6- TỨ DIỆU ĐẾ (Bài hai)

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 47880)
6- TỨ DIỆU ĐẾ (Bài hai)

LƯỢC GIẢI:

          Như chúng tôi đã giới thiệu, Đức Thầy giảng pháp Tứ Diệu Đề hai lần. Chúng ta vừa nghiên cứu qua bài Sơ giải Tứ Diệu Đề Ngài dạy năm 1942, giờ đây chúng ta cần khảo xét bài Tứ Diệu Đề Ngài viết trong “Giác Mê Tâm Kệ” (1939).

          Ôn lại quá trình lịch sử, Đức Thích Ca khi xưa qua 5 thời kỳ thuyết pháp độ sanh, gồm có 3 tàng Kinh điển hàm chứa vô lượng pháp môn. Có những pháp, Phật chỉ giảng lược qua một lần, cũng có những pháp Phật giảng đi giảng lại nhiều lần, như ngay lúc sơ khởi Phật đã thuyết Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo, Thập nhị Nhân Duyên...Rồi đén thời kỳ Niết Bàn chót hết, Ngài cũng giảng lại pháp ấy, nhưng Ngài giảng sâu hơn, để phá chấp cho các hàng La Hán và Bồ Tát. Những Pháp môn Đức Phật áp dụng liên tục như vậy, quả là những giáo lý căn bản, then chốt trong Đạo Phật.

          Thời nay, tới Đức Thầy cũng thế: pháp Tứ Diệu Đề Ngài giảng 2 lần, còn Bát Chánh Đạo giảng luôn 3 lần. (Lần 1 trong Giác Mê Tâm Kệ, lần 2 trong bài Dặn Dò Bổn Đạo, lần 3 (văn xuôi) trong phần nhì Thi Văn Giáo Lý năm 1942). Bài pháp Tứ Diệu Đề trong Giác Mê Tâm Kệ, Ngài lược tả bằng văn vần. Chúng tôi căn cứ vào đây mà diễn lược ý nghĩa để chúng ta cùng tu học hết hai bài mới thấy chỗ dụng ý của Ngài. Mở đề cho bàp Pháp luận nầy, Ngài nói:

                   “Tứ Diệu Đề ai có mến ưa,

                   Thì Lão cũng kể sơ thêm nữa”.

          1-TẬP ĐỀ: Tu tập sửa đổi.

          Ý nói khi mới đặt chân vào cửa Đạo, nhà tu cần ghép mình trong khuôn khổ luật nghi và lo trau sửa thân tâm, cho đúng theo lời chỉ giáo của Tổ Thầy. Với công hạnh tu sửa nầy, dù gặp nhiều khó khăn, cực nhọc ta cũng phải cố gắng trì hành.

                    “Qui y thì khá làm y,

               Giữ lòng thanh tịnh Từ bi giúp đời”.

          Có được như vậy mới chứng đặng quả vị Phật Thánh, và siêu sanh vào Niết Bàn, Cực lạc như Ngài đã dạy:

                   “Chữ Tập Đề nay đà mở cửa,

                   Để đem vào khuôn khổ người hiền.

                   Rán cực lòng một bước đầu tiên,

                   Sau mới được làm nên Phật Thánh”.

          2-DIỆT ĐỀ: Diệt trừ ác nghiệp phiền não.

          Ý nói đồng thời với sự khép mình trong qui điều giới luật, hành giả phải cương quyết diệt trừ tập nghiệp vô minh phiền não như: Tam nghiệp, tham, sân, si hay thất tình lục dục hoặc lục căn ô nhiễm lục trần...

          Vì những phiền não dục tình ấy đã kết thành ác nghiệp từ lũy kiếp, làm cho tâm trí ta mê mờ mà phải chuyển luân trong sáu đường sanh tử, nên nay ta phải cố gắng tiêu trừ tận gốc của nó mới đặng chứng quả:

                  “Về thượng giới cõi Tiên mới bảnh,

                   Đến Diệt Đề trừ vật dục xưa.

                   Cõi hồng trần các việc mến ưa,

                   Sự giả tạm ta nên rứt bỏ”.( ĐT)

          3-KHỔ ĐỀ: Chịu đựng sự khó nhọc và kiên nhẫn tu hành:

          Ý dạy rằng: Từ lâu chúng ta đã quen theo việc làm quấy, nói quấy, tưởng quấy (tam nghiệp, thập ác). Giờ đây ta muốn chuyển hóa nó lại là một điều rất khó. Ngoài ra còn có bao điều khổ khó khác, như: pháp nạn, thời gian thử thách, danh, lợi, tình câu nhữ...dễ làm cho lòng mình thối chuyển. Cho nên nhà tu phải kiên trinh nhẫn nại. “Dù cho lăn lóc rán kiên trinh”, để vượt qua các trở ngại ấy, hầu tiến tới mục đích:

                   Muốn tâm tánh ngày kia sáng tỏ,

                   Thì Khổ Đề phải chịu nhọc nhành.

                   Lòng dục tu thì phải thiệt hành,

                   Chớ đừng có ham điều sung sướng”.( ĐT)

          4-ĐẠO ĐỀ: Tiến hành Bát Chánh Đạo.

          Đại ý Đức Thầy dạy: đồng thời với sự kiên tâm trì chí, hành giả phải thành tâm thật ý, tiến hành theo con đường Bát Chánh Đạo sẽ trừ được Bát tà (Bát tà: Tà kiến, Tà tư duy, Tà nghiệp, Tà tinh tấn, Tà ngữ, Tà mạng, Tà niệm và Tà định.) và bứng tận gốc vô minh phiền não, tất được hoát nhiên tỏ ngộ chỗ quang vinh vi diệu vô cùng tận của Đạo tâm. Ấy gọi là thành quả giải thoát vào Niết Bàn:

                   “Đức Phật Tổ nào đâu hẹp lượng,

                   Chịu nhọc nhằn mới rõ Đạo Đề.

                   Thấy một đàng thẳng bẳng mà mê,

                   Ôi ! chừng đó mới là mầu nhiệm”.( ĐT)

          -Sở dĩ pháp Tứ Diệu Đề Đức Thầy viết năm 1939 có khác bài viết năm 1942, tức là có đổi số thứ tự và định nghĩa không giống nhau là vì thời hạ ngươn mạt pháp, Đạo Phật bị suy yếu “Pháp môn bế mạt, Thánh Đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma Vương khuấy rối...” Căn cơ chúng sanh cạn hẹp, nghiệp quả dẫy đầy. Lại thêm nhơn loại đang tiến theo đà văn minh vật chất. Sống trong cảnh khổ mà họ cho là an vui hạnh phúc, nên khó nhận được sự khổ và gốc sanh ra đau khổ để lo tu hành.

          Do đó, Đức Thầy mới tùy theo cơ duyên và hoàn cảnh hiện tình mà Ngài áp dụng phương thức đối cơ (xứng hạp với cơ duyên). Khiến họ dễ tỉnh thức quày đầu hướng thiện. Ngài hướng dẫn người tu từ dễ đến khó, từ hình thức chuyển đến nội tâm (vô vi), tức là từ chỗ biết kính tin Trời, Phật, qui y Tam Bảo, rồi lễ bái công phu, khép mình vào luật nghi trai giới, lánh ác hành thiện (Tập đề).Kế tiếp là lo tu sửa tâm ý, diệt trừ phiền não vô minh và dục vọng: danh, lợi, tình...(Diệt Đề). Để được thành công kết quả, hành giả phải kiên tâm trì chí và chịu khó nhọc hành trì mãi cho đến khi thành đạt (Khổ đề). Song muốn tẩy trừ cho sạch tâm trần ô nhiễm, nhà tu phải tiến hành theo con đường Bát Chánh Đạo (Đạo đề), tất sẽ được giải thoát sanh tử vào Niết Bàn.

          -Đến năm 1942, Đạo Phật lần lần chấn hưng và sau 3 năm tu học Đạo Pháp, trình độ môn đồ Phật tử, cũng được tiến lên mức độ; Đức Thầy mới viết bài “Sơ giải Tứ Diệu Đề” theo ý của Đức Phật, song cũng có đổi số thứ tự là Đạo trước Diệt sau.

          Trước nhứt Ngài chỉ cho mọi người nhận rõ các sự khổ của mỗi chúng sanh đang gánh chịu (Khổ Đề) là do tập nghiệp vô minh phiền não gây ra (Tập đề). Giờ muốn giải thoát phải trì hành “Bát Chánh Đạo”( Đạo Đề).

          Khi hoàn thành tám điều chánh thì gốc sanh tử hết, tức được trở về với Bản Lai Thanh Tịnh, Chơn như Diệu Minh của chính mình. Ấy gọi là Niết Bàn giải thoát (Diệt Đề).

          -Nhận xét giữa hai bài Tứ Diệu Đề, Đức Thầy viết năm 1939 và năm 1942, thấy rằng chỉ khác nhau ở phương tiện sửa đổi cho thích ứng trình độ và căn cơ, hoàn cảnh của mỗi chúng sanh; chớ chỗ qui túc cũng đồng mục đích giải khổ và thành Đạo như nhau. Nhà tu nếu nương theo pháp Tứ Diệu Đề nhận rõ sự khổ và nguyên nhân sanh khổ mà tiêu diệt nó mới đạt Đạo Vô Thượng Bồ Đề.

          Tóm lại từ xưa chư Phật ba đời giáo hóa chúng sanh đều dùng pháp Tứ Diệu Đề làm căn bản. Nó vừa mầu nhiệm vừa thực tế (chân lý), không ai mà chẳng công nhận. Là một môn đồ nhà Phật, mỗi người trong chúng cần khảo xét tinh tường về bốn chân lý chắc thật nầy và hăng hái thực hành để độ mình, độ chúng ra khỏi vòng sanh tử mà thành Đạo giải thoát. Đặng vậy mới chẳng phụ công trình giáo hóa của Đức Phật, Đức Thầy.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

           PHẬT THÁNH: Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ và tỉnh thức. Ở đây chỉ cho bậc Phật thừa hay tối thượng thừa và hàng Bồ tát Đại Thừa, hoặc Duyên Giác Trung thừa. Phật là đối với chúng sanh. Đức Thầy khuyên:

                   “Rán bắt chước làm theo Phật Thánh,

                   Nếu thiệt người thì biết thương người”.

          THÁNH ở đây chỉ cho hàng Tứ Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán của hàng Thinh Văn Tiểu Thừa. Bởi tùy theo tâm đức và công năng tu tập pháp Tứ Diệu Đề mà kết quả có rộng hẹp cao thấp khác nhau. Thánh là từ đối với phàm.

          TRỪ VẬT DỤC XƯA: Diệt trừ tận gốc lòng ham muốn các vật chất danh, lợi, tình hay lục dục. Bởi nó có sẵn trong tâm thức (A Lại Da Thức) của mỗi người từ vô thỉ tới giờ, nên gọi là xưa. Đây cũng chỉ cho vô minh phiền não:“Trừ vật dục trì chơn bất hoại”.( ĐT)

          SỰ GIẢ TẠM: Sự vật không thật có, không bền chắc lâu dài, có được thời gian rồi tan mất. Ý chỉ cho vạn vật trong thế gian những cái gì thuộc về hình tướng, như gia tài, sự nghiệp, vợ đẹp, con ngoan hay thân xác của ta đều đi theo định luật: thành, trụ, hoại, không. Chẳng có một vật nào giữ được bền lâu nên gọi là giả tạm. Cổ nhân từng bảo:

               “Thương bấy người đời không vẫn không,

                 Ruộng vườn nhà cửa có như không.

                 Vợ con cha mẹ lâu rồi chết,

                 Danh lợi giàu sang rốt cuộc không.

                 Trăm khéo trăm khôn đều giả tạm,

                 Ngàn mưu ngàn kế cũng huờn không.

                 Suốt đời lo lắng gầy cơ nghiệp,

                 Nhắm mắt hai tay vẫn phủi không”.

          Kinh Kim Cang, Phật cũng bảo:

                   “Nhất thiết hữu vi pháp,

                     Như mộng huyễn bào ảnh.

                     Như lộ diệc như điển,

                     Ưng tác như thị quán”.

          Tạm dịch:

(Phật rằng: muôn pháp trong đời,

Ví như sương bọt giữa vời dễ tan.

Chiêm bao điện chớp tiếng vang,

Đến như thân xác hơi tàn còn đâu !)

          Đức Thầy nay cũng thường cho biết:“Cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt mây bèo; những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác, rồi đến người khác nữa. Nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai...”

          NHỌC NHÀNH: Cũng viết là nhọc nhằn. Có nghĩa vất vả, nhiều việc khó khăn cực nhọc.

          MẦU NHIỆM: Cũng gọi là nhiệm mầu. Có nghĩa sâu kín và huyền diệu vô cùng, khó diễn tả và nghĩ bàn cho hết được:“ Đạo lý tầm sâu, sâu chẳng cạn”.( ĐT) Ý nói người tu Đạo Đề, tức là Bát Chánh Đạo thì tỏ ngộ được cái chơn lý vô sanh bất diệt (Niết Bàn) thì kết quả mầu nhiệm vô cùng.

         

CÂU HỎI

          1/-Định nghĩa Tứ Diệu Đề theo bài Đức Thầy viết năm 1939 ?

          2/-Tại sao Đức Thầy viết Tứ Diệu Đề hai lần ?

          3/-Hãy cho biết Tập Đề bài năm 1939 ?

          4/-Diệt Đề theo ý bài nầy ra sao ?

          5/-Khổ Đề theo đây có nghĩa như thế nào ?

          6/-Phần Đạo Đề có ý nghĩa gì ?

          7/-Lý do nào Đức Thầy giải hai bài Tứ Diệu Đề khác nhau ?

          8/-Hãy tóm lược bài Tứ Diệu Đề năm 1942 ?

          9/-Đại khái bài Tứ Diệu Đề năm 1939 ra sao ?

          10/-Nhận xét hai bài Tứ Diệu Đề khác và giống nhau ở điểm nào ?

          11/-Kết luận bài Tứ Diệu Đề năm 1939 ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn