Như chúng tôi đã giới thiệu trong lời nói đầu SẤM GIẢNG GIÁO LÝ là phần nhất trong SẤM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ. Trong đấy gồm có bài SỨ MẠNG CỦA ĐỨC THẦY và sáu quyển như sau:
1.- Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm. (Quyển Nhứt)
2.- Kệ Dân Của Người Khùng. (Quyển Nhì)
3.- Sấm Giảng. (Quyển Ba)
4.- Giác Mê Tâm Kệ. (Quyển Tư)
5.- Khuyến Thiện. (Quyển Năm)
6.- Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở của một người Bổn đạo. (Quyển Sáu)
Tại sao những Giáo Lý của Đức Thầy không gọi là Kinh mà gọi là Sấm Giảng Giáo Lý ?
Bởi Phật Pháp đối với nhơn sanh lúc nào cũng khế cơ và khế lý. Đức Thích Ca thuở xưa sau khi thành Đạo, Ngài có quán xét căn cơ của mỗi chúng sanh mà biệt lập ra tam thừa để tiện bề giáo hóa.
Trong Tam tang giáo hải ấy, thỉnh thoảng Đức Phật có tiên tri (di chúc) cho các đệ tử biết rõ thời gian sau đó, và dẫn đến thời Mạt pháp trong Đạo Phật có những gì xảy ra, để cho các đệ tử sau nầy tăng lòng tin tưởng.
Ngày nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng tùy theo căn cơ của chúng sanh trong thời Hạ Ngươn Mạt Pháp, cho nên công cuộc độ đời, Ngài cũng phải áp dụng đủ các pháp: Quyền, Thiệt, Đốn, Tiệm.
Trước nhứt là Ngài dùng phương tiện làm cho mọi người có niềm tin đối với Phật Pháp, rồi sau đó họ mới hành trì Kinh Luật để đạt đến mức cứu cánh giải thoát.
Đại khái trong Sấm Kinh của Đức Thầy, Ngài áp dụng hai phương tiện Thiên Cơ và Đạo Lý, tức là Ngài vừa báo tin cho nhơn sanh biết rõ cơ chọn lọc của cõi đời Hạ Ngươn mạt pháp và vừa đem Kinh, Luật, Luận giác tỉnh quần sanh, sớm dứt nghiệp trần mê trở về với Niết Bàn Cực Lạc. Do đó nên phần nhất nầy được gọi là SẤM GIẢNG GIÁO LÝ.
* Quyền là pháp huyền biến, cũng gọi là Phương Tiện Pháp.
Thiệt là Pháp Chơn Thật, Nhứt thừa.
Đốn là Pháp tu mau. Tiêm là Pháp tu tiến lần lần.
* Trong các Kinh, lời tiên tri của Phật có rất nhiều, ở đây chúng tôi chỉ nêu một vài chuyện:
A/- Một hôm Đức Phật đi khất thực giữa đường, bỗng gặp một đứa bé đem dâng cho Ngài một món đồ chơi bằng đất mà nó cho là lúa gạo. Ngài nhận lấy và cho ông A-Nan biết rằng:“Nhờ công đức hoan hỷ bố thí nầy, mà sau khi Ngài tịch diệt 100 năm, đứa trẻ ấy đầu thai làm vị Quốc Vương tên là A-Dục (Asoka), thống lãng toàn cõi Ấn Độ và truyền bá Phật pháp khắp nơi, xây dựng 8 vạn 4 ngàn bảo tháp kính thờ xá lợi của Phật (dẫn theo lược truyện Đức Phật Thích Ca).
B/- Trong kinh Di Lặc, Đức Phật có cho biết:“Vào thời Mạt Pháp se có Đức Phật Di Lặc ra đời, là một vị Phật lập ra Hội Long Hoa, giáo hóachúng sanh trong ba trường thuyết pháp”.