CHÚ THÍCH (Đoạn 1)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 55718)
CHÚ THÍCH (Đoạn 1)

(Kiểm ngày 12-7-2010)

SỨ MẠNG: Cũng gọi là sứ mệnh. Cái mệnh lệnh thượng cấp sai làm việc gì, như lệnh của Phật Trời hay Vua Quan. Cung Oán Ngâm Khúc có câu:

Sứ trời sớm giục đường mây,

Phép công là trọng, niềm tây sá gì !”

 Chữ Sứ Mạng ở đây ý nói: Đức Thầy lâm phàm giáo độ nhân sanh là có sắc lịnh của chư Phật và Đức Ngọc Đế, như Ngài đã cho biết:

Ngọc Hoàng ban chiếu Lão Khùng giáo dân.”

(Ông Mười ở chợ Mỹ Luông thuật lại: vào khoảng 3 giờ chiều ngày 18/5 năm Kỷ Mão, sau khi làm lễ Khai Đạo trước bàn thờ hương án đặt tại sân Tổ Đình, Đức Thầy ứng khẩu đọc bài sứ mạng nầy, nhưng đợi tới về Bạc Liêu, Đức Thầy mới chịu viết ra trên mặt giấy).

 và câu;

Sắc của A Di là Phật Tổ,

Bốn chữ xuống trần chớ ở đâu ?”

 (Bài đáp lời Ông Tùng) 

 

 NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM KỶ MÃO: Nhằm ngày 14/7/1939.

 THỜI CƠ: Thời là thời gian, ngày giờ. Cơ là cơ hội, là dịp. Thời cơ là cơ hội thuận tiện, rất hợp với việc làm trong thời gian ấy.

 LÝ THIÊN ĐÌNH: Lý là cái Đạo tự nhiên, là hợp với lẽ phải, là cái lý huyền diệu của Trời Đất. Thiên Đình là triều đình trên Trời. Đức Thầy có viết:

“Lời văn tao nhã hữu tình,

Bởi vưng sắc lịnh Thiên Đình sai Ta”.

 (Bài Từ giã Bổn đạo khắp nơi)

 Vậy lý Thiên Đình là định luật mầu nhiệm của Trời Đất sắp đặt rất công bằng và hợp theo lẽ phải. Nho giáo cho là Mệnh, Lão giáo gọi là Đạo tự nhiên, còn Phật giáo gọi là Định nghiệp nhân quả.

 HOẠCH ĐỊNH: Hoạch là vạnh ra, bày ra. Định là phân định hay quyết định một sự việc gì. Nói chung là phương thức luật pháp đã phán định sẵn.

 NGUY CƠ: Nguy là nguy hiểm, nghèo ngặt. Cơ là máy, là đường mối. Nguy cơ là cái mối sinh ra nguy hại thảm khốc cho lê dân. Đức Thầy viết:

“Này hỡi chúa xuân ta rán chờ,

 Khỏi ngày thảm họa buổi nguy cơ.”

 (Bài Ngày Tết, 1941 )

 THẢM HỌA: Tai họa thê thảm.

 PHÉP HUỆ LINH: Phép mầu nhiệm linh diệu của người tu Phật khi đắc được Lục Thông (sáu pháp Thần Thông).

“Ngày nào đắc được lục thông,

 Vớt hồn Cha Mẹ, Tổ Tông bảy đời”.

 (Bài cho ông Cò Tàu Hảo)

 TÀN KHỐC: Tàn ngược khốc hại.

 TÀN BẠO: Tàn ác hung bạo, tánh người tàn bạo.

 VIỆT NAM: Quốc hiệu nước ta.Một nước thuộc Đông Nam Á Châu, hình cong như chữ S, Bắc kỳ và Nam kỳ thì phình rộng ra. Trung kỳ (ở giữa) thì hẹp lại và dài.Từ thượng cổ tên gọi là Văn Lang; đời Thục An Dương Vương gọi là Âu Lạc; khi bị nhà Tần đô hộ gọi là Tượng Quận; khi nhà Hán cai trị thì bị chia làm ba quận Cửu Chân, Giao Chỉ và Nhật Nam đến đời Đông Hán đổi Giao Chỉ thành Giao Châu; nhà Đường đặt là An Nam Đô Hộ Phủ. Khi nhà Đinh dẹp hết sứ quân đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt; qua đời Lý, vua Thánh Tông đổi lại là Đại Việt. Triều vua Lý Anh Tông nhà Tống công nhận là An Nam Quốc. Khi vua Gia Long thống nhất được Nam Bắc, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Đông và Nam giáp biển Nam Hải và vinh Thái Lan. Tây giáp Miến Điện, Lào và Cam Bốt, Bắc giáp Trung Hoa. Diện tích 312.000 km vuông, năm 1939 dân số trên 25 triệu người. Năm 1974, có trên 30 triệu. Kể từ lập quốc tới nay gần 5.000 năm lịch sử.

 ĐỊA CẦU: Cũng gọi là quả đất hay trái đất, nơi có người và nhiều sinh vật khác ở, một trong bốn hành tinh quay chung quanh mặt trời. Bề mặt được 510 triệu km vuông, vòng tròn được 40.000 km, trực kính 12.470 km. Biển chiếm hết ¾ bề mặt địa cầu.

 Ca dao có câu:

“Lạy trời thổi quả địa cầu,

Để cho ta được bạn bầu cùng trăng”.

 TÙY CƠ PHÁP: Cơ là cái căn cơ tánh chất riêng của mỗi người, như người có căn tánh hiền lành thì từ đó sẽ phát ra hoặc mau, hoặc chậm. Pháp là giáo pháp, tức là lời lẽ giáo lý của Phật thuyết ra để giáo hóa chúng sanh. Pháp cũng gọi là Pháp Giới, là tất cả sự vật, bất cứ Hữu Tình hay Vô Tình, Hữu Vi hay Vô Vi, Chơn Thật hay Hư Vọng.

 Vậy chữ Tùy Cơ Pháp ở đây có nghiã là tùy theo cơ duyên căn tánh và giáo pháp thích hợp với cảnh giới đó, nhân loại đó.

 Đức Thầy có câu:

“Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,

Chấp bút thần tả ít bổn kinh”.

 (Bài Diệu Pháp Quang Minh)

 CHUYỂN KIẾP: Sanh trở lại, chuyển từ kiếp này qua kiếp khác. Như tiền thân Đức Phật và chư Bồ Tát, vì nguyện lực rộng độ mà thường từ kiếp này chuyển qua kiếp khác, nơi khác để giác chúng độ đời. Đức Thầy cũng đã từng cho biết:

“Lòng yêu sanh chúng luân chuyển kiếp,

Dạ ái dương trần đổi sắc thân”.

 (Bài đáp lời ông Nguyễn Thanh Tân)

 LUÂN HỒI: Phạn ngữ là Samrara gati, dịch là Luân hồi. Luân là bánh xe, Hồi là trở lại. Ý nói chúng sanh từ vô thỉ đến nay cứ sống rồi chết, chết rồi đầu thai trở lại. Cứ thế mà lăn lộn lên xuống mãi trong sáu Cõi Phàm (Trời, Người, Thần A-Tu-La, Súc sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục) như bánh xe xoay tròn không có đầu mối. Luân hồi còn có nghiã là sanh tử, đối tượng với Niết Bàn (Bất Sanh Bất Diệt).

 Kinh Di Lặc có kệ:

“Bồ Tát ký thành Phật,

Từ mẫu chư quần sanh,

 Chúng khổ hiểm nan truy, 

Luân hồi thường bất tức”.

 Nghiã là:

Tới chừng Bồ Tát thành nhân,

Chạnh lòng thương chúng sanh tồn khắp nơi,

Trải bao nạn khổ tơi bời,

Luân hồi mãi mãi nghỉ ngơi chẳng hề.

 Đức Thầy nay cũng bảo:

“Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,

Mắc trong vòng sanh tử luân hồi”.

  (Giác Mê Tâm Kệ)

 Nhưng chữ luân hồi ở đây ý chỉ cho sự chuyển kiếp độ đời của bậc Giác Ngộ.

 HẢI NGOẠI: Nước ngoài, xứ ngoài.

 KINH NGHIỆM: Điều đã thực nghiệm qua, sự việc đã từng trải lão luyện. Ví dụ: Già kinh nghiệm, có nhiều kinh nghiệm.

 Đức Thầy từng nói:

“Kinh nghiệm rồi Ta mới diễn ca”.

 (Giác Mê Tâm Kệ)

 HUYỀN THÂM: Mầu nhiệm sâu kín. Phật pháp rất mầu nhiệm sâu kín, vượt ngoài sự luận bàn thường pháp.

 Trong quyển Khuyến Thiện, Đức Thầy có nói:

“Tu cho rõ mối huyền thâm,

Qui đầu Phật Pháp khỏi lâm tai nàn”.

 MÊ SI: Tối tăm mê muội, không nhận rõ sự lý. Mê si là một trong thập ác, một trong Tam Độc (Tham, Sân, Si) và cũng một trong Ngũ Độn Sử (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi).

 VỊ KỶ: Vì mình, chỉ biết lợi riêng cho mình. Ví dụ: Người ấy có tánh vị thân, vị kỷ đối với vị tha (vì lợi ích cho người khác).

 Đức Thầy cho biết:

“Từ ngày thọ giáo với Thầy,

Dẹp lòng vị kỷ đầy lòng yêu dân”.

 (Sám Giảng Q.3)

 GIÚP NƯỚC VÙA DÂN: Hết lòng thương lo cho dân cho nước, một dạ trung thành bảo vệ quốc dân.

 SINH CƯ: Nơi sinh ra và sanh sống ở đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn