Bài thứ ba mươi mốt-> Bài thứ bốn mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 36695)
Bài thứ ba mươi mốt-> Bài thứ bốn mươi

Bài thứ ba mươi mốt

 

THỜI LAI DIỆN MỤC

 

                   Hồng nhạn ô qui thán giả hồ,

                   Thi thần đởm khí ngộ hà mô.

                   Điện phong vạn hộ vô thiên ảnh,

                   Tổn khí thao tồi vọng nhứt vô.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

Đã đến lúc ra mặt

          THỜI LAI: Thời: Cũng đọc Thì: Lúc, khi. Lai: Lại, đến. Đến lúc nào đó. Nghĩa rộng: Cơ hội đã đến.

          DIỆN MỤC: Diện: Mặt. Mục: Mắt. Hai bộ phận của con người. Nghĩa rộng: Hiện ra trước mặt.

          1/-HỒNG NHẠN: Hồng: Con ngỗng trời. Nhạn: Con vịt trời. Theo người Trung Hoa: Con Hồng và Nhạn là loài chim, bay bao giờ cũng có hàng lối, trật tự.

          Ô QUI: Ô: Con quạ. Qui: Con rùa.

          THÁN: Tiếng than thở.

          GIẢ HỒ: Giả: Từ chỉ về người (như Hiền giả, học giả…), ngoài ra còn dùng để phân biệt các việc khác nhau. Thí dụ: “Nhân giả, nhân dã”: Người ấy, kẻ ấy; Lòng nhơn từ vậy. Hồ: Sao ? Người ấy làm sao ? Sự việc như thế nào ?

          *Tóm lược ý câu “Hồng nhạn ô qui thán giả hồ”: Con người, vật ở trong đời không thật hay sao ?

          2/-THI THẦN: Thi: Thơ. Thần: Đấng thiêng liêng. Thi văn của các bậc Thánh hiền.

          ĐỞM KHÍ: Đảm: Lá gan (?). Khí: Tính chất mạnh mẽ của con người. Nghĩa rộng: Có một tinh thần mạnh mẽ.

          NGỘ HÀ MÔ: Ngộ: Gặp gỡ. : Từ dùng để hỏi. : Bắt chước theo. Nghĩa rộng: Tại sao phải làm theo, nghe theo ?

          *Tóm lược ý câu “Thi thần đởm khí ngộ hà mô”: Khí tiết trong văn thơ bộc phát khi đổi cảnh sanh tình. Vì cớ làm sao vậy ? Chính nó là lẽ tự nhiên của con người.

          3/-ĐIỆN PHONG: Điện: Nhà ca lớn, cái đền. Về sau người ta dùng để chỉ nơi vua ở, hoặc chốn thờ phụng Phật Thánh. Phong: Cảnh tượng.

          VẠN HỘ: Vạn: Một muôn, mười ngàn. Từ dùng để chỉ số nhiều. Hộ: Nhà. Nghĩa rộng: Nhiều nhà, nhiều người chung hoàn cảnh hay một nghề.

          : Không, chăng.

          THIÊN ẢNH: Thiên: Dời đổi. Ảnh: Bóng.

          *Tóm luợc ý câu “Điện phong vạn hộ vô thiên ảnh”: Đền đài, điện ngọc của vua chúa, nhà cửa của dân chúng trên đời đều là giả tạm.

          4/-TỔN KHÍ: Tổn: Giảm bớt. Khí: Tính chất, phần tinh thần

          THAO TỒI: Còn gọi Tháo hồi (Một cách nói của người xưa): Quay trở lại hay thụt lui lại phía sau.

          VỌNG NHỨT VÔ: Vọng: Mong ngóng, trông nhìn. Nhứt: Đứng đầu.: Không. Nghĩa bóng: Chỉ thấy được một, trong ngàn cái đã thấy.

          *Tóm lược ý câu “Tổn khí thao tồi vọng nhứt vô”: Cho dù có thông minh tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là cái kết quả ít ỏi, trong vô vàn cái thành quả chưa có.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Một cái không ở trong ba cái thấy sai khác, đến chừng trời quang mây tạnh, cõi hạ giới được mở ra, sẽ thấy mặt mày của người làm nên chuyện.

 

Bài thứ ba mươi hai

 

THỜI LAI DIỆN MỤC (tt)

 

                   Nhứt vô tam kiến cái thiên hồng,

                   Tông tích kỳ sanh chuyển kiếp thông.

                   Khai cảnh nguyệt đài thông hạ giới,

                   Thời lai diện mục tác hài công.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NHỨT VÔ: Nhứt: Đứng đầu. : Không. Nghĩa rộng: Không một lần đạt được mục đích. Nghĩa bóng: Chỉ thấy được một trong ngàn cái thấy.

          TAM KIẾN: Tam: Ba. Kiến: Thấy, gặp gỡ. Nghĩa bóng: Nhiều lần gặp gỡ.

          CÁI THIÊN HỒNG: Cái: Bao trùm, trùm khắp. Thiên: Trời. Hồng: Sắc đỏ. Nghĩa rộng: Sắc đỏ bao trùm khắp cả bầu trời.

          *Tóm lược ý câu “Nhứt vô tam kiến cái thiên hồng”: Cái đạo duy nhứt là to lớn, bao trùm cả bầu trời.

          2/-TÔNG TÍCH: Tông: Còn đọc là Tôn: Dòng họ, hay một giáo phái. Tích: Dấu vết. Hình ảnh một phủ thờ hay một Tôn giáo. Nghĩa bóng: Ý nói đến Giáo Chủ khai đạo cứu độ chúng sanh.

          KỲ SANH: Kỳ: Lạ lùng, khác thường. Sanh: Ra đời.

          CHUYỂN KIẾP THÔNG: Chuyển: Bánh xe quay, dời đi hay trở ngược lại…Kiếp: Thường dùng để ví với một đời người. Thông: Khắp suốt. Nghĩa rộng: Giáo pháp được phổ truyền khắp mọi nơi.

          *Tóm lược ý câu “Tông tích kỳ sanh chuyển kiếp thông”: Tôn Giáo do Đức Huỳnh Giáo Chủ khai mở, có điều khác thường là chính Ngài chuyển kiếp trở lại, có “Sứ mạng” của Đức Ngọc Đế và Phật Tổ Thích Ca.

          3/-KHAI CẢNH: Khai: Mở, làm cho được thông suốt. Cảnh: Hình sắc có thể ngắm và thưởng thức. Nghĩa rộng: Cảnh tượng hiển hiện ra trước mắt để cho mọi người trông thấy.

          NGUYỆT ĐÀI: Còn gọi Đài nguyệt kiếng: Trên đài treo tấm kiếng hình mặt trăng. Theo Phật Giáo, nơi cõi u minh, tại điện thứ nhứt của Tần Quảng Vương, có cái đài treo tấm kiếng hình mặt nguyệt, gọi là Đài nguyệt kiếng để chiếu rọi hành vi của người chết, khi tội nhân không chịu cung khai. Nghĩa bóng: Tâm được tròn sáng thì thông suốt vạn vật. Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiếng”. Hoặc: “Ta chí dốc tầm Đài nguyệt kiếng, Cho dương trần rọi chuyện sai lầm”.

          THÔNG HẠ GIỚI: Suốt khắp cả thế gian.

          *Tóm lược ý câu “Khai cảnh nguyệt đài thông hạ giới”: Khi tâm được tròn sáng thì thông suốt vạn vật.

          4/-THỜI LAI: Thời: Còn đọc Thì: Lúc, khi. Lai: Lại. Nghĩa rộng: Đã đến lúc…Nghĩa bóng: Cơ hội đã đến.

          DIỆN MỤC: Diện: Mặt. Mục: Mắt. Nghĩa rộng: Hiển hiện ra trước mắt.

          TÁC HÀI CÔNG: Tác: Làm. Hài: Nói chung về hình thể. Công: Thợ. Nghĩa bóng: Người làm nên sự việc hay cảnh sắc nào đó.

          *Tóm lược ý câu “Thời lai diện mục tác hài công”: Bây giờ đã đến thời điểm thi hành phận sự.

 

Bài thứ ba mươi ba

 

Ông NGUYỄN THANH TÂN xướng:

 

Tiết phong một võ nhứt thân khinh,

Háo đạo thơ sanh cảm khốc tình.

Cực vọng Nam minh dân tiếp thủy,

Tường khan Bắc chỉ thạch tranh vinh.

Mộng hồi cố quốc tam canh nguyệt,

Tỉnh khởi cô bang vạn lý trình.

Kim nhựt phùng chơn tu tận túy,

Hựu tương ly biệt não bình sanh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-TIẾT PHONG: Tiết: Khí hậu chia thành từng thời gian trong một năm, theo Âm lịch thì mỗi năm chia thành 24 tiết. Phong: Gió. Nghĩa rộng: Sự vận hành của Tạo hóa.

          MỘT VÕ: Một: Một, con số chỉ định. Ví dụ: Một thế: Trọn đời. Võ: Mưa. Nghĩa rộng: Nói chung về thời tiết của Tạo hóa.

          NHỨT: Đứng đầu.

          THÂN KHINH: Thân: Thân thể hay thể xác con người. Khinh: Xem nhẹ. Xem nhẹ mạng sống. “Nhẹ xem mạng sống như màu cỏ cây”.(Chinh phụ ngâm khúc).

          *Tóm lược ý câu “Tiết phong một võ nhứt thân khinh”: Theo sự vận hành của Tạo hóa, con người cũng phải chịu dưới quyền chi phối ấy.

          HẢO: Ham thích.

          ĐẠO: Con đường hợp với lẽ phải, là bổn phận và trách nhiệm của con người. Từ chỉ chung về Tôn giáo.

          THƠ SANH: Còn gọi Thư sanh. Thư: Sách vở. Sinh: Học trò, người đọc sách. Nghĩa rộng: Người có học thức.

          CẢM KHỐC TÌNH: Cảm: Xúc động. Khốc: Khóc chảy nước mắt. Tình: Những mối cảm xúc trong lòng phát lộ ra ngoài. Nghĩa rộng: Khi tiếp xúc với ngoại cảnh mà biểu cảm thái độ đến rơi nước mắt.

          *Tóm lược ý câu “Hảo đạo thơ sanh cảm khốc tình”: Hiểu được mối đạo của Đức Thầy là chánh giáo, khiến ông Thanh Tân cảm động đến rơi nước mắt.

          3/-CỰC VỌNG: Cực: Rất, hết sức. Vọng: Mong ngóng. Nghĩa rộng: Rất hy vọng.

          NAM MINH: Nam: Phương Nam. Minh: Là biển. Biển nằm về phương Nam. Nghĩa rộng: Một nơi rất xa xôi. Trang Tử: “Thị điểu dã, hải vận tắc tương tỉ ư nam minh. Nam minh giả, thiên trì dã”.(Con chim ấy, nếu bay đường biển, thì cơ hồ đến được nam minh. Nam minh là ao của trời vậy).

          DÂN: Người dân. Nói chung những sắc dân sinh sống trong trái đất hay một đất nước.

TIẾP THỦY: Tiếp: Đón nhận. Thủy: Nước.

          *Tóm lược ý câu “Cực vọng nam minh dân tiếp thủy”: Rất muốn được đến nơi khó đến. Ý nói mong muốn được hiểu thấu con đường đạo đức hay một Tôn giáo.

          4/-TƯỜNG KHAN: Tường: Hiểu rõ. Khan: Cũng đọc là Khán: Xem, giữ gìn. Nghĩa rộng: Cần hiểu thấu đáo để đánh giá công việc.

          BẮC CHỈ: Bắc: Một trong bốn hướng: Đông, Tây, Nam và Bắc. Chỉ: Duy nhứt, chỉ có.

          THẠCH TRANH: Thạch: Đá, tấm bia bằng đá. Tranh: Giành giựt. Nghĩa rộng: Chiếm đoạt vật gì có lợi cho mình.

          VINH: Vẻ vang, thịnh vượng.

          *Tóm lược ý câu “Tường khan bắc chỉ thạch tranh vinh”: Hiểu rõ ràng sự tranh giành ở một nơi nào đó, để đem lại lợi ích cho mình.

          5/-MỘNG HỒI: Mộng: Giấc chiêm bao, giấc mơ. Hồi: Quay trở lại. Nghĩa rộng: Giấc chiêm bao thấy cảnh tượng nào đó, rồi mãi đắn đo suy nghĩ. Nghĩa bóng: Sự hoài vọng cho mục đích vẫn còn canh cánh bên lòng.

          CỐ QUỐC: Cố: Cũ, xưa, nguyên nhân. Quốc: Nước. Nghĩa rộng: Đất nước xưa kia.

          TAM CANH NGUYỆT: Tam: Ba. Canh: Thời gian một phần năm (1/5) của đêm, canh ba của một đêm, từ 1 giờ đến 2 giờ. Nguyệt: Mặt trăng, chỉ về đêm. Canh ba của một đêm.

          *Tóm lược ý câu “Mộng hồi cố quốc tam canh nguyệt”: Suốt canh thâu luôn nhớ về đất nước.

          6/-TỈNH KHỞI: Tỉnh: Thức giấc. Khởi: Bắt đầu. Nghĩa bóng: Đã thức dậy sau một giấc ngủ, hay đã hiểu ra một vấn đề nào đó cần phải có trách nhiệm.

          CÔ BANG: Cô: Lẻ loi, lời các chư hầu tự xưng khiêm nhượng. Bang: Nước. Đất nước nhỏ bé.

          VẠN: Một muôn, mười ngàn. Từ dùng để chỉ số nhiều.

          LÝ TRÌNH: : Dặm, đường dài. Trình: Đo lường. Nghĩa rộng: Ước lượng con đường dài bao nhiêu.

          *Tóm lược ý câu “Tỉnh khởi cô bang vạn lý trình”: Nên hiểu rằng: Nước nhà vẫn còn bị ảnh hưởng bởi ách đô hộ của các cường quốc.

          7/-KIM NHỰT: Kim: Nay. Nhựt: Ngày. Ngày nay, hiện nay.

          PHÙNG CHƠN: Phùng: Gặp. Chơn: Thật thà, ngay thẳng. Nghĩa rộng: Ủng hộ, gặp được điều hay lẽ phải.

          TU: Sửa đổi, chỉnh đốn cho được tốt đẹp hơn.

          TẬN TÚY: Tận: Hết sức. Túy: Thuần chất, thuần khiết. Nghĩa rộng: Rất thuần một chất liệu. Nghĩa bóng: Tinh thần hoàn hảo.

          *Tóm lược ý câu “Kim nhựt phùng chơn tu tận túy”: Ngày nay gặp được đạo, làm cho tinh thần trở nên hoàn hảo hơn.

          8/-HỰU TƯƠNG: Hựu: Lại một lần nữa. Tương: Cùng nhau, lẫn nhau. Nghĩa rộng: Lại một lần nữa cùng lập lại, làm lại điều gì đó.

          LY BIỆT: Ly: Chia lìa. Biệt: Xa cách. Cách xa nhau.

          NÃO: Buồn phiền, bực tức.

          BÌNH SANH: Bình: Yên ổn. Sanh: Ra đời, đời sống. Nghĩa rộng: Đời sống yên ổn.

          *Tóm lược ý câu “Hựu tương ly biệt não bình sanh”: Luôn luôn làm cho đời sống được bình an vô sự.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU

          Ông Thanh Tân cho biết: Kẻ sĩ ngày nay không còn được quý trọng, khi biết được Đức Huỳnh Giáo Chủ làm cho ông cảm động. Bởi vì Ngài cùng chung lý tưởng với ông, là lo cho vận mệnh nước nhà trong tương lai. Nhưng cuộc hội ngộ không bao lâu, nay lại xa cách khiến ông phải xúc động.

 

Bài thứ ba mươi bốn

 

ĐỨC THẦY đáp họa

 

Hải qui thiết lượng ngốc nhơn khinh,

Cố viễn hà qua kiến hữu tình.

Quí hóa ai thi hà quốc thủy,

Đài phi sơn lãnh vị thành vinh.

Phù vân lộ thức nhiên âm nguyệt,

Tố giả vong bang kỷ tráng trình.

Phúc họa trù phong nhiên Bính tý,

Trùng lai hữu nhựt tại hoài sanh.

 

Mỹ Hội Đông, ngày 22-1-Canh Thìn (1940)

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-HẢI QUI: Hải: Biển, vật tụ hợp lại. Qui: Về. Nghĩa rộng: Tập trung mọi vật.

          THIẾT LƯỢNG: Thiết: Đặt. Lượng: Đo lường, chứa đựng.

          NGỐC: Đần độn, tối tăm.

          NHƠN KHINH: Nhơn: Người. Khinh: Nhẹ, xem thường. Nghĩa rộng: Khi người.

          *Tóm lược ý câu “Hải qui thiết lượng ngốc nhơn khinh”: Trên đời người có chí hướng hay bị kẻ thiển cận chê bai châm biếm.

          2/-CỐ VIỄN: Cố: Xưa, nguyên nhân. Viễn: Xa, lâu dài.

          HÀ QUA: : Sông. Qua: Như chữ quá: Qua, sang, vượt. Nghĩa rộng: Qua sông.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          HỮU TÌNH: Hữu: Có. Tình: Những mối cảm xúc trong lòng phát lộ ra ngoài.

          *Tóm lược ý câu “Hải qui thiết lượng ngốc nhơn khinh, Cố viễn hà qua kiến hữu tình”: Ta thấy ông mà lòng thương xót, kẻ vốn không chuyên môn đi biển, mà lại nhìn người đi biển thì phải bật cười, không cười sao đủ gọi là đạo.

          3/-QUÍ HÓA: Quí: Cao sang. Hóa: Thay đổi. Nghĩa rộng: Trở nên giàu sang vinh hiển.

          AI THI: Ai: Đau thương. Thi: Thơ, bài vận văn viết theo luật. Nghĩa rộng: Bài thơ nói về nỗi thương đau.

          HÀ: Sông.

            QUỐC THỦY:Nói chung ao, hồ, đầm, bãi…Nghĩa rộng: Đất nước.

          *Tóm lược ý câu “Quí hóa ai thi hà quốc thủy”: Bài thơ nói về nỗi nước nhà còn bị nô lệ.

          4/-ĐÀI PHI: Đài: Một kiến trúc xây trên nền cao, đứng trên ấy có thể nhìn khắp bốn phương. Phi: Cao, bay.

          SƠN LÃNH: Sơn: Núi. Lãnh: Chóp núi, có đường ăn thông qua các chóp núi cao hơn cả trong các rặng núi.

          VỊ: Chưa.

          THÀNH VINH: Thành: Nên. Vinh: Vẻ vang, thịnh vượng. Nghĩa rộng: Trở nên vẻ vang vinh hiển hay có tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          *Tóm lược ý câu “Đài phi sơn lãnh vị thành vinh”: Đứng trên cao sẽ thấy suốt khắp vạn vật hay đứng ở địa vị cao cả sẽ làm nên đại sự.

          5/-PHÙ VÂN: Phù: Nổi, lộ ra. Vân: Mây. Đám mây xuất hiện.

          LỘ THỨC: Lộ: Phô bày. Thức: Biết. Kiến thức luôn được phát huy có tác dụng, làm cho mọi người thán phục hiểu biết.

          NHIÊN: Tự nó hành động, không do một tác nhân nào điều khiển. Còn gọi là luật tự nhiên.

          ÂM NGUYỆT: Âm: Thứ khí âm, thứ khí do Thái cực sanh ra và biến hóa thành vạn vật, còn gọi Cõi Âm. Nguyệt: Mặt trăng, chỉ về đêm hay tháng.

          *Tóm lược ý câu “Phù vân lộ thức nhiên âm nguyệt”: Khi đám mây bay qua để lộ ra vầng trăng.

          6/-TỐ GIẢ: Tố: Nói cho biết. Giả: Chỉ về người. Nói cho ai đó biết về vấn đề gì.

          VONG BANG: Vong: Mất. Bang: Nước. Mất nước.

          KỶ: Mình.

          TRÁNG TRÌNH: Tráng: Mạnh, lớn. Trình: Đường đi, kỳ hạn.

          *Tóm lược ý câu “Tố giả vong bang kỷ tráng trình”: Nói lên điều mất nước, xem có ai thức tỉnh lên đường.

          7/-PHÚC HỌA: Phúc: Những gì tốt đẹp, may mắn. Họa: Điều tai hại rủi ro.

          TRÙ PHONG: Trù: Liệu, tính hay kế hoạch. Phong: Cảnh vật hay cảnh tượng.

          NHIÊN: Như, vậy thì…

          BÍNH TÝ: Bính: Chữ thứ ba trong thập can. Tý: Chữ đứng đầu trong 12 con giáp. Căn cứ theo nội dung mang thời gian tính, thì năm Bính Tý có thể là năm (1936).

          *Tóm lược ý câu “Phúc họa trù phong nhiên Bính Tý”: Đến năm Bính Tý sẽ biết được phước họa.

          7/-TRÙNG LAI: Trùng: Lập lại, hai lần, lần nữa. Lai: lại. Lại xảy ra lần nữa, đến lần thứ hai. Nghĩa rộng: Việc đã xảy ra rồi, nhưng nay đến nữa.

          HỮU NHỰT: Hữu: Có. Nhựt: Ngày. Có ngày.

          TẠI: Ở, còn.

          HOÀI SANH: Hoài: Tưởng nhớ. Sanh: Ra đời. Nghĩa rộng: Đánh dấu một sự kiện khi sinh ra hay ra đời.

          *Tóm lược ý câu “Trùng lai hữu nhựt tại hoài sanh”: Hẹn có ngày gặp lại để thỏa lòng mong ước.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

Người có chí cao xa thường dễ bị người thiển cận chê bai, rất may ông lại biết được. Nhưng thời chưa có thì làm gì mà vinh hiển, nếu gặp lại lần nữa, sẽ thỏa được lòng mong ước.

Bài thứ ba mươi lăm

 

Ông NGUYỄN KỲ TRÂN tức CHÍN DIỆM

(ở làng Định Yên, tỉnh Long Xuyên) xướng :

 

Cường khấu xâm lăng kỷ thập niên,

Vị tri đại đức giáng hà tiên ?

Hi Di ngũ quí kim an tại,

Thái Thượng tam vương cổ bất truyền.

Độc nhãn Sa Đà tàng bắc địa,

Liên mi chơn mạng ẩn nam thiên.

Phòng ngư xích vĩ đương kim nhựt,

Dẫn lãnh minh lương trứ tổ tiên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-CƯỜNG KHẤU: Cường: Mạnh mẽ. Khấu: Nổi loạn, cướp giựt. Nghĩa rộng: Quân cướp của giết người.

          XÂM LĂNG: Xâm: Phạm đến, chiếm lầy. Lăng: Phạm vào. Nghĩa rộng: Chiếm lấy, chiếm đóng.

          KỶ: Mấy.

          THẬP NIÊN: Mười năm.

          *Tóm lược ý câu “Cường khấu xâm lăng kỷ thập niên”: Giặc Pháp chiếm đóng Việt Nam đã mấy chục năm qua.

          2/-VỊ TRI: Vị: Chưa. Tri: Biết. Chưa biết.

          ĐẠI ĐỨC: Đại: Lớn. Đức: Tâm lành, có tài năng phẩm hạnh. Nghĩa rộng: Người có tài cao, đức trọng.

          GIÁNG: Xuống. Nghĩa bóng: Lâm phàm.

          HÀ TIÊN: : Từ dùng để hỏi. Tiên: Tên vị Tiên. Xin cho biết tên tự của vị Tiên nào đó. (1)

            *Tóm lược ý câu “Vị tri đại đức giáng hà tiên ?”: Xin cho biết ông là vị Tiên nào giáng trần ?

[(1) Ngoài ra cũng có một số đồng đạo cho rằng từ Hà Tiên, nguyên chữ Hán là (….). Chữ : Sông. Tiên: Trước. Con sông trước, tức là Tiền Giang, chạy dọc theo làng Hòa Hảo, nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai đạo. Do đó câu “Vị tri đại đức giáng hà tiên: Ông là vị Tiên nào ở con sông trước ?” Chúng tôi ghi vào đây để quý vị rộng tầm nghiên cứu ].

3/-HI DI: Còn có tên là Trần Đoàn. Tên một vị Tiên ông ở ẩn núi Hoa Sơn, thần thông biến hóa vô cùng. Gặp thời loạn lạc nhiễu nhương, ông phải ẩn cư luôn ba năm (Tương truyền nhiều khi ông ngủ luôn một giấc đến một trăm ngày mới thức dậy). Đến khi Triệu Khuông Dẫn lên ngôi, hiệu là Tống Thái Tổ, Trần Đoàn cỡi lừa đi đến, vừa tớp rượu, vừa vỗ tay cười ngất rằng: Từ đây về sau thiên hạ mới được yên ổn. Ông cất tiếng ngâm:

          Vận khí xoay vần chuyện hợp tan,

            Huỳnh bào đấp cật vững âu vàng.

            Trần gian từ đấy đà vô sự,

            Ta trở về ngôi ngủ mới an.

NGŨ QUÍ: Còn gọi Ngũ bá: Tên những triều đại của Trung Hoa: Tề Hoàn Công, Tấn văn Công, Tống vương Công, Tần mục Công và Sở trang Công.

KIM: Nay, hiện nay.

AN TẠI: An: Yên ổn. Tại: Ở, còn. Hiện giờ còn tại đó.

*Tóm lược ý câu “Hi Di ngũ quí kim an tại”: Có phải là Trần Đoàn thời Ngũ quí nay trở lại ?

4/-THÁI THƯỢNG: Tức là Thái Thượng Lão Quân, tự là Hồng Quân Lão Tổ. Thầy của Thông Thiên Giáo Chủ, Nguơn Thỉ Thiên Tôn và Lão Tử.

TAM VƯƠNG: Lấy cái mốc từ thời vua Nghiêu, truyền lại cho vua Thuấn: Thành Thang Vương, Châu văn Vương và con là Cơ Phát, diệt được nhà Ân (Trụ Vương), lên ngôi lấy hiệu là Châu Võ Vương, giữ được hơn tám trăm năm. Ngoài ra cũng có chỗ ghi là: Ba vị vua thời cổ nước Tàu: Vua Đại Võ nhà Hạ, vua Thành Thang nhà Thương, vua Văn Vương và Võ Vương nhà Châu.

CỔ: Xưa.

BẤT TRUYỀN: Bất: Không. Truyền: Trao lại, truyền lại. Nghĩa rộng: Người nầy trao lại cho người kia. Thế hệ nầy sang thế hệ khác. Không còn được kế thừa.

*Tóm lược ý câu “Thái Thượng tam vương cổ bất truyền”: Đạo của Văn Vương và Lão Tử bên Trung Hoa vào thời cổ (Tam vương) đã bặt truyền.

5/-ĐỘC NHÃN: Rồng một con mắt, tước hiệu của Lý Khắc Dụng. Người đời nhà Đường (bên Trung Hoa), chỉ sáng có một con mắt, nhưng rất có tài bách chiến bách thắng. Người đời thường gọi Lý Khắc Dụng là Độc Nhãn Long.

SA ĐÀ: Tên chữ của Lý Khắc Dụng.

TÀNG: Ẩn, giấu.

BẮC ĐỊA: Đất Bắc.

*Tóm lược ý câu “Độc nhãn Sa Đà tàng Bắc địa”: Cũng như Lý Khắc Dụng còn ẩn dạng ở nơi đất Bắc.

6/-LIÊN MI: Chơn mày liền. Triệu Khuông Dẫn vốn có chơn mày liền, người có chơn mạng đế vương. Một hôm Trần Đoàn Lão Tổ rủ Khuông Dẫn đánh cờ, với điều giao ước: Nếu ông thua thì chung tiền, còn Khuông Dẫn thất bại, phải ký tờ giao núi Tây Nhạc Huê San cho ông. Triệu Khuông Dẫn thầm nghĩ: Núi nầy vốn của Quốc gia, nào phải của riêng ta, ông liền bằng lòng. Tuy Khuông Dẫn là tay cao cờ, nhưng làm sao địch nổi Trần Đoàn, vì thế phải bị thua luôn mấy ván. Sau khi được thiên hạ, ông phải giao núi Huê Sơn cho Trần Đoàn Lão Tổ.

CHƠN MẠNG: Chơn: Thật thà, ngay thẳng. Mạng: Khí số, sai khiến. Mệnh đúng thật của Trời ban cho một người nào.

ẨN: Che dấu.

NAM THIÊN: Trời Nam.

*Tóm lược ý câu “Liên mi chơn mạng ẩn Nam thiên”: Hoặc như Triệu Khuông Dẫn còn ẩn mặt ở Trời Nam.

7/-PHÒNG NGƯ: Phòng: Tên loài cá. Ngư: Cá. Cá phòng.

XÍCH VĨ: Xích: Màu đỏ.: Đuôi. Đuôi màu đỏ.

PHÒNG NGƯ XÍCH VĨ: Cá phòng đuôi màu đỏ. Nghĩa bóng:Ý chỉ lá cờ Tam sắc của Pháp.

ĐƯƠNG: Đang, hiện thời.

KIM NHỰT: Kim: Nay. Nhựt: Ngày. Ngày nay. Nghĩa rộng: Hiện đang còn tại đây.

*Tóm lược ý câu “Phòng ngư xích vĩ đương kim nhựt”: Hiện nay lá cờ của thực dân Pháp hiện đang còn tại nước Việt Nam.

8/-DẪN LÃNH: Dẫn: Trương cung lên, đem đến. Lãnh: Nhận làm một việc gì. Nghĩa rộng: Phải hành động khi cần thiết.

MINH LƯƠNG: Minh: Sáng suốt. Lương: Hiền lành. Từ rút gọn “Minh quân lương tướng” (Ông vua sáng suốt và viên tướng tài giỏi).

TRỨ: Rõ rệt.

TỔ TIÊN: Tổ: Người khai sanh một dòng họ hay môn phái. Tiên: Lấy roi mà quất. (Ở đây có thể hiểu là cây roi Thần của ông Tô Địch).

*Tóm lược ý câu “Dẫn lãnh minh lương trứ Tổ tiên”: Nếu Ngài là bậc minh triết, xin hãy đả cho nó một cây roi thần.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Giặc Pháp chiếm Việt Nam đã mấy mươi năm, chưa biết Ngài là vị Tiên nào lâm phàm. Chứ ngày nay những bậc Tiên nhân như ông Trần Hi Di, Triệu Khuông Dẫn…, đều ẩn khuất cả đất Bắc trời Nam. Chỉ thấy bọn Pháp ở khắp mọi nơi trên đất Việt Nam. Nếu Ngài là bậc minh triết, thì xin hãy đả cho nó một cây roi thần.

 

Bài thứ ba mươi sáu

 

ĐỨC THẦY đáp họa :

 

Thiên ký Lạc Hồng đắc ngũ niên,

Sơn Trung hồi giả bí danh Tiên.

Trần nhơn đãi thế Nam tồn tại,

Lão đạo tiền phong Bắc ý truyền.

Trình mỗ ngộ kim khuê cổ địa,

Xích Mi hải hội luật trừng thiên.

Vị phi minh đế đồ tôn nhựt,

Thạnh khí đào thinh giác kỷ tiên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-THIÊN KÝ: Thiên: Trời. : Nhớ, ghi lại. Nghĩa rộng: Trời định sẵn.

          LẠC HỒNG: Họ Hồng Bàng sinh ra Lạc Long Quân, là một ông vua rất xưa của nước ta, gọi chung là Lạc Long, tức là Hồng Lạc và Hồng Bàng. Tổ tiên của người Việt nam.

          ĐẮC: Được.

          NGŨ NIÊN: Ngũ: Số năm. Niên: Năm. Năm năm.

          *Tóm lược ý câu “Thiên ký Lạc Hồng đắc ngũ niên”: Giống Lạc Hồng chịu nạn thực dân Pháp 5 năm nữa. (Lấy cái móc ông Nguyễn Kỳ Trân hỏi Đức Thầy năm Canh Thìn (1940), đến năm Ất Dậu (1945) Nhật hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương. Đức Thầy mới nói: Giống dân Lạc Hồng còn chịu 5 năm nạn của thực dân Pháp. Ngài trả lời câu hỏi trong giai đoạn ông Kỳ Trân nghi vấn. (Thật ra, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tiên đoán thế nào Nhựt cũng thất bại trong năm Ất Dậu (1945). Câu:“Nhựt Bổn không ăn hết nửa con gà”. Quả nhiên, từ ngày 26-7-1945, Đồng Minh chánh thức kêu gọi Nhựt đầu hàng, và ngày 6-8-1945, hai quả bom nguyên tử do Đồng Minh thả xuống hai thành phố của Nhựt là Hiroshima và Nagasaki, đưa nước Nhựt vào tình thế phải quyết định đầu hàng Đồng Minh ngay. Ngài cũng tiên liệu, nếu Nhựt bại trận thì bắt buộc họ phải cướp chánh quyền cai trị Đông Dương, để ứng phó với tình hình trong cái thế chủ động. Chính vì thế mà người Pháp bị ảnh hưởng đến thế lực ở Đông Dương).

          2/-SƠN TRUNG: Danh từ riêng để chỉ hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong bài Tứ Bửu Linh Tự, Đức Phật Thầy Tây An có bốn chữ khoán thủ, đề danh cho Tông phái của Ngài:

      Bửu ngọc quân minh Thiên Việt nguyên,

      Sơn Trung sư mạng địa Nam tiền.

      Kỳ niên Trạng tái tân phục quốc,

      Hương xuất Trình sanh tạo nghiệp yên.

          Ngoài ra chữ Sơn cũng là danh hiệu của một vị Phật. Có thể hiểu Kim Sơn Phật là Phật hiệu của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          HỒI GIẢ: Hồi: Trở lại. Giả: Người, kẻ. Nghĩa bóng: Ý nói Đức Huỳnh Giáo Chủ chuyển kiếp, thừa kế vĩ nghiệp Tôn giáo của Phật Thầy Tây An.

          BÍ: Kín đáo, không nói lộ ra.

          DANH TIÊN: Tộc danh của một vị Tiên nào đó.

          *Tóm lược ý câu “Sơn Trung hồi giả bí danh Tiên”: Ta thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng không thể nói tên.

          3/-TRẦN NHƠN: Người họ Trần, tức là Trần Đoàn, hiệu là Trần Hi Di. (Xem Hi Di, phần trước).

          ĐÃI THẾ: Chờ thời vận.

          NAM: Tức phía Nam, miền Nam Việt Nam.

          TỒN TẠI: Tồn: Còn. Tại: Ở đây. Còn ở đây.

          *Tóm lược ý câu “Trần nhơn đãi thế Nam tồn tại”: Người họ Trần (tức Trần Hi Di) hiện còn ở tại miền Nam Việt Nam. (Ý nói Đức Huỳnh Giáo Chủ có liên hệ với họ Trần, hiện còn ở miền Nam Việt Nam chờ cơ Thiên định).

          4/-LÃO ĐẠO: Tức đạo Lão. Thỉ Tổ là Lão Tử. Ông sinh năm 570 và mất năm 490 trước TL.

          TIỀN PHONG: Tiền: Trước. Phong: Dồi dào.

          BẮC: Phương Bắc (chỉ Trung Hoa).

          Ý TRUYỀN: Ý: Tư tưởng. Truyền: Trao, người nầy trao cho người khác.

          *Tóm lược ý câu “Lão đạo tiền phong Bắc ý truyền”: Đạo Lão đầu tiên khai lập ở Trung Hoa, thỉ tổ là Đức Lão Tử.

          5/-TRÌNH MỖ: Trình: Tức cụ Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm), sanh năm Tân Hợi (1491), mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585). Nguyên quán làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Ngài có hiệu tự là Bạch Vân Cư Sĩ, trong sự nghiệp văn chương Ngài đã trước tác khoảng một ngàn bài thi, trong hai tác phẩm: “Bạch Vân Thi Tập” và “Bạch Vân Quốc Ngữ Thi”. Mỗ: Tiếng tự xưng thân thiện như Tôi, Ta. Nghĩa rộng: Ta là Trạng Trình.

          NGỘ KIM: Ngộ: Không hẹn mà gặp, gặp. Kim: Hiện nay. Nghĩa rộng: Bây giờ đã gặp nhau.

          KHUÊ: Cửa nhỏ trong cung. Nghĩa rộng: Nơi chốn.

          CỔ ĐỊA: Cổ: Xưa. Địa: Đất. Đất xưa. Nghĩa rộng: Nơi, nguyên quán của một người nào đó.

          *Tóm lược ý câu “Trình mỗ ngộ kim khuê cổ địa”: Ta là Trạng Trình tại làng Cổ Am, hiện nay đã trở lại.

          6/-XÍCH MI: Tức Xích Mi Lão Tổ, có nhiệm vụ xuống núi giúp Lưu Kim Đính, diệt trừ Dư Hồng và Dư Triệu để giải giá Thọ Châu thành. Hoặc Xích Mi Lão Tổ vâng mệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế xuống trần hỏi tội Khuông Dẫn vì đã hại bạn mình là Trịnh Ân.

          HẢI HỘI: Hải: Biển. Hội: Nhóm họp có nhiều người tham dự. Nghĩa rộng: Phiên họp có rất đông người, gồm nhiều thành phần đến tham dự.

          LUẬT TRỪNG THIÊN: Phép tắc của Trời để răn đe những người phạm thượng. Có thể hiểu như Luật nhân quả.

          *Tóm lược ý câu “Xích Mi hải hội luật trừng thiên”: Sứ mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ như Xích Mi Lão Tổ.

          7/-VỊ PHI: Vị: Chưa, chừng. Phi: Chẳng phải. Nghĩa rộng: Chưa đến lúc, chẳng phải như vậy.

          MINH ĐẾ: Minh: Sáng suốt. Đế: Ông vua. Ông vua sáng suốt.

          VỊ PHI MINH ĐẾ: Thời kỳ của Minh Đế chưa đến hay chẳng phải thời kỳ của Minh Đế.

          ĐỒ: Mưu tính.

          TÔN NHỰT: Cha ông ngày nay.

          ĐỒ TÔN NHỰT: Mưu tính làm bá chủ.

          *Tóm lược ý câu “Vị phi Minh Đế đồ tôn nhựt”: Ngày nay không phải là thời quân chủ.

          8/-THẠNH KHÍ: Gặp thời vận.

          ĐÀO THINH: Đào: Cây đào. Thinh: Tiếng. Ý nói ba anh em kết nghĩa ở vườn đào là Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi.

          GIÁC: Biết.

          KỶ TIÊN: Kỷ: Mấy. Tiên: Lấy roi mà quất.

          *Tóm lược ý câu “Thạnh khí đào thinh giác kỷ tiên”: Đến thời vận, chẳng những có một cây, mà còn có nhiều chiếc roi để quất nó.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết dân tộc của mình, còn phải chịu nạn của giặc Pháp một thời gian nữa, Ngài xác nhận ở trong hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng không nói danh hiệu. Trong hai câu chuyển và kết, Đức Huỳnh Giáo Chủ cho rằng: Thời kỳ quân chủ chưa đến, chớ khi có vua rồi thì chẳng những một cây, mà còn có nhiều chiếc roi để đả nó.

 

Bài thứ ba mươi bảy

 

Ông NGUYỄN KỲ TRÂN

tức CHÍN DIỆM xướng:

 

Tổ tiên cứu loạn hựu phò nguy,

Hướng thiện khử tà chúng bất tri.

Vô tránh vô tranh thiên hạ thiểu,

Toàn trung toàn hiếu thế gian hy.

Ái mao vị tiện ngô đồng phụng,

Tiết giác thâm tang trạch thủy qui.

Bất tậm tam tâm danh lợi khách,

Đáo đầu thâm mãnh niệm từ bi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-TỔ TIÊN: Tổ: Người khai sanh một dòng họ hay một hệ phái. Tiên: Trước. Nghĩa rộng: Thế hệ trước.

          CỨU LOẠN: Cứu: Giúp đỡ. Loạn: Lộn xộn, binh biến. Nghĩa rộng: Làm cho được yên ổn.

          HỰU: Lại lần nữa.

          PHÒ NGUY: Phò: Giúp đỡ, hỗ trợ. Nguy: Hiểm nghèo, tai hại. Nghĩa rộng: Đem ra khỏi cảnh nguy hiểm.

          *Tóm lược ý câu “Tổ tiên cứu loạn hựu phò nguy”: Thế hệ trước đã từng cứu giúp dân lành và gánh vác non sông mỗi khi hữu sự.

          2/-HƯỚNG THIỆN: Làm việc lành, quay trở về con đường lành.

          KHỬ TÀ: Khử: Trừ bỏ. : Không ngay thẳng, ma quỉ. Diệt trừ ma quỉ.

          CHÚNG: Mọi người, chỉ chung con người cùng sinh sống trong cộng đồng thế giới.

          BẤT TRI: Bất: Không. Tri: Biết. Không biết, không hiểu rõ.

          *Tóm lược ý câu “Hướng thiện khử tà chúng bất tri”: Ít người hiểu rõ việc làm lành và diệt trừ thói hư tật xấu.

          3/-VÔ TRÁNH: : Không. Tránh: Cản ngăn. Không cản ngăn.

          VÔ TRANH: : Không. Tranh: Giành giựt. Không giành giựt, tranh đoạt của người khác.

          THIÊN HẠ: Chỉ chung mọi người cùng sinh sống trong quả đất.

          THIỂU: Ít, đối với nhiều.

          *Tóm lược ý câu “Vô tránh vô tranh thiên hạ thiểu”: Ít có người không tranh giành địa vị, quyền lợi cho riêng mình.

          4/-TOÀN TRUNG: Tròn bổn phận làm tôi: Trung quân ái quốc.

          TOÀN HIẾU: Tròn bổn phận đối với Tổ tiên, cha mẹ.

          THẾ GIAN: Thế: Đời. Gian: Khoảng giữa. Nghĩa rộng: Ý nói cõi chúng sanh đang sống.

          HY: Ít thấy, lạ thường.

          *Tóm lược ý câu “Toàn trung toàn hiếu thế gian hy”: Vẹn toàn trung hiếu ít có ở thế gian.

          5/-ÁI MAO: Ái: Yêu thương. Mao: Lông, nghĩa rộng: Họ. Nghĩa bóng: Nuối tiếc một dòng họ hay một triều đại.

          VỊ TIỆN: Vị: Chưa. Tiện: Thuận lợi. Chưa thuận lợi. Nghĩa bóng: Chưa đến thời cơ để thi hành phận sự.

          NGÔ ĐỒNG: Tên một thứ cây, đến mùa thu thì lá rụng trụi cành. Thơ cổ: “Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu” (Ngô đồng một lá rụng rơi, Ai ai cũng biết cảnh trời sang thu).

          PHỤNG: Con chim phượng hoàng, một trong tứ linh (Long, lân, qui và phượng).

          *Tóm lược ý câu “Ái mao vị tiện ngô đồng phụng”: Vì thương cái bộ lông, nên con chim phượng hoàng chọn cây ngô đồng mới đậu, nhưng chưa gặp được cây ấy. (Nghĩa bóng: Vì chưa gặp được minh chủ nên còn ẩn nhẫn chờ đợi).

          6/-TIẾT GIÁC: Tiết: Lộ ra ngoài. Giác: Chiếc sừng. Nghĩa rộng: Đã có sừng.

          THÂM TÀNG: Thâm: Sâu xa. Tàng: Cất giữ, giấu kín.

          TRẠCH: Ân huệ mưa móc.

          THỦY QUI: Thủy: Nước. Qui: Con rùa. Con rùa ở dưới nước.

          *Tóm lược ý câu “Tiết giác thâm tàng trạch thủy qui”: Vì con qui đã có sừng (Ý nói loài tổ của rùa), gọi là rắn tổ, nên còn trầm mình ở đáy vực sâu. (Nghĩa bóng: Ý nói một nhân vật tiếng tăm nào đó, còn đang chờ thời cơ thuận tiện).

          7/-BẤT TẬN: Bất: Không. Tận: Cùng tột. Không cùng tột. Nghĩa bóng: Không thể đo lường, sánh nổi.

          TAM TÂM: Có hai nghĩa: a)- Tam tâm: - Nhục đoàn tâm: Trái tim. - Duyên lự tâm: Lòng lo lắng. - Chơn như tâm: Tánh Phật. b)- Tam tâm: Tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai. Trong Kim Cang Kinh: Tỷ dụ chuyện bà lão: Có một người đàn ông ôm chồng sách đến quán bà để giải khát. Bị bà lão hỏi về Tam tâm trong kinh Kim Cang, Bà nói: Tâm hiện tại nó là một khối thịt không hơn không kém. Tâm quá khứ nó đã qua, ta không còn thấy. Tâm vị lai (hiện tại)(?) là chưa có, ta không thể biết. Vậy chẳng hay ba tâm ngài dụng tâm nào ? Người đàn ông thật lúng túng.

          DANH LỢI: Danh: Tên tuổi, tiếng tăm địa vị trong xã hội. Lợi: Cái mà mình thu được. Nghĩa rộng: Công danh và lợi lộc.

          KHÁCH: Người từ phương xa đến. Nghĩa bóng: Ý nói chúng sanh đang sinh sống trong cõi Ta bà, tạm bợ như người khách. [Vấn đề chủ khách, chúng tôi xin trích một đoạn trong kinh: “Ông A Nan nói: Những món mà ông tìm thấy đều là khách, nghĩa là có tới có lui, có vinh thì có nhục, có xuất hiện rồi cũng có hư hoại, không thật vĩnh cửu. Cho nên ông đi tức là khách, còn cái nào ông tìm gặp nó thì đời đời theo ông mãi. Nó không rời xa ông, cái đó ông giữ lấy tức là chủ ].

          *Tóm lược ý câu “Bất tận tam tâm danh lợi khách”: Trong tam tâm của mọi người không thể nói rõ đầu mối, bàn bạc không rốt ráo được. Chỉ biết nó ở trong ta như là một người khách.

          8/-ĐÁO ĐẦU: Đáo: Đến. Đầu: Đầu mối, chuyện. Nghĩa rộng: Đến cuối cùng và bắt đầu trở lại. Nghĩa bóng: Tạo nhiều nghiệp dữ, nhưng sau cùng cũng phải từ bỏ nó.

          THÂM MÃNH: Thâm: Sâu xa. Mãnh: Manh, từng phần, nghĩa rộng: Dữ dội. Nghĩa bóng: Điều gì đó xảy ra rất dữ dội, hậu quả không thể đo lường được.

          NIỆM: Nghĩ đến.

          TỪ BI: Từ: Hiền lành. Bi: Thương xót. Hai trong bốn đại đức của chư Phật (Đức từ, đức bi, đức hỉ và đức xả).

          *Tóm lược ý câu “Đáo đầu thâm mãnh niệm từ bi”: Sau cùng cũng quay về con đường đạo.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Ông đã nói rõ: Gia đình của ông là một gia đình cách mạng (Nói theo đúng nguyên văn), và là một gia đình biết phục thiện, nhưng người tôi chưa rõ biết. Bây giờ cho ông nói rằng: Gia đình ông không tranh không cải, trung hiếu lưỡng toàn. Hay nói một cách khác: Con chim phượng nó bay cao tìm gặp cây ngô đồng, nó không thèm đậu. Theo danh lợi chừng nào ông gặp Phật, ông sẽ vui lòng niệm chữ từ bi.

 

Bài thứ ba mươi tám

 

ĐỨC THẦY đáp họa :

 

Kỷ tiên hữu nhựt ngã đình nguy,

Lượng trí bồi thành thử tất tri.

Võ kỷ hung phong nhơn mạt thiểu,

Thần Tiên tiểu ẩn cổ lai hy.

Thí sanh tán địa liên đài phụng,

Nam sĩ bài kỳ phục kiết qui.

Vạn vật an ninh thông điện khách,

Nhứt trường Lê thứ kiến vô bi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-KỶ TIÊN: Kỷ: Mấy. Tiên: Cây roi. Nghĩa rộng: Nhiều cây roi.

          HỮU NHỰT: Hữu: Có. Nhựt: Ngày. Có ngày.

          NGÃ: Ta. Tiếng tự xưng.

          ĐÌNH NGUY: Đình: Chỉ một triều vua (Triều đình). Nguy: Hiểm nghèo. Nghĩa bóng: Đất nước gặp nguy biến.

          *Tóm lược ý câu “Kỷ tiên hữu nhựt ngã đình nguy”: Có ngày ta cũng sử dụng đến chiếc roi đó.

          2/-LƯỢNG TRÍ: Lượng: Đo lường. Trí: (có thể là Tri). Nghĩa rộng: Sức hiểu biết.

          BỒI THÀNH: Bồi: Vun đắp. Thành: Bức thành. Nghĩa bóng: Ra sức để vun đắp cho sự nghiệp hay một vị trí nào đó.

          THỬ: Ấy, vậy.

          TẤT TRI: Tất: Hẳn như vậy. Tri: Biết. Nghĩa rộng: Hẳn đã am tường.

          *Tóm lược ý câu “Lượng trí bồi thành thử tất tri”: Lấy cái trí bồi thành đắp lũy ấy sẽ biết.

          3/-VÕ KỶ: : Còn gọi Vũ: Mưa. Kỷ: Mình. Nghĩa rộng: Tự coi mình như gió to mưa lớn. Nghĩa bóng: Tự xem mình hơn người.

          HÙNG PHONG: Hùng: Mạnh mẽ. Phong: Bộ dạng. Hình dáng mạnh mẽ. Từ “Võ kỷ hùng phong” ý nói một lối xưng hô:“Vỗ ngực xưng tên”, tự coi mình là trên hết.

          NHƠN: Người.

          MẠT THIỂU: Mạt: Ngọn, không có. Thiểu: Ít (đối với nhiều).

          *Tóm lược ý câu “Võ kỷ hùng phong nhơn mạt thiểu”: Tự coi mình như gió to mưa lớn. Ý nói tánh tự cao tự đại thì không phải ít

          4/-THẦN TIÊN: Thần: Trời đất sinh ra vạn vật. Vật đều có chủ với tính cách thiêng liêng, gọi là Thần. Ví dụ: Thần núi, Thần lửa v.v…Hoặc những người có công trạng với dân với nước, sau khi chết được phong thần. Tiên: Người tu trên núi, để được trường sanh bất lão, thường biết pháp thuật. (Do đó chữ Tiên có chữ Nhân và chữ San, hợp thành chữ Tiên). Ý nói người tu trên núi được thành Tiên.

          TIỂU ẨN: Tiểu: Nhỏ. Ẩn: Che dấu. Nghĩa rộng: Chưa ra mặt.

          CỔ: Xưa.

          LAI HY: Lai: Đến. Hy: Ít, lạ thường. Lai Hy: Viết tắt câu “Tự cổ lai hy” (Từ xưa đến nay ít thấy). Nghĩa rộng: Ít thấy xảy ra trong đời thường.

          *Tóm lược ý câu “”Thần Tiên tiểu ẩn cổ lai hy”: Thần Tiên mà còn có lòng nho nhỏ, từ xưa đến nay hiếm thấy trong đời.

          Ý nói là bậc Thần Tiên thì không còn riêng tư thiên vị.

          5/-THÍ SANH: Thí: Đi thi. Sinh: Học trò. Người học trò đi thi.

          TÁN ĐỊA: Cũng như chữ Dịch Địa. Nghĩa bóng: Thay đổi cái thế đứng.

          LIÊN ĐÀI: Liên: Nối liền. Đài: Nhà cung đình cất trên cao.

          PHỤNG: Con phượng, một trong vật tứ linh (Long, lân, qui và phụng).

          Tóm lược ý câu “Thí sanh tán địa liên đài phụng”: Sau nầy có cuộc tẩy trần, thì mới biết ai phượng ai không.

          6/-NAM SĨ: Kẻ sĩ ở phương Nam.

          BÀI KỲ: Bài: Bày ra, đặt ra, còn có nghĩa lay động. Kỳ: Cờ.

          PHỤC: Trở lại như xưa.

          KIẾT QUI: Kiết: Còn gọi là Cát: Tốt lành. Qui: Con qui. Nghĩa rộng: Con qui hiền lành.

          *Tóm lược ý câu “Nam sĩ bài kỳ phục kết qui”: Nước Việt Nam sau nầy có Quốc kỳ, đến thế thì qui, rùa, phụng gì mới rõ.

          7/-VẠN VẬT: Vạn: Một muôn, mười nghìn. Tượng trưng cho con số nhiều. Vật: Những gì ở chung quanh ta. Nghĩa rộng: Mọi vật trong vũ trụ.

          AN NINH: An: Yên ổn. Ninh: Ổn định. Nghĩa rộng: Hài hòa yên ổn.

          THÔNG: Suốt, khắp. Nghĩa rộng: Qua lại với nhau.

          ĐIỆN KHÁCH: Điện: Nhà cao lớn. Nơi vua ở hay chốn thờ Phật Thánh Tiên. Khách: Người từ phương xa đến. Ngoài ra gọi chung người ta cũng dùng chữ khách. Như: Chính khách, Hiệp khách…

          *Tóm lược ý câu “Vạn vật an ninh thông điện khách”: Nghĩa bóng: Chế ngự được vọng tâm, không để vương theo cảnh, thì sẽ làm chủ được càn khôn.

          8/-NHỨT TRƯỜNG: Nhứt: Một. Trường: Khoảng đất rộng, có nhiều người tụ họp. Nghĩa rộng: Một việc gì sau khi đã kết thúc.

          LÊ THỨ: Lê: Đông đúc, còn có nghĩa Lê dân. Nghĩa rộng: Dân chúng đông đúc, mọi người dân đều đầu đen, máu đỏ. Thứ: Nhiều, dân sự. Chỉ chung những người cùng sống trong quả đất.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          VÔ BI: : Không. Bi: Thương xót.

          *Tóm lược ý câu “Nhứt trường lê thứ kiến vô bi”: Có ngày mọi người sẽ sống bình yên hạnh phúc, không còn cảnh đau thương.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết: Cũng sẽ sử dụng đến những cây roi, để cứu nguy cho bá tánh (Ý nói cứu nguy cho cái ta, tức bản ngã). Người lấy cái chí, lượng trí bồi thành mà xét thì biết, kẻ coi mình không ai hơn cái đó thì nhiều. Vả lại, Thần Tiên mà còn ẩn mặt là điều hiếm thấy xảy ra, còn có thi thì đậu rớt sẽ xảy ra hãy hay (1).

(1) Chữ ngã ở đây là bản ngã, tức cái ta ở mỗi con người. Cái ta nầy cần phải đánh nó. Vì sao ? – Vì cái ta ấy mắc kẹt trong cái đình nguy nan vạn khổ. Còn ông (Chỉ ông Chín Diệm), với tài năng: Lượng trí bồi thành, sao lại không rõ ? Những hạng người hay ỷ lại nầy không phải là ít. Còn việc Thần Tiên mà phải chịu tiểu ẩn, xưa nay là có mấy người ? Đức Huỳnh Giáo Chủ:

Xưa nay không có mấy khi,

Dương trần có Phật vậy thì xuống đây.

Thật là một ngon roi đả Thần Tiên, vừa đánh trúng vào tâm lý của ông Chín Diệm. Còn chuyện đậu hay rớt; qui, rùa, phượng hay không phượng thì sau khóa thi sẽ rõ.

          @Để có cái nhìn toàn diện đối với những bài thi mà ông Nguyễn Kỳ Trân (Chín Diệm) đã xướng và Đức Huỳnh Giáo Chủ họa lại. Hai bài thi sau đây của ông Chín Diệm tuy không phải là gốc Hán, nhưng phát nguồn từ nội dung các bài thi mà ông đã xướng vừa qua. Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đáp lại và tặng thêm hai bài. Do đó, chúng tôi cũng biên tập vào đây để quí vị rộng tầm nghiên cứu: Dòng tư tưởng của ông Chín Diệm và Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Bài thứ ba mươi chín

 

Ông NGUYỄN KỲ TRÂN xướng:

 

Gió xuân muôn vật toại lòng rồi,

Nghĩ lại bâng khuâng đạo chúa tôi.

Cá phụ vẫy vùng trong dấu cạn,

Trông chừng dấu nước luống ngậm ngùi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-GIÓ XUÂN: Gió: Không khí chuyển động từ trên cao xuống dưới thấp. Xuân: Mùa đứng đầu trong năm (Xuân, Hạ, Thu và Đông).

          MUÔN VẬT: Nghĩa của từ Vạn vật. Mọi vật chung quanh ta, đại loại gồm có con người và các loài kể cả Động vật và Thực vật.

          TOẠI: Thỏa lòng mong ước.

          LÒNG RỒI: Tâm hồn được thảnh thơi.

          *Tóm lược ý câu “Gió xuân muôn vật toại lòng rồi”: Gió mùa Xuân làm cho vạn vật mát mẻ, thoải mái trong lòng. Nghĩa bóng: Gặp được sự may mắn làm cho tâm hồn được yên ổn.

          2/-NGHĨ LẠI: Đắn đo suy xét thật kỹ lưỡng.

          BÂNG KHUÂNG: Buồn lo một cách vô cớ, canh cánh mãi bên lòng một điều gì đó.

          ĐẠO: Là một con đường, là một bổn phận, là chân lý tuyệt đối. Đức Huỳnh Giáo Chủ:“Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với Trời Phật, của mình đối với Đồng bào Nhân loại và của mình đối với mình”.Con đường hợp với lẽ phải, từ chỉ chung về Tôn giáo.

          CHÚA TÔI: Nghĩa của chữ quân thần. Ông vua và bầy tôi.

          *Tóm lược ý câu “Nghĩ lại bâng khuâng đạo chúa tôi”: Suy cho cùng bổn phận thần tử đối với vua và đất nước chưa tròn, đó là điều đắn đo mãi không thể nói ra được.

          3/-CÁ PHỤ:: Loại động vật sống ở dưới nước. Phụ: Do chữ tự phụ: cho mình là hay giỏi. Nghĩa bóng: Loài cá sống dưới nước cho mình là thong thả hơn hết. Cũng như con người thường hay khoe khoang hơn kẻ khác.

          VẪY VÙNG: Tunh hoành khắp chốn.

          TRONG DẤU CẠN: Còn mắc trong vũng nước cạn, chưa thoát được ra sông sâu bể cả. Nghĩa bóng: Còn trong vòng cương tỏa.

          *Tóm lược ý câu “Cá phụ vẫy vùng trong dấu cạn”: Con cá phải sống phụ thuộc vào vũng nước, nhưng vẫn tự phụ cho rằng mình thong thả. Còn con người đang mắc trong vòng sanh tử luân hồi, mà vẫn cho mình sung sướng hạnh phúc.

          4/-TRÔNG CHỪNG: Thỉnh thoảng nhìn xem.

          ĐẤU NƯỚC: Đấu: Đồ dùng để đong ngày xưa. Nước: Thể lỏng. Nghĩa bóng: Diện tích nước rất hạn hẹp, ý nói con người còn mắc trong vòng cương tỏa.

          LUỐNG: Uổng, mất công.

          NGÙI NGÙI: Cảm động một cách sâu sắc.

          *Tóm lược ý câu “Trông chừng đấu nước luống ngùi ngùi”: Thấy nước sắp cạn kiệt mà lấy làm lo lắng cho loài cá. Ý nói cuộc đời sắp kết thúc mà lấy làm tiếc thương, cảm động cho những người quá ư thờ ơ lãnh đạm.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Tuy gió mùa Xuân làm cho con người khoan khoái, nhưng suy nghĩ cho cùng, đạo làm tôi chưa vẹn, ngổn ngang trăm mối tơ lòng, bởi kiếp người như cá chậu chim lồng, không biết ngày nào bị đào thải, vì thế mà phải xúc động trong lòng.

 

Bài thứ bốn mươi

 

Ông NGUYỄN KỲ TRÂN xướng: (tt)

 

Ngùi ngùi trông thấy đám mây xanh,

Thoạt vậy mưa tuôn đượm nhánh nhành.

Thẩm đến rừng nhu tơi vật sắc,

Dầu ai đấp lũy nguyện bồi thành.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NGÙI NGÙI: (Xem bài trước).

          TRÔNG THẤY: Nhìn cảnh vật một cách rõ ràng, hiện ra trước mắt.

          ĐÁM MÂY XANH: Nghĩa của Phù thanh vân. Cổ thi có câu: “Nhất đán công đạo khai, công danh tại bình địa”.(Một mai đường công danh mở, thanh vân tại đất bằng). Nghĩa bóng: Điềm lành, tin lành.

          *Tóm lược ý câu “Ngùi ngùi trông thấy đám mây xanh”: Cảm động khi thấy nguồn đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, như báo hiệu một tin lành cho hết thảy mọi người.

          2/-THOẠT VẬY: Thoắt một cái đã…như thế.

          MƯA TUÔN: Trời mưa nặng hạt, mưa lớn.

          ĐƯỢM: Nhuộm thắm.

          NHÁNH NHÀNH: Cành con.

          *Tóm lược câu “Thoạt vậy mưa tuôn đượm nhánh nhành”: Như thể là một đám mưa, làm cho cây cối tốt tươi. (Ý nói Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo, mọi người sẽ hưởng được nguồn ân pháp nhũ).

          3/-THẨM ĐẾN: Thẩm: Đồng nghĩa với thắm. Nghĩa rộng: Tươi tốt khắp nơi.

          RỪNG NHU: Do câu “Rừng Nhu bể Thánh” (Chữ nghĩa của Thánh hiền nhiều và rộng lớn như rừng, như biển. Nghĩa bóng: Ý nói bậc Nho sĩ hay Đạo Nho.

          TƠI: Rách tưa.

          VẬT SẮC: Vật thể và màu sắc.

          Tóm lược ý câu “Thẩm đến rừng Nhu tơi vật sắc”: Ông nói ông là nhà Nho hủ lậu, nếu mưa thường thì không thấm.

          4/-DÙ AI: Dẫu cho người nào đó.

          ĐẤP LŨY: Xây hàng rào bao bọc kiên cố để ngăn chặn. Nghĩa bóng: Đứng chịu bước tiến của giặc.

          NGUYỆN: Mong muốn, mong ước.

          BỒI THÀNH: Bồi: Vun đắp. Thành: Cái thành. Nghĩa rộng: Bảo vệ thành trì kiên cố.

          *Tóm lược ý câu “Dù ai đấp lũy nguyện bồi thành”: Cho dù ai có tài năng đấp lũy, còn ông thì nguyện bồi thành (Việc làm nhẹ hơn).

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Ngày nay ông gặp được Phật rồi, ông sẽ lần lần tiến bước trên con đường đạo pháp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn