CHÁNH VĂN (Từ câu 715 đến câu 758)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 35319)
CHÁNH VĂN (Từ câu 715 đến câu 758)

715.“Thầy Trò chẳng nại tấm thân,

         Rảo khắp Non Tần bận nữa thử coi.

                   Chơn-tu thì quá ít-oi,

         718. Nhiều người ẩn-sĩ quá lòi tánh tham.

                   Đi lần ra đến núi Sam,

         Đến nơi rảo khắp chùa am của người.

                   Dạy rồi bắt quá tức cười,

        722. Thầy tu nhiều kẻ biếng lười quá tay.

                   Trẻ già biến hóa ai hay,

         Dạo trong Bảy-Núi chẳng nài công lao.

                   Rú-rừng lúc thấp lúc cao,

         726. Giả ra Nghèo-Khó vào nhiều am-vân.

                   Tu hành nhiều kẻ tham sân,

         Làm sao cho đặng mau gần Phật-Tiên.

                   Ai ai cũng cứ ham tiền, 

         730. Ấy là đem sợi xích-xiềng trói thân”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 715 đến câu 730)

          -Trên con đường giáo độ nhân sanh, Thầy trò Đức Giáo Chủ chẳng nài sự gian khổ, Ngài dạo qua vùng Bảy Núi một lần nữa để thử lòng các nhà tu ở đây. Xét thấy số thật tâm hành Đạo thì ít, còn phần đông là hạng ẩn dương nương Phật, chỉ lo thâu nhận của thập phương, quen tánh nhàn rỗi, biếng lười; chẳng làm tròn bổn phận của một Tăng sư.

          -Đức Thầy giả ra đủ hình thức, hầu hết các am tự, núi đồi nơi nào Ngài cũng để chân đến. Lòng Ngài rất

 

buồn thương cho những người đã mang tiếng xuất gia, dấn thân vào cửa Thiền mà tâm vẫn còn sân si, vị ngã, tham chứa của tiền; đã không hơn được người thường thì mong gì kiến diện Phật Tiên.

          Kinh Phật cảnh giác giới xuất gia ấy:

                   “Thập phương nhứt lạp mễ,

                     Như đại Tu Di Sơn,

                     Thực liễu bất tu đạo,

                     Phi mao đái giác hườn”.

          Tạm dịch:

                   (Thực phẩm tín thí mười phương,

                 Xét ra trọng lượng sánh dường Tu Di.

                     Thọ dụng chẳng hành trì đắc Đạo,

                     Đọa thú cầm nghiệp báo phải đền).

          Đức Thầy hiện nay cũng từng thức tỉnh hạng Tăng sư nói trên:

                   “Khuyên trong sư vãi mau mau tỉnh,

                     Luân hồi quả báo rất công bằng.

                     Mang tiếng xuất gia sao chẳng liệu,

                     Đạo đức xong chưa hỡi chư Tăng”

                                                (Khuyên trong Sư Vãi)

 

CHÚ THÍCH

          NON TẦN: Chỉ cho miền Bảy Núi, vùng nầy nằm giáp biên giới Miên-Việt, dân tộc Miên còn ở chung quanh đây khá đông, nên gọi là non Tần. Bởi theo giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương thì danh từ nước Tần là ám chỉ cho nước Miên, như trong “Kim Cổ Kỳ Quan” của ông Ba Thới có câu:

                   “Mấy ai từng ăn ốc không gai,

               

                Ăn cơm không đủa đại tai nước Tần”.

          Và trong Kệ Dân, Q.2  Đức Giáo Chủ cũng bảo:

                   “Ở Cao Miên vì mến Tần Hoàng,

                     Trở về Nam đặng có sửa sang,

                     Cho thiện tín được rành chơn lý”.

          ẨN SĨ: Người có học vấn ẩn dật, nhưng chữ ẩn sĩ  ở đây là chỉ cho số người giả tu, đã nương mình nơi núi non, am tự mà còn biếng nhác, tham lam, sân si vị ngã.

          NÚI SAM: (Xem chú thích câu 414, Q.1)

          AM VÂN: Am là cái chùa nhỏ của các nhà tu ở; vân là mây. Am người ta thường cất ở trên núi xa và cao có mây bao tuyết phủ nên gọi là am vân, như “Bạch Vân Am” của Cụ Trạng Trình thuở xưa. Cổ thi có câu:

                   “Nghĩ cuộc thế vần xoay tráo chác,

                     Nương am vân núp bóng Phật đà”.

          THAM SÂN: Tham lam và sân hận, hai điều trong  ý nghiệp, nhưng chữ tham sân ở đây còn có nghĩa chỉ người ham sân si gây gổ. Người tu hành mà còn chứa chấp lòng sân hận thì không bao giờ kết quả.

          Kinh Phật có câu:“Nhứt niệm Sân Tâm chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh Công Đức chi sơn”.(Một đóm lửa sân hận dấy lên, nó sẽ đốt cháy cả rừng núi công đức của mình).

          Khi xưa, ông Uất Đầu Lâm Phát đang ngồi Thiền định dựa bờ suối, bên cạnh rừng cây, bỗng các loài chim từ đâu bay đến kêu hót vang rừng, còn cá dưới suối thì ăn móng đập đuôi làm tâm ông tán loạn, không Thiền định được. Ông liền nổi sân thốt ra lời vi phạm ác khẩu:“Ta thề sẽ làm con chồn bay (phi ly) để ăn thịt hết loài chim

 

 

cá nầy, mới nghe cho”. Thời gian sau Ông bị quả báo y như lời thề đó.

          Lại thêm một trường hợp nữa là vua A Kỳ Đạt. Ông suốt đời lo tu hành, với công phước ấy đáng lẽ khi bỏ xác, vua được lên thiên đường, nhưng vì chưa dứt được lòng sân hận, lúc gần lâm chung, người hầu vô ý làm rớt cây quạt trúng mặt vua. Vua giận dữ rồi tắt thở, linh hồn bị “Cận Tử Nghiệp” dẫn đi đầu thai vào loài rắn, sau nhờ một vị sa môn hóa độ, vua mới được sanh thiên.

          Xét theo đây, nếu người tu còn tham sân ắt gặp nhiều chướng ngại, khó mong thành quả. Trong Kinh Di Giáo Phật có dạy:“Lòng nóng giận còn hơn ngọn lửa, các

người khá nên đề phòng, chớ để nó xâm nhập vào Tâm. Con giặc cướp giựt công đức không gì hơn nóng giận. (Sân tâm thậm ư mãnh hỏa, thường phòng hộ, vô linh đắc nhập, kiếp công đức tặc, vô quá sân nhuế).

          Đức Thầy nay cũng dạy:

                   “Chữ gây gổ là sân hãy diệt,

               Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng”.

          HAM TIỀN BỊ XÍCH XIỀNG TRÓI THÂN: Ý nói người quá tham lam tiền của, lo tính hành động tội lỗi thì sớm muộn gì cũng vương cảnh thống khổ, như người tội trong lao ngục luôn bị gông xiềng trói buộc.

          Đức Thầy thường cảnh giác:

                   “Tham chi giả tạm của tiền,

               Như chim vào lưới xích xiềng trói thân”.

                                                (Hoài Cổ)

          Lúc Đức Phật còn trụ thế, một hôm Ngài cùng đại chúng đang tiến hành trên lộ lớn, bỗng nhiên Ngài dừng

 

 

lại và dắt đoàn người rẽ vào con đường nhỏ. Thấy thế, ông A Nan liền bạch hỏi nguyên do ?

          Phật bảo:“ Ở trước kia có oán tặc đón đường, chốc nữa đây sẽ có ba Phạm Chí đến đó bị tai hại không tránh được. Các ngươi hãy đi nhanh, rời khỏi nơi đây !”

          Sau mấy phút ba người Phạm Chí đi tới, đồng xí được một cái túi đầy ắp vàng bạc nằm dựa bệ đường. Ba người mừng rỡ cùng nhau bàn tính: Giờ Trời đã trưa, bụng lại đói, vậy hai người ở lại giữ vàng còn một người xuống chợ mua thức ăn về, cùng nhau ăn uống rồi sẽ lên đường. Phân công xong, người đi chợ vừa đi vừa nghĩ:“Số vàng nầy ta chỉ chia được một phần ba thì uổng quá, chi bằng mua độc dược thuốc hai đứa nó để mình ta

trọn hưởng”. Khi đến chợ Phạm Chí nầy ăn uống no say rồi mua thuốc độc tẩm vào thức ăn xách về.

          Còn hai Phạm Chí ở lại cũng sanh lòng tham, cùng nhau liệu kế giết người đi chợ để loạt luôn phần của y. Phạm Chí đi chợ xách thức ăn về vừa tới, bất ngờ bị hai người kia hạ sát, thi hành xong thủ đoạn, họ ném thây người ấy vào bụi rậm rồi lấy thức ăn trong xách ra dùng, lát sau thuốc độc thấm vào hai người đều nhào lăn ra chết cả.

          Mẩu chuyện kể trên, cho ta thấy người đời ham tiền còn phải bị tiền của trói buộc vào khổ tử; huống lại kẻ tu hành đã đem thân vào núi non am cốc nếu còn tham tiền bạc của bá gia dâng cúng, như các Tăng Ni ở miền Bảy Núi mà Đức Thầy đã đề cập trong đoạn giảng kể trên thì biết bao giờ họ gặp được Phật Tiên.

 

CHÁNH VĂN

                  

                   731.“Lìa xa Bảy-Núi lần lần,

         Xuống thuyền trực chỉ lên gần Hà-Tiên.

                   Đến đây giả Kẻ Không Tiền,

         734. Rảo khắp thị-thiềng xin-xỏ bá-gia.

                   Đi rồi cũng quá thiết-tha,

         Trở về non cũ đặng mà dạo chơi.

                   Non Tiên gió mát thảnh-thơi,

         738. Nhưng nhớ việc đời lụy ngọc nhỏ sa.

                   Xuống trần lúc hát lúc ca,

          Mà trong lê-thứ có mà biết chi.

                   Nam-mô hai chữ từ-bi,

         742. Trần-hạ nói gì đây cũng làm thinh.

                   Tu thời nhàn hạ thân mình,

         Phần Điên khuyên nhủ mặc tình ghét ưa.

                   Thiên-cơ ai dám nói thừa,

          746. Mà trong bá tánh chẳng ưa Điên Khùng”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 731 đến câu 746)

          -Khi Đức Thầy rời khỏi Bảy Núi, liền xuống thuyền lướt thẳng đến Hà Tiên. Nơi đây, Ngài giả ra người nghèo khó, rảo khắp chợ để xin tiền bá tánh, nhưng ít có người đoái thương kẻ cơ bần. Lòng Ngài quá xót xa bèn trở về non cũ, nơi mà trước kia Ngài đã tu hành chứng đắc. Song vì lòng từ bi của đấng Giác Ngộ, không nỡ riêng hưởng chốn an nhàn tự tại. Lúc nào Ngài cũng nghĩ đến sanh linh đang chìm đắm trong bể mê sông khổ, thế nên dù cho:“Bể trần sóng cuộc lao xao”, Ngài cũng quyết chí:

      “Xông thuyền Bát Nhã lướt vào một phen”.(Tự Thán)

           

 

 

 

            -Tuy lời giác tỉnh của Ngài chưa được bao người để ý, nhưng Ngài vẫn giác đời mãi mãi:

               Dù đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu”.(Tự Thán)

          -Chúng sanh nào biết cải ác tùng thiện thì sau nầy được hưởng cảnh thanh bình, bằng ai không thích ưa cũng mặc, chớ cơ mầu nhiệm của Trời Phật, Ngài không bao giờ dám nói dư một điều.

 

CHÚ THÍCH

          HÀ TIÊN: Nguyên là phủ Sài Mạt của Chân Lạp do Mạc Cửu và số người Quảng Đông khai mở. Mạc Cửu được vua Miên phong chức Ốc Nha (như Tỉnh Trưởng) cai quản vùng ấy. Đến năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục Chúa Nguyễn; năm 1867 Pháp lấy trọn miền Nam, Hà Tiên là tỉnh thứ 3 của 20 tỉnh Nam kỳ, năm 1956 được sát nhập với tỉnh Rạch Giá để thành tỉnh mới, là Kiên Giang. Hà Tiên trở thành một quận có 8 xã.

          NON CŨ: Chỉ núi TÀ LƠN, một ngọn núi nằm trọn trên đất Miên, đây là nơi đức Cử Đa (ông Điên) tu hành đắc Đạo.

          LỤY NGỌC: Cũng là lệ ngọc, tức là giọt nước mắt rơi xuống như từng hột ngọc rơi. Thường chỉ cho nước mắt của người cao quí, sang đẹp.

          Trong Sám Giảng Q.3 có câu:

                    “Trước đền mặt ngọc lụy rưng,

                Quí yêu bá tánh biết chừng nào nguôi”.

          NAM MÔ: (Xem chú thích câu 29, Q.1)

          TỪ BI: (Xem chú thích đoạn 2 bài Sứ Mạng)

          NHÀN HẠ: Thong thả rảnh rang, không còn vướng bận nợ trần tục. Kệ Dân, Q.2 có câu:

 

“Tương với muối cháo rau đạm bạc,

Nghèo lương hiền biết niệm Di Đà.

Mà mai sau thoát khỏi tinh ma,

Lại được thấy cảnh Tiên nhàn hạ”. 

 

CHÁNH VĂN

                   747.“Xuống thuyền chèo quế thung-dung,

         Đi dạy đủ chỗ khắp cùng thử coi.

                   Rạch-Giá chợ nọ thoi-loi,

          750. Gần nơi ven biển cá mòi nhiều hơn.

                   Tới đây giả Kẻ Có Cơn,

         Khi say khi tỉnh lúc hờn số căn.

                   Dương-trần đi lại lăng-xăng,

        754. Chê chê nhạo nhạo cười rằng quân điên.

                   Ở đâu mà tới thị-thiềng,

         Lính chẳng bắt xiềng nó lại bót đi.

                   Lòng thương vì tánh từ-bi,

         758. Dạy-dỗ chuyện cùng mà chẳng ai nghe”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 747 đến câu 758)

          -Giảng dân ở Hà Tiên xong, Đức Giáo Chủ thong thả chèo thuyền xuống Rạch Giá, một cái chợ nằm ở tại cái doi đất sát bờ biển, dân chúng vùng nầy, đa số sống nghề ngư nghiệp, nơi mà người ta đánh lưới được cá mòi nhiều hơn hết.

          -Đến đây Ngài giả ra người không thiệt tánh, khi thì hờn trách phận duyên, lúc lại nói thiên cơ đạo lý, bá tánh kẻ qua người lại, chê cười, nhiếc mắng đủ cách, họ còn nói: Lính sao không bắt quách người điên nầy đem về nhốt đi cho trống chợ. Thấy đời quá lăng mạ, mê si,

 

Đức Thầy động lòng thương, nên Ngài giảng rõ việc đời khổ não sắp xảy ra, nhưng bá tánh ở đây ít người nghe đến.

CHÚ THÍCH

          CHÈO QUẾ: (Xem chú thích câu 176. Q.1)

          THUNG DUNG: Cũng gọi là thong dong. Có nghĩa rảnh rang thong thả, không bận rộn, không còn phải lo nghĩ:

          “Tẩy trần vui chén thong dong”.(Truyện Kiều)

          RẠCH GIÁ: Tỉnh thứ Tư của Nam kỳ thời Pháp thuộc; năm 1956 nhập với Hà Tiên và đảo Phú Quốc để thành tỉnh Kiên Giang. Xưa là xã Giá Khê do Mạc Cửu lập ra và sát nhập vào Phong ấp Hà Tiên (năm 1915 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu), năm Ất Mão (1735) Mạc Thiên Tích lập thành tỉnh Kiên Giang của trấn Hà Tiên.

          VEN BIỂN: Bờ biển, dọc theo mé biển.

          THOI LOI: Cũng gọi là doi hay thỏi đất, mũi đất nhỏ nằm thòng ra sông, ra biển. Ví dụ gần thoi loi thường có sóng to.

          CÁ MÒI: Tên một loài cá biển, vảy mềm, xương nhiều và nhỏ, ngọt thịt, thường lội từng đàn hằng ngàn con.

          KẺ CÓ CƠN: Người không thiệt tánh, mất trí từng hồi. Ví dụ cho người nọ có cơn, tánh khi vui khi buồn bất thường.

          SỐ CĂN: Cũng gọi là căn số hay số kiếp, căn phần có sẵn của mỗi người, hoặc của chung tất cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn