VIII- LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44918)
VIII- LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO

(Tám điều răn cấm)

CHÁNH VĂN

          Khi đã coi giảng thì phải tự xét mình và sửa-sang những thói hư tật xấu, mình lầm lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn-cấm sau đây:

 

          Điều thứ nhứt: Ta chẳng nên uống rượu, cờ-bạc, á-phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân-lý tam- cang ngũ-thường.

 

LƯỢC GIẢI

          PHẦN MỞ ĐỀ:

          Xưa người tu Phật khi đặt chân vào cửa Đạo, ai cũng chuyên trì giới luật, như hàng Cư sĩ thì giữ Ngũ giới. Còn hàng xuất gia, tỳ kheo giữ 250 giới, tỳ kheo ni giới 348 giới.

          Đúc Thầy nay trong bài “Lời khuyên Bổn đạo”, Ngài dạy toàn thể tín đồ giữ Bát giới, tức “Tám điều răn cấm”. Ngài bảo: Khi xem Kệ Giảng và qui y thì mỗi người phải tự xét thân tâm mình, nếu còn xấu xa tội lỗi thì chừa hẳn và giữ gìn đừng để vi phạm Tám điều răn cấm như sau:

          1-ĐIỀU RĂN CẤM THỨ NHỨT:

          Trong điều thứ nhứt, Đức Thầy dạy có 2 phần:

          a)- Phần thứ nhứt: Phải xa lánh Tứ đổ tường tức: tửu, sắc, tài, khí, và nếu ai còn đắm mê các món đó thì sống cuộc đời hư hỏng, bê tha vất mã, trụy lạc, hoang đàng, trà đình tửu điếm, rồi nảy sanh muôn điều tội lỗi khác.

             Sa bốn vách mang điều nhơ nhuốc”.( ĐT)

          Bằng ai thánh được nó, tức chận đứng được các hột giống tội lỗi trở thành con người tốt đẹp, vượt trên người thường. Đức Thầy từng dạy:

                   Người tu hành phải trừ nghiệp chướng,

                     Với bốn ma mới đặng an nhàn”.

          b)- Phần thứ nhì: Phải ăn ở đúng theo Đạo lý và xử vẹn ba giềng mối lớn là “Tam Cang”: “Rán giữ gìn luân ký tam cang” và “Ngũ Thường” “Thân làm Đạo ba giềng năm mối”( ĐT) để được xong toàn phần Nhân đạo.

          Chủ đích điều răn cấm thứ nhứt, Đức Thầy muốn răn dạy tín đồ xa lánh Tứ đổ tường và hoàn thành Nhân đạo để làm nền tảng tiến lên Phật Đạo.

 

CHÚ THÍCH

          UỐNG RƯỢU: (Xem CT bài “Những điều nên tránh…”, T-1, Q.6).

          CỜ BẠC: Do chữ “Đổ bác”, cũng gọi là bài bạc chơi ăn thua bằng tiền bạc, như: me, đề, tài xỉu, đánh các loại bài, đá gà, đá cá…còn chơi cờ và đua ngựa mà đánh cá bằng tiền bạc cũng gọi là cờ bạc. Tục ngữ thường nói:

                   Cờ bạc là bác thằng bần,

                Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”.  

          Bởi cờ bạc hay sanh trộm cướp, nên Cư sĩ Bàn Uẩn Công có răn đời”

                   Phàm nhơn bá nghệ hảo tùy thân,

                   Đổ bác môn trung mạc khứ thân.

                   Năng sử anh hùng vi hạ tiện,

                   Giải giao phú quí tác cơ bần”.

          (Phàm người có trăm nghề đều nên đem theo, nhưng cửa cờ bạc thì đừng gần. Vì nghề ấy khiến bậc anh hùng trở nên hèn hạ, kẻ giàu sang thành nghèo khổ, thiên hạ chê cười). Đức Thầy hằng khuyên:“ Đừng chơi cờ bạc đừng làm ác gian”. Và:

                          “Cuộc trần ôi quá khổ !

                   Trường đỏ đen là chỗ nhuốc nhơ.

                   Biết bao người vì nó phải bơ vơ,

                   Sự nghiệp hết gia đình tan nát.

                   Sớm tỉnh ngộ lên đường giải thoát,

                   Lành xa trường đổ bác chớ chen chân.

                   Nếu lỡ cơ mua tảo bán tần,

                   Thân trí cực nợ lần khân chẳng dứt.

                                Chi cho bằng:

                             Qui y thì khá làm y,

                   Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.

          Á PHIỆN: (Xem CT chữ Thuốc phiện bài “Những điều cần TH….T-1, Q.6).

          ĐÀNG ĐIẾM: Cũng gọi là điếm đàng. Trai thì gian tà xảo quyệt, lường gạt chơi bời. Gái thì đĩ thõa, dâm ô, trai gái, bán dâm. Đức Thầy khuyên:

                   Điếm đàng đĩ thõa chớ gần,

                  Để sau xem thấy non Tần xôn xao”.

          LUÂN LÝ: (Xem CT chữ Luân lý, bài “Ác tà dâm”, T-1, Q.6)

          TAM CANG: Ba giềng mối lớn, tức Vua tôi, Cha con, Chồng vợ. Người chưa có gia đình thì giềng thứ ba là Sư đệ (Thầy trò). Cách đối xử:

          -Một công dân phải tận trung với Đất nước (Tổ Quốc).

          -Con phải hiếu thảo với cha mẹ…(Xem 2 ân trong Bốn ân, T-1, Q.6).

          -Vợ chồng thì ân nghĩa song toàn.

          -Thầy thì tận tâm dạy dỗ, trò phải hết dạ tôn kính phụng hành. Đức Thầy từng dạy:

                   Rán giữ gìn luân lý tam cang,

                     Tròn đức hạnh mới là báu quí”.

          NGŨ THƯỜNG: Năm mối thường hằng, gồm có: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đức Thầy có câu:“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng”.

          NHÂN: là lòng hiếu đạo hay thương người mến vật và tận tâm giúp đỡ những gì lợi lạc cho kẻ khác, không phân biệt đẳng cấp…Đức Thầy dạy:

                   Lòng nhơn xin khá tập rèn,

            Thạch Sùng Vương Khải sách đèn ai ưa”.

          NGHĨA: Lòng tốt, hay làm việc phải có ích lợi cho mọi người, đúng theo con đường đạo lý mà không hề vụ lợi. Đức Thầy từng khuyên:

                   Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,

                  Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần”.

          LỄ: kính ý của con người, từ cách chào hỏi đối đáp với mọi người, dầu nam hay nữ đều có khuôn phép bặt thiệp. Kính người trên, nhường kẻ dưới. Đầy lòng tôn kính các bậc: Phật, Trời, Thần, Thánh.

          TRÍ: Sự sáng suốt. Trước khi nói hay làm việc gì đều dùng trí suy xét cẩn thận, phán đoán công bằng ngay chánh. Như lấy trí nhận xét các thứ: rượu chè, cờ bạc, đàng điếm, hút xách đều có hại cho cơ thể, danh dự, gia đình, đất nước nên nhứt định không đắm nhiễm. Đức Thầy luôn nhắc nhở:

                   “Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện,

                     Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà”.

          TÍN: là lòng tín thành chơn thật đối với Đạo lý chân chánh, với Thầy Tổ sáng lành, với bạn bè trung thực. Trước sau như một không hề thay đổi.

          Tóm lại, khi hành được Ngũ Thường thì không còn vi phạm Ngũ giới, như:

          -Hành được chữ NHÂN thì không Sát sanh.

          -Hành được chữ NGHĨA thì không Đạo tặc.

          -Hành được chữ LỄ thì không Tà dâm.

          -Hành được chữ TRÍ thì không ô nghiễm Tửu, Sắc, Tài, Khí.

          -Hành được chữ TÍN thì không Vọng ngữ.

 

CÂU HỎI

          1/-Cho biết lược ý đoạn mở đề Tám điều răn cấm ?

          2/-Ý nghĩa điều răn cấm thứ nhứt ra sao ?

        3/-Chủ đích của điều răn cấm thứ nhứt như thế nào ?

          4/-Định nghĩa chữ Tam cang ?

          5/-Ngũ thường là gì ? Giải ra ?

          6/-Hành được Ngũ thường đặng lợi ích gì ?

*

*    *

2- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ NHÌ

CHÁNH VĂN

          Điều thứ nhì: Ta chẳng nên lười-biếng, phải cần-kiệm, sốt-sắng, lo làm ăn và lo tu-hiền chơn chất, chẳng nên gây-gổ lẫn nhau, hãy tha-thứ tội-lỗi cho nhau trong khi nóng giận.

 

LƯỢC GIẢI

          Đại lược điều răn cấm thứ nhì có hai ý:

          a)- Ý thứ nhứt: Đức Thầy dạy tín đồ trong việc làm ăn cần bỏ tánh biếng lười, giải đãi và phải siêng năng tiết kiệm. Vì nếu siêng năng mà không tiết kiệm thì dầu  làm được bao nhiêu tiền của cũng xa hoa phung phí hết. Điều cần nhớ tiết kiệm không phải là hà tiện, mà là biết cách xài tiền, việc nào đáng xài thì xài, việc không đáng xài thì dành lại để thi hành việc công ích.

          Song không chỉ có làm ăn suông, mà phải tinh tấn tu hành, vì lo làm ăn mà chẳng lo tu hiền thì suốt đời chỉ đem thân phục vụ cho vật chất, rồi vương nhiều nghiệp tội, rốt cuộc:“Nhắm mắt cũng nắm hai tay”( ĐT). Còn linh hồn phải luân chuyển báo đền. Bằng tu hành mà không lo làm ăn thì đâu có tiền của để sống và giúp đời, thế cũng không an tâm tu niệm, nên Đức Thầy dạy:“Hãy sốt sắng làm ăn cần thiết”.

          b)- Ý thứ hai: Là không nên oán hận, thù hiềm hoặc gây gổ với mọi người dù ở trong thân tộc hay ngoài xã hội. Hãy mở lòng thương yêu, nhẫn nhịn và khoan dung những kẻ lầm lỗi. Đức Thầy khuyên:

                  “Ta thường nên tập tánh khoan dung,

                   Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,

                   Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.

                   Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,

                   Khỏi mất lòng tất cả mọi người.

                   Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,

                   Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo”.

          Chủ đích điều răn cấm thứ nhì là, Đức Thầy dạy tín đồ bỏ tánh lười biếng, giải đãi, hẹp hòi, sân hận, mà phải rèn luyện các đức tánh: tiết kiệm, tinh tấn, bi mẫn, khoan dung.

CHÚ THÍCH

          CẦN KIỆM: Siêng năng và tiết kiệm. Chỉ cho người biết xài tiền, gặp việc đáng xài mới xài, chớ không xài hoang phí. Đức Thầy hằng khuyên:

                   Khuyên đừng xài phí xa hoa,

                   Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.

          TU HIỀN: (Xem CT chữ nầy, bài “Những điều ….”, T-1, Q6)

          NÓNG GIẬN: (Xem CT chữ nầy, bài LVTN…, T-1, Q.6).

*

*    *

3- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ BA.

 

          CHÁNH VĂN

          Điều thứ ba: Ta chẳng nên ăn-xài chưng dọn cho thái-quá và lợi-dụng tiền tài mà đành quên nhơn-nghĩa và đạo- lý, đừng ích-kỷ và xu-phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.

 

LƯỢC GIẢI

          Đại lược điều răn cấm thứ ba có ba ý:

          a)- Ý thứ nhứt: Đức Thầy răn tín đồ không nên ăn xài phung phí, chưng diện lòe loẹt từ y phục đến nhà cửa, vì:

                   “Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh,

                   Chớ mang lốt bề ngoài chẳng tốt”.( ĐT)

          Đành rằng người ta phải ăn để sống, mặc để kín thân. Song nếu ăn diện thái quá thì có hại về sau:“Khi lành dành khi đau”, tục ngữ thường nói như vậy. Như Đức Thầy hằng cảnh tỉnh:

                   “Lo ăn xài trà rượu xình xoàng,

                     Chừng khổ não phàn nàn căn số”.

          Và:     “Nào lụa là lãnh nhiễu tố sô,

                    Chớ ham mến mà sau lao lý”.

          Hơn nữa trong thời đại chiến tranh loạn lạc, địa ách thiên tai xảy ra liên tiếp, biết bao người cửa nhà tan nát, đói đau rách rưới mà chúng ta là người có trách nhiệm thương yêu đùm bọc:“Lá lành đùm lá rách”(Tục ngữ) Đức Thầy hằng cảnh giác:

                   Mảng điểm tô huy hoàng nhà cửa,

                   Ai khốn cùng để mặc đất trời xây”.

          Thế nên người biết Đạo không nên ăn diện thái quá mà nên sống thanh đạm, để có thì giờ tu học và dư tiền của bố thí, giúp đời.

          b)- Ý thứ hai: Việc làm ích kỷ. Từ chỗ ăn xài chưng diện con người đâm ra ham muốn lợi ích riêng tư rồi nghĩ cách lợi dụng tiền của. Họ lợi dụng lòng tốt của mọi người, của quốc gia, Đạo giáo, không màng nghĩ nhân nghĩa đạo lý là gì. Cho nên Đức Thầy khuyên tín đồ dầu gặp cảnh nào cũng rèn lòng chân chánh ngay thật ăn ở đúng theo đạo lý:

                   “Ở trần xử trọn nghĩa nhân,

               Quyết làm tôi Phật gởi thân liên đài”.

          c)- Ý thứ ba: Bởi lòng tham lam ích kỷ có sẵn, lúc nào người ta cũng muốn danh cho lớn, lợi cho nhiều. Nên thường bưng bợ kẻ giàu sang, quyền tước, phụ bạc người nghèo khổ, thấp kém. Để chừa tánh xấu ấy, Đức Thầy dạy chúng ta:

                    Muốn trừ tham phải liệu cách nào ?

                     Phải bố thí diệt lòng ích kỷ”.

          Và giữ lòng cương trực đối với mọi người, dù giàu sang hay nghèo khó, đều xem bình đẳng như nhau:

                   “Giàu sang nghèo khó cũng người,

                  Nên ta thương hết dầu cười hay khen”.( ĐT)

          -Chủ đích điều răn cấm thứ ba, Đức Thầy dạy tín đồ rứt bỏ các tật ăn xài chưng diện, lợi dụng tiền tài, tham lam ích kỷ, xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó. Hãy tu tập cho mình có những đức tánh: thanh đạm, chơn thật, ngay chánh và cương trực, bố thí.

 

CHÚ THÍCH

          THÁI QUÁ: Quá chừng mực, vượt lên mức thường.

          NHƠN NGHĨA: (Xem CT chữ nầy ở “Điều răn cấm thứ nhứt”).

          ĐẠO LÝ: (Xem CT chữ nầy bài “Cách thờ phượng” T-1, Q.6).

          ÍCH KỶ: Cũng gọi là vị kỷ. Có nghĩa chỉ lo lợi riệng cho mình, ai sao cũng mặc.

          XU PHỤNG: Hùa theo tâng bốc.

          PHỤ: Ở bạc, búng rảy, khinh thường.

 

CÂU HỎI

          1/-Điều răn cấm thứ ba có mầy ý và ý thứ nhứt ra sao ?

          2/-Ý thứ nhì là gì ?

          3/-Ý thứ ba như thế nào ?

          4/-Chủ đích của điều răn cấm thứ ba ra sao ?

*

*    *

4- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ TƯ

 

CHÁNH VĂN

Điều thứ tư: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hoặc nguyền-rủa, vì Thần Thánh không can phạm đến ta.

 

LƯỢC GIẢI

          Đại lược điều răn cấm thứ tư gồm có hai phần:

          1)- Phần thứ nhứt là những lời nói ác: Từ lâu người nước ta, nhứt là giới nữ hễ giận hoặc ghét ai hay con  cháu thì thường có tật kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai khiến hoặc trù rủa. Đức Thầy đã diễn tả sự trạng ấy:

                  “Trong gia đình chửi rủa liên miên,

                   Hết dương thế kêu sang Thần Thánh.

                   Chẳng kiêng nể Phật Trời thượng cảnh,

                   Cõi Long Cung mời thỉnh tối ngày…”

          Họ dùng lời lẽ như thế đã phạm ác khẩu rất lớn. Bởi:

                   Thánh Thần đâu có thiếu tiền,

              Mà kêu mà réo xuống trần mà sai..”.( ĐT)

          Tuy lời lẽ suông, song chuốc lấy tai hại chẳng nhỏ, và sau còn bị trả quả, nên Đức Thầy khuyên:

                   “Đời ám u tội trạng thảm thay,

                     Khuyên bá tánh bá gia rán bỏ”.

          2)- Phần thứ nhì là phương cách chừa bỏ: Muốn chửa bỏ lời xấu ác nói trên ta phải thay vào lời nói hiền lương đức hạnh, tao nhã thanh bai để đối xử với mọi người. Đức Thầy dạy:

                   “Kể từ nay phải giữ cho tròn,

                   Không chừa dứt ắt mang tai ách.

                   Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch,

                   Khi thốt ra đoan chánh hiền từ.

                   Tích thiện thì thường có phước dư,

                   Bằng tích ác họa ương đeo đắm”.    

          Chủ đích của điều răn cấm thứ tư Đức Thầy dạy tín đồ chừa Ác khẩu và hành Chánh ngữ.

 

CHÚ THÍCH

          NGUYỀN RỦA: Chưởi rủa, dùng lời độc địa để trù rủa người khác phải chết hay bị tai nạn.

          CAN PHẠM: Dính dáng hay mắc vào.

 

CÂU HỎI

          1/-Đại ý điều răn cấm thứ tư có mấy phần ? Và phần thứ nhứt ra sao ?

          2/-Phần thứ hai như thế nào ?

          3/-Chủ đích điều răn cấm thứ tư Đức Thầy dạy ta những gì ?

*

*    *

5- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ NĂM

 

CHÁNH VĂN

Điều thứ năm: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không nên sát-sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối-lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.

 

LƯỢC GIẢI

          Điều răn cấm thứ năm có ba ý:

          a)- Ý thứ nhứt là bớt sát sanh: Bởi hạng sơ cơ hành Đạo chưa thể trường chay giới sát được, nên phải còn ăn chay kỳ, tất phải còn làm thiệt hại mạng sống các sanh vật hoặc nhiều hoặc ít. Cho nên Đức Thầy dạy tín đồ, trước tiên nên cữ ăn những con vật quan trọng có công ơn với đời:“ Đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo chẳng khá sát hại vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sinh hoạt hằng ngày”. Từ chỗ biết ơn tiến tới lòng nhơn và từ bi, bình đẳng (trường chay).

          b)- Ý thứ nhì là không giết sanh vật cúng tế: Vì các bậc Thần Thánh ở cảnh giới siêu hình chẳng có xác thể như loài người, và mọi cảnh giới đều có thức ăn riêng, đâu dùng vật thực như chúng ta. Hơn nữa các Ngài từ nơi có lòng ngay thẳng công bình yêu dân ái quốc mới thành. Các Ngài có bổn phận ủng hộ chúng sanh, chớ đâu có vì ăn đồ cúng kiếng mà ban phước, hay thiếu lo lót mà giáng họa:

                   “Đấng thần minh công bình trực dạ,

                     Đâu ăn lo đổi họa làm may”.( ĐT)

          Căn cứ vào luật nhân quả, ai làm lành hưởng phước, tạo ác mang tai, sát sanh hay bịnh tật và chết yểu:

                   Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,

                   Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác”.( ĐT)

          Cho nên Đức Thầy hằng khuyên dạy môn đồ:

                   “Mở tâm linh nghĩ đến đoạn nầy,

                   Điều họa phước ấy cơ báo ứng”.( ĐT)

          c)- Ý thứ ba là nhận định tà chánh: Nếu chúng ta còn mê tín giết sanh vật cúng Thần Thánh để cầu phước thì chỉ có Tà thần hưởng thôi ! Mà hễ họ hưởng được một lần tất ăn quen, tìm cách phá khuấy ta nữa. Thử xét việc thế gian là biết: hễ có quan thanh liêm thì cũng có hạng quan ăn hối lộ. Họ mang hình thức giống nhau, nhưng tâm ý có kẻ tà, người chánh. Vì thế, Đức Thầy khuyên:

                   “Đừng theo lũ quỉ lũ ma,

             Cúng kiếng nó mà nó phải ăn quen”.

          -Chủ đích điều răn cấm thứ năm là Đức Thầy muốn dạy tín đồ bớt sát sanh và bỏ sự tin mù quáng. Hãy tập đức hiếu sanh và tin đúng lý nhân quả.

 

CHÚ THÍCH

          THÁNH THẦN: (Xem CT bài “Ác sát sanh”,T-1, Q.6).

          NHIỄU HẠI: Khuấy rối, gây khổ nạn.

 

CÂU HỎI

          1/-Điều răn cấm thứ năm có mấy ý ? Và ý thứ nhứt Đức Thầy dạy làm gì ?

          2/-Ý thứ nhì Ngài dạy ra sao ?

          3/-Ý thứ ba Đức Thầy bảo làm gì ?

          4/-Chủ đích điều răn cấm thứ năm ra sao ?

*

*    *

6- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ SÁU

 

CHÁNH VĂN

          Điều thứ sáu: Ta không nên đốt giấy tiền vàng-bạc, giấy quần-áo mà tốn tiền vô-lý, vì cõi Diêm-Vương không bao giờ ăn hối-lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng-phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường, đói rách, tàn tật.

 

LƯỢC GIẢI

          Điều răn cấm thứ sáu có hai phần:

          a)- Phần thứ nhứt là bỏ mê tín thành chánh tín:

          Điều nầy trước hết Đức Thầy cấm: Không cho tín đồ đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo cho người chết. Trước năm Kỷ Mão (1939) dân ta còn tin tưởng điều rất vô lý là tục lệ đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo, vì chưa chịu xét nét rõ ràng. Tục lệ ấy do người Tàu bày ra trong thời nước ta bị họ thống trị.

          Nguyên khởi là do Vương Luân (cháu của Vương Dư) lập mưu với người bạn giả chết, đợi khi đem chôn, Luân bèn đem giấy tiền vàng bạc đến đốt, nói để xin chuộc mạng. Khi đốt xong, bạn của Vương Luân sống lại. Do đó người đời tin theo; thậm chí tín đồ Phật Giáo và Nho Giáo cũng mê tín, thật là điều đáng tiếc. Đức Thầy thường cảnh tỉnh:

                   Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,

                     Chớ có đốt tốn tiền vô lý”.

          Theo Kinh Phật: Âm Phủ tức là cảnh giới Địa ngục, do Diêm La Vương cai quản rất công bình ngay chính. Những kẻ ở thế gian làm điều tội lỗi có khi qua mắt pháp luật, nhưng lúc chết tới trước Diêm Vương, không dấu được điều nào cả, thế thì làm sao hối lộ cho được. Đức Thầy bảo:

                  Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác.

                   Quỉ Vô Thường dắt xuống Diêm đình.

                   Sổ sách kia tội phước đinh ninh,

                   Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ”.

          Đã tu hành thì ai cũng muốn cho mình và ông bà cha mẹ được về Tiên Phật, lúc đó lại lo gởi tiền xuống Địa ngục. Tu để đi lên mà tâm nguyện đi xuống, thử hỏi có trái ngược và vô lý không ? Đức Thầy còn giác tỉnh thêm:

                  Vàng bạc bởi tay khách trú làm,

                   Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham.

                   Giấy quần giấy áo không nên đốt,

                   Nghĩ chuyện dối ma chẳng đáng làm”.

          b)- Phần thứ hai: tiết kiệm để bố thí: Suốt cuộc đời của con người, số tiền dùng vào việc mê tín nói trên không ít, nên Đức Thầy khuyên nhân sanh đừng làm nữa; hãy để dành số tiền lãng phí đó dùng vào việc phước thiện

                   “Muốn cho rắn đặng hóa cù,

             Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua”.

          Và:

                   “Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo,

                     Mở lòng nhơn tiếp rước mới là”.

          Hoặc là:

                    “Nếu đã xả thân tầm Đạo đức,

                     Mở lòng bố thí ngộ thần ca”.

          Chủ đích điều răn cấm thứ sáu, Đức Thầy dạy tín đồ phá óc mê tín tà kiến, hãy rèn luyện cho mình được chánh tín, đúng với chơn lý và mở lòng bố thí, vun trồng cội phúc.       

                Vun trồng cội phúc chờ mùa trổ bông”.( ĐT)

 

CHÚ THÍCH

          GIẤY TIỀN: (Xem CT mục Tang lễ, T-1, Q.6).

          VÔ LÝ: Không có lý, không hợp với lẽ phải, không đúng với sự thật (chơn lý).

          CÕI DIÊM VƯƠNG: Cảnh giới địa ngục. Diêm Vương cũng gọi là Diêm chúa hay Diêm La Pháp Vương hoặc là Bình Đẳng Vương. Ngài là vua cõi Thiên ma tức là cõi Địa ngục, Ngài thường khuyên kẻ làm lành và trừng trị kẻ gian ác, nên có danh xưng là Pháp Vương. Ngài luôn lấy lòng bình đẳng, công bằng mà xử trị tội nhân, không hề tư vị một ai nên được xưng tụng là Bình Đẳng Vương. Đức Thầy bảo:

                   “Ngục môn đầy quỉ vô thường,

               Dắt hồn kẻ bạo Diêm Vương luật trừng”.

          TRỢ CỨU: Cũng gọi là cứu trợ. Có nghĩa đem tiền của, vải sồ, lúa gạo, thuốc men giúp cho những người đói rách, bệnh tật, tai nạn…

 

CÂU HỎI

          1/-Điều răn cấm thứ sáu có mấy phần, phần thứ nhứt ra sao ?

          2/-Phần thứ nhì Đức Thầy dạy thế nào ?

          3/-Chủ đích điều răn cấm thứ sáu, Ngài muốn dạy tín đồ những gì ?

*

*    *

7- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ BẢY

 

CHÁNH VĂN

          Điều thứ bảy: Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo-đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán-đoán việc ấy.

 

LƯỢC GIẢI

          Điều răn cấm thứ bảy gồm có hai phần:

          a)- Phần thứ nhứt là suy nghĩ nghiệm xét: Điều nầy Đức Thầy dạy tín đồ hãy dùng chánh trí và chánh kiến mà suy xét, nhận định mọi việc đời cũng như Đạo cho rõ ràng, đúng với sự thật. Việc đời là việc cư xử với mọi người, từ trong gia đình thân tộc, đến ngoài xã hội quốc gia. Đây thuộc phần tu Nhân.

          Việc đạo đức là dùng trí huệ xét nghĩ mọi tư tưởng: lành dữ, chơn vọng, tà chánh trước khi nói hay làm. Đây thuộc phần tu Phật.

          b)- Phần thứ hai là quyết định để thi hành: Tức là sau khi đã suy xét và nhận định một cách sáng suốt, chín chắn hành giả mới nói hay làm, nên không hề bị lầm lẫn đáng tiếc. Việc đời thì phán đoán theo nhân đạo công bình và chánh nghĩa. Còn việc Đạo thì đúng theo chơn lý và vô vi thật tướng không còn lầm lộn trong “Ngũ độn sử” và “Ngũ lợi sử”. Đức Thầy luôn chỉ dạy:

                   “Dầu việc người hay việc của ta,

                   Nên phán đoán cho tường cho tận.

                   Tội với phước xét coi nhiều bận,

                   Mới khỏi lầm tà kiến đem vào”.

          Tóm lại, điều răn cấm thứ bảy là chìa khóa giúp cho hành giả mở rộng cửa tâm chơn lý để chứng thành Phật Đạo. Ví như người đi đêm có sẵn ngọn đuốc tột sáng không hề lầm đường lạc nẻo.

          -Chủ đích điều răn cấm thứ bảy là Đức Thầy dạy tín đồ dẹp phá Tà kiến, mê lầm và diệt trừ mười món phiền não căn bản, để rèn luyện cho mình được chánh trí và chánh kiến. Với sức tự lực (Thiền tông) ấy giúp ta tiến tới đạt thành Phật Đạo).

 

CHÚ THÍCH

          ĐẠO ĐỨC: (Xem CT trong “Lời nói đầu”, T-1, Q.6).

            MINH LÝ: Dùng như chữ Chánh trí và Chánh kiến. Có nghĩa suy xét mọi việc một cách sáng suốt, chân chánh, không lầm ác kiến và tà kiến gọi là chánh trí (Minh). Phân định mọi việc một cách công bằng đúng với chơn lý, không thiên chấp theo ngụy tà, ác kiến, ấy là chánh kiến (Lý).

          Đức Thầy có câu:

                   “Luận bàn chơn lý cho minh,

                   Việc chi xét đoán xảo tinh mới là”.

          NGŨ ĐỘN SỬ: Năm món phiền não ngu độn; gồm có:

          1-THAM: Lòng ham muốn quá độ.

          2-SÂN: Tâm nóng nảy thù hận.

          3-SI: Lòng mê tối lầm lỗi (Ba món nầy xem thêm phần Ý nghiệp trong bài “Luận về Tam nghiệp”: háo thắng (?)).

          4-MẠN: Tánh ngã mạn cống cao, tự phụ, háo thắng.

          5-NGHI: Lòng nghi ngờ do dự, không quyết đoán.

          NGŨ LỢI SỬ: Năm món phiền não lanh lợi là:

          1-Thân kiến: Chấp thân ngũ uẩn giả hợp là thật.

          2-Biên kiến: Chấp một bên, như chấp thân nầy còn hoài, hay chấp thân nầy chết đi là hết hoặc chấp có, chấp không…

          3-Tà kiến: Chấp theo các chủ thuyết tà, như mê tín dị đoan, chẳng tin lý nhân quả, ngược lại Chánh kiến.

          4-Kiến thủ: Bảo thủ các điều hiểu biết sai lầm của mình, cho các ý kiến đó là đúng, là phải.

          5-Giới cấm thủ: Chấp thủ các giới lặt vặt vô lý, như: ép xác hành khổ, bớt ăn bớt ngủ hoặc ngủ ngồi không nằm…

CÂU HỎI

          1/-Điều răn cấm thứ bảy có mấy phần ? Phần thứ nhứt Đức Thầy dạy những gì ?

          2/-Phần thứ nhì Ngài dạy ra sao ?

          3/-Tóm tắt điều răn cấm thứ bảy như thế nào ?

          4/-Hãy cho biết chủ đích điều răn cấm thứ bảy ?

*

*    *

8- ĐIỀU RĂN CẤM THỨ TÁM

 

CHÁNH VĂN

          Điều thứ tám: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu-dắt lẫn nhau vào con đường đạo-đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây- phương an-dưỡng mà học Đạo cho hoàn-toàn đặng trở lại cứu vớt chúng-sanh.

 

LƯỢC GIẢI

          Điều răn cấm thứ tám gồm có ba ý:

          1)- Ý thứ nhứt là tinh thần thương yêu đoàn kết:

          Bởi Đạo Phật là Đạo từ bi, tình Đạo Phật là tình thương yêu đoàn kết. Chẳng những có tình thương yêu giữa đồng Đạo mà còn thương cả nhân loại:“Nếu thiệt người thì biết thương người”.

          Vả lại, cây từ bi được mọc lên từ hạt giống tình thương (lòng nhơn), rồi trổ quả Bồ đề (chánh giác). Cho nên muốn được kết quả Phật, hành giả phải có tình thương là trước nhất, song tình thương yêu phải đặt cho đúng chỗ. Đức Thầy cho biết:

                   “Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

                   Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.

          Tình thương phải thương nhau như ruột thịt: như một bàn tay có năm ngón, rủi có một ngón bị đứt hay gãy đi, cả bàn tay đều bị đau. Thế nên ta và mọi người không thể phân chia thù ghét mà phải thương yêu đoàn kết lẫn nhau:“Ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy”.( ĐT)

          2)- Ý thứ hai: thể hiện lòng giác tha: tức là:“…dìu dắt lẫn nhau vào con đường Đạo đức…”.Bởi chỉ có con đường Đạo đức mới giúp cho ta và mọi người hết khổ. Nếu ta có được lòng tự giác và tình thương mà không thể hiện với mọi người thì còn trong vòng ích kỷ tu thân, nên ta phải thấy rằng:“Ta có cái bổn phận giác ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cay nghiệt…”(ĐT) để ta cùng mọi người cùng nương nhau tiến tới chỗ trọn lành trọn sáng, chứng thành Đạo quả như nhau.

          3)- Ý thứ ba: Tu cho mình được trọn lành trọn sáng: Điều nầy Đức Thầy dạy có hai cách:

          I- Cách thứ nhứt: Đáp Tứ ân và diệt Thập ác là Trọn lành. Hành Bát Chánh Đạo là Trọn sáng.

          a)- Vậy ai muốn cho mình được trọn lành phải ngăn ác và hành thiện. Vì nguyên nhân của luân hồi sanh tử là do 10 điều ác, chính nó là nghiệp nợ (nợ do mình gây tạo), nên khi trừ dứt nghiệp nợ gọi là ngăn ác. Còn đáp Tứ ân là trả được ân nợ (nợ do mình thọ ân) và còn tạo được vô lượng phước đức nên gọi là hành thiện.

          Lại nữa người tu ví như kẻ làm ruộng:“Phải ăn năn phước điền tạo tác”, song muốn ruộng kết quả, trước phải nhổ cỏ (ngăn ác) rồi mới đem lúa gieo vào (hành thiện thì ruộng mới trúng). Bằng gieo lúa mà không làm sạch cỏ thì cỏ ăn hết lúa. Thế nên Đức Thầy dạy:“Muốn làm tròn nhân Đạo phải giữ vẹn Tứ ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ”. Đây thuộc phần tu nhân, và có ngăn ác và hành thiện được mới gọi là trọn lành.

          b)- Muốn được trọn sáng hành giả phải hành “Bát Chánh Đạo” và “Niệm Phật”. Đây thuộc phần “Học Phật” tức tu Phật. Bởi hành giả có diệt trừ vọng niệm phiền não tâm mới thanh tịnh và trí huệ phát khai (trọn sáng)  nên phải trì hành Bát chánh. Vì trong đây có những Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh Định. Sáu cái chánh nầy giúp ta diệt hết phiền não, tán loạn, tức:“Tâm bình tịnh được thì phát huệ”. Hoặc hành giả chuyên tâm niệm Phật để trừ vọng niệm chúng sanh (phiền não) cho đến khi “Nhứt tâm bất loạn” và được đồng hòa với “Bản lai thanh tịnh” tức trí huệ sáng mầu, ấy gọi là Trọn sáng.

          II- Cách thứ hai là tu theo ba điều cần yếu của Đức Thầy chỉ dạy:“Làm hết các việc từ thiện” và “Tránh tất cả điều độc ác” là trọn lành. Còn “Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch” là trọn sáng.  

          -Đại lược ý thứ ba là nếu người tu được trọn lành trọn sáng, dù chưa đắc Đạo tại thế gian cũng được vãng sanh về Cực Lạc và sau khi hoàn thành Bồ Tát Đạo thì trở lại cứu độ chúng sanh.

          -Chủ đích điều răn cấm thứ tám, Đức Thầy dạy tín đồ tu pháp môn Tịnh Độ: Niệm Phật làm lành, tránh ác và diệt trừ phiền não…Đồng thời hãy mở lòng thương yêu đoàn kết, tự giác, giác tha, để tiến tới trọn lành trọn sáng (giác hạnh viên mãn).

 

ĐOẠN KẾT TÁM ĐIỀU RĂN CẤM

 

CHÁNH VĂN

          Tất cả thiện nam tín nữ trong Tôn-giáo nhà Phật lúc rảnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ-gìn phong-hóa nước nhà, giữ những tục-lệ chơn- chánh, bỏ tất cả những s dị đoan mê tín thái quá mà làm cho đạo-đức suy-đồi.

                                                      Đạo pháp thường hay dung với hoà,

Xét người cho tột, xét thân ta.

Nếu người rõ phận vui lòng thứ,

Ta thứ được người, người thứ ta.

 

LƯỢC GIẢI

          Theo chúng tôi được biết cũng như nhiều đồng Đạo xác định thì đoạn kết của Tám điều răn cấm trước kia, không có bài thi “Đạo pháp thường hay dung với hòa…” mà sau chót bài “Lời khuyên bổn đạo” bên “Thi Văn Giáo Lý” lại có bài thi nói trên; nên ở đây chúng tôi không lược giải, để sau nầy sẽ giải chung với bài “Lời khuyên bổn đạo”.

          -Còn điều nữa: Theo Ông Đặng Thành Tựu cho biết: lúc ông chép “tám điều răn cấm” tại Tổ đình (1939) thì đoạn kết bây giờ còn thiếu ba hàng, gồm 33 chữ. Có lẽ Ban sưu tập làm sót. Nay tôi xin chép vào đây để chư tín hữu nghiệm xét, ai muốn học hay không tùy ý (sau nầy có dịp chúng ta sẽ nghiên cứu, bàn thảo lại). 33 chử đó như sau:

          “Trong các điều răn cấm và yếu lý chỉ dạy trên đây, mong rằng các thiện nam tín nữ rán ghi nhớ mà hành y hầu có lần bước lên đường giải thoát”.

 

CHÚ THÍCH

          THIỆN NAM TÍN NỮ: (Xem CT bài “Ân đồng bào…” T-1, Q.6).

          PHONG HÓA: Phong tục và sự giáo hóa tốt đẹp của nước nhà từ trước. Đức Thầy dạy:

                    “Rán giữ gìn phong hóa nước nhà”.

          SUY ĐỒI: Sụp đổ, tệ hại.

          YẾU LÝ: Lý lẽ cốt yếu. Tuy nói ít, nhưng gom hết phần cần yếu trong đó.

 

CÂU HỎI

          1/-Điều răn cấm thứ tám có mấy ý ? Ý thứ nhứt ra sao ?

          2/-Ý thứ hai Đức Thầy dạy những gì ?

          3/-Ý thứ ba có nghĩa như thế nào ?

          4/-Hãy cho biết chủ đích của điều cấm thứ tám ?

*

*    *

CÔNG DỤNG TÁM ĐIỀU RĂN CẤM

          Nghiên cứu qua Tám điều răn cấm của Đức Thầy chỉ dạy, tuy thấy đơn giản, nhưng công năng và diệu dụng rất sâu rộng và mầu diệu vô cùng. Tạm chia làm bốn phần như sau:

          1-Bảo trợ “Tôn chỉ Học Phật Tu Nhân”: Một con lộ có hai bờ lề, cây cầu có hai hàng lan can để bảo vệ người đi và xe cộ khỏi vượt ra ngoài, phải sa xuống hầm hố hiểm nguy…

          Con đường đạo mà Đức Thầy đã khai vạch:

                   Đạo là vốn thiệt cái đàng,

              Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh”. 

          Ấy là tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” cho toàn thể tín đồ, y cứ theo đó mà tu tiến không bị lệch lạc. Ngài cho đóng hai bên lề hai hàng rào, để bảo trợ tức là Tám điều răn cấm. Như đã thấy điều răn cấm thứ nhứt vừa giúp cho hành giả hoàn thành Nhân Đạo, vừa làm nền tảng bước lên Phật Đạo, như xa lánh Tứ đổ tường và giữ tròn luân lý “Tam cang ngũ thường” mà trong ngũ thường lại có chữ Nhân, chữ Trí. Nhân là hột giống từ bi (Phật). Còn Trí là ngọn đuốc soi sáng lối đi ra khỏi sanh tử.

                   “Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý,

                   Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng”.( ĐT)

          Đã có nền tảng căn bản (điều 1) thì từ điều 2 tới điều 6 Ngài dạy tín đồ phá trừ dị đoan mê tín và rèn luyện các đức tánh thiện mỹ khác để chuyển sang điều 7 và điều 8 hoàn thành Phật Đạo.

          2-Tóm lược yếu pháp PGHH: Nghiên cứu qua Giáo lý PGHH ai cũng thấy Đức Thầy đưa ra một diệu pháp cốt yếu cho chương trình tu Phật (Học Phật) là “Thiền Tịnh song tu”. Tức là hành giả vừa tu tự lực và vừa tu cầu tha lực. Thế nên trong điều 7 Ngài dạy tín đồ dùng sức tư duy (suy xét) của mình mà phát triển chánh trí, mới phá tan các phiền não ác kiến để được cái nhìn Chánh kiến, đúng với sự thật (chơn lý) không còn lầm lạc trong luân hồi sanh tử. Ấy gọi là “Thiền Tông”.

             Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp,

               Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên”.( ĐT)

          -Đến điều răn thứ tám Đức Thầy dạy tín đồ tu cầu tha cứu, tha độ (Tịnh độ). Trước nhứt mở lòng vị tha bác ái, thương yêu đoàn kết với mọi người, để dìu dắt lẫn nhau cùng tu cùng tiến. Nhứt là chuyên tâm niệm Phật, làm lành cho đến khi được trọn lành trọn sáng. Nếu chưa thành Đạo tại thế gian cũng được oai đức của Phật  A  Di Đà tiếp độ về cõi Cực Lạc. Đức Thầy từng dạy:

          “Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ.

            Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.

            Nếu như ai cố chí làm lành

            Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.

            Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,

            Dầu Tiên, phàm, ma, quỉ, súc sanh.

            Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,

            Được cứu cánh về nơi an dưỡng.

            Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,

            Thoát mê đồ dứt cuộc  luân hồi”.

          3- Gồm đủ giới luật cho các hàng tu chứng: Xưa nay người tu có nhiều hạng, sự trì giới tất có nhiều ít khác nhau, như hạng tại gia thì giữ ngũ giới, mà trong điều một nếu ai thi hành được Ngũ thường thì không phạm Ngũ giới.

          Hạng xuất gia giữ 10 giới hay 250 giới hoặc 348 giới…Song dầu có bao nhiêu giới cũng giúp cho hành giả tánh tướng đều thanh tịnh, tức được trọn lành trọn sáng. Thì đây trong điều 7 và 8 giúp cho hành giả tu đạt chánh trí và chánh kiến, dẹp hết 10 món phiền não căn bản (Ngũ lợi sử và Ngũ độn sử). Được vậy thì 8 vạn 4 ngàn trần lao nhiễm não đâu còn. Cho nên nói 8 điều răn cấm có diệu dụng: gồm đủ giới luật cho các hàng tu chứng.

          4- Hàm Nhiếp Tam Tụ Giới của Chư Bồ Tát: Thuở Đức Thích Ca còn trụ thế, Ngài có lên cung Trời Phạm Võng thuyết Kinh “Phạm Võng Bồ Tát Giới” cho chư Bồ Tát nghe và trì hành Đại cương trong đó gồm có 3 phần: “Nhiếp Luật nghi giới, Nhiếp Thiện nghiệp giới, Nhiêu ích hữu tình giới”.

          Nghiên cứu qua Tám điều răn cấm của Đức Thầy dạy rất phù hợp với Tam Tụ giới nói trên.

          a)- Nhiếp luật Nghi Giới: Giữ giới để tránh các điều xấu ác. Trong tứ tướng oai nghi và 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý người tín đồ PGHH lúc nào cũng gìn giữ không để quấy phạm một điều tội ác  nào. Như điều 1: tránh xa tửu, sắc, tài, khí; điều 2: bỏ tánh lười biếng, giải đãi, thù hận, sân si; điều 3: trừ lòng tham lam ích kỷ, lợi dụng tiền tài, tham sang phụ khó; điều 4: chừa ác khẩu; điều 5 và 6; không sát sanh và mê tín dị đoan; điều 7: diệt sạch mê si tà kiến (gốc tội lỗi).

          b)- Nhiếp Thiện Nghiệp Giới: Giữ giới để hoàn thành hạnh nghiệp tốt lành. Như điều 1: xử vẹn Tam cang, Ngũ thường; điều 2: tu được các đức tánh thanh đạm, cương trực và chơn chánh; điều 4: hành được chánh ngữ; điều 5: được đức hiếu sanh và chánh tín; điều 6: được tánh tiết kiệm và bố thí; điều 7: được chánh trí và chánh kiến; điều 8: được lòng từ bi và đoàn kết; tự giác giác tha và trọn lành trọn sáng.

          c)- Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: Nương giới để làm lợi ích cho các giới chúng sanh. Như điều 5: thể hiện lòng nhơn nghĩa và đức hiếu sanh; điều 5: thực hành pháp bố thí; điếu 8: thi thố đức bác ái vị tha, phát tâm thi hành Bồ tát hạnh, lúc nào cũng muốn mình và mọi người, mọi giới đều được an vui giải thoát.

          Tổng kết Tám điều răn cấm tuy thấy giản dị, nhưng nếu người trì hành chín chắn, sẽ được công dụng vô biên. Như có lần Đức Thầy sắp 8 con số 8 thành bài toán cộng rồi Ngài cộng xuống ra đáp số 1.000, Ngài nói: Đây là phần sự của bài toán thôi, còn phần lý của nó là tám điều răn cấm”. Ngài dạy tiếp:“Nếu ai giữ đúng không vi phạm sẽ được 1.000 việc phước nhân. Một ngàn việc phước nhân ấy có diệu năng đưa mình đến Hội Long Hoa hay về cõi Cực Lạc, giải thoát sanh tử”.

          Tóm tắt, tám điều răn cấm bao hàm đủ muôn hạnh, muôn giới cho người tu. Từ Cư sĩ đến xuất gia từ hàng Thinh Văn đến Bồ Tát, tùy theo tâm đức và công năng thọ trì của mỗi hành giả mà hạng nào cũng được kết quả như ý.

CÂU HỎI

          -Công dụng tám điều răn cấm có mấy phần ? Phần thứ nhứt ra sao ?

          -Phần thứ nhì như thế nào ?

          -Phần thứ ba có ý nghĩa gì ?

          -Phần thứ tư ra sao ?

          -Tổng kết tám điều răn cấm như thế nào ?

          -Tóm tắt tám điều răn cấm ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn