CHÁNH VĂN
UỐNG RƯỢU.- Phải cử tuyệt; nhưng khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay-lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng có tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại Đạo. Nếu say sưa phải tội lỗi.
THUỐC PHIỆN.- Phải cử tuyệt; không được hút một điếu nào hết. Những kẻ hút muốn vào Đạo, phải bỏ hút rồi mới được nhìn nhận. Trừ ra những người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít hợp với các vị thuốc khác mới có thể châm chế đặng.
CỜ BẠC.- Phải cử tuyệt; những kẻ cờ bạc muốn vào Đạo, phải thệ nguyện bỏ cờ bạc rồi mới được nhìn nhận. Về sự này, chẳng có cuộc vui nào có thể châm chế đặng.
ĐỐI ĐÃI CÁC
ĐỐI VỚI CHÙA CHIỀN.- Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật, dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách, mà mình giúp đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm hình tượng cho nhiều).
Khi đến chùa cũng phải tôn trọng sự thờ phượng trong chùa, không nên hủy báng.
ĐỐI VỚI CÁC
Đối với những người theo tôn giáo khác, không nên động chạm đến cách-thức tu hành của họ. Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp hoặc nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù, và phải luôn luôn làm lành với họ. Mình phải hoài hoài làm phải với những kẻ ấy dầu họ có làm quấy với mình cũng mặc và phải nhẫn-nhịn họ.
Đối với nhân-sanh, bao giờ cũng phải hòa hợp với họ và làm cho đôi đàng có thiện-cảm với nhau. Phải biết thương xót đến họ và nếu khi nào họ cần dùng phải rán hết sức giúp-đỡ họ.
ĐỂ TÓC.- Tất cả bổn-đạo nên biết rằng Thầy không có buộc để tóc, vì đó thuộc về phong-tục chớ chẳng phải về tôn-giáo; nhưng sở-dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ-niệm cái phong-tục cổ của Tổ Tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn-minh cặn-bã của phương Tây. Thấy vậy, nhiều người trong bổn-đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu-hành. Từ rày trở đi đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong-trào tiến-hoá của nước nhà. Thầy cho phép bổn-đạo tự-do cải-cách hầu hòa-hợp với lương dân cùng tôn-giáo khác.
SỰ HỌC.- Sự học hành không làm trở ngại cho đạo-đức. Trái lại, nhờ nó mình được biết rõ-ràng giáo-lý cao-siêu của tôn-giáo. Nó tránh cho mình những sự lạc lầm, bỏ các điều dị-đoan mê-tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ những điều huyễn-hoặc, không bàn bạc những chuyện xa vời (như bàn đoán thiên cơ chẳng hạn …)
Vậy, hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc ngữ … ) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng-rãi. Vả lại, sự hiểu biết về khoa-học không cản trở sự tu-hành và nó giúp cho mình nghiên-cứu Phật Đạo một cách rành-rẽ.
LƯỢC GIẢI
1- UỐNG RƯỢU VÀ THUỐC PHIỆN:
-Trong khoản nầy có 2 vấn đề: Uống rượu và hút á phiện. Đức Thầy bảo phải cữ tuyệt. Cho đến người đã hút mà muốn vô Đạo, phải tự nguyện bỏ hút mới được vào và trong Đạo mới chứng nhận. Chỉ khi nào có bịnh nặng, thầy thuốc bảo phải để vô chút ít cho hợp với các vị thuốc khác, mới có thể châm chế.
2- CỜ BẠC:
-Cờ bạc có nhiều dạng: Các loại bài, me, đề, tài xỉu và các loại đổ hột, đá gà, đánh cờ, đánh cá.v.v…Bất cứ chơi loại nào có ăn thua bằng tiền bạc, sát phạt lẫn nhau đều gọi là cờ bạc và phải cữ tuyệt. Đến như đánh tiêu khiển, phạt uống nước, uống rượu cũng không nên chơi:“Phàm hí vô ích chớ chơi”(?) vì nó sẽ quen tánh đi, và mất thời giờ. Đức Giáo Chủ thường giác tỉnh:
“Cuộc trần ôi quá khổ !
Trường đỏ đen là chỗ nhuốc nhơ.
Biết bao người vì nó phải bơ vơ,
Sự nghiệp hết gia đình tan nát,
Sớm tỉnh ngộ lên đường giải thoát.
Lánh xa trường đổ bác chớ chen chân,
Nếu lỡ cơ mua tảo bán tần,
Thân trí cực nợ lần khân chẳng dứt.
Chi cho bằng:
Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.
3- ĐỐI VỚI CÁC TĂNG SƯ:
Với các Tăng sư đã có trong Đạo Phật, không luận tông phái nào, nếu ai tu hành chơn chánh và luận giải Đạo Pháp đúng chơn lý của Đạo Phật, chúng ta nên cung kính nghe theo. Còn những Sư tu giả dối: làm hay nói điều sai lạc chơn lý của Đạo thì chẳng những mình không nghe, còn nói lên cho mọi người hiểu biết để xa lánh.
-ĐỐI VỚI CHÙA CHIỀN:
Trong đoạn nầy thì Đức Thầy dạy: những ngày sóc vọng, ngày vía chư Phật, mình muốn đi chùa lễ Phật dâng hoa cũng tốt. Chùa nào bị hư dột cũng được ủng hộ trùng tu cho kín đáo, có điều là không nên mua sắm hình tưọng thêm cho nhiều.
-Khi thấy cách thờ phượng của các chùa không giống tông phái của mình thì không nên hủy báng mà phải luôn luôn tôn kính. Khi nào người trong Đạo mình thờ sai nghi thức, mới có ý kiến xây dựng.
4- ĐỐI VỚI TÔN GIÁO KHÁC VÀ NHÂN SINH:
Mỗi quốc gia đều có nhiều tôn giáo. Ấy gọi là tôn giáo bạn. Mục đích của tôn giáo nào cũng giống nhau, là dẫn dắt người đi đến chỗ tốt đẹp. Nhưng nghi thức thờ phượng và phương cách hành Đạo chẳng giống nhau. Vậy chúng ta không nên kỳ thị, chê bai lẫn nhau và cũng không được ỷ mạnh thế, ỷ đông lấn hiếp họ. Nếu người ta có đối xử sai quấy với mình, mình nên nhẫn nhịn và luôn xử sự hòa hài thuận thảo với họ.
-Phần đối với các tầng lớp nhân sinh trong xã hội, Đức Thầy chủ trương “Đời đạo liên quan rạng chói ngời” và “Nhập thế cứu đời”. Cho nên người tín đồ PGHH lúc nào cũng sống hòa hợp với mọi người, mọi giới. Hãy đặt tình thân yêu và tận tâm giúp đỡ:“Nếu thiệt người thì biết thương người”.( ĐT)
5- ĐỂ TÓC: (Điều nầy Đức Thầy nói tách bạch, nên xin miễn lược giải).
6- SỰ HỌC: Từ trước có nhiều người hiểu muốn tu chẳng cần học, vì tu cho tâm thanh tịnh thì trí huệ sáng. Hoặc cứ niệm 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật, thì được vãng sanh về Cực Lạc. Thậm chí đến Kinh Giảng giáo lý của Đạo cũng không cần học, nói gì đến sự học văn hóc, khoa học. Cho nên Đức Thầy mới quả quyết:
“Sự học hành không làm trở ngại cho Đạo đức. Trái lại, nhờ nó mà mình được biết rõ ràng giáo lý cao siêu của Tôn giáo, nó tránh cho mình những sự lạc lầm, bỏ các điều dị đoan mê tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ những điều huyễn hoặc, không bàn bạc những chuyện xa với (như tiên đoán thiên cơ chẳng hạn)…”
Cho nên Ngài ra lịnh cho các tín đồ:“Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc ngữ…) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng rãi. Vả lại, sự hiểu biết về khoa học không cản trở sự tu hành và nó giúp cho mình nghiên cứu Phật Đạo một cách rành rẽ”.
CHÚ THÍCH
RƯỢU: Do nước cốt của gạo trắng hoặc nếp hay trái cây ủ với men làm ra. Trong men có các vị chua, cay, đắng, mặn, ngọt…Có thể dùng chút ít làm thuốc nhưng nếu ai uống nhiều sẽ bị say và ghiền, khó bỏ: tánh tình nóng nảy, mất trí khôn, sanh thêm tội lỗi. Trong người mang nhiều bệnh tật và chết yểu. Cổ Đức từng bảo:“Người ghiền rượi thường sanh 10 điều lỗi như sau:
1-Sắc diện ra vẻ khác thường.
2-Cử chỉ chẳng ra gì.
3-Mắt thấy không tỏ.
4-Hiện ra tuồng giận dữ.
5-Phá hoại sản nghiệp không lấy gì nuôi sống.
6-Hay sanh bệnh hoạn.
7-Gây thêm sự kiện cáo.
8-Danh xấu đồn khắp.
9-Trí huệ hao kém.
10-Chết bị đọa vào 3 đường ác.
THUỐC PHIỆN: Cũng gọi là a phiến. Do một thứ nhựa, lấy ở mủ cây Thẩu nấu thành, đốt lên có mùi thơm, người ta dùng để hút. Trong thuốc phiện có chất làm cho người say nghiện, con người tiều tụy từ tinh thần lẫn thể xác, sự nghiệp tiêu tan. Vì thế, tất cả Tôn giáo đều cho thuốc phiện là một trong tứ đổ tường (bốn bức tường đổ). Đức Thầy từng bảo:
“Nào hút thuốc phiện hội ve chai,
Nào trùm đĩ ma cô nghề hút máu”.
CHÂM CHẾ: Làm cho bớt tội phần nào.
CHÁNH LÝ: Lẽ phải, lý lẽ đứng đắn, ngay thật chân chánh.
TÀ MỊ: Gian dối không chánh đáng.
NGÀY VÍA: Ngày kỷ niệm của chư Phật. Ví dụ: Vía Đức Thích Ca thành Đạo hay vía Phật Di Đà.v.v…
TÔN GIÁO: (
NHẬN NHỊN: (
THIỆN CẢM: Cảm tình tốt lành.
CÂU HỎI
1/-Rượu phải cữ hay uống như thế nào ?
2/-Thuốc phiện có nên dùng không ? Tại sao ?
3/-Việc cờ bạc phải giữ như thế nào ?
4/-Đức Thầy dạy đối với Tăng Sư ra sao ?
5/-Đối với các chùa ta phải làm gì ?
6/-Ta phải đối xử với các Tôn giáo bạn ra sao ?
7/-Đối xử với các giới nhân sanh như thế nào ?
8/-Sự để tóc, Đức Thầy phân tách ra sao ?
9/-Sự thiếu học có tai hại gì ?
10- Người tu không chịu học Kinh giảng ra sao ?
11/-Hiểu biết về văn hóa, khoa học có trở ngại cho sự tu không ?
*
* *
7- THỂ DỤC, 8- ĂN Ở, 9- CÁCH LÀM ĂN.
CHÁNH VĂN
THỂ DỤC.- Người trong bổn-đạo nam nữ bất-luận, phải giữ- gìn thân-thể cho khoẻ-mạnh. Như thế nên luyện- tập những môn thể-dục nào hợp với sức khoẻ nếu mình muốn, bởi vì xác thịt có khoẻ mạnh tinh-thần mới sáng suốt, như vậy mình mới có thể làm sự đạo nghĩa một cách đắc-lực.
ĂN Ở.- Kẻ tu-hành ăn uống phải có điều-độ. Tránh những món ngon song nấu toàn đồ độc cho cơ-thể, ăn vào sanh bịnh.
Phải giữ-gìn thân-thể sạch-sẽ và từ nhà cửa cho đến chỗ ăn, chỗ nằm, phải biết trọng vệ-sinh. Bỏ những thói quen ăn ở dơ bẩn, vì xác-thịt dơ dáy thì tinh-thần không thể nào mở-mang được, và vì Thần Thánh chỉ gần những kẻ trong sạch; nên nếu ai muốn được tiếp-độ phải trong sạch vừa tinh-thần lẫn vật-chất.
CÁCH LÀM ĂN.- Cách làm ăn phải y như trong mục Bát Chánh đã dạy.
- Bỏ những sự bất chánh: lường cân, tráo đấu, buôn lậu, đầu cơ, bán rượu, bán thuốc phiện,..
- Làm những nghề lương-thiện, không có lường gạt ai, bỏ những thói gian xảo.
LƯỢC GIẢI
Ba đề mục:“Thể dục, ăn ở, cách làm ăn” chúng tôi xin miễn lược giải, song mỗi người nên nghiên cứu học hiểu cho tường tận để giữ gìn, ăn ở và sống cho đúng với tinh thần của người có Đạo…
CHÚ THÍCH
PHONG TỤC: Thói quen trong cuộc sống hằng ngày từ xưa của ông cha ta truyền lại.
VĂN MINH CẶN BÃ: Riêng chữ Văn minh là văn vẻ sáng sủa, nhưng ở đây có ghép thêm chữ Cặn bã là Đức Thầy muốn chỉ các nước Âu Tây càng văn minh vật chất để thỏa mãn dục vọng. Do đó, sự ăn mặc họ càng tiến tới hở hang bày dạng khêu gợi tình dục, khiến tánh tình trở nên gian dối xấu ác. Đức Thầy đã bảo:
“Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa,
Nghiệp Tổ Tiên con cháu vày bừa,
Học thói mới lăng loàn theo sở dục”.
CẢI CÁCH: Thay đổi cách thức lề lối cho được tốt đẹp hơn.
DỊ ĐOAN MÊ TÍN: (
KHOA HỌC: Gồm các môn học: Toán, lý hoá, vạn vật, giúp cho ta nhận thức mọi vấn đề có phương pháp thực tiễn, rõ ràng, chính xác, không còn tin chuyện huyễn hoặc.
NGHIÊN CỨU: Tìm tòi tra cứu, nghiền mgẫm, so sánh để nhận ra mọi vấn đề đúng lý.
THỂ DỤC: Phương cách luyện tập thân thể cho nở nang và thêm sức mạnh, cũng giúp cho tinh thần thêm sáng suốt, siêng năng.
ĐẮC LỰC: Sức làm nổi được việc.
VỆ SINH: Sạch sẽ để giữ gìn sức khỏe đời sống.
TIẾP ĐỘ: Dẫn dắt và đưa đến nơi đến chốn.
LƯỜNG CÂN TRÁO ĐẤU: Mua cân già, đổi bán cân non; mua gịa già đổi bán gịa non. Đức Thầy có câu:
“Việc bán buôn phải giữ ngang cân,
Chớ tập tánh lận lường tráo đấu”.
CÂU HỎI
(Từ câu 1 đến câu 4 đã bị xóa trong nguyên bản (?)).
5/-Về thể dục, Đức Thầy dạy như thế nào ?
6/-Sự ăn ở của ta phải gìn giữ ra sao ?
7/-Đức Thầy dạy cách làm ăn sanh sống như thế nào ?
*
* *
10- ĐIỀU KIỆN VÀO ĐẠO
CHÁNH VĂN
ĐIỀU KIỆN VÀO ĐẠO.- Người nào muốn quy-y phải có hai người bổn-đạo cũ, có đức-hạnh tiến-cử và bảo-lãnh, đến Ban Trị-Sự trong làng cho người làm đầu biết, và người làm đầu phải đọc hết thể-lệ về sự tu hành cho người quy-y nghe, hỏi coi có bằng lòng quy-y như lời nguyện dạy và răn cấm trong Đạo chăng. Nếu họ bằng lòng, biểu họ về nhà cho ông Bà, cha mẹ biết, hoặc nguyện trước bàn thờ ông bà, tổ-tiên rằng: Ngày … tháng … con chịu quy-y theo Đạo. Sau đó, người làm đầu (Hội-Trưởng) cho cuốn sách nhỏ này. Chỗ nào không có Ban Trị-Sự, hai người bổn-đạo cũ phải dìu dắt người mới, rồi sau sẽ dẫn lên Ban Trị-Sự gần đó, không bắt-buộc thề-thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình thôi. Khi nào mình không muốn giữ Đạo, mình phải cho người tiến-cử hay để bôi tên mình ra. Không người nào được phép xưng mình là người trong Đạo mà lại không giữ luật. Kẻ nào làm trái luật-lệ trong sự đạo-đức, dầu không xin thôi Đạo hay là chưa bị bôi tên cũng bị trách- nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại Đạo.
Nên nhớ rằng: Đức Phật sẽ dìu-dắt và ủng-hộ những kẻ nào làm ăn chơn thật, hiền lành đúng theo giáo-lý của Ngài; chớ không bao giờ Ngài lại ủng-hộ những kẻ gian-tà xảo-quyệt, làm các việc hung-ác ngông-cuồng trái những lời mà Ngài đã chỉ dạy.
LƯỢC GIẢI
Mục “Điều kiện vào Đạo”, thấy rằng ai muốn tu phải có điều kiện, nhưng điều kiện ở đây rất tự do bình đẳng và giản dị công bằng, thực tiễn.
-TỰ DO ở chỗ tự ý mỗi người muốn tu thì vào Đạo, không muốn thì thôi, chớ không nài ép một ai.
“Tu không tu cũng không mời thỉnh,
Mặc tình ai trọng kỉnh hay chê”.( ĐT)
Và:
“Tùy thiện tín hiểu ta giả thiệt,
Làm hay không chẳng dám ép nài”.( ĐT)
-Có điều là bằng lòng giữ theo tám điều răn cấm của Đạo là được. Cũng chẳng bắt buộc phải thề thốt chi cả. Khi nào không muốn tu nữa thì chỉ cho Hội Trưởng hay, để bôi tên mình là đủ.
-BÌNH ĐẲNG ở chỗ không phân biệt sang hèn, già trẻ, thông minh hay dốt nát hoặc tật nguyền hay giàu khó…tất cả đều tu được hết:
“Giàu sang nghèo khó cũng người,
Nên ta thương hết dầu cười hay khen”.( ĐT)
Hoặc là:
“Đâu đâu bá tánh cũng con lành,
Thầy dạy cho đều khắp chúng sanh”.( ĐT)
-GIẢN DỊ ở chỗ “không bắt buộc thề thốt chi hết”; chỉ cần thưa với ông bà cha mẹ hay và cần người hướng dẫn đến người lớn trong Đạo ở xã biết để chứng kiến. Nhứt là không cần có lễ vật rườm rà, như Đức Giáo Chủ đã cho biết:
“Tới với Ta chớ đem đồ cúng,
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng.
Chẳng có cần trà quả hương nồng,
Mong sanh chúng từ lòng hối ngộ.
Kẻ xa xuôi có lòng ái mộ,
Xem Kệ nầy tu tỉnh tại nhà.
Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”.
-Vẫn biết chủ trương của Đạo Phật cũng như PGHH là từ bi và bình đẳng, song chư Phật bao giờ cũng dìu dắt những người thật tu và làm ăn chân chất, chớ không bao giờ ủng hộ những kẻ dối tu, hành động ngông cuồng hung ác. Lẽ công bằng thực tiễn đương nhiên là phải như vậy.
CHÚ THÍCH
TIẾN CỬ: Giới thiệu, kể rõ thành phần tài năng đức hạnh của người đó, để được cấp trên hiểu biết hoặc sử dụng.
THỂ LỆ: Các thức qui định.
QUY Y: (
CÂU HỎI
1/-Người muốn qui y theo PGHH trước hết phải làm sao ?
2/-Có người muốn qui y, trong Đạo hướng dẫn như thế nào ?
3/-Khi họ bằng lòng qui y, trước hết phải làm gì ?
4/-Người theo Đạo có bắt thề chăng ? Và khi họ muốn thôi phải làm sao ?
5/-Người đã qui y thì đối với giới luật phải thế nào?
6/-Phật dìu dắt và ủng hộ ai ? Hoặc không dìu dắt ủng hộ ai ?
7/-Hãy nhận định tính chất Tự Do trong điều kiện qui y ?
8/-Hãy phân tách tinh thần Bình đẳng trong bài “Điều kiện vào Đạo” ?
9/-Điều kiện qui y theo PGHH giản dị ra sao ?