CHÁNH VĂN (Từ câu 431 tới câu 506)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 31751)
CHÁNH VĂN (Từ câu 431 tới câu 506)

431.-Việc đạo-đức bất cần thối thắng,

Chữ tu hiền ngay thẳng lần hồi.

Thấy Thiên-cơ khó nỗi yên ngồi,

434.-Thương lê-thứ tới hồi khổ-não.

Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo,

Như vịt con dìu-dắt nhờ gà.

Phải nghĩ suy cạn lẽ mới là,

438.-Nay gặp gốc phải mau tìm gốc.

Để gặp Phật ngồi mà than khóc,

Gỡ làm sao hết rối mà về.

Mắt nhìn xem yêu quái bốn bề,

442.-Bởi ác đức nên không ai cứu.

Mang thủy ách hồi năm Đinh-Sửu,

Đến năm nay tái lại một lần.

Khổ ách này đặng thức-tỉnh trần,

446.-Rằng thiên-định tuồng đời sắp hạ.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 431 đến câu 446)

          -Đoạn giảng qua, Đức Thầy khuyên dạy tín đồ trên con đường hành đạo: không nên bê trễ, cũng không quá vội vàng mà phải từ từ tiến mãi:“ Đường đạo đức bước đi từ nấc”.(Diệu pháp Quang minh) Xét thấy cơ trời đã biến chuyển khắp chúng sanh sẽ gặp hồi thảm khổ, nên Đức Thầy động lòng từ bi, lâm phàm cứu thế.

          -Sau thời Đức Lục Tổ Huệ Năng bặt truyền y bát, cả môn đồ Phật Giáo phải chịu tình cảnh bơ vơ như mẹ gà con vịt, chưa biết nương tựa vào đâu, bởi tà chánh khó phân, không rõ ai là người kế truyền tâm ấn của Phật:“Từ ngàn xưa Phật pháp gài then, Nên ít kẻ tu hành đắc Đạo”.(Diệu pháp QM) Ngày nay, Đức Thầy được sắc lịnh của Đức Phật Tổ, hưng truyền chánh pháp vô vi:“ Đạo vô vi của Phật ân cần, Nối theo chí Thích Ca ngày trước”.(Giác Mê TK, Q.4) Và “Ngọc toà Phật Tổ nấy sai ta”.(Tối Mùng Một) Vậy mỗi người hãy suy xét tận tường, nếu nhận đây là chơn lý thì nương theo (nay gặp gốc). Và nên gấp rút trau sửa thân tâm để được kiến diện Phật lòng nơi tự tánh (mau tìm gốc).

          -Bằng ai chẳng tìm ra chơn lý của Đạo Phật không sớm giác ngộ tu hành, đến một ngày kia ắt phải khóc than, vì không giải được nghiệp ác để yết kiến chư Phật. Và giữa giờ phút ấy; nào yêu ma thú dữ, nào chiến tranh giặc cướp tư bề. Chư Phật vốn đầy lòng tử bi, nhưng không thể nào cứu kẻ hung ác, bởi quả dữ của họ đã mùi:“Cứu lương hiền chẳng cứu người hung, Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt”.(Kệ Dân. Q.2)

          -Đức Thầy còn nhắc lại hồi năm Đinh Sửu (1937) đã xảy ra tai nạn lụt lội, khiến chúng dân chịu cảnh đói rách, tài vật tiêu hao…Năm nay (1939) nạn lụt lại tái diễn:“ Đồng khô lúa ngập coi xơ xác, Cảnh đói buông lung nõi giạt bèo”.(Cám cảnh dân nghèo) Ngài cũng nói rõ: Tai ách khổ thảm ấy là cơ thức tỉnh chúng sanh, hiểu rằng cõi đời sắp đến hồi tàn cỗi.

CHÚ THÍCH

          ĐẠO ĐỨC: Đạo có nhiều nghĩa: Đạo là con đường, là bổn phận, là chơn lý (bản thể) tuyệt đối và cũng gọi là chánh pháp hay chơn tánh. Đức là tâm lành, là thể hiện của nhân lành. Việc đạo đức là công việc hiền lành đạo nghĩa đúng theo con đường của chánh pháp và chơn lý. Đức Thầy có nói:“Ơn nhà đạo đức quyết đền ân”.(Tỉnh bạn Trần gian)

            THIÊN CƠ: (Xem CT đoạn 1, T-1, bài Sứ Mạng).

          THẦY LẠC TỚ KHÔNG AI CHỈ BẢO, NHƯ VỊT CON DÌU DẮT NHỜ GÀ: Thường thấy bầy vịt con do vịt mẹ ấp ra thì sự chăm sóc rất đầy đủ, khi ở trên bờ hay lúc lội dưới nước, vịt mẹ đều theo sát bên con để bảo vệ. Trái lại, nếu bầy vịt con bởi gà mẹ ấp ra, thì lúc ở trên bờ gà mẹ theo gìn giữ được, nhưng khi vịt con lội xuống nước thì gà mẹ không thể lội theo. Bấy giờ rủi có gặp quạ diều nhiễu hại, đàn vịt chẳng biết nương vào, vì không có mẹ bảo vệ.

          Tình cảnh tớ thầy xa cách cũng thế, cả môn đồ phải ngơ ngác, vì chẳng còn sự dạy bảo trực tiếp của Thầy mình.

          Đây ý chỉ thời mạt pháp, lại gặp lúc Tổ Thầy vắng mặt, cả tín đồ phải sống trong trạng huống bơ vơ. Tuy Phật, Thầy còn để lại kho tàng pháp giới; nó có thể đưa hành giả tới bờ bến, nhưng cũng không bằng lúc có Tổ, Thầy dạy bảo:“…bởi đời nầy pháp môn bế mạc, Thánh Đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma Vương khuấy rối…”(bài Sứ Mạng).

          ÁC ĐỨC: Thất đức (mất đức), tánh hay làm việc hung ác, không kể đạo đức.Ví dụ: ăn ở ác đức bất nhơn. Đức Thầy có câu:“Kẻ ác đức hậu lai khổ thảm”.(Cho Ô. Tham Tá Ngà)

          THỦY ÁCH: Tai nạn nước lụt. Lụt lớn làm cho người chết, tài vật tiêu hao; lụt nhỏ thì mùa màng thất bát, dân chúng chịu cảnh nghèo đói điêu linh.

          NĂM ĐINH SỬU: Là năm 1937, trước Kỷ Mão hai năm.

CHÁNH VĂN

447.-Trẻ nhỏ tuổi đời nầy lăng-mạ,

Bị văn-minh cám dỗ loài người.

Kể từ rày cười một khóc mười,

450.-Kẻo chúng nó dể-ngươi Phật Thánh.

Đạo Quỉ-Vương rất nhiều chi ngánh,

Khuyên dương-trần sớm tránh mới mầu.

Để ngày sau đến việc thảm-sầu,

454.-Rán nghe kỹ lời Ta mách trước.

Thuyền chúng nó thẳng buồm chạy lướt,

Lọt ngoài khơi mới hết hò khoan.

Tu mà ham cho được giàu sang,

458.-Với quyền tước là tu dối thế.

Nhớ thuở trước vua Lương-Võ-Đế,

Tạo chùa-chiền khắp nước tu hành.

Đến chừng sau ngạ tử Đài-thành,

462.-Phật bất cứu vì tâm còn ác.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 447 đến câu 462)

          -Đức Thầy cho biết trong hàng thanh niên nam nữ thời nay, bị văn minh vật chất cám dỗ, đua theo sự ăn chơi trụy lạc, tánh tình trở nên hỗn láo ngang tàng, chẳng kiêng nể Thánh Thần, Trời Phật. Cho nên sắp tới đây họ phải vương mang tai nạn, khổ nhiều vui ít.

          -Lại thêm,”Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế”, chúng chủ trương bày ra nhiều học thuyết, nhiều ngành, nhiều phái, để mê hoặc chúng sanh. Thế nên Đức Thầy báo tin trước cho mọi người được rõ, hãy dùng trí sáng mà nhận định kỹ càng, kẻo bị rơi vào cạm bẫy của chúng, mà chuốc lấy sự sầu khổ.

          -Bọn Quỉ Vương thường hay khoe khoang cổ võ, để lôi kéo quần chúng về mình, mọi việc đều phỏng tay trên để tranh đoạt tài lợi, vị danh, chẳng khác nào thuyền gặp gió. Nhưng khi đã chạy trớt ngoài biển khơi thì chúng mới hết huênh hoang tự đắc. Còn đối với sự tu hành, nếu kẻ nào tham muốn cao sang quyền tước, tức là kẻ dối tu.

          -Ngài cũng nhắc lại chuyện vua Lương Võ Đế thời xưa, vì chưa nhận được giáo lý thâm huyền của Đạo Phật; tưởng đâu công việc cất chùa, tạo tượng là tu, nên ông chỉ chạy theo các pháp tướng, mong hưởng phúc báo. Chẳng chịu trở về nội tâm mà diệt trừ tội chướng ba đời. Do đó, đến ngày kết cuộc, Võ Đế phải đành chịu chết đói tại Đài Thành để trả cái quả do tiền kiếp ông đã dụng ác tâm làm chết một con khỉ.

CHÚ THÍCH

          LĂNG MẠ: (Xem CT câu 405, T-1, Q.1).

          VĂN MINH: (Xem CT câu 521, T-1, Q.1)

          QUỈ VƯƠNG: Vua Quỉ, Quỉ chúa, kẻ cầm đầu trong hàng Quỉ. Theo Phật học Từ điển thì quỉ có nhiều loại, tựu trung chỉ có hai hạng:

1-     Hạng quỉ có tánh lành, hay ủng hộ người tu hiền.

2-     Hạng quỉ hung ác thường hay phá khuấy dân chúng và Phật pháp, hiểu nghĩa cũng như Ma vương.

          Nhưng chữ Quỉ Vương ở đây là chỉ cho loài quỉ hung ác, đối với các Đạo giáo, nhứt là Đạo Phật. Chúng bày ra nhiều chi phái, nhiều học thuyết, nhiều hình thức, bùa linh phép thuật, đoán tâm lý, dị đoan mê tín.v.v…để phá hại Phật pháp. Trong Giảng “Mười Một Hồi” Ngài Huệ Lựu đã nói:

“Năm năm sáu tháng cơ hàn,

Quỉ Vương gây loạn nào an thế trần.

Chỗ nào nó cũng muốn giành,

Thương cho Tần Quốc mười phần còn hai”.

          Nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng bảo:“Tam thiên lục bá khắp tràng hại dân”.(Thiên lý ca) Hoặc là:

                   Tam thiên lục bá giáng lâm trần,

                     Khóc tử lang tâm biến họa dân.

                     Tà quái hạ ngươn khai ác chiến,

                     Ất niên bình thự kiến Quân thần”.

                                    (Đức Thầy đáp họa Ô. Huỳnh Hiệp Hòa)

          Và:     Bàn môn tài phép nào tường,

                Kêu Trời giậm đất cũng thì dạ rân.

                     Nói cho trần thế liệu toan,

                Chớ theo tả đạo mà tan xác hồn”.(Sám Giảng Q.3)

          MÁCH TRƯỚC: Cho biết trước, báo tin trước, sẽ có việc gì sắp xảy ra.

          HÒ KHOAN: Tiếng hò sau câu hát để cùng nhau theo nhịp mà ra sức:“Ghe bầu dọn dẹp keó neo, Mấy chú bạn chèo bắt cái hò khoan(Hò). Nghĩa rộng: là ra vẻ vui mừng khoe khoang tự đắc. Đức Thầy từng nói:

                    “Kìa kìa anh hố hò khoan,

              Tình lang về mất hổ hang mặt mày”.

                                      (Dặn dò Bổn đạo)

          LƯƠNG VÕ ĐẾ: Vua Lương Võ Đế là Thái Tổ nhà Lương (502-549), tên thật là Tiêu Diễn. Trước lam quan Thứ sử cho nhà Tề, cai trị đất Ung châu; sau diệt Tề lập nhà Lương trị vì được 48 năm. Võ Đế rất sùng ngưỡng Đạo Phật, chính ông đã chấp nhận và ủng hộ các cao tăng Ấn Độ, sang truyền đạo tại Trung quốc.

          Lúc Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền Đạo, có vào yết kiến và đàm luận Phật pháp với Võ Đế: Bởi quá chú trọng hình thức, nên Vua không thấu triệt được nghĩa lý diệu mầu trong lời Pháp giáo của Tổ, sanh tâm nghi ngờ. Thấy vậy, Tổ sư từ giã Vua vào chùa Thiếu Lâm ngồi quay mặt vào vách thiền định…

          Võ Đế cho thiết lập trên 70 ngôi chùa trong khắp nước, để bá tánh có nơi sùng ngưỡng, chiêm bái. Vua có thỉnh chư Tăng soạn thành bộ Kinh sám hối với nhan đề là “Lương Hoàng Sám”, đến nay vẫn còn truyền tụng.

          Sở dĩ Võ Đế được làm Vua và ham mộ Đạo pháp, nhưng lại bị chết đói thảm khốc, là do duyên nghiệp sâu xa từ kiếp trước…

          Tiền thân của Võ Đế, xưa là một tiều phu, thường vào rừng đốn củi đổi gạo. Hôm nọ tiều phu gặp một cốt Phật trơ trọi ngoài trời, nắng chảy mưa chan. Ông động lòng ái truất, liền lột cái nón lá đang đội, đội lên cho cốt Phật. Nhờ công phước của tấm lòng thành kính cúng dường ấy, nên kiếp sau ông được phước báo làm vua và hết lòng kính tin, phụng thờ Tam Bảo.

          Cũng trong kiếp tiều phu ấy, thường ngày ông lên rừng đốn củi, có mang theo gói cơm để trên vồ đá, đợi khi đói lòng lấy ra dùng. Nhưng đã hai lần khi đốn củi xong, trở lại thì gói cơm của ông “không cánh mà bay đâu mất”, ông rất bực tức đành nhịn đói trở về.

          Lần thứ ba ông quyết định tìm ra nguyên nhân vì đâu mà hai lần bị mất gói cơm. Cũng như mọi khi, lần nầy ông để gói cơm trên vồ đá rồi giả vờ xách búa ra đi, nhưng ông núp vào bụi rậm gần đó để rình xem. Một chập sau, thấy một con khỉ lớn đến ôm gói cơm chạy đi. Ông nhảy ra tốc rượt theo quyết đập con khỉ một búa cho hả giận. Khỉ hốt hoảng, song vì mắc ôm gói cơm nên leo lên cây chẳng được, túng cùng thấy cái hang đá gần bên, khỉ liền chun ngay xuống. Tiều phu cậy đá lấp miệng hang. Khỉ ở dưới ăn hết gói cơm lên không được, nên bị đói dần mà chết.

          Bởi nghiệp nhân đó, nên khi Lương Võ Đế làm vua, thì con khỉ ấy đầu thai làm Hầu Kiển, lớn lên làm Quân sư cho Võ Đế. Sau Hầu Kiển sanh tâm muốn cướp ngôi vua nên lập kế hoạch gạt vua lên Đài Thành, rồi cho quân bao vây, cấm không cho ai được mang lương thực cho Vua. Thế là Võ Đế phải chết đói tại Đài Thành, để trả cái nghiệp ác tâm đã gây thuở trước.

          NGẠ TỬ ĐÀI THÀNH: Chết đói tại Đài Thành.

 

CHÁNH VĂN

463.-Tu biết cách như đươn biết đát,

Đươn đát rành được dựa Xe-Loan.

Ai biết nghe thì sớm liệu toan,

466.-Để đến việc như người thất nghiệp.

Phải qui căn cùng nhau hội hiệp,

Rán mau chơn mới kịp Đạo-mầu.

Sớm với chiều gắng chí nguyện-cầu,

470.-Thì sẽ được Toà-Chương dựa kế.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 463 đến câu 470)

          -Phàm người muốn làm nên cái thúng để xài, nếu chỉ học đươn mà không biết đát thì không thành cái thúng mà chỉ thành cái mê. Còn người tu biết cách thì phải thực hành đúng theo Tôn chỉ của Đức Thầy đã dạy, tức là hai phần “Học Phật” và “Tu Nhân” cần phải thiệt thi cho trọn vẹn. Trước hết lo đền đáp tứ ân, diệt trừ thập ác và rèn luyện các đức tánh tốt đẹp để hoàn thành phần Nhân Đạo, tức là trả xong nợ thế. Ấy gọi là đươn.

          Đồng thời phải nghiêm trì giới luật, thực hành theo các pháp môn tu Phật, như: Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo hoặc trì niệm Lục tự Di Đà v.v…tức gọi là biết đát. Nếu ai thi hành trọn vẹn hai phần kể trên thì chẳng những gần được “Bệ ngọc các lân” của đời Thượng ngươn Thánh đức, mà còn được siêu sanh về Cực lạc, Niết bàn. Có đặng vậy, gọi là người tu biết cách.

          Do đó, Đức Thầy giục thúc nhân sanh hãy nghe lời khuyên bảo của Ngài, để sớm lo tu thân hành Đạo cho kịp với thời kỳ:“ Đời cùng tu gấp kịp thì, Đặng xem báu ngọc ly kỳ năm non”.(Sám Giảng, Q.3) Bằng ai cứ mãi trễ bê lần lựa thì ngày kết cuộc, ắt gặp nhiều thất bại:“Nếu không, gặp cảnh bơ vơ, Thuyền ghe chẳng có bến bờ cũng không”.(Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          -Vậy hỡi ai là người hữu duyên cùng Phật pháp, hãy sớm quay về với gốc lành Đạo cũ:“Cả kêu lớn nhỏ quay vìa, Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân”.(Thiên lý ca) và gấp rút tu sửa thân tâm, trau giồi đức tánh, cộng với hai thời lễ bái: sáng chiều phải chuyên cần, cùng chí tâm khẩn nguyện, chắc chắn sẽ được:“Chầu Phật hòa vui cõi Đại Đồng”.(Cho bà Năm Cò)

CHÚ THÍCH

          XE LOAN: Do chữ Loan xa hay Loan giá. Có nghĩa : xe của Vua đi. Thời xưa xe của Vua đi thường có chạm hình chim Loan, do 4 con ngựa kéo (tứ Mã), trên cổ ngựa có treo lục lạc (chuông); khi chạy đi tiếng chuông vang lên, tượng trưng cho chim Loan kêu. Vậy chữ dựa xe Loan là nói sự được gần vị Thánh Vương đời Ngươn thượng. Cũng có ý chỉ cho sự tu hành khi được kết quả.

          LIỆU TOAN: Cũng gọi là toan liệu. Có nghĩa lo nghĩ trước và chuẩn bị trù liệu mọi việc cho kịp thời:“Chim bay về núi tối rồi, Anh không toan liệu còn ngồi chi đây?”.(Ca dao) Đức Thầy từng khuyên:

                   Hỡi ai kẻ học hay lo liệu,

                     Rứt bụi trần bận bịu làm chi”.

                                      (Đáp lời Ô. Lương văn Tốt)

          THẤT NGHIỆP: Mất sở làm, không có công ăn việc làm. Ở đây ý nói không có công phước gì để được dự hội Long Hoa và hưởng cảnh đời Thượng ngươn Thánh đức.

          QUI CĂN: Trở về với gốc lành, với Đạo lành. Ý nói người biết qui y Tam bảo để trở về với tánh lành sẵn có từ trước. Đức Thầy kêu gọi:

                   “Quày đầu nghe tiếng chuông ngân,

                    Trở về nơi cũ cho gần Phật Tiên”.(Thu đã cuối)

          ĐẠO MẦU: (Xem CT câu 901, T-1, Q.1).

          TÒA CHƯƠNG: (Xem CT câu 46, T-2, Q.3)

 

CHÁNH VĂN

471.-Chúng-sanh thể như gà thất thế,

Phải nằm chờ tới nước bắt ra.

Thời-kỳ này nhiều quỉ cùng ma,

474.-Trời mở cửa Quỉ-Vương xuống thế.

Nên Ta mới ra tay cứu-tế,

Kẻo chúng-sanh bịnh khổ quá chừng.

Sau Quỉ-Vương đi đứng nửa lừng,

478.-Thêm tên tuổi chúng-sanh nó biết.

Làm đủ cách xuống lên tha-thiết,

Ở ngoài đường nó biết tên mình.

Tin cùng không thì cũng mặc tình,

482.-Chớ Ta lắm công trình dạy-dỗ.

Hồi thuở trước Thích-Ca Phật-Tổ,

Ngồi tham-thiền bị nó ghẹo hoài.

Mà cũng không rúng động đặng Ngài,

486.-Nên cố oán phá đời mãi mãi.

Trong bổn-đạo cùng là sư vãi,

Rán bền lòng cho được hiền từ.

Hết khổ lao thì đến vui cười,

490.-Chừng đó mới phỉ tình nguyện ước.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 471 đến câu 490)

          -Bởi kẻ hung ác hiện đang gặp thời, họ dùng đủ cách nhiễu hại lê dân, trước tình cảnh ấy, người tu như con gà bị thất thế giữa trường, nên Đức Giáo Chủ khuyên kẻ thức thời hãy ẩn nhẫn cho qua hồi vận bĩ:“ Đấng nam nhi ẩn nhẫn tùy thời, Vậy mới gọi khôn ngoan hữu chí”.(Giác Mê TK, Q.4)

          -Lại nữa, chúng sanh đã gây nghiệp tội ác từ lũy kiếp, nên nay bị luật trời phân xử, mở cửa cho các loài ma quỉ xuống thế, gây tai họa chiến tranh, bệnh chết cho sanh linh. Do đó Đức Thầy phải gấp rút lâm trần mở cơ cứu độ, để chúng sanh kịp thời cải dữ về lành hầu vượt qua cảnh sầu khổ.

          Ngài còn cho biết: bọn quỉ vương ra đời, chúng có đủ tài phép lên trời xuống đất, hiểu rành tên tuổi và tâm lý của cả chúng sanh; chúng dùng đủ thứ bùa ngãi thính linh, ông lên, bà xuống, soi căn, cầu hồn.v.v…số người nào còn mê tín sẽ bị thảm sầu vì chúng. Đức Thầy cũng đã nhiều lần và khổ công nhắc nhở, mặc cho bá tánh có tin nghe hay không tùy ý.

          Đức Thầy còn kể lại, thời gian Đức Thích Ca ngồi tham thiền tại gốc Bồ Đề, gần bờ sông Ni Liên Thiền, bọn Ma Vương Quỉ quái cũng tìm đủ cách theo phá khuấy, nhưng tâm Ngài vẫn an nhiên định tĩnh và dùng thần thông nghị lực hàng phục được chúng. Tuy đã khâm phục Phật, song lòng chúng ma còn căm tức mãi nên phát thệ:“Hiện giờ bọn ta phá Phật không được, nhưng cũng thệ quyết qua đời sau sẽ phá hại Phật pháp và cả đồ chúng cho kỳ được mới nghe”. Vì thế từ độ ấy nhẫn nay, lúc nào cũng có chúng Ma quỉ: hoặc dùng áp lực bên ngoài, hoặc len lỏi vào nội bộ để tìm đủ cách phá hại nền Phật pháp.

          -Do đó, Đức Thầy kêu gọi tất cả môn đồ nhà Phật, trong giới xuất gia hay hàng cư sĩ, từ đây hãy rán kiên tâm bền chí trên đường tu học và gắng sức rèn luyện thân tâm cho được trọn lành trọn sáng; được thế, chẳng những không bị chúng quỉ ma nhiễu hại mà còn đặng chứng thành Đạo quả. Và chúng ta phải tin chắc rằng: hết hồi khổ công hành đạo, dĩ nhiên phải tới lúc giải thoát an vui, và khi đó nhà tu sẽ thỏa lòng mãn nguyện.

 

CHÚ TH ÍCH

          CHÚNG SANH THỂ NHƯ GÀ THẤT THẾ, PHẢI NẰM CHỜ TỚI NƯỚC BẮT RA: Thường thấy những cuộc chọi (đá) gà, sau khi cáp độ xong, người ta dùng cây nhang phân ra nhiều chặn (?), rồi treo đồng xu ngay chặn phân đó. Khi gà bắt đầu đá thì đốt nhang, nhang cháy đến chặn, xu rớt xuống gọi là một nước gà. Bấy giờ hai bên đều bắt gà ra cho uống nước, săn sóc, o bế ít phút cho gà khỏe, rồi tiếp tục thả ra đá nước khác. Đến khi nào có một con chạy, hoặc chết tại chỗ là biết ăn thua. Trong khi ấy, nếu có một con thất thế, té xuống hay bị thương đá nữa không nổi, nó chỉ nằm đó, không chết, không chạy, thì chưa phải thua. Song nếu nó còn chòi đạp sẽ bị con gà kia cắn đá tất phải chết. Bằng nó biết khôn một chút, giả nằm yên tại chỗ thì con gà kia tưởng đâu đối thủ sắp chết, nên chỉ đứng nghiềm đó, chớ không cắn đá nữa. Nhờ đó kịp khi tới nước, người chủ bắt con gà thất thế ra cho nước, và may các vết thương, gà lấy lại sức khỏe. Bấy giờ chủ thả gà vào trường đá nữa, nhiều khi thắng được gà kia một cách dễ dàng.

          Ở đây Đức Giáo Chủ muốn nói: hiện giờ nhằm lúc thạnh thời của Ma quỉ và kẻ hung ác, chúng dùng đủ cách đàn áp, phá hại người lương thiện:“Quân tử tùy thời hơi sút bước, Tiểu nhơn ỷ sức mạnh pha xông”.(Cho Ô. Chín Diệm) cũng như con gà bị thất thế. Vậy mỗi người nên ẩn nhẫn (chờ tới nước):“Nhẫn nhẫn cho rồi cơn bĩ cực, Thời lai sẽ được cảnh tiêu dao”.(Mấy đoạn tơ lòng)

          QUỈ VƯƠNG: (Xem CT câu 322, T-1, Q.1)

          CỨU TẾ: Giúp đỡ và độ rỗi người ra khỏi tai nạn khổ não. Cứu tế là một trong nhiều nghĩa của chữ Bồ Tát (Bồ giả phổ dã, Tát giả tế dã cứu nhơn chi cấp, tế nhơn chi nguy, nãi thị Bồ Tát). Đức Thầy từng nói:“Phổ tế chúng sanh qua bể khổ”.(Tỉnh bạn Trần gian)

          THA THIẾT: (Xem CT câu 322, T-1, Q.1).

          CÔNG TRÌNH: (Xem CT câu 381, T-3, Q.4).

          THÍCH CA PHẬT TỔ: (Xem CT câu 390, Q.2 và câu 242, T-2, Q.2).

          THAM THIỀN: Do Phạn ngữ Dhyana. Tham là suy gẫm. Thiền là tịnh lự, là Tư duy. Nói chung là để tâm yên lặng chăm chú vào một chỗ mà suy nghiệm tìm hiểu Đạo lý mầu nhiệm. Tham thiền cũng hiểu như chữ Thiền na, Thiền định hay Nhập định. Đức Thầy từng khuyên:“Phật pháp thiền na dốc thực hành”.(Cho cô Võ thị Hợi)

          BỔN ĐẠO: (Xem CT câu 116, T-2, Q.2).

          SƯ VÃI: Các nhà Sư và Ni cô (Xem thêm chữ Tăng đồ, câu 364, T-3. Q.4).

          PHỈ TÌNH: (Xem CT câu 172, T-2, Q.3).

          NGUYỆN ƯỚC: Cũng gọi là ước nguyện. Có nghĩa thề nguyền ước hẹn, thề hứa với lòng một việc gì. Ví dụ: Nguyện ước tu hành cho đến khi thành quả.

 

CHÁNH VĂN

491.-Bọn gái mới ra đường tha-thướt,

Bỏ hết trơn nề-nếp ông cha.

Khác tánh-tình người cổ nước ta,

494.-Nên phải chịu đớn-đau đủ cách.

Trai với gái rán coi sử sách,

Đứng trung thần với kẻ tiết-trinh.

Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh,

498.-Chớ mang lốt bề ngoài chẳng tốt.

Dạy chẳng đặng lòng như lửa đốt,

Khắp dương-gian chưa đặng ba phần.

Kể từ nay Tiên, Phật, Thánh, Thần,

502.-Lo dạy-dỗ dương-trần chẳng xiết.

Đức Thượng-Đế ngự đền Ngọc-Khuyết,

Nhìn dương-gian cũng luống thở dài.

Thấy chúng- sanh trau-trỉa mặt mày,

506.-Chớ chẳng chịu trau tâm trỉa tánh.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 491 đến câu 506)

          Nhận thấy một số phụ nữ thời nay đua đòi theo nếp sống mới của Âu Tây, ăn mặc se sua kiểu cách:“Diện áo quần, son phấn lấn chen, Miễn cho mình được lên xe xuống ngựa”.(Trao lời cùng Ông Táo) Vội quên đi phong tục cổ truyền của ông cha ta từ trước. Tánh tình họ trở nên hỗn láo, vô lễ, không còn được như hàng nữ lưu tốt đẹp thời xưa. Đức Thầy thường thống trách hạng người ấy:

                   Cớ sao chê cổ trọng kim,

           Phụ cha phản chúa lỗi niềm tôi con”.(Sám Giảng Q.3)

do thế, mà sắp tới đây họ phải chịu lắm tai nạn khổ sầu.

          -Bởi lý do kể trên, Đức Thầy khuyên dạy trong hàng nam nữ hãy thường xem sử liệu để học đòi theo những tấm gương trung trinh tiết liệt. Và rán lo trau sửa phần tâm đức bên trong, mới là điều đáng quí, chớ chẳng chẳng phải lo ăn diện sắc lịch bên ngoài mà gọi là tốt đẹp được.

          -Đức Thầy cũng sốt lòng, vì đã giác tỉnh chúng sanh nhiều lần, nhưng mãi đến nay, vẫn chưa được ba phần mười thức tỉnh. Cũng vì thế, từ đây sẽ có các đấng Phật, Tiên, Thần, Thánh, cùng với Đức Thầy, dùng đủ phương tiện giác tỉnh quần sanh.

          -Lại nữa, nơi đền Ngọc Khuyết, Đức Ngọc Đế xót thương cho chúng sanh trong cõi trần. Bởi việc khổ sắp kề bên mà họ mãi chạy theo cái đẹp hào nhoáng bên ngoài: lo trang sức vàng ròng son phấn, ăn dọn lụa là…chớ không sớm hồi tâm hướng thiện, để lo tu sửa trí lành, giồi mài tâm đức, hầu sau nầy được thoát qua tai khổ và dựa kề Tiên Phật.

CHÚ THÍCH

          THA THƯỚT: Cũng gọi là thướt tha. Có nghĩa yểu điệu, lả lơi. Ví dụ: dáng điệu tha thướt. Tha thướt ở đây chỉ cho nữ giới có tánh nết ăn dọn kiểu cách lả lơi, theo nếp sống văn vật.

          NỀ NẾP: Cũng gọi là nền nếp. Có nghĩa: Lề lối, kỷ cương trong một gia đình hoặc cả dân tộc, quốc gia. Đức Thầy từng cảnh tỉnh:

                   Gương Tổ phụ còn roi lại đó,

                 Sao không theo nề nếp gia phong”.(Kh/thiện, Q.5)

          SỬ SÁCH: Sách viết về lịch sử để lưu lại đời sau. Ví dụ: Chuyện ấy có sử sách đành rành.

          TRUNG THẦN: (Xem CT câu 586, T-2, Q.3).

          TIẾT TRINH: (Xem CT câu 22, T-2, Q.2)

          ĐỀN NGỌC KHUYẾT: Một cái đền ở thượng giới (cõi Trời) của Đức Ngọc Đế ngự.

          TRAU TRỈA: Cũng đọc là trau tria. Trau là giồi mài chải chuốc, đánh bóng. Trỉa là tỉa, là xen bớt. Ví dụ: tỉa bớt tóc râu. Trau trỉa ở đây chỉ cho sự trau hình chuốc dạng, cạo sửa mặt mày, tô son đánh phấn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn