CHÁNH VĂN(Từ câu 9 đến câu 20)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 42938)
CHÁNH VĂN(Từ câu 9 đến câu 20)

 9. “Thấy đời ly-loạn bất an,

  Khắp trong các nước nhộn-nhàng đao binh.

 Kẻ thời phụ nghĩa bố-kình,

 12. Nguời thời trung-hiếu chẳng gìn vẹn hai.

 

 Nên Điên khuyên-nhủ bằng nay,

  Xin trong lê-thứ ngày rày tỉnh tâm.

 Cơ thâm thì họa diệc thâm,

  16. Nào trong sách sử có lầm ở đâu.

 Người khôn nghe nói càng rầu,

  Người ngu nghe nói ngửa đầu cười reo.

 Rồi sau sẽ thấy hùm beo,

 20. Khắp trong bá tánh hiểm-nghèo đáng thương”.

 

LƯỢC GIẢI :(Từ câu 9 đến câu 20)

 -Đoạn giảng nầy, Đức Thầy diễn tả bối cảnh hiện đại trong Thế giới: các nước từ Âu sang Á đang lâm vào vòng Đệ nhị Thế chiến; cuộc tranh giành loạn lạc diễn khắp nơi, khiến chúng dân phải sống cuộc đời điêu linh đồ thán, lòng người trở nên tham tàn bạo ác; tình trạng tôi bất trung, con bất hiếu, vợ bất nghĩa, chồng bất nhân, thường xảy ra khắp xã hội.

 -Lời Sấm Giảng của Đức Thầy là một hồi chuông cảnh tỉnh bá gia sớm hồi tâm hướng thiện, mạnh tin nơi lẽ tội phước báo ứng “hại nhơn thì nhơn hại” “Mưu sâu thì họa cũng thâm”(Sấm Giảng Q.1) mà xưa nay sử kinh hằng ghi chép không hề sai chạy.

 -Với những người trí thức khi nghe đến lời Sấm Kinh ai cũng lo buồn, tìm phương giải thoát. Trái lại, những kẻ còn mê thì cười cho rằng làm gì có cảnh hiểm nghèo như thế. Đức Thầy rất xót thương cho số người kém duyên thiếu trí ấy.

 

CHÚ THÍCH

 

 

 LY LOẠN: Ly là lià; Loạn là loạn lạc, không được bình yên. Ý nói gặp cảnh chiến tranh loạn lạc làm cho gia đình bá tánh tan nát, quyến thuộc chia ly.

 Đức Thầy nói:

 “Đời cùng ly loạn khắp chư bang”

 (Lộ Chút Cơ Huyền)

 ĐAO BINH: Gươm đao và binh lính. Ý chỉ cho sự chiến tranh giặc giã, làm cho nhơn loại phải chết chóc bệnh tật.

 BỐ KÌNH: Cũng đọc là Bố Kinh. Bố là vải; Kinh là gai, do câu “Bố Quần Kinh Thoa”(mặc quần áo bằng bô vải, cài trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng:

 Anh người đời Ngụy Võ Đế (Trung Hoa), học thức uyên bác và rất trọng điều khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng rỡ bảo:“ Đây mới chính là vợ của Lương Hồng”.

 Không màng công danh phú quý, Hồng và vợ lo cày bừa và dệt cửi để sanh nhai; tuy được chồng trọn yêu, nhưng lúc nào Mạnh Quang cũng hết lòng cung kính. Mỗi bữa ăn hay có vật gì đưa cho chồng. Mạnh Quang đều để vào cái mâm, đưa lên ngang mày để tỏ lòng kính trọng chồng (Mạnh Quang cử án tề mi). Cho nên chữ Bố Kình có ý nói người vợ hiền từ chính đính, xử sự kính thuận với chồng.

 Truyện Kiều có câu:

 

“Đã cho vào bực Bố Kình,

Đạo Tùng Phu lấy chữ Trinh làm đầu”.

 Vậy câu “phụ nghĩa Bố Kình” ở đây là chỉ cho con người đời nay, giữa chồng vợ cư xử với nhau ít người được nghĩa ân chung thỉ, thường phụ rãy lẫn nhau. Cho nên Đức Thầy thường khuyên nhắc:

“Tu là sửa trọn ân tình,

Tào khang chồng vợ bố kình đừng phai”.

 (Sấm Giảng Q.3)

 TRUNG HIẾU: Do câu “Trung Quân Vương, Hiếu Phụ Mẫu”. Một dạ trung thành với Tổ quốc gọi là trung; lòng tôn kính, bảo dưỡng và vâng lời cha mẹ gọi là hiếu. Trung và hiếu là hai trong Tứ Đại Trọng Ân. Đức Thầy nhận thấy con người hiện nay ít ai giữ vẹn được Hiếu Trung nên Ngài thường khuyên:

 “Ham vui đào mận chẳng xong rồi,

  Trung hiếu giữ gìn phận con tôi”.

 (Để Chơn Đất Bắc)

 LÊ THỨ: Lê là đen;Thứ là đông, nhiều. Cũng có nghĩa như chữ lê dân (dân đen) chỉ cho tất cả nhân dân.

 TỈNH TÂM: Lòng thức tỉnh, đối với Mê Tâm (Tâm còn mê muội). Vậy tỉnh tâm ở đây là Đức Thầy khuyên mọi người hãy sớm tỉnh ngộ tu hành, lánh chốn Mê đồ, trở về Giác lộ.

 Như Ngài hằng khuyên:

 “Sớm thức tỉnh tâm tầm Đạo Chánh,

  Sau nầy về Phật với ngôi Tiên”.

  (Luận Việc Tu Hành)

 CƠ THÂM THÌ HỌA DIỆC THÂM: Cơ là mưu mẹo khôn khéo; thâm là sâu kín, là nhiều. Do câu Thành ngữ “Cơ thâm họa diệc thâm”. Có nghĩa nếu mình dùng

 

mưu mẹo sâu độc hại người bao nhiêu thì kết cuộc mình cũng gánh lấy tai vạ sâu độc bấy nhiêu.

 Cổ thi có câu:

“Cơ thâm thì họa diệc thâm là thường”.

 Đức Thầy nay cũng cho biết:

 “Cơ thâm họa diệc từ đây có,

  Bộ máy thiên cơ ắt đảo huyền”.

 (Lộ Chút Cơ Huyền)

 Xưa nay sách sử thường ghi chép vấn đề nầy không bao giờ sai chạy.

 “Vào thời Chiến Quốc có Lã Bất Vi, vốn là một tay thương buôn quỷ quyệt, y xem tướng Hoàng Tôn nước Tần, biết người ấy sau ắt sang cả, có thể nối ngôi Vua Tần mà làm Chúa thiên hạ. Bất Vi liền lập kế, gả vợ lẻ đang có thai ba tháng cho Dị Nhân và gạt tướng Triệu lén đưa vợ chồng Dị Nhân về về nước Tầu. Quả sau Dị Nhân làm vua và Lữ Bất Vi làm Tướng Quốc. Vi lại tư thông với vợ cũ. Vua Tần (tức Dị Nhân) băng, Thái Tử chính vốn là con ruột Lữ Bất Vi nối ngôi, xưng là Thỉ Hoàng Đế. Thế thì dòng họ Dinh của Tần, kể như bị diệt. Bất Vi càng ngày càng buông lung, nên bị Thỉ Hoàng hạ ngục rồi sau bị ép chết, bia danh xấu muôn đời”.

 HÙM BEO: Cọp và Beo, là hai loài thú rất hung bạo, ăn thịt các loài vật cả đến loài người. Câu “Rồi sau sẽ thấy hùm beo” là Đức Thầy tiên tri sau nầy (cơ tận diệt) sẽ có cảnh thú ăn thịt người.

 Một đoạn giảng khác Ngài nói:

“Hổ lang ác thú muôn bầy,

Lớp bay lớp chạy sau nầy đa đoan.

Ai mà ăn ở nghinh ngang,

 

Đón đường nó bắt xé tan xác hồn”.

 (Sấm Giảng Q.3)

 HIỂM NGHÈO: Nguy hiểm nghèo ngặt. Ví dụ: bá tánh gặp tai nạn chiến tranh nghèo đói rất nguy ngặt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn