CHÁNH VĂN (Từ câu 105 đến câu 108)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 40180)
CHÁNH VĂN (Từ câu 105 đến câu 108)

105.“Bá gia phải rán làm lành,

  Niệm-Phật cho rành đặng thấy Thần-Tiên.

 Thương đời trong dạ chẳng yên,

  108. Khắp trong lê-thứ thảm phiền từ đây”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 105 đến câu 108)

 -Đoạn nầy Đức Thầy khuyên nhủ khắp mọi người phải rán làm lành lánh dữ và chuyên tâm niệm Phật một

 

cách chí thành chí thật; tức phải nhứt tâm tha thiết trì niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì đặng kết quả cao quý, luôn được Thánh Thần hộ trì, kiến diện Phật Tiên trong kiếp hiện tiền và tương lai được an vui nơi Lạc cảnh.

 -Bởi lòng Đức Giáo Chủ quá thương xót sanh linh từ đây phải gánh chịu chuyện đau buồn sầu thảm, nên Ngài không ngớt kêu gọi bá tánh tu hành.

 

CHÚ THÍCH:

 PHẢI RÁN LÀM LÀNH: Làm lành là tu hành những việc từ thiện phước nhân đối với cả muôn loài chúng sanh. Việc làm lành ai cũng biết là cao quý, nhưng thiệt thi thì ít ai chịu, cho nên Đức Thầy mới khuyên chúng ta phải rán. Song muốn làm lành cho trọn vẹn, hành giả cần phải tránh các điều dữ tức là vừa hành thiện và vừa ngăn ác.

 Kinh Minh Thánh đã bảo:

 “Chung thân hành thiện,

  Thiện du bất túc,

  Nhứt nhựt hành ác,

  Ác tự hữu dư”.

 (Trọn đời làm lành, lành còn chưa đủ; một ngày làm dữ, dữ bèn có dư).

 Đức Thầy nay cũng dạy:“Làm hết các việc từ thiện, Tránh tất cả các điều độc ác…”.

 Tóm lại, người muốn làm lành cho trọn vẹn thì phải đáp Tứ Ân (hành Thiện) và chừa Thập Ác (ngăn Ác).

 

 

 

 NIỆM PHẬT CHO RÀNH ĐẶNG THẤY THẦN TIÊN: Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, tức là tưởng nhớ 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.

 Theo các Kinh điển cho biết:“Niệm một danh hiệu Đức Phật A Di Đà, tức là niệm hết danh hiệu của chư Phật ở mười phương”.

 CHO RÀNH: Là niệm Phật đúng phương pháp để được kết quả như ý. Vậy niệm như thế nào là đúng phương pháp ? Về phương pháp niệm Phật có nhiều cách, (Trì danh niệm Phật, Tham cứu niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Thật tướng niệm Phật) nhưng tựu trung vào vào các điểm như sau:

 1/- Tiếng niệm Phật thầm trong Tâm mà tai vẫn nghe rõ ràng từ chữ một.

 2/- Tập trung tư tưởng vào chỗ niệm.

 3/- Tha thiết thành khẩn như Đức Phật có ngay trước mặt để mình không dám phóng tâm nghĩ sái.

 4/- Không để ý tưởng nào khác xen vào.

 Niệm Phật được như thế gọi là niệm rành và đó là niệm Phật Tam muội (Chánh Định).

 Như Ngài U Khuê Tổ sư đã nói:“Phương pháp niệm Phật Tam muội (Chánh định) là người niệm Phật lấy tâm duyên Phật buộc tâm, niệm niệm nối liền, không hề gián đoạn. Lúc ấy nội tâm không dấy khởi, ngoại cảnh không xen vào, xoay vòng không hở. Trước sau như một. Chính không thọ các Thọ mà lại được Chánh Thọ, thế nên gọi là Niệm Phật Tam muội”.

 Hiện nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy:“Còn phương pháp niệm Phật là để trừ cái Vọng Niệm của chúng sanh, vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt, vì cái Vọng Niệm về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an lạc, phiền não ngăn che, Chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh. Cho đến khi nhất tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nảy sanh ra được ?

 Nên niệm Phật là niệm cái Bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai.

 Cần tu thập thiện thì sự niệm Phật mới có hiệu quả. Tu Thập Thiện, dứt được Thập Ác (cũng gọi là Tịnh Tam Nghiệp).

  Đức Thầy dạy nếu ai chí Tâm niệm Phật được rành thì thấy được (Bản Lai Thanh Tịnh) và Đắc Đạo tại thế, (thấy được Phật Tiên Tự Tánh, tức Tâm mình đồng hòa với Phật tánh) hoặc đến lúc lâm chung đặng vãng sanh về cõi Cực lạc. Như Ngài đã nói:

 “Ao sen báu Tây phương đua nở,

  Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm”.

  (Khuyến Thiện Q.5)

 Chẳng thế mà ngày kiến tạo đời Thượng ngươn Thánh đức tới đây cũng thấy được Phật, Tiên, Thần, Thánh như Ngài từng dạy:

 “Niệm Di Đà rán niệm cho rành,

 Thì mới được sống coi Tiên Thánh”.

 THẢM PHIỀN: Cảnh thảm khổ đau buồn nhiều lắm…Nhà thơ Cao Bá Nhạ đã xác nhận:

 “Phút nữa khắc muôn ngàn thê thảm,

  Trong một mình bảy tám biệt ly”.

 

 Đức Thầy từng giục thúc nhân sanh:

“Nhắc ra quá thảm quá phiền,

Bể khổ gần miền mà chẳng chịu tu”.

 (Sấm Giảng Q.1)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn