4- CHƯ PHẬT CÓ BỐN ĐẠI ĐỨC

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 39655)
4- CHƯ PHẬT CÓ BỐN ĐẠI ĐỨC

CHÁNH VĂN

          Chư Phật có bốn đại-đức. Vậy ta niệm danh-hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại-đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đức ấy là:

           1.- Đức từ: Phật đối với chúng-sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo-lắng đến, hết lòng dìu-dắt, dạy- dỗ, không nỡ để chúng-sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não;

           2.- Đức bi: Nếu chúng-sanh nào dạy-dỗ chẳng nghe, làm điều độc-ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng;

           3.- Đức hỉ: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn-cảnh trái-nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn-bã;

           4.- Đức xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế-gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền-trần, tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi, chẳng còn vướng- víu chi với cuộc lợi-danh, tài-sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.

 

          Vậy ta nên niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta đắc được bốn đức ấy.

 

          Ta cũng nên bố-thí, nhẫn-nhục, trì-giới (để độ tham, sân, si).

 

          Còn phương-pháp niệm Phật là để trừ cái vọng-niệm của chúng-sanh, vì trong tâm của chúng-sanh niệm niệm mê-lầm chẳng dứt; vì cái vọng-niệm về việc thế-trần ấy mà không cho cõi lòng an-lạc, phiền-não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng-sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng-sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chng ấy vọng niệm chúng-sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình-dục còn đâu mà nảy sanh ra được ?

          Nên niệm Phật là niệm cái bản-lai thanh-tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh-tịnh và chẳng còn trược-nhiễm trần-ai.

 

          Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp).

Bạcliêu, năm Nhâm-Ngũ.

 

DÀN BÀI

          A- KHAI ĐỀ: Xuất xứ và tiêu đề.

          B- DIỄN ĐỀ: - Tính chất tứ vô lượng tâm.

                                -  Định nghĩa:

          I- BỐN ĐẠI ĐỨC:

                   1- Đức Từ.

                   2- Đức Bi.

                   3- Đức Hỉ.

                   4- Đức Xả.

          II- ĐỘ THAM SÂN SI

1-     Bố thí độ tham lam.

2-     Nhẫn nhục độ sân hận.

3-     Trì giới độ mê si.

          III- NIỆM PHẬT THẬT TƯỚNG

1-     Vọng niệm chúng sanh.

      a)- Niệm ác.

      b)- Niệm bất tịnh.

      c)- Niệm không đâu.

2-  Niệm Phật thay vọng niệm.

3-  Nhất tâm bất loạn.

4-  Niệm cái bản lai thanh tịnh.

5-  Tu thập thiện tịnh tam nghiệp.

          C- KẾT ĐỀ: Chủ đích và tóm tắt.  

 

LƯỢC GIẢI

          Bài pháp luận nầy Đức Thầy sáng tác vào năm Nhâm Ngũ (1942). Lúc Ngài đang lưu trú tại nhà ông Ký Giỏi (Bạc Liêu); viết theo thể văn xuôi lối thuyết giáo.

          Đức Thầy viết bài nầy không đề tựa, sau đó Ban Sưu tập căn cứ vào mấy chữ đầu, mới tạm đặt cho cái tiêu đề là “Chư Phật có bốn đại đức”. Song nếu nghiên cứu kỹ nội dung của bài, thì đây là Ngài dạy phương cách niệm Phật để thành Phật. Nên có thể gọi là “Niệm Phật Thật Tướng” hay “Niệm Phật Tam Muội”.Vì niệm Phật theo cách nầy sẽ trực nhận “Duy Tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà”, như Kinh Duy Ma đã bảo:“Tâm tịnh tức Quốc độ tịnh”.

          Kinh Phật thường gọi bốn đại đức là “Tứ Vô Lượng Tâm”. Xưa kia Đức Phật thuyết phẩm Kinh nầy để dạy hành giả tu thành Phật, hay nói cách khác là ai muốn thành Phật phải tu bốn đại đức. Ngày nay Đức Thầy cũng xác định:“Công đức Phật từ bi vô luợng”. Bởi bốn đại đức: Từ, Bi, Hỉ, Xả rộng lớn vô biên, không thể lường tính được, nên gọi là đại đức và vô lượng. Vì thế bài Pháp luận nầy Ngài dạy môn đồ niệm Phật phải hiểu và hành theo hạnh Phật, tức là rèn tập cho mình có được bốn đại đức ấy như chư Phật, bởi Ngài từng dạy:

                   “Học câu hỉ xả đại từ,

            Nêu gương nghĩa sĩ dạ tư chớ gần”.

          Do đó Ngài định nghĩa chữ niệm Phật là để tưởng nhớ Phật, tức nhớ hạnh từ, bi, hỉ, xả của Phật hầu thực hành theo và được chứng quả như Ngài.

          I- BỐN ĐẠI ĐỨC:

          1)- Đức Từ:

          Cũng gọi là Tâm Từ vô lượng. Đức Thầy dạy môn đồ, hãy rèn tập cho mình có được tình thương bao la bình đẳng, chẳng những đối với loài người mà với cả vạn loại chúng sanh:

          “Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

            Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh”.( ĐT)

          Người tu tâm từ không luận hoàn cảnh hay thời gian, mà bất cứ lúc nào cũng tìm phương cách làm cho chúng sanh bớt tội khổ và được an vui; như: tình cha mẹ đối với các con. Việc làm nầy dầu cho nhiều gian khổ hay cần phải hy sinh đến cả tánh mạng, hành giả cũng an vui thi thố. Như tiền thân Đức Phật đã từng hiến thân cho cọp đói và hóa kiếp làm cá kình cho dân chúng ăn, bớt đói khổ…Đức Thầy từng thốt:

                   “Thân ta dù lắm đoạn trường,

             Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài”.

          Và:

                   “Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,

                Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng”.

          Tóm lại, tâm từ là lòng thương rộng lớn, không hề biệt phân nhân ngã, thường mang lại sự an vui cho tất cả chúng sanh. Thế nên khi lòng từ ban rải đến đâu, thì sự giết hại, hận thù, oán ghét đều tiêu tan tức khắc:

                  “Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,

                   Chữ từ bi ta diệt nó liền.

                   Sự oán thù đáp lại chữ hiền,

                   Thì thù oán tiêu tan mất hết”.( ĐT)

          2)- Đức Bi:

          Như đã biết, lòng Từ là thường ban vui, còn tâm Bi là luôn cứu khổ (Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanhn chi lạc; Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ). Cũng vì mục đích ban vui cứu khổ ấy mà xưa Thái tử Sĩ Đạt Ta quyết chí lìa quách thành, thê tử để tìm ra chánh Đạo nhiệm mầu, cứu khổ chúng sanh:

                   “Mình vàng Thái Tử ngôi còn bỏ,

                   Vóc ngọc Đông Cung tước phế liền”.

          Và:

                   “Bác ái xả thân tầm Đạo chánh,

                   Độ người lao khổ dạ không phiền”.( ĐT)

          Cho đến chư Phật ba đời cũng có tâm Bi như vậy. Đức Thầy hiện nay cũng vì lòng bi mẫn, thấy chúng sanh đang ngụp lặn trong bể trần tội khổ, nên Ngài chẳng nỡ an “ngồi nơi ngôi vị, hưởng quả Bồ đề trường thọ” mà phải lâm phàm, khai thông Đại đạo, để “Rước đưa sanh chúng rời bể ái”. Và:“Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”. Ngài còn phát đại thệ:

                   “Nếu chừng nào khai thông Đại Đạo,

                   Đuốc từ bi rọi khắp cả nhơn gian.

                   Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,

                   Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.

          Đại để tâm Bi của chư Phật và Đức Thầy có khác hơn người thường và bất cứ hạng người nào, các Ngài vẫn xót thương cứu khổ đồng đều, dù kẻ biết nghe lời hay không, chẳng hề có sự ghét thương, nhân ngã:

                   Giàu sang nghèo khó cũng người,

                 Nên ta thương hết dầu cười hay khen”.( ĐT)

          3)- Đức Hỉ:

          Tâm Hỉ là lòng an vui thường nhiên bất biến, không phải như sự mừng vui trong thất tình. Tâm hỉ ban rải đến đâu, phiền não tiêu tan đến đó, như gió thổi mây tan huệ nhựt hiện bày.

          Song muốn được kết quả như trên, hành giả phải có một lối sống “Lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh”. Lần đến “Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi”. Và nếu trên con đường tiến tới mục đích dầu có gặp nhiều chông gai thử thách ta cũng đừng phiền lòng, nao núng, luôn kiên nhẫn vượt qua tất được toại nguyện. Đức Thầy đã nêu lên ý chí đó qua một đoạn giảng:

“Bể trần sóng cuộn lao xao,

Xông thuyền Bát Nhã lướt vào một phen.

Quản chi lực kém tài hèn,

Dù đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu.

Soi từ đài các xá liều,

Cho người trụy lạc biết điều nghĩa nhân”.

          4)- Đức Xả:

          Tâm xả là lòng buông bỏ, không vướng mắc. Chư Phật có buông bỏ nên được giải thoát an vui, chúng sanh vì còn chấp nê, vướng bận nên còn sanh tử luân hồi.

          Để rèn luyện tâm Xả, đời sống của người tu tuy còn phải va chạm với vạn pháp trong thế gian, từ hữu vi đến vô vi, thế gian hay xuất thế gian, lành hay dữ v.v…Nhưng lòng chẳng để nhiễm ô, kẹt mắc vào pháp nào. Nhận rằng ai cũng có gây tạo ít nhiều nghiệp duyên không tốt từ trước, như: danh, lợi, tình v.v…Giờ đây, đang bị nó trói trăn, sai khiến, nhưng hành giả phải sẵn sàng buông bỏ.

          Thuở xưa, lúc Đức Phật còn trụ thế, thuyết pháp độ sanh, có một thầy Bà La Môn tên Mông Tây Đen rất kính trọng Phật. Hôm nọ ông dùng thần thông nhổ hai cây bông khổng lồ, để nguyên cả cành rễ hoa lá, nắm chặt mỗi tay mỗi cây, bay đến xin dâng cho Phật.

          Đức Phật gọi tên ông. – Ông dạ !

          Phật liền bảo:“Buông xả xuống đi !”

          Thầy Bà La Môn liền bỏ cây hoa bên tay trái xuống trước mặt Phật.

          Phật lại bảo:“Buông xuống nữa đi !”

          Thầy Bà La Môn liền bỏ luôn cây hoa bên tay mặt.

          Nhưng Phật lại bảo tiếp:“Hãy buông nữa đi !”

          Thầy Bà La Môn liền bạch hỏi:

          - Tôi còn cái gì nữa đâu mà Phật bảo phải buông bỏ nữa ? Vậy Phật muốn dạy tôi điều gì ?

          Phật đáp:

          - Ta không hề bảo ngươi buông hết mấy cây hoa, mà ta bảo ngươi bỏ ở đây là bỏ hết sáu căn, sáu trần và sáu thức. Khi người bỏ được hết, đến không còn cái gì nữa để bỏ. Đó là lúc người thoát ly tất cả sự ràng buộc của sanh tử luân hồi.

          Thời nay Đức Thầy dạy môn đồ tu tâm Xả cũng thế:

                   Cõi hồng trần các việc mến ưa,

                     Sự giả tạm ta nên rứt bỏ”.

          Còn đối với những người gây khổ cho ta, thì ta nên rộng lượng tha thứ tất cả, lúc nào cũng an nhiên bình đẳng, xem thân tâm mọi người và vạn vật (vạn pháp) cũng như thân tâm ta (vạn vật đồng nhất thể).

          Hành được tâm Xả, hành giả chẳng còn chấp tâm, chấp pháp, nhân ngã hận thù, có không, cao thấp. Kinh xưa đã nói:“Hạnh vô hành hạnh, tu vô tu tu”.(Làm được các hạnh lành mà không chấp mình có hành, tu các pháp thiện mà không thấy mình có tu). Đức Thầy nay đã dạy:

                   Chúng sanh mê nên đem ra thuyết,

                     Giải thoát rồi pháp bất khả dùng”.

          Đại lược hành giả có tu được đức xả thì lòng chấp mắc, nhiễm ô không còn, cho đến cái tâm không chấp mắc, ô nhiễm cũng không thấy có.

                   Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.

          Tóm tắt, nhà tu khi thực hành được bốn đại đức: Từ, bi, hỉ, xả tức chứng được tam giác: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Ấy là thành Phật tại thế gian.

          II- ĐỘ THAM SÂN SI:

          Người niệm Phật muốn trở về bản lai thanh tịnh, theo ý Đức Thầy dạy: ngoài việc tu tập “Bốn Đại Đức” từ, bi, hỉ, xả còn cần phải dùng ba phương pháp: bố thí, trì giới, nhẫn nhục để độ tham, sân, si. Vì tham, sân, si là nguồn gốc sanh ra ma trược phiền não:“Tà kiến tam độc thật Ma Vương”.(Kinh Pháp Bửu Đàn) Tại sao không gọi là Diệt mà lại gọi là Độ ?

          Vì phiền não tức là Bồ đề, chúng sanh tức là Phật. Xưa, chư Phật cũng từ tâm chúng sanh (tham, sân, si) tu thành Phật, nếu diệt nó lấy đâu làm đối tượng tu hành. Cho nên Đức Thầy mới dùng chữ Độ, tức là chuyển hóa từ tà ra chánh, từ phiền não ra Bồ đề, dữ ra lành, mê ra giác ngộ.

          1)- Bố thí độ Tham:

          Là chuyển lòng tham lam trở thành bố thí, bởi tánh tham lam ích kỷ là nguyên nhân sanh ra tội khổ và sanh tử luân hồi. Lòng ham muốn là con đường dắt người vào Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Còn Bố thí là chiếc thuyền vượt sông mê, sang bờ giác. Thế nên ai muốn giải thoát an vui, phải chuyển hóa lòng tham lam ích kỷ ra bố thí:

                   Muốn trừ tham phải liệu cách nào,

                      Phải bố thí diệt lòng ích kỷ”.( ĐT)

          Khi nhìn thấy người gặp khổ nạn, thiếu ăn thiếu mặc, không nhà ở, thuốc uống ta biết khởi lòng thương xót và trợ giúp từ tinh thần lẫn vật chất: (Tài thí, pháp thí và vô uý thí), thế thì có lý nào ta muốn bao gồm vật sở hữu của kẻ khác về làm của mình. Nhờ đó, lòng tham lam tan dần cho đến khi dứt sạch.

          Hơn nữa người có lòng bố thí đã rõ vạn pháp trong thế gian, như: của cải, gia tài, vàng bạc là của “năm  nhà”, chớ không thật của ta. (Xưa, có một nhà Vua, cai trị một nước lớn. Sau khi du ngoạn khắp nước, vua thấy dân chúng trong nước rất giàu sang, có nhiều gia đình xấp xỉ với vua quan. Vua động lòng tham bèn ra lịnh; buộc mỗi nhà dân phải hiến một phần ba tiền của vào công quỹ Quốc gia.

            Lịnh ấy ban ra, dân chúng đều nhôn nhao, ta thán ! Song vì lịnh Vua…nên cuối cùng ai cũng đem nạp tài theo vụ lịnh. Riêng có một Cư sĩ nọ chở hết tài sản đem nạp cho Vua. Vua ngạc nhiên, hỏi:

            -Trẫm chỉ nhận một phần ba thôi, tại sao ngươi đem nạp hết thế nầy ?

            Vị Cư sĩ trả lời:

            -Vì hạ thần nghĩ: Của trong thế gian là của năm nhà chớ không phải của riêng một ai !

            -Ông phải giải thích cho trẫm rõ !

            -Tâu bệ hạ !

            Thứ nhứt là của nhà lửa: Ví như tài vật của hạ thần như thế nầy, nếu gặp một cuộc hỏa hoạn thì bao nhiêu cũng làm mồi cho ngọn lửa.

             Thứ nhì là nhà lụt lội: Dù gia tài sự nghiệp nhiều thế nào đi nữa, hễ gặp trận bão lụt thì cũng bị cuốn theo dòng nước.

            Thứ ba là nhà giặc cướp: Hiện giờ dù tài vật có nhiều đến đâu, nhưng gặp thời giặc cướp dấy loạn thì ai cũng chỉ còn hai bàn tay trắng.

            Thứ tư là nhà con cháu phá tan: Nếu gia đình nào, con cháu biết hiếu thuận từ hòa là có phước; bằng gặp đám con ngỗ nghịch, lười biếng ăn chơi, sa ngã theo tửu, sắc, tài, phiến; quậy phá lung tung thì chỉ thời gian, tiền của ấy cũng phải tiêu sạch.

            Thứ năm là nhà xung công: Như tài vật của dân chúng trong nước mình đây, may gặp Bệ hạ là Vua nhơn từ, chỉ ra lịnh xung công một phần ba là phước. Bằng như rủi gặp ông Vua ác đức ra lịnh xung công toàn bộ, thì dân chúng cũng phải đành chịu chớ sao ?

            Do vậy, mà tôi quyết định mang tài vật nạp hết cho Bệ hạ.

            Nghe vị Cư sĩ nói xong, Vua suy nghĩ giây phút. Liền đứng dậy ban khen Cư sĩ: Ông thật khéo cảm hóa được lòng ham muốn của ta. Đồng thời truyền bãi bỏ vụ lịnh ấy, tài vật của ai hãy đem về nhà nấy ! Vua bắt đầu tu chỉnh thân tâm và giáo hóa toàn dân hành thiện, tránh ác. Chẳng bao lâu nước của Ông trở nên phú cường an lạc. Đây là một tấm gương sáng chói trong “Tiền Thân Đức Phật”).

            Còn thân  bằng quyến thuộc, đến cái xác thân của ta cũng không giữ được lâu bền, huống chi là mọi sự vật  ở ngoài thân:

                   Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,

                   Vật ở trần như bọt nước làn mây.

                   Thân ta còn rày đó mai đây,

                   Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.( ĐT) 

          Thế nên nhà tu lúc nào cũng sẵn sàng đem vật sở hữu của mình đổi lấy cái chơn không bất hoại, như Đức Thầy đã khuyên:“Hãy tìm kiếm cái không mới có”. Ấy là “bố thí vô trụ tướng”, tức là thí mà không kiến chấp mình có thí và người nhận cũng không thấy có danh tướng hay vướng mắc gì cả “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

          2)- Nhẫn nhục độ Sân:

          Chuyển lòng Sân hận trở thành nhẫn nhục. Bởi tánh nóng giận thường chuốc lấy nhiều tai hại:

          a). Bên ngoài thì gây thù kết oán lưu truyền nhiều kiếp đoạn tuyệt tình nghĩa giữa bà con thân hữu, lại còn sanh muôn ngàn tội lỗi như Bà Thanh Đề trước kia…Kinh Phật thường nói:“Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”(một tư tưởng nóng giận nổi lên thì trăm muôn cửa tội chướng đều mở rộng).

          Đức Thầy nay cũng diễn tả:

                  “Tánh sân nộ thường làm bạo ngược,

                   Nên loài người ở cõi thế gian.

                   Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn,

                   Mới có cuộc tranh tài đấu lực.

                   Hơn tự đắc khoe khoang dõng sức,

                   Phải bị người hềm khích ghét ganh.

                   Thua hổ ngươi làm chuyện bất lành,

                   Gây nghiệp dữ oan oan tương báo”.

          b). Bên trong thì làm cho trí huệ tối tăm, “giận mất khôn” và bị nó đốt cháy bao nhiêu công phu tu tập của mình từ trước. “Nhất niệm sân tâm chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (Một đốm lửa lòng nóng giận phát lên đốt cháy cả rừng núi công đức của mình đã bòn mót từ trước).

          Vì thế, Đúc Thầy dạy: hãy lấy đức tánh nhẫn nhục để độ rổi lòng sân hận. Nhẫn nhục là tâm biết nhịn chịu sự xấu xa hèn kém do kẻ khác trút lên cho mình, hoặc họ dùng võ lực đánh đập đàn áp hay lời lẽ nặng nhẹ mắng nhiếc ta, ta cũng cố gắng nhẫn nhục cho kỳ được. Đức Thầy thường khuyến tấn:

                   Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,

                     Khỏi mất lòng tất cả mọi người”.

          Vào mùa Xuân năm 1940, trên con đường du Sơn, Đức Thầy có nghỉ đêm tại Điện Đá Dựng (Thiên Cẩm Sơn). Ngài có kêu hỏi một số tín đồ cùng đi:

          -Nếu có người đem cho mình một món đồ mà mình không nhận thì họ làm sao ?

          Một người trong số tín đồ đứng lên trả lời:

          -Nếu mình không nhận, chắc họ đem về, phải không Thầy ?

          Ngài đáp:

          -Đúng thế ! Nếu người ta dùng lời nặng nhẹ nói xấu, hoặc chửi mắng hay đánh đập, hiếp đáp mà mình nhịn được thì bao nhiêu nghiệp quả, người đó tự mang lấy. Các ông nên rèn tập đức tánh nhẫn nhịn.

          Xưa, Đại Tiên Xằn Đề Ba La nhờ áp dụng phương pháp nhẫn nhục mà cảm hóa được Vua Ca Lợi Vương và quần thần hồi tâm hướng thiện, và nhiều kiếp sau ông thành đạt ngôi Phật quả.

          Lại nữa, gốc sân hận thường ăn sâu trong tâm thức, hành giả muốn độ tận nó phải nhẫn luôn cả tâm ý, hận thù độc ác, vọng nhiễm trần ai và sự đói đau lạnh nóng. Hãy nhẫn nó lúc mới khởi nghĩ chớ đừng để phát ra lời nói, việc làm rồi mới nhẫn. Cũng như diệt cỏ, hãy diệt từ lúc mới nẩy mầm, chớ để nó đâm chồi nẩy tược mà khó trừ. Đức Thầy dạy:

                   “Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,

                   Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền.

                   Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự.

                   Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên”. 

          Tóm lại, nếu mỗi hành giả nhẫn được theo các phương cách vừa kể trên, thì gốc sân hận không còn và chuyển thành đức nhẫn vô sanh. (tức Vô Sanh Pháp Nhẫn, trọn đủ ba phần: Sanh nhẫn, pháp nhẫn và vô sanh pháp nhẫn.)

            3). Trì giới độ Mê Si:

          Chuyển Mê si trở thành Giới, Định, Huệ: Mê si là tối tăm lầm lạc, không sáng tỏ, nó đồng nghĩa với vô minh. Sự mê tối nầy vốn sẵn có từ hồi vô thỉ:

                   Ác thứ mười đoạn chót mê si,

                   Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ.

                   Màn vô minh che mờ căn trí,

                   Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.( ĐT)

          Bởi tối tăm mê dốt thường hay nhận ngụy làm chơn, tà chánh lộn lầm, nhận xét mọi việc không đúng sự thật (chơn lý). Như số người mù rờ một con voi…Chính mê si là đầu mối của tà kiến, là gốc sanh ra mười điều ác và luân hồi sanh tử. Cho nên Đức Thầy dạy môn đồ phải trì giới để độ nó. Tại sao thế ?

          Vì mê si là đối tượng của trí tuệ, tức là tối và sáng. Nó đồng một thể chất, như trong cái nhà ban đêm không đốt đèn thì tối, bằng ông chủ nhà đốt đèn lên tất nhà sáng. Tâm của mỗi chúng sanh cũng thế, nếu có mê si thì không có trí huệ, bằng có trí huệ thì mê si chẳng còn.

          Vậy muốn có trí huệ thì tâm của hành giả phải định, và muốn có định phải trì giới. Hiểu xuôi lại là nhờ trì giới tâm mới được định, tâm định thì trí huệ hiện bày. Đây là pháp tu: Giới, định, huệ mà Kinh xưa thường gọi: dùng tam học: giới, định, huệ để trừ tam độc: tham, sân, si.

          Giờ đây, Đức Thầy chỉ nói trì giới, nhưng trong giới gồm có đủ định và huệ.

          Vậy phải trì giới bằng cách nào ?

          Đức Thầy có dạy:“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp”.

Và:              “Nếu ai mà biết chữ tu trì,

                   Tâm bình tịnh được thì phát huệ”.

          Tu trì là trau sửa và gìn giữ giới luật. Tâm của mỗi người trước kia đều yên lặng tự nhiên như mặt nước hồ, nhưng vì bất giác vọng niệm nên có xác thân, có thân tất có 6 căn như 6 cánh cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; bị 6 ngọn gió trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thổi vào làm biển lòng nổi sóng, khiến cho tâm loạn động. Hễ hồ tâm bị động thì cặn cáu (phiền não) nổi lên, khiến nước đục ngầu, tức mê tối thêm nữa.

          Giờ đây, bắt đầu trì giới, là đóng 6 căn đừng cho 6 ngọn gió trần thổi vào. Nghĩa là giữ 6 căn đừng duyên nhiễm theo 6 trần, tức tâm được định thì trí huệ liền phát khai và mê si tan mất. Cũng một cái tâm đó, nhưng trước thì ô nhiễm vọng động nên tối, giờ tâm hết vọng nhiễm và yên lặng nên mê tối tan mất, đèn trí tỏ rạng. Đức Thầy đã bảo:

           Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiến,

            Tánh trong như nước bích mùa xuân”.

          Đại khái hành giả muốn trì giới để độ mê si. Theo Đức Thầy dạy là phải lấy tâm làm chủ sáu căn:

               “Làm cho chúng phục tùng chơn lý,

                 Trong xác thân giám thị lục căn.

                   Đừng cho chúng tính lăng quằng,

              Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục trần”.( ĐT)

          Thật vậy, khi ta chỉ huy được sáu căn không duyên nhiễm theo sáu trần, giữ được liên tục như vậy, cho đến khi không còn giữ mà tâm (ông chủ) vẫn như như bất động thì định huệ đạt thành, như gió thổi mây tan, trời trong trăng tỏ.

                   Vạn lý vô vân vạn lý thiên”.(?)

          Tóm lại Đức Thầy dạy môn đồ, dùng bố thí, nhẫn nhục, trì giới để độ tham, sân, si, đó là ba chiếc đò trong sáu chiếc đò của hạnh Bồ Tát. (Lục độ vạn hạnh, cũng gọi là Lục Ba La Mật. Tức 6 chiếc đò đưa đến bờ bên kia. Ấy là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ.) Ai thực hành được sẽ có diệu năng độ mình, độ chúng đồng đăng giác ngạn. Đức Thầy có dạy:

                   “Chúc ông thoàn nhã vững lèo,

             Qua bờ giác ngạn sớm treo gương mầu”.

          III- NIỆM PHẬT THẬT TƯỚNG:

          Theo ý trong đoạn phương pháp niệm Phật là Đức Thầy dạy phương cách niệm Phật thật tướng, cũng gọi là niệm Phật tam muội (chánh định). Nghĩa là Ngài dạy niệm Phật theo cách nầy sẽ được trở về với thật tướng chơn như, tức là Bản lai thanh tịnh của chính mình, hành giả sẽ chứng đạt:“Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”.Song hành giả muốn niệm Phật theo cách nầy, trước phải biết rõ vọng niệm chúng sanh ra sao ?

          1- Vọng niệm chúng sanh: Là tưởng nhớ sự mê lầm, cũng gọi là niệm thế trần. Trong đây gồm có 3 phần:

          a)- Niệm ác: là tưởng nhớ những việc có va chạm tổn thương đến quyền lợi, danh vị, sanh mạng và hạnh phúc của người khác, kể cả các sanh vật có tri giác, khiến họ phải đau đớn buồn khổ, bực tức hận thù. Ai tưởng niệm như thế sẽ chuốc lấy quả khổ đau trong hiện tại hoặc gieo nhân luân hồi đền trả mãi mãi…

          b)- Niệm bất tịnh: Là ưóc mơ nghĩ tưởng những việc không trong sạch, như: năm điều dục lạc, sáu trần cảnh hoặc thất tình lục dục…Chính các điều ấy làm cho lòng mình tán loạn và mờ đục mảnh gương trí huệ, nên gọi là niệm bất tịnh. Đức Thầy hằng khuyên:“Hãy dẹp gát nhớ câu Lục tự”.

          c)- Niệm không đâu: Là tuởng nhớ việc bâng quơ, tức tưởng nhớ việc viễn vong, mơ hồ không thiết thực; kể cả việc qua rồi hay việc chưa tới, cũng vẫn nhớ. Sự tưởng nhớ nầy tuy không có hại cho ai, nhưng chẳng được lợi ích gì cho mình và mọi người, lại còn choán mất thời gian niệm Phật và việc trau giồi đạo đức, trí huệ của ta.

          Tóm lại sự tưởng nhớ việc thế trần vừa kể trên tức là vọng niệm chúng sanh.  Từ trước tới giờ nó sai sử tâm trí ta, từ niệm sai lầm nầy, dính chuyền qua niệm sai lầm khác, không phút nào dừng nghỉ, như con vượn chuyền cây (tâm viên). Chính nó là niệm mê lầm, là vọng niệm phiền não, ngăn che làm cho tâm trí ta mờ ám, chẳng lúc nào được an vui giải thoát.

            2- Niệm Phật thay vọng niệm:

          Đức Thầy dạy:“Phương pháp niệm Phật là để trừ cái vọng niệm của chúng sanh”. Có nghĩa khi biết rõ mặt mày của vọng niệm chúng sanh, hành giả phải dùng niệm Phật thay vào, đổi niệm chúng sanh ra.

          Lúc chưa tu, tâm trí ai cũng tưởng nhớ toàn là việc chúng sanh, khi được bước chân vào cửa Đạo thì có khi tưởng Phật, có lúc tưởng chúng sanh, tà chánh, vọng chơn, quấy phải lộn xộn, đó gọi là tâm ô tạp hay rối loạn. Vì mới tu phần đông chỉ tu theo hình thức bên ngoài, chưa kiểm lại lòng mình, nên có người tu đôi ba chục năm, mà vẫn chưa thấy an tâm…Đến khi có dịp chúng ta đọc qua các câu giảng của Đức Thầy:

                   Thấy đạo lý chớ nào thấy tánh,

                   Còn ẩn nơi tim óc xác phàm”.

          Hoặc:

                   Khó tìm cho gặp chủ nhơn ông,

                   Còn ẩn ánh trong vòng sanh chúng”.

          Hay là: “Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm”.

          Nghiệm xét theo đây ta mới nhận rõ chơn tánh, chủ nhơn ông, hay tâm Phật còn lẫn lộn trong tâm chúng sanh của mình. Nhờ đó, chúng ta mới chịu ngó vào nội tâm mà kiểm soát chọn lọc để chuyển vọng huờn chơn, như Đức Phật Thầy Tây An từng dạy:

“Lọc lừa thì đặng nước trong,

Ma Phật trong lòng lựa phải tầm đâu”.

          Đức Thầy nay cũng khuyên:

“Trí hiền tâm đức chùi lau,

Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”.

          Lọc lừa hay thay đổi, chuyển hóa cũng đồng một lý. Nhà tu cứ niệm vào một niệm Phật, thay ra một niệm thế trần. Song nên nhớ niệm Phật bằng tâm tưởng mới kết quả, chớ không phải niệm lớn ra tiếng. Vì có khi miệng niệm Phật lớn mà tâm lại tưởng nhớ việc khác, nên không được “Nhất tâm bất loạn”. Vậy ta cứ niệm Phật thay niệm chúng sanh liên tục như thế mãi cho đến khi tâm tưởng ta không còn một niệm thế trần nào.

          Điều căn bản của sự niệm Phật trước nhứt là phải thấy tâm và chủ tâm:“Lấy tâm thần làm chủ mới mầu”( ĐT). Rồi tưởng nhớ đủ sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc tưởng nhớ Từ, Bi, Hỉ, Xả vì bốn đức ấy là Phật…Cũng có thể niệm thêm “Tam bảo tự tánh”.(Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng : trở về tánh giác ngộ là niệm Phật; trở về lòng chơn chánh là niệm Pháp, trở về bản lai thanh tịnh là niệm Tăng) Đó là niệm trí giác ngộ, niệm giáo pháp chơn chánh và niệm lòng thanh tịnh. Nghĩa là lấy giác ngộ trừ mê lầm, lấy giáo pháp chơn chánh trừ tà quấy, lấy tâm thanh tịnh trừ loạn động, nhơ xấu.

          Lại nữa, tâm thức của mỗi người từ trước ví như cái túi đựng lộn lạo hai thứ; đậu đen và đỏ. Giờ đây ta lựa nó ra, hễ để một hạt đậu đỏ vào, lấy một hạt đậu đen ra; cứ như thế mà đổi hoài, đổi mãi, cho đến khi còn toàn đậu đỏ tốt lành. Hành giả cứ niệm Phật theo phương cách nầy liên tục mãi cho đến khi “Nhất tâm bất loạn” tất tan hết chướng nghiệp mà vào cõi giải thoát.

                “Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp,

                 Thuyền từ Thầy rước lại Non Bồng”.( ĐT)

          3- Nhất tâm bất loạn :

          Nhất tâm là một lòng không tưởng khác, chỉ một lòng nhớ Phật, nghĩ chánh không còn xen tạp một niệm tà quấy hay ô nhiễm trần mê nào. Đến đây là dứt được tận gốc lòng ham muốn và các tình dục. Sự niệm Phật nầy phải được liên tục, trong mọi sự sinh hoạt đời sống hằng ngày, như: đi, đứng, nằm, ngồi, uống ăn, ngủ nghỉ…

          Đức Thầy đã dạy:

                   Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,

                   Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà.

                   Thì hiền lương quên mất điều ta,

                   Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng”

          Và:

                  “Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu,

                   Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp”.

          Một trong số tín đồ của Đức Giáo Chủ PGHH, khi đã thực nghiệm phương pháp niệm Phật nầy có viết:

          “Đi đứng niệm Di Đà. Nằm ngồi trì Lục tự.

            Thức cũng tưởng A Di. Ngủ cũng ghi Sáu chữ.

            Nói cũng nhớ Nam Mô. Nín cũng ôm Phật sự.

            Cực Lạc muốn vãng sanh. Cứ hành y như thử”.

Và:

          “Niệm Phật lúc nào cũng niệm luôn,

            Nằm ngồi đi đứng niệm không buông.

            Lúc chưa thuần thục còn xao động,

            Khi đã rành quen hết rối cuồng.

            Đứt đoạn buổi đầu đừng thối chuyển,

            Nối liền phút cuối sẽ tròn vuông.

            Dù Thiền dù Tịnh dù muôn pháp,

            Tự chủ nơi tâm ấy cội nguồn”.

          Nếu hành giả nhứt tâm niệm theo phương cách của Đức Thầy và người đệ tử vừa lý giải trên thì tâm trí chẳng còn loạn động (Nhất tâm bất loạn) lúc nào cũng an nhiên thanh tịnh.

          4- Niệm cái Bản Lai Thanh Tịnh:

          Là niệm cái vô niệm (vô vi thật tướng). Đây là tới chỗ pháp môn không hai, tức không có phân biệt Thiền hay Tịnh; mà trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền, dung thông cả vạn pháp. Đức Lục Tổ xưa đã bảo:“Pháp Ta lấy vô niệm làm Tông”. Và “Vô niệm niệm mới chánh, có niệm niệm thành tà”.

          Tuy hành giả niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn, nhưng cũng còn vướng bận một vài tập khí phiền não. Vì còn thấy mình có được nhất tâm niệm Phật và có chứng đắc, tức còn cái tà trong đó. Cũng như người tu Thiền Tông tới chỗ “Tâm vô Tâm”, cũng còn cách một quan ải nữa, nên phải tiến tới “Bình thường tâm” mới tới đích. Còn người niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, cần phải tiến vào “Bản Lai Thanh Tịnh”. Nghĩa là đối với mọi cảnh tượng lành dữ, động tịnh tâm trí vẫn như như bất động. Bấy giờ không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm tư không còn kẹt một pháp nào dầu dữ hay lành, thế gian hay xuất thế gian, hữu vi hay vô vi…Cho đến cái chứng đắc cũng không thấy có, ấy là được hòa vào “Bản lai thanh tịnh” “Phật hóa tánh tình”. Và cũng là:

                   “Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật,

                   Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình”.( ĐT)

          5- Tu Thập thiện và tịnh Tam nghiệp:

          Đến đây Đức Thầy nhắc lại cho nhà tu nên nhớ là muốn vào được “Bản lai thanh tịnh” trước phải tu căn bản từ hành thập thiện và tịnh tam nghiệp đi lên. Vì trong ý nghiệp có tham, sân, si là gốc sanh ra vọng niệm chúng sanh và tâm tán loạn, nên khi tịnh được tam nghiệp thì quả vị thanh tịnh (Phật) sẽ đến một cách dễ dàng.

          Tại sao Đức Thầy dạy tịnh Tam nghiệp, dứt thập ác và hành Thập thiện đi cập nhau ?

          -Vì tâm ta ví như miếng đất tốt (tâm địa), hễ đất tốt là lúa tốt, nhưng cỏ cũng mọc dẫy đầy. Vậy khi nhổ cỏ xong nhà nông phải gieo lúa xuống liền, rồi chăm sóc thời gian lúa tốt lên, cỏ mới hết. Bằng nhổ cỏ mà không gieo lúa, ít lâu cỏ sẽ mọc lại như cũ. (Cỏ dụ cho Tam nghiệp, Thập ác; lúa dụ cho hành Thập thiện).Cho nên Đức Thầy dạy chúng ta tịnh Tam nghiệp và hành Thập Thiện song đôi. Đây là cách tu thay đổi tiện lợi nhất, cũng như cách niệm Phật thay niệm chúng sanh đã giải trên.

          Vả lại có hành Thập Thiện, diệt Thập ác mới tịnh được Tam nghiệp, mà tịnh được Tam nghiệp là nền tảng để xây cất trên đó tòa lâu đài Phật quả (Bản lai thanh tịnh). Nếu nền móng không vững chắc, tòa lâu đài bị sụp đổ. Cho nên Đức Thầy mới quả quyết:“Cần tu thập thiện thì sự niệm (?) mới có hiệu quả”.

A-   KẾT ĐỀ:

          Đại khái bài “Chư Phật Có Bốn Đại Đức”, cũng gọi là niệm Phật thật tướng, chủ đích là Đức Thầy dạy môn đồ, niệm Phật để đạt đến Bản lai thanh tịnh, tức là thành Phật tại thế gian. Trước nhất hành giả rèn tập cho mình có được bốn đại đức:“Từ, Bi, Hỉ, Xả” đồng thời phải chuyển hóa Tham, Sân, Si trở thành Bố thí, Nhẫn  nhục, Trì giới và đổi niệm chúng sanh ra niệm Phật, bằng cách thay đổi liên tục, cho đến khi thuần nhứt chánh niệm, chẳng còn một tư tưởng trần mê nào xen tạp để được “Nhất tâm bất loạn”. Song hành giả nên nhớ “trước phải hành trì điều căn bản là tịnh Tam nghiệp, diệt Thập ác và hành Thập thiện làm nền móng để tiến tới mục đích cuối cùng là “Bản lai thanh tịnh”, tức hiểu được:“Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

           PHÁP: Phạn ngữ là Phamma, phiên âm là Đạt Ma hay Đan MaĐamMô. Tàu dịch là Pháp. Có nghĩa là sự vật (vạn pháp). Bất cứ sự vật chi dù nhỏ dù lớn, hữu hình hay vô hình, vô vi hoặc hữu vi, chơn thật hay hư vọng, tốt hoặc xấu, lành hay dữ. Và từ lý lẽ thưòng sự nhỏ hẹp trong gia đình, đến nguyên tắc lớn của tôn giáo hay uy lực chung của vũ trụ đều gọi là pháp.

          Người tu đức xả cứ tùy duyên mà sử dụng chớ không hề chấp kẹt hay vướng bận một pháp nào. Ấy mới gọi là Niết Bàn giải thoát.

          Xưa Đức Phật giáo hóa 49 năm mà Ngài vẫn thốt:“Suốt 49 năm ta chẳng thốt một lời nào cả”. Nay Đức Thầy cũng bảo:

                   Chúng sanh mê nên đem Pháp thuyết,

                     Giải thoát rồi pháp bất khả dùng”.

          VƯỚNG VÍU: Mắc phải, dính vào, không buông rời ra.

          LUYẾN ÁI: Yêu mến, quấn quit. Ví dụ: luyến ái danh, lợi, tình, ngũ dục hay nam nữ luyến ái.

          BẢN LAI THANH TỊNH: Cái nguyên lai trong sạch, cái gốc yên lặng, trong sáng từ trước. Là một trong nhiều danh từ chỉ cho Phật tánh, như: Chơn tâm, như như, Như Lai, viên giác, thật tướng, Chơn như…

          Đức Thầy cho biết:

                   “Đem về giác tánh chơn như,

                   Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.

          TRƯỢC NHIỄM: Cũng gọi là nhiễm trược. Trược là dơ bẩn, cặn đục, xấu xa, lộn xộn. Gồm có ba thứ: thân trược, khẩu trược và ý trược. Kiếp hồng trần của mỗi chúng sanh có năm thứ trược: Kiếp trước, Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sanh trược, Mạng trược. Nhiễm là nhuộm thấm, dính ghiền. Nói chung nhiễm trược là ghiền nhiễm những điều xấu xa, nhơ đục, quấy ác. Nó đã thấm nhiễm trong tâm ta lâu đời khó gội rửa được. Trược nhiễm là đối tượng với thanh tịnh.

          Cho nên Đức Thầy khuyên môn đồ hãy nương về với thể thanh tịnh để tâm hết trược nhiễm trần ai, tức mình với Phật đồng hoà hay gọi là “Phật hóa tánh tình”.

 

CÂU HỎI

          1/-Cho biết xuất xứ và văn thể của bài “Chư Phật Có Bốn Đại Đức” ?

          2/-Tiêu đề của bài Pháp luận trên ra sao ?

          3/-Phật dạy tu Bốn Đại Đức để kết quả gì ?

          4/-Tại sao Đức Thầy dạy niệm Phật phải tu bốn Đại đức ?

          5/-Hãy định nghĩa chữ niệm Phật ?

          6/-Muốn có đức Từ phải rèn tập như thế nào ?

          7/-Tu đức Bi ra sao ?

          8/-Tu tâm Hỉ như thế nào ?

          9/-Muốn có đức Xả phải làm sao ?

          10/-Người có đủ bốn Đại đức kết quả như thế nào ?

          11/-Tại sao Đức Thầy dạy dùng Bố thí, Nhẫn nhục, Trì giới để độ Tham, Sân, Si ?

          12/-Tánh tham lam có tai hại gì, muốn độ nó phải làm sao ?

         13/-Cho biết tai hại của lòng Sân và làm sao độ nó ?

          14/-Mê si có tai hại gì và dùng cách chi chuyển hóa nó ?

          15/-Cách niệm Phật theo bài “Chư Phật có bốn Đại đức” là phương thức gì ?

          16/-Vọng niệm chúng sanh ra sao; giải rõ ra ?

          17/-Vọng niệm chúng sanh có tác hại như thế nào ?

          18/-Muốn dứt niệm chúng sanh ta phải thay đổi ra sao ?

          19/-Niệm Phật như thế nào gọi là Nhất tâm bất loạn ?

          20/-Niệm bản lai thanh tịnh là gì ?

          21/-Tại sao diệt Thập ác và tu Thập thiện phải thực hiện một lượt ?

          22/-Hãy tổng kết bài “Chư Phật có bốn Đại đức” ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn