CHÁNH VĂN (Từ câu 381 đến câu 460)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 32444)
CHÁNH VĂN (Từ câu 381 đến câu 460)

381.-Nam-Mô Quan-Âm Như-Lai,

Cầu xin chư Phật cứu nay dương-trần.

          Khuyên đừng chửi Thánh mắng Thần,

384.-Xưa nay thứ lỗi thế-trần chẳng kiêng.

          Lưỡng Thần ghi chép liên-miên,

Nào tội nào phước dưới miền trần gian.

          Tâu qua Thượng-Đế Ngọc-Hoàng,

388.-Dương trần hung ác đa đoan quá nhiều.

          Chúng-sanh ngang-ngược làm liều,

Ngọc-Hoàng Ngài muốn xử tiêu cho rồi.

          Minh-Vương khó đứng khôn ngồi,

392.-Thảm thương lê-thứ mắc hồi gian-truân.

          Trước đền mắt ngọc lụy rưng,

Quí yêu bá-tánh biết chừng nào nguôi.

          Làm sao cho dạ được vui,

396.-Cúi đầu lạy Phật cầu xin cứu trần. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 381 đến câu 396)

          -Đoạn nầy Đức Thầy cầu nguyện với Đức Quan Âm Như Lai và chư Phật mười phương, cứu độ chúng sanh thoát qua khổ hải cùng khuyên bá tánh từ nay hãy bỏ hẳn sự kêu Thần Thánh mà nguyền rủa hoặc sai khiến. Bởi từ trước các Ngài đã tha thứ nên chúng dân chẳng kiêng sợ.

          -Tất cả hành động tội hay phước của mỗi chúng sanh ở cõi trần đều được hai vị thần ở hai bên ghi chép đầy đủ, để tấu trình về Thượng Đế. Xét ra, tội của chúng sanh dẫy đầy, còn điều phước thiện chẳng được bao nhiêu.

          -Bởi vì loài người quá ngang tàng, hung bạo, gây nhiều tội trạng, nên Ngọc Đế muốn xử tiêu cho rồi. Song nhờ Đức Minh Vương đầy lòng thương xót lê dân, lâm cơ tận diệt, nên Ngài rất lo lắng tìm phương cứu độ.

          -Ngài thân hành đến quì trước Linh Khứu để cầu xin Đức Phật Tổ nhủ lòng từ bi sắc truyền chư Phật lâm phàm khai đạo, cứu độ lê dân. Điều nầy trong Sấm Giảng Người Đời, Ngài Huệ Lựu nói rõ:

“Ngọc Hoàng cầm sổ nơi tay,

Quyết mà giũ bỏ đời nay hỗn hào.

Nam Tào kinh khủng khấu đầu,

Xin thương trần thế Đạo mầu truyền ban.

Ngọc Hoàng nghe nói rất mừng,

Sai người giá võ qua miền Lôi Âm.

Kế đó Phật Tổ giá lâm,

Tâu cùng Ngọc Đế thấp cao tỏ tường.

Minh Vương có tới Phật Đường,

Giáo khuyên dưới thế trung ương tu trì”.

 

CHÚ THÍCH

          QUAN ÂM NHƯ LAI: Quan âm. Đọc cho đủ là Quan Thế Âm Bồ Tát, do Phạn ngữ AVSLOKI TESVARA  BOPHISATT WA. Lại cũng có tên là Quán Tự Tại hay Liên Hoa Thủ, đều dịch nghĩa chữ Phạn PADRA PÃNI. Ngài là một vị Đại Bồ Tát rất có lòng từ bi hay cứu khổ cứu nạn nên có danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, ở đâu cũng thờ Ngài và cũng niệm đến danh hiệu Ngài.

          Kinh chép: Lúc chưa xuất gia tu hành, Ngài là con đầu lòng của Vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử. Khi vua cha phát tâm tu hành, theo Đức Bảo Tạng Như Lai và khuyên Ngài hết lòng kính tin, sùng bái Tam Bảo. Ngài vâng theo và phát lời thệ nguyện:“Tôi nguyện đem tất cả công đức mà tôi đã cúng dường Tam Bảo và các món thiện căn, tôi đã từng tu tập pháp mầu, xin hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Nguyện cứu độ tất cả chúng sanh nào khổ đau họa hoạn, khi niệm đến danh hiệu tôi, tôi sẽ dùng oai thần cứu độ thoát khổ và đặng an vui…Nếu chẳng đặng lời thề đó, tôi không thành Phật”.

          Vì vậy, trong thế gian, chỗ nào, lúc nào khi có sự khổ đau, chúng sanh niệm đến danh hiệu Ngài thì Bồ Tát sẽ rộng lòng từ mẫn, dùng pháp mầu cứu vớt chúng sanh đó. Hiện nay Bồ Tát Quán Thế Âm đang hầu một bên Đức Phật A Di Đà tại cảnh giới Tây phương Cực Lạc và hằng ngày tiếp dẫn chúng sanh, khắp mười phương về cõi ấy.

          -Nhưng danh từ “QUAN ÂM NHƯ LAI” còn chỉ cho một Đức Phật thời quá khứ. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển Sáu, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát có bạch với Đức Thích ca: - Bạch Đức Thế Tôn ! Tôi còn nhớ vào thời quá khứ, cách đây hằng hà sa số kiếp, có một Đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm Như Lai. Tôi nhờ Đức Phật đó mà phát tâm Bồ Đề, Ngài dạy tôi nương theo ba pháp: Nghe, Nghĩ, Tu mà vào chỗ chánh định…(Thế Tôn ! Ức niệm ngã tích vô số hằng hà sa kiếp, ư thời hữu Phật, xuất hiện ư thế, danh Quán Thế Âm, ngã ư bỉ Phật, phát Bồ Đề tâm, bỉ Phật giáo ngã tùng văn, tư, tu nhập Tam Ma Địa…)

          Và một đoạn khác, Quán Thế Âm Bồ Tát nói:“Bạch Đức Thế Tôn ! bởi tôi cúng dường Thầy tôi là Đức Quán Thế Âm Như Lai, nên tôi nhờ Thầy truyền cho tôi pháp “NHƯ HOẠN, VĂN HUÂN, VĂN TƯ, KIM CANG TAM MUỘI”.(1.- Như Hoạn: như tuồng mị; là nói chỗ công phu lúc ban sơ, phải mượn lấy ảnh hưởng của hai cái nghe: Văn Huân và Văn Tu. 2.- Văn Huân: xông cái nghe; chữ nghe đây là chỉ cái tánh nghe thuộc về thể của bản giác, còn xông là xông ướp (huân tập). Nghĩa là trau giồi, nói bên trong xông cái thể bản giác. 3.- Văn Tu: Tu cái nghe; là quay ngược cái nghe trở vào trong thuộc về trí của thể giác. Còn tu là lấy cái công phu trở lại cái nghe mà tu tới bực viên thông. 4.- Kim Cang Tam Muội: Do nơi cái nghe đã tiến tu mà thành được một tánh đại định bèn chắc như Kim Cương.) Từ lực của tôi đồng với các Phật Như Lai, nên khiến thân tôi thành đặng 32 ứng thân, để tùy thuộc vào các Quốc độ cứu khổ chúng sanh. (Thế Tôn ! Do ngã cúng dường Quán Thế Âm Như Lai. Mông bỉ Như Lai thọ ngã, Như Hoạn Văn Huân, Văn Tu, Kim Cang Tam Muội, dữ Phật Như Lai, đồng từ lực cố, binh ngã thân hành, tam thập nhị ứng, nhập như Quốc độ…).

          CHẲNG RIÊNG: (Xem CT câu 194, T-2, Q.3).

          LƯỠNG THẦN: Hai vị thần ở hai bên vai vác là Tả mạng thần và Hữu mạng thần, có trách nhiệm ghi chép việc tội phước của mỗi người để tấu trình về Thượng Đế. – Ngài Huệ Lựu đã nói:

Thường đêm hương đốt đừng không,

Thời là lại có lưỡng Thần chép biên.

Chung niên nạp sổ thượng Thiên,

Thiên đình tùy đó phước hiền ban cho”.

          Đức Thầy cũng bảo:

                   “Trách lầm mang nghiệp vào thân,

             Chỉn e vai vác Thánh Thần chép biên”.(Cảm Tác)

 

CHÁNH VĂN

          397.-Lời khuyên xưa cũng một lần,

Nay mượn xác trần xuống bút ra cơ.

          Khôn-ngoan nghe nói ngẩn-ngơ,

400.-Ngu-si thì tưởng như thơ biếm đời.  

          Ở đâu cũng Phật cũng Trời,

Tâm thành chí nguyện xem đời khó chi.

          Văn-Thù Bồ-Tát từ-bi,

404.-Chèo thuyền Bát-Nhã cứu thì trần-gian.

          Gió đưa lướt sóng buồm loan,

Rước người tu niệm xuê-xang phỉ tình.

          Ai mà Ta dạy chẳng gìn,

408.-Thì sau đừng trách mất tình yêu-đương.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 397 đến câu 408)

          -Trước kia Đức Giáo Chủ đã có lần khuyên dạy chúng sanh, hôm nay Ngài cũng chuyển kiếp viết ra cơ giảng, giác tỉnh người đời. Kẻ trí, khi nghe được Kệ Kinh của Ngài, lòng bắt bồi hồi suy nghĩ, còn người quá mê mờ thì họ cho đó cũng như các vần thơ nhạo đời mà thôi.

          -Ngài còn dạy rõ, ai muốn tu hành khỏi cần tìm đến núi cao, rừng thẳm hay chùa miễu am cốc mà bất cứ nơi nào, hễ có lòng thành khẩn, nguyện cầu và chí tâm hành Đạo, tất được thấy cảnh:“Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”.(Không buồn ngủ) Bởi Đức Thầy hằng khuyên:“Muốn cho nên khuya sớm chuyên cần, Lòng chí nguyện sở cầu Phật Thánh”. (Sa Đéc)

            -Giữa lúc thay đổi cõi Hạ ngươn sẽ có Đức Văn Thù Bồ Tát dùng trí lực siêu mầu tiếp độ những người hiền đức lên bờ giải thoát. Còn kẻ nào chẳng nghe lời dạy bảo thì sau đừng trách Phật Tiên thiếu lòng từ ái.

 

CHÚ THÍCH

          Ở ĐÂU CŨNG PHẬT CŨNG TRỜI: Ý nói nơi nào cũng có Phật Trời không luận chùa am hay nhà cửa, hễ ai có lòng chí thành chí thiết trong việc công phu hành Đạo thì Trời Phật cảm ứng mà cứu độ ngay. Đức Phật Thầy từng bảo:

“Đi đâu cho khó nhiều đàng,

Kìa non Bửu Tự, nọ ngàn Ma Ha.

Kiểng nào kiểng chẳng có hoa,

Non nào non chẳng có tòa thiên thai”.

          Đức Thầy cũng thường dạy:

                   “Non nước tuy xa đâu cũng Trời,

                   Cũng Trời, cũng Phật, cũng an nơi”.

                                                (Cho Ô. Đỗ văn Viễn)

            TÂM THÀNH: (Xem CT câu 334, T-2, Q.3)

          CHÍ NGUYỆN: Ý muốn đã nuôi trong lòng và chí quyết thực hành cho kỳ được. Đức Thầy có khuyên:“Trên dưới một lòng chí nguyện tu”.(Dụng Kinh Quyền)

          VĂN THÙ BỒ TÁT: Là tiếng gọi tắt chữ Văn Thù Sư Lỵ hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Phạn ngữ: Manjucri. Có nghĩa: Diệu Đức (Đức sáng mầu nhiệm), Diệu Âm (âm thinh mầu nhiệm). Ngoài ra, các kinh điển còn chép tên Ngài là Diệu Thủ Bồ Tát, Phổ Thủ Bồ Tát…Tựu trung đều đề cập đến công hạnh lợi tha, giác chúng của Ngài, với trí tuệ siêu thắng bậc nhất.

          Ngài là một vị Cổ Phật, đã thành Phật từ vô số kiếp, song vì lòng bi mẫn Ngài mới tùy cơ ứng hóa, cứu độ chúng sanh.

          Hồi Đức Phật Thích Ca ra đời, Ngài ứng thân làm Tỳ kheo hầu cận Phật, Ngài đã biểu thị trí tuệ bậc nhứt, trong hàng Đệ tử của Phật, nên Ngài cũng được tôn danh là Pháp Vương Tử (con đấng Pháp Vương). Cho nên đa số các hình tượng thờ Ngài bây giờ, đều với thân tướng trang nghiêm, trên đầu có năm búi tóc biểu thị cho năm trí của Phật. (Năm trí: 1/- Pháp giới thể tánh trí. 2/- Đại viên cảnh trí. 3/- Bình đẳng tánh trí. 4/- Diệu Quan sát trí. 5/- Thành Sở tác trí.) Tay cầm thanh gươm, thị hiện lợi khí của trí tuệ tròn đầy và ngồi trên lưng Sư Tử xanh biểu thị cho sức mạnh của trí tuệ. Chính Ngài đã đem thần chú (Thủ Lăng Nghiêm do Phật truyền dạy) đến nhà Ma Đăng Già, giải thoát cho ông A Nan khỏi sa vào hố tội lỗi.

          Về lược sử của Đức Văn Thù, Kinh Pháp Hoa có chép: Về phương Đông có một nơi gọi là rặng núi Thanh Lương, từ xưa đến nay các vị Bồ Tát đều tập hợp nơi đó. Trong số nầy có Văn Thù Bồ Tát và các quyến thuộc tới một vạn người, nhân đó Ngài Văn Thù thường đến thuyết Pháp hóa độ chúng sanh.

          Trong Văn khố Từ Bi Âm lại chép: Đức Văn Thù Bồ Tát lúc chưa thành Đạo, Ngài là con thứ ba của Vua Vô Thánh Niệm tên là Vương chúng Thái Tử.

          Lớn lên, Ngài nhờ Phụ Vương khuyên bảo nên phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và Tăng chúng trong ba tháng. Và nhờ quan đại thần Bảo Hải (thân phụ của Bảo Tạng Như Lai) khuyên Thái Tử nên đem công đức ấy mà cầu các món trí tuệ, đồng thời nên hồi hướng về ngôi Phật quả, để hóa độ chúng sanh. Cõi của Ngài phải thanh tịnh trang nghiêm, thọ mạng lâu dài…Nếu không được như trên Ngài nguyện không thành Phật. Nguyện xong, Đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho Vương Chúng Thái Tử là Phật Đại Trượng Phu, trí tuệ sáng suốt nhiệm mầu. Phật cũng đặt pháp hiệu cho Ngài là Văn Thù Sư Lỵ. Trải vô lượng kiếp sẽ thành Phật, hiệu Phổ Kiến Như Lai, ở thế giới Thanh Tịnh vô cấu bảo chỉ. (Có chỗ chép là Phổ Hiến Như Lai hay Phổ Hiện Như Lai)

          THUYỀN BÁT NHÃ: (Xem CT câu 39, T-2, Q.2).

          BUỒM LOAN:(Xem CT Thuyền loan câu 534, T-1, Q.1).

            XUÊ XANG: Sung sướng, tốt đẹp.

          PHỈ TÌNH: (Xem CT câu 172, T-2, Q.3).

          YÊU ĐƯƠNG: Cũng gọi là yêu đang, có nghĩa: Tình yêu tự nhiên do huyết thống hay ái tình. Nhưng chữ yêu ở đây chỉ cho sự yêu thương của bậc thầy với đệ tử, của Phật đối với chúng sanh. Đức Thầy có câu:

                   Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

                     Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh”.

 

CHÁNH VĂN

          409.-Bàn-môn tài phép nào tường,

Kêu Trời giậm Đất cũng thì dạ rân.

          Nói cho trần-thế liệu toan,

412.-Chớ theo tả-đạo mà tan xác hồn.

          Nó làm nhiều phép nhiều môn,

Bùa mê thuốc lú mê hồn chúng-sanh.

          Thành binh sái đậu cũng rành,

416.-Nếu tin thời mắc tan tành về sau.

          Bây giờ bất luận người nào,

Không dùng của thế sắc màu cũng không.

          Nói cho bổn-đạo rõ lòng,

420.-Ấy là chơn-chánh mới hòng vinh-vang.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 409 đến câu 420)

          -Đoạn nầy Đức Thầy tiên tri: Sau đây sẽ có Bàn môn tả đạo ra đời nó có nhiều pháp lạ, uy quyền, một tiếng kêu trời, một cái giậm đất cũng đều ứng theo. Vậy bá tánh nên lo liệu trước để xa lánh, kẻo lầm lạc theo nó mà hồn xác tiêu tan.

          -Chúng dùng đủ phương cách gạt gẫm người đời, nào sái đậu thành binh, kêu mưa hú gió, nào bùa chú thuốc mê, tiên đoán thời cơ, thấu tỏ cả tâm lý vận mạng…khiến người dễ mê tín. Nếu ai theo chúng, chẳng đưa mình đi đến đâu, kết cuộc chỉ rước lấy tai hại.

          -Để thấu triệt đâu tà, đâu chánh Đức Thầy dặn dò: Bất cứ một ai, không ham sắc tài danh vị, lìa bỏ sắc tướng thinh âm và chẳng lợi dụng của bá tánh thập phương, đó là người hành đạo chơn chánh, kẻ nào nương theo tất được kết quả cao quý.

CHÚ THÍCH

          BÀN MÔN: Chỉ cho tà đạo (ngoại đạo), thường dùng yêu thuật lừa gạt hay sát hại sanh linh.

          LIỆU TOAN: Liệu lượng, toan tính, sửa soạn. Đức Thầy có câu;

                   “Ai biết nghe thì sớm liệu toan,

               Để đến việc như người thất nghiệp”.(Giác Mê Q.4)

            TẢ ĐẠO: (Xem CT câu 77, T-2, Q.2).

          THÀNH BINH SÁI ĐẬU: Phép cầm nắm đậu vãi ra biến hóa muôn ngàn binh tướng, sát hại sanh linh. Đây là phép thuật của bọn bàn môn tả đạo. Truyện Tam Quốc chép: Thời mạt Hớn có giặc Huỳnh Cân (mỗi người đều trích khăn vàng). Cầm đầu là ba anh em Trương Lương, Trương Giác, Trương Bửu; mỗi khi ra trận, chúng hay dùng phép sái đậu thành binh để thắng đối phương. Sau bị Lưu Bị, Quan Công và trương Phi diệt trừ.

          Giữa thời mạt pháp nầy, cũng có lắm tà Đạo ra đời nhiễu hại lê dân. Đức Thầy cùng chư Phật Thánh có trách nhiệm diệt trừ:

                   “Thương tưởng người mê Lão xuống trần,

                     Ngặt vì chưa dẹp lũ Huỳnh Cân”.

                                      (Đáp lời Ô. Nguyễn Kỳ Trân)

            SẮC MÀU CŨNG KHÔNG: Sắc là sự tướng, chỉ cho cái gì thấy được, cầm nắm sờ mó được kể cả sắc đẹp; Màu là các sắc xanh, đỏ, trắng, vàng. “Cũng không” là chẳng dùng màu sắc và hình tướng. Ở đây ý nói nhà tu nào không còn dùng âm thinh sắc tướng mới là chân chánh. Tỉnh Thế Ngộ Chơn có câu:“Sắc tướng thinh âm chư ngoại giáo, chơn truyền cụ thất Đạo nan thành”. Đức Thầy cũng từng khuyên:“Hãy tìm kiếm cái không mới có”.(Kệ Dân Q.2).

          Toàn câu có ý dạy: Ai hành theo chánh pháp vô vi mới đúng chơn lý và Chánh Đạo bằng ngược lại là lạc vào tà thuyết.

         VINH VANG:Tốt tươi thạnh vượng, rực rỡ vẻ vang.

 

CHÁNH VĂN

          421.-Địa-Tiên tài phép đa đoan,

Phi đao bửu kiếm mê-man mắt trần.

          Phật truyền thâu hết phép Thần,

424.-Cứu an bá-tánh một lần nạn nguy.

          Phiên-binh bốn phía tứ vi,

Kể sao cho xiết chuyện ni sau này.

          Lớp thì thú ác dẫy-đầy,

428.-Lớp thì tranh đấu tối ngày chẳng thôi.

          Kẻ hung chừng đó làm mồi,

Cho bầy ác-thú đền bồi tội xưa.

          Bây giờ còn mãi lọc-lừa,

432.-Chẳng lo kiếm chỗ đụt mưa sau nầy.

          Hiền lành chừng đó sum-vầy,

Quân-thần cộng lạc mấy ngày vui chơi.

          Đến đó Ta mới mừng cười,

436.-Nhìn xem Ngọc-Đế giữa Trời định phân. 

          Thiên-Hoàng mở cửa Các-Lân,

Địa-Hoàng cũng mở mấy từng ngục-môn.

          Mười cửa xem thấy ghê hồn,

440.-Cho trần coi thử có mà hay không.

          Nhơn-Hoàng cũng lấy lẽ công,

Cũng đồng trừng-trị kẻ lòng tà-gian.

          Ấy là đến lúc xuê-xang,

444.-Tam-Hoàng trở lại là đời Thượng-nguơn. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 421 đến câu 444)

          -Đoạn giảng trên cho biết, sau nầy phái Địa Tiên dùng đủ tài hay phép lạ trưng bày để lòe mắt trần thế, khiến kẻ nhẹ dạ tưởng là Phật Tiên nên tin theo, không ngờ bị bọn chúng lợi dụng. Song đến ngày kết cuộc nhờ chư Phật dùng thần thông thâu hết tà thuật để cứu nguy bá tánh.

          -Trước khi ấy còn có tai nạn chiến tranh do quân xâm lược kéo đến bao vây, họ tranh giành giết chóc lẫn nhau, suốt cả ngày đêm thật là rùng rợn. Lại thêm các loài hổ lang ác thú, từ miền rừng núi tràn xuống sát hại sanh linh.

          -Những kẻ bấy lâu ăn ở hung bạo, gây nhân độc ác, giờ đây phải chịu cho các loài thú dữ phân thây để đền tội. Thế mà hiện giờ bá tánh mãi còn nghi ngờ lần lựa, chẳng sớm tìm Đạo tu hành hầu sau nầy được thoát qua nạn khổ.

          -Sau cuộc chiến loạn hãi hùng ấy, nhiều người hiền đức được sống còn, giữa Chúa tôi Thầy tớ đồng chung hưởng cảnh thanh bình vui đẹp, lại còn được xem sự định phân, thưởng phạt của Đức Ngọc Đế.

          - Bấy giờ, Vua Trời sẽ mở cửa đền vàng cho mọi người được thấy:

                   “Lưu ly hổ phách mấy tòa đài cung.

                    Dành cho kẻ lòng trung chánh trực,

                    Quân cùng thần náo nức vui tươi”.

                                          (Xuân Hạ tác cuồng thơ)

          Còn Diêm Vương cũng mở rộng mười cửa ngục, tất cả sự trừng phạt tội nhân được phô diễn rõ ràng trước mặt quần chúng, để khách trần thử xem có thật hay không ?

          -Riêng phần Đức Minh Vương (Nhơn Hoàng) cũng dùng lý công bằng mà “Xử những kẻ hung hăng tồi tệ, Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn”.(Giác Mê TK) Chính giờ phút ấy là bắt đầu của đời Thượng ngươn Thánh Đức.

CHÚ THÍCH

          ĐỊA TIÊN: Số người tu theo bàn môn tả đạo, luyện bùa chú, phép thuật, được một vài thần thông linh thính. Hoặc chỉ cho những người có bộ óc sáng kiến, chế tạo các vũ khí tàn hại sanh linh. Đức Thầy có câu:

                   Chúng lấy thuyết vô thần bài bác,

                     Quyết một ngày thông đạt địa tiên”.

                                             (Xuân Hạ tác cuồng thơ)

          PHI ĐAO BỬU KIẾM: Dao bay kiếm báu, một trong nhiều phép của tả đạo thường dùng, họ đọc thần chú rồi phóng đao hoặc kiếm bay đi giết người trong nháy mắt, dù là ở xa ngàn dặm. Ý chỉ kẻ tà đạo hay khoe tài để gạt người mê tín.

          PHIÊN BINH: Chỉ cho quân xâm lược, từ các nước khác kéo đến xâm lấn nước ta. Đức Thầy nói”

“Lao xao bể Bắc non Tần,

Quân phiên tham báu xa gần cũng qua.

Tranh phân cho rõ tài ba,

Cùng nhau giành giựt mới là thây phơi

          QUÂN THẦN CỘNG LẠC: Vua tôi cùng hiệp mặt vui vầy. Đức Thầy có câu:

“Bồ đào rượu Thánh trà Tiên,

Muôn năm cộng lạc Chúa hiền tôi trung”.

          THIÊN HOÀNG: Ông Vua cai quản cõi Trời.

          CÁC LÂN: (Xem CT câu 309, T-2, Q.3).

          ĐỊA HOÀNG: Diêm La Vương, vị Vua cai quản cõi Địa ngục.

          NGỤC MÔN: Cửa ngục. Chỉ nơi nhốt các tội nhơn hung ác (Xem thêm chữ Địa ngục câu 66, T-1, Q.1).

          NHƠN HOÀNG: Vua cõi người, chỉ cho vị Thánh Vương đời Thượng ngươn sắp tới. Ngài Huệ Lựu đã nói:

                   “Minh Vương xuất thế ngôi cao,

              Lập đời Thượng cổ anh hào hiền lương”.

          Đức Thầy cũng bảo trong “Kệ Dân, Q.2”:

                   Đức Minh Vương ngự chốn Nam Thành,

                     Đặng phân xử những người bội nghĩa”.

          XUÊ XANG: (Xem câu 406, T-2, Q.3).

          TAM HOÀNG: Chỉ cho ba vị Vua: Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhơn Hoàng vừa giải trên (khác nghĩa với chữ Tam Hoàng thượng cổ).

CHÁNH VĂN

          445.-Khuyên dân lòng chớ có sờn,

          Rán tu thì được xem đờn trên mây.

          Người hung chết đất chật thây,

448.-Nhìn xem bắt thảm ngày rày cho dân.

          Mấy người còn được xác thân,

Thì là Đài-Ngọc Các-Lân mới kề.

          Bây giờ kẻ nhún người trề,

452.-Chê Ta rằng dại rằng khờ cũng cam.

          Dương-trần bỏ bớt tánh tham,

Đừng chơi cờ-bạc đừng làm ác-gian.

          Để sau coi Hội coi hàng,

456.-Coi Tiên coi Phật mới ngoan bớ trần.

          Điếm-đàng đĩ-thõa chớ gần,

Để sau xem thấy non Tần xôn-xao.

          Tuy nghèo dùng đỡ cháo rau,

460.-Bền lòng niệm Phật thì sau thanh nhàn.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 445 đến câu 460)

          -Đức Giáo Chủ khuyên trong dân chúng, chớ nên sờn lòng nao núng trước nghịch cảnh, thử thách, cứ cố gắng tu hành mãi, hầu sau nầy thấy được cảnh:“Chín từng mây nhạc thổi tiêu thiều”.(Kệ Dân Q.2)

          Lức đó, những kẻ hung ác phải chịu thảm sát, thây nằm chật đất:“Cảnh sông máu núi xương tha thiết”.(Giác Mê TK Q.4) Trước tình cảnh ấy ai trông vào cũng bắt thương tâm.

          -Sau cuộc tuyển chọn đó, người nào còn sống nguyên xác thể, vào được đền vàng điện ngọc chầu mừng Chúa Thánh. Còn hiện giờ, dầu người đời có chê Đức Thầy là khờ dại, Ngài cũng cam tâm.

          -Ngài hằng khuyên bá tánh nên diệt trừ lòng tham lam ích kỷ, bỏ hẳn cờ bạc và những hành động gian tà, bạo ác. Đồng thời lo trau giồi đức hạnh, để sau nầy được dự các hội lành và kiến diện Phật Tiên tại miền Bảy Núi.

          -Nhứt là hãy tránh xa những chỗ ăn chơi trụy lạc, hành động hư thân mất nết. Mỗi người an phận với cảnh nghèo, để gìn tròn đạo hạnh, bền tâm kiên chí niệm Phật làm lành, ắt ngày kia được hưởng cảnh an nhàn tự tại.

 

CHÚ THÍCH

          TÁNH THAM: (Xem CT câu 840, T-1, Q.1).

          ÁC GIAN: (Xem CT chữ Gian ác câu 264, T-1, Q.1).

            COI HỘI COI HÀNG: Xem các hội lớn. Theo cơ giảng thì sau nầy có nhiều cuộc hội tại miền Thất sơn (Việt Nam) như: Hội do các nước tranh giành châu báu:

                   Theo ta đến chốn Tiên bang,

            Đặng coi các nước hội hàng Năm non”.(Thiên lý ca)

            -Hội Tiên Phật tuyển chọn người hiền:

                   “Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà,

                     Lừa lọc con lành diệt quỉ ma”.

                                      (Thức tỉnh một nữ tín đồ)

          Hoặc là:

                   Ai mà sửa đặng vuông tròn,

              Long Vân đến hội lầu son dựa kề”.(Sám Giảng Q.3)

            Và:

                   “Muốn xem được hội Long Đình,

         Thì dân hãy rán sửa mình cho trơn”.(Để chơn đất Bắc)        ĐIẾM ĐÀNG: Kẻ gian xảo hay lường gạt người. Những kẻ chơi bời, ăn mặc diêm dúa. Ví dụ: dân cờ bạc đàng điếm.

          ĐĨ THÕA: Đĩ, gái điếm, đàn bà bán dâm cho khách làng chơi. Ví dụ: chơi bời đĩ thõa.

          NON TẦN: (Xem CT câu 416, T-1, Q.1).

          XÔN XAO: Cũng gọi nhôn nhao. Có nghĩa ồn ào rộn rịp: “Thiên hạ lao xao giữa cõi trần”.(Cổ thi)

            BỀN LÒNG NIỆM PHẬT: Ý dạy người tu môn Tịnh độ (niệm Phật) phải có chí bền. Cứ trì niệm mãi cho đến khi diệt sạch vọng trần. Hoặc:

                   Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc,

                     Hưởng công niệm Phật rất yên lành”.

                                                (Cho cô năm Võ thị Hợi)

          Không vì hoàn cảnh khó khăn hay thời gian dài dặc mà đổi thay, thối chuyển. Ngài Huệ Lựu có viết:

                   “Bền lòng niệm Phật ân cần,

              Gắng công tu niệm cũng bằng bạc muôn”.

          Đức Thầy nay cũng dạy:

                   “Nhớ lời dạy dỗ ca ngâm,

                 Di Đà sáu chữ trì tâm chớ sờn”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          THANH NHÀN: Cũng gọi là nhàn thanh. Có nghĩa: thảnh thơi nhàn nhã. Đức Thầy có câu:

                   Tiêu diêu Đạo đức luận bàn,

                 Vân du võ trụ thanh nhàn biết bao”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn