Bài thứ mười một -> Bài thứ hai mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 32157)
Bài thứ mười một -> Bài thứ hai mươi

Bài thứ mười một

BÁT NHẪN

 

                   Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,

                   Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.

                   Nhẫn dã hương lân hòa ý hỉ,

                   Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên.

                   Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,

                   Nhẫn tánh niên niên đắc bảo tuyền.

                   Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,

                   Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên.

                             Hòa Hảo, năm Kỷ Mão (1939)

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

Tám điều nhẫn nhục

          1/-NHẪN NĂNG: Nhẫn: Chịu đựng. Năng: Gánh vác. Sức chịu đựng.

          XỬ THẾ: Cách ăn ở, giao tiếp trong đời.

          THỊ: Phải (phản nghĩa với trái), ấy vậy, như thế..

          NHƠN HIỀN: Người lương thiện, nết na.

          2/-NHẪN GIÁI: Giữ gìn qui điều giáo giới của đạo (Răn cấm của Tôn giáo).

          KỲ TÂM: Do ở tấm lòng.

          THẬN: Kỹ lưỡng, cẩn trọng.

          THỦ TIÊN: Giữ gìn trước hết.

          3/-NHẪN DÃ: Nhẫn nhục là như vậy.

          HƯƠNG LÂN: Hàng xóm. Láng diềng (giềng). Chỉ chung những người sống gần với mình.

          HÒA: Thuận thảo.

          Ý HỈ: Mừng rỡ, thân thiện.

          4/-NHẪN HÒA: Nhịn nhục để sống thuận thảo.

          PHU PHỤ: Chồng vợ.

          THUẬN: Theo lẽ phải, hợp với đạo lý.

          TÌNH DUYÊN: Mối liên kết giữa hai vợ chồng, hoặc những người thân thiện.

          5/-NHẪN TÂM: Hết lòng chịu đựng.

          NHỰT NHỰT: Ngày ngày, hàng bữa.

          THƯỜNG: Luôn luôn.

          AN LẠC: Yên ổn, vui vẻ.

          6/-NHẪN TÁNH: Gìn giữ hạnh nết khi gặp nghịch cảnh.

          NIÊN NIÊN: Năm năm. Năm nầy sang năm khác.

          ĐẮC: Được.

          BẢO TUYỀN: Bảo: Che chở, gìn giữ, bao bọc. Tuyền (toàn): Chu tất. Bảo vệ toàn vẹn mọi mặt.

          7/-NHẪN ĐỨC: Giữ lấy tâm lành, đủ sức chịu đựng nghịch cảnh.

          BÌNH AN: Yên ổn.

          TIÊU: Làm cho mất đi.

          VẠN SỰ: Muôn việc, nhiều việc.

          8/-NHẪN THÀNH: Cố gắng để đạt được mục đích.

          PHÚ QUÍ: Giàu sang vinh hiển.

          VĨNH: Lâu dài, bền bỉ.

          LIÊN MIÊN: Mãi mãi, dài dằng dặc.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU

                Việc đầu tiên của người tu là phát huy khả năng chịu đựng, giữ gìn những điều răn cấm. Sống hài hòa với những người lân cận, chồng vợ hòa thuận thủy chung. Ngày ngày an lạc thân tâm, năm năm hạnh nết thuần khiết. Có được như thế thì mọi việc sẽ thành đạt, sống trong cảnh sang giàu hạnh phúc.

 

Bài thứ mười hai

 

          (Để có đầy đủ tài liệu về Những bài thi của Phật Thầy Tây An, chúng tôi xin trích bài thi “ĐẠT ĐẠO NGAO DU CHU DI VIỄN CẬN”) * Bài thi nầy là vật gia bảo của ông Đạo Thắng, nội tổ của ông Bảy Còn (Nguyễn Phước Còn) để lại. Trước năm 1856, Phật Thầy đã giao cho ông Đạo Thắng giữ và căn dặn nếu sau nầy có ai viết lại được bài thi khoán thủ cách cú (8 chữ bằng Hán văn, đều mang bộ Sước) thì Ngài trở lại. Sau ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939), ông Bảy mang bài thi lên Hòa Hảo dự định để thử Đức Huỳnh Giáo Chủ. Nhưng ông rất ngạc nhiên vì Ngài đã biết trước, viết và đọc cho ông nghe không sai một chữ, khiến ông phải nhìn nhận là Phật Thầy Tây An tái sinh.

                   Đạt đạo hoằng khai kế nghiệp truyền,

                   Chư bang hành thiện hiếu vi tiên.

                   Ngao du thế giới hoàn sanh chúng,

                   Quới tiện trí ngu trạch nhơn hiền.

                   Chu di phục thỉ an bá tánh,

                   Thượng cổ hoàn ư thế tự nhiên.

                   Viễn cận chư châu qui nhứt thống,

                   An cư lạc nghiệp phước vô biên.

                            Phật Thầy Tây An (1849-1856)

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          ĐẠT ĐẠO: Con đường ai ai cũng có được, đạo lý người người đều theo được.

          NGAO DU: Đi dạo (se promener), từ nầy dùng cho các bậc Tiên trưởng. Còn từ Du lịch (voyager), để chỉ khách tham quan.

          CHU DI: Chu: Vòng quanh, một tinh kỳ 7 ngày (Une semaine). Di: Để lại cho người sau.

          VIỄN CẬN: Xa gần.

          1/-ĐẠT ĐẠO: (Xem CT chữ nầy ở phần tiêu đề).

          HOẰNG KHAI: Mở rộng ra khắp nơi.

          KẾ NGHIỆP: Nối tiếp công việc của người trước.

          TRUYỀN: Trao cho (người nầy trao cho người khác, nơi nầy sang nơi khác).

          2/-CHƯ BANG: Chư: Nhiều. Bang: Nước. Những nước lân cận.

          HÀNH THIỆN: Làm điều lành.

          HIẾU: Hết lòng thờ phụng ông bà, cha mẹ.

          VI TIÊN: Làm trước (việc trước hết).

          3/-NGAO DU: Dạo chơi.

          THẾ GIỚI: Đồng nghĩa với vũ trụ. Chỉ các nước trên trái đất.

          HOÀN: Trở lại, trở về.

          SANH CHÚNG: Còn gọi chúng sanh, chỉ chung những loài có mạng sống (Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh).

          4/-QUỚI TIỆN: Giàu nghèo.

          TRÍ NGU: Thông minh và đần độn.

          TRẠCH: Lựa chọn.

          NHÂN HIỀN: Người hiền đức.

          5/-CHU DI: Chu: Vòng quanh. Di: Để lại.

          PHỤC THỈ: Trở lại như trước.

          AN: Yên ổn.

          BÁ TÁNH: Trăm họ, chỉ chung mọi người.

          6/-THƯỢNG CỔ: Còn gọi Thượng ngươn. Nghĩa rộng: thời xa xưa.

          HOÀN Ư: Trở lại như xưa.

          THẾ: Đời, cõi chúng sanh đang sinh sống.

          TỰ NHIÊN: Tự: Chính mình. Nhiên: Vậy. Không do ai làm ra cả.

          VIỄN CẬN: Xa gần.

          CHƯ CHÂU: Nhiều nơi.

          QUI: Gom về.

          NHỨT THỐNG: Một mối (gom về một mối).

          AN CƯ: Sống yên ổn.

          LẠC NGHIỆP: Vui vẻ làm ăn.

          PHƯỚC: Tốt đẹp, may mắn.

          VÔ BIÊN: Không thể suy lường.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU

          Đức Huỳnh Giáo Chủ chuyển kiếp kế thừa sự nghiệp đạo đức của Phật Thầy Tây An. Ngài đã đi khắp nơi trên thế giới, tiếp xúc với hầu hết mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội. Khuyến khích thực thi sự giao hòa cùng các nước, để cùng sống trong một xã hội bình đẳng, chính là thời Thượng Nguơn Thánh đức, do Thánh chúa trị vì.

Bài thứ mười ba

 

Cho Ông Hương Chủ Bó ở Hòa Hảo

 

                   Tâm hành từ thiện vị an nhiên,

                   Phổ hóa hiền nhơn kiến Phật tiền.

                   Huỳnh Long lộ vĩ năng kỳ diệu,

                   Xuất thế điều đình chửa hiệu Tiên.

                   Danh sơn khai bút dìu sanh chúng,

                   Trung Trực phò nguy đãi lịnh Thiên.

                   Tạo xác phù vân khai nhứt điểm,

                   Qui hồi tự lập diệt tiền khiên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-TÂM HÀNH: Hướng tâm về việc gì đó (Chú ý vào công việc).

          TỪ THIỆN: Thương yêu và làm lành.

          VỊ: Chỗ đứng, thứ bậc.

          AN NHIÊN: An: Yên ổn. Nhiên: Vậy. Yên ổn vậy.

          2/-PHỔ HÓA: Dạy dỗ khắp nơi.

          HIỀN NHƠN: Người có tâm lành (hiền đức).

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          PHẬT TIỀN: Trước bàn thờ Phật (Thấy Phật hiện tiền hay trước mặt có Phật).

          3/-HUỲNH LONG: Rồng vàng (Trong bài Lý Lịch, Đức Huỳnh Giáo Chủ tự nhận có khi là Thượng Đẳng Đại Thần, có khi là Huỳnh Long).

                   Thượng thẩm đạo mầu nẻo cao sâu,

                        Đẳng đẳng hãy làm chớ để lâu.

                        Đại pháp vô vi là chánh lý,

                        Thần làm trọn vẹn khỏi lo âu.

            Hoặc:

                        Huỳnh Long tự thế gần sanh chúng,

                        Bổn tánh Hòa thôn Hảo dĩ đầu.

          LỘ VĨ: Lộ: Bày ra. : Đuôi. Nghĩa bóng: Xuất hiện sau nầy.

          NĂNG: Đủ sức.

          KỲ DIỆU: Kỳ: Lạ lùng. Diệu: Khéo léo (sâu kín mầu nhiệm). Lạ lùng và khéo léo.

          4/-XUẤT THẾ: Ra đời.

          ĐIỀU ĐÌNH: Điều: Hòa hợp. Đình: Ngừng lại. Giải hòa để ngừng hẳn xung đột.

          CHỬA: Chưa có.

          HIỆU TIÊN: Tên tự đặt hay do người khác gọi. (Khác với tên cha mẹ đặt cho, ngày xưa người ta gọi là nhũ danh: Tên cha mẹ đặt lúc còn bú sữa).

          5/-DANH SƠN: Tên núi. Đức Giáo Chủ cho biết, Ngài có liên hệ mật thiết với Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương:     Huỳnh Sanh cơ thẩm đáo trung đàn,

                        Tự giác âm thầm kiến Tiên bang.

                        Bửu Ngọc Sơn Trung Kỳ Hương chí,

                        Tứ hải bất hòa khởi liên giang.

          KHAI BÚT: Khai: Mở ra, bắt đầu. Bút: Cây viết. Nghĩa rộng: Bắt đầu sáng tác. Nghĩa bóng: Ra đời khai đạo phổ truyền chánh pháp.

          DÌU: Dẫn dắt.

          SANH CHÚNG: Còn gọi chúng sanh. Chỉ chung các loài có mạng sống (Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh).

          6/-TRUNG TRỰC: Tộc danh là Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân tộc (1838-1868). Xem phần Điển Tích.

          Đức Huỳnh Giáo Chủ có nhắc đến như sau:

                   THƯỢNG thẩm đạo mầu nẻo cao sâu,

                        ĐẲNG đẳng hãy làm chớ để lâu.

                        ĐẠI pháp vô vi là chánh lý,

                        THẦN làm trọn vẹn khỏi lo âu.

          PHÒ NGUY: Phò: Giúp đỡ, gánh vác. Nguy: Không yên ổn. Giúp đỡ, gánh vác khi gặp nguy cấp.

          ĐÃI: Đợi chờ.

          LỊNH THIÊN: Lịnh: Ra hiệu, sai khiến. Thiên: Trời. Lịnh của Trời (Đức Ngọc Đế).

          7/-TẠO XÁC: Tạo: Làm nên, sanh ra. Xác: Thân thể. Xác thân phàm tục (Còn gọi thân tứ đại do đất, nước, gió và lửa kết hợp thành).

          PHÙ VÂN: Phù: Nổi. Vân: Mây. Đám mây nổi.

          KHAI: Mở.

          NHỨT ĐIỂM: Nhứt: Một. Điểm: Chấm. Nghĩa rộng: Một phương diện nào đó.

          8/-QUI HỒI: Trở về, trở lại.

          TỰ LẬP: Tự: Chính mình. Lập: Đứng. Tự đứng ra gánh vác hay làm việc gì đó.

          DIỆT: Làm cho tiêu hết.

          TIỀN KHIÊN: Tiền: Trước. Khiên: Lỗi lầm. Điều lầm lỗi do trước kia đã gây nên.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU

          Đức Huỳnh Giáo Chủ kế thừa Tông Phái Bửu Sơn Kỳ Hương (Giáo Chủ là Phật Thầy Tây An), tùng Thiên mệnh nên không thể xưng danh hiệu. Ngài cho biết ra đời khai đạo, có sứ mạng lập đời Thượng ngươn.

 

Bài thứ mười bốn

 

Cho Ông HƯƠNG CHỦ BÓ ở HÒA HẢO (tt)

 

                   Kỷ Mão hạ san mượn xác trần,

                   Cảm tình đồng đạo Lão khuyên dân.

                   Thậm thâm đây đó niềm liên ái,

                   Hợp tác cùng nhau nối bút thần.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-KỶ MÃO: Lấy cái móc kể từ ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939).

          HẠ SAN: Xuống núi. Nghĩa bóng: Lâm phàm.

          MƯỢN: Lấy, nhờ tạm cái gì để làm việc khác.

          XÁC TRẦN: Thân do tứ đại hợp thành (Đất, nước, gió và lửa), đang sống tại thế gian.

          2/-CẢM TÌNH: Cảm: Xúc động. Tình: Sự đối đãi lẫn nhau. Do tiếp xúc với ngoại cảnh hoặc gần gũi mà phát sinh tình cảm.

          ĐỒNG LOẠI: Cùng chung một loài với nhau.

          LÃO: Già cả. Một trong những danh xưng của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.

“Lão đây vưng lịnh Phật tôn”.

          KHUYÊN DÂN: Dạy dỗ mọi người.

          3/-THẬM THÂM: Thậm: Rất. Thâm: Sâu. Hết sức sâu xa mầu nhiệm.

          ĐÂY ĐÓ: Chỗ nầy, chỗ nọ.

          NIỀM: Lòng nghĩ tưởng việc gì.

          LIÊN ÁI: Liên: Liền, kết chặt. Ái: Yêu mến. Nghĩa bóng: Kết chặt tình thương, sự yêu mến lâu bền.

          4/-HỢP TÁC: Cùng nhau làm việc, cùng chung hành động.

          CÙNG NHAU: Nghĩa của chữ hiệp lực. Chung sức chung lòng.

          NỐI: Gắn liền.

          BÚT THẦN: Nghĩa bóng: Lời văn của các bậc Thánh nhân, có sức cảm hóa kỳ diệu.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU

          Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Ngài có sứ mạng phổ truyền chánh pháp của Phật Tổ Thích Ca, lập Thượng nguơn để gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang.

 

Bài thứ mười lăm

 

Cho Ông HƯƠNG CHỦ BÓ ở HÒA HẢO (tt)

 

                   Vi lộ Thiên oai bảo giác dân,

                   Ngọc Nam ẩn sĩ dị thường nhân.

                   Sơn giang thủ lĩnh thừa tiên định,

                   Tứ hải hòa giai tất hữu phân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-VI LỘ: Vi: Tinh diệu. Lộ: Bày ra. Những điều xảy ra rất huyền diệu, sâu kín.

          THIÊN OAI: Thiên: Trời. Oai: Còn gọi là Uy: Sức mạnh, quyền thế. Nghĩa rộng: Lịnh của Thượng đế hay uy quyền của nhà vua.

          BẢO: Giữ gìn, bao bọc.

          GIÁC DÂN: Làm cho mọi người tỉnh ngộ hay hiểu biết một việc gì.

          2/-NGỌC NAM: Ngọc: Quí giá, tốt đẹp. Nam: Người đàn ông. Nghĩa rộng. Người đàn ông có tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          (Một cách ẩn danh kín đáo của Đức Huỳnh Giáo Chủ).

Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta,

Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà.

Mượn xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

Chờ thời Thiên định thiết hùng ca.

            Hoặc: 

Huỳnh sanh cơ thẩm đáo trung đàn,

Tự giác âm thầm kiến Tiên bang.

Bửu Ngọc Sơn Trung Kỳ Hương chí,

Tứ hải bất hòa khởi liên giang.

          ẨN SĨ: Ẩn: Giấu kín. : Người có học thức và đạo đức cao cả. Kẻ sĩ ở ẩn (Không cho biết danh tánh và nơi ở).

          DỊ THƯỜNG: Lạ lùng, khác thường.

          NHƠN: Người.

          3/-SƠN GIANG: Núi và sông. Một địa danh gắn liền với Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Đức Huỳnh Giáo Chủ xác nhận:

                      Bửu châu công luyện chốn non tần,

                        Sơn thủy môn giang bảo giác dân”.

          THỦ LĨNH: Người đứng đầu một đoàn thể hay một quốc gia.

          THỪA: Đón nhận, chịu trách nhiệm.

          TIÊN ĐỊNH: Tiên: Trước. Định: Dành sẵn. Đã dành phần sẵn.

          4/-TỨ HẢI: Bốn biển: Nghĩa rộng: Khắp nơi.

          HÒA GIAI: Hòa: Thuận thảo. Giai: Tốt đẹp. Cùng chung sống hài hòa thuận thảo.

          TẤT: Hẳn là như vậy.

          HỮU PHÂN: Hữu: Có. Phân: Chia ra. Nghĩa rộng: Sự minh định rõ ràng.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU

          Hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, có nhiệm vụ mang lại hòa bình thạnh trị cho thế giới. Sau nầy người ta sẽ biết vị Giáo chủ ấy là ai.

 

Bài thứ mười sáu

 

Cho Ông HƯƠNG CHỦ BÓ ở HÒA HẢO (tt)

 

                    Muốn thấy người xưa phải vẹn mày,

                   Nam nhân hữu chí kiến Bồng Lai.

                   Nhìn xem hiệu Lão trong thơ ấy,

                   Tứ cú Nho gia đã cạn bày.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-MUỐN THẤY: Mong găp mặt.

          NGƯỜI XƯA: Nghĩa của chữ Cổ nhân. Ý nói đến người Thượng cổ thời đại.

          PHẢI VẸN MÀY: Tròn bổn phận làm trai.

          2/-NAM NHÂN: Người đàn ông.

          HỮU CHÍ: Có khí tiết, có hoài bảo thanh cao.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          BỒNG LAI: Một trong ba hòn đảo ở biển Bột Hải (Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu). Nghĩa bóng: Nơi Tiên ở, cảnh tiêu diêu thanh thoát.

          3/-NHÌN XEM: Nhận cho biết đích xác, hiểu một cách tường tận.

          HIỆU LÃO: Danh tánh của bậc Trưởng thượng.( Ý chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ).

          TRONG THƠ ẤY: Trong những bài thi đã sáng tác. (Ý nói đến quyển Sấm Giảng Thi Văn của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, đã sáng tác từ năm 1939 đến năm 1947.

          4/-TỨ CÚ: Tứ: Bốn. : Câu. Bài thi tứ tuyệt gồm 4 câu, 3 vần.

          NHO GIA: Nhà Nho. Nghĩa rộng: Người theo Khổng Giáo, Giáo chủ là Đức Khổng Tử. (Xem phần Điển Tích).

          ĐÃ: Việc đã qua.

          CẠN BÀY: Nói rõ ràng, tường tận. Nghĩa rộng: Sự việc đã cặn kẽ.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Muốn thấy được cảnh Tiên đời Thượng cổ, bậc tu mi nam tử phải trọn vẹn đạo nhân luân.

 

Bài thứ mười bảy

 

HÃY CHỜ THIÊN ĐỊNH

 

                    Bửu châu công luyện chốn non thần,

                   Sơn thủy môn giang bảo giác dân.

                   Kỳ quái chờ nơi Thiên nhứt định,

                   Hương nồng dành thưởng kẻ tròn ân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          THIÊN ĐỊNH: Thiên: Trời. Định: Quyết chắc chắn không thay đổi. Nghĩa rộng: Trời đã sắp đặt sẵn, Tạo hóa đã an bày.

          1/-BỬU CHÂU: Đồ quí như ngọc. Nghĩa bóng: Khí chất hay phần tinh thần cao cả.

          CÔNG LUYỆN: Công: Kết quả, hiệu năng của việc làm. Luyện: Tập rèn. Nghĩa rộng: Công thành danh toại do chính mình tạo dựng.

          CHỐN: Nơi, chỗ.

          NON THẦN: Chốn núi cao linh hiển. Nghĩa bóng:  Ý chỉ nơi các vị Thần hay chư Tiên quần tựu.

          2/-SƠN THỦY: Sơn: Núi. Thủy: Nước. Nói về phong cảnh vừa có núi non, vừa có sông hồ. Nghĩa rộng: Đất nước.

          MÔN GIANG: Cửa sông. Nghĩa bóng: Nơi phát sinh, nơi phát xuất (Ra đời, thị hiện). Đức Huỳnh Giáo Chủ:               “Sơn giang thủ lĩnh thừa tiên định,

                        Tứ hải hòa giai tất hữu phân”.

            Hoặc:

                        “Kỳ sanh tạo giả thi truyền tục,

                        Hương giải thao tồi thị bảo giang”.

          BẢO: Giữ lấy. Nghĩa rộng: Nhận lãnh trách nhiệm.

          GIÁC DÂN: Giác: Biết, tỉnh ngộ. Dân: Người dân. Nghĩa rộng: Làm cho mọi người được giác ngộ về một phương diện nào.

          3/-KỲ QUÁI: Hết sức lạ lùng.

          CHỜ NƠI: Đợi một chỗ nào. Nghĩa bóng: Chờ đến vận hanh thông, đúng lúc, phải chỗ.

          THIÊN: Trời.

          NHỨT ĐỊNH: Quyết chắc chắn là như vậy, không thể thay đổi.

          4/-HƯƠNG NỒNG: Hương: Mùi thơm. Nồng: Đậm. Mùi thơm đậm đà hay tiếng thơm bay xa.

          DÀNH THƯỞNG: Dành: Để cho. Thưởng: Ban tặng. Tuyên dương và tưởng thưởng cho những người có công.

          KẺ TRÒN ÂN: Người vẹn toàn trung hiếu.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU

          Đức Huỳnh Giáo Chủ thừa kế Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương (Giáo Chủ là Phật Thầy Tây An), phổ hóa chúng sanh tu hành, để sau nầy thấy được giang san gấm vóc đổi mới.

 

Bài thứ mười tám

 

HÃY CHỜ THIÊN ĐỊNH (tt)

 

                   Từ bi hai chữ sắc nâu sồng,

                   Gắng chí dạy đời chẳng tiếc công.

                   Vận bĩ xa chờ câu thạnh thới,

                   Buồn ai châm chích chữ cay nồng.

 

                          Hòa Hảo, năm Kỷ Mão (1939)

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/- TỪ BI: Hiền lành và thương xót. Hai trong bốn đại đức của chư Phật (Đức từ, đức bi, đức hỉ và đức xả).

          HAI CHỮ: Hai trong bốn hạnh đức của chư Phật, tùy theo chỗ đứng mà ý nghĩa khác nhau. “Hai chữ từ bi thẩm nghiệp an”.( ĐHGC)

          SẮC: Màu. Nghĩa bóng: Hình thể nhận diện được để phân biệt.

          NÂU SỒNG: Nâu: Loại cây leo, có củ màu dà sẫm để làm thuốc nhuộm. Sồng: Giống cây có lá dùng nhuộm màu đen. “Cửa Phật quanh năm vẫn áo sồng”.(Trần Tế Xương). Màu nâu và màu đen. Nghĩa rộng: Sắc phục của Tăng Ni Phật tử. “Nâu sồng từ bén màu thiền”.(Nguyễn Du).                       2/-GẮNG CHÍ: Gắng: Cố sức. Chí: Điều hướng đến của tâm. Mục đích (tiêu chí) đã nhắm.

          DẠY ĐỜI: Dạy: Chỉ bảo, giáo hóa. Đời: Còn gọi là thế gian, cõi chúng ta đang ở. Nghĩa rộng: Lâm phàm mở đạo giáo hóa chúng sanh.

          CHẲNG TIẾC CÔNG: Không sợ hao tổn sức lực, chẳng ngần ngại khó nhọc để cứu giúp mọi người.

          3/-VẬN BĨ: Vận: Khí số. : Xấu. Khí số còn xấu. Nghĩa bóng: Chưa đến thời, đến lúc.

          XA CHỜ: Đợi mãi vẫn chưa thấy được.

          CÂU: Nhiều chữ hợp lại thành một câu. Nghĩa rộng: Một lời, một đoạn.

          THẠNH THỚI: Còn gọi Thạnh thái. Thạnh: Dồi dào. Thới: Yên vui. Hạnh phúc, yên vui dài lâu.

          4/-BUỒN AI: Buồn: Không được vui (có tâm sự). “Ngồi buồn vọc nước giữa trăng, Nước xao trăng lặn buồn ơi là buồn”. (Ca dao) Ai: Tiếng nói trống, không chỉ rõ người nào. “Ai về cầu ngói Thanh toàn, Cho em về với vầy đoàn cho vui”.(Ca dao)

          CHÂM CHÍCH: Nói xoi mói (móc méo) khó chịu.

          CHỮ: Nghĩa của Tự. Dấu viết ra chắp lại với nhau để biểu thị tiếng nói.

          CAY NỒNG: Cay: Hăng nồng, làm nóng tê đầu lưỡi. Nồng: Gắt mùi, xông mùi. Nghĩa bóng: Rất cay đắng, khổ sở. “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín, Thi không ăn ớt thế mà cay”.(Trần Tế Xương).

 

ĐẠI Ý 4 CÂU

          Người tu Phật phải lấy đức từ bi mà xử thế tiếp vật, vận thời chưa đến nên Đức Huỳnh Giáo Chủ không được vui, khi chứng kiến cảnh chống báng lẫn nhau.

 

Bài thứ mười chín

 

Ông HUỲNH HIỆP HOÀ

(làng Bình Thủy, tỉnh Long Xuyên) xướng:

                  

                   Phỏng cầu Tiên Phật dẫn kim châm,

                   Phạn ngữ truyền lai tối thậm thâm.

                   Phanh luyện ô kim mong điểm đạo,

                   Tiễn ngao thế chỉ hóa khai tâm.

                   Thuấn Nghiêu thọ thọ nguy duy hiển,

                   Phật Lão hư không bí khuyết thầm.

                   Thị nhị giáo sư đoàn thuyết pháp,

                   Tảo tương thích điển chúng sanh tầm.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-PHỎNG CẦU: Phỏng: Tìm tòi. Cầu: Tìm hiểu, mong muốn. Tìm tòi thăm hỏi. Nghĩa rộng: Nhờ vả điều gì đó hoặc hỏi để biết việc gì đó.

          TIÊN PHẬT: Tiên: Người tu trên núi, bậc trường sanh bất lão. Phật: Nói cho đủ là Phật Đà, do câu “Phật dã Phật Đà chi tinh xưng, thị giác ngộ tự tâm đạt đáo viên mãn giả chi đức hiệu”. (Chữ Phật nói cho đủ là Phật Đà, bậc đã hoàn toàn giác ngộ chơn tâm. Chính là danh hiệu của Ngài)

          DẪN: Chỉ bảo, dìu dắt.

          KIM CHÂM: Cây kim bằng vàng. Nghĩa bóng: Lời vàng ngọc.

          2/-PHẠN NGỮ: Tiếng Phạn. Thứ chữ cổ của người Ấn Độ, được chia làm hai loại: Nam Phạn (Pali) và Bắc Phạn (Sankrit). 1.- Nam Phạn: Phật Giáo nguyên thỉ (Tiểu thừa), dùng Pali chép kinh, truyền về Nam Ấn Độ, rồi sang Tích Lan, Xiêm La (Thái Lan), Miến Điện (Myanmar), Miên (Cam Bốt) v.v…2.- Bắc Phạn: Phật Giáo Đại thừa, dùng Sankrit chép kinh truyền khắp miền Bắc Ấn Độ, rồi sang Trung Hoa, Cao Ly và Việt Nam.

          TRUYỀN LAI: Truyền: Người nầy trao lại cho người kia. Thế hệ nầy lưu lại cho thế hệ tiếp nối. Lai: Lại. Nghĩa rộng: Để lại, truyền lại.

          TỐI: Rất mực.

          THẬM THÂM: Thậm: Rất. Thâm: Sâu. Hết sức sâu xa, mầu nhiệm.

          3/-PHANH LUYỆN: Phanh: Làm cho rộng ra. Luyện: Tập rèn. Dày công vun đắp xây dựng.

          Ô KIM: Ô: Sắc đen. Kim: Vàng. Vàng đen. Nghĩa rộng: Vật quí giá. Nghĩa bóng: Sự cao cả quí trọng.

          MONG: Chờ đợi, hi vọng.

          ĐIỂM ĐẠO: Điểm: Chỉ bảo. Đạo: Đường lối hợp với lẽ phải. Nghĩa bóng: Chứng nhận đã đắc pháp.

          TIỄN NGAO: Tiễn: Đưa người nào đi đâu. Ngao: Đi đây đi đó. Nghĩa bóng: Dõi theo bước vân du giáo hóa của các vị Phật Thánh Tiên…

          THẾ CHỈ: Thế: Cơ hội. Chỉ: Lấy tai mà trỏ. Nghĩa bóng: Chỉ có cơ hội nầy.

          HÓA: Thay đổi, xin hay dạy dỗ.

          KHAI TÂM: Khai: Mở mang. Tâm: Lòng. Mở mang tấm lòng.

          THUẤN NGHIÊU: Thuấn: Tức Đế Thuấn (2256-2195 Trước TL), họ Diêu, tộc danh Trùng Hoa. Nổi tiếng là người hiếu tử, được vua Nghiêu gả con và truyền ngôi, đóng đô ở Đồ Bàn. Trị vì được 61 năm, thọ 101 tuổi. Nghiêu: Tên một ông vua Trung Hoa thời xưa, nổi tiếng có hiếu và thương dân. Họ là Đào Đường, trị vì được 72 năm.

          THỌ THỌ: Nhận chịu lâu dài, hay nhận lãnh mãi mãi…

          NGUY: Cao.

          DUY HIỂN: Duy: Chỉ có. Hiển: Danh vọng, tiếng tăm. Nghĩa rộng: Ám chỉ một nhân vật nào đó có tiếng tăm, địa vị trong xã hội.

          6/-PHẬT LÃO: Phật: Đạo Phật, còn gọi là Phật Giáo (Giáo Chủ là Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni). Lão: Đạo Lão (Giáo chủ là Đức Lão Tử). Hai tôn giáo ở Ấn Độ và Trung Hoa.

          HƯ KHÔNG: : Trống rỗng. Không: Khoảng mênh mông của bầu trời. Nghĩa bóng: Không vương vấn, bận bịu điều gì.

          BÍ: Không thể lường được (hiểu được).

          KHUYẾT THẦM: Khuyết: Thiếu sót cần bổ sung. Thầm: Lặng lẽ. Nghĩa bóng: Cần phải được bổ sung, chỉnh lý lại.

          7/-THỊ NHỊ: Thị: Ắt, phải (phản nghĩa với trái). Nhị: Hai, xếp thứ nhì. Nghĩa bóng: Ý nói Đức Huỳnh Giáo Chủ là đệ tử của Phật Tổ Thích Ca (Thứ hai sau Đức Phật), hoặc một trong hai đoàn thuyết pháp của Phật Giáo là Lão Giáo.

          GIÁO SƯ: Giáo: Dạy dỗ. : Ông Thầy. Thầy giáo, Thầy dạy học, Thầy dạy nghề.v.v…Ngày nay từ Giáo sư dùng riêng cho khoa Sư phạm (Dùng cho các nhà mô phạm trong những cấp học). Đặc biệt từ cấp Phổ thông Cơ sở (Cấp II) trở lên. Ngoài ra, từ Giáo sư còn dùng để phong tặng trong sự nghiệp “Giáo Dục và Đào Tạo”.

          ĐOÀN: Tụ, kết hợp nghiều người, nhiều thành phần.

          THUYẾT PHÁP: Thuyết: Nói. Pháp: Phép tắc, những lời của chư Phật được kết tập lại thành Tam tạng Kinh điển (Kinh, Luật và Luận). Nghĩa rộng: Đem Giáo lý của nhà Phật giảng giải cho mọi người theo đó mà tu tập.

          TẢO TƯƠNG: Tảo: Sớm, buổi sáng sớm. Tương: Lên tột cao (Tên một ngôi sao). Nghĩa bóng: Công danh, sự nghiệp chóng thành đạt trong độ tuổi thanh xuân. Ngoài ra, TẢO TƯƠNG (Tương: Cùng) còn nghĩa rộng khác là sốt sắng, mau mắn cùng nhau hợp sức để công việc mau thành công.

          THÍCH ĐIỂN: Thích: Phù hạp (hợp). Điển: Chủ trường công việc gì. Nghĩa rộng: Thích hợp với việc làm hoặc phù hạp khả năng.

          CHÚNG SANH: Chỉ chung các loài có mạng sống (Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh).

          TẦM: Tìm tòi.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Ông HÒA cho biết tiếng Phạn rất khó hiểu, mong Đức Huỳnh Giáo Chủ là đệ tử Phật Tổ Thích Ca, nên khai hóa nhân sanh trở lại cuộc đời như thuở Thuấn Nghiêu mà Phật Giáo và Lão Giáo chính Ngài đã nói đến.   

Bài thứ hai mươi

 

ĐỨC THẦY Đáp họa :

 

                   Mã hồi nhơn diện ngã kim châm,

                   Pháp giáo Phạn văn bác diệu thâm.

                   Lam thất thanh chơn hà khuyết đạo,

                   Qui hồi bí hiểm trị nhơn tâm.

                   Môn gia khảo sát lai duy hiển,

                   Vị khí nan thông ký cảm thầm.

                   Ngã thị vô biên nhiên lập pháp,

                   Hòa giai nam đỉnh tác thi tầm.

          Hòa Hảo, mồng 1 Tết năm Canh Thìn (1939)

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-MÃ HỒI: : Ngựa. Hồi: Trở lại. Ngựa quay về. Nghĩa bóng: Tin theo, làm theo.

          NHƠN DIỆN: Nhơn: Người. Diện: Mặt mày. Mặt người. Nghĩa rộng: Ám chỉ nhân vật nào đó.

          NGÃ: Ta. Ám chỉ Phật tính.

          KIM CHÂM: Cây kim bằng vàng. Nghĩa bóng: Lời vàng tiếng ngọc, lời khuyên quí báu.

          2/-PHÁP GIÁO: Pháp: Thuộc về đạo lý nhà Phật. Giáo: Dạy bảo. Truyền bá giáo lý Đạo Phật. Ý nói những lời chư Phật nói ra, được các đại đệ tử kết tập thành Tam tạng Kinh điển (Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng)

          PHẠN VĂN: Tiếng Phạn. Thứ chữ cổ của người Ấn Độ, chia làm hai loại Nam Phạn (Pali) và Bắc Phạn (Sankrit).

          BÁC: Rộng rãi, rộng khắp.

          DIỆU THÂM: Diệu: Tốt đẹp. Thâm: Sâu xa.

          3/-LAM THẤT: Lam: Màu xanh (xanh lam). Thất: Nhà. Nhà lam. Nghĩa rộng: Cửa thiền, nhà chùa.

          THANH CHƠN: Thanh: Trong sạch. Chơn: Thật thà, ngay thẳng.

          : Từ dùng để hỏi. Ví dụ: Vì sao ? Tại sao ?...

          KHUYẾT ĐẠO: Khuyết: Thiếu sót. Đạo: Đạo đức. Thiếu đạo đức.

          4/-QUI HỒI: Qui: Về. Hồi: Trở về. Nghĩa rộng: Tìm về nguồn gốc nguyên thỉ.

          BÍ HIỂM: : Không thể làm được. Hiểm: Khó khăn, trở ngại. Rất khó khăn, trở ngại.

          TRỊ: Làm cho yên ổn.

          NHƠN TÂM: Lòng người.

          5/-MÔN GIA: Môn: Dòng, phái. Gia: Nhà. Nghĩa rộng: Nhà Tôn giáo.

          KHẢO SÁT: Khảo: Kiểm tra. Sát: Xem xét. Nghĩa bóng: Tìm hiểu chính xác.

          LAI: Lại, đến.

          DUY HIỂN: Duy: Chỉ một mình. Hiển: Có danh vọng. Duy nhứt có được tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          6/-VỊ KHÍ: Vị: Bao tử (Dạ dày), tên một ngôi sao trong nhị thập bát tú. Khí: Tính chất. Nghĩa bóng: Tinh thần phát lộ ra ngoài.

          NAN THÔNG: Nan: Khó khăn. Thông: Khắp, suốt. Nghĩa bóng: Khó hiểu cho thấu đáo.

          : Đã.

          CẢM THẦM: Cảm: Nhận, tâm ứng với ngoại vật mà xúc động. Thầm: Mặc nhận. Nghĩa bóng: Tự tin mặc nhận.

          7/-NGÃ THỊ: Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Thị: Phải (phản nghĩa với trái). Nghĩa rộng: Ta chính là…

          VÔ BIÊN: : Không. Biên: Giới hạn. Không có giới hạn, không thể lường hết được.

          NHIÊN: Như, vậy thì…

          LẬP PHÁP: Làm nên phép tắc. Nghĩa bóng: Viết ra Giáo lý cho Tôn giáo

          8/-HÒA GIAI: Hòa: Thuận hảo. Giai: Cùng, đều. Cùng nhau hài hòa thuận thảo.

          NAM ĐỈNH: Vật quí báu của nước Nam. (Ám chỉ vùng Thất Sơn, có đền vàng điện ngọc). Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Ngọc báu quí ẩn trong nam đỉnh”.  

          TÁC: Làm nên, tạo dựng.

          THI TẦM: Thi: Văn thơ. Tầm: Tìm tòi. Tìm hiểu trong văn thơ.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU

          Phạn văn rất cao thâm, Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết như thế và tự hỏi: Tại sao ở trong Chùa mà lại thiếu đạo đức ? Hãy quay lại chơn tâm sẽ cảm nhận được những gì mà Ngài đã nói trong văn thơ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn