CHÁNH VĂN (Từ câu 837 tới câu 846)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39770)
CHÁNH VĂN (Từ câu 837 tới câu 846)

837.-Ra Kệ này hai chữ bảo-an,

Cho trần-thế được tâm thanh-tịnh.

Ngọc báu quí ẩn trong Nam-đỉnh,

840.-Muốn tìm kim đáy biển gắng công.

Thấy dân tình luống những ước-mong,

Gặp giống tốt hãy mau cày cấy.

Ai có nói Ta là người quấy,

844.-Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời.

Tỏ ít câu cầu chúc cho đời,

846.-Mong bá-tánh vạn dân giải-thoát.

                   NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 837 đến câu 846, hết)

          -Sắp chấm dứt quyển “Giác Mê Tâm Kệ” Đức Giáo Chủ bảo: Trong đây có đủ phương pháp giúp cho mọi người gìn giữ kiếp sống được an lành. Nhứt là về mặt tâm trí, nếu ai biết tu sửa đúng theo lời dạy của Ngài tức được bình tịnh sáng mầu. Ngài còn mách cho khách trần hiểu rõ, biết bao ngọc ngà châu báu còn ẩn dấu trong dãy Thất Sơn tại miền Nam đất Việt:

                   Trên năm non rồng phụng tốt tươi,

                     Miền bảy núi mà sau báu quí”.(Kệ Dân, Q.2)

            Vậy ai muốn đặng thừa hưởng cảnh ấy, cần gắng công bền chí tu sửa thân tâm cho được trọn lành trọn sáng. Cũng như kẻ bòn vàng phải lặn xuống biển sâu, đãi từng rổ bùn, lượm từng mảnh vụn rồi đem nấu lọc mới thành khối vàng y, tốt đẹp:“Tu như lọc cát thành vàng, Việc đâu phải dễ chớ toan ngã lòng”.(Lời Vàng Trong Mộng của Thanh Sĩ) 

          -Mỗi khi nghe nhắc đến điều quí báu nói trên thì ai cũng mong ước đặng gặp, đó là tâm trạng chung của bá tánh. Song kẻ nào muốn được cái ân huệ tốt lành ấy, điều thực tế là ngay bây giờ ta hãy gieo trồng hạt giống Đạo mầu đi. Và trên con đường khai hóa nhân sanh, dù đời có lắm tiếng gièm pha chế nhạo, Đức Thầy cũng cam lòng !

          -Sau cùng là Ngài có lời cầu chúc cho khắp vạn dân sớm hồi tâm hướng thiện “Giải thoát mê ly”.

          Tóm lại, chủ đích của quyển “Giác Mê Tâm Kệ” là Đức Thầy dùng trí tuệ siêu mầu khai vạch một lối đi, và đưa nhiều phương tiện, để giúp hành giả tiến thẳng qua bờ giác với sức tự lực của chính mình (Thiền tông). Hay nói cách khác là “Trực nhận nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”.

 

CHÚ THÍCH

          BẢO AN: Giữ gìn và đem lại sự yên lành tốt đẹp.

          THANH TỊNH: Cũng gọi là tịnh thanh hay thanh tĩnh. Có nghĩa: yên lặng trong sạch, không còn phiền não, vọng niệm, thô ác. Thanh tịnh cũng chỉ cho cõi vô vi Niết Bàn. Vậy tâm thanh tịnh là lòng bình lặng trong sáng. Trong A Hàm Kinh. Phật dạy rằng:“Thanh tịnh tâm thoát dâm, nộ, si, thành tựu ư tam minh”.(Người tu hành tâm được thanh tịnh, mới diệt được lòng dâm dục, sân hận, mê si; lại còn thành tựu ba điều thông suốt: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tân minh).

          Trong loạt bài “Những câu chú thường Niệm” Đức Thầy có dịch:

                   Đắc được thân tâm thanh tịnh lạc,

                     Điều hòa chẳng nhiễm nghiệp mê linh”.

          Hoặc là:

                     “Trổi bước tìm cuộc vô sanh,

                Đến nơi sang suốt tịnh thanh Niết Bàn”.

          NAM ĐỈNH: Đỉnh núi ở miền Nam nước Việt Nam. Đây ý chỉ cho miền Thất sơn (Châu Đốc).

          MUỐN TÌM KIM ĐÁY BIỂN GẮNG CÔNG: Câu nầy có ý nói người muốn tìm vàng thì phải thì phải xuống đáy biển xúc từ rổ bùn lên mà đãi mới được, còn kẻ tu hành có dày công cực khổ mới mong thành Đạo giải thoát, kiến diện Phật tâm:“Trí hiền tâm đức chùi lau, Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”.(Sám Giảng Q.3)

            Xưa, Đức Phật từng nói:“Hết ngày nầy sang qua ngày khác, hết giờ nọ sang giờ kia, anh thợ vàng phải tốn nhiều công phu mới lọc ra được vàng ròng, người tu muốn cho thân tâm mình trở nên trong sạch cũng phải cố gắng khó nhọc rèn luyện như thế”.(Pháp cú)

          TIẾNG LỜI: Lời ra tiếng vào. Ý nói chê bai gièm siểm đủ cách. Đây chỉ cho người đời, thường dùng lời tiếng thị phi chê cười ngạo nghễ kẻ tu hành. Đức Thầy hằng thốt:

                   Thêm nhiều tiếng thấp cao nhẹ nặng,

                     Làm cho người tu tỉnh phải xót xa”.

                                                (Trao lời cùng Ô.Táo)

          Nhưng đối với Ngài thì:

                   “Mặc tình tiếng nọ lời kia,

              Chẳng màng thế sự đặt bia nhiều lời    

                                      (Viếng làng Phú An)

          GIẢI THOÁT: (Xem CT câu 117, T-3, Q.2 (?))

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn