CHÁNH VĂN
Trừ xong ba nghiệp-chướng hãy làm theo tám điều chánh, và sau khi diệt được thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra; như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường Đạo-hạnh. Những sự tấn bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục-đích. Thế nên, cần phải hành luôn Đạo Bát-Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê-đồ, tấn triển trên đường Giải-Thoát.
Bát Chánh gồm có :
1.- Chánh kiến
2.- Chánh tư duy
3.- Chánh nghiệp
4.- Chánh tinh tấn
5.- Chánh mạng
6.- Chánh ngữ
7.- Chánh niệm
8.- Chánh định.
LƯỢC GIẢI
1- ĐỊNH NGHĨA:
- Luận về tám điều chánh, tức là “Bát Chánh Đạo”. Có nghĩa: Tám nẻo ra, là tám con đường đưa người ra khỏi luân hồi sanh tử, đạt đến Thánh quả A La Hán và Bồ Tát, chứng đắc Niết Bàn. Bát Chánh là một trong “Tứ Diệu Đề” có năng lực điều trị bát tà. Đức Thầy đã dạy:
“Diệu thâm Bát Chánh lời truyền giáo,
Xa thẳm Tứ Đề tiếng giục ông”.
2- NGUỒN GỐC:
Về nguồn gốc Bát Chánh Đạo, Đức Thầy luôn cho biết:
“Thiền lâm Phật Thích thuở xưa kia,
Non tuyết rèn ra Bát Chánh kìa.
Phổ hóa dân lành trong khắp chúng,
Hoàn cầu bốn biển khắc danh bia”
Hoặc là:
“Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy,
Là chơn truyền của Phật Thích Ca”.
Vì muốn chúng sanh giải thoát khổ đau sanh tử, Đức Phật thuyết ra “Bát Chánh Đạo”. Pháp nầy giản dị và thích trung với mức sống tinh thần, thể xác cho các giới tu hành.
Mục đích là cải thiện tư tưởng, hành động, ngôn ngữ con người trở thành chí chơn, chí mỹ để giải thoát khổ đau sanh tử. Xưa, sau khi đắc Đạo, Phật đến “Khổ hạnh lâm”(rừng Lộc giả) thuyết pháp Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo cho năm anh em Kiều Trần Như nghe; nghe xong năm vị nầy đều chứng quả A La Hán.
3- HIỆN TẠI:
Ngày nay Đức Thầy bảo:“Diệt được 10 điều ác tự nhiên 10 điều lành hiện ra”. Song chưa đạt được mục đích của người tu. Vì thế, cần hành luôn Bát Chánh Đạo. Vậy ai muốn giải thoát mê đồ, sanh tử thì hằng ngày phải đọc tụng và trì hành Bát Chánh Đạo sẽ được kết quả như ý.
4- BÁT CHÁNH gồm có:
Tư tưởng: { 1.- Chánh kiến.
{ 2.- Chánh tư duy.
Hành động { 3.- Chánh nghiệp.
Tư tưởng { 4.- Chánh tinh tần.
{ 5.- Chánh mạng.
Ngôn ngữ { 6.- Chánh ngữ.
Tư tưởng { 7.- Chánh niệm.
{ 8.- Chánh định.
CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:
NGHIỆP CHƯÓNG: (Xem phần mở đầu bài Luận về Tam nghiệp)
MƯỜI ĐIỀU LÀNH: Do chữ “Thập Thiện Nghiệp) gồm có:
1- Không Sát sanh, lòng luôn thương người mến vật.
2- Không Đạo tặc, thường làm việc nghĩa giúp đời.
3- Không Tà dâm, tâm hạnh thường trong sạch, lễ độ và tôn trọng luân thường Đạo lý.
4- Không Lưỡng thiệt, luôn nói lời thành thật chánh đáng.
5- Không Ỷ ngôn, thường nói lời tốt lành êm dịu.
6- Không Ác khẩu, nói toàn lời thanh bai hiền đức.
7- Không Vọng ngữ, hằng nói lời chơn chánh đúng với sự thật.
8- Không Tham lam ích kỷ, luôn có lòng bố thí vị tha.
9- Không Sân hận tật đố, tâm hằng hoan hỉ, từ bi, nhẫn nhục và khoan dung.
10- Không Mê si tà kiến, luôn phát sanh trí huệ và chánh kiến. Đức Thầy bảo:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.
MỤC ĐÍCH: Cái mục tiêu để nhắm và tiến tới.
KINH NHỰT TỤNG: Quyển Kinh để cho môn đồ đọc tụng, truy cứu và trì hành hằng ngày.
MÊ ĐỒ: Đường mê, đường tối tăm tội ác và khổ não. Đối với giác lộ: đường về cảnh Phật sáng suốt và giải thoát an vui. Đức Thầy có câu:“Thoát mê đồ thường phóng quang minh”.
TẤN TRIỂN: Tấn tới mau chóng và mạnh mẽ.
GIẢI THOÁT: (Xem Ân Tam Bảo, T-1, Q.Trung).
CÂU HỎI
1/-Hãy định nghĩa Bát Chánh Đạo ?
2/-Cho biết nguồn gốc Bát Chánh Đạo ?
3/-Giải nghĩa Mười điều lành ?
4/-Muốn đạt mục đích trên đường Đạo hạnh, Đức Thầy dạy phải làm sao ?