CHÁNH VĂN (Từ câu 133 tới câu 208)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 30978)
CHÁNH VĂN (Từ câu 133 tới câu 208)

133.-Trời còn lúc tối mưa sớm nắng,

Thì trần-gian còn mãi khổ lao.

Ở trên đời kẻ thấp người cao,

136.-Kẻ hiền-hậu người thì gian-ác.

Không quen biết mà cao tuổi tác,

Ta cũng nên kính trọng mới là.

Tâm từ-bi sánh thể ngọc-ngà,

140.-Trong các báu khó bì tánh Thiện.

Phải xử thế chớ nên bày biện,

Miệng xảo ngôn thường kiện tấm thân.

Việc bán buôn phải giữ ngang cân,

144.-Chớ tập tánh lận lường tráo đấu.

Các công cuộc của người tánh xấu,

Ta giữ-gìn chớ có nhiễm vào.

Tâm Bần Tăng chẳng mến sắc màu,

148.-Mến những kẻ biết vào đường chánh.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 133 tới câu 148)

          -Đoạn nầy ý nói: Thời tiết còn có lúc mưa lúc nắng thì kiếp sống của nhân sanh, vẫn còn gian lao mãi mãi, đó là định luật không một ai tránh khỏi. Bởi tiền nghiệp của mỗi chúng sanh chẳng đồng nhau, cho nên sanh ra cõi trần mỗi người, mỗi khác; từ hình thể: thấp, cao, xấu, tốt cho đến nếp sống giàu, nghèo, hiền lương hay hung ác đều có sai biệt cả.

          -Còn việc giao tiếp với thôn xóm, Đức Giáo Chủ dạy: Khi gặp người lớn tuổi hơn mình, dù lạ hay quen, cũng nên kính nể. Đồng thời lo rèn tập lòng từ bi để ban vui cứu khổ cho người và vật. Bởi tánh hiền lành rất quí giá, dầu cho ngọc ngà châu báu cũng không sánh được.

          -Về mặt xử thế tiếp vật và nghề sanh sống, cần phải tập tánh ngay thật, công bằng, chẳng nên bày vẽ nhiều điều lắm chuyện. Bỏ hẳn những lời dối gian láo khoét, những việc làm bất chánh: đổi giạ, thay cân.

          Tất cả việc xấu xa, tội ác thường xảy ra hằng ngày trong xã hội, ta hãy giữ lòng trong sạch, đừng để ô nhiễm tập tành. Công việc khai Đạo độ đời, lòng Đức Thầy luôn thanh khiết, không còn ham muốn sắc màu danh vị, chỉ thương mến những ai biết cải tà qui chánh, nương theo Phật pháp tu hành.

CHÚ THÍCH

          HIỀN HẬU: Hiền lành và trung hậu.

          TÁNH THIỆN: Tánh hiền lành tốt đẹp.

          XỬ THẾ: Cách ở ăn, đối xử với người đời. Đức Thầy bảo:

                   “Sanh đấng nam nhi toan xử thế,

                     Sống làm hiền triết nghĩa gồm hai”.

                                  (Đức Thầy gởi cho Ô. Mười (Thúc Ông)

          BÀY BIỆN: Cũng viết là bài biện. Có nghĩa sắp đặt sửa soạn. Bày đặt cho có chuyện. Ví dụ: Khéo bày biện cho lắm chuyện

          XẢO NGÔN: Nói dối trá, nói láo một cách khéo léo. Kẻ xảo ngôn hay dùng lời giả dối, tráo trở để lừa gạt kẻ khác, song thường rước lấy tai hại về mình:“Cái miệng nó kiện cái thân”. Sách Thánh nói:“Dục lượng tha nhơn, tiên tu tự lượng, thương nhơn chi ngữ, hười thị tự thương, hàm huyềt phún nhơn, tiên ô tự khẩu”.(Muốn so lường người ta, trước phải so mình; lời nói hại người; trở lại hại mình, ngậm máu phun người, miệng mình dơ trước). Đức Thầy nay cũng bảo:

                   Người dương thế chẳng ưa bốc xước,

                 Phật Thần nào gần kẻ xảo ngôn”.(Kh/thiện, Q.5)

            ĐẤU: Vật để đo lường lúa gạo thời xưa; cứ 10 thăng là một đấu. Câu “…lận lưòng tráo đấu” là chỉ cho người làm việc gian tà, khi mua thì dùng giạ già, cân già; nhưng lúc bán thì giạ non, cân non.

          BẦN TĂNG: Nhà tu nghèo. Tiếng tự khiêm của các Tăng sư tu hành theo Đạo Phật. Đây là tiếng Đức Thầy thường dùng:

                   Ai mà xét đến ăn năn,

       Quày đầu hướng thiện bần tăng dắt dùm”.(Bóng hồng)

            ĐƯỜNG CHÁNH: Nghĩa của chữ Chánh Đạo (Xem CT câu 161, T-2, Q.2).

 

CHÁNH VĂN

149.-Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,

Nên truyền ban cho chúng-sanh tường.

Tuy ngày nay chúng nó hùng-cường,

152.-Chừng phân định thì Ta cao-quí.

Khuyên bổn-đạo lập thân nuôi chí,

Đặng chờ ngày yết-kiến Phật Trời.

Quá yêu dân cạn tỏ nhiều lời,

156.-Cho trần-hạ tìm trong lánh đục.

Chẳng chịu tu mãi còn lục-thục,

Lo giàu nghèo lo cũng chẳng rành.

Ham công-danh quên chữ sanh-thành,

160.-Mến phú-quí quên câu dưỡng-dục.

Rán kiếm chỗ tầm Tiên lánh tục,

Người ở đời phải được lòng trong.

Biển hồng-trần sớm gội cho xong,

164.-Ngày lập hội mới mong trở lại.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 149 đến câu 164)

          -Công cuộc khai hóa nhân sanh, Đức Thầy có mượn lời của Phật Thích Ca và Thánh Khổng Tử truyền dạy khắp nơi để cho mỗi người đều hiểu biết tường tận. Tuy hiện giờ lắm kẻ ỷ mình có thế lực, lấn áp người tu, nhưng đến một ngày kia:“Phật Thánh Tiên Đông độ lướt sang, Miền Nam địa phân chia đẳng cấp” thì bá tánh sẽ thấy rõ sự cao quí của kẻ tu hành Đạo đức ra sao.

          -Đức Thầy khuyên tín đồ nên lập thân hành Đạo và nuôi dưỡng ý chí cao cả để sau nầy được yết kiến Phật trời. Vì lòng quá thương xót chúng dân nên Ngài đã nhiều lần giải bày cặn kẽ, cho mỗi người xem đó hầu tìm con đường thanh cao, lánh xa chỗ đê hèn nhơ xấu.

          -Xét thấy việc tu không làm trở ngại cho phần sanh sống, thế mà có nhiều người mãi do dự chần chờ. Quanh năm suốt tháng, chỉ biết hơn thua trong cảnh nghèo giàu, nhưng rốt cuộc đâu chẳng ra đâu, kế tử thần gõ cửa; nào khác câu chuyện “Anh chàng cày ruộng xưa kia”.(Anh cày ruộng trải qua 91 kiếp, gặp 7 vị Phật ra đời mà anh vẫn còn cày ruộng. Đến khi Đức Thích Ca xuất thế dùng phương tiện nhắc lại cho anh biết tiền kiếp. Anh mới chịu giác tỉnh tu hành.) Cũng có số người vì quá tham giàu sang danh lợi, chẳng nhớ ơn sanh dưỡng của mẹ cha.

          -Đức Giáo Chủ cũng khuyên dạy vạn dân, rán tìm về con đường siêu thoát của Phật Tiên, lánh xa nơi trần tục khổ sầu. Trong việc cư xử với đời mỗi người cần giữ lòng trong sạch, gội rửa tất cả những gì xấu xa tội ác:“Chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh tài sắc”.(Chư Phật có bốn Đại đức.) Có thế, mới được dự Hội Long Hoa và trở về quê Tiên cảnh Phật.

 

CHÚ THÍCH

          PHẬT THÁNH: (Xem CT chữ  Phật đoạn 7, T-1, bài Sứ Mạng và chữ Thánh câu 96, T-3, Q.5). Chữ Phật Thánh ở đây, chỉ cho Đức Phật Thích Ca, vị Giáo Tổ của Đạo Phật và Đức Thánh Khổng Tử, bậc Thầy của Nho giáo.

          TRUYỀN BAN: Truyền dạy và ban rộng khắp nơi, cho bá tánh được rõ.

          HÙNG CƯỜNG: Mạnh mẽ và có thế lực. Đây chỉ cho số người dựa theo sức mạnh của nhà cầm quyền Pháp thời ấy (1939-1945). Đức Thầy có câu:

                   “Ai ôi ! hãy ngắm cho tường,

          Nhìn ông tận mặt hung cường làm chi?”(Bóng hồng)

          PHÂN ĐỊNH: Cũng gọi là định phân. Có nghĩa chia định ra từng việc, từng phần và thứ bực cao thấp, lớn nhỏ cho có trật tự. Đức Thầy từng dạy:

                   Sớm lo sắp đặt luyện tài,

            Phật Trời phân định mặt mày mới xinh”.

                                                                 (Dặn dò Bổn đạo)

          LẬP THÂN: (Xem CT câu 549, T-2, Q.3)

          NUÔI CHÍ: Nuôi dưỡng ôm ấp mãi trong đầu óc một định hướng và ý chí cao cả. Cho đến khi thành đạt mục đích. Đức Thầy hằng khuyên:

                   Khuyên bổn đạo gần xa nuôi chí,

                   Lẽ nhiệm mầu huyền bí nơi đây”.(Thiên lý ca)

            YẾT KIẾN: Ra mắt, đến viếng hoặc được gặp mặt người trên.

          TÌM TRONG LÁNH ĐỤC: Do chữ “lánh trược tầm thanh”. Có nghĩa tìm nơi cao cả trong sạch, xa lánh chỗ thấp hèn nhơ xấu. Ý chỉ tầm con đường Đạo đức siêu thoát của Phật Tiên, và tránh xa chốn tranh đấu: danh, lợi, tình. Vì đó là đường luân hồi, thế tục.

          Đức Thầy có câu:

                    “Phủi trần xóa bỏ lợi danh,

          Quyết lòng lánh trược tầm thanh mai chiều”.

                                                (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          LỤC THỤC: Cũng gọi là lục đục. Có nghĩa chần chờ chậm lụt, không mau mắn. Ví dụ: tới giờ nầy vẫn còn lục thục ở đó. Đức Thầy thường kêu thúc:“Nếu chần chờ lục đục trễ chơn”.(Vọng Bắc hoà Nam)

          CÔNG DANH: Công nghiệp và danh vọng.

          SANH THÀNH: Đẻ ra và nuôi cho nên người.

          PHÚ QUÍ: Giàu sang quyền quí. Đức Thầy có câu:

                   Phú quí tạo đời thêm mệt xác,

                     Tham danh phế Đạo chí đâu yên”.

                                                (Luận việc Tu hành)

          DƯỠNG DỤC: Nuôi nấng và dạy dỗ chăm nom.

          BIỂN HỒNG TRẦN: (Xem CT câu 249, T-1, Q.1)

         

CHÁNH VĂN

165.-Chữ bần-tiện khuyên dân đừng nại,

Miễn cho ta trở lại ngay đàng.

Chữ vinh-hoa giờ chớ có màng,

168.-Bởi giả tạm của đời Nguơn-hạ.

Gắng công tu xem nhiều phép lạ,

Của Thần-Tiên trừ lũ hung-đồ.,

Nào lụa là, lãnh nhiễu, tố sô,

172.-Chớ ham mến mà sau lao-lý.

Ngày tiêu-diệt từ năm Bính-Tý,

Đến năm nay hao hớt đã nhiều.

Các ngoại bang đà nhượm máu điều,

176.-Sao trần-thế không toan chẳng liệu.

Để đến việc dang lưng mà chịu,

Chớ Phật đâu cứu kịp cho người.

Khuyên chúng-sanh bỏ tánh biếng lười,

180.-Phải sốt-sắng làm ăn cần-thiết.

Nghèo với đói từ đây sẽ biết,

Hàng ngoại bang bố-thiết ta hoài.

Nên bá-gia hãy rán miệt-mài,

184.-Dầu rách rưới cũng mau cần-kiệm.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 165 đến câu 184)

          -Đoạn nầy có ý dạy: người tu học Đạo Pháp dầu có lâm cảnh nghèo khổ, cũng chẳng ngại chi, miễn sao được đi đúng theo con đường ngay chánh là tốt. Có điều, chẳng nên tham đắm cảnh giàu sang phú quí, bởi nó là của giả tạm, như làn mây, bọt nước. Nhứt là giữa buổi Hạ ngươn, tiền của từ tay người nầy sang qua người khác rất mau chóng, và khi nhắm mắt cũng chẳng đem theo được vật nào.

          -Đức Thầy khuyên mọi người, hãy gắng công tu niệm, để sau nầy được xem các đấng Thần Tiên, dùng phép mầu trừ dẹp kẻ hung tàn bạo ác. Nếu ai còn say đắm: ăn sung, mặc sướng, hàng lãnh, võng dù thì mai hậu sẽ gặp nhiều tai nạn khổ lao.

          -Cuộc tận diệt cõi Hạ ngươn khởi đầu từ năm Bính Tý (1936), tai nạn lụt lội đã xảy ra một lần, tại miền Nam nước Việt, rồi nay (1939) lại tái diễn. Cùng một lúc, cuộc Đệ nhị Thế chiến sắp bùng nổ từ Âu sang Á, các nước ngoài phải chịu cảnh đói nghèo, chết chóc rất thê thảm. Trước trạng huống ấy, nếu bá tánh không sớm liệu toan, thì một ngày kia tai nạn khổ sầu đưa đến, đành phải chịu, chớ không thể nào cầu trời khẩn Phật, tiếp cứu mình cho kịp.

          -Đức Giáo Chủ dạy khắp chúng sanh từ đây nên bỏ dứt sự ăn chơi, lười biếng và phải hăng hái lo làm ăn, đó là điều cấp thiết, cho cuộc sống của nhân loại; vì cảnh nghèo đói sắp xảy ra một bên. Lúc bấy giờ trận giặc đói đang lan tràn đất Trung Hoa. Đức Thầy cũng tiên đoán, rồi đây nó sẽ sang đến miền Bắc Việt Nam. Lại thêm người ngoại quốc muốn phá hoại nền kinh tế nước ta, họ cho vật giá gia tăng để xiết chặt dân ta vào vòng nô lệ. Do đó Đức Thầy khuyên trong vạn dân từ đây hãy chuyên cần, vừa “…sốt sắng lo làm ăn” và “vừa lo tu hiền chơn chất”, để vượt qua cảnh nghèo đói tới đây.

 

CHÚ THÍCH

          NGAY ĐÀNG: Con đường ngay chánh. Ý chỉ con đường của Đạo Phật.

          NGƯƠN HẠ: (Xem CT chữ Hạ ngươn, đoạn 5, bài Sứ Mạng).

          HUNG ĐỒ: (Xem CT câu 113, t-2, Q.2)

          NĂM BÍNH TÝ: Nhằm năm 1936, năm ấy bị nạn lụt lội, thất mùa, bá tánh chịu nạn đói khổ.

          SỐT SẮNG: Nhiệt thành, có nhiệt tâm, hết lòng mau mắn. Ví dụ: Anh ấy sốt sắng trong việc từ thiện. Đức Thầy có khuyên:“…Phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”.(Tám điều răn cấm)   

          CẦN THIẾT: Rất cần, phải có mới được.Ví dụ: Điều ấy cần thiết lắm.

          BỐ THIẾT: Bố là tiếng lóng. Ý là khủng bố bao vây. Thiết là xiết chặt. Đây chỉ cho ngoại quốc bán hàng hóa càng ngày càng tăng giá cao, quá đắc đỏ để xiết chặt dân ta. Đức Thầy từng nói:

                   Gạo lúa kém là đồ sản thổ,

                     Hàng quá cao ấy của ngoại bang vào”.

                                                (Trả lời cùng Ông Táo)

          CẦN KIỆM: Siêng năng và tiết kiệm. Ví dụ: Người biết tiết kiệm dầu không giàu cũng dư ăn (Tiểu phú do cần).

CHÁNH VĂN

185.-Lời Ta dạy hãy nên suy-nghiệm,

Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình. 

Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,

188.-Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.

Chữ gây-gổ là Sân hãy diệt,

Cho nó đừng thấp-thoáng trong lòng.

Thêm chữ Si thiệt quá lòng-dòng,

192.-Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.

Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,

Ta chớ nên phân biệt với người.

Dẹp năm tên được mới mừng cười,

196.-Vô pháp-tướng mới là thiệt tướng.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 185 đến câu 196)

          -Đúc Thầy khuyên mỗi tín đồ hãy xét suy, nhận định lời dạy của Ngài cho kỹ để cố gắng thực hành theo. Trước nhứt là phải suy gẫm cho thấu đạt chơn lý, để trí huệ phát khai, rồi dùng trí sáng ấy quán xét, chiếu tan ngũ uẩn. Đứng đầu là tánh tham: Xét rằng các sắc tướng của vạn pháp trong thế gian đều là ảo ảnh, không thật có, hầu diệt tận gốc của sự ham muốn.

          -Kế tiếp là lòng sân hận, nó là cửa sanh ra muôn ngàn tội ác, ta phải xoay về nội tâm theo dõi từ phút giây, hễ thấy một đóm lửa sân vừa phát khởi nơi lòng, là diệt ngay, đừng để nó lộ ra trên gương mặt, hoặc hành động, ngôn ngữ. Đến sự si mê cũng là tai hại không vừa; hãy dùng trí huệ phá trừ nó, nương theo ngọn đèn chơn lý, soi sáng lối đi. Đồng thời dùng trí bình đẳng diệt sạch lòng phân biệt nhân ngã.

          -Vậy muốn chiếu phá năm uẩn vừa kể trên, trước hết hành giả phải trừ ngay cái tâm nhân ngã và lòng tham ái. Hễ tâm phân biệt nhơn ngã và tham ái không còn, thì lòng câu chấp ô nhiễm và sân si đều dứt sạch. Bấy giờ, tâm ta được rỗng thông sáng tỏ, chẳng còn dính mắc một pháp tướng nào, tức đặng trở về cái chân thật tướng của Như Lai.

CHÚ THÍCH

          SUY NGHIỆM: Vận dụng trí huệ suy nghĩ, nghiệm xét để nhận định. Ví dụ: Suy nghiệm điều đó đúng không ?

          NGŨ UẨN: Cũng gọi là ngũ ấm. Có nghĩa năm cái kết hợp, che đậy chơn tánh của con người. Theo Kinh Phật từ trước thì giải ngũ uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Còn Đức Thầy nay giải là: tham, sân, si, nhân, ngã. Hai lối giải nầy, tuy danh từ có khác, nhưng lý nghĩa vẫn đồng nhau.

          A)- Ngũ Uẩn: Theo Kinh Phật giải;

          1/- Sắc Uẩn: là sắc thân tứ đại giả hợp. Hễ có sắc thân tức có sanh, già, bịnh, chết…Thế mà chúng sanh khởi tâm chấp trước điên đảo, rồi mưu cầu vật chất phụng sự nó.

          2/- Thọ Uẩn: Khi có sắc thân, dĩ nhiên phải có lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thường tiếp nạp sáu trần: sắc thinh, hương, vị, xúc, pháp…làm cho chúng sanh khởi tâm thủ, xả, ái, ố.

          3/- Tưởng Uẩn: Sau khi lục căn tiếp nạp lục trần những cái thủ, xả, ái, ố đó làm cho chúng sanh khởi tâm tưởng tượng ghi nhớ mãi.

          4/-Hành Uẩn: Khi tưởng tượng ghi nhớ những điều thủ, xả, ái, ố, làm cho chúng sanh khởi tâm, quyết thật hành cho kỳ được.

          5/- Thức Uẩn: Đối với những việc đã và đang thực hành, mỗi mỗi đều làm cho chúng sanh khởi tâm phân biệt người và ta, hơn thua, tốt xấu…

          CÁCH PHÁ NGŨ UẨN: theo Kinh Phật dạy: Để tiêu phá ngũ uẩn, hành giả cần phải diệt sạch vọng tâm câu chấp bản ngã. Diệt được bản ngã thì chẳng còn quá trọng sắc thân. Sắc thân hiện hữu đã chẳng quá trọng, thì các cái vọng khởi: thọ lục trần, tưởng ái ố, hành đắc thất, thức nhơn ngã sẽ tự tiêu diệt ngay. Vì rằng các vọng khởi: thọ, tưởng, hành, thức chỉ để cung cấp cho sắc thân, hễ tâm vọng chấp sắc thân không còn, là chúng nó không còn. Tâm Kinh có chép: Hễ soi thấy năm uẩn đều không, thì vượt qua tất cả lao khổ nạn ách; tức được tự tại an vui (chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách).

          B)- NGŨ UẨN: theo Đức Thầy giải trong đây:

          1/- Tham: tức là tham vọng luyến ái. Từ một điểm khởi niệm tham ái, tâm hồn đã tạo nghiệp sanh tử mới đi đầu thai, thành có xác thể con người.

          2/- Sân: là lòng nóng giận. Khi có xác thân, tất phải có sáu căn, tiếp nhiễm với sáu trần; song sự thèm khát ô nhiễm của sáu căn không thỏa mãn, nên có sân hận.

          3/- Si: là tâm mê tối. Khi lòng sân dấy lên, làm mờ tối cả tâm trí “giận mất khôn”, như mặt nước hồ bị nổi sóng, nên không nhận rõ lẽ chánh tà chơn giả.

           4/- Nhân: là người. Từ chỗ mê tối ấy, mới phân biệt người và ta khác nhau, bao giờ cũng xem người là thấp kém, thua thiếu, đáng khinh chê lấn áp, ai đau khổ mặc ai.

          5/- Ngã: là cái tâm chấp ta. Lúc nào cũng xem ta là cao cả hơn người, đáng quí trọng, kính yêu rồi bảo thủ, nên mỗi vật chi đều cũng muốn bao gồm về mình. Chính đó là lòng phân biệt, khác ái, là hột giống sanh tử, để rồi đầu thai trở lại một thân khác nữa, và cứ thế mà lên xuống mãi trong sáu nẻo luân hồi:“Tâm trần tục còn phân nhân ngã, Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”.(Kệ Dân, Q.2)

          CÁCH PHÁ NGŨ UẨN: Theo Đức Thầy dạy: Muốn phá ngũ uẩn, trước hết người hành Đạo phải tu tập trí huệ, rồi dùng sự sáng suốt ấy mà quán chiếu, diệt trừ tâm tham ái và vọng chấp bản ngã. Nếu lòng câu chấp bản ngã không còn, thì các tánh: sân hận, mê si và sự phân biệt ngã nhân, cũng không do đâu phát khởi. Lúc ấy tâm ta được bình đẳng an nhiên, chứng ngộ “chơn như thật tướng”, dứt đường tử sanh:

                   Phá ngũ uẩn rứt lần tham ái,

                     Cội sân si cũng phải tảo trừ.

                        Đem về giác tánh chơn như,

                     Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.

                                             (Cho Ô. Cò Tàu Hảo)

          ĐỒNG LÝ NGHIÃ:

          Tại sao gọi hai cách PHÁ NGŨ UẨN vừa giải trên đồng lý nghĩa ?

          Bởi theo Kinh xưa, giải: từ chỗ có sắc thân, mới có thọ lục căn, tưởng ái ố, hành đắc thất và thức nhân ngã. Nên hễ diệt được lòng câu chấp sắc thân thì những cái thọ, tưởng, hành, thức cũng không còn, tức chứng được “chơn như thật tướng”.

          Còn Đức Thầy nay thì giải: từ chỗ lòng tham ái mới có sắc thân hiện hữu, và sân, si, nhân, ngã. Nên khi trừ được gốc tham ái, thì lòng sân hận, mê si và nhân ngã đều dứt sạch, tất chứng được “Giác tánh chân như”.

          Cho nên nói hai lối giải trên đây, về phương tiện thực hành và văn tự, tuy có khác đôi phần, nhưng khi kết quả cũng đồng đạt đến mức cứu cánh giải thoát.

          NĂM TÊN: Chỉ cho năm uẩn nói trên.

          VÔ PHÁP TƯỚNG MỚI LÀ THIỆT TƯỚNG: Bởi cái tâm vốn chơn không, cho nên người tu không nên chấp vào các phá tướng, như ngũ uẩn nói trên. Vì các pháp đều không có thật thể và thường tồn. Nếu hành giả trừ được cái tâm tham chấp vào các pháp tướng, tức chứng được cái thiệt tướng của Như Lai. Kinh Kim Cang có dạy:“Người tu hành đến khi nào không còn bị các tướng câu thúc, tức là không còn phân biệt có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất nhiên cái thiệt tướng thường tái hiện ra sừng sững vậy (chơn tướng Như Lai)”.

CHÁNH VĂN

197.-Người tu hành phải trừ nghiệp-chướng,

Với bốn ma mới đặng an-nhàn.

Tửu nhiễm vào thân thể bất an,

200.-Sắc mến nó ngày kia lao khổ.

Ta nghiệm xét từ đời Bàn-Cổ,

Có ai dùng mà đặng thành Tiên.

Mà đời nay theo nó liên-miên,

204.-Chữ Tài của khổ riêng một kiếp.

Bị tội cướp nào ai có tiếp,

Mà đời nay nó cứ mãi làm.

Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,

208.-Mà lao-lý tấm thân trần-thế.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 197 đến câu 208)

          -Trên đường giải thoát, người hành đạo muốn được kết quả, cần phải nhắm ngay cội gốc của các chướng nghiệp mà diệt trừ; tức ba món phiền não: tham, sân, si nơi ý nghiệp. Hễ phiền não chướng không sanh thì hai nghiệp của thân và khẩu cũng thanh tịnh. Đồng thời nên xa lánh bốn con ma bên ngoài, tức là “tứ đổ tường”(tửu, sắc, tài, khí).

          -Bởi rượu và sắc đẹp là hai thứ rất độc, nếu kẻ nào say đắm, tất sẽ bị hư thân mất mạng, sự nghiệp tiêu tan, xã hội khinh chê ruồng bỏ. Ôn lại quá trình lịch sử, từ khi mới có loài người đến nay, có một ai còn dùng tửu sắc mà được thành Tiên hay Phật bao giờ. Thế mà người đời nay cứ mãi đam mê.

          -Đến con ma thứ ba là của tiền vàng bạc, vì nó, con người hành động những tội ác: tham lam, giành giựt, trộm cướp, gạt lường, để lấy tiền của nuôi cả vợ con, rốt cuộc riêng mình chịu tội khổ chẳng ai tiếp được.

          -Thứ tư là con ma thuốc phiện, hơi thơm của nó làm cho người ta nghiện ngập, thân xác dần dần gầy ốm, nóng nảy, khô khan; quanh năm, suốt tháng chỉ xây quanh phòng hút. Bao nhiêu gia tài sự nghiệp lần hồi tiêu sạch, chỉ tồn lại một thân hình bạc nhược, chịu sầu khổ cho đến ngày giã biệt cõi đời.

 

CHÚ THÍCH:

          NGHIỆP CHƯỚNG: Nghiệp là hành động của: thân, khẩu, ý gây tạo. Chướng là ngăn che, trở ngại. Theo Kinh xưa, mỗi chúng sanh đều có ba nghiệp chướng: Phiền não chướng, Nhân chướng và Báo chướng. Phát xuất từ phiền não chướng (tham, sân, si) dấy lên, con người mới tạo nghiệp tức là nhân chướng, rồi bị cái báo chướng trả lại. Cứ thế mà vay trả lên xuống mãi trong sáu đường sanh tử.

          Còn thời nay, Đức Thầy dạy:“Mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây trong bài “Luận về Tam nghiệp”:

          -Thân nghiệp (tội lỗi do xác thân gây nên);

          -Khẩu nghiệp (tội lỗi do miệng lưỡi gây nên);

          -Ý nghiệp (tội lỗi do ý tưởng gây nên)”.

          Trước tiên, phát xuất từ ý nghiệp (tham, sân, si) mới phát ra ngôn ngữ (khẩu nghiệp: lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ) và hành động (thân nghiệp: sát sanh, đạo tặc, tà dâm). Ba nghiệp ấy cứ tiếp nối nhau luôn, tạo thành sức mạnh lôi kéo chúng sanh, sau khi chết phải luân hồi qua kiếp khác, rồi kiếp khác nữa…khó mà thoát ly ra được.

          Trong bài “Lời khuyên Bổn đạo” Đức Thầy có dạy:“Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những chướng nghiệp nhiều đời mà làm cho linh hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên luân hối chuyển kiếp”.

          BỐN MA: Chỉ cho “Tứ đổ ttường”: tửu, sắc, tài, khí. Sở dĩ gọi nó là ma, vì bốn món ấy làm cho chúng sanh đam mê khổ sở (Xem thêm phần CT câu 221, T-2, Q.2)

          BÀN CỔ: Theo sử liệu Trung Hoa, khi mới khai thiên lập địa, Bàn cổ là người đầu tiên xuất hiện làm vua trên quả địa cầu; rồi lần lần mới có loài người và vạn vật. Cho nên gọi Bàn Cổ là thỉ Tổ của loài người. Cổ thơ có câu:“Bàn Cổ khai lò tạo hóa, Tam Hoàng Ngũ Đế lại ra giúp đời”.

          LIÊN MIÊN: (Xem CT câu 319, T-2, Q.2)

          KHÍ HÙNG: Hơi nóng, mạnh của chất thuốc phiện.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn