XUẤT XỨ - VĂN THỂ - NỘI DUNG
Sau ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939) Đức Giáo Chủ bắt đầu sáng tác loạt bài Thi Văn Giáo Lý và họa đáp các thi thơ do bá tánh thập phương đến chất vấn.
Bài thi văn thứ nhứt mang tựa đề “Lộ Chút Cơ Huyền”, trong đây gồm có 10 bài thi ngắn, điệu văn vần, thể thi tứ cú hoặc bát cú, loại thuyết giáo.
Phần nội dung, Ngài nhận thấy cõi đời Hạ ngươn sắp đến ngày tàn hoại, nhân sanh phải trải qua cuộc tang thương biến đổi để lập lại Thượng Ngươn. Bởi đầy lòng từ bi nên Ngài và chư vị Phật Tiên không thể lặng nhìn trước cảnh nhân loại đang gánh quả đau thương tang tóc, do loài người tham ác tạo ra.
Cho nên các Ngài, “Ai liễu đạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân”. Vì thế, khoảng trung tuần tháng 6 năm Kỷ Mão (1939) Ngài hạ bút viết 10 bài thi trên.
Chủ yếu là Ngài nói rõ định luật “Thành, trụ, hoại, không” và lý vô thường của vạn vật. Để rồi Ngài kêu gọi bá tính tỉnh cơn mộng huyễn, giác ngộ tu hành hầu sau nầy được toại hưởng cõi đời an lạc:
“Đạo đức hiền lành kiến Tiên bang”.
CHÁNH VĂN (Bài 1)
1.- “Trần thế lợi danh giấc mộng tràng,
Đời cùng Tiên Phật hạ phàm gian.
Hỡi ai tâm trí mau tầm đạo,
4.- Tầm đấng hiền từ cứu thế gian.
Khắp trong bá tánh kề cảnh khổ,
Đạo đức hiền lành kiến Tiên bang”.
CHÚ THÍCH
CƠ HUYỀN: Cũng đọc là huyền cơ. Cơ là máy, huyền là sâu kín mầu nhiệm. Hiểu chung là máy trời mầu diệu sâu kín, thông thường khó mà hiểu đặng. Đức Giáo Chủ từng nói: “Huyền cơ máy tạo xoay vần”.
(Bóng Hồng)
TRẦN THẾ: Cũng gọi là Thế trần. Trần là bụi; thế là cõi đời. Ý chỉ cõi đời chúng sanh đang sống đầy khổ đau khắc nghiệt mà ai cũng phải gánh chịu. Đức Giáo Chủ từng nói: “Cuộc trần ôi quá khổ !”
(Thức tỉnh một nữ tín đồ)
Hay là:
“Cuộc thế trần nhiều đoạn khó khăn”.
(Gởi Bác sĩ Cao triều Lợi)
LỢI DANH: Cũng gọi là danh lợi, hai điều trong lục dục (một trong sáu điều ham muốn). Có nghĩa tiền của và danh vị tước quyền, ai ham mến nó tuy được lợi lộc và danh vọng trước mắt; nhưng có hại về sau. Vì nó như miếng mồi tất có lưỡi câu và thuốc độc trong đó (bả vinh hoa mồi phú quí).
“Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi người mong chun vào”.(Ca dao)
Đức Giáo Chủ từng cảnh tỉnh:
“Lợi danh hai chữ mắt lờ trông”.
(Cho Bà Năm Cò)
Nên Ngài khuyên nhắc môn đồ:
“Xin đừng đeo đắm lợi danh,
Bỏ trôi đạo đức hư danh dạy truyền”.
(Từ giã làng Nhơn Nghĩa)
GIẤC MỘNG TRÀNG: Giấc mộng là điềm chiêm bao. Tràng là trường, tức là dài. Hiểu chung là giấc mộng dài. Ý chỉ cuộc đời quá ngắn ngủi, mau lẹ, người ngủ chiêm bao trong một đêm là giấc mộng ngắn. Còn người sống suốt kiếp như giấc mộng dài, dù ta có gây tạo lợi danh quyền tước nhiều cở nào đi nữa, rốt cuộc cũng nắm tay không.
Đức Giáo Chủ hằng đánh thức ;
“Dương gian mau tỉnh trong tràng mộng,
Tầm kiếm nơi nào đạo siêu cao”.
(Hai mươi Chín Tháng Chạp)
ĐỜI CÙNG: Cuộc đời sắp hết. Ý chỉ thời Hạ Ngươn sắp tàn cổi, đổi sang đời Thượng Ngươn an lạc tới đây:
“Hạ Ngươn nay đã hết đời,
Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang”.
(Sấm Giảng, quyển 1)
Hoặc là:
“Khắp lê thứ biến di thương hải,
Dùng phép mầu lập lại Thượng Ngươn”.
(Kệ Dân, quyển 2)
Nên Ngài thức tỉnh:
“Đời cùng tu gấp kịp thi,
Đặng xem báu ngọc ly kỳ năm non”.
(Sấm Giảng, quyển 3)
TIÊN PHẬT: Tiên là bậc tu hành được trọn lành trọn sáng, không còn vi phạm mười điều ác và thoát tục về cõi Thiên đường. Phật là các bậc đã hoàn toàn giác ngộ, tự giác và giác hạnh viên mãn.
HẠ PHÀM GIAN: Xuống cõi trần. Các vị Tiên Phật từ cõi siêu thoát chuyển kiếp hoặc hóa thân vào cõi trần gian độ rỗi chúng dân, nên gọi là lâm phàm.
Ông Phật ở đây là chỉ cho Đức Phật Thầy Tây An chuyển kiếp lại Đức Huỳnh Giáo Chủ. Còn ông Tiên là ám chỉ cho ông Cử Đa, Đạo hiệu Ngọc Thanh, lúc còn tu Tiên tại núi Tà Lơn đã được chứng Đạo và được cả quần Tiên đều xưng tụng Ngài là Tiên Trưởng, thời gian được Đức Phật Thầy truyền pháp…
Cả thầy trò đầy lòng từ bi và có bản nguyện cứu khổ chúng sanh, nên gọi chung lại Tiên Phật hạ phàm gian.
Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu:
“Thầy Khùng trò lại hóa Điên,
Khùng Điên mấy tháng tình riêng ai ngờ”.
(Dặn dò Bổn đạo)
TÂM TRÍ: Tâm có hai thứ vật chất và tinh thần.
Về vật chất thì hiểu tâm là trái tim (Nhục đoàn tâm).
Về tinh thần thì có duyên lự tâm và chơn như tâm.
- Duyên lự tâm là lòng đã suy biết lo lắng duyên theo thất tình lục dục.
- Chân như tâm là cái tâm thường còn không biến đổi, không hoại diệt, cũng gọi là chân tâm hay Phật tánh.
Trí cũng có hai thứ:
a)-Thể trí: Tức là phần khôn biết trong tinh thần của con người ở thế gian. Trí nầy có giới hạn, nếu ai học hỏi nhiều thì sáng biết nhiều, học hỏi ít thì sáng biết ít.
b)-Trí huệ: Tức là cái trí sáng biết thông suốt vô cùng tận, không vật gì ngăn ngại được; do công đức tu hành khi diệt hết vô minh mà đặng.
Tâm và trí đồng một thể, tâm là thể của trí, trí là dụng của tâm, ví như ngọn đèn và ánh sáng. Khi tâm muốn rõ việc chi thì dùng trí mà phán xét tìm hiểu rồi đưa cho tâm quyết định. Đức Giáo Chủ dạy:
“Lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì…”
(Trong việc Tu thân Xử kỷ)
Nói chung tâm trí là chủ tể của xác thịt, là nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu: “Nhất thiết duy tâm tạo”.
Lăng Nghiêm Kinh, Phật có nói:
“Nhất pháp sở sanh, tùy tâm sở hiện,
Nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần nhân tâm thành thể”.(Các pháp có sanh ra là do nơi tâm biến hiện, mà tất cả các pháp, như: Nhân quả, phàm thánh, quyền thiệt…cho đến lớn như thế giới, nhỏ như bụi trần đã do nơi tâm mà hiện ra thì cũng do nơi tâm mà thành thể).
TẦM ĐẠO: Người muốn tu phải dùng tâm trí tìm hiểu nền đạo nào chơn chánh đúng chân lý, có mục đích tôn chỉ hẳn hòi. Ông thầy hướng dẫn phải là bậc minh sư, tài đức gồm đủ, mình mới nương theo, tất sự tu hành không bị lệch lạc:
“Tu hành tầm đạo một mai cứu đời”.
(Sám Giảng, Q.3)
ĐẤNG HIỀN TỪ: Bậc Đại hiền, hạnh đức viên dung, từ, bi, hỉ, xả, bình đẳng khoan dung và có bản nguyện cứu khổ chúng sanh.
BÁ TÁNH: Trăm họ. Ý chỉ chung tất cả mọi người (do thành ngữ vạn dân bá tánh).
“Tỏ ít câu cầu chúc cho đời,
Mong bá tánh vạn dân giải thoát”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
ĐẠO ĐỨC: Đạo có nhiều nghĩa: Đạo là con đường, là bổn phận, là chơn lý (bản thể) tuyệt đối và cũng gọi là chánh pháp hay chơn tánh. Đức là tâm lành, là thể hiện của nhân lành. Việc đạo đức là công việc hiền lành đạo nghĩa đúng theo con đường chánh pháp và chơn lý:
“Ơn nhà đạo đức quyết đền ân”.
(Tỉnh bạn Trần gian)
KIẾN TIÊN BANG: Thấy được nước Tiên, tức sống được cảnh đời Thượng ngươn thánh đức tới đây. Trong sấm giảng BSKH và PGHH đều có cho biết và xác định như vậy:
“Lập Thượng Ngươn tuổi cả dư muôn”.
(Kim Cổ Kỳ Quan của Ô. Ba Thới)
“Theo ta đến chốn Tiên bang,
Đặng coi các nước hội hàng năm non”.
(Thiên lý ca)
LƯỢC GIẢI
(Bài 1, từ câu 1 đến câu 6)
Nhận thấy cuộc đời sắp đến ngày cuối cùng, chư Phật Tiên lâm phàm cứu khổ nhân sanh. Hiện nay dù ta có đeo níu lợi danh quyền tước cho nhiều, khi rốt cuộc cũng nắm tay không, mà cảnh khổ lại kề một bên. Vậy ai là người hữu tâm hữu trí, sớm thức tỉnh tầm bậc chơn sư có đủ hạnh đức hiền từ mà nương theo tu hành để sau nầy đuợc hưởng cảnh thái bình an lạc của đời Thượng Ngươn thánh đức. (Cảnh Tiên Dục giới (Đao Lợi Thiên) mỗi Tiên nhơn đều sống 10.000 (muôn) năm.)
CHÁNH VĂN: (Bài 2)
7.- “Thiên địa u minh dĩ đạo tràng,
Thập bát chư hầu lụy há khan.
Đạo lý tầm sâu, sâu chẳng cạn,
10.- Đời cùng ly loạn khắp chư bang”.
CHÚ THÍCH
THIÊN ĐỊA: Trời đất
U MINH: Tối tăm, mờ mịt, mênh mông sâu thẳm không có ranh giới.
DĨ ĐẠO TRÀNG: Dĩ là lấy hay dùng. Đạo tràng cũng gọi là đạo trường. Trường dạy đạo hoặc chỉ nơi Phật thành đạo (Bồ Đề Đạo Tràng). Đạo tràng còn có nghĩa là chơn tâm, chỉ cho nhà tu khi trực nhận được chơn tâm, tức đắc Đạo. Ví dụ: Chúc ông mau đắc đạo tràng. Hiểu chung câu: “Thiên địa u minh dĩ đạo tràng” có nghĩa tuy trời đất mênh mông mù mịt, thường nhơn khó mà thấu đáo, nhưng không lọt ngoài cái ý của Đạo (do Đạo mà thành).
“Thiên ý không riêng mối đạo mầu”.
(Thiên lý ca)
Bởi nhà tu khi đắc đạo thì chơn tâm bao trùm cả vũ trụ vạn hữu, không sự vật nào mà chẳng thấu đạt. Cũng như cả vũ trụ vạn hữu đều do tâm mà thành.
THẬP BÁT
“Mười tám nước lai giáng hàng đầu”.
(Kim Cổ Kỳ Quan)
Đức Giáo Chủ PGHH thường nhắc đến:
“Các nơi liệt quốc chư bang,
Chúc cầu bình trị trướng loan sum vầy”.
LỤY: Cũng đọc là lệ, nghĩa là nước mắt.
HÁ KHAN: Chẳng khô ráo. Nghĩa bóng là chỉ trận thế chiến thứ II (1939-1945) xảy ra khiến cho nhơn loại khắp thế giới đều gánh chịu tai nạn: Chiến tranh, thiên tai, địa ách, đói đau chết khổ xảy ra liên tiếp từ đợt nầy đến đợt khác hiện giờ cũng chưa dứt, khiến dòng lệ của dân chúng chưa dừng được, Đức Giáo Chủ PGHH diễn tả cảnh ấy:
Cha nọ bồng con vợ khóc òa,
Tan nát xóm diềng khổ dữ a,
Nhà không kẻ ở, ôi ! Nói trước.
Nếu chẳng tin lời gặp thiết tha”.
(Để chơn đất Bắc)
ĐẠO LÝ: Lý lẽ của Đạo. Cái lý đương nhiên hợp với lẽ phải mà ai cũng công nhận.
Riêng chữ đạo có 3 ý nghĩa: Đạo là con đường của tâm hồn. Đạo là bổn phận. Đạo là bản thể tuyệt đối.
Chữ Đạo ở đây là chỉ cho nghĩa thứ ba (bản thể tuyệt đối). Bởi nó sâu mầu khó tả, không thể dùng văn từ ngôn ngữ hay hình tướng mà hiểu đặng “Đạo lý tầm sâu, sâu chẳng cạn”.
LÝ: Là giáo lý, lời lẽ luận giải các kinh luật và pháp môn tu hành của Thầy Tổ và chư Phật Thánh đã dạy. Hành giả cứ nương theo đó mà học hỏi tu tiến đến chỗ thâm nhập chơn lý tuyệt đối và thành đạo quả.
Đức Thầy có câu:
“Hạ giái dạy khuyên truyền Đạo lý,
Giả dạng Điên Khùng mượn thi ca”.
ĐỜI CÙNG: Đời Hạ Ngươn sắp mãn để lập lại Thượng Ngươn. Cũng như quả địa cầu nầy sắp rụng để thay quả địa cầu khác. Vì nghiệp duyên của mỗi chúng sanh ở đây đã kết, rồi tùy theo nghiệp quả của mỗi chúng sanh mà chuyển sang cảnh giới khác để hưởng thụ cảnh vui khổ sang hèn nữa.
LY LOẠN KHẮP
LƯỢC GIẢI
(Bài 2 từ câu 7 đến câu 10)
Xưa nay sự đổi thay của nhơn sanh và vũ trụ không ngoài cuộc vận xoay của ý Đạo. Đức Giáo Chủ còn cho biết trận Đệ nhị thế chiến xảy ra, khiến nhân loại cả thế giới chung chịu bao nỗi đau thương khổ lụy. Chỉ có những người biết nương theo con đường Đạo lý mới mong cứu vãn, song mỗi hành giả phải gắng công đào sâu vào tâm não mới thấu đạt.
CHÁNH VĂN (Bài 3)
(Từ câu 11 đến câu 16)
11.- Thương hải tang điền ắt chẳng yên,
Thiên địa diệt gian dĩ thiện riêng.
Cơ thâm họa diệt từ đây có,
Bộ máy thiên cơ ắt đảo huyền,
Tuất Hợi nhị niên giai tiền định,
16.- Huờn lai Thượng Cổ mới bình yên”.
CHÚ THÍCH
THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN: Do câu sách: “Thương hải biến di tang điền hay tang điền biến di thương hải” (Biển xanh hóa ra ruộng dâu, ruộng dâu trở thành biển xanh). Theo Phật học đây là luật vô thường, không một sự vật nào nằm y nguyên một chỗ.
Xưa có Ma Cô Tiên nữ, chính mắt bà chứng kiến ba lần ruộng dâu hóa ra biển xanh. Ý chỉ cuộc đời và vạn vật luôn thay đổi, không chi là bền chắc lâu dài. Các thi nhân Việt
“Trăm năm một cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào”.
(Nguyễn Trãi)
Và: “Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.
(
Đức Giáo Chủ PGHH luôn nhắc nhở:
“Cuộc tang thương dâu bể cảnh trần”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
THIÊN ĐỊA DIỆT GIAN DĨ THIỆN RIÊNG:
Thiên địa: Trời đất.
Diệt gian: Tiêu diệt phần gian ác.
Dĩ: Lấy dùng.
Thiện riêng: Dành lại người hiền.
Nghĩa rộng cả câu: Theo định luật của Trời đất (nhân quả) thì ngày chung cuộc những kẻ gian tà hung ác sẽ bị luật đào thải diệt vong, chỉ còn dành lại số hiền lương đức hạnh sống đời Thượng Ngươn thánh đức:
“Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,
Người tu niệm sống đời Thượng cổ”.
(Kệ Dân, Q.2)
CƠ THÂM HỌA DIỆC: Cũng viết là “Cơ thâm thì họa diệc thâm” có nghĩa nếu người mưu tính mẹo sâu kế độc để hại kẻ khác thì sau đó sẽ bị kẻ khác dùng mưu kế sâu độc hại lại mình (nhân quả nghiêm minh).
Đức Giáo Chủ từng nhắc lại:
“Cơ thâm thì họa diệc thâm,
Nào trong sách sử có lầm ở đâu”.
(Sấm Giảng, Q.1)
THIÊN CƠ: Máy trời, cuộc vận chuyển của trời đất như một guồng máy không ngừng nghỉ, nhưng âm thầm kín đáo, thường nhơn khó mà biết được. Đức Giáo Chủ có câu:
“Máy thiên cơ mỗi phát mỗi thay”.(Kệ Dân, Q.2)
ĐẢO HUYỀN: Treo ngược xuống. Nghĩa bóng sự khổ sở đến cực điểm.
“Khắp trong thiên hạ đảo huyền từ nay”.
TUẮT HỢI NHỊ NIÊN: Hai năm Tuất và Hợi. Đây là lời Đức Giáo Chủ tiên tri nhưng Đức Thầy chỉ nói Chi mà không nói Can nên chưa đoán được năm Tuất Hợi nào ? (Thiên cơ bất khả lậu).
HUỜN LAI THƯỢNG CỔ: Huờn lai là trở lại. Thượng cổ là thời xưa. Ý chỉ đời Thượng Ngươn thánh đức. Theo sự vận chuyển của lý tam ngươn, hễ hết thượng thì tới trung rồi hạ. Thượng Ngươn thì con người hiền lương thánh đức nên thế giới thái bình an lạc. Qua Trung Ngươn đức tánh con người kém dần đến Hạ Ngươn thì lòng ngưòi hung ác gian xảo, giành giựt sát hại lẫn nhau nên phải chịu quả khổ sầu, tiêu diệt như đã thấy. Tới đây sắp đến chu kỳ lập lại Thượng ngươn (Thượng cổ) từ vô thỉ tới giờ chẳng biết bao nhiêu lần như vậy.
Đức Giáo Chủ PGHH cho biết:
“Việc đời nhiều nỗi sâu bi,
Hạ Ngươn đã đến loạn ly cơ đồ”.
Và:
“Chừng nào Thượng cổ hồi qui,
Thế trần mới hết khinh khi Phật Trời”.
LƯỢC GIẢI
(Bài 3, từ câu 11 đến câu 16)
Cảnh thương hải tang điền xưa nay là qui luật của nhân sanh, vũ trụ lúc nào cũng chuyển biến luôn. Đó là sự trả vay của nhân và quả. Cơ thâm họa diệc, hiền còn dữ mất.
Đức Thầy cũng đã tiên tri đến hai năm Tuất Hợi nào đó, chúng dân sẽ được hưởng cảnh thái bình an lạc. Bởi định nghiệp của trời đất sẵn bày hễ hết Hạ Ngươn thì trở lại Thượng Ngươn thánh đức.
CHÁNH VĂN (Bài 4)
(Từ câu 17 đến câu 20)
17.- “Điên nầy vốn thiệt ở núi vàng,
Thương đời nói rõ việc lầm than.
Khuyên trong lê thứ mau mau tỉnh,
20.- Yên trí nghĩ suy biết đá vàng”.
CHÚ THÍCH
ĐIÊN: Trong Sầm thi của Đức Giáo Chủ PGHH có đề hai bút hiệu: Ông Điên và ông Khùng. Ông Khùng là Thầy, ông Điên là vị đệ tử thứ nhứt:
“Thầy khùng trò lại hóa Điên,
Khùng Điên mấy tháng tình riêng ai ngờ”.
(Dặn dò Bổn đạo)
NÚI VÀNG: Nghĩa của chữ Kim Sơn Phật. Đây chỉ nơi cư ngụ và cũng là Phật danh của Ngài. Năm 1939 có một dị nhân đến xưng tụng Ngài: “Kim Sơn Phật ấy giáng sanh đành rành”. Bán lộ giang hồ kính tặng Kim Sơn Phật (Thơ Ông Bán chiếu).
Thời gian sau Ngài có xác định trong một bài thi khoán thủ “Kim Sơn Thượng Đẳng”.
LẦM THAN: vất vả, cơ cực, khổ sở lắm.
“Khiến dân phải chịu lầm than muôn phần”.
(Lục Vân Tiên)
Đức Giáo Chủ từng nói:
“Lầm than khói lửa với binh đao,
Âu Á lung tung nhuộm máu đào”.
(Ai người Tri kỷ)
YÊN TRÍ: Giữ tâm trí cho được yên lặng bình tĩnh mà suy nghĩ.
ĐÁ VÀNG: Cũng gọi là vàng đá. Đá là một thứ khoáng vật cứng chắc, thường dùng xây nhà hay lót đường. Nghĩa bóng chỉ cho lòng cứng rắn, chung thủy không ai lay chuyển đặng.
Vàng là một thứ kim loại quí, giá trị cao, màu vàng, thường làm đồ trang sức. Nghĩa bóng chỉ cái gì quí giá đáng trân trọng, ghi nhớ hơn hết. Hai chữ đá và vàng ghép chung lại thành một từ ngữ để chỉ cho những sự chắc thật, trung thành giữa bạn bè, thầy trò, hay vợ chồng; tình nghĩa đối với nhau lúc nào cũng mặn nồng, chung thủy, không hề thay đổi phai lợt. Cổ văn thường nói: “Kim thạch chi ngôn khắc vu ngũ nội”(lời vàng đá khắc ghi vào ngũ phủ).
Vậy vàng đá còn tượng trưng cho lời nói và lòng chân thật, đối với chì thau là sự giả dối. Đức Giáo Chủ đã bảo:
“Vàng đá bao phen cơn nước lửa,
Chì thau lắm chuyện lúc non hài”.
LƯỢC GIẢI (Bài 4)
Bốn câu thi trên Đức Giáo Chủ cho biết danh hiệu và nơi cư trú của Ngài, vì lòng từ bi thương xót sanh linh nên nói rõ những tai nàn thống khổ sắp tới để khuyến hóa mọi người sớm thức tỉnh tu hành hay lòng tốt xấu mà lọc lừa:
“Lọc lừa rõ đặng vàng thau,
Đem thân mua lấy mận đào thiên nhiên”.
(Viếng làng Mỹ Hội Đông)
CHÁNH VĂN (Bài 5)
(Từ câu 21 tới câu 24)
21.- Ý gì Tiên Trưởng muốn khuyên đời,
Mà đời lầm lạc lắm đời ơi !
Đạo đức nhuốc nhơ mà sao đặng,
24.- Tỉnh giấc mau mau mới kịp thời”.
CHÚ THÍCH
TIÊN TRƯỞNG: Bậc Tiên gia, đứng đầu các thứ Tiên. Lúc ông Điên (biệt danh của Đức Giáo Chủ) còn tại núi Tà Lơn có dự cuộc thi và đã được trong hội quần Tiên tuyển chọn Ngài là bậc Tiên Trưởng.(Xin xem Giảng Tà Lơn sẽ hiểu thêm đầy đủ).
ĐẠO ĐỨC: Chữ Đạo có nhiều nghĩa: Đạo là con đường, là bổn phận, là chân lý (bản thể tuyệt đối). Và cũng gọi là Chánh pháp hay chơn tánh. Đức là tâm lành là thể hiện của nhân lành, việc đạo đức là công việc hiền lành đạo nghĩa, đúng theo con đường của chánh pháp và chơn lý. Đức Giáo Chủ từng nhắc nhở:
“Ơn nhà đạo đức quyết đền ân”.
(Tỉnh bạn Trần gian)
NHUỐC NHƠ: Xấu xa, nhục nhã, bị người chê bai.
TỈNH GIẤC: Thức giấc. Ý chỉ chúng sanh trong cõi hồng trần; cứ đắm say các vật chất: Danh, lợi, tình như kẻ đang ngủ mê trong giấc mộng. Nên Đức Giáo Chủ đánh thức mọi người sớm thức tỉnh cơn giấc mộng ấy để lo tìm đạo tu hành.
LƯỢC GIẢI (Bài 5)
Đại lược bài thứ 5 Đức Thầy cho biết lý do Ngài lâm phàm độ thế là vì thấy chúng sanh đang lặn ngụp trong vô minh dục vọng, đã theo đạo mà chẳng lo tu thân hành đạo. Ngược lại còn hành động các điều xấu ác thì mong gì kết quả. Tuy người tu hiện giờ hay bị người đời chê bai cười nhạo, nhưng sau nầy sẽ được cao quí. Thế nên Đức Thầy kêu gọi mọi người hãy sớm thức tỉnh tu hành cho kịp với thời gian:
“Tu kíp kíp nếu không quá trễ,
Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng.
Cứu lương hiền chẳng cứu người hung,
Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt’.
(Kệ Dân, Q.2)
CHÁNH VĂN (Bài 6)
(Từ câu 25 đến câu 28)
25.- “Bi động từ tâm gọi mấy lời,
Chúng sanh
Kim Sơn xem thấy lòng tha thiết,
28.- Mà còn nhiều lắm chúng sanh ôi !”
CHÚ THÍCH
BI ĐỘNG: Kích động tâm từ bi.
TỪ TÂM: Lòng hiền lành hay thương người mến vật và lo tìm phương cứu độ.
CHÚNG SANH: Chúng hữu tình, tức chỉ cho những loài có tri giác, có mạng sống. Gồm cả bốn loài. Loài sanh bằng trứng, loài sanh bằng bào thai, loài sanh nơi ẩm thấp và các loại hóa sanh.
KIM SƠN: Núi vàng, nhưng chữ Kim Sơn ở đây là chỉ Phật danh của Đức Thầy (Kim Sơn Phật), và còn có nghĩa là nơi chư Bồ Tát Đẳng giác an trụ. Trong Thi Văn Ngài có viết:
“Trì địa Kim Sơn đến cõi Bồng”.
THA THIẾT: Cũng gọi là thiết tha. Thiết là cắt, tha là mài giũa. Nghĩa bóng là nói quá ân cần hoặc đậm đà tha thiết. Chữ tha thiết còn chỉ cho cảnh thảm khổ rất mực. Trong Quan Âm Tế Độ có câu:
“Liếc xem bên mái tả cung,
Tù nhân than khóc vô cùng thiết tha”.
Chữ thiết tha Đức Giáo Chủ đặt ở đây, vì Ngài thấy cả chúng sanh đang gánh chịu cảnh thảm khổ mà động mối từ tâm thương xót.
LƯỢC GIẢI (Bài 6)
Đại ý bốn câu trên Đức Thầy cho biết: Vì thấy chúng sanh khắp thế giới đang gánh chịu những nỗi đói đau thảm khốc. Chẳng những trong hiện tình mà tới đây sẽ còn nhiều hơn nữa nên Ngài động lòng từ bi, lâm phàm mở cơ phổ hóa.
CHÁNH VĂN (Bài 7)
(Từ câu 29 đến câu 32)
29.- “
Nhưng ấy chẳng qua tại lẽ trời.
Đạo hạnh huyền cơ khuyên đó kiếm,
32.- Chẳng vậy sau nầy khó thảnh thơi”.
CHÚ THÍCH
LẼ TRỜI: Lẽ tạo hóa, tức định luật nhân quả.
ĐẠO HẠNH: Đạo lý và hạnh đức tốt đẹp. Ví dụ: Người biết ăn ở đối xử từ trong gia đình đến ngoài xã hội đều đúng theo lẽ phải toàn hảo toàn hòa. Chữ đạo hạnh ở đây chỉ cho nền Đạo:
“Ngôn từ đạo hạnh ý Thầy khuyên,
Hạnh Đức ân cần rán tập chuyên”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
HUYỀN CƠ: (Xem chữ nầy đã giải ở phía trước).
LƯỢC GIẢI (Bài 7)
Dân tộc Việt
“Nợ nần Tiên tổ đã gây nên,
Con cháu ngày nay phải báo đền”.
(Rứt cái ngu đần)
CHÁNH VĂN (Bài 8)
(Từ câu 33 đến câu 36)
33.- “Cổ ngữ hằng ghi thậm khổ đa,
Tận diệt nhơn gian trực tiên khoa.
Lão giả hậu qui nhơn ấu giả,
36.- Ly kỳ thiên định dĩ thiên la”.
CHÚ THÍCH
CỔ NGỮ: Lời xưa. Những lời hay ý đẹp của người xưa nói ra để răn đời đã trở thành danh ngôn hoặc sấm ký. Như lời của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đức Phật Thầy Tây An... Đức Giáo Chủ PGHH thường nhắc nhở:
“Lời xưa người cổ còn ghi…”
(Sấm Giảng, Q.1)
Hoặc là: “Lấy lời xưa kết lại ít tờ”.(Kh/thiện, Q.5)
HẰNG GHI: Thường ghi chép lưu lại trên Kinh sách.
THẬM KHỔ ĐA: Thậm là rất, khổ là khổ sở đau đớn. Đa là nhiều, rất nhiều. Ý nói sắp tới đây cuộc khổ não sẽ xảy ra cho dân chúng rất nhiều, không kể xiết.
TẬN DIỆT NHƠN GIAN: Tận là dứt hết, diệt là chẳng còn. Nhơn là người. Gian là không gian và thời gian, tức cõi trần gian chúng sanh đang ở. Ý nói theo chu kỳ của luật tuần hoàn và lý tam ngươn thì con người và cõi trần gian nầy, chỉ sống một thời gian nào đó rồi phải tân diệt để lập lại cuộc đời khác:
“Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắc chiu,
Nay tận diệt lập đời trở lại.
Khắp lê thứ biến di thương hải,
Dùng phép mầu lập lại Thượng Ngươn”.
(Kệ Dân, Q.2)
TRỰC TIÊN KHOA: Trực là ngay thẳng. Tiên là trước, khoa là thứ bực hoặc màn lớp. Ý nói khởi đầu cuộc đổi đời từ Hạ ngươn sang Thượng ngươn thì màn chọn lọc hiền còn dữ mất, tốt còn xấu mất, là trước hết.
LÃO GIẢ HẬU QUI NHƠN ẤU GIẢ: Sau cuộc lập đời những người già sẽ trở lại. Đức Giáo Chủ PGHH từng cho biết:
“Chừng bảy núi lầu son lộ vẻ,
Thì người già hóa trẻ dân ôi !”
(Đáp họa Ô. Lương Văn Tốt)
Hoặc: “Chừng lập hội thì già hóa trẻ,
Khắp hoàn cầu đổi xác thay hồn”.
(Kệ Dân, Q.2)
LY KỲ: Việc lạ lùng, khác thường khó suy đoán được, nhưng lại có xảy ra đúng như vậy:
“Sau đây nhiều chuyện ly kỳ,
Kể sao cho xiết vậy thì dân ôi !”.
(Sám Giảng. Q.3)
THIÊN ĐỊNH: Trời đất đã định sẵn, không sai chạy được. Cũng hiểu như chữ luật trời, tức luật nhân quả. Trong bài “Thiên lý ca” Đức Giáo Chủ PGHH đã cho biết:
“Muôn thu Thiên định nhứt kỳ,
Ha ngươn sắc lịnh khai kỳ Long Hoa”.
DĨ THIÊN LA: Dĩ là dùng lấy. Thiên la là lưới trời, do chữ “thiên la địa võng”. Đức Lão Tử nói: “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu” (lưới trời lồng lộng thưa mà chẳng lọt). Ý nói người tội ác dấu người được chớ không dấu được luật trời đất. Đức Giáo Chủ PGHH cũng xác định:
“Trốn người khỏi trốn trời sao khỏi !”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
Và: “Cả trời nam lưới bủa thiên la”.
(Nang thơ cẩm tú)
LƯỢC GIẢI
Đức Giáo Chủ cho biết chư Phật Thánh trước kia đã tiên tri đến ngày tận diệt buổi ha ngươn, dân chúng chịu cảnh vô cùng khổ não. Vì phải trải qua cuộc chọn lọc hiền còn dữ mất, bởi luật trời căn cứ vào nhân quả mà quyết định, không một nước nào hay người nào thoát lọt được và đến lúc đó sẽ xảy ra nhiều cuộc lạ lùng chưa từng thấy: Nào cảnh thương hải tang điền, nào người già hóa trẻ.
CHÁNH VĂN (Bài 9)
(Từ câu 37 đến câu 40)
37.- “Tây phương trở gót quá xa đàng,
Thương xót
Đoái thấy xóm làng thêm bắt chán,
40.- Yêu đời mê muội luống bầm gan”.
CHÚ THÍCH
TÂY PHƯƠNG: Hướng Tây. Đây chỉ cho cõi Cực lạc. Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca có giới thiệu: Cách đây mười muôn ức cõi Phật về hướng Tây có một quốc độ tên là Cực lạc, do Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ, cõi nầy hoàn toàn thanh tịnh an vui, không còn khổ não như cõi Ta bà chúng sanh đang ở. Nên gọi là Cực lạc và cũng có tên là Tịnh độ (tịnh thổ). Đức Giáo Chủ có viết:
“Tây phương Cực lạc Khùng ngồi tòa sen”.
(Dặn dò Bổn đạo)
Hoặc là:
“Cõi Tịnh độ lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn”.
(Khuyến thiện, Q.5)
AN GIANG: Nguyên khởi thời nhà Nguyễn là tỉnh An Giang, qua thời Pháp thuộc chia làm hai: Long Xuyên và Châu Đốc. Đến 1956 xác nhập lại thành một (An Giang), tới năm 1964 tách ra làm tỉnh Châu Đốc còn lại phân nửa giữ tên An Giang như trước, cho đến bây giờ cũng xác nhập, lấy tên y như cũ (An Giang) giờ đây trở thành địa danh “Thánh địa PGHH” nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền Đạo.
Sấm thi Bửu Sơn Kỳ Hương có hai câu tiên tri:
“Sài Gòn mất, Gia Định còn,
Châu Đốc mất trước tiếng còn An Giang”.
(Kim Cổ Kỳ Quan của Ô. Ba Thới)
MÊ MUỘI: Không sáng suốt, chỉ cho số người còn sống theo vô minh dục vọng. Đức Giáo Chủ PGHH có nhận xét:
“Thấy đời mê muội lầm than,
Ăn bạ nói càn tội lỗi chỉn ghê”.(Sấm Giảng, Q.1)
LƯỢC GIẢI
Đại ý bốn câu trên Đức Giáo Chủ nói rõ tiền kiếp của Ngài đã tu hành chứng đạo và đã có ngôi vị bên Tây phương Cực lạc. Nhưng vì lòng thương xót chúng sanh nên Ngài trở lại khai hóa đạo mầu tại Thánh địa Hòa Hảo, thuộc tỉnh An Giang. Ngài cũng nhận xét nhân sanh còn mãi mê say cảnh đời ảo mộng, chưa chịu thức tỉnh tu hành, khiến Ngài đau xót cả tim gan.
CHÁNH VĂN (Bài 10)
(Từ câu 41 đến câu 48)
41.- “Thiên trước tòa sen có chỗ ngồi,
Xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi.
Khắp trong sáu tỉnh toàn giả dối,
44.- Xá phướn tăng sư tạo việc tồi.
Thiên cơ thế giới đà biến chuyển,
Từ rày trần hạ lợi danh trôi,
Tu hành giả dối khuyên khá đổi,
48.- Cúng kiếng trai đàn cũng nên thôi”.
(Hòa Hảo tháng 6 năm Kỷ Mão)
CHÚ THÍCH
THIÊN TRƯỚC: Cũng đọc là Thiên trúc hay gọi là Tây Thiên trước. Bởi nơi ấy có Phật giáng sanh và phát xuất đạo Phật, từ đó người tu Phật cũng gọi như vậy. Nhưng chữ Thiên trước còn có nghĩa rộng là chỉ cõi Tây phương Cực lạc (An Dưỡng Quốc) của Đức Phật A Di Đà. Trong Kệ Dân, Q.2 Đức Thầy có cho biết”
“Cảnh thiên truớc thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống phàm trần”.
Và:
“Cảnh tây thiên báu ngọc đầy lầu,
Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng”.
TÒA SEN: Nghĩa của chữ Liên Hoa, dành cho người tu khi chứng quả được an tọa trên đó, vì hoa sen tượng trưng cho sự trong sạch (cư trần bất nhiễm, lẫn tục đừng mê) ở Thánh không thêm, ở phàm không bớt; lúc nào cũng tự tại vô ngại. Các Ngài tâm đức đã viên mãn giờ trở lại trần gian cứu độ chúng sanh mà tâm không hề ô nhiễm trong lưới mê trần trược.
Ở đây chỉ cho Đức Giáo Chủ PGHH đã thành Đạo trong nhiều tiền kiếp, nay vì lòng từ bi và có bản nguyện độ tận chúng sanh nên Ngài mới nhập thế cứu đời như Ngài từng thốt:
“Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,
Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
SÁU TỈNH: Do chữ “
XÁ PHƯỚN: Viết cho đủ là xá phướn lầu kho, giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo. Những vật nầy do các thầy nhưn bông làm ra để khi có các cuộc tang ma, làm tuần, cầu siêu, đem đốt cho người chết xuống cõi âm phủ xài được và xá hạt xá ngựa đó sẽ mang phướn sớ ấy đến Trời Phật được. Đúng là việc lạ lùng mê tín dị đoan, nên Đức Giáo Chủ giác tỉnh họ:
“Xá với phướn là trò kỳ quái,
Làm trai đàn che miệng thế gian.
Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu.
Thương bá tánh vì không rõ hiểu,
Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn toàn.
Thấy lạc lầm đây động lòng son,
Khuyên bổn đạo hãy nên tỉnh ngộ”.
(Kệ Dân, Q.2)
TĂNG SƯ: Các thầy tu theo đạo Phật mang hình thức xuất gia cư trú các nơi: Chùa am, thiền viện đạo tràng…song tăng sư có hai hạng:
1.-Hạng do tu học giáo lý, nghiên cứu kinh điển, tu hành đúng theo chơn lý và giáo hóa chúng sanh, đó là hạng tăng sư chơn chánh.
2.-Số Tăng sư chuyên đi làm đám, bày các vật lễ cúng tế, như xá phướn lầu kho giấy tiền vàng bạc cầu cúng khiến cho chư thiện tín lạc vào mê tín và u tối thêm. Đó là hạng tăng sư hành động sai chơn lý của đạo Phật.
TẠO VIỆC TỒI: Làm những việc mê tín dị đoan, không đúng chơn lý và qui điều của Phật Tổ đã dạy khiến kẻ ngoại đạo chê bai làm mất phẩm giá của tăng đồ.
TRAI ĐÀN: Do thành ngữ Đàna (Scr), phiên âm Đàn na. Có nghĩa cúng dường Tam Bảo và bố thí. Xưa các phật tử hay môn đồ nhà Phật thường tổ chức trai đàn, là vua quan, trưởng giả những nhà hảo tâm hùn lại nào của tiền lúa gạo thuốc men y thực để cúng dường Đức Phật và chúng tăng như bố thí cho dân nghèo cơm áo vật dụng thuốc men, nhà ở.v.v…Đồng thời thỉnh các tăng sư, trí thức thuyết pháp cho đại chúng nghe họ sớm thoát cảnh khổ đau sanh tử, đó là đúng ý nghĩa của cuộc trai đàn, nên làm.
Còn mấy lúc gần đây, cuộc trai đàn bị lệch lạc rất nhiều, họ bày ra lễ vật cầu cúng đượm mùi mê tín như đã giải trên…Trai tăng thì có, nhưng phần bố thí chỉ tượng trưng chiếu lệ. Ban tổ chức làm ít cổ bánh và một số tiền kẽm xỏ vào cây hương, tới giờ cúng các cô hồn (Xô giàng) phóng ra cho các trẻ em giành giựt còn bao nhiêu thì dành lại làm của riêng.
Theo Đức Giáo Chủ PGHH thời này, chẳng phải muốn phá lệ mà chỉ khuyên các tăng sư nên sửa đổi cải bỏ cách cầu cúng làm chay không đúng ý nghĩa hai chữ trai đàn trong giáo lý nhà Phật.
LƯỢC GIẢI
Đoạn kết của bài “Lộ Chút Cơ Huyền”, Đức Thầy cho biết lúc chưa lâm phàm độ thế Ngài đã có sẵn ngôi vị bên cõi Cực Lạc chẳng màng đến quyền tước vị danh nơi trần tục. Song vì lòng từ bi thấy số người tu chẳng đúng theo chánh pháp vô vi của đạo Phật, mãi chạy theo hình tướng dị đoan gây tạo danh lợi ảo huyền.
Cơ trời đã biến chuyển những gì hình thức hư dối điều tan biến theo định luật thành, trụ, hoại, không. Ngài khuyên khắp các giới tu hành hãy sớm bãi bỏ những hình tướng hư dối ấy. Bởi:
“Sắc tướng thinh âm chư ngoại giáo,
Chân truyền cụ thất Đạo nan thành”.
(Tỉnh Thế Ngộ Chơn)
(Nếu hành giả còn dùng sắc tướng thinh âm là người còn ngoại đạo, vì đã thất chân truyền nên đạo quả ắt khó thành).