XUẤT XỨ
Khoảng cuối năm Kỷ Mão (1939) và đầu năm Canh Thìn (1940), nhà cầm quyền Pháp ra lịnh cho hai viên Quận Trưởng: Tân Châu và Chợ Mới theo dõi Đức Thầy từ ngày mới khai Đạo tới giờ, để tìm đủ điều kiện bắt Ngài đem đi, nên họ tổ chức rình rập hạch hỏi đủ cách.
Sự theo dõi kéo dài, mãi đến ngày 12 tháng 4, họ mới bắt Ngài đem lên tỉnh Châu Đốc. Hai giờ sau là đưa luôn Sa Đéc, làm việc suốt hai ngày. Đến đêm thứ ba nhằm ngày rằm tháng 4, tức là đêm xét việc sau cùng, viên cò BAZIN Chánh chủ sở Mật thám Sa Đéc mời Ngài ngồi ghế đối diện. Đầu tiên, y chỉ bốn quyển Sấm Giảng (tang chứng) đang để sẵn trên bàn, hỏi:
-Bốn quyển Giảng đó có phải ông viết ra chăng ?
Đức Thầy đáp:
-Đúng là của tôi sáng tác.
Viên Cò hỏi tiếp:
-Vậy thì hiện giờ ông hãy viết trước mặt tôi và mọi người đang ở đây một bài tương đối như vậy, có được không ?
Đức Thầy mặc nhận bằng cách gật đầu, đoạn rồi Ngài ngồi xây mặt ra phía trước. Ngài vừa viết và vừa đọc lớn lên cho mọi người cùng nghe, suốt hai tiếng đồng hồ, ai nấy nghe qua đều ngạc nhiên thầm kính: Chưa từng thấy ông Thầy nào đủ tài đức như vậy. Do đó bài giảng nầy được mang tựa đề là “SA ĐÉC”.
VĂN THỂ
Đây là một bài vận văn (văn vần) thể thơ Thất ngôn trường thiên, lối khuyến tu hay thuyết giáo, dài 172 câu. Khởi đầu bằng các câu:
“Nhìn cuộc thế bộn bề sóng dậy,
Cửa thiền môn còn hỡi khóa then”.
Và chấm dứt bời các câu:
“Trong bá gia tìm đạo quá mòm,
Thôi giã thế ước mong đời thạnh”.
Chủ đích Đức Giáo Chủ muốn diễn tả định luật: Bi, hoan, ly, hiệp và sự gian lao khổ khó của những người có trách nhiệm đang hoằng truyền Phật pháp.
NỘI DUNG
Đây là một bài Giảng đặc biệt lời văn lúc thì kiên cường sắt thép có lúc lại mềm mỏng dẻo dai, cũng có khi lâm ly thấm thiết. Trước nhứt Ngài bày tỏ ý chí của mình đang đương đầu với thời Pháp nạn:
“Cơn dông tố mịt mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của Đấng Từ Bi”.
Kế đó, Ngài bày tỏ tâm nguyện và lòng bác ái xót thương dân chúng và tìm phương cứu khổ cả vạn loại chúng sanh, nên sự thành bại của dòng đời Ngài chẳng nao núng lòng, vì Ngài đã phát nguyện gánh chịu mọi đau khổ cho chúng sanh:
“Muốn lập đạo có câu thành bại,
Sự truân chuyên của khách thiền môn.
Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,
Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”.
CHÁNH VĂN
· 1.-Nhìn cuộc thế bộn-bề sóng dậy,
· Cửa thiền-môn còn hỡi khóa then.
· Nương xứ xa tạm viết với đèn,
· 4.-Tỏ tâm sự của người liễu Đạo.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 1 tới câu 4)
Tuy sống trong cảnh bị người Pháp đàn áp bắt đi điều tra xét hỏi nhưng lòng Đức Giáo Chủ vẫn luôn nhớ đến sanh linh đang gặp cơn đồ thán, do cuộc đệ nhị thế chiến đang xảy ra, cũng như người đang đi thuyền gặp sóng bão tới tấp.
Để cứu vãn tình thế Đức Thầy vừa khai mở nền Đạo mấy hôm phải dừng lại, nhưng hôm nay nhân dịp nhà cầm quyền Pháp đem Ngài xuống đây (Sa Đéc), lại ra lịnh cho Ngài được viết một bài Giảng trước mặt mọi người để thử xem trí năng và tài đức của Ngài đến cở nào. Nhân đây, Ngài liền mượn giấy mực của họ để bày tỏ tâm trạng của người đã hoàn toàn chứng đắc đạo quả.
CHÚ THÍCH
CUỘC THẾ: Cuộc đời, mọi cảnh vật, chung trong thế giới loài người. Đức Thầy có câu: “Cuộc thế trau dồi mượn tất hơi”.
BỘN BỀ SÓNG DẬY: Nhiều việc rối rắm. Đây chỉ cho cuộc thế chiến thứ II sắp xảy ra, dân chúng gặp nhiều tai nạn sắp đưa đến.
CỬA THIỀN MÔN: Cửa Đạo hoặc cửa chùa.
KHÓA THEN: Cái chìa khóa và cái then gài cửa. Ý nói nền Đạo bị người Pháp ngăn chận chưa được truyền bá rộng. Ý Ngài muốn nói: “Từ nay cửa Khổng gài then, chờ Ta trở lại thì đèn hết lu”.
LIỄU ĐẠO: Đắc đạo hoặc chứng đạo.
CHÁNH VĂN
· 5.-Sách có chữ thâm ân dục báo,
· Phận làm người hiếu-thảo noi gương.
· Ấy chẳng qua là đạo luân-thường,
· Chớ Phật Thích lìa quê ngàn dậm.
· Non tuyết sương rú-rừng thăm-thẳm,
· 10.-Đem thân phàm tầm đạo siêu-sanh.
· Đến ngày nay còn rạng lấy danh,
· 12.-Khắp bốn biển dân lành sùng bái.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 5 tới câu 12)
Đức Giáo Chủ PGHH khai hóa nhân sanh với tôn chỉ Học Phật Tu Nhân. Phần Tu Nhân tức phận làm người, đức hiếu thảo đứng đầu. Ngài dạy môn đồ thật thi theo câu sách của Thánh Nhân: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai sanh ngã Phụ Mẫu cù lao, dục báo thâm ân hạo thiên võng cực”. Song đó là nền luân thường đạo lý.
Còn về học Phật và tu Phật hãy noi theo gương của Đức Thích Ca thuở xưa. Vì muốn cứu khổ chúng sanh, mà Ngài đã sớm lìa quách thành thê tử, vợ đẹp con ngoan vào non Tuyết Lãnh chịu bao cực khổ gian lao, tìm ra chánh đạo để độ rỗi chúng sanh. Gương hy sinh tầm đạo ấy đã cách đây hơn 2.500 năm mà hiện giờ cả bốn biển năm châu người người vẫn còn sùng kính.
CHÚ THÍCH:
THÂM ÂN DỤC BÁO: Muốn đáp ân sâu của Tổ tiên Cha mẹ. Đức Thánh đã dạy: Công cha sanh ta, ơn mẹ nuôi ta, thương thay công ơn cha mẹ sanh đẻ và nuôi dưỡng ta cho được lớn khôn như cù lao rất khổ nhọc. Muốn đáp ân sâu thật là trời cao khó sánh.
LUÂN THƯỜNG: Giềng mối của Đạo làm người, gồm có Ngũ luân và Ngũ thường. Thời xưa dạy Ngũ Luân là đạo: Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn. Thời nay thì đổi lại Quốc dân, Phụ tử nếu chưa có gia đình thì đổi Phu thê ra Sư đệ, Bằng hữu và Huynh đệ. Ngũ thường gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. (Xem thêm CT ở Q.6). Đức Thầy từng dạy: “Luân thường nặng nợ phải vai mang”. Và:
“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si”.
PHẬT THÍCH: Đức Phật Thích Ca, cũng gọi là Đạo Phật, phát xuất từ xứ trung Ấn Độ (Nepal), cách đây trên 2.500 năm, do Đức Thích Ca làm Giáo Chủ.
NON TUYẾT SAN: Cũng gọi là núi Tuyết. Ở Ấn Độ có dãy núi Hy Mã Lạp Sơn rất cao, quanh năm tuyết phủ đông giá lạnh ít ai vượt qua khỏi. Thế mà Đức Thích Ca vẫn lên đây tu hành chứng quả.
ĐẠO SIÊU SANH: Đạo lìa khỏi sanh tử, đạt Niết Bàn. Đức Thầy đã xác định: “Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.
BỐN BIỂN: Bốn biển lớn trong quả địa cầu chúng sanh đang sống: 1. Thái Bình Dương, 2. Bắc Băng Dương, 3. Ấn Độ Dương và 4. Đại Tây Dương.
SÁU CHÂU: Cũng gọi là sáu tỉnh. Tức sáu tỉnh Châu thành cựu trào thời nhà Nguyễn. Gồm có: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Long Hồ, An Giang và Hà Tiên. Tới hồi Pháp thuộc thì đổi ra 20 tỉnh. Nói chung là chỉ chung miền
Thấy trong lê thứ quá dài gian nan”.
CHÁNH VĂN
· 13.-Muốn lập Đạo có câu thành bại,
· Sự truân-chuyên của khách thiền-môn.
· Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,
· 16.-Ta chịu khổ, khổ cho bá-tánh.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 13 tới câu 16)
Xưa nay, bất cứ mọi sự việc gì nếu có tổ chức hình tướng đều phải có chi phối bởi định luật thành bại. Nhưng sự xấu ác gian xảo thì trước thành sau bại. Còn các điều tốt lành chơn chánh, như những người có đạo đức thì phần nhiều là trước bại sau thành.
Song sự thành bại ấy có khác nhau, hễ việc xấu ác thì khi thất bại bị mất luôn danh thể sự nghiệp và mạng sống. Còn việc tốt lành thì khi thành công thì thành công luôn vĩnh cửu. Đức Thầy đã xác định rõ:
“Bại rồi, thành lại nên tuồng,
Vạn dân hưởng được nước nguồn Ma ha”.
Đến như PGHH hiện tình đang gặp cảnh truân chuyên khổ khó trong giai đoạn vậy thôi. Đức Thầy còn nói rõ khi mà khắp bốn biển sáu châu đều biết Ngài đã có bản nguyện gánh chịu muôn ngàn khổ khó cho cả vạn dân, chớ chẳng phải riêng Ngài. Đó là thời PGHH phổ hóa được khắp đại đồng thế giới. Đó không phải là việc ước mơ, mà “Quyết cứu đời dùng đạo phổ thông” và: “Khắp bốn biển liên dây Hoà Hảo”.
HÚ THÍCH
LẬP ĐẠO: Cũng gọi là khai mở nền Đạo: “Muốn cứu đời dùng Đạo phổ thông”. Và sách Thánh cũng dạy: “Lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế dĩ hiển kỳ Phụ Mẫu hiếu chi thị giả”.
TRUÂN CHUYÊN: Khó nhọc vất vả, như người đi thuyền bị sóng gió, nhồi dập làm lắc lư, phải chống đỡ rất khó khăn khổ nhọc. Ở đây chỉ cho PGHH đang đối đầu với thời kỳ Pháp nạn.
CHÁNH VĂN
· 17.-Tiếng gọi đời sông mê hãy lánh,
· Chạm lợi quyền giàu có cạnh-tranh.
· Bước chông gai đường đủ sỏi-sành,
· 20.-Đành tách gót lìa quê hương dã.
· Ta cũng chẳng lấy chi buồn-bã,
· Bởi sự thường của bực siêu-nhơn.
· Dầu gian-lao dạ sắt chẳng sờn,
· 24.-Miễn sanh-chúng thông đường giải-thoát.
· Cơn dông-tố mịt-mù bụi cát,
· Chẳng nao lòng của đấng từ-bi.
· Vì Thiên-đình chưa mở hội thi,
· 28.-Nên Lão phải phiêu-lưu độ chúng.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 17 tới câu 28)
Đức Giáo Chủ dùng lời lẽ bằng giấy trắng mực đen kêu gọi khắp vạn dân sớm lìa khỏi sông mê, bước lên bờ giác. Muốn thế mỗi người đừng ham luyến lợi danh quyền tước và chẳng nên tranh đấu làm chi rồi cuộc đời cũng thả trôi sông.
Trên đường truyền Đạo của Ngài dù có dẫy đầy gai chông sành sỏi, song Ngài chẳng bao giờ nản lòng thối chí, Nay lại có dịp Ngài tách rời quê hương để gánh chịu bao tai ách thời Pháp nạn.
Với sự trạng vừa xảy ra Ngài cũng chẳng buồn lòng, bởi vì Ngài xem đó là việc thường của bực siêu nhơn đã quyết tâm xây dựng cuộc đời. Miễn làm sao cho vạn loại chúng sanh thông hiểu con đường giải thoát.
Việc người Pháp bắt Ngài lưu đày, đối với Ngài và các môn đệ như bị một cuộc phong ba bão tố. Nhưng lòng Từ bi chẳng hề nao núng trước cảnh huống ấy. Vì Ban Giám Khảo thiên đình chưa tới hồi công bố, nên Đức Thầy nhân dịp nầy lưu hành khắp đó đây để giáo độ nhân sanh thêm thời gian nữa.
CHÚ THÍCH
SÔNG MÊ: Nói cho đủ là sông mê bể khổ, bờ chúng sanh đang sống, đối với giác ngạn, bờ của Phật. Đức Thầy từng cho biết: “Thoàn Bát nhã Ta cầm tay lái, Quyết đưa người khỏi bến sông mê”.
Hoặc là: “Bến giác bờ mê, mê phải tránh”.
SỎI SÀNH: Sỏi là đá vụn hay đất hầm, sành là miển chén tộ bằng sành đập bể. Xưa, người ta thường dùng rải lên các con đường bị lầy lội. Chữ sỏi sành ở đây là chỉ con đường truyền Đạo cứu đời của Đức Thầy gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, chưa được trơn láng êm xuôi:
“Trải qua một lúc sỏi sành,
Trung Ương hòa hiệp mới đành lòng đây”.
SIÊU NHƠN: Con người vượt người thường. Ý chỉ những người có đủ tài đức hơn người thường. Ngụ ý chỉ cho các bậc Phật Thánh đã liễu Đạo, đắc Đạo.
DẠ SẮT: Lòng cứng rắn như sắt thép không một hoàn cảnh thử thách nào làm khờn mẻ lay chuyển được.
THIÊN ĐÌNH: Triều đình trên trời.
MỞ HỘI THI: Cuộc thi cử, về trường đời thi cử một hay 2, 3 năm là có một lần thi văn chương Tài lực để chọn bậc hiền tài ra giúp nước trị dân. Ở đây có khác, vì triều đình trên Trời tất phải thi theo định luật của vũ trụ, tức luật nhân quả hiền còn dữ mất để lập lại đời tân.
PHIÊU LƯU: Bay trôi khắp đó đây. Ý nói hiện giờ Đức Thầy phải lưu hành khắp nơi nơi để giáo độ chúng sanh.
CHÁNH VĂN
· 29.-Kẻ ác đức cho rằng nói túng,
· Nó ngờ đâu lòng Lão yêu đương.
· Xe rồ xăng vụt chạy bải-bương,
· Đến khuất dạng tình thương náo-nức.
· Khắp bá-tánh chớ nên bực-tức,
· 34.-Bởi nạn-tai vừa mới vấn-vương.
· Chốn liên-đài bát-ngát mùi hương,
· Nhờ chỗ ấy mới thi công-đức.
· Dạy con cả nào đâu than cực,
· Tiếng làm Thầy phải nặng đôi vai.
· Việc khó-khăn lắm lúc khôi-hài,
· 40.-Ấy cũng bởi thày-lay ông Tạo.
· Ông nhồi quả cho người hành Đạo,
· Lúc nguy-nàn thối chí cùng chăng ?
· Nếu bền lòng vị quả cao thăng,
· 44.-Chẳng chặt dạ bỏ lăn Phật-Thánh.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 29 tới câu 44)
Những người hung ác khi nghe Đức Giáo Chủ nói cuộc người Pháp bắt Ngài đem đi vừa qua, chỉ là cơ thử thách, thì họ cho rằng Ngài nói túng để chữa thẹn. Chớ họ đâu có ngờ lòng Ngài quá yêu sanh chúng, nên nhân dịp nầy cũng giúp cho Ngài có đủ phương tiện phổ độ chúng sanh nhiều hơn.
Hôm ấy (rằm tháng Tư) xe của nhà chức trách Pháp vừa rồ máy chở Ngài ra đi, khiến cho người môn đồ phải đau lòng bực tức. Rồi nghĩ: Đây âu cũng là một cuộc Pháp nạn dành cho duyên phận và cũng là một cuộc thử thách vậy thôi.
Vì lòng Từ Bi và có trách nhiệm giáo hóa khắp cả chúng sanh, nên Ngài chẳng hề than van hay thấy cực khổ. Ngài chỉ thấy mình là bổn phận làm Thầy lúc nào cũng thương xót môn đồ như người cha thương lo đùm bọc đứa con đỏ đang gặp hồi nạn tai nguy biến.
Do đó, Đức Giáo Chủ khuyên các môn đồ nếu ai bền lòng kiên chí tất sau nầy được gia tăng phẩm vị. Bằng không giữ vững đức tin thối chí nản lòng buông trôi Đạo đức sau nầy ắt chịu muôn điều tai khổ.
CHÚ THÍCH
BỰC TỨC: Bực bội tức tối làm cho lòng xao xuyến khó nghĩ.
LIÊN ĐÀI: Đài sen, nơi chư Phật ngự. Đây chỉ cho ngôi Tam Bảo hay các tự viện.
CÔNG ĐỨC: Công là dùng trí năng diệt hết vọng tâm phiền não; Đức là lòng luôn được thanh tịnh, Từ bi và Bình đẳng; hoặc là người hành Đạo khi đặng trọn lành trọn sáng gọi là công đức.(Xem thêm STTĐ trang 63-64, tập 1).
CON CẢ: Con khắp hết môn nhơn đệ tử. Đức Giáo Chủ có trách nhiệm độ hết tín đồ dù cao thấp, trí ngu, nghèo giàu không bỏ sót hay phân biệt một ai. Ngài đã từng viết:
“Đâu đâu bá tánh cũng con lành,
Thầy dạy cho đều khắp chúng sanh”.
NẶNG ĐÔI VAI: Hai bên vai đều chịu nặng nề hết. Nghĩa rộng chỉ cho lòng Từ Bi, bổn phận làm Thầy phải chịu trách nhiệm tai nạn dạy dỗ khổ đau của cả tín đồ.
KHÔI HÀI: Chuyện vui, chuyện vừa xảy ra thật đáng buồn cười. Ở đây, Đức Thầy có ngụ ý nói: Vì lòng bác ái Ngài mới ra đời khai Đạo cứu dân cứu nước; thế mà có nhiều người hiểu lầm vội chê bai dè xẻn và tìm cách ám hại, chuyện thật đáng buồn cười: “Thoảng cười thế sự nhân tình quá đen”. Hoặc là:
“Nực cuời cho lũ sói muôn,
Đem điều cay nghiệt phá tuồng Thuấn Nghiêu”.
THÀY LAY: Việc không phải của mình mà gánh lấy, chen vào.
ÔNG TẠO: Cũng gọi Tạo hóa hay thợ trời. Ý chỉ luật trời đất rất sâu kín mầu nhiệm lắm, người đời khó mà hiểu đặng.
Thành ngữ “Thày lay Ông Tạo” xưa nay người ta thường dùng để thống trách bâng quơ khi mà việc không vừa ý mình. Đức Thầy từng dùng: “Trớ trêu con tạo thày lay”, hoặc là: “Trớ trêu tạo hóa ông bày trò chua”.
NHỒI QUẢ: Một trong 5 cách bị quả báo: Hiện báo, sanh báo, hậu báo, nhồi báo và dư báo.
Đây là quả báo cách thứ tư: Có nghĩa khi mình tạo nhân lành hoặc dữ nhiều kiếp trước bây giờ thay vì phải trả nhiều lần, nhưng nay vì do phát động lực của tâm hạnh mình yếu mà phải trả dồn một lần cho hết như câu chuyện “Nhồi Quả” trang 273 ở quyển “Điển tích Triết Văn Chọn lọc”, đúng ra anh nhà nghèo phải bị trả quả luôn ba kiếp: Một kiếp nhà nghèo, một kiếp bị cùi và một kiếp chết trôi sông. Nay chỉ bị trả 3 kiếp dồn một lượt, là xong.
CHÁNH VĂN
· 45.-Chốn Phật-đường rán trau đức-hạnh,
· Phải bền lòng mới rảnh trần-ai.
· Chuyện cao siêu Phật-pháp còn dài,
· 48.-Khó gặp chữ không không mà có.
· Lúc trồng rẫy rủi nhiều sâu bọ,
· Rồi ngẩn-ngơ bỏ giống hay sao ?
· Nấu lọc rành mới biết vàng thau,
· 52.-Ai thật tánh ai người giả đạo.
· Tiếng sấm-sét bên tai xốc-xáo,
· Cả muôn người ngơ-ngáo hỏi-han.
· Nay thân Thầy cũng đặng bình-an,
· 56.-Khuyên bổn-đạo đừng than lắm tiếng.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 45 tới câu 56)
Đức Giáo Chủ khuyên các nhà tu đã phát tâm kính tin Tam Bảo thì hãy rán lo trau dồi tâm đức mình cho được thanh tịnh tinh minh. Cứ bền lòng mãi hoài như vậy ắt sau nầy sẽ chấm dứt được cuộc đời đau khổ nhơ xấu và trên con đường tầm cầu Đạo Pháp ai muốn tiến tới chỗ chơn không bất hoại, hãy kiên tâm bền chí, nhẫn nại không để một vi tế phiền não nào chi phối được mình, tất đạt được kết quả như ý.
Ngài cũng sách tần tín đồ nên noi gương những người làm ruộng rẫy, khi bị sâu bọ quậy phá thì họ lo bắt sâu sửa nhánh chăm sóc chu đáo thì ruộng rẫy không bị thất thoát. Còn nhà tu hành khi miếng ruộng tâm của mình bị sâu bọ phá hại tất cả phải lo diệt trừ bằng cách lọc sạch vọng tâm phiền não ra, để tâm trí mình được an nhiên sáng tỏ, tất huệ nhựt hiện bày.
Và nếu khi chúng ta đem chì thau sắt vụn để vào lò rồi dùng trí huệ siêu mầu nấu lọc thì thấy vàng thau thiệt giả rất rõ ràng. Cũng như Phật ma, tà chánh phân minh chẳng còn làm hại nữa. Từ khi được cái tin người Pháp bắt Đức Thầy ra đi vang dội như sét đánh, làm cho môn đệ rất hoang mang xao xuyến. Ngài dùng lời lẽ trong bài Sa Đéc cũng là báo tin cho bổn đạo được biết hiện nay thân tâm Ngài cũng được an lành, môn đồ nên an tâm vững lòng lo tu niệm.
CHÚ THÍCH
PHẬT ĐƯỜNG: Cũng gọi là Phật Đàng. Có nghĩa đường về cảnh Phật hay đạo Phật, như Ngài từng viết:
“Ngày nay sớm đến Phật Đàng,
Tu cầu chư Phật cứu an linh hồn”.
Hoặc là: “Trẻ già lớn nhỏ Phật đàng yên thân”.
TRẦN AI: Bụi bặm nhớp nhơ bao phủ. “Rảnh Trần ai” là tu hành giũ sạch nợ hồng trần để được giải thoát an vui. Đức Thầy từng khuyên:
“Nợ trần con sớn liệu toan,
Nghĩa ơn trọn vẹn mới an tấm lòng”.
Và : “Trần ai chỉ có thú phong lưu,
Tranh đấu thành ra mãi oán cừu”.
Hoặc là :
“Nợ hồng trần túc trái tiền khiên,
Ta quyết dẹp cứu nàn dương thế”.
CAO SIÊU PHẬT PHÁP CÒN DÀI: Giáo pháp của nhà Phật rất sâu, mầu diệu vô cùng tận, chẳng phải nhìn vào mặt văn từ ngôn ngữ mà thấu đạt được.
KHÓ GẶP CHỮ KHÔNG KHÔNG MÀ CÓ: Đây là nói đến cái lý sắc không hoặc cái lý chơn không bất hoại. Bản thể của nó vốn là chơn không, cho nên nói sắc chẳng khác gì không. Vả lại từ cái chơn không, hiện ra mọi cảnh vật hoạn sắc cho nên không chẳng khác gì sắc. Tuy nói là chẳng khác nhưng hai tiếng của không và sắc vẫn còn. Để khỏi bị thiên chấp, trong “Tâm Kinh Bát Nhã”, Phật có giải: “Sắc tức vị không, không tức vị sắc” (Hoạn sắc tức là chơn không, chơn không tức là hoạn sắc, sắc chẳng khác nào không, không chẳng khác nào sắc). Nghĩa là nói ngoài cái hoạn sắc không có cái chơn không, ngoài chơn không cũng cũng không có cái hoạn sắc (cảnh vật hữu vi).
Khi ngộ được lý “sắc không”, Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ có nói:
“Tòng vô hiện hữu, hữu vô không,
Hữu hữu vô vô tất kính đồng.
Phiền não bồ đề nguyên bất nhị,
Chân như vọng niệm tổng giai không.
Thân như huyễn cảnh, nghiệp như ảnh,
Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng.
Hựu vấn tử sanh ma dữ Phật,
Chúng tinh cũng bắc thủy triều đông”.
(Từ không bày có, có hoàn không,
Có có không không rốt cũng đồng.
Phiền não bồ đề không tưởng khác,
Chơn như vọng niệm thảy đều không.
Thân như huyễn cảnh nghiệp như ảnh,
Tâm nhược thanh phong, tánh nhược bồng.
Hựu vấn tử sanh ma dữ Phật,
Chúng tinh cũng bắc thủy triều đông).
Như thế, sắc chất và chân không cũng chỉ là một tâm thể như sóng và nước. Vậy câu “kiếm chữ sắc không” là nói thấu đạt cái “bản thể” cái “chân như thật tướng” của chính mình. Đức Thầy từng dạy:
“Hãy tìm kiếm cái không mới có”.(SG, Q.2)
Và:
“Sắc không không sắc chớ lìa xa”. (Tỉnh bạn TG)
Tu phải tìm học nghiên cứu cho chính xác, rồi cố gắng thực hành theo mới thâm nhập được. “Tùng văn tư tu đắc nhập Tam Ma Địa”.(Phải nương theo Văn Huệ, Tư Huệ và Tu Huệ để vào cảnh giới thanh tịnh). Đức Thầy có dạy:
“Quay về cội phúc đường chân đạo,
Phật pháp Thiền na dốc thực hành”.
PHẬT TÁNH: Cái tánh chơn thật. Cũng gọi là tánh Phật của mỗi chúng sanh. Có nhiều tên gọi khác nhau, như Chơn tâm, Bổn lai diện mục, Chủ nhơn ông, Như lai tạng.v.v... “Khó gặp chữ không không mà có”.
SẤM SÉT: Tiếng nổ trên nền trời như tiếng súng lớn để báo tin trời sắp có mưa. Nghĩa bóng là chỉ cho tin tức quan trọng vừa xảy ra làm cho ai nấy phải hoang mang tự hỏi.
CHÁNH VĂN
· 57.-Tuy xa đường có lời luận-biện,
· Bởi bút thần bay luyện khắp nơi.
· Ngọc nhờ lau ngọc mới rạng ngời,
· 60.-Kim mài giũa kim kia mới bén.
· Người làm phải như tằm trong kén,
· Có muôn tơ bao bọc ấm thân.
· Sách có câu “Minh đức tân dân”,
· 64.-Được thủ trụ huyền khai nhứt khiếu.
· Ta còn thương, thương trò liệu-điệu,
· Chớ cũng mừng được dịp phổ-thông.
· Đắc Đạo rồi cứu vớt Tổ-Tông,
· 68.-Cũng như Phật xuất gia thuở trước.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 57 tới câu 64)
Từ xã Hòa Hảo đến tỉnh Sa Đéc tuy không xa lắm, nhưng Đức Giáo Chủ đoán biết người Pháp sẽ đem Ngài đi luôn cả thời gian dài dặc, khó mà về thăm nhà được. Nên Ngài mượn bút thần đưa lời lẽ của Ngài thăm viếng khắp nơi nơi.
Hòn ngọc tuy quí sáng nhưng nếu để lâu không lau chùi ắt không sáng chói được; cũng như cây kim nếu không được mài giũa thì nó cũng không có bén. Tâm trí người tu cũng thế, phải trau sửa luôn luôn mới được kết quả.
Ví như loại tằm, khi được ta nuôi trong ở kén, bên ngoài muôn tơ bao bọc thì con vật nào cắn phá được. Ví như nhà tu nếu biết làm lành làm phải, bấy giờ kẻ hung ác muốn ám hại cũng không được.
Đức Khổng Tử xưa có dạy: “Người hành đạo khi đạt đến bực Đại Học, phải làm sao cho đức mình được sáng, dân được mới và đưa đến chỗ tột lành”. Theo đạo Phật nhà tu khi trụ cái tâm vào chỗ vô sở trụ (Trụ chỗ vô sanh bất diệt), tất nhiên cái khiếu huyền quang (sáng suốt) khai mở vô cùng tận. Đức Thầy dung thông các phương cách hành đạo của cả Tam giáo dạy ra đoạn Kinh nầy.
Bởi Đức Giáo Chủ quá thương xót tín đồ còn đang liệu điệu giữa đoạn đường tu học chưa thấu đạt dến nơi đến chốn, phần Ngài thì đang bị người Pháp đày đi nơi nầy nơi nọ. Dù vậy Ngài cũng mừng cho Ngài có dịp đem nguồn chánh pháp ban rải trong khắp nơi bá tánh hầu cứu độ quần sanh.
Cũng như Đức Thích Ca khi xưa, lúc Ngài tu đắc Đạo, Ngài độ được vua Tịnh Phạn, Hoàng hậu Ma Da và cả dòng họ Thích đều giác ngộ tu hành kết quả.
CHÚ THÍCH
LUẬN BIỆN: Cũng gọi là biện luận, luận giải bàn bạc cho ra lý lẽ phải trái, hư nên tốt xấu “Ta là kẻ tu hành thiển kiến, Xét thế trần luận biện đôi điều”.
BÚT THẦN: Cây bút và lời lẽ của các bậc siêu nhân, mỗi khi nói ra đều mang lợi ích cho mọi người nên gọi là bút thần.
NGỌC NHỜ LAU NGỌC MỚI RẠNG NGỜI, KIM MÀI GIŨA KIM KIA MỚI BÉN: Hạt ngọc nhờ có luôn lau chùi, ngọc mới sáng suốt. Cũng như cây kim người xài nó, nếu chẳng thường mài giũa thì kim ấy ắt bị sét lụt.
Đức Thầy dùng Tục ngữ nầy ở đây, là ý muốn dạy nhà tu nếu chẳng siêng năng gội rửa lọc lừa những tánh mê xấu xa ra ngoài thì trí huệ khó mở mang sáng suốt. Như Ngài thường dạy:
“Trí hiền tâm đức chùi lau,
Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”. (SG. Q.3)
Và: “Trau tâm luyện tánh cho minh,
Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn”.(KT, Q.5)
MINH ĐỨC TÂN DÂN: Đây là một câu chữ trong sách Đại Học của Thánh Khổng Tử. Nói cho đủ là “Đại học chi đạo tại minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện” (người tu học đạt đến Thánh đạo (Nho) thì trước phải làm cho tâm mình được sáng, dân chúng được mới và đưa họ đến tột chỗ lành.
ĐẶNG THỦ TRỤ: Là câu trong Pháp Bửu Đàn Kinh dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.(Nếu trụ cái tâm vào chỗ không sanh thì “kiến tánh thành Phật” vô sanh bất diệt).
Câu Kinh trên xuất phát từ kinh Kim Cang Bát Nhã của Phật nói ra. Đức Lục Tổ Huệ Năng xưa nghe đến câu kinh nầy thì biết lối vào. Rồi đến phút cuối cùng ông được Đức Ngũ Tổ kêu vào phòng cũng thuyết tới câu Kinh nầy thì Ngài hoát nhiên đại ngộ (chứng đạo) được Ngũ Tổ truyền y bát làm Tổ thứ sáu.
HUYỀN KHAI NHỨT KHIẾU: Cái khiếu huyền quang được khai mở, tức cái trí huệ (vô sư) được bừng sáng.
Ba đoạn Kinh kể trên, được Đức Giáo Chủ dung thông cả tam giáo: Phật, Lão, Nho để dạy môn đồ.
1.-Câu 1: “Minh Đức Tân Dân”, trong sách Đại học của Nho giáo.
2.-Câu 2: “Ưng vô sở trụ” là của Phật Giáo trong kinh Kim Cang.
3.-Câu 3: “Huyền Khai Nhứt Khiếu”, là câu trong Lão giáo thường dùng.
Đức Giáo Chủ PGHH đã xác định:
“Trong Tam Giáo ân cần mở đạo,
Trường ngoại bang phục đáo như xưa”.
PHỔ THÔNG: Phổ biến được thông suốt. Đức Thầy đem nguồn Giáo pháp phổ biến khắp nơi cho mọi người đều thông suốt Đạo Pháp mà lo tu hành.
TỔ TÔNG: Ông bà dòng họ. Một hành giả khi tu đắc Đạo thì cứu được ông bà cha mẹ lần lượt siêu thăng giải thoát: “Nhứt nhơn thành Đạo, Cửu huyền thăng”.
CHÁNH VĂN
· 69.-Các bực Thánh châu-lưu nhiều nước,
· Nghèo thầy Nhan bầu nước đai cơm.
· Tuy cơ-hàn mà được danh thơm,
· 72.-Hơn phú-quí ngồi ôm bả lợi.
· Quá sung sướng rồi quên đạo ngỡi,
· Thì khác chi loài thú rừng săng.
· Vật hổ-lang đâu biết đạo hằng,
· 76.-Chỉ có biết ngủ ăn, ăn ngủ.
· Khi đói mồi mặt mày sù-sụ,
· Chạy quơ quào vật nhỏ đặng ăn.
· Đến chết thây đầy lũ ruồi lằn,
· 80.-Bu nút thịt của loài bạo ác.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 69 tới câu 80)
Các bực Phật Thánh xưa kia khi chứng đạo, các Ngài liền đem nền giáo thuyết truyền bá khắp nước cứu đời: như Đức Thích Ca và Khổng Tử. Cũng như Ngài Nhan Hồi nghèo đến đổi chỉ một bầu nước đai cơm mà gìn tròn cái Đạo, danh thơm còn lưu để ngàn thu, còn hơn người giàu sang chạy theo vinh hoa phú quí mãi để tiếng đời sau chê trách.
Những kẻ giàu sang bạc ác, tuy họ sống sung sướng mà quên đi nền Đạo nghĩa, thì tâm tánh chẳng khác gì thú cầm sanh vật. Suốt đời họ chỉ biết hưởng thụ ăn với ngủ không làm điều gì lợi ích cho ai.
Những kẻ ấy khi chết xác thể chỉ làm mồi cho ruồi lằng bu nút, linh hồn thì đọa lạc trần mê, tiếng đời khi nhắc đến ai cũng nhạo chê phỉ báng.
CHÚ THÍCH
BỰC THANH:
CHÂU LƯU: Châu là khắp nơi; Lưu là chảy đi. Châu lưu là di hành khắp đó đây. Ở đây có ý cho biết các vị Phật Thánh khi chứng Đạo thì lưu hành khắp nước, hoặc khắp thế giới để tùy phương cứu khổ chúng sanh.
THẦY NHAN HỒI: (Xem trong STTĐ, trang 280 có giải rõ).
ĐẠO HẰNG: Nói cho đủ là đạo ngũ hằng, tức năm mối thường hằng, tức giềng mối của đạo làm người. Gốm có: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đức Thầy có câu:
“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si”.
(Để chơn đất Bắc)
CHÁNH VĂN
· 81.-Đạo mà biết mùi thơm bát-ngát,
· Rứt bụi trần mặn lạt thây ai.
· Chữ Nam-mô trì giái giữ chay,
· 84.-Chay được tánh chay tâm mới quí.
· Trong Đạo Phật quá nên huyền-bí,
· Chỗ tâm-thần tọa vị nơi thân.
· Muốn cho nên khuya sớm chuyên cần,
· 88.-Lòng chí nguyện sở cầu Phật Thánh.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 81 tới câu 88)
Nền đạo mà ai hiểu được cái lý cao siêu kỳ diệu trong đó, tất thấu đạt được cái lý thơm tho. Nhà tu muốn kết quả hãy sớm chấm dứt nợ trần ai và dầu cho người đời có chê khen mặn lạt cũng không màng kể.
Đã quyết chí tu hành, trì chay niệm Phật nhà tu phải cố gắng giữ cho đúng chay tâm chớ chẳng phải ăn chay với hình thức bên ngoài mà được.
Trong giáo lý của nhà Phật rất cao siêu bí hiểm. Nhà tu không chỉ nhìn nơi hình tướng qua loa bề ngoài mà thông được, mà rồi thâm tâm mình cũng không được gì. Bởi ngoài tâm không có Đạo, mà ngoài Đạo không có tâm. Mà : Đạo tại tâm, tâm Đạo bất tùng, tùng Phật Đạo mới là thật Đạo. Và phải nhớ rằng cái Đạo vốn “chẳng có, chẳng không, không chẳng không”. Và “Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất vị không, không bất vị sắc”.(Kinh Kim Cang). Vậy nhà tu muốn đạt đến cao quí đó, tất ngày đêm phải sở cầu và sở hành một cách tha thiết chuyên cần tinh tấn, tất được kết quả.
CHÚ THÍCH
“Nam mô lòng sở nguyện cầu,
Chúc cho bá tánh muôn sầu tiêu tan”.
TRÌ GIÁI: Gìn giữ giới luật đừng cho quấy phạm. Theo người tu Phật từ xưa thì bắt đầu giữ Tam qui Ngũ giới, Thập bát giới, 250 giới cho Tỳ kheo, 348 giới cho Tỳ kheo ni. Theo Đức Giáo Chủ PGHH hiện nay thì dạy môn đồ giữ Bát Giới (tám điều răn cấm) là đủ. Ngài đã nhắc nhở:
“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,
Niêm Phật thì phải dẹp lòng tà”.
CHAY TÁNH CHAY TÂM: Gìn giữ sự ăn chay cách nầy: Không ăn loài hữu tình, có tri giác và mạng sống. Chỉ ăn các vật tương chao, đậu hủ, rau củ. Nhưng không chỉ ăn chay bằng thân khẩu mà phải ăn cả tấm lòng nhơn đức, bác ái Từ Bi mới gọi là chay tâm chay tánh. Nghĩa là phải ăn chay cả tấm lòng thanh tịnh từ bi giúp đời và cho đến thất tình lục dục, sân si, nhân ngã cũng không hề quấy phạm mới trọn vẹn là người chay tâm.
HUYỀN BÍ: Sâu kín mầu nhiệm không thể dùng mắt phàm phu mà thấy được.
CHỖ TÂM THẦN TỌA VỊ NƠI THÂN: Cái thần hồn và linh tánh trí tuệ của mỗi người đều hòa đồng với nhau một thể. Bởi tâm thần linh tánh là thể, còn thân xác ngôn ngữ và tướng là dụng. Vậy ai muốn kiến tánh hãy nhìn kỹ:
“Trong cây có trái hoa,
Trong tâm có Phật Đà.
Chớ thấy bằng nội tướng,
Phải thấy bằng tâm ta”.
CHÁNH VĂN
· 89.-Đuốc thiền-lâm phương Đông chói ánh,
· Dắt hồn người vượt khỏi sông-mê.
· Dầu cho nay xa cách Sở, Tề,
· 92.-Sau Thầy tớ gặp nhau Phật-cảnh.
· Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
· Đồng bay về Cực-Lạc một đàng.
· Thì thân Thầy hết phải gian-nan.
· 96.-Đâu có chịu mang câu nhạo báng.
· Nói thì nói chờ ngày thấp-thoáng,
· Dòm êm trời thì cứ ra tay.
· Quyết chèo thoàn đến chốn Bồng-Lai,
· 100.-Mới ngơi-nghỉ tấm thân của Lão.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 89 tới câu 100)
Đức Giáo Chủ từ phương Tây rọi đuốc huệ về phương Đông, tức cõi phương Đông Á châu chúng sanh đang ở để dìu dắt linh hồn bá tánh vượt khỏi sông mê, sớm trở về bến giác. Dầu cho ngày nay Thầy tớ có xa cách giữa Sở và Tề, nhưng sau Tớ Thầy sẽ gặp nhau nơi Phật cảnh.
Ngài rất ước mong cho khắp bá tánh đều tu hành dứt nghiệp trần mê, được nhẹ nhàng sớm siêu thăng về Cực lạc. Bấy giờ Tớ Thầy mới giải thoát cảnh gian nan lao khổ và cũng chẳng còn người đời nhạo chê phỉ báng.
Gẫm lại ngày tháng trôi qua rất mau lẹ, như ngựa qua song cửa, Đức Thầy tùy theo thời cơ mà đưa môn đồ sớm về cảnh Phật. Ngài cũng đã quyết định phải đưa khắp chúng sanh cho đến cảnh Tiên Phật mới đành an nghỉ.
CHÚ THÍCH
ĐUỐC THIỀN LÂM: Đức Giáo Chủ dùng ngọi đuốc huệ của Đạo Phật mà áp dụng vào việc cứu đời độ chúng.
PHƯƠNG ĐÔNG CHÓI ÁNH: Nhắm vào phương Đông Chấu Á chiếu sáng để soi đường dẫn lối cho khắp bá tánh.
DẮT HỒN NGƯỜI: Giác ngộ đưa rỗi chúng sanh nương theo đó mà tinh tấn tu hành để sớm quay về con đường chánh giác.
VƯỢT KHỎI SÔNG MÊ: Qua khỏi sông mê trở về bến giác, vượt khỏi cuộc luân hồi sanh tử.
SỞ VÀ TỀ: Hai nước chư hầu của nhà Châu cũng ở chung trên đất Trung Quốc, nhưng cách nhau rất xa, vì nước Trung Hoa bấy giờ rất là rộng lớn. Sở ở Hồ
Ở đây, Đức Thầy muốn nói, tuy hiện giờ Thầy Tớ cách xa trắc trở thế nào đi nữa nhưng rồi sau nầy cũng được gặp nhau nơi Phật cảnh. Ngài cũng luôn ước mong sao cho bá tánh đều giác ngộ tu hành để sớm về Cực Lạc hưởng sự an nhàn. Tất Thầy trò không còn gian nan cực khổ hay người đời nhạo chê phỉ báng nữa.
BỒNG LAI: Cảnh Tiên. Tương truyền nơi biển Bột Hải có ba hòn đảo: Phương Trượng, Doanh Châu và Bồng Lai. Nước ở biển nầu rất nhẹ, lông chim rớt xuống cũng không chìm, nên gọi là nhược thủy.
Đức Thầy có viết:
“Cố tưởng ước mơ về Nhược thủy,
Ngặt vì không cánh lấy gì bay”.(Viếng non Ô. Két)
CHÁNH VĂN
· 101.-Lúc Tam-Tạng Tây-phương quyết đáo,
· Bị loài yêu làm bạo lắm phen.
· Đức từ-bi phải lộ trắng đen,
· 104.-Lôi-Âm tự cũng đi đến chốn.
· Đi dọc đường yêu tinh làm hỗn,
· Thấy Đường-Tăng thơm thịt muốn ăn.
· Nhờ môn-đồ Bát-Giái, Sa-Tăng,
· 108.-Với Đại-Thánh Tề-Thiên cứu vớt.
· Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt,
· 110.-Thì nạn tai cũng thoát như không.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 101 đến câu 110)
Từ khi Pháp Sư vâng lịnh vua Đường Cao Tôn đến Ấn Độ (Tây Phương) thỉnh Tam tàng kinh Phật đem về Trung Quốc phiên dịch truyền bá khắp nước, giác ngộ chúng sanh.
Trên đường đi Tây phương gồm có năm thầy trò: một Đường Huyền Trang (ông Thầy), đệ tử thứ nhất là Tôn Ngộ Không, thứ nhì là Trư Bát Giái và ba là Sa Ngộ Tịnh, cùng một Bạch Mã. Thầy trò phải đương đầu biết bao tai nạn, nào yêu tinh cọp cáo, nào yêu ma quỉ quái, giặc cướp cản ngăn, chúng quyết ăn xương nuốt thịt thầy trò cho kỳ được.
Song nhờ có Đức Từ Bi Quan Âm Bồ Tát, vâng lịnh Phật Tổ theo sát bên, khi ẩn khi hiện bảo hộ ngày đêm không rời. Cuối cùng các tai nạn đều vượt qua; Thầy Trò đạt kết quả, đem được ba bộ Kinh về Đại Đường và đều chứng quả. Đó cũng là nhờ Tam Tạng chuyên niệm tâm kinh và trì niệm Lục tự Di Đà không hở cách.
CHÚ THÍCH
TAM TẠNG: Để có ý niệm về lịch sử chính xác, Đường Tam Tạng tên thật là Trần Di con của Trần Huê ở huyện Trần Thi, Châu Lạc. Ngài sanh năm Khải Hoàn thứ 16, đời vua Văn Đế nhà Tùy (589).
Vốn là một người thông minh, từ thuở bé lại được thân phụ giảng dạy Hiếu Kinh. Năm Ngài lên 9 tuổi đã thông Nho học trình độ khá cao. Ngài thường tới chùa Tịnh Độ đất Lạc Dương, nghe người anh làm Hòa Thượng ở chùa giảng giải kinh Phật. Những buổi giảng làm ông nghe say mê và đã ảnh hưởng rất nhiều cho cuộc sống tu hành của Ngài sau nầy. Và Ngài cũng bắt đầu có xu hướng nghiên cứu về Phật Giáo.
Năm 13 tuổi, Ngài chính thức xuất gia tu học với pháp danh là Huyền Trang. Từ đó Ngài tận tâm nghiên cuứ Kinh điển, khi nghe có Tăng sư nào đức hạnh và kiến giải sâu xa thì Ngài đến cầu học. Không bao lâu, Ngài nổi tiếng là người học vấn uyên thâm, biện thuyết thông suốt.
Pháp sư Đạo Cơ, một cao Tăng thời bấy giờ đã nói về Ngài: Như thế nầy ta đi qua các giảng đường khá nhiều mà chưa thấy một sư trẻ tuổi nào mà thâm ngộ Đạo pháp như thế nầy.
Năm Ngài 14 tuổi (có chỗ chép 23 tuổi) phụ cận kinh đô Trường An gặp tai nạn mưa đá mất mùa, dân chúng đói khổ, nhà vua ra lịnh cho dân chúng di cư tản mát các miền phong phú mà sống, Ngài thừa cơ hội đó làm cuộc Tây du trốn sang Ấn Độ.
Trải qua 123 nước lớn nhỏ, với bao sự gian nguy, trên đường đi vượt qua bao gian khổ, bão phong hỏa đài, nào nạn: giặc cướp, sa mạc, qua Gô Bi, tuyết sơn lãnh…Ngài phải chịu đói khát, bắt bớ tù đày có khi suýt vong mạng.
17 năm lưu lạc ở Ấn Độ, gót chân Ngài lưu hành khắp đó đây tu học ở các nơi đại tự. Nhất là ở ngôi chùa Na Lan Đa (Na Lăng Đà). Nơi đây được sư trưởng Giới Hiền Luận Sư truyền giới Duy Thức cho Ngài.
Còn theo truyện Tây Du Ký, thì Đại Thánh Tề Thiên vốn là một Thạch Hầu, do tảng đá thọ khí âm dương sanh ra, lớn lên tìm ra động Thủy Liêm trên Hoa Hỏa Sơn, nên được bầy khỉ tôn làm chúa động cầm đầu cả đàn và xưng là Mỹ Hầu Vương.
Sau Thạch Hầu vượt biển tầm Tiên cầu đạo trường sanh, được Bồ Đề Tổ Sư thâu nhận làm đệ tử đặt tên là Tôn Ngộ Không, và truyền cho thất thập nhị huyền công (72 phép biến hóa) và pháp Cân đẩu vân, nhảy một cái đi xa 10 muôn 8 ngàn dặm. Khi thành tài, Tôn Ngộ Không trở về luyện tạo bầy khỉ phân làm đội ngũ như người. Ngộ Không xuống biển Đông Hải lấy trụ sắt trấn biển của vua ĐạiVõ ngày trước làm thiết bảng, rồi xuống Long Cung bôi sổ từ của loài Hầu, Thượng Đế chọn người tài có công học Đạo nên triệu về phong chức Bạch Mã Ôn. Sau rõ chức hèn mọn, Tề Thiên bỏ về xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Ngọc Hoàng phải chịu thụ phong và cho cai quản Vườn Đào, ông lén vào ăn mấy món ngon hết; lấy trộm thuốc kim đơn của Thái Thượng Lão Quân. Thượng Đế nổi giận cho Thiên binh, Thiên Tướng vậy đánh bắt được đem về nhốt vào lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân đốt mười ngày đêm. Ông sợ lửa bèn ẩn trong cung Tốn 49 ngày đêm. Bị khói nung thành mắt nửa tròng vàng. Sau ông ra khỏi liền loạn Thiên cung đánh tới Linh tiêu Bửu Điện. Ngọc Hoàng kinh hải thỉnh Phật Tổ Như Lai đến. Phật hóa phép đè Tề Thiên dưới núi Ngũ Hành Sơn trọn 500 năm.
Phần Đường Tăng, vào đời Đường Thái Tông có Trần Giang Lưu là con quan Trạng nguyên Trần Quan Ngụy và bà Â Ôn Kiều, xuất gia từ thuở nhỏ, được Pháp Minh Hòa Thượng đặt Pháp danh là Huyền Trang.
Sau vua Đường muốn cầu siêu cho các cô hồn thác oan vì chiến tranh vừa qua nên tuyển lựa trong dân chúng thấy Ngài Huyền Trang tài đức vẹn toàn.Vua truyền thiết lập trai đàn thỉnh Ngài thuyết pháp và thí thực cúng cô hồn. Khi ấy Phật Bà Quan Âm vâng lịnh Phật Thích Ca sang Đông Độ (Trung Quốc) lựa người sang thỉnh Kinh bên Tây Vức (núi Khứu Linh), Quan Âm lẫn vào đại chúng nghe Kinh. Nghe xong, Phật cho vua tôi nhà Đường biết: Kinh nầy thấp lắm, không thể cứu được cô hồn. Nay Phật có ba Tạng kinh ở chùa Lôi Âm nước Thiên Trước bên Tây Thiên, mới độ nỗi vong hồn. Nói xong Phật Bà để lại một bài Kệ rồi biến mất. Bài Kệ ấy như sau:
“Tỏ cùng Chúa Đại Đường,
Kinh tại bên Tây Phương.
Dặm đã xa mười vạn,
Đường thêm lẻ tám ngàn.
Kinh cao về nước cả,
Hồn quỉ khỏi thành oan.
Ai có công đi thỉnh,
Ngày sau hóa Phật vàng”.
Huyền Trang nghe xong tình nguyện thân hành sang Tây Phương thỉnh ba Tạng Kinh đem về Trung Quốc. Vua Thế Tôn liền kết làm anh em với Ngài và đặt cho Ngài là Tam Tạng Quốc Sư. Đoạn, Ngài từ giã vua và khởi hành.
Trải bao gian nan khổ khó, vượt bao đường xá chông gai vất vả, Tam Tạng bị yêu bắt ăn thịt mấy người tùy tùng. Còn Ngài nhờ Thái Bạch Kim Tinh cứu thoát. Sau có Lưu Bá Khâm cứu khỏi nạn bị thú dữ bao vây và đi đến Ngũ Hành Sơn gặp Tề Thiên hối cải qui y, nguyện theo Thầy đi thỉnh Kinh. Tam Tạng ưng chịu và lên chót núi gở lá bùa của Phật Tổ. Tề Thiên ra khỏi núi và được Tam Tạng đặt hiệu là Hành Giả. Vì Tề Thiên tánh còn sân hận không nghe lời Tam Tạng, nên Phật Bà bắt niền chiếc Kim Cô lên đầu, nếu Tề Thiên còn trái lời thì Tam Tạng niệm Thần chú, Kim Cô bóp siết vào nhức đầu thấu ruột gan chịu không nổi, khiến Tề Thiên một lòng theo Tam Tạng mà không dám trở lòng.
Khi đến suối Ưng Thần nước Xà Bàn con ngựa chở Tam Tạng bị con Rồng nuốt mất. Tề Thiên đánh mãi không bắt lại được, sau nhờ Phật Quan Âm bắt nó hóa ngựa Long Cu, chở Tam Tạng đi thỉnh Kinh để chuộc tội. Thầy trò lại đội tuyết dầm sương chẳng nài khổ cực đi đến xứ Cao Lão gặp Trư Cang Liệp ở núi Phước Lăng (vốn là Thiên Bồng Nguyên soái vì mắc tội nên Ngọc Hoàng đày làm con heo) bắt con gái ông Cao Thái Công, nên Đại Thánh bắt được họ Trư. Trư Cang Liệp xin qui y và được Tam Tạng đặt cho hiệu là Bát Giái. Phật Bà có đặt cho Pháp danh trước là Ngộ Năng.
Ba Thầy trò đồng lên đường. Một hôm đi ngang Huỳnh Phong Lãnh, Tam Tạng bị chúa yêu là Huỳnh Phong bắt định ăn thịt. Tề Thiên, Bát Giái đánh không lại khải cầu Linh Khiết Bồ Tát xuống thâu về núi. Thoát nạn rồi, Thầy trò cùng đi nhắm hướng Tây thẳng tiến. Đi đến sông Lưu Sa, gặp con thủy quái rất dữ chận ngang sông, định bắt Tam Tạng ăn thịt. Nguyên con Thủy quái nầy vốn là Huyện Liêm Tướng quân, vì mắc tội làm bể chén lưu ly của Ngọc Hoàng nên bị đày làm Thủy quái sông Lưu Sa. Tề Thiên và Bát Giái ví đánh; Thủy quái đánh không lại phải lặn xuống sông nên bắt không được. Tề Thiên phải cầu viện với Quan Âm. Phật Bà phái cho Huệ Ngạn xuống bắt Thủy quái theo làm đệ tử Tam Tạng, Đường Tăng liền đặt tên là Sa Tăng. Phật Bà có đặt cho Pháp hiệu trước là Ngộ Tịnh.
Bốn Thầy trò đồng nhắm hướng Tây trực chỉ. Chúa yêu ở các động nghe Tam Tạng là hậu thân của Kim Thiền Tử, đệ tử thứ hai của Phật Tổ mắc đọa tu đã 10 kiếp, nếu ai ăn đặng một miếng thịt sẽ trường sanh bất tử, nên các yêu tranh nhau đón bắt song nhờ có các đệ tử hết lòng bảo hộ và nhờ Tam Tạng tâm tư lúc nào cũng tưởng nhớ Phật nên lắm lần đều thoát qua các nạn tai. Đến đò Lăng Vân, Tam Tạng bỏ xác phàm tại đây, rồi lên núi Linh Sơn vào chùa Lôi Âm thỉnh được ba tạng: Kinh, Luật, Luận đem về Đông Độ cầu siêu cho các cô hồn, giác ngộ bá tánh. Xong xuôi, Ngài trở về Tây phương đắc quả Phật hiệu là Chiêu Đàng Công Đức Phật.
Tính qua bao gian khổ nguy nan, Ngài Tam Tạng phải thọ khốn 81 lần tai nạn (tiêu biểu cho 81 món phiền não gồm có nội ma, ngoại cảnh). (Đây là dẫn theo bộ Tây Du Ký)
Ngài Huyền Trang trở về với cố quốc muôn ngàn rực rỡ vinh quang: 175 bộ kinh Phạn ngữ gồm 1.335 quyển được Ngài phiên dịch chú thích rành rọt giúp Phật Giáo có cơ phát triển cao độ.
Ngài mất vào giữa đêm mùng 5 tháng 2 năm 664 tại Ngọc Hoa Cung hưởng thọ 69 tuổi có chỗ chép 63 tuổi, để lại bao sự mến thương cảm kích của vua Đường Cao Tôn và tăng lữ cùng đại đa số tín chúng.
CHÁNH VĂN
· 111.-Khó tìm cho gặp chủ-nhơn-ông,
· Còn ẩn ánh nơi vòng sanh-chúng.
· Ai mê tâm nghe qua không phủng,
· 114.-Rán suy tầm đặng mở tánh linh.
· Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,
· 116.-Thì cũng thấy bổn lai diện mục.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 111 tới câu 116)
Trong đời tu hành từ xưa đến nay ít ai tìm gặp “Chủ nhơn ông” của chính mình. Vì ông chủ nầy ẩn sau bức màng vô minh dày bịt. Nếu hành giả phá được mây thì sẽ lòi mặt thật ông chủ, chớ khỏi tìm đâu xa lạ. Ông chủ nầy ai ai cũng đều có.
Nếu người nào còn mê muội thì chưa nhận ra ông chủ. Thế nên cố gắng suy tầm để cho trí huệ được khai thông hầu thực hiện bản tâm thanh tịnh.
Trên phương diện tu hành, kinh điển là phương tiện dẫn dắt bước ban đầu, như ngón tay chỉ mặt trăng. Hành giả phải trực ngộ bản lai tâm bằng trực giác của chính mình, chớ không đợi thuộc nhiều Kinh điển.
CHÚ THÍCH
CHỦ NHƠN ÔNG: Là ông chủ của chính mình. Theo kinh Phật giải: Mỗi người đều có trí vô sư, tức là Phật tâm. Ông Phật thật nầy có từ đời vô thỉ, trước càn khôn vũ trụ, san hà đại địa; không do ai sinh, không do ai tạo. Như câu: “Có một vật không sinh mà có, không tạo mà nên, không lập mà thành”. Đức Giáo Chủ PGHH xác định trong quyển “Khuyến Thiện” như sau:
“Các chúng sanh đều có như ta,
Bị vô minh vọng tưởng vạy tà.
Nên quay lộn Ta Bà cõi khổ”.
SANH CHÚNG: Cũng gọi là chúng sanh, gồm có bốn loài: Thai, noãn, thấp, hóa.
-Loài sanh bằng bào thai.
-Loài sanh bằng trứng.
-Loài sanh nơi ẩm thấp (cá rô, cá trạch…)
-Loài hóa sanh, như: Rệp nước hóa sanh ra chuồn chuồn, rễ gáo hóa thành lươn.
MÊ TÂM: Tâm mê muội, tâm chưa giác ngộ. Nghĩa bóng: Chỉ cho người còn còn chạy theo hình tướng sắc màu chưa nhận được chơn lý.
SUY TẦM: Suy xét và tầm kiếm, nghĩa bóng: Tra cứu, xét nét, thật hành, đúng theo lẽ phải. Hoặc thật hiện theo pháp: Văn, tư, tu để cho mở trí sáng.
BỔN LAI DIỆN MỤC: Còn gọi là Bổn Lai tâm, tức là trực nhận tâm Phật của chính mình. Nếu giác ngộ là Phật. Còn mê muội là chúng sanh. Cũng như sóng và nước, vọng và chơn, chân và giả. Nó vốn sinh từ gốc bản lai. Do câu chuyện như sau:
Xưa, Đức Lục Tổ ở xứ Lãnh Nam vốn là người không biết chữ, một hôm Ngài đi đốn củi đổi gạo gặp một Sa Môn đọc kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì Ngài giác ngộ đi tu. Sau tám tháng giã gạo tại chùa Huỳnh Mai được Ngũ Tổ bảo hãy vào nhà sau truyền pháp. Ngũ Tổ cũng lấy kinh Kim Cang giảng nghĩa cho ông nghe, và cũng đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như trên ông liền đắc ngộ. Vì thế ông thốt lên bài Kệ:
“Nào dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh,
Nào dè tánh mình vốn không sanh diệt.
Nào dè tánh mình hay sanh muôn pháp,
Nào dè tánh mình vốn sẵn đầy đủ,
Nào dè tánh mình vốn luôn trong sạch”.
CHÁNH VĂN
· 117.-Lần thứ chót gọi lời kêu thúc,
· Thầy nhắc cho bổn-đạo rõ lòng.
· Chừng ơn trên ban được Lục-Thông,
· Thầy mới được Tây, Đông du-thuyết.
· Thâu cho được con long ác-nghiệt,
· 122.-Thì khắp nơi mới biết mến yêu.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 117 đến câu 122)
Theo lịch trình diễn tiến của lý tam ngươn, thời hiện giờ là đời mạt hạ: “Hạ ngươn nay đã hết đời, Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang”. Đức Giáo Chủ lâm phàm đây là lần chót, như Ngài minh định: “Nên kiếp chót nầy đây há lại tiếc chi thân phàm tục. Song vì tình cốt nhục tương thân cũng ủng hộ chở che cho xác phàm bớt nỗi cực hình”.
Ngài nhắc cho mọi người hiểu biết để tự lo liệu hoạch định chương trình tu tiến cho kịp chuyến đò chiều..
Tuy nhiên cơ trời biến chuyển có khi chậm, khi mau. Đức Giáo Chủ phải “Ẩn nhẫn hoài chờ đợi vận hanh thông”. Ngày giờ nào Trời Phật ban bố cho Ngài có đủ sáu phép thần thông, chừng đó Ngài mới thỏa lòng mong ước, chu du độ chúng.
Cơ trời vận chuyển đến đúng thời kỳ con long nghiệt xuất hiện tại sông Vàm Nao, nó hoành hành dữ dội đến đại bác súng đồng cũng không hàng phục nổi. Chừng đó cả nhơn loại đều hoang mang mong mỏi một vị cứu tinh xuất hiện để thâu phục con độc long cho yên bá tánh. Đức Giáo Chủ PGHH mới đúng lúc trở về và thi hành bổn phận hàng phục con sấu dữ. Và danh tiếng Ngài chói rạng nghìn thu, dân chúng đều phục tùng nể kính.
CHÚ THÍCH
LỤC THÔNG: Sáu pháp thần thông.
1-Thiên Nhãn Thông: Mắt thấy mười phương không bị vật gì ngăn cản.
2-Thiên Nhĩ Thông: Tai nghe suốt tám giới thập phương không bị vật gì làm trở ngại.
3-Túc Mạng Thông: Biết các kiếp quá khứ, vị lai của mình và của chúng sanh.
4-Tha Tâm Thông: Biết rõ ý niệm cả chúng sanh.
5-Thần Túc Thông: Đi lại mười phương chớp nhoáng.
6-Lậu Tận Thông: Diệt hết phiền não không còn một mảy ô trược. Đức Giáo Chủ minh định:
“Ngày nào đắc được lục thông,
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời”.
DU THUYẾT: Dùng tài hùng biện đi châu du thuyết giảng. Xưa có nhà hùng biện là Tô Tần, tự Quý Từ, người Đông Châu, lúc chưa gặp vận đi du thuyết khắp nước Trung Hoa không có nơi nào trọng dụng. Suốt ba năm trường, tiền bạc xài hết, áo hồ cừu rách nát, thân hình tiều tụy xơ sát. Sau thời cơ đưa đến, nhờ dùng pháp “hợp tung” hiệp sáu nước: Triệu, Hàn, Ngụy, Yên, Tề, Sở cự với nước lớn là Tần, mang ấn sáu nước danh tiếng lẫy lừng. Ở đây Đức Thầy ví Ngài sau nầy cũng như Tô Tần vậy.
LONG ÁC NGHIỆT: Là con rồng dữ. Lịch sử Phật Giáo đã chứng minh hai dữ kiện: Một của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai của Đức Lục Tổ Huệ Năng.
Lúc Đức Phật còn tại tiền có lần Ngài đến động của ông Ca Diếp, buổi ban đầu dùng lửa tam muội thiêu đốt hang động và thu phục con rồng tại đây. Ông Ca Diếp mới đầu không cho. Nhưng Đức Phật quả quyết đến chung ngụ với Rồng để thâu phục con long ác nghiệt và chú nguyện cho rồng ấy thoát xác.
Thuở Đức Lục Tổ Huệ Năng lưu cư tại chùa Bửu Lâm, thuộc tỉnh Thiều Châu (Trung Hoa) gần chùa có con rồng dữ ở dưới cái hào rất sâu, thường làm mưa làm gió và tác hại dân chúng quang vùng.
Một hôm, Rồng hiện lớn lên, làm cho sóng nổi, nước dâng trào, mây giăng tối mịch. Các môn đồ sợ hãi, Đức Lục Tổ nghe báo bước ra xem, nạt Rồng: “Ngươi có thể hiển hiện ra hình lớn, chớ không biến lại hình nhỏ được. Nếu ngươi là bậc thần thông thì biến hóa lớn, nhỏ cho ta xem”.
Rồng hụp xuống, phút sau thu hình nhỏ lại, nhảy khỏi mặt hồ. Tổ Sư liền mở bình bát ra thách rằng: “Nhà ngươi có dám chui vào bình bát của lão tăng không ?”.
Rồng tự hăm hở chui vào, nhưng sau đó hết phương vùng vẫy.
Tổ đem bình bát về chùa thuyết pháp cho Rồng nghe, nó liền cổi lốt đi mất. Bộ xương rồng dài 7 tấc, đầu đuôi sừng cẳng đều có đủ, để lưu lại chùa làm kỷ niệm.(bộ xương nầy lưu giữ cho đến năm Kỹ Mão, niên hiệu Chí Chánh, bị nạn binh lửa lạc mất).
CHÁNH VĂN
· 123.-Chúng-sanh nên tầm quạt ba-tiêu,
· Chửa hỏa-diệm nơi tâm cho tắt.
· Thì đạo-hạnh ngày kia mới đắc,
· 126.-Chớ chứa hờn đứa dữ ích chi.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 123 tới câu 126)
Con người ai ai cũng đều có “hỏa diệm”, hỏa diệm nầy nó ẩn sâu dưới lớp màng vô minh; bình thường thì nó lặng trang, nguội lạnh. Nhưng việc làm nào phật ý, hoặc quá sức chịu đựng thì nó bùng cháy, một khi nó bùng cháy thì nó không còn kiêng nể một ai, dù ruột thịt hoặc người dưới nó xem tất cả đều là đối tượng. Ví như con thú dữ sắp bắt được mồi. Nó vồ chụp, nó gào…Nó nghiến, miễn làm cách nào được thỏa dạ mới thôi. Chúng sanh vì nó mà tan nhà nát cửa, đất nước vì nó mà phải đảo điên; thiên hạ, thế giới vì nó xé xâu nhau gây cảnh chiến trường máu rơi, thịt đổ, tan nát cuộc đời. Nó không bao giờ dự định trước để cho ta chuẩn bị cách đối phó. Đức Giáo Chủ PGHH diễn tả:
“Lửa trong tâm chẳng đốt mà lừng.
Nổi lôi đình đâu có định chừng,
Cho ta biết mà toan giữ trước.
Tánh sân nộ thường làm bạo ngược,
Nên loài người ở cõi thế gian.
Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn,
Mới có cuộc tranh tài đấu lực.
Hơn tự đắc, khoe khoang, dõng sức,
Phải bị người hiềm khích ghét ganh.
Thua hổ ngươi làm chuyện bất lành,
Gây nghiệp dữ oan oan tương báo.
Trong cơn giận kể gì nhơn đạo,
Tỷ như con cọp dữ trên rừng.
Gặp thịt toan cấu xé tưng bừng,
Phân từ mảnh mới là thỏa dạ”.
Muốn chữa hỏa diệm nơi tâm phải dùng ba phương pháp căn bản.
Cũng gọi là “Ba tiêu” để đối trị. Đó là khoan dung, nhẫn nhục và từ bi. Ba phương pháp nầy rèn luyện cũng từ trong tâm. Vì vạn vật do tâm tạo: “Tâm sanh chủng chủng pháp sanh, tâm diệt chủng pháp diệt”. Đức Giáo Chủng PGHH đưa ra luận chứng như sau:
“Diệt được nó tâm trần thong thả,
Ta thường nên tập tánh khoan dung.
Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,
Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.
Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,
Khỏi mất lòng tất cả mọi người.
Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,
Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.
Nay ta đã quy y cầu Đạo,
Gây gổ là trái thuyết từ bi”.
CHÚ THÍCH
QUẠT BA TIÊU: Truyện Tây Du ký kể: Thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh đến chơn núi Thúy Vân thì khí trời trở nên nóng nực lạ thường; và được gặp cụ già mới bảo: Xứ nầy có hòn “Hỏa Diệm Sơn”, ngày đêm lửa cháy hừng hực nên tiết ra sức nóng dữ dội. Nhưng không có con đường thứ hai nào đi được. Lúc đó có người bán bánh đi vừa tới, Ngộ Không bước đến thăm hỏi: “Ở vùng nầy khô hạn và nóng bức làm gì có lúa nếp để làm bánh ?”
-Sở dĩ vùng nầy có lúa nếp là nhờ Thiết Phiến Công Chúa ở núi Thúy Vân có cây quạt phép gọi là “Ba Tiêu”. Quạt một lần thì tắt lửa, quạt lần nữa thì có mưa. Tôn hành Giả thỉnh ý Thầy rồi đằng vân đến núi Thúy Vân. Sau bao lần chiến đấu vất vả, và sau cùng nhờ Như Lai, Bồ Tát và Kim Cương trợ lực, hàng phục được vợ chồng Ngưu Ma Vương. Tôn Hành Giả mới được bà Thiết Phiến Công Chúa trao cho quạt “Ba Tiêu”.
Nhờ đó mà “Hỏa Diệm Sơn” mới dập tắt, dân chúng làm ăn yên ổn và Thầy trò Tam Tạng mới có đường tiếp tục thỉnh Kinh bên Tây độ.
CHÁNH VĂN
· 127.-Phận tu-hành tai gác mặt lỳ,
· Chịu cay đắng của người sang-sớt.
· Lòng sầu riêng hãy nên nguôi bớt,
· Đừng thở-than bận đến lòng Ta.
· Để cho Thầy đi dạo ta-bà,
· 132.-Đặng dạy kẻ đường xa chưa rõ.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 127 đến câu 132)
Bổn phận hành giả trên bước đường tu phải kiên nhẫn luyện tập cho mặt chai mài đá, gác bỏ ngoài tai tất cả thế gian. Dầu miệng thế có lắm điều trêu chọc, cay đắng đủ điều cũng kiên tâm nhịn chịu: “Chịu cay đắng tu hành mới giỏi”.
Người tu phải đặt lòng vị tha cao cả lên hàng đầu. Vì đó là quyền lợi chung cũng là chí nguyện thiêng liêng của Phật của Thầy và của chư Tổ, chư Sư. Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên môn đồ hãy xóa đi tình thương nhỏ hẹp, riêng tư của tình sư đệ; để Ngài yên tâm dấn thân trên đường gió bụi dạo khắp đông tây, khuyến dạy những ai còn ngủ vùi trong tràng mộng ảo.
CHÚ THÍCH
TAI GÁC MẶT LỲ: Gác bỏ ngoài tai những chuyện thế sự, gương mặt trở nên lầm lỳ, chịu đựng tiếng đời mai mỉa, kẻ sang người sớt. Nghĩa bóng: nhẫn nhịn các tiếng thị phi nguyền rủa để an phận lo tu hành. Đức Thầy sách tấn: “Phải nhẫn nhục chờ người cổ tích, Phật với Trời phân định cho ta”.
TA BÀ: Còn gọi là Sa Bà, Phạn ngữ Saha. Dịch nghĩa kham nhẫn, đại nhẫn. Cõi chúng sanh đang sống. Cổ nhân có câu:
“Ta bà khổ, Ta bà khổ,
Ta bà chi khổ thùy năng sổ”.
Đức Huỳnh Giáo Chủ bảo:
“Ta bà khổ, Ta bà lắm khổ”.
CHÁNH VĂN
· 133.-Nay rừng bụi có người mở ngõ,
· Thì noi theo dấu thỏ đàng dê.
· Giục vó cu nhiều nỗi thảm-thê,
· 136.-Dạy sanh-chúng cho rồi mới rảnh.
· Cũng hiếm kẻ nghinh-ngang cường-ngạnh,
· Ôi ! kể sao cho hết thói đời !
· Mãi say-sưa theo cuộc vui chơi,
· 140.-Nên kiếp kiếp đời đời lên xuống.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 133 đến câu 140)
Ngày xưa rừng rậm u uất, ít người lui tới, đường xá cheo leo nên kẻ đi rừng rất khó khăn và thường hay lạc lối, người thợ rừng phải nắm chắc trong tay mới có thể tiến trình được.
Ngày nay rừng núi được hanh thông, có người đứng ra mở đường dẫn lối. Đường lối đó là con lộ quang minh chánh đại, đúng chân truyền, khế lý, khế cơ của chư Tổ chư Sư từ ngàn xưa để lại. Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên chúng sanh nên noi theo bước chân của Ngài để tu tiến hầu đạt thành sở nguyện. Ngài ví người đi rừng phải tầm dấu chân của thỏ, đường đi của dê để thoát ra chốn hiểm nguy.
Đức Huỳnh Giáo Chủ trên đường truyền giáo lúc người Pháp tìm cách cản trở, rồi lại giục thúc bôn ba đây đó ví như vó ngựa, không cho Ngài được rảnh chơn thong thả. Nhưng Ngài thệ nguyện không chùn bước, mượn hoàn cảnh lưu đày nầy đổi lại cuộc vân du giáo Đạo, miễn sao làm tròn sứ mạng mới là toại chí và chừng đó tấm thân Ngài mới rảnh.
Tuy nhiên con người của buổi Hạ nguơn dữ nhiều lành ít, ngỗ ngang cường ngạnh đủ điều, ít ai hướng về nẻo thiện lo trau tâm sửa tánh. Ngài cất tiếng buồn than cho thói đời và Ngài xác định: Lòng dạ con người đời nay chỉ biết đua chen theo con đường trụy lạc, sa ngã vào chỗ hư hèn nên phải chịu luân hồi chuyển kiếp lên lên, xuống xuống trong cảnh giả ảo trần hoàn.
CHÚ THÍCH
DẤU THỎ ĐÀNG DÊ: Dấu thỏ: Con thỏ đi qua để lại dấu. Đàng dê: Do chữ dương trường, đường cong quẹo khúc khuỷu như ruột dê. Nghĩa bóng: Chỉ cho giáo lý nhà Phật rất tinh tế, sâu kín huyền diệu phải tìm hiểu một cách chính xác để khỏi lạc vào tà đạo.
GIỤC VÓ CU: Tiếng gió ngựa phi nhanh. Nghĩa bóng: Trên bước đường bôn ba khắp mọi nơi phải chịu nhiều vất vả.
NGHINH NGANG, CƯỜNG NGẠNH: Nghinh ngang: Ngang tàng bướng bỉnh không phục tùng ai; Cường ngạnh: Cường: Mạnh mẽ. Ngạnh: Gai gốc, u nần. Nghĩa bóng, chỉ cho hạng người trời đánh thánh đâm, bất trị. Xã hội đời nay thiếu gì hạng người đó. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xác định:
“Hung đồ cường nghịch một hồi cười reo.
Đâu đây mà có hùm beo,
Khéo bày bá láp nghe theo làm gì”.
SAY SƯA: Say đắm triền miên không bao giờ dứt. Đức Thầy có câu: “Cớ sao đời còn mãi say sưa”.
CHÁNH VĂN
· 141.-Suối Tiên thanh đổ ra cuồn-cuộn,
· Tràn ruộng đồng gieo giống mới nên.
· Kẻ vô-tình chẳng có chí bền,
· Phải sa-ngã theo nơi mộng-ảo.
· Giấc mộng vàng đặng truyền đại-đạo,
· 146.-Cảnh vô sanh lòng bạo mà mê.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 141 đến câu 146)
Trên đường hoằng pháp, lời giáo pháp của Đức Tôn sư PGHH tuôn ra như suối đổ, làm thắm mát cõi lòng nhân thế, số người quy y thọ giáo rất đông, nhưng người tu thật tâm thì ít, còn người chạy theo hình thức quá nhiều. Chỉ được một thời gian hành đạo gặp nhiều khổ khó, kẻ vô tình phải chùn chân thối bước, sa ngã theo đường danh nẻo lợi, vật dục kim tiền.
Nếu người tu chân chánh, đầy lòng vị tha luôn luôn được Trời Phật ủng hộ: các Ngài thị hiện trước mắt bằng thực tế, hoặc báo mộng trong giấc ngủ, hoặc mượn tay trước tác thi thơ Sấm Giảng.v.v…Như trường hợp của cậu hai Trần văn Nhu, ông Ba Thới thế hệ BSKH…và gần nhất là ông Thanh Sĩ, một môn đệ Đức Huỳnh Giáo Chủ được Phật truyền Pháp nhiều lần. Cuộc đời của Ngài là cả sự nghiệp hưng truyền Phật pháp PGHH từ quốc nội cho đến quốc ngoại.
Vả lại, Niết Bàn là cõi tịch tịnh an nhiên, hoàn toàn trong sạch, dù người tu hay không tu khi được trông thấy thực tế, hoặc trong giấc mộng, hay trong kinh điển, cả thảy đều say mê trìu mến. Nhưng người sâu duyên thì đuợc đại ngộ, kẻ kém duyên phải chịu nhiều vất vả khó mà nhận được chơn lý.
CHÚ THÍCH
SUỐI TIÊN THÁNH: Suối: Dòng nước chảy qua rừng núi. TIÊN: Phạn ngữ: Richi, bậc tu trên núi đã chứng đắc, có phép thuật và trường sanh bất lão. Đức Thầy cho biết: “Thơ với phú Thần Tiên giáng bút”. THÁNH: Bậc đã chứng đắc hoàn toàn giác ngộ, không còn ô nhiễm trần tục. Đức Thầy xác nhận: “Cư trần bất nhiễm là người Thánh”. Suối Tiên Thánh: Là lời thuyết pháp của Tiên Thánh đổ ra cuồn cuộn như suối chảy không phút nào ngưng và có giá trị thực tiễn, đưa người từ bờ mê sang qua bến giác, thành công chắc chắn.
CUỒN CUỘN: Chạy uốn khúc, nước bắn lên tung tóe, cuộn vòng triền miên.
TRÀN RUỘNG LÒNG: Tràn: Đầy; Ruộng Lòng: Cũng gọi là Ruộng tâm tức tâm từ bi của hành giả. Tràn Ruộng Lòng: là đầy tràn tâm từ bi của giác ngộ.
VÔ TÌNH: Không có tình cảm. Nghĩa bóng: Chỉ cho người kém duyên đạo pháp.
SA NGÃ: Rơi rụng vào chỗ hư hèn.
MỘNG ẢO: Mơ mộng ảo huyền. Nghĩa bóng: Mơ mộng việc tục trần, đam mê danh, lợi, tình.
GIẤC MỘNG VÀNG ĐẶNG TRUYỀN ĐẠI ĐẠO: Giấc chiêm bao thấy được điềm lành. Ông Trần văn Nhu (con Đức Cố Quản Trần văn Thành) trong khi thập tử nhất sanh, ông nằm trên chiếc võng bỗng té khụy xuống bộ ván, rồi liệm đi suốt ba ngày. Bữa thức, ông tự nhiên ngồi dậy và cho biết: trong mấy ngày rày ông được Đức Phật Thầy Tây An truyền Đạo và chỉ rõ việc vị lai. Từ đó, ông bắt đầu thuyết giảng đạo lý và đem con ấn BSKH của Đức Phật Thầy giao cho Đức Cố Quản trước kia tiếp tục hoằng truyền, sau trở thành bậc liễu ngộ trong thập nhị hiền thủ.
VÔ SANH: Không còn sanh diệt, chỉ cảnh niết bàn tịch tịnh an nhiên.
CHÁNH VĂN
· 147.-Mùa nước tràn ngập cả điền đê,
· Đến nước hạ đồng khô cỏ cháy.
· Cuộc gian-nan năm qua đã thấy,
· Luận việc đời cũng khúc lớn ròng.
· Khi dậy thì tràn cả bờ sông,
· 152.-Lúc khô hạn đi đồng khao-khát.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 147 đến câu 152)
Căn cứ vào thời tiết và địa dư thì miền
Bàn luận việc đời kiếp sống con người cũng thế, cũng có lúc lớn ròng, khi thạnh khi suy, lúc may lúc rủi. Khi lên, lên tận chín từng mây. Khi xuống, xuống tận đáy ao hồ. Đó là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh thế sự.
CHÚ THÍCH
ĐỒNG KHÔ CỎ CHÁY: Ruộng đồng cằn cổi, nứt nẻ, cây cỏ héo xào có thể đốt cháy.
GIAN
KHAO KHÁT: Thèm muốn gắt gao. Đức Giáo Chủ bày tỏ tâm nguyện: “Đi tới đâu giúp người khao khát”.
CHÁNH VĂN
· 153.-Biết làm sao lên lưng bạch hạc,
· Bay cả trời tỏ ý từ-bi.
· Khắp thế-gian con thảo phục quì,
· 156.-Chầu trước bệ cha hiền Ngọc-Đế.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 153 đến câu 156)
Vì sống trong vòng kềm kẹp của Thực dân Pháp, xác thân ĐHGC phải chịu lưu đày đây đó, không được tự do như cánh chim bằng tung bay khắp cả bốn phương trời; nên Ngài ước mong đất nước sớm hòa bình, toàn dân hát khúc khải ca đồng quì trước bệ ngọc của Đức Ngọc Đế hoặc vua Thánh Đức đời Thượng nguơn sắp đến. Như các Tiên ông được sống cuộc đời thảnh thơi nhàn nhã, muốn sao tùy ý, “Ngao du tứ hải dạo khắp Tiên bang cảnh an nhàn của người liễi Đạo muôn ngày vô sự, long sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen ? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bánh tính tới hồi tai họa. Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc Hòa Bình cho vạn quốc chư bang”. Cũng vì sứ mạng thiêng liêng như trên mà Phật Trời chưa đến ngày phân định, nên Đức Thầy phải chấp nhận thân cá chậu chim lồng, tủi hổ thế thôi, thật ra muốn thoát khỏi vòng cương tỏa ấy cũng rất dễ dàng, như Ngài xác định:
“Ngày vui tươi cũng đà lố bóng,
Cớ sao đời còn mãi say sưa ?
Không tìm thấy đặng hưởng phước thừa.
Ngày lập Hội tay vin cành quế.
Trau thân phận rạng danh hiếu đễ,
Thỏa dạ Thầy nơi chốn mây rồng”.
BẠCH HẠC: Bạch: trắng; Hạc: chim hạc. Tương truyền chim hạc sống đến 1.000 năm. Hạc trắng ngày xưa các vị Tiên Trưởng thường cỡi.
TỪ BI: Từ là hiền lành; Bi là thương xót. Hai trong tứ đức của chư Phật (từ, bi, hỉ, xả). Như Đức Thầy đã khẳng định: “Từ bi buộc chặt cõi lòng”.
NGỌC ĐẾ: Vua Trời.
CHÁNH VĂN
· 157.-Gẫm vinh-nhục sanh trong thế-hệ,
· Tuồng xưa kia sắp đặt đã lâu.
· Phải chuyển-xây trái đất một bầu,
· 160.-Đặng lừa-lọc con Tiên cháu Phật.
· Gồm một nơi sửa-sang tiêm-tất,
· Xử phân người cùng vật thưởng phong.
· Cho dương-trần rõ luật Thiên-công,
· 164.-Có địa-ngục Thiên-đường hay chẳng.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 157 đến câu 164)
Sự nhục vinh trong trần thế xét kỹ đều do hóa công sắp đặt. Thế hệ nầy qua, kế thế hệ khác tiếp, từ một đơn vị nhỏ hẹp, đến cái bao la trừu tượng cũng đều nằm trong bộ máy tuần hoàn.
Cơ vận chuyển của trời đất rất huyền rất diệu, kẻ phàm nhơn không lường tính kịp. Theo đạo giáo khoảng thời gian từ vô thỉ đến vô chung tạm chia làm ba thời kỳ: Thượng, Trung, Hạ. Cũng gọi là lý Tam nguơn. Thời Thượng nguơn là thời Thánh đức, Trung nguơn là là thời ăn no mặc ấm hưởng nhàn; đến Hạ nguơn thì lòng dạ đồi dời nham hiểm đấu tranh giành lấy sự sống. Cũng là thời chọn lọc lành còn dữ mất, Phật Tiên Thần Thánh lâm phàm gồm phân định tìm kiếm người lương thiện để lập lại hội thi, tội trừng, công thưởng con người và vạn vật trên quả địa cầu. Luật nầy rất là công bằng chánh trực không hề tư vị một ai.
Muốn thấy hiện thực bộ luật tuần hoàn, trời đất sắp đặt tới đây ta phải rán lo tu để được sống sót hầu chứng kiến cảnh Đức Tôn Sư PGHH “Trên đài cao gọi các linh hồn”. Chừng đó kẻ dương trần mới thấu rõ bộ luật của hóa công, và rành phân cảnh Thiên đàng, Địa ngục.
CHÚ THÍCH
THẾ HỆ: Thời đại có những mối liên lạc ràng buộc với nhau, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Đức Thầy có câu: “Kim với cổ nhìn xem thế hệ”.
SẮP ĐẶT: Cơ trời đã định sẵn.
CHUYỂN XÂY: Vận chuyển xây vần.
LỪA LỌC: Lựa chọn đúng chuẩn.
SỬA SANG: Sắp đặt lại cho tốt hơn. Đức Thầy bảo: “Phận làm người thủng thỉnh sửa sang”.
TIÊM TẤT: Cũng gọi là tươm tất. Thứ tự chu đáo.
XỬ PHÂN: Xét rõ để giải quyết. Đức Thầy khuyên: “Phận làm cha mẹ xử phân lẽ nào”.(SG, Q.3).
DƯƠNG TRẦN: Cõi bụi bặm. Cõi chúng sanh đang sống. Đức Thầy mong mỏi: “Ước sao mình như cuội trên trăng, Đặng soi khắp cả dương trần”.(Thu đã cuối).
THIÊN CÔNG: Tài khôn khéo của máy trời.
ĐỊA NGỤC: Tiếng Phạn Niraya, naralea, phiên âm là Nê lê giả, na lạc ca. Dịch là Địa ngục. Đức Thầy cho biết: “Mê muội ác hung về địa ngục”.
THIÊN ĐƯỜNG: Cõi trời. Đức Thầy phân định: “Địa ngục cũng tại tâm làm quấy, Về Thiên Đàng tâm ấy tạo ra”.
CHÁNH VĂN
· 165.-Các chúng-sanh nghe rồi yên-lặng,
· Suy cho tường rồi sẽ biện-minh.
· Cơn vui tai từ tạ Thiên-Đình,
· 168.-Cho phép Lão tố-trần đôi lẽ.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 165 đến câu 168)
Tất cả mọi người mọi giới, sau khi nghe lời ĐHGC bình phán bộ máy tuần hoàn, cách xử phân của trời đất, sự lừa lọc con Tiên cháu Phật của cha hiền Ngọc Đế, và đâu là Thiên đàng và đâu là Địa ngục thì hãy yên lặng nghĩ suy cho tường tận rồi mới biện minh cho đúng lẽ thật.
Nhân lúc vui vẻ ĐHGC xin phép với Đấng Thiên Đình cho Ngài bày tỏ tâm niệm tường trình công việc ở thế gian, đồng thời Ngài tỏ lời cám ơn và từ tạ các đấng Thiêng liêng.
CHÚ THÍCH
BIỆN MINH: Nói cho rõ ràng, làm sáng tỏ lẽ phải trái.
THIÊN ĐÌNH: Thiên:Trời; Đình: Nơi vua tôi gặp nhau. Triều đình ở trên trời.
TỐ TRẦN: Là sẵn sàng bày tỏ một việc gì.
CHÁNH VĂN
· 169.-Lời Thầy dạy thật là cặn-kẽ,
· Bao nhiêu tình bác-ái góp tom.
· Trông bá-gia tìm Đạo quá mòm,
· 172.-Thôi giã thế ước-mong đời thạnh.
·
· NAM-MÔ A-DI ĐÀ PHẬT
· Sa Đéc, đêm rằm tháng 4 Canh Thìn.
·
·
· (Đức Thầy viết bài nầy trước mặt một số đông người, trong đó có vài phần-tử muốn thử coi sau khi bị dời khỏi quê-quán Ngài còn đủ tinh-thần chăng).
LƯỢC GIẢI
Để kết luận bài SA ĐÉC, Đức Tôn Sư PGHH nhấn mạnh rằng lời Thầy dạy trong đây thật là cặn kẽ. Bao nhiêu tình bác ái nhủ khuyên Ngài đã dành sẵn đều tom góp vào đây.
Trên đường phiêu lưu độ chúng, Ngài nhận thấy nam nữ tu hành tìm Đạo khá khổ nhọc, vậy bổn đạo chớ nản lòng. Viết đến đây, Ngài giã biệt mọi người và cũng ước mong cho tất cả sống cảnh thanh bình thạnh thái.
CHÚ THÍCH
CẶN KẼ: Kỹ lưỡng tỉ mỉ.
BÁC ÁI: Bác: rộng lớn; Ái: lòng yêu thương rộng lớn. Đức Thầy có câu: “Bác ái xả thân tầm Đạo chánh”.
BÁ GIA: Trăm nhà. Ý chỉ mọi người.
ƯỚC MONG: Mong muốn được như ý.
QUÁ MÒM: Quá kiệt sức mòn mỏi.