CHÁNH VĂN (Từ câu 323 đến câu 336)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 38432)
CHÁNH VĂN (Từ câu 323 đến câu 336)

323.“Dân nay như thể không cha,

            Chẳng ai dạy-dỗ thiệt là thảm-thương.

                             Thứ này đến thứ Minh-Vương,

           326. Nơi chốn Phật đường mặt ngọc ủ-ê.

                   Cảm thương trần-hạ nhiều bề,

          Bởi chưng tàn-bạo khó kề Phật Tiên.

                   Chúng ham danh lợi điền-viên,

          330.  Ngày sau đến việc lụy-phiền suốt canh.

                   Kệ-kinh tụng niệm đêm thanh,

                   Ấy là châu-ngọc để dành ngày sau.

                   Bây giờ chưa biết vàng thau,

          Đời sau kính trọng người cao tu hành.

                   Nam-mô miệng niệm lòng lành,

                   336. Bá gia phải rán biết rành đường tu”.

 

LƯỢC GIẢI  (Từ câu 323 đến câu 336)

          -Đoạn nầy ý cho biết, trước Phật Đường, Đức Thánh Vương nhìn thấy chúng dân quá tham tàn bạo ác, chỉ biết chạy theo lợi danh quyền tước, nhà cửa ruộng vườn, rốt cuộc phải gánh lấy vô vàn sầu khổ, lòng Ngài rất đau xót cho số người ấy.

          -Để thoát ly cảnh khổ, Đức Giáo Chủ kêu gọi vạn dân sớm nương về nẻo Đạo, hằng xem coi Kinh Kệ, sửa tánh răn lòng. Chính đó là món đồ quý giá, để giành lại sau nầy thụ hưởng, bởi:

             “Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          -Lúc bấy giờ chánh tà còn lẫn lộn, thật giả chưa phân minh, nhưng đến ngày chọn lọc của cơ tạo hóa thì người thật tâm tu niệm sẽ được thành quả cao quý:

                   “Theo Phật giáo sau nầy cao quý,

                     Được nhìn xem Ngọc Đế xử phân.

                     Lại được gần Bệ Ngọc Các Lân,

                     Cảnh phú quý nhờ ơn Phật Tổ”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          -Song người phát tâm niệm Phật làm lành thì lòng phải từ bi như Phật, giới hạnh tinh nghiêm, hằng ngày lo học đạo nghiên cứu kệ kinh, suốt thông đường lối và pháp môn hành đạo của Thầy Tổ, để nương theo đó mà tiến hành tất được toại nguyện.

 

CHÚ THÍCH

          MINH VƯƠNG: (Xem chú thích câu 21, Q.1)

          PHẬT ĐƯỜNG: (Xem chú thích câu 22, Q.1)

         

         

         

          MẶT NGỌC: Do chữ “Ngọc Diện”, mặt đẹp và trong sáng như ngọc. Dùng để chỉ gương mặt của bậc cao quý, hoặc người đẹp cả nam lẫn nữ.

          Trong Lương Giảng Văn Đế có câu:

                   “Trong thần ngọc diện đăng tiền xuất”.

          (Môi son mặt ngọc trước đèn bước ra). Đây chỉ cho vị Thánh Vương, người cao quý.

          Ủ Ê: Buồn rầu thương xót.

          ĐIỀN VIÊN: Ruộng vườn, vườn tược.

          SUỐT CANH: Hết năm canh, sáng đêm. Ý nói sự lo buồn làm thao thức suốt đêm.

          KỆ KINH: (Xem chú thích câu 269, Q.1)

          TỤNG NIỆM: Tụng là đọc, xem. Niệm là tưởng nhớ điều chỉ dạy trong đó, ấy gọi là tụng niệm.

          Đức Thầy thường khuyên:

                   “Giảng kinh đọc tụng chiều mai,

                     Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta”.

          ĐÊM THANH: Đêm vắng vẻ, không có tiếng động. Đức Thầy có câu:

                   “Đêm thanh vắng tiếng đờn khoan nhặt”.

          CHÂU NGỌC: Hột trai và Ngọc, đồ quý giá.

          VÀNG THAU: Vàng là loại kim quý, sắc vàng ánh. Thau là loại kim pha kẽm, sắc vàng nhợt. Nghĩa bóng vàng có giá trị cao, chỉ cho cái gì tốt nhất và thật. Còn thau thì có giá trị thấp, chỉ cho cái gì xấu và giả.

          Ca dao có câu:

                   “Vàng mười, bạc bảy, thau ba”.

          Đức Thầy từng nói:

                   “Nấu lọc rành mới biết vàng thau,

                     Ai thật tánh ai người giả đạo”.(Sa Đéc)

         

          NAM MÔ: (Xem chú thích câu 29, Q.1)

          BIẾT RÀNH ĐƯỜNG TU: Thấu rõ tôn chỉ, đường lối và phương thức tu hành.

          Đức Thầy đã bảo: Đạo của con người kêu bằng Đạo Nhân, và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết”.(Bài Luận về Tam Nghiệp). Và:

                   “Đạo là vốn thiệt cái đàng,

                Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn