CHÁNH VĂN (Từ câu 261 đến câu 268)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 38689)
CHÁNH VĂN (Từ câu 261 đến câu 268)

261.“Lúc này thế-giới bi-ai,

          Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm.

                   Mấy lời khuyên nhủ chẳng lầm,

          264. Từ đây đạo hạnh được mầm thanh-cao.

                   Hồng-trần lao-khổ xiết bao,

          Khuyên trong lê-thứ bước vào đường tu.

                   Xưa nay đạo-hạnh quá lu,

          268. Ngày nay sáng tỏ đền bù ngày xưa”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 261 đến câu 268)

          -Lúc bấy giờ (1939) nhân loại cả thế giới đang lâm vào cảnh buồn khổ, do cuộc Đệ nhị Thế chiến diễn ra. Đức Thầy kêu gọi nhân sanh quay về nẻo đạo, nếu ai muốn tìm Phật khỏi cần phải lặn suối trèo non hay nhọc công khổ hạnh, cứ trở về với nội tâm mình mà trau sửa.

 

 

Bởi ngoài tâm không có Phật, nếu hành giả cố gắng, như trong Giác Mê của Đức Phật Thầy Tây An có dạy:

                   “Lọc lừa thì đặng nước trong,

             Ma Phật trong lòng lựa phải tìm đâu.”

          -Thời gian qua, tòa nhà đạo hạnh bị khói dị đoan che phủ, tà thuyết lấp ngăn, bao căn lành bị vùi sâu trong tâm địa. Lời Khuyến Thiện của Đức Thầy là nguồn mưa pháp vừa rửa sạch mây mù vừa làm cho những hạt giống lành được nứt mầm đâm tược. Từ đây nền Đạo hạnh sẽ được sáng tỏ bốn phương để bù lại những ngày đen tối trước kia.

CHÚ THÍCH

          THẾ GIỚI: (Xem chú thích đoạn 5 Bài Sứ Mạng).

          BI AI: Buồn thảm đau đớn.

          CHẲNG NÓI VẮN DÀI: Nói rõ ta, không luận cao thấp dông dài khó hiểu.

          PHẬT NỌ TỨC TÂM: Phật vốn nơi lòng mỗi người. “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Song vì vô minh che mờ tâm trí, không nhận được tâm mình có

Phật, mãi tìm kiếm viễn vông bên ngoài. Khi xưa vị Quốc Sư ở núi Yên tử có nói với vua Trần Nhân Tôn, khi

vua vào núi cầu đạo:“Núi vốn không có Phật, chỉ có ở tâm, lắng tâm mà thấy, đấy gọi là Chơn Phật. Nay Bệ Hạ muốn giác ngộ tâm ấy thì đứng ở trần gian mà tìm Phật, không phải khốn khổ cầu Phật bên ngoài”.

          Thế là tâm chúng sanh và tâm Phật chỉ là một. Hễ còn vọng niệm, phiền não là chúng sanh; bằng hết vọng niệm phiền não là Phật. Tâm mình còn mê là chúng sanh, tâm mình giác ngộ tức là Phật. Vậy thì người muốn tìm Phật cứ xoay về bản tâm của mình mà diệt trừ hết trần

 

lao phiền não, đối với các cảnh tượng lành dữ mà tâm vẫn như như bất động, chính đó là Phật rồi vậy.

          Trong Khế Kinh có dạy:

                   “Thị Tâm tác Phật, Thị Tâm thị Phật,

                     Ngoại Tâm vô Phật, Ngoại Phật vô Tâm”.

          (Tâm ấy tạo tác ra Phật, tâm ấy nó là Phật. Ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có Tâm).

          Đức Huỳnh Giáo Chủ nay cũng dạy:

                   “Phật tại tâm chớ có đâu xa,

                    Mà tìm kiếm ở trên non núi”.

                                      (Kệ Dân, Q.2)

          Và:

                   “Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm,

                   Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.

                                            (Đến làng Nhơn Nghĩa)

          MẦM: Chồi cây mới nhú lên, sự mới ướm phát của hột giống.

          Ca dao có câu:

                   “Sáng ngày đem lúa ra ngâm,

                 Bao giờ mọc mầm ta sẽ đem gieo”.

          THANH CAO: Thanh nhã và cao thượng.

 “Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.(Truyện Kiều)        

          Đức Thầy cũng dạy:

                   “Thường trau giồi chí hướng cao thanh,

                     Cho khỏi thẹn con lành Phật giáo”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          BƯỚC VÀO ĐƯỜNG TU: Nương theo đạo lý để lo trau sửa thân tâm cho được trọn lành trọn sáng như chư vị Phật Tiên.

         

         

 

          ĐẠO HẠNH: Đạo lý và hạnh đức. Người có đạo đức và hạnh kiểm. Ở đây chỉ cho nền đại đạo. Trong Khuyến Thiện, Q.5, Đức Thầy nói:

                   “Nền đại đạo lưu thông khắp cả,

                     Bực Tiên Hiền đều trọng Phật gia”.

          Hoặc là:

                   “Ngôn từ đạo hạnh ý Thầy khuyên”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn