CHÁNH VĂN (Từ câu 253 đến câu 260)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 38991)
CHÁNH VĂN (Từ câu 253 đến câu 260)

253.“Tu hành tâm trí rán trì,

            Sau này sẽ thấy việc gì trên mây.

                   Đừng làm tàn-ác ham gây,

          256. Sẽ có người này cứu vớt giùm cho.

                   Dương-trần lắm chuyện đôi co,

          Phải dẹp vị-kỷ mà lo tu hành.

                   Kệ kinh tưởng-niệm cho sành,

          260. Ngày sau thấy Phật đành rành chẳng sai”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 253 đến câu 260)

          -Đoạn giảng trên ý nói đã tu hành thì phải giữ gìn tâm trí được thuần chánh thanh tịnh, tất sẽ đắc Đạo và sau nầy đặng thấy phép mầu của “Phật, Tiên, Thánh an bang cùng định quốc”.(bài Không Buồn Ngủ)

          Lúc bấy giờ cuộc chọn lọc rất hãi hùng mà cũng rất công bằng, hiền còn dữ mất:

                   “Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,

          Người tu niệm sống đời thượng cổ”. (Kệ Dân, Q.2)

         

          -Nếu ai biết cải ác tùng thiện bỏ lòng sân si ái ố, vị kỷ tham lam, sớm hôm lo nghiên cứu tưởng niệm Kệ kinh, trau dồi tâm đức thì mai sau có Đức Thầy độ rỗi và được kiến diện Phật Tiên trong ngày lập hội.

 

CHÚ THÍCH

          TÂM TRÍ: Tâm có 2 thứ, vật chất và tinh thần.

          a./ Về vật chất thì hiểu tâm là trái tim “Nhục đoàn tâm”.

          b./ Về tinh thần thì có “Duyên Lự Tâm” và “Chân Như Tâm”.

          -Duyên Lự Tâm là lòng dạ suy biết, nghĩ ngợi lo lắng; duyên theo Thất tình Lục dục.

          -Chân Như Tâm là cái tâm thường còn không dời đổi, không hoại diệt, cũng gọi là Chân tâm hay Phật tánh.

          TRÍ: Cũng có hai:

          a./ Thế Trí: Tức là phần khôn biết trong tinh thần của con người ở thế gian. Trí nầy có giới hạn, hễ ai học hỏi nhiều thì sáng biết nhiều, học hỏi ít thì sáng biết ít.

          b./ Trí Huệ: Tức là cái trí sáng biết thông suốt vô cùng tận, không vật gì làm ngăn lại được do công đức tu hành khi diệt hết vô minh mà đặng.

          Tâm và Trí đồng một Thể: Tâm là Thể của Trí, Trí là Dụng của Tâm, ví như ngọn đèn và ánh sáng. Khi tâm muốn biết rõ việc chi thì dùng trí mà quán xét tìm hiểu rồi trao về cho Tâm quyết định. Đức Thầy có dạy:“Lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy Trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho Tâm chủ trì…”(bài Trong việc Tu thân Xử kỷ).

          Nói chung Tâm Trí là chủ tể của xác thịt, là nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu “Nhứt thiết duy Tâm tạo”.

         

          Trong Lăng nghiêm Kinh, Đức Phật bảo:

                   “Nhứt pháp sở sanh,

                     Tùy Tâm sở hiện,

                     Nhứt thiết nhân quả,

                     Thế giới vi trần,

                     Chân tâm thành thể”.

          (Các pháp sanh ra là do nơi Tâm biến hiện. Mà tất cả các pháp như Nhân quả, Phàm thánh, Quyền thiệt, cho đến lớn như thế giới, nhỏ như bụi trần, đã do nơi Tâm mà hiện ra thì cũng do nơi Tâm mà thành thể).

          Đức Thầy hiện nay cũng bảo:

“Địa ngục cũng tại Tâm làm quấy,

Về Thiên đàng Tâm ấy tạo ra.

Cái chữ Tâm mà Quỷ hay Ma,

Tiên hay Phật cũ là tại nó”.

          Vậy câu:“Tu hành Tâm Trí rán trì” là Đức Thầy dạy người tu hành rán giữ gìn tâm trí mãi mãi thuần chánh, yên tịnh, sáng suốt, tức được kết quả.

          VIỆC GÌ TRÊN MÂY: Nghiên cứu qua bộ Sấm Thi của Đức Thầy ai cũng thấy, Ngài cho biết sau nầy sẽ có nhiều việc xảy ra trong bầu trời, ở đây chỉ nêu ra một vài trường hợp;

          Trong bài Đến làng Nhơn Nghĩa, Ngài nói:

                   “Ôi khổ thảm bốn bề sóng dậy,

                     Dòm lưng Trời lửa cháy liên miên.

                           Tiêu điều sản vật điền viên,

               Thần thông biến hóa dưới miền trung ương”.

          Và trong Sám Giảng Q.3:

                   “Khuyên dân lòng chớ có sờn,

                   Rán tu thì được xem đờn trên mây”.

         

          ĐÔI CO: Cãi vã, phân biệt phải trái.

          VỊ KỶ: (Xem chú thích đoạn 1, Bài Sứ Mạng).

          KỆ KINH: Kệ theo Phạn ngữ (Scr) là Gatha, phiên âm là Kệ Đà. Cũng đọc là Già Tha hay Già Đà. Dịch là Tụng hay Phúng Tụng. Có nghĩa là kiệt, tức gồm thâu hết ý nghĩa.

          KỆ là một thể văn trong Kinh, thường cứ một thiên Kinh, thì có một bài Kệ để tán tụng hay diễn dịch, tuyên giải cho rộng nghĩa ra. Kệ không hạn số câu, dài ngắn gì cũng được, như bài Kệ Kiến Tánh của Đức Lục Tổ Huệ Năng. Bài Kệ trong Khuyến Thiện Q.5 của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Kệ từ 2 đến 7 chữ một câu gọi là Biệt Kệ. Từ 8 đến 32 chữ gọi là Thông Kệ.

          KINH: Phạn ngữ (Scr) là Sâtras, phiên âm là Tu Đà La, Tàu dịch là khế Kinh tức là Hiệp kinh. Kinh là một trong ba tạng Kinh, Luật, Luận. Lúc Đức Phật còn trụ thế, Ngài tùy nghi mà thuyết pháp độ sanh. Sau các đại đệ tử họp nhau kết tập lại, lưu truyền đến nay.

          Kinh gồm có 12 bộ như sau:

1. Khế Kinh: Tức là nói ngay những Văn trường                Hàng trong các kinh.

2.     Trùng Tụng: Nói lập lại nghĩa trong Văn trường Hàng các Kinh.

3.     Thọ Ký: Là Đức Như Lai vì các đệ tử mà thọ ký sau sẽ thành Phật.

4.     Già Đà La: Những bài kệ, bài Tụng trong các Kinh.

5.     Tự Thuyết: Những điều không ai hỏi Phật, nhưng Đức Phật biết rõ căn cơ tất cả mọi loài mà thuyết.

 

6.     Nhân Duyên: Nhân có người hỏi, Phật mới thuyết.

7.     Bản Sanh: Đức Phật nói cội gốc tu hành của các vị Bồ tát, những việc từng làm như thế nào mới tròn bổn phận của Bồ Tát.

8.     Bản Sự: Đức Phật nói với các đệ tử và hàng Thinh Văn thuật lại đời trước của Ngài và các đệ tử.

9.     Phương Đẳng: Cũng gọi là Phương Quảng, là các kinh điển Đại Thừa nghĩa lý rộng lớn như hư không.

10. Hy Hữu: Là trong các Kinh, Đức Phật dạy những việc công đức sâu rộng ít có.

11. Thí Dụ: Đức Phật vì những người căn trí cạn hẹp tối tăm mà thuyết pháp, mượn các vật và lời nói thí dụ để giải bày chơn lý.

12. Luận Nghĩa: là Đức Phật trả lời những câu hỏi của mọi người mà giải rộng nghĩa lý.

          Lại nữa, trong A Tỳ Đàm Tâm Luận nói Kinh có 5 nghĩa:

1.     Xuất Sanh: Phát sanh có diệu nghĩa.

2.     Tuyền Dõng: Nghĩa lý như nguồn suối chảy không cùng tột.

3.     Hiển Thị: là bày tỏ các nghĩa lý.

4.     Thằng Mặc: Phân biệt tường tận lẽ tà chánh như nẻ dây mực.

5.     Kiết Man: Gồm thâu các pháp cụ túc như xâu chuỗi.

          Trong Phật Địa Kinh Luận cũng nói:“Năng quán năng nhiếp, Cố danh vi kinh”.(Hay thông suốt vạn Pháp,

 

lại cũng hay thu nhiếp Diệu Nghĩa một cách thuần diệu, gọi là Kinh).

          Xuyên qua các nghĩa nói trên, nhận thấy trong Thi Văn Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ có rất nhiều bài Kinh hoặc Kệ gồm đủ tinh nghĩa của Tam tạng Kinh, Luật, Luận, như bài Kệ trong quyển Khuyến Thiện, bài cho Ông Cò Tàu Hảo, Kệ Dân quyển II…

          Và Ngài cũng từng nói:

                   “Rút trong các luật các kinh”.

                                      (Dặn dò Bổn đạo)       

          hoặc:

                   “Rừng rú Kệ Kinh cắt khoen rào”.

                                      (Để chơn đất Bắc)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn