CHÁNH VĂN (Từ câu 241 đến câu 252)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39674)
CHÁNH VĂN (Từ câu 241 đến câu 252)

241.“Thường về chầu Phật tấu trần,

          Cầu xin Phật-Tổ ban lần đức ơn.

                   Nay đà bày tỏ nguồn cơn,

          244. Cho trong trần-hạ thiệt hơn tỏ tường.

                   Phật, Trời thấy khổ thời thương,

          Muốn cho lê-thứ thường thường làm nhơn.

                   Đừng ham tranh-đấu thiệt hơn,

          248. Tu niệm chớ sờn uổng lắm dân ôi !

                   Hồng-trần biển khổ thấy rồi,

            Rán tu nhơn-đạo cho tròn mới hay.

                  

                   Đừng ham nói đắng nói cay,

          252. Cay đắng sau này đau đớn, sầu-bi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 241 đến câu 252)

          -Trong thời gian dạy đạo, Đức Thầy thường về gặp Đức Phật Tổ trình bày hết mọi việc trong trần để cầu xin Đức Phật ban phước lành cho chúng sanh khỏi tai nạn và tỉnh tâm tu niệm.

          -Lòng từ bi của Trời Phật và Đức Thầy lúc nào cũng nhủ lòng thương khắp sanh linh nbên dạy bày cặn kẽ:

                   “Lời Thầy dạy thật là cặn kẽ,

                     Bao nhiêu tình bác ái góp tom”.

                                                (Sa Đéc)

          Để khuyên mọi người lo thi ân bố đức, chẳng nên tranh đua, tham đắm vật chất mà làm gì. Bởi các thứ ấy đều là ảo ảnh phù hoa, dầu ta có hơn thua dành dụm, đến khi “Nhắm mắt cũng nắm hai tay”.(Khuyến Thiện, Q.5)

          -Trên đường tu hành ai muốn đạt đến mục đích cao quý, thì đừng “bán đồ nhi phế” mà luống uổng công phu từ trước, và chẳng nên  nao núng trước thử thách chông gai.            “Dầu cho gặp lắm hùm beo,

               Từ bi vẫn niệm quyết leo khỏi rừng”.

                                                (Thu Đã Cuối)

          Vậy mọi người nên nhận rõ cõi trần là bể khổ, càng lặn hụp càng chuốt lấy đau sầu. Song muốn vượt qua khổ hải thì hành giả phải xử trọn Đạo Nhân là điều trước hết. Bởi Cổ Đức từng bảo:

                   “Dục tu Tiên đạo, Tiên tu Nhân đạo.

                     Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ”.

         

 

          (Muốn tu Đạo Tiên hay đạo Phật, trước phải tu đạo Nhân, bằng Nhân đạo không tu thì đạo Tiên hay đạo Phật phải xa vậy).

          -Đồng thời phải cẩn trọng lời nói, đừng để sơ suất quán phạm, tức là ngăn chừa khẩu nghiệp để sau nầy khỏi vương mang những điều sầu khổ.

 

CHÚ THÍCH

          TẤU TRẦN: Trình rõ mọi việc lên bề trên.

          PHẬT TỔ: Là Đức Thích Ca Mâu Ni, bởi căn cứ theo Phật sử thì Ngài là vị Giáo Tổ sáng lập đạo Phật, nên được đời xưng tụng Ngài là Phật Tổ.

          Đức Thầy từng thốt:

                   “Hồi thuở trước Thích ca Phật Tổ”.

          Hoặc là:

                   “Nhớ thuở trước oai linh Phật Tổ,

                     Phép thần thông trừ lũ Ma Vương.

                     Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng sương,

                     Tìm đạo lý hiến cho trần thế”.

                                                (Khuyến Thiện, Q.5)

          NGUỒN CƠN: (Xem chú thích câu 39, Q.1)

          THIỆT HƠN TỎ TƯỜNG: Nói giác đác, cân nhắc phải quấy lợi hại một cách rõ ràng.

          LÀM NHƠN: Làm những việc phước thiện, đạo đức đối với vạn loại chúng sanh.

          TRANH ĐẤU THIỆT HƠN: Tranh đua giành giựt, hơn thua cao thấp từ chút.

          CHỚ SỜN: Không nao núng dời đổi. Ý Đức Thầy cho biết trên con đường độ thế dù gặp nguy hiểm khó khăn thế nào Ngài cũng không sờn lòng nản chí.

                   “Dù gian lao dạ sắt chẳng sờn”.(Sa Đéc)

         

          HỒNG TRẦN BIỂN KHỔ: Hồng trần là bụi đỏ. Biển khổ là sự khổ rất nhiều và rộng lớn như biển cả. Ý chỉ cõi đời đầy cát bụi nhớp nhơ đau khổ, sự đau khổ trần lụy mênh mông vô bờ bến.

          Nhà thơ Đoàn Như Khuê đã nói:

                   “Bể khổ mênh mông sóng lục trời,

                   Khách trần chèo một chiếc thuyền khơi.

                   Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,

                   Gẫm lại cùng trong bể thảm thôi !”

          Đức Phật bảo rằng: Đời là bể khổ, nước mắt của chúng sanh khóc cảnh sanh ly, tử biệt từ vô thỉ đọng lại, nếu có chỗ chứa còn nhiều hơn bể cả”.

          Đức Thấy hằng bảo:

                   “Biển trần lao lý diệu vơi,

             Khổ tâm chắc lưỡi chiều mơi phủi rồi”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          NHƠN ĐẠO: Cũng viết là Nhân đạo, tức là Đạo làm người. Người ở đời phải đối xử với nhau cho tròn nhân nghĩa. Nam có Ngũ Luân, Ngũ Thường; Nữ có Tam Tùng, Tứ Đức.(- Ngũ Luân: Quân thần, Phụ tử, Phu phụ, Huynh đệ, Bằng hữu. – Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. – Tam tùng: Tùng phu, Tùng phụ, Tùng tử. - Tứ đức: Công, Ngôn, Dung, Hạnh.)

          Ngoài những điểm trên, Đức Thầy còn dạy:“ Đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân” và nó là một con đường đi trúng thì sống bước trật tất chết.” hay :“Muốn làm tròn Nhân Đạo phải giữ vẹn Tứ Ân, nhưng trước hết hãy tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ”.

         

 

          NÓI ĐẮNG NÓI CAY: Dùng lời lẽ sóc óc làm đau đớn lòng người. Theo hai câu trên ý nói, nếu ta dùng lời cay đắng ác độc đối với người thì sau nầy sẽ bị trả lại, Kinh sách thường nói:

                   “Phù sĩ xử thế, Phủ tại khẩu trung,

                     Sở dĩ trảm thân, Do kỳ ác ngô”.

          (Luận kẻ ở đời như búa ở trong miệng, sở dĩ chém mình là do lời nói ác).

          Và Đức Phật Thầy cũng bảo:

                   “Voi kia ai mượn thài lay, (nói quấy)

                    Bởi mình lại muốn lấy dây buộc mình”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn