CHÁNH VĂN (Từ câu 73 đến câu 78)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39779)
CHÁNH VĂN (Từ câu 73 đến câu 78)

73.“Tuồng đời như pháo châm ngòi,

          Bá-gia yên lặng mà coi Khùng này.

                   Khùng thời ba Tớ một Thầy,

          76. Giảng dạy dẫy-đầy rõ việc Thiên-cơ.

                   Điên đây còn dại còn khờ,

          78. Yên-lặng như tờ coi chúng làm sao”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 73 đến câu 78)

          -Đoạn trên ý nói cuộc đời diễn tiến như một vở kịch, tất cả đều đi theo định luật bi, hoan, ly, hiệp mà nay

 

 

sắp đến hồi tan vỡ. Đức Thầy khuyên bá tánh hãy bình tâm mà xem cuộc cứu thế trợ dân của Ngài ra sao ?

          -Trên bước đường châu du độ thế, Đức Giáo Chủ và ba ông Tớ (đệ tử) vừa báo tin cho người đời biết rõ cơ mầu nhiệm của Trời đất và vừa giảng dạy Đạo lý, thức tỉnh vạn dân sớm cải ác tùng thiện quy y Phật pháp.      

          -Sở dĩ Đức Thầy giả dạng Điên Khùng khờ dại là ý muốn cảnh giác những người thường cho mình là khôn lanh và số giả tu hay xưng hô lớn lối, lừa bịp dân quê “Chớ không ra sức giúp đời điều chi”.(Sấm Giảng Q.3) Còn đối với Ngài tuy mượn hiệu Điên Khùng nhưng:

                   “Khùng toán biết âm dương kết liễu,

                   Khùng huyền cơ Khùng Đạo Thích ca”.

                                      (Diệu pháp Quang Minh)

 Và:

                   “Điên như ta Điên giống Tiên Rồng,

                     Điên gỡ ách xích xiềng thế tục”.

                                      (Diệu pháp Quang Minh)

 

CHÚ THÍCH

          TUỒNG ĐỜI: Tuồng là lối hát có cốt chuyện, có mạch lạc từ đầu tới cuối “vở tuồng”. Đời là cả thế gian.  Ý nói mọi cảnh trạng ở thế gian đều có màn lớp và thay đổi mau lẹ như một tuồng hát trên sân khấu.

          PHÁO CHÂM NGÒI: Người ta vấn pháo có chừa cái ngòi trên đầu cây pháo, trong ruột ngòi có thuốc pháo, nên khi dùng lửa châm vào đầu ngòi thì pháo sẽ nổ.

          Vậy câu “Tuồng đời như pháo châm ngòi” là ý cho biết còn chẳng mấy ngày nữa thì trận Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, dân ta cũng bị ảnh hưởng cảnh khổ ấy dẫn đến ngày hôm nay.

         

          KHÙNG THỜI BA TỚ MỘT THẦY: Vấn đề một Thầy ba Tớ rất khó hiểu cho chính xác nên mấy lúc nay chúng tôi rất dè dặt ít khi bàn. Bởi lẽ nhìn vào mặt thực thể thì có một Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng nghiên cứu toàn bộ sấm kinh của Ngài thì thấy có nhiều danh hiệu, và có cả một ông Thầy cùng ba ông Tớ đồng sáng tác Sấm kinh và giáo hóa nhân sanh. Những danh hiệu nói trên Đức Thầy chỉ cho biết các tiền kiếp và phần chơn linh mà thôi. Thế mà mấy lúc nay có nhiều tín hữu không nghiên cứu kỹ, cứ nóng lòng đi tìm tòi thể xác của ba ông Tớ nên có nhiều người bị lầm lạc đáng tiếc, bởi số người giả tu mạo nhận.

          Vậy tiền kiếp và các danh hiệu một Thầy ba Tớ như thế nào ?

          MỘT THẦY: Ông Thầy tức ông xưng danh hiệu là Khùng. Trong bài Dặn dò Bổn đạo, Đức Thầy có xác nhận:“Thầy Khùng trò lại hóa Điên”. Và trong Kệ Dân Q.2:

                   “Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,

                    

                   Chớ chẳng phải của người lãng trí”.

          Vậy ông Khùng trước kia là ai ? Tức là Đức Phật Thầy Tây An, bởi căn cứ vào câu giảng:“Khùng thời quê ngụ núi Sam”(Sấm Giảng Q.1) “Lời của người di tịch núi Sam”. (Sấm Giảng Q.2)

          Theo sử liệu, lúc Đức Phật Thầy Tây An được nhà cầm quyền Châu Đốc trả tự do thì Ngài vào chùa Tây An tại núi Sam làm nơi thuyết giáo và sau Ngài cũng viên tịch tại đó.

         

         

 

          Thêm bằng chứng nữa, Đức Phật Thầy khi xưa có mật truyền cho ông Đạo Thắng (Nội tổ của ông Bảy Còn) một bài thi khoán thủ bát cú, mỗi câu có hai chữ:

          “Đạt Đạo Ngao Du Châu Vi Viễn Cận”.

          (Nếu viết ra chữ Hán thì 8 chữ đầu đều thuộc bộ Xước).

          Ngài dặn:“Nếu sau nầy người nào viết được bài thi y như vậy là Ngài tái sanh trở lại”.

          Trước khi tịch, ông Đạo Thắng có truyền lại cho ông Bảy Còn. Khi Đức Thầy khai Đạo, ông Bảy từ xã Long Kiến lên thăm, Đức Thầy liền viết bài thơ ấy ngay trước mặt ông Bảy không sai một chữ.

          Lại nữa, Đức Phật Thầy Tây An có lời tiên tri rằng:

“Chừng nào gốc mục lên chồi,

Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian”.

          Đến năm 1939, Đức Thầy ra đời thì nơi gốc dầu mục trước cửa chùa Tây An Cổ tự xã Long Kiến có mọc lên một cái chồi dầu nhỏ cao 7 tấc, ứng nghiệm vào lời tiên tri nói trên.

          Việc tái hồi trần gian, trong bài “Diệu pháp Quang Minh” Đức Thầy đã nói:

                   “Cặp mắt Thánh dòm xem tứ hải,

                   Thương hồng trần mượn xác tái sanh”.

          Và trong bài giảng khác Ngài cho biết:

“Bàn tay lật ngữa vậy mà,

Chớ đừng lật sấp vì Thầy tái sanh”.

                             (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

         

         

          Qua những sự kiện kể trên, chúng ta không ngần ngại nhìn nhận ông Thầy với danh hiệu Khùng là Đức Phật Thầy Tây An.

          BA TỚ: Là ba đệ tử theo sát bên Đức Thầy trợ trưởng công việc giác chúng độ đời, nhưng các Ngài chỉ dùng hóa thân ứng hiện, chớ trên thực tế là chỉ thấy có một Đức Thầy mà thôi. Vậy ba ông Tớ đó là ai ?

          1.- Ông Tớ thứ nhứt xưng danh hiệu là Điên, như Ngài từng cho biết:

“Cơ Trời thế cuộc đổi xây,

Điên mới theo Thầy xuống chốn phàm gian”.

                                                (Sấm Giảng Q.1)

          Hoặc là:

          “Đến trung tuần tháng tám ta cùng Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên…”(Bài Sứ Mạng). Ông Điên cũng có hiệu là Ngọc Thanh mà Ngọc Thanh là đạo hiệu của ông Cử Đa. Muốn xác minh điều nầy cần phải hiểu qua cuộc đời tầm sư học Đạo của ông Cử.

          Ông tên thật là Nguyễn Đa, quê ở làng Phù Cát, huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn, vì thi đỗ Cử Nhân (Võ Cử) nên người đời gọi ông là Cử Đa. Từ khi ông Cử thi đỗ thì cánh chim bằng không ngớt tung bay đây đó để mưu cuộc hộ quốc tỳ dân, khi Ngài đến phiá Bắc miền Trung, khi thì vào Thuộc Nhiêu miền Nam, nhưng đi đến đâu ông cũng gặp nhiều trở ngại. Sau rốt bước chân giang hồ của ông mới dừng lại tại miền Thất Sơn. Khi ông đến đây chính là lúc ông Nguyễn Trung Trực thất trận ở miền Đông lui về ẩn náu tại Hòn Chông, (Kiên Giang, 1862-1866). Ông Cử nhận thấy nước nhà gặp hồi

 

 

đen tối, không còn cách nào hơn là tìm nơi ẩn danh tu tỉnh.

          Trong giảng Tà Lơn, Ông đã thốt:

“Hiếu trung hai chữ phượng thờ,

Lâm tòng dưỡng tánh đặng nhờ tấm thân”.

          Khắp các ngọn núi trong vùng Thất sơn đều có dấu chơn của ông lui tới. Cuộc đời tu tỉnh của ông gặp nhiều gian truân khổ hải, bởi quân Pháp theo dõi, khủng bố đủ cách, ông phải thoạt đó, thoạt đây ẩn tránh.

          Sau rốt, ông Cử từ Phú Quốc vượt biển về Giang Thành rồi lên núi Tà Lơn. Ở đây, ông được Minh Sư (chơn linh Đức Phật Thầy) cơ truyền Phật pháp và đặt cho đạo hiệu là Ngọc Thanh. Trong giảng Tà Lơn, ông Cử đã nói rõ:

“Hắc y đổi lại Cà Sa,

Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh”.

          Trong Sấm Giảng Q.3, Đức Thầy đã viết:

“Phong trần tâm đã rời ra,

Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh”.

          Thêm một bằng chứng là Đức Thầy đi núi Tà Lơn, Ngài có dắt ông Biện Đài theo. Ông tò mò xem cách thờ phượng nơi đây, đều đúng nghi thức của Đức Phật Thầy dạy mỗi bàn chỉ thờ bức trần điều (đỏ) chớ không có tượng cốt gì hết. Và trong câu chuyện đàm thoại, Đức

 

Thầy có trả lời với ông lão ấy rằng:“ Đường nầy tôi đã có đi rồi trong tiền kiếp”.

          2.- Ông Tớ thứ hai là Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực.

         

 

          Ông Nguyễn Trung Trực sau khi vị quốc vong thân tại Rạch Giá ngày 28/8 Mậu Thìn (21-10-1868), Ông được vua Tự Đức truy phong là Thượng Đẳng Đại Thần và đền thờ Ngài tại Vĩnh Thanh Vân tỉnh lỵ Kiên Giang (Rạch Giá).

          Bởi Nguyễn Trung Trực trung hiếu lưỡng toàn nên sau khi bỏ xác, chơn linh ông được hiển Thánh và theo sát chân Đức Phật Thầy (trường hợp nầy giống như Quan Công Hầu, sau khi hiển thánh ông đến suối Ngọc Tuyền quy y với Trí Giả Thiền sư, sau chứng Đạo là Già Lam Quan Đế).

          Trong hai bài thơ có đề cập đến Quan Thượng Đẳng Đại Thần do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác năm Canh Thìn với tựa đề là “Lý lịch”:

                    Thượng thẩm Đạo mầu nẻo cao sâu,

                     Đẳng đẳng hãy làm chớ để lâu,

                     Đại pháp Vô vi là chơn lý,

                     Thần làm trọn vẹn chớ lo âu.

 

                     Huỳnh Long tự thế gần sanh chúng,

                     Bổn tánh Hòa thôn Hảo dĩ đầu,

                     Tiên cảnh thoát ly truyền bá kỷ,

                     Năng tầm Phật lý rạch từ câu”.

          Thẩm xét hai bài thi trên chúng ta thấy hàm dung bao ý nghĩa chứng minh rằng ông Nguyễn Trung Trực theo Đức Phật Thầy chuyển kiếp lại độ đời, nhứt là bốn

chữ khoán thủ “Thượng Đẳng Đại Thần”, bài thi dưới chỉ danh tánh và nơi Ngài trở lại.

          Thêm nữa, trong bài Đức Thầy cho ông Hương

 

 

chủ Bó ở Hòa Hảo có ẩn danh từ Trung Trực:“Trung Trực phò nguy đãi lịnh thiên”. Để nhấn mạnh ý đó thêm hai câu trong bài thơ kế tiếp:

                   “Nhìn xem hiệu Lão trong thơ ấy,

                     Tứ cú Nho gia đã cạn bày”.

          Và trong bài nguyện Quy Y có đoạn:Nam mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần…”.

          Nhận xét những yếu điểm kể trên chúng ta không còn chi ngờ vực mà phải nhìn nhận Quan Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực là một trong ba ông Tớ cùng theo sát bên Đức Thầy độ chúng.

          Về ông Tớ thứ ba chúng tôi chưa tìm ra tài liệu lịch sử nên chưa tiện viết ở đây.

          Có điều chúng tôi xin nhắc lại, một Thầy ba Tớ lúc bấy giờ chưa thể hiện thân xác, chỉ có ông Thầy là Đức Huỳnh Giáo Chủ mà thôi. Vậy chúng ta không nên tìm tòi ba ông Tớ bằng thể xác khác mà bị người ta gạt gẫm. Cứ lo tu hành đúng theo tôn chỉ của Đức Thầy rồi đến Hội Long Vân sẽ biết rõ tất cả như Ngài đã cho biết:

“Đến chừng gặp Hội Rồng Mây,

Người đời mới biết Điên nầy là ai”.
                                     
(Sấm Giảng Q.1)

          Cũng như Đức Thích Ca còn trụ thế, trong hàng đệ tử chưa biết ai là được kế truyền Chánh pháp, mặc dù đã có nhiều vị đắc lục thông. Khi đến Linh Sơn hội, Đức Phật truyền tâm ấn cho Ngài Ca Diếp, bấy giờ toàn thể mới biết Ngài Ca Diếp là vị Tổ thứ nhứt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn