Bài thứ sáu mươi mốt-> Bài thứ bảy mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 35576)
Bài thứ sáu mươi mốt-> Bài thứ bảy mươi

Bài thứ sáu mươi mốt

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Liên hồng cảm kích vĩ long tuyền,

                   Đồng Thạnh hàng kỳ tác thiện duyên.

                   Kiển sám truyền danh lưu hậu thế,

                   Nam Việt trung thần đệ nhứt Tiên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-LIÊN HỒNG: Liên: Hoa sen. Hồng: Màu đỏ. Hoa sen màu đỏ. Nghĩa bóng: Hoa sen to lớn ở Tây Vức (Tây Phương Cực Lạc), nơi mà linh hồn được vãng sanh, thần thức nhập vào hoa sen (gọi là thai sen), sau đó được nở ra lớn nhỏ, tùy theo công đức tu tập của mỗi người.

          CẢM KÍCH: Cảm: Xúc động. Kích: Nước bắn lên. Nghĩa rộng: Xúc động mạnh.

          : To lớn, người ta dùng từ Vĩ đại để nói đến một nhân vật hay một sự kiện quan trọng, lớn lao.

          LONG TUYỀN: Long: Mạch núi hay tên một thanh gươm. Tuyền: Suối. Nghĩa rộng: Vượng khí thiêng của một nơi nào. Ngoài ra Long tuyền có thể là: Tên một thanh gươm quí. Trương Hoa nhìn thấy giữa khoảng sao Ngưu và sao Đẩu có ánh sáng rực rỡ màu tím, liền hỏi Lôi Hoán đó là điềm gì ? Lôi Hoán bảo đó là ánh sáng của thanh gươm quí, chiếu từ huyện Phong Thành. Trương Hoa liền bổ Lôi Hoán làm Tri Huyện nơi ấy. Sau đó, Lôi Hoán đào ở dưới đất gặp cái hòm bằng gỗ, trong ấy có hai thanh gươm khắc chữ “Long Tuyền” và “Thái A”. Lôi Hoán đem dâng cho Trương Hoa thanh kiếm Thái A, còn Long Tuyền thì giữ lại bên mình. Sau khi đào được hai thanh kiếm rồi, ánh sáng giữa sao Ngưu và sao Đẩu cũng biến mất.

          *Tóm lược câu “Liên hồng cảm kích vĩ long tuyền”: Người chứng đắc liên hoa hóa thân, hội đủ công đức được về cõi Tây Phương Cực Lạc.

          2/-ĐỒNG THẠNH: Một làng ngày xưa ở miền Bắc. Ngày nay là xã Đồng Thành, tỉnh Bắc Giang.

          HÀNG KỲ: Hàng: Lớp người. Kỳ: Ám chỉ mấy kỳ lão. Nghĩa rộng: Lớp người cao niên.

          TÁC: Làm.

          THIỆN DUYÊN: Thiện: Lành. Duyên: Mối liên lạc từ kiếp trước lưu lại kiếp sau.

          *Tóm lược ý câu “Đồng Thạnh hàng kỳ tác thiện duyên”: Đức Huỳnh Giáo Chủ đến làng Đồng Thạnh (Bắc Bộ), để gieo duyên lành với mọi người.

          3/-KIỂN SÁM: Như chữ Kinh sám: Sách của Thánh Hiền.

          TRUYỀN DANH: Truyền: Trao lại, để lại từ nơi nầy sang nơi khác. Thế hệ nầy qua thế hệ khác. Danh: Tên. Nghĩa rộng: Lưu danh hậu thế.

          LƯU: Để lại.

          HẬU THẾ: Hậu: Sau. Thế: Đời. Nghĩa rộng: Đời sau.

          *Tóm lược ý câu “Kiển sám truyền danh lưu hậu thế”: Những lời dạy của Thánh Hiền được lưu lại từ đời nầy sang đời khác.

          4/-NAM VIỆT: Quốc hiệu nước Việt Nam vào thời nhà Triệu (206-211 trước TL), thời nhà Nguyễn gọi Nam Việt là miền Nam nước Việt Nam. Thời Pháp thuộc gọi là Nam Kỳ. Nam Việt cúi lòn dài dặm dặc”( ĐHGC).

          TRUNG THẦN: Trung: Hết lòng với vua, với nước. Thần: Bề tôi. Nghĩa rộng: Bề tôi trung quân ái quốc.

          ĐỆ NHỨT TIÊN: Đứng đầu trong hàng Tiên phẩm.(Theo quan điểm của Phật Giáo Hòa Hảo, có thể hiểu câu “Nam Việt trung thần đệ nhứt Tiên”, đó là ám chỉ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực).

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết, bậc trung hiếu lưỡng toàn sẽ có quả vị xứng đáng, xưa nay sách Thánh hiền đều ghi chép như thế.

 

Bài thứ sáu mươi hai

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Nhơn danh ly biệt ngạn Bắc hà,

                   Cổ súy lương thần vịnh phong ca.

                   Thọ tử tâm trung trưng hùng khí,

                   Qui hồi quốc thủy tiện phương hoa.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NHÂN DANH:Nhân: Người. Danh: Tên. Nghĩa rộng: Tộc danh của một người nào đó.

          LY BIỆT: Ly: Chia lìa. Biệt: Chia cắt. Nghĩa rộng: Xa cách nhau.

          NGẠN: Bờ. Nghĩa rộng: Ranh giới.

          BẮC HÀ: Bắc: Miền Bắc. : Sông. Nghĩa rộng: Con sông miền Bắc.

          NGẠN BẮC HÀ: Bờ sông phía Bắc. Ngày xưa trước năm (1975), nước Việt Nam chia ra hai miền: Bắc Phần (Bắc Kỳ) và Nam Phần (Nam Kỳ). Lấy sông Bến Hải làm giới hạn.

          *Tóm lược ý câu “Nhơn danh ly biệt ngạn Bắc hà”: Người vốn ở miền Bắc, nhưng đã rời khỏi quê hương mình.

          2/-CỔ SÚY: Cổ: Đánh trống. Súy (Xúy): Thổi. Nghĩa rộng: Đánh trống và thổi kèn. Nghĩa bóng: Sự cổ võ hăng hái, nhiệt tình.

          LƯƠNG THẦN: Lương: Hiền lành. Thần: Bậc trung với vua, thương dân, thương nước. Khi chết được sắc phong của Vua và dân chúng lập đền thờ tự.

          VỊNH: Ngâm, đọc.

          PHONG CA: Cảnh tượng, tập tục có vẻ thi thơ.

          *Tóm lược ý câu “Cổ súy lương thần vịnh phong ca”: Những bậc công thần đều có chỗ đứng trong hàng quan phẩm và khi chết cũng được tôn thờ ngôi vị cao cả.

          3/-THỌ TỬ: Thọ (thụ): Nhận, chịu. Tử: Chết. Nghĩa rộng: Nhận lấy cái chết, Hi sinh than mình.

          TÂM TRUNG: Tâm: Lòng. Trung: Hết lòng trung với Vua, thương dân, thương nước. Nghĩa rộng: Một lòng trung quân ái quốc.

          TRƯNG: Chứng cớ.

          HÙNG KHÍ: Hùng: Mạnh mẽ. Khí: Tinh thần phát lộ ra ngoài. Nghĩa rộng: Sức mạnh tinh thần. Tinh thần mạnh mẽ.

          *Tóm lược ý câu “Thọ tử tâm trung trưng hùng khí”: Thà chịu chết để tỏ lòng trung quân ái quốc.

          4/-QUI HỒI: Qui: Trở lại. Hồi: Trở về. Nghĩa rộng: Đồng quay trở lại. Cùng nhau trở về.

          QUỐC THỦY: Nước nhà.

          TIỆN: Thuận lợi.

          PHƯƠNG HOA: Phương: Thơm. Hoa: Rực rỡ. Nghĩa rộng: Tiếng tăm địa vị trong xã hội lan rộng khắp nơi.

          *Tóm lược ý câu “Qui hồi quốc thủy tiện phương hoa”: Đất nước Việt Nam sau nầy sẽ được thế giới biết đến và tiếng tăm vang dội khắp nơi.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Ngày xưa (Vị tướng ấy) cũng ở xứ Bắc Kỳ, nhưng vì sứ mạng nên phải xa quê hương để phù trợ dân chúng, kiến tạo nước nhà trở nên hùng mạnh.

 

Bài thứ sáu mươi ba

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Bốn bài thơ đã làm xong,

Văn Nho bàn bạc nhiều ông lắc đầu.

Nghĩ ra mới biết cơ cầu,

Người chi thi phú công hầu cổ nhân.

Nghiệm suy lời lẽ thiệt hơn,

Dặn dò bá tánh thi ơn xóm làng.

Nào Ta có nói bướng càn,

Về An Giang tỉnh rõ ràng ai hay.

          Từ đây Nam Bắc chuyển quay,

Khi đây khi đó ra tài khuyên dân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          BỐN BÀI THƠ: Tức bốn bài “Thất ngôn tứ tuyệt”, trong tác phẩm “Để chơn đất Bắc” của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          VĂN NHO: Người Nho sĩ theo học đạo Nho (thường gọi chung là học trò Đức Khổng Tử).

          BÀN BẠC: Đem ra cứu xét cho được rõ ràng minh bạch.

          LẮC ĐẦU: Cử chỉ tỏ ý không hiểu, không chấp nhận.

          CƠ CẦU: : Cái thúng. Cầu: Áo cừu. Kinh Lễ: “Lương cung chi tử tất học vi cơ, lương dạ chi tử, tất học vi cầu” (Người thợ làm cung giỏi, con cái tuy không  khéo léo về nghề làm cung, có thể học được nghề của cha, đem áp dụng lối uốn tre, vót tre để làm thúng. Con cháu người thợ thuộc da, bắt chước ông cha, chắp vá các loài da để làm áo cừu). Nghĩa bóng: Con cháu nối nghiệp ông cha.

          THI PHÚ: Thi: Thơ văn. Phú: Một thể vận văn khi xưa. Nghĩa rộng: Thi phú dùng để tiêu biểu cho các loại vận văn.

          CÔNG HẦU: Hai trong 5 tước ngày xưa: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nghĩa rộng: Dùng để chỉ những người có quan tước, danh phận trong triều đình.

          CỔ NHÂN: Cổ: Xưa. Nhân: Người. Người xưa. Nghĩa rộng: Những bậc tiền bối thuộc thế hệ trước.

          NGHIỆM SUY: Nghiệm: Xem xét, khảo sát. Suy: Tìm hiểu. Nghĩa rộng: Tìm hiểu một cách chính xác.

          DẶN DÒ: Bảo cho nhớ, nhắc nhở kẻo quên.

          BÁ TÁNH: Trăm họ. Nghĩa rộng: Những người dân cùng sống chung trong một nước hay thế giới.

          THI ƠN: Cho ai một ân huệ gì (Người trên gia ơn cho kẻ dưới). Như chữ ban ơn.

          XÓM LÀNG: Nghĩa của chữ Thôn hương, cũng như từ Ấp, Xã ngày nay.

          BƯỚNG CÀN: Hành động không cần phải suy nghĩ, bất kể đúng hay sai.

          AN GIANG TỈNH: Tức là tỉnh An Giang, một tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ, nước Việt Nam.

          RÕ RÀNG: Hiển hiện ra trước mắt, dễ hiểu dễ thấy.

          NAM BẮC: Tức Nam Phần (Nam Kỳ) và Bắc Phần (Bắc Kỳ).

          CHUYỂN QUAY: Tới lui.

          KHI ĐÂY KHI ĐÓ: Lúc ở chỗ nầy, khi ở chỗ nọ. Nghĩa rộng: Không ở nơi nào cố định.

          TÀI: Hay giỏi.

          KHUYÊN DÂN: Khuyên: Dạy dỗ. Dân: Người dân. Nghĩa rộng: Dạy dỗ mọi người.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ viết ra mới bốn bài thơ, khiến cho các bậc Nho Gia khi đọc xong rất đỗi ngạc nhiên và thán phục. Đây là giai đoạn Ngài vào Nam ra Bắc để khuyến khích tu hành.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Tuần huờn Tạo hóa cầm cân,

Ở đây cũng dạy hương lân đủ điều.

Xác nghèo nhà tợ cái lều,

Cơ hàn rách rưới nhiều điều nan nguy,

Tuy là gia trạch hàn vi,

Nhưng mà hiền đức khác gì người xưa.

Nhiều người lối xóm đẩy đưa,

Tấm lòng không mến mà ưa bề ngoài.

Nước tràn ruộng lúa lạc loài,

Bắt đầu lo chuyện miệt mài bắp khoai.

Giáo truyền lời lẽ thẳng ngay,

Hương lân trùm trưởng đắng cay nhiều bề.

Thầy trò ra sức làm hề,

Ca tuồng ly loạn dựa kề biên cương.

Có nhiều chệc khách Minh hương,

Đau lòng nhiều khúc thê lương bên Tàu.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          TUẦN HUỜN: Tuần: Thuận theo. Huờn (hoàn): Xoay tròn. Nghĩa rộng: Những gì chuyển vận theo vòng tròn (Ý nói sự vận hành của Tạo hóa).

          TẠO HÓA: Tạo: Làm ra. Hóa: Thay đổi. Nghĩa rộng: Ông Trời làm ra và biến hóa vạn vật.

          CẦM CÂN: Giữ lẽ công bằng.

          HƯƠNG LÂN: Hương: Làng. Lân: Kề cận, xóm. Nghĩa rộng: Những người lân cận.

          XÁC NGHÈO: Thân phận hẩm hiu.

          NHÀ TỢ CÁI LỀU: Nhà nhỏ như túp lều nhỏ, cất tạm để che nắng, che mưa.

          CƠ HÀN: Cơ: Đói khát. Hàn: Lạnh lẽo. Nghĩa rộng: Nỗi khổ cực trong đời.

          RÁCH RƯỚI: Đứt ra nhiều mảnh, dính tòng teng. Nghĩa rộng: Hoàn cảnh cực khổ, vất vả.

          NAN NGUY: Nan: Cũng như Nạn: Tai vạ. Nguy: Hiểm nghèo. Nghĩa rộng: Gặp tai nạn nguy hiểm.

          GIA TRẠCH: Gia: Nhà. Trạch: Nhà ở. Nghĩa rộng: Nhà cửa, gia đình.

          HÀN VI: Hàn: Lạnh lẽo. Vi: Nhỏ. Nghĩa rộng: Hèn mọn, không có thế lực gì.

          HIỀN ĐỨC: Hiền: Tài giỏi, độ lượng. Đức: Tâm lành. Nghĩa rộng: Người có tài năng đức hạnh cao cả.

          NGƯỜI XƯA: Nghĩa của chữ Cổ nhân. Nghĩa rộng: Những người đã sanh ra trước ta. Còn gọi người Thượng cổ.

          ĐẨY ĐƯA: Nói hoặc làm theo một cách miễn cưỡng. Nghĩa bóng: Làm màu làm mè, nói theo cho qua câu chuyện.

          TẤM LÒNG KHÔNG MẾN: Trong bụng không bằng lòng.

          MÀ ƯA BỀ NGOÀI: Ra vẻ bằng lòng, chớ thực chất lòng không muốn như thế. Nghĩa bóng: Việc làm bất đắc dĩ.

          NƯỚC TRÀN: Nước dâng cao, tràn lan ra khắp nơi. Nghĩa rộng: Nước lũ mà hàng năm dâng cao, ngập nhiều nhà cửa, khắp mọi nơi.

          RUỘNG LÚA: Lúa nước, thường gieo sạ trước khi nước dâng, khoảng tháng Tư hàng năm, để tránh nước ngập sâu vào khoảng tháng Bảy, tháng Tám âm lịch.

          LẠC LOÀI: Bơ vơ không nơi nương tựa.

          MIỆT MÀI: Chăm chú theo dõi. Mải miết theo. Say mê theo.

          BẮP KHOAI: Hai loại thổ sản, bất cứ miền quê nào ở Việt Nam cũng có. Bắp: Cho trái. Khoai: Cho củ. Nghĩa rộng: Vật dùng cho đỡ đói, hay tạm đỡ qua ngày.

          GIÁO TRUYỀN: Giáo: Dạy dỗ. Truyền: Trao cho người khác. Nghĩa rộng: Dạy dỗ khắp mọi nơi.

          THẲNG NGAY: Đúng đắn, chân thật.

           TRÙM TRƯỞNG: Người giúp việc làng ở cấp dưới. Nghĩa rộng: Người đứng đầu một nhóm.

          ĐẮNG CAY: Đắng: Vị gắt khó chịu, như khổ qua đắng, sầu đâu đắng…Cay: Hăng nồng, như ớt, tiêu…làm tê đầu lưỡi. Nghĩa bóng: Chịu nhiều điều tai tiếng.

          LY LOẠN: Ly: Xa cách. Loạn: Cuộc binh biến, mất trật tự. Vì cuộc binh biến nên phải xa cách.

          DỰA KỀ: Gần một bên.

          BIÊN CƯƠNG: Biên: Nơi giáp giới giữa hai nước. Cương: Giới hạn đất đai giữa hai chủ nhân. Vùng giáp giới giữa hai nước.

          CHỆC KHÁCH MINH HƯƠNG: Ám chỉ những người Trung Hoa phản Thanh phục Minh, lúc sa cơ chạy sang Việt Nam, lập nên những làng, gọi là Minh Hương (Làng người Minh). Vì thế sau nầy hễ ai từ bên Tàu sang Việt Nam, đều gọi là người Minh Hương.

          NHIỀU KHÚC: Nhiều đoạn, nhiều sự kiện.

          THÊ LƯƠNG: Thê: Lạnh. Lương: Mát. Lạnh lẽo, vắng vẻ. Nghĩa rộng: Chuyện đau buồn.

          BÊN TÀU: Tức bên đất nước Trung Hoa.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Ngày xưa Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã có mặt ở đất Bắc. Tuy sống trong hoàn cảnh nghèo túng, nhưng vẫn giữ lòng trong sạch. Ngài từng chứng kiến cảnh xa quê hương của những người Trung Hoa, nghĩ lại phận mình, mà chạnh niềm vong quốc.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Chú lùn Nhựt Bổn hùng hào,

Chẳng thương sanh mạng dân Tàu dại ngu.

Bởi chưng hung bạo chẳng tu,

Cho nên gây sự lu bù chiến tranh.

Bắc Kỳ Trung Quốc giáp ranh.

Sao không xem đó tu hành hiền lương.

Cá không ăn muối cá ươn,

Chẳng nghe lời dạy lầm đường chông gai.

Hát tuồng Trung Quốc quá dai,

Ta bèn bỏ bản hát bài tà tinh.

Cả kêu lớn nhỏ đệ huynh,

Từ đây nhẫn nại chống kình làm chi.

Bút nghiên lôi lại làm thi,

Đặng cho bá tánh bớt nghi tinh tà.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          CHÚ LÙN NHỰT BỔN: Nguyên ngữ (Nipponjin – Nihonjin), người Tàu dịch là Nhật Nhĩ Man, đa số nguyên chủng đều thấp bé, đó là nét đặc thù của người Nhật. Cũng như người Trung Hoa, đa phần mắt của họ một mí.

          HÙNG HÀO: Hùng: Mạnh mẽ hơn người. Hào: Tài sức hơn người. Nghĩa rộng: Thái độ nóng nảy, khó kềm chế nhẫn nại.

          SANH MẠNG: Sinh: Sống. Mạng: Còn gọi Mệnh: Số trời đã định cho một người nào. Nghĩa rộng: Đời sống con người.

          DÂN TÀU: Mọi người Trung Hoa.

          DẠI NGU: Còn trong vòng bán khai, chưa tiến hóa, văn minh.

          BỞI CHƯNG: Như chữ bởi vì, tại vì…

          HUNG BẠO: Hung: Dữ tợn. Bạo: Làm điều trái phạm. Nghĩa rộng: Dữ tợn làm nhiều điều trái phạm. Nghĩa rộng: Dữ tợn làm nhiều điều phạm pháp hay luân thường đạo lý.

          GÂY SỰ: Gợi ra thành chuyện, làm xích mích với người khác.

          LU BÙ: Rất nhiều, mặc sức. Làm đến thỏa thích mới thôi.

          CHIẾN TRANH: Hai bên, hai nước đánh nhau.

          BẮC KỲ: Miền Bắc nước Việt Nam.

          TRUNG QUỐC: Nước Trung Hoa, còn gọi nước Tàu. Việt Nam và Trung Quốc có chung địa giới và hải giới ở miền Bắc Việt Nam.

          GIÁP RANH: Hai nước có chung địa giới và lãnh giới.

          SAO KHÔNG XEM ĐÓ: Ngày xưa người Tàu phải bị Nhựt Bổn thôn tính, chịu nhiều điều khốn khó, vì thế Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhắc nhở mọi người hãy nhìn vào đó mà cảnh giác đề phòng.

          TU HÀNH HIỀN LƯƠNG: Rán lo sửa đổi để trở thành người hữu dụng hoặc rán vươn lên để nước nhà trở nên phú cường.

          CÁ KHÔNG ĂN MUỐI CÁ ƯƠN: Cá là loài sống dưới nước, nếu đem lên bờ tất bị chết. Nếu muốn giữ cá được lâu sình, phải ướp muối. Nếu không sẽ bị thúi rữa. Nghĩa bóng: Không nghe theo lời chỉ dạy, tất phải làm nhiều điều sai phạm, gây ảnh hưởng tốt cho bản thân và xã hội.

          CHẲNG NGHE LỜI DẠY: Không chịu làm theo lời chỉ bảo của người khác.

          LẦM ĐƯỜNG: Đi sai địa chỉ, đi không đúng theo chánh nghĩa.

          CHÔNG GAI: Chông: Loại cây vót mũi nhọn, để lắp vào cây cung hoặc chôn dưới đất. Gai: Nghạnh nhọn mọc ở cây. Hai vật nầy có thể gây thương vong cho con người và thú vật. Nghĩa rộng: Nguy hiểm.

          HÁT TUỒNG: Lối hát điển tích cổ, bây giờ gọi là Cải lương hay hát bội. Nghĩa bóng: Nói về một sự kiện nào đó.

          TRUNG QUỐC: Tức nước Trung Hoa, tên trong bản đồ (China).

          QUÁ DAI: Nói ròng một vấn đề.

          BỎ BẢN: Ngưng bài hát, bản văn lại để chuyển sang lãnh vực khác.

          HÁT BÀI TÀ TINH: Nói về các loài yêu ma, quỉ quái. Nghĩa rộng: Nói về những thói điêu ngoa, quỉ quyệt.

          ĐỆ HUYNH: Từ gọi chung những người thân hoặc tiếng xưng hô với bạn thân. Nghĩa rộng: Gọi chung anh em lớn nhỏ. “Cả kêu lớn nhỏ đệ huynh” (ĐHGC).

          NHẪN NẠI: Chịu khó nhọc.

          CHỐNG KÌNH: Tranh đấu để quyết định hơn thua, thắng bại.

          BÚT NGHIÊN: Cây viết và đồ để mài mực. Nghĩa rộng: Văn chương, lời lẽ.

          LÔI LẠI: Từ nơi nầy đem đến nơi khác, từ lĩnh vực nầy sang lĩnh vực khác. Nghĩa bóng: Lấy văn chương để nói rõ mục đích của mình.

          LÀM THI: Sáng tác thơ văn.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ nhắc nhở nên lấy tấm gương của người Tàu, bị Nhật Bổn thôn tính mà làm bài học bổ ích.

Bài thứ sáu mươi bốn

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Cổ qui tài tận hận do Tần,

                   Thiện chí tu trì lập vĩ thân.

                   Tồn tại hư vô tầm Bát Nhã,

                   Tiên kiếm thần thông chỉ huy cần.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-CỔ QUI: Cổ: Xưa. Qui: Về.

          TÀI TẬN: Tài: Hay giỏi, tính chất. Tận: Hết, trống không. Nghĩa rộng: Không còn cái gì hay không có cái gì.

          HẬN: Giận.

          DO TẦN: Do: Từ đâu mà ra. Tần: Tên một ông vua Trung Hoa là Tần thủy Hoàng, nổi tiếng tàn bạo chuyên chế và khe khắt đối với dân, đốt sách chôn sống học trò. Nói đến Tần là nói đến chánh sách bạo tàn ngang ngược.

          *Tóm lược ý câu “Cổ qui tài tận hận do Tần”: Do chánh sách ngang tàn bạo ngược, nên phải mất nước. Đây cũng là tấm gương mà Đức Huỳnh Giáo Chủ nhắc nhở, để cho mọi người lấy đó mà sửa mình.

          2/-THIỆN CHÍ: Thiện: Lành, tốt đẹp. Chí: Ý mình hướng về con đường nào. Nghĩa rộng: Chí hướng tốt đẹp, muốn làm điều lành.

          TU TRÌ: Tu: Sửa đổi. Trì: Giữ vững. Sửa đổi tâm tánh và giữ vững không đổi lập trường.

          LẬP: Làm nên.

          VĨ THÂN: : To lớn. Thân: Địa vị con người trong xã hội. Nghĩa rộng: Địa vị cao cả.

          *Tóm lược ý câu “Thiện chí tu trì lập vĩ thân”: Cố gắng theo đuổi mục đích mà mình đã theo đuổi, để lập nên danh phận.

          3/-TỒN TẠI: Tồn: Còn. Tại: Ở. Vẫn còn.

          HƯ VÔ: : Trống rỗng. : Không. Giữa khoảng trống không có gì cả.

          TẦM: Tìm.

          BÁT NHÃ: Tiếng Phạn: Prajna, nghĩa là trí huệ. Nghĩa rộng: Thoát ly những tư tưởng thấp hèn. Nghĩa bóng: Trí huệ đáo bĩ ngạn (Nhờ có trí huệ ví như chiếc thuyền đưa con người từ bờ mê, sang qua bến giác). Ý nói nhờ có trí huệ, phá tan màn vô minh mà được giải thoát.

          *Tóm lược ý câu “Tồn tại hư vô tầm Bát nhã”: Tất cả mọi vật đều biến dạng, chỉ có trí huệ là trường cửu, đưa con người đến chỗ giải thoát.

          4/-TIÊN KIẾM: Công việc trước hết.

          THẦN THÔNG: Thần: Lạ lùng, không thể lường được. Thông: Suốt khắp. Nghĩa rộng: Có tài biến hóa, có thể hiểu được mọi vật, mọi việc…

          CHỈ HUY: Chỉ: Lấy tay mà trỏ. Huy: Lấy tay mà vẫy. Nghĩa rộng: Điều khiển, sai khiến.

          CẦN: Lòng mong muốn điều gì.

          *Tóm lược ý câu “Tiên kiếm thần thông chỉ huy cần”: Trước hết phải tu tập cho có trí huệ để điều khiển vọng tâm, phá màn vô minh thì chơn tánh sẽ chứng đắc.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Người tu cốt yếu là trau giồi trí huệ, để phá tan màn vô minh, hầu tiến đến con đường giải thoát.

 

Bài thứ sáu mươi lăm

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Điền tan gia phế tế nhiên hàn,

                   Khổ đáo ly kỳ ảo viễn cang.

                   Nghị xuất Thần Tiên yên truyền đạo,

                   Bần phú cơ đồ bất tự sang.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-ĐIỀN TAN: Điền: Ruộng. Tan: Mất. Nghĩa rộng: Ruộng mất, không còn ruộng để canh tác.

          GIA PHẾ: Gia: Nhà. Phế: Bỏ. Nghĩa rộng: Bỏ nhà ra đi.

          TẾ: Nhỏ, mảnh mai.

          NHIÊN HÀN: Phải chịu nghèo khổ, lạnh lẽo.

          *Tóm lược ý câu “Điền tan gia phế tế nhiên hàn”: Phải chịu cảnh đói lạnh vì nhà tan cửa nát.

          2/-KHỔ ĐÁO: Khổ: Lo lắng. Đáo: Đến. Nghĩa rộng: Đến lúc phải chịu vất vả, cực khổ.

          LY KỲ: Ly: Xa cách. Kỳ: Lạ thường. Nghĩa rộng: Việc xảy ra khác thường hơn cái khác.

          ẢO: Không thực.

          VIỄN: Xa.

CANG: Những gì quan yếu.

*Tóm lược ý câu “Khổ đáo ly kỳ ảo viễn cang”: Cảnh khổ xảy ra chưa từng thấy trong đời.

3/-NGHỊ XUẤT: Nghị: Can đảm, quả quyết. Xuất: Ra, đem ra. Nghĩa rộng: Tính khí can đảm được bộc lộ bằng hành động.

THẦN TIÊN: Thần: Bậc hết lòng trung với vua, thương dân thương nước. Khi chết được sắc phong và dân chúng tôn thờ. Tiên: Bậc tu trên núi, có phép thuật. Cốt tu cho được trường sanh bất lão.

YÊN: An ổn.

TRUYỀN ĐẠO: Dẫn dắt vào con đường hợp với lẽ phải, xuất xử đúng với đạo lý của Thánh Hiền.

*Tóm lược ý câu “Nghị xuất Thần Tiên yên truyền đạo”: Các bậc Thần Tiên luôn luôn dẫn dắt mọi người vào con đường đạo đức.

4/-BẦN PHÚ: Bần: Nghèo nàn. Phú: Giàu sang.

CƠ ĐỒ: : Máy móc. Đồ: Mưu tính. Chỉ những việc mà mình mưu tính xây dựng từ nền móng. Nghĩa rộng: Để chỉ một sự nghiệp vững chắc.

BẤT: Chẳng phải, không thể.

TỰ SANG: Tự: Chính mình. Sang: Giành. Nghĩa rộng: Chính mình muốn chiếm hữu cái gì đó.

*Tóm lược ý câu “Bần phú cơ đồ bất tự sang”: Nghèo giàu không do bản thân mình quyết định, mà do sự an bày của Tạo hóa.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Các bậc Thần Tiên luôn luôn dẫn dắt mọi người vào con đường đạo đức. Vả lại, xưa nay giàu nghèo đều có số phận, không một ai có thể quyết định theo ý của mình được.

Bài thứ sáu mươi sáu

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Nôn nãi kìa ai nhọc mưu cầu,

                   Thê thảm cho đời nẻo huyền sâu.

                   Kiên cố của tiền thiên đạo lý,

                   Cấp hồi ái truất trót canh thâu.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NÔN NÃI: Nôn: Nôn nao. Nãi: Hóa ra, té ra. Nghĩa bóng: Sự nôn nao, thiếu bình tĩnh.

          KÌA AI: Tiếng nói trống, để ám chỉ người nào đó.

          NHỌC: Mệt mỏi.

          MƯU CẦU: Mưu: Tính toán. Cầu: Tìm tòi. Nghĩa rộng: Tính toán để tìm cho ra điều mà mình muốn khám phá.

          *Tóm lược ý câu “Nôn nãi kìa ai nhọc mưu cầu”: Chớ nóng nảy khi hành sự, sẽ bị thất bại.

          2/-THÊ THẢM: Thê: Đau thương. Thảm: Đau đớn. Buồn khổ đau đớn.

          CHO ĐỜI: Cho: Dùng như một giới từ: Phải nên. Đời: Khoảng thời gian từ lúc sống đến khi nhắm mắt.

          NẺO: Lối đi.

          HUYỀN SÂU: Huyền: Mầu nhiệm, kín đáo. Sâu: Tận ngọn ngành. Nghĩa rộng: Suốt khắp mọi nơi.

          *Tóm lược ý câu “Thê thảm cho đời nẻo huyền sâu”: Cuộc sống của mọi người trên thế gian, còn nhiều gian lao cực nhọc. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã báo trước.

          3/-KIÊN CỐ: Kiên: Bền vững. Cố: Chắc chắn. Nghĩa rộng: Rất vững bền, chắc chắn.

          CỦA TIỀN: Tài sản và tiền bạc.

          THIÊN: Một bên, lệch.

          ĐẠO LÝ: Đạo: Con đường hợp với lẽ phải, bổn phận mà con người phải báo đáp. Lý: Lẽ phải. Nghĩa rộng: Nghĩa lý phù hạp với đạo đức.

          *Tóm lược ý câu “Kiên cố của tiền thiên đạo lý”: Nếu lo củng cố tài sản và tiền bạc, đạo lý sẽ bị lãng quên.

          4/-CẤP HỒI: Cấp: Gấp. Hồi: Quay trở lại. Nghĩa rộng: Mau sớm hồi đầu hướng thiện.

          ÁI TRUẤT: Ái: Yêu, thương mến. Truất: Giảm bớt.

          TRÓT: Trọn vẹn.

          CANH THÂU: Canh: Thời gian một phần năm của đêm (1/5 đêm). Thâu: Suốt.

          *Tóm lược ý câu “Cấp hồi ái truất trót canh thâu”: Mau dẹp bỏ tình riêng để lo việc chung, suốt canh thâu không chợp mắt cũng bởi vì lẽ ấy.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Trong cả đời lo củng cố tiền tài danh vọng, nhưng có được đâu. Thức suốt canh thâu cũng bởi vì chuyện danh lợi tình làm cho phai mờ đạo đức.

 

Bài thứ sáu mươi bảy

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Thiên ý bất tư hoạnh trữ tài

                   Biên hình liên huệ tất ư giai.

                   Kiệm kỷ tha lam mi hài chí,

                   Long trì phi ẩn tạo kiền khai.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-THIÊN Ý: Ý trời. Nghĩa rộng: Trời đã định phần.

          BẤT TƯ: Bất: Không. : Riêng. Nghĩa rộng: Không riêng ai.

          HOẠNH: Cậy thế lực mà không hợp lý, cái có được không do sức mình làm ra.

          TRỮ TÀI: Trữ: Chứa đựng. Tài: Tiền bạc, của cải. Nghĩa rộng: Tích trữ tiền bạc, của cải.

          *Tóm lược ý câu “Thiên ý bất tư hoạnh trữ tài”: Trời đất không dành phần cho riêng ai.

          2/-BIÊN HÌNH: Biên: Theo thứ tự, chép. Hình: Dung mạo. Nghĩa rộng: Ghi lại một hình ảnh hay sự việc cho nhớ.

          LIÊN HUỆ: Hoa sen và hoa huệ. Tượng trưng cho sự trong sạch. Nghĩa bóng: Nếu tu đắc được Liên hoa hóa thân thì là Sen. Còn tu trung quân ái quốc thì là Huệ.

          TẤT: Hẳn như vậy.

          Ư GIAI: Ư: Ở, đặt vào. Giai: Tốt đẹp. Nghĩa rộng: Ở vào chỗ tốt đẹp.

*Tóm lược ý câu “Biên hình liên huệ tất ư giai”: Hãy đặt mình như hoa sen và hoa huệ, để từ đó trau sửa cho lòng được sạch trong.

3/-KIỆM KỶ: Kiệm: Dè sẻn, tiết kiệm. Kỷ: Mình. Nghĩa rộng: Phải tự mình biết tiết kiệm mọi hình thức.

THA LAM: Tha: Khác, đại từ nhân vật ngôi thứ ba: Nó, người ấy. Lam: Do chữ “tham lam”: Tham của người khác một cách bất chánh.

MI: Lời nói kín để người ta đoán ra.

HÀI CHÍ: Hài: Hòa hợp. Chí: Điều hướng đến của tâm.

*Tóm lược ý câu “Kiệm kỷ tha lam mi hài chí”: Việc (của) mình thì tiết kiệm, còn việc của người thì tham lam. Như vậy mi chịu lắm đó hay sao ?

4/-LONG TRÌ: Long: Con rồng. Trì: Gìn giữ.

PHI ẨN: Phi: Bay. Ẩn: Giấu kín. Nghĩa rộng: Bay mất dạng.

TẠO: Làm nên, gây dựng.

KIỀN KHAI: Kiền: Còn gọi Càn: Tượng Trời. Khai: Mở. Nằm trong quẻ Bát quái.

*Tóm lược ý câu “Long trì phi ẩn tạo tiền khai”: Rồng (Ý chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ) còn phải ở ẩn để chờ cơ Thiên định.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Trời đất không riêng của một ai, hiện tại chưa tới thời của Thánh chúa ra đời.

 

Bài thứ sáu mươi tám

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Ngạo cảnh du vân triện Bắc hà,

                   Quá khứ trú đình vịnh ngân ca.

                   Thanh tích cổ nhân tân cừ khí,

                   Nghiên tòng bí khuyết bích lư xa.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NGẠO CẢNH: Ngạo: Như chữ Ngao: Tự ý đi chơi. Cảnh: Hình sắc có thể ngắm và thưởng thức.

          DU VÂN: Đám mây bay nay đây mai đó. Nghĩa bóng: Đi những nơi không nhứt định.

          TRIỆN: Xưng danh tự mà nói một cách lịch sự.

          BẮC HÀ: Bắc: Bắc Kỳ (Bắc Bộ). : Sông. Sông miền Bắc.

          *Tóm lược ý câu “Ngạo cảnh du vân triện Bắc hà”: Đức Huỳnh Giáo Chủ ra miền Bắc.

          2/-QUÁ KHỨ: Quá: Qua. Khứ: Đi. Nghĩa rộng: Những gì đã qua.

          TRÚ ĐÌNH: Trú: Ở. Đình: Chỉ triều đình. Nghĩa rộng: Phục vụ một triều đại nào đó.

          VỊNH: Ca, làm thơ để ngụ ý gì.

          NGÂN CA: Ngân: Ngây dại, không còn thiết đến sự đời. Ca: Hát. Nghĩa bóng: Nói những câu sâu xa, huyền bí.

          *Tóm lược ý câu “Quá khứ trú đình vịnh ngân ca”: Trước kia Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng từng nói đến những triều đại, chuyên lo ích nước lợi dân

          3/-THANH TÍCH: Thanh: Tiếng. Tích: Trước, xưa. Nghĩa rộng: Có tên tuổi trước kia.

          CỔ NHÂN: Cổ: Xưa. Nhân: Người. Người xưa (Ý nói đến người Thượng cổ).

          TÂN: Mới.

          CỪ KHÍ: Cừ: Lớn, to lớn. Khí: Tính chất, tinh thần phát lộ ra ngoài. Nghĩa rộng: Sức mạnh của tinh thần.

          *Tóm lược ý câu “Thanh tích cổ nhân tân cừ khí”: Người xưa nay trở lại, vốn tinh thần rất mạnh mẽ, khí phách hơn người.

          4/-NGHIÊN TÒNG: Nghiên: Tìm hiểu cho đến cùng. Tòng: Thuận theo, từ đó.

          BÍ KHUYẾT (QUYẾT): Bí: Kín đáo. Khuyết (Có thể là chữ Quyết): Có phương pháp. Nghĩa rộng: Phương pháp bí mật.

          BÍCH LƯ: Bích: Viên đá có màu xanh biếc. : Còn đọc là Lô: Phô bày. Nghĩa bóng: Duyên kỳ ngộ hay cuộc gặp gỡ lạ lùng.

          XA: Xe.

          *Tóm lược ý câu “Nghiên tòng bí khuyết bích lư xa”: Có duyên kỳ ngộ sau nầy.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ ra miền Bắc để khuyến tu, đây cũng là duyên kỳ ngộ mà sau nầy sẽ có được.

 

Bài thứ sáu mươi chín

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Thâm canh bất mến công hầu,

Trông cho Lê thứ gặp chầu vinh huê.

Ở đâu dân cũng còn mê,

Tham câu danh lợi khó kề Thần Tiên.

Tư lương một mối sầu riêng,

Long Thiền đãi ảnh vị thiên cô phần.

Ngảnh ngao tái chí thi ân,

Biện minh chí hứng đền lân dựa kề.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          THÂM CANH: Thâm: Sâu. Canh: Một phần năm của đêm (1/5 đêm). Nghĩa rộng: Canh khuya.

          BẤT MẾN: Không ưa thích.

          CÔNG HẦU: Hai trong năm tước của chế độ quân chủ ngày xưa: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nghĩa rộng: Những người có quan tước trong một triều đại.

          LÊ THỨ: Như chữ thứ dân: Dân đen, những người cùng sống trong quả địa cầu.

          GẶP CHẦU VINH HUÊ: Nhằm lúc hiển đạt. Công thành danh toại.

          DANH LỢI: Công danh và lợi lộc.

          THẦN TIÊN: Thần: Đấng linh thiêng, hay bậc có công trạng khi chết được vua phong thần. Tiên: Người tu trên núi, có phép thuật, cốt tu cho được trường sanh bất lão.

          TƯ LƯƠNG: : Riêng. Lương: Trăn trở, lo nghĩ. “Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi” (Trần Tế Xương).

          LONG THIỀN: Còn gọi Long Thoàn, một địa danh trên núi Tà Lơn. Ngày xưa ông Nguyễn Đa, còn gọi Cử Đa (Đạo hiệu Ngọc Thanh) đã tu đắc đạo tại đây. Trong tác phẩm Lan Thiên ông đã xác nhận:

Kể từ Phú Quốc mới về,

Long Thoàn lên ở dựa kề hai năm.

Dạo chơi mấy điện tri ấm,

Tỏ lời sau trước mấy năm phản hồi.

Thân mình trong sạch đã rồi,

Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

Dương trần còn gọi Cử Đa,

Cõi Tiên chữ đặt hiệu là Ngọc Thanh.

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng xác nhận:

Kể từ Tiên cảnh ta về,

Non Bồng ta ở dựa kề mấy năm.

  Dạo chơi tầm bực tri âm,

Nay vì thương chúng trần gian phản hồi.

Nghĩ mình trong sạch đã rồi,

Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

Phong trần tâm đã rời ra,

 Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh.

          LONG THIÊN ĐÃI ẢNH: Ông Cử Đa (có khi Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng tự nhận mình là Ngọc Thanh) đã tu đắc đạo tại Long Thoàn, hiện tại còn chờ cơ Thiên định.

          VỊ THIÊN CÔ PHẦN: Vị: Thức bậc, chỗ đứng. Thiên: Trời. : Lẻ loi, lời vua các chư hầu tự xưng một cách khiêm ngượng. Phần: Cái được phân ra. Nghĩa rộng: Số mệnh trời đã an bày hay Mệnh trời đã định sẵn.

          NGẢNH NGAO: Ngảnh: Xoay, xây (động từ). Ví dụ: “Cha mẹ ngảnh đi thì con dại, Cha mẹ ngảnh lại thì con khôn” (Ca dao). Nghĩa rộng: Dong ruỗi bốn phương trời.

          TÁI CHÍ: Tái: Lại một lần nữa. Chí: Điều hướng đến của tâm.

          THI ÂN: Thi: Làm, sắp đặt. Ân: Ơn. Nghĩa rộng: Ban cho ai một ơn huệ gì (Người trên đối với kẻ dưới).

          BIỆN MINH: Biện: Tranh luận để cho rõ phải trái. Minh: Rõ ràng. Nghĩa rộng: Tranh luận để làm rõ lý lẽ phải trái.

          CHÍ HỨNG: Chí: Quyết định theo đuổi một công việc gì. Hứng: Còn gọi Hướng: Một nơi nào, phương nào. Nghĩa rộng: Theo đuổi mục đích cho đến ngày đạt được kết quả mỹ mãn.

          ĐỀN LÂN: Chỗ vua ở, chỗ thờ phượng những bậc công thần, thường có tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Giữa Đức Huỳnh Giáo Chủ và Ông Nguyễn Đa (Cử Đa) có chung một đạo hiệu Ngọc Thanh, cùng tu chứng đắc tại Long Thoàn, điều nầy xác nhận giữa hai Ngài chỉ là một.

Bài thứ bảy mươi

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC

 

                   Huy hoàng hương nến tự thiên chi,

                   Hội kiến truyền linh thuyết vĩnh kỳ.

                   Lôi chất khai âm vô sắc thí,

                   Ngại hồi bi hiện án tiền phi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

1/-HUY HOÀNG: Huy: Ánh sáng. Hoàng: Sáng sủa. Nghĩa rộng: Rực rỡ.

          HƯƠNG NẾN: Hương: Mùi thơm của nhang. Nến: Đèn sáp. Hai thứ dùng trong nghi thức lễ bái.

          TỰ: Cúng tế.

          THIÊN CHI: Thiên: Trời. Chi: Nhánh sông, phân chia. Nghĩa rộng: Trời sắp đặt, phân chia.

          *Tóm lược ý câu “ Huy hoàng hương nến tự Thiên chi”: Các bậc công thần khi chết được phụng thờ, cúng tế.

          2/-HỘI KIẾN: Hội: Nhóm họp. Kiến: Thấy, gặp gỡ. Nghĩa rộng: Cùng nhau họp mặt để bàn bạc việc gì. Hay gặp mặt một người nào đó.

          TRUYỀN LINH: Truyền: Trao cho. Linh: Thiêng liêng. Nghĩa rộng: Đã được chứng đắc ở một lĩnh vực nào đó.

          THUYẾT: Nói cho biết.

          VĨNH KỲ:Vĩnh: Lâu dài. Kỳ: Lạ lùng.

          *Tóm lược ý câu “Hội kiến truyền linh thuyết vĩnh kỳ”: Mỗi con người đều có tính chất linh thiêng mà trời đã ban tặng.

          3/-LÔI CHẤT: Lôi: Tiếng sấm. Chất: Bản thể của sự vật trong trời đất. Nghĩa bóng: Điềm trời.

          KHAI ÂM: Khai: Mở. Âm: Tiếng. Nghĩa rộng: Tiếng vang dội.

          VÔ SẮC: Không sắc màu hình tướng.

          THÍ: Dùng.

          Tóm lược ý câu “Lôi chất khai âm vô sắc thí”: Sự vận hành của tạo hóa không ai có thể biết được.

          4/-NGẠI HỒI: Ngại: Ngăn trở. Hồi: Quay trở lại. Nghĩa rộng: Khó xuất hiện.

          BI HIỆN: Bi: Cái bia. Hiện: Lộ rõ. Nghĩa rộng: Cảnh trí hay đối tượng đã phơi bày ra trước mắt.

          ÁN: Văn, thư về việc quan.

          TIỀN PHI: Tiền: Trước. Phi: Bất ngờ.

          *Tóm lược ý câu “Ngại hồi bi hiện án tiền phi”: Những sự kiện được nói đến, đều có chứng tích hẳn hòi.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Những bậc công thần được tôn thờ cúng bái. Sự vận hành của tạo hóa không ai có thể biết, chừng nào đến mới hay.

Ý kiến bạn đọc
22 Tháng Năm 20117:00 SA
Khách
That's not just the best answer. It's the bestest answer!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn