là cường thịnh. Có nghĩa mạnh mẽ và thịnh vượng, sung túc.

          THỐNG TRỊ: Cai trị, nắm hết quyền cai trị trong nước.

          SƠ SUẤT: Cẩu thả, vô ý. Không cẩn thận.

 

CÂU HỎI

          1.-Lý do gì từ Ân Quân Vương, Đức Thầy đổi lại là Ân Đất Nước ?

          2.-Vì sao ta phải thọ ơn Đất nước ?

          3.-Muốn đáp ơn Đất Nước ta phải làm sao ?

          4.-Đáp ơn Đất Nước ta được lợi ích gì ?

          5.-Nếu không đủ tài lực và gặp thời cơ, ta phải đền ơn Đất Nước bằng cách nào ?

          6.-Quan niệm yêu nước và cứu nước của người tín đồ PGHH ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn