CHÁNH VĂN (Từ câu 87 đến câu 96)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 40800)
CHÁNH VĂN (Từ câu 87 đến câu 96)

87.“Ngồi buồn nhớ chuyện xa-xăm,

          Dạo trong Bảy-Núi cười thầm sư-mang.

                   Nói rằng lòng chẳng ham sang,

          90. Sao còn ham của thế-gian làm gì ?

                   Việc này thôi quá lạ kỳ,

          Cũng trong Phật-Giáo sao thì chê khen.

                   Lúc này tâm trí rối beng,

          94. Tiếng quyển tiếng kèn mặc ý bá-gia.

                   Hết gần rồi lại tới xa,

          96. Dân-sự nhà nhà bàn tán cười chơi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 87 đến câu 96)

          -Trước khi sáng tác Sấm Kinh, Đức Thầy có khi dạo khắp miền Thất Sơn, thấy có số Tăng Sư tu hành giả dối. Là một Đạo sư ở chùa am vì phải ly gia cắt ái, giới luật tinh nghiêm, nghiên cứu Kệ Kinh, trau giồi Trí Huệ để độ thoát kẻ còn mê; họ lại diện cái vẻ đạo mạo bên ngoài, chớ thật thể bên trong thì nào là vợ con, tiền bạc, tranh giành đất cát, chùa chiền v.v…Ngoài ra họ còn bày việc cho xâm, bói quẻ, cầu siêu làm đám để mong bá

 

tánh dâng cúng bạc tiền. Thế thì có khác chi người thế sự.

          Đề cập đến đoạn nầy thì Đức Thầy cũng than: Đồng là một đạo Phật sao còn những tiếng chê khen..”.

          Nhưng đây là nhiệt tâm của Ngài:

                    “Thấy lạc lầm khuyên nhủ ít lời,

                     Chớ nào có ngạo chi Tăng chúng”.

                                         (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          -Lúc bấy giờ Đức Thầy đang dồn hết tâm lực vào  công việc giác chúng độ đời, thể hiện lòng từ ái đối với vạn loại chúng sanh:

             “Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,

             Miễn sanh chúng thông đường giải thoát”.

                                                    (Sa Đéc)

CHÚ THÍCH

          BẢY NÚI: Nghĩa của chữ Thất sơn, tức là bảy núi ở vùng tỉnh Châu Đốc, gần biên thùy Miên-Việt. Bảy ngọn núi ấy gồm có:

          1.- Anh Vũ Sơn (núi Két): Cao 225m, thuộc xã Thới Sơn, quận Tịnh Biên (Châu Đốc). Sở dĩ núi nầy lấy tên núi Két, là vì trên chót mỏm đá giống hình mỏ chim két.

          1/- Ngũ Hồ sơn (Núi dài Năm Giếng, gần núi Két): Chưa biết rõ số thước, trên giữa núi có 5 giếng nước nhỏ.

          3.- Thiên Cẩm sơn (núi Gấm trời): Cũng có tên là núi Cấm, cao 716m, dài 7.500m, ngang 6.800m, nm giữa hai quận Tịnh Biên và Tri Tôn (Châu Đốc). Núi nầy khi xưa có tên núi Gấm. Có lẽ vì các rặng cây xanh và các chỏm đá trắng, trên núi có “Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh” mà hiện ra màu gấm vóc đẹp xinh. Nhưng sau nầy có mang tên núi Cấm là vì khi xưa Hoàng tử Nguyễn

 

Ánh bị giặc Tây Sơn truy nã, có ẩn ánh tại núi nầy, các quan ra lịnh cấm không cho dân chúng đến, viện lẽ nói nơi đây có nhiều ác thú.

          Cũng có người cho rằng vì Đức Phật Thầy Tây An tiên tri ngày sau tại núi nầy sẽ có đền vàng điện ngọc của Thánh Vương, nên Ngài cấm các đệ tử không cho cất chùa hay ở trên nầy để tránh sự làm ô uế non linh. Điều nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có căn dặn tín đồ như thế.

          4/- Liên Hoa sơn (núi Tượng): Cao 156m, dài 600m, ngang 400m, thuộc xã Ba Chúc, quận Tri Tôn (Châu Đốc). Sở dĩ có tên núi Tượng vì đứng xa nhìn lên chót thấy giống hình con voi.

          5/- Thủy Đài sơn (núi Nước gần núi Tượng): Cao 50m, cùng thôn với núi Tượng.

          6/- Ngoạ Long sơn (núi Dài): Cao 580m, dài 8.000m, thuộc quận Tri Tôn (Châu Đốc). Người ta đặt tên như thế vì núi nầy dài tới 8 cây số ngàn giống hình con rồng nằm.

          7/- Phụng Hoàng sơn (núi Tô): Cao 614m, dài 5.800m, ngang 3.700m, thuộc quận Tri Tôn (Châu Đốc).

          Trên đây là dẫn theo tài liệu nhiều người kể lại, nhưng xét ra miền bảy núi còn có nhiều ngọn núi nữa, như núi Trà Sư, núi Bà Đội Om, núi Nam Vi, v.v…Vì vậy nên danh từ Thất sơn (bảy núi) còn có nghĩa chỉ chung tất cả đồi núi thuộc tỉnh Châu Đốc.

          Ông Ba Thới có câu:

                   “Mắt đoái nhìn Tiên cảnh Thất sơn,

                   Ngùi ngùi nhớ Chúa đội ơn lộc Thầy”.

          Đức Thầy nay cũng bảo:

           

                “Miền bảy núi mà sau báu quí”.(Kệ Dân Q.2)

            Hoặc là:

                “Trên Bảy Núi còn nhiều báu lạ,

                Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời”.(Kệ Dân Q.2)

           SƯ MANG: Sư là nhà Sư hay Thầy Tu. Mang là mang hình thức đạo mạo. Nghĩa bóng chỉ cho người tu giả dối. Lúc Đức Thầy đi dạo Lục châu đến miền Bảy núi, thấy có số sư tăng đã vào hàng xuất gia nhưng hành động không đúng quy luật của một tăng sư. Họ chỉ khoác chiếc áo nhà tu bên ngoài, lừa bịp bá tánh dâng cúng tiền bạc, để ngồi không thụ hưởng.

          Đức Thầy kêu gọi số người ấy:

                   “Mang tiếng xuất gia sao chẳng liệu,

                   Đạo đức xong chưa hỡi chư Tăng”.

                                               (bài Khuyên Sư Vãi)

          Và Ngài hằng khuyên:

                   “Khuyên Sư Vãi bớt dùng của thế,

                     Gắng công tu đặng có xem đời,

                     Tu thật tâm thì được thảnh thơi,

                     Tu giả dối thì lao thì lý”.(Kệ Dân Q.2)

          HAM CỦA THẾ GIAN: Chỉ các Sư tăng ở chùa, núi còn tham tiền, của do bá tánh thập phương dâng cúng.

          RỐI BENG: Lộn xộn, nhiều việc rắc rối.

          TIẾNG QUYỂN TIẾNG KÈN: Do thành ngữ “giọng kèn giọng quyển”. Nghĩa bóng là lời dệt thêu dịu ngọt, nghe êm tai, nhưng không chơn thật.

          MẶC Ý: Tùy ý, không nghĩ, không kể đến.

          BÀN TÁN: Do câu “bàn ra nói vào”. Ý chỉ kẻ nói thế nầy, người nói thế khác, khen chê đủ cách.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn